Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1370772
AI ĐƯỢC CHA GIÁO HUẤN THÌ ĐẾN VỚI TA
Người Do Thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”.
Họ nói: “ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”
Theo truyền thống thiêng liêng qua mọi thời đại, chúng ta có thể nghĩ rằng không có một chi tiết nào trong Thánh Kinh là vô ích hay tầm thường. Nếu những “thính giả đầu tiên” của Đức Giêsu đã “phản đối” khi họ nghe nói về “Thánh Lễ” chắc điều này phải có ý nghĩa. Không phải chỉ có ngày nay con người mới khước từ Mầu nhiệm Trung tâm của đức tin. Sự khước từ hiện nay của nhiều người trẻ cũng như người trưởng thành không phải là một chuyện mới mẻ: việc này đã bắt đầu từ thời Đức Giêsu, khi chính Người đã giảng giải và dạy giáo lý! Trước hết chúng ta hãy khiêm tốn nhận biết lời xác quyết của Đức Giêsu thật to lớn. Chúng ta nên nhìn nhận rằng người, không tin không phải là một kẻ bất bình thường. Họ sống theo “lý trí” của con người một cách hoàn toàn tự nhiên. Điều này càng nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của đức tin; đức tin không chỉ giới hạn vào những quan điểm hợp lý mà thôi. “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống”. Đây là cao vọng chưa từng thấy của một người thợ mộc thấp bé ở làng bên cạnh, mà người ta biết rõ cha mẹ. Đức Gỉêsu đã phản ứng thế nào, hôm đó (và hôm nay) trước sự khước từ “bánh bởi trời”?
Đức Giêsu bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy. và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”.
Ngay từ đầu, Đức Giêsu đã đứng trên một bình diện khác với lý trí của con người. Đó là điều mà chúng ta thường gọi là “ân sủng” hay nói cách khác, đó là sáng kiến của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói, cần phải có sự soi sáng bên trong của Thiên Chúa là đức tin, để thấu ‘hiểu được những việc của Thiên Chúa, để “đến với Đức Gíêsu”. Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa. Đấng siêu việt không phải là một thực tại nhỏ bé nằm trong tầm hiểu của bộ óc con người hay của máy móc khoa học: Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, vượt cao hơn tất cả. Hãy để cho Chúa dạy bảo chúng ta. Phải đón nhận “Lời Chúa”, lời từ một nơi khác đến với chúng ta.
Có lẽ chúng ta chưa nghe Đức Giêsu nói cách đầy đủ. Hỡi bạn trẻ, bạn cho rằng Thánh lễ “chẳng có gì hấp dẫn”, bạn hãy ra khỏi chân trời nhỏ bé của bạn, hãy bước vào cuộc phiêu lưu. Trước tiên, Thánh lễ không bao giờ là một hiện tượng văn hóa, xã hội hay mỹ thuật. Thánh lễ là mầu nhiệm của “sự hiện diện”, tiếng Hêbrơ gọi là “Shekinnar” có nghĩa là “sự cư ngụ thực sự” của Thiên Chúa siêu việt trên địa cầu của chúng ta.
Bạn tìm cái gì khi bạn đi dự lễ? Nhạc “bình ca” hay nhạc “tân thời”? Chỗ nương tựa để bạn bảo thủ cương vị của mình cách an toàn, hay hứng khởi giúp bạn dấn thân đổi mới? Những bầu khí đó không phải là vô ích. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng Chúa là Đấng chúng ta phải tìm kiếm. Đến với Đức Giêsu là một “hồng phúc của Thiên Chúa”. Một thứ ân sủng: “Bạn hãy đưa tay ra, hỡi người anh em, hãy mở rộng bàn tay hãy đón nhận Man-na, đón nhận lời Chúa”.
Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Cha, thì sẽ đến với Tôi.
Đức Giêsu có một tư tưởng rất tinh tế. Không, lao vào một cuộc tranh cãi thần học nào, không bút chiến. Người khẳng định:
– Vai trò ưu tiên của “ân sủng”, một sáng kiến của Chúa mà chúng ta phải nhận lãnh.
Vai trò cốt yếu của tự do, đặc chất của con người, luôn đòi hỏi một nỗ lực. Chính Chúa Cha “lôi kéo”, “dạy bảo” và “đề nghị”. Nhưng con người có thể “lắng nghe” và đáp lại hay bịt kín lỗ tai và từ chối.
Chỉ có những kẻ nào ưng thuận “lắng nghe lời dạy của Chúa Cha” mới có thể bước vào mầu nhiệm “Bánh hằng sống”. Nhưng ta sẽ sai lầm nếu chỉ hiểu câu nói của Đức Giêsu theo nghĩa hẹp. Vì thế Đức Giêsu đã nói: “Có một số người được Chúa Cha lôi kéo đến đón nhận ân sủng”. Người vừa nhấn mạnh: “Tất cả họ đều được Thiên Chúa dạy dỗ”. Do đó sự khác biệt trong thái độ, chính là sự khác biệt trong cách lắng nghe. Về phía Chúa, ân sủng được ban cho tất cả mọi người. Nhưng về phía con người tự do, họ có thể chối từ Thiên Chúa. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (Ga 1,11).
Lạy Chúa chúng con đang chờ đón Chúa. Này, đây đôi tay chúng con đang giang rộng…
Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.
Một cách rõ ràng, Đức Giêsu muốn mang đến cho chúng ta một cái gì khác hơn là một ý thức hệ, một thứ luân lý, mỹ thuật hay chính, trị. “Ngôi vị Thiên Chúa” đã đột nhập trong lịch sử nhân loại: Người khẳng định, Người từ Thiên Chúa mà đến, và là “Đấng duy nhất” biết rõ về Thiên Chúa. Người là sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta. Vậy chúng ta chớ ngạc nhiên khi thấy Thánh lễ thật kỳ diệu lạ lùng. Đó là nơi gặp gỡ của Đấng vô hình, của Đấng tuyệt đối, của Thiên Chúa. Đó là cuộc phiêu lưu tuyệt vời đòi phải vượt qua những quan điểm thông thường nhân loại, Thánh lễ là một “lỗ hổng”… một sự mở rộng nhiệm mầu u nới bức tường lý trí hay lý luận của chúng ta: Thánh lễ có thể đưa chúng ta vào lãnh vực rất bí ẩn của Thiên Chúa.
Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ.
Đức Giêsu không dè giữ lời nói. Người đặt hàng rào chắn rất cao. Vượt qua được khó khăn đó, để gặp gỡ Chúa, thành tích của ta thật là hiển hách. Văn sĩ Peguy nói: Bí tích Thánh Thể, Bánh hằng sống, không phải là những chuyện tầm thường ngang tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm vượt trên những gì hữu hình. Không ai đã thầy bao giờ. Vậy để thấy rõ hơn có lẽ chúng ta sẽ nhắm hẳn mắt lại, tránh mọi sự chia trí trong thế giới hữu hình, để tập trung vào cái vô hình.
Ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.
Đây là những lời nói lạ kỳ, hầu như không chấp nhận được khi ta biết rằng những lời này đã được một người có vẻ như mọi người, nói lên vào một ngày kia, bên bờ một hồ nhỏ tại Ca-phác-na-um trên hành tinh chúng ta. Sự việc Thiên Chúa đột nhập trong con người, đã gây ra ngạc nhiên biết bao. Ngạc nhiên như việc “sáng tạo đầu tiên từ hư không”.
Chúng ta hãy để ý thì hiện tại: “Họ có sự sống đời đời” và thì tương lai: “Tôi sẽ cho người ấy sống lại”.
Tôi là bánh trường sinh.
Ở đây chúng ta gặp lại sự khẳng định mạnh mẽ của Thánh kinh, định nghĩa Thiên Chúa như là “Đấng hiện hữu YAHVEH”. Đó là 4 chữ không xóa nhòa được, chỉ có 4 phụ âm (vì tiếng Hêbrơ chỉ viết có phụ âm) mà không một người Do Thái nào dám đọc 4 chữ này, người Do Thái thay thế 4 chữ này bằng Adonai, (Đức Chúa). Còn Chúa Giêsu thì dám nói: “Tôi hiện hữu”, “Tôi là Bánh hằng sống”.
Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.
Ở đây chỉ đặt vấn đề “sự sống”. Sau khi đã nói về “Bánh ban sự sống” (o artos tès zoès) bây giờ Đức Giêsu nói về “Bánh hằng sống” (o artos ozôn). Cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Sáng Thế 3,22) khẳng định con người (‘Ađam’ trong tiếng Hêbrơ) đã được tạo nên để sống vĩnh cửu do “cây hằng sống” mà con người có thể ăn những trái thần thiêng của cây này. Và cuốn sách mạc khải cuối cùng (Khải Huyền) khẳng định khi việc sáng tạo chấm dứt, sẽ không có sự chết nữa. “Ta sẽ cho kẻ chiến thắng ăn cây hằng sống trong vườn của Thiên Chúa”. Đó là sự lặp lại và là sự thành công trong chương trình ban đầu của Thiên Chúa.
Do đó Chúa Giêsu đã khẳng định với những nông dân Galilê thời xưa, cũng như với chúng ta ngày nay rằng, sự “bất tử”, sự sống không chết “này nhờ đức tin” đã được ban cho những người, không còn phải ăn “cây hằng sống”, nữa mà là “bánh hằng sống”: Là chính Đức Giêsu. Ta có thể thắc mắc, những kẻ rước Mình Thánh Đức Giêsu cũng đã chết như mọi người? Nhưng rõ ràng ta không còn ở trong phạm vi nhân loại nữa nghĩa là trong lãnh vực các sự vật “hữu hình”: Không ai đã thấy cái “vô hình” không ai có thể chứng minh là không có một “sự sống” vô hình. Điều đó không thuộc lãnh vực “lý trí”. Nhưng tại sao chúng ta không để cho “Chúa Cha dạy bảo”? Tại sao chúng ta lại không tin Người?
Từ chối sự “dâng hiến” siêu việt này, là đánh mất ngay từ bây giờ sự sống vô hình, là tự phó mình cho hư không, cho tính hữu hạn thuộc bản chất tự nhiên của con người: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt” (Ga 3,6). Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp để “ban cho” chúng ta sự sống, tuyệt đối vĩnh cửu của Người?
Lạy Chúa này đây tay chúng con đang giơ cao để đón nhận hồng ân đó.
Và bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt Tôi để cho thế gian được sống.
An sủng của Thiên Chúa, tự nó là vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu Kitô. Tinh yêu của Thiên Chúa, phi thường, nhưng ẩn dấu, đã tự tỏ lộ ra và trở nên “cảm thấy được”; đó là Chúa Giêsu bị đóng đinh, là Thịt và Máu của Người đã được hiến tế. Ngôi Lời Thiên Chúa đã không chỉ nói với chúng ta bằng lời mà còn bằng hành động: “Trao hiến thịt mình, phó nộp thân mình, đó là dấu chỉ tình yêu trọn vẹn.
Chúng ta hãy đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa đang ban Thịt Máu Người cho chúng ta và trở nên sự sống cho chúng ta.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- B
BÁNH HẰNG SỐNG TỪ TRỜI XUỐNG- Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
*1).Bỏ qua “những lời sầm xì phản đối”
Hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục tìm hiểu bài ‘diễn từ về Bánh hằng sống” đã khởi sự được đọc từ Chúa nhật trước. Đức Giêsu vừa long trọng khẳng định: “Tôi là bánh từ trời xuống”. Manna là của ăn tạm bợ, mau hư nát phải gợi lên cho con cái lsrael một cơn đói khác: đói Lời Chúa, một thứ lương thực duy nhất có khả năng làm cho lòng người được no đầy phỉ chí. Còn trổi vượt hơn manna kỳ diệu, Đức Giêsu tự xưng là “Bánh Trường sinh là mạc khải quyết định, nên nghe Người là được mời dùng bữa, hấp thụ lời Người trở thành lương thực đem lại kết quả là sự sống. Chúa nói tiếp: “Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.
Lời tuyên bố này vì có tính cách thúc ép họ phải xác định lập trường đối với Đức Giêsu, nên khiến cho quan hệ đôi bên trở nên tồi tệ: từ ngộ nhận này đến ngộ nhận khác đánh dấu hồi đầu của cuộc đối thoại, người ta đi tới thái độ không hiểu và chống đối.
Những điềm báo trước sự đổ vỡ này được Tin Mừng Gioan mô tả trong ba nét sau:
– Trước tiên đã có sự thay đổi từ vựng. Trước đây, thánh sử dùng những từ “đám đông” hoặc “dân chúng” để chỉ đám người Galilê. Chúa nói: Từ nay, Ngài sẽ nói là những người Do Thái, hiểu nơi này trong Tin Mừng Gioan không có ý chỉ dân Do Thái chút nào, mà được hiểu là những chức sắc tôn giáo ở Giêrusalem, họ là những người đã có lập trường chống đối Đức Giêsu. Kiểu nói đó, hiểu rộng ra cũng ám chỉ tất cả những kẻ đã từ chối tiếp nhận Chúa.
Thứ đến là việc lặp đi lặp lại hai động từ “xầm xì phăn đối” để nêu bật những phản ứng tiêu cực trong bụng dạ họ thay cho những thỉnh cầu tỏ tường và trực tiếp lúc ban đầu. Những động từ này rõ ràng mang âm hưởng Kinh Thánh vì gợi cho người ta nhớ đến thái độ phản loạn của con cái Israel trong hành trình ở sa mạc. X. Léon-dufour giải thích: “Trung thành với câu chuyện về manna trong sa mạc được làm nên cho cả chương sách, thánh sử với những thính giả của Đức Giêsu lúc này như thế hệ của những người trong sa mạc xưa: “họ xì xầm, phản đối”, những khác nào cha ông họ xưa tỏ ra cứng đầu cứng cổ, bị cơn đói dày vò, đã buông lời kêu trách ông Môsê vì đã dẫn đưa họ ra khỏi đất Ai Cập. Mối liên hệ giữa hai bản văn là sự thiếu lòng tin (…) Trong sa mạc khi những người Do Thái xì xầm phăn đối ông Môsê, ông đã trả lời rằng không phải họ đã phản đối ông, mà chính là đã phản đối Đức Giavê vậy”. Có thể là Gioan thích dùng động từ “xì xầm phản đối” hơn bất cứ động từ nào khác, vì từ ấy thích hợp hơn để gợi ý rằng từ chối tin vào Đức Giêsu chính là từ chối đi theo chương trình của chính Thiên Chúa vậy. Ở 6,35-40, Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến việc Người được “Chúa Cha sai đến và người hoàn toàn làm trọn ý Cha Người” (“Lecture de l’evangile selon Jean”; cuốn 11, trang 152).
Sau cùng có vấn nạn gay gắt họ đưa ra: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống”. Họ nghĩ bụng: “Quả thực, có thể nhìn nhận cái gốc gác thần linh ông ta đòi, nơi một kẻ mà người ta biết rõ cả gia đình, nghề nghiệp và địa vị xã hội được chăng?”
*2).Tiếp đến lòng tin vào Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa sai đến.
Không những không nhẹ giọng, Đức Giêsu còn lên tiếng mạnh mẽ quả quyết rằng Người từ Thiên Chúa mà đến, rằng chỉ mình Người đã thấy Chúa Cha. Tin Đức Kitô là tuyên xưng Người có nguồn gốc từ trời, không căn cứ vào những vẻ bề ngoài, không nệ vào những gì ta biết được về liên hệ gia đình và xã hội của Người. Tin chính là khởi đi từ dấu chỉ để học cho biết nhận ra và hết lòng tin cậy vào Đấng Chúa Cha sai đến. Và đó hẳn không phải là chuyện con người một mình tiến hành; chỉ những ai được Chúa Cha lôi kéo mới đến được với Đức Kitô thôi: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu không được Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, lôi kéo người ấy”.
Dựa vào những lời hứa và hình ảnh tiên báo của Cựu Ước, Đức Giêsu liền tuyên bố rằng những lời hứa và hình ảnh ấy nay đang ứng nghiệm nơi bản thân Người.
Vị ngôn sứ xưa đã loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra cho toàn thể dân Người: “Mọi người sẽ được chính Thiên Chúa dạy dỗ” (ls 54,13 và 11,8 hoặc Giê 31,34). Chính bây giờ là lúc Đức Giêsu khẳng định – lời hứa ấy được ứng nghiệm. Người còn nói với họ: Chính bây giờ là lúc Chúa Cha kêu gọi các ông và lôi kéo các ông đấy, bởi lẽ lời dạy dỗ của Tôi là lời dạy dỗ của Chúa Cha; người mà các ông chỉ muốn coi là “con ông Giuse” chính là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo trước.
Manna, lương thực lạ lùng đấy, nhưng tạm bợ, đã không thể giữ cho lớp người ở sa mạc khỏi phải chết. Còn Đức Giêsu, vì Người bởi Thiên Chúa mà đến, mới thực là “bánh hằng sống”, bánh đem lại phúc trường sinh: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, ai ăn thì khỏi phải chết”.
Ở câu 51: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”, Đức Giêsu loan báo cái chết của Người là ân huệ, một ân huệ nguồn sống. Đây là câu chuyển tiếp sang phần hai của “Diễn từ về Bánh hằng sống” chúng ta sẽ đọc vào Chúa nhật tới.
A.Marchadour muốn lưu ý ta rằng: “Trong bối cảnh lịch sử rõ ràng là bài diễn từ về bánh hằng sống này không thể trực tiếp ngụ ý nói về bí tích Thánh Thể, càng không thể hiểu được là bữa ăn sau hết, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Vậy ta nên coi đây là mặc khải về chính bản thân con người Đức Giêsu. Nhưng vì được viết sau Phục sinh, cùng với những từ ngữ mang âm sắc mạnh mẽ của việc cử hành Thánh Thể, thì rõ ràng là toàn bộ chương 6 là một bài diễn từ gợi lại cùng một lúc lòng tin và bí tích Thánh Thể với một tỉ lệ đảo ngược: từ câu 51-52 trở đi, nốt chủ âm là bí tích Thánh Thể (51/71), còn từ đầu chương cho đến câu 51, thì lòng tin vào Đức Giêsu Đấng Mạc Khải chính là nốt chủ âm thứ nhất (1/51) vậy. (Sđd, trang 107)
BÀI ĐỌC THÊM
*1).“Sâu thẳm lòng tin” (Đức Cha L.Daloz, trong ‘Nous avons vu sa Gloire’, Desclée de Brouwer, trang 85-86).
Những lời Chúa nói gây nên trong đám đông một cuộc tranh luận sôi nổi. Như Cộng đồng Israel trong sa mạc, vì sợ chết đói, nên đã xầm xì phản đối hai ông Môsê và Aaron thế nào, thì những người Do Thái, như Tin Mừng cho biết, cũng bắt đầu xầm xì phản đối Đức Giêsu như vậy. Lời quả quyết của Người có vẻ lố bịch: ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả. Vấn đề nhân tính của Đức Giêsu được họ đặt ra rất gay gắt. Con người này, người ta biết rõ gia đình của ông, thế mà ông ấy lại quả quyết mình từ trời xuống! Đó là cái nút thắt của mầu nhiệm mà sau này các Công đồng và các nhà thần học sẽ cố gắng tập trung nghiên cứu, mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Con vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Vào thời điểm Tin Mừng Gioan được viết ra, các tín hữu đã suy niệm mầu nhiệm này rồi, nên không lạ gì mầu nhiệm ấy đã được trình bày cho chúng ta một cách khá rõ ràng.
Đây là một vấn đề luôn có tính thời sự. Cả chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm này nữa, nếu ta muốn tiếp nhận Đức Giêsu đúng như chân tính của Người: vừa gần gũi vừa khiến ta ngỡ ngàng, vừa dễ hiểu vừa nhiệm mầu. Để được như vậy, thì ta cần phải để cho Chúa Cha lôi kéo, để Người nói với con tim ta: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy”. Đức Giêsu vừa rất gần gũi, rất người, mà cũng xa cách biết bao. Để nhận biết Người cho đúng, ta phải “đến với Người”. Trong con người Giêsu ấy mà ta tưởng là đã nắm được lý lịch, ta sẽ khám phá ra Đấng đã thấy Chúa Cha, Đấng có quyền cho mọi người sống lại trong ngày sau hết. Đức tin ngay từ bây giờ đưa ta đi vào cuộc sống đời đời: “Thật, tôi bảo thật các ông ai tin thì được sự sống đời đời”. Đây chính là một giai đoạn mà ta phải quyết định. Đằng sau vẻ ồ ạt bên ngoài của đám đông theo Đức Giêsu vì Người đã thỏa mãn nhu cầu cơm bánh của họ, đằng sau ngay cả vẻ tán đồng của các môn đệ vì đã nhìn thấy qua các dấu chỉ của Người, vinh quang Chúa tỏ hiện, thì bước sau cùng tiến đến lòng tin vẫn là ngoan ngoãn để Chúa Cha lôi kéo. Những con mắt thịt của ta chỉ có thể trông thấy những cái bên ngoài; còn trực giác của ta chỉ có thể làm cho ta cảm nghiệm được mầu nhiệm. Việc tuyên xưng niềm tiến chỉ nảy ra trong lòng và tràn trên môi miệng ta nấu Thiên Chúa rọi sáng cho con mắt tâm hồn của ta và ta được ánh sáng hướng dẫn. Ta có lòng tin sâu thẳm khi trong mật thiết sâu xa và huyền nhiệm Chúa đến gần gũi ta và ta tự do dâng hiến toàn thân và dấn thân cho Người
*2). “Chúng ta có tránh khỏi sầm xì không”. (H.Vulliez, trong “Dieu si proche, Năm B”, Desclée de Brouwer, tr. 137).
Khi những tiếng xầm xì, nhỏ to nổi lên từ một đám đông, thật đáng buồn. Những lời xầm xì nham hiểm, tệ hơn những lời phản đối mạnh mẽ! Không có gì đáng sợ và có sức phá hoại hơn thái độ khinh thị ngạo mạn này. Khi lang thang trong sa mạc, dân Do Thái đã luyến tiếc “những củ hành và miếng thịt” của Ai Cập mà quên đi kiếp nô lệ phũ phàng đã phải chịu. Họ bắt đầu xầm xì phản đối ông Môsê và Aaron.
Thực ra chính là họ đứng lên chống lại chính Thiên Chúa. Trong cả bộ Kinh Thánh, từ “xầm xì phản đối” đều có một ý nghĩa đạo đức nhất định. Đó sẽ là sự biểu lộ thái độ ngoan cố chối từ kế hoạch Chúa muốn cho con người. Như ta thấy biểu lộ trong phần đầu chương 6, Tin Mừng Gioan: những người lãnh đạo Do Thái giáo chối từ “bánh hằng sống”. Xa hơn (Ga 6,61) ta thấy thái độ chối từ của chính các môn đệ. Những lời xầm xì thường là thái độ chối từ chưa dám đem niêm yết công khai vậy.
Liệu chúng ta có tránh khỏi thái độ xầm xì không?
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- B
TỪ LỜI HẰNG SỐNG ĐẾN THÁNH THỂ(*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Diễn từ về Bánh Hằng Sống tiếp tục ngự trị Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XIX này.
1V 19: 4-8
Bài Đọc I thuật lại một trong những chuyện tích tâm linh rất phong phú về cuộc đời của ngôn sứ Ê-li-a. Bị trục xuất khỏi vương quốc miền Bắc, đơn độc và chán nản trong sa mạc, ngôn sứ Ê-li-a được thần lương bồi dưỡng lấy lại sức lực và thẳng tiến đến núi thánh của Đức Chúa.
Ep 4: 30-5: 2
Trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô đưa ra cho các Ki-tô hữu mẫu gương hoàn thiện theo Ba Ngôi Thiên Chúa: sống theo Thần Khí, bắt chước Chúa Cha, thực hành đức ái như Đức Giê-su.
Ga 6: 41-51
Tin Mừng tiếp tục giới thiệu diễn từ về Bánh Hằng Sống, trong đó Chúa Giê-su công bố Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, nguồn sống đời đời cho nhân loại.
BÀI ĐỌC I (1V 19: 4-8)
Đây là một trong những chuyện tích tâm linh rất phong phú về cuộc đời của ngôn sứ Ê-li-a, vị ngôn sứ sống vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên trong vương quốc phương Bắc, vào thời vua A-kháp trị vì (874-853 B.C.).
*1.Bối cảnh lịch sử:
Vua A-kháp chẳng những kết hôn với công chúa I-de-ven ngoại giáo, lại còn khuyến khích phụng thờ thần Ba-an. Vua lập một bàn thờ để kính thần Ba-an trong đền thờ mà vua đã xây dựng tại thành đô Sa-ma-ri. Hoàng hậu I-de-ven không những nhiệt thành truyền bá việc tôn thờ thần Ba-an trong vương quốc Ít-ra-en miền Bắc, nhưng còn cho các ngôn sứ của thần Ba-an ở trong dinh thự của bà ở thành đô Sa-ma-ri.
Ngôn sứ Ê-li-a kịch liệt chống lại việc thờ thần ngoại giáo nầy. Ông đã đạt được một chiến thắng vang dội của Thiên Chúa Ít-ra-en trên thần Ba-an ở trên núi Các-men. Trong một cuộc thách đố, hy lễ và khẩn nguyện mà các ngôn sứ của thần Ba-an dâng lên cho thần Ba-an để xin thần cho mưa xuống vào thời kỳ hạn hán, chẳng đem lại kết quả gì; trái lại, hy lễ và khẩn nguyện mà ngôn sứ Ê-li-a dâng lên Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, được nhậm lời ngay lập tức. Do đó, dân chúng nỗi giận giết chết các ngôn sứ của thần Ba-an. Khi nghe biết, hoàng hậu I-de-ven nổi cơn thịnh nộ ra lệnh giết ngôn sứ Ê-li-a, vì thế ông phải trốn chạy để bảo vệ mạng sống mình.
*2.Cuộc hành trình lên núi thánh.
Ngôn sứ Ê-li-a lên đường hướng về sa mạc, với ý định đến núi Kho-rếp (cũng còn được gọi là núi Xi-nai). Ông muốn đi lại lộ trình mà trước đây ông Mô-sê đã đi để tôi luyện niềm tin của mình ở nơi mà Đức Chúa đã tỏ mình ra. Sau một ngày đường trong sa mạc, vị ngôn sứ kiệt sức và chán nản muốn bỏ cuộc, vì vậy ông cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (19: 4). Lời khẩn nguyện của ông ám chỉ đến những người Do thái phải chết trong sa mạc mà không được nhìn thấy Đất Hứa vì họ đã nghi ngờ.
Vị ngôn sứ vốn nổi tiếng là người nhiệt thành bất khuất của Đức Chúa đã phải chán nản ngã lòng đến như vậy. Thình lình một thiên sứ xuất hiện gọi vị ngôn sứ: “Dậy mà ăn!” (19: 5). Ông đưa mắt nhìn thấy một chiếc bánh nướng và một hũ nước đặt sẳn bên cạnh ông. Đồ ăn thức uống này thật sự rất quý trong sa mạc hoang vu và nóng cháy nầy.
Nhưng phải can thiệp đến lần thứ hai vị thiên sứ mới có thể lay chuyển vị ngôn sứ. Cuối cùng, nhờ thần lương tiếp sức, vị ngôn sứ lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Ông đi một mạch suốt bốn mươi ngày đêm tới núi Kho-rếp, núi của Thiên Chúa. “Bốn mươi” là con số biểu tượng, đặc biệt gắn liền với kỷ niệm bốn mươi năm dân Do thái hành trình trong sa mạc trên đường về Đất Hứa; cũng là bốn mươi ngày ông Mô-sê ăn chay cầu nguyện trước khi lãnh nhận hai tấm bia Lề Luật. Vị ngôn sứ đã đạt đến đích cuộc hành hương, nhưng sứ mạng của ông chưa hoàn tất. Ông sẽ phải trở về Sa-ma-ri và tiếp tục sứ vụ ngôn sứ của mình.
Bốn trăm năm đã trôi qua giữa ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a. Danh tiếng của hai vị được liên kết với đỉnh núi Khô-rếp, núi thánh của Đức Chúa. Hai nhận vật Cựu Ước danh tiếng lừng lẫy nầy sẽ cùng nhau tái xuất hiện trên đỉnh núi Biến Hình (Mt 17: 3).
BÀI ĐỌC II (Ep 4: 30-32-5: 2).
Chúng ta tiếp tục đọc phần thứ hai thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, phần luân lý và khuyên bảo. Nét đặc trưng của đoạn trích hôm nay chính là lời kêu gọi các tín hữu sống hoàn thiện theo mẫu gương Ba Ngôi Thiên Chúa: sống theo Thánh Thần, bắt chước Chúa Cha và thực hành đức ái như Đức Ki tô.
*1.Sống theo Thần Khí (4: 30-31):
Người tín hữu đã lãnh nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần vào ngày chịu phép Rửa Tội, “để chờ ngày cứu chuộc” (hoặc sau khi qua đời hay vào ngày Đức Ki-tô quang lâm, thánh nhân không xác định). Trong khi chờ đợi, điều quan trọng là sống làm sao đừng làm phiền lòng Chúa Thánh Thần.
Thánh Phao-lô không ngại gợi lên những cách sống làm phiền lòng Thánh Thần. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thất vọng trước những bất tín của dân Ngài, điều nầy thường được diễn tả bằng cơn thịnh nộ hơn sự phiền lòng. Tuy nhiên, sự phiền lòng nầy cũng được gợi lên nhiều lần. Quả thật, ngôn sứ I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ của thời hậu lưu đày, đã minh nhiên kể ra điều nầy bằng những từ ngữ báo trước những từ ngữ của thánh Phao-lô. Trong lời khẩn nguyện thống thiết, vị ngôn sứ nhắc lại những ân huệ mà con cái Ít-ra-en đã nhận được trong suốt lịch sử của mình: “Nhưng chính họ đã nổi loạn, đã làm phiền thần khí thánh của Người” (Is 63: 10). Truyền thống Do thái không quên lời nói táo bạo nầy, như Sách Khôn Ngoan nói về Chúa Thánh Thần: “Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công” (Kn 1: 5).
*2.Bắt chước Chúa Cha (4: 32-5: 1):
Thánh Phao-lô rất hiếm khi khuyên bảo các tín hữu bắt chước Chúa Cha, bởi vì thánh nhân đặt ưu tiên cho việc bắt chước Đức Ki-tô. Chúng ta lưu ý rằng lời kêu mời bắt chước Chúa Cha nầy được dẫn trước bởi việc tha thứ cho nhau: “Biết tha thứ cho nhau” (4: 32), điều này rõ ràng ám chỉ đến kinh Lạy Cha: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6: 12).
*3.Thực hành đức ái như Đức Ki-tô (5: 2):
Lời kêu gọi sống hoàn thiện theo mẫu gương Ba Ngôi Thiên Chúa được hoàn tất ở nơi lời khuyên khẩn thiết: “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta” (5: 2). Lời mời gọi “tha thứ cho nhau” đã dẫn vào lời khuyên bắt chước Chúa Cha như thế nào, thì lời mời gọi “yêu thương nhau” dẫn vào lời khuyên bắt chước Đức Ki-tô cũng như vậy. Tình yêu của Chúa Con đối với nhân loại đã được bày tỏ tuyệt mức qua việc “tự hiến mình làm của lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa”. Thánh Phao-lô lập lại diễn ngữ mà Cựu Ước dùng cho hy tế toàn thiêu, theo đó tế vật được hoàn toàn hỏa tế trên bàn thờ. Đức Ki tô là tế vật hoàn hảo, tận hiến chính bản thân mình.
TIN MỪNG (Ga 6: 41-51)
Chúng ta tiếp tục đọc diễn từ của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống. Trong đoạn trích hôm nay, hướng nhắm của bản văn vẫn là Bánh Hằng Sống, nhưng đề tài trung tâm là đức tin: Đức Giê-su đòi hỏi những người nghe Ngài hãy tin vào Ngài, Đấng ban sự sống vì Ngài từ Chúa Cha mà đến.
Thế nhưng, thánh ký nhấn mạnh ngay “tin” không phải là một chuyện dễ dàng: “Người Do thái xầm xì phản đối”. Danh xưng: “người Do thái”, mang nét nghĩa tiêu cực trong Tin Mừng thứ tư, danh xưng này chỉ rõ những người Do thái cứng lòng tin; trong khi danh xưng “người Ít-ra-en” được dành riêng cho những ai tin vào Đức Giê-su (x. Ga 1: 47). Việc thay đổi danh xưng ở đây rất có ý nghĩa. Theo cách nầy, tác giả loan báo cho chúng ta rằng cuộc tranh luận sắp diễn ra được định vị theo cùng một tuyến phát triển như những cuộc tranh luận đã được tường thuật trước đây (nhất là cuộc tranh luận của chương 5).
*1.Vấn đề đức tin:
“Ông nầy chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (6: 42). Người Do thái có đủ lý do để nghi ngờ những lời nói của Đức Giê-su: Ngài sống ở giữa họ như một người giữa mọi người, bất ngờ tuyên bố mình từ trời xuống. Chúng ta gặp thấy những suy nghĩ tương tự và biết bao những suy nghĩ khác nữa đến từ những người mà thánh Gioan nhắm đến trong thư thứ nhất của mình. Về phương diện lịch sử, nhiều thế hệ sau nầy nẩy sinh những nghi ngờ như thế.
Đức Giê-su trả lời: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy đến với tôi” (6: 44a). Đức tin là một ân ban đến từ Chúa Cha, nhưng cũng đòi hỏi mỗi người phải mở rộng lòng ra mà đón nhận. Đức Giê-su ngầm quở trách những người nghe Ngài không có được một tâm thế sẵn sàng như thế. Có những dấu chỉ mà họ phải biết đọc ra, những thành kiến mà họ phải cởi bỏ, và tiên vàn phải lắng nghe Chúa Cha. Đức Giê-su sẽ khai triển khía cạnh đức tin nầy, nhưng trước hết Ngài muốn tăng cường độ nhạy bén của những người nghe Ngài và thậm chí khơi lên ở nơi họ tính hiếu kỳ: “Và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (6: 44b), để chuẩn bị tâm trí họ đón nhận những mặc khải mà Ngài sắp ban.
Dường như những thính giả của Ngài là những người Biệt Phái, những người chấp nhận thân xác sống lại; trái với những người Xa-đốc, những người từ chối thân xác sống lại. Đức Giê-su tự đặt mình trên lập trường của những người tin vào thân xác sống lại nầy mà tranh luận. Vì thế, Ngài khẳng định rằng chính Ngài nắm giữ quyền cho các vong nhân được sống lại. Cựu Ước đã thiết lập rồi mối liên hệ giữa bàn tiệc Thiên Chúa thiết đãi muôn dân và sự phục sinh, nhất là Is 25: 6-8: “Ngày ấy trên núi nầy, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc… Trên núi nầy, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người”. Ở nơi các sấm ngôn, lời loan báo bàn tiệc cánh chung nhiều lần liên kết với bàn tiệc thiên sai. Đây là điều Đức Giê-su xem ra ám chỉ ở đây.
*2.“Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”:
Khi trích dẫn sấm ngôn của I-sai-a đệ nhị vào thời thiên sai, “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (Is 54: 13), Đức Giê-su muốn thính giả của Ngài hiểu rằng thời điểm nầy đã đến, lời hứa đã được ứng nghiệm ở nơi sự hiện diện cùa Ngài. Khi công bố: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến. chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (6: 46), Đức Giê-su khẳng định nguồn gốc thần linh và giáo huấn siêu việt của Ngài. Ở nơi khác, Đức Giê-su cũng khẳng định như vậy: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki tô” (Ga 17: 3).
Đức Giê-su có chủ ý trích dẫn sấm ngôn I-sai-a, vì sấm ngôn nầy mời gọi dự phần vào bàn tiệc Thiên Chúa thiết đãi cho muôn dân. Ở nơi bàn tiệc thiên sai, Thiên Chúa phục vụ con người không chỉ với Lời Thiên Chúa, lời ban sự sống, nhưng còn với thần lương làm no thỏa mọi ước nguyện của con người.
*3.Từ Lời Hằng Sống đến Thánh Thể:
Những người nghe Ngài là những người Do thái thông thạo Kinh Thánh. Bánh man-na tiên báo bánh hằng sống mà Đức Giê-su ban, bánh từ trời xuống đem lại sự sống đời đời. Đức Giê-su tác động vào tâm trí của họ để họ có thể mở lòng ra mà đón nhận mạc khải của Ngài.
Để làm rõ ra lời khẳng định của Ngài, Đức Giê-su so sánh tính hiệu quả của bánh man-na mà tổ tiên của họ đã ăn với bánh mà Ngài ban khi tuyên bố: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh nầy là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” (6: 48-50). Lần nầy, không rào trước đón sau, Ngài tuyên bố không úp mở: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (6: 51). Thánh Thể được khai mở một cách minh nhiên ngay từ thời điểm này với điểm nhấn trên hy tế.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam