Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 32

Tổng truy cập: 1373744

AI GIỮ MẠNG SỐNG MÌNH THÌ SẼ MẤT

AI GIỮ MẠNG SỐNG MÌNH THÌ SẼ MẤT (*) Chú giải của Noel Quession

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu được cấu tạo trên năm bài giảng của Đức Gỉêsu, kết hợp với năm giai đoạn “Ký thuật”

Dĩ nhiên, đây là những tổng hợp mà Mát-thêu tập họp từ các yếu tố thường được tìm thấy trong các văn cảnh khác trong sách Luca và Mác-cô. Ngày hôm nay chúng ta đọc phần cuối của “Bai giảng về các Tông Đồ”, “bài giảng thứ hai trong soạn thảo của Mát-thêu. Ơ đây, Đức Giêsu cho các Tông Đồ mà Người đã bổ nhiệm” để thay thế Người. (Mt 10, 1.2.5-11,1) những chỉ thị cho việc tông đồ. Đó là những phán quyết theo mẫu câu nói, vô cùng mạnh mẽ… nghịch lý, gọt giũa nhu những câu châm ngôn, mà một khi đã nghe, người ta không còn quên được.

Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy.

Những lời này cứng rắn không thể trạng! Những lời thiếu tình người có thể bị hiểu sai, ở một thời đại mà cha mẹ rất khó chịu vì những quan hệ khó khăn với con cái như thời đại chúng ta. Có vẻ như Đức Giêsu khuyên con cái không yêu cha mẹ chúng! Giới răn thứ tư của Thiên Chúa vẫn là một giới răn thiêng liêng: “Thảo kính cha mẹ?”. Chính Đức Giêsu đã làm gương về sự vâng lời và trung tín tế nhị đối với Mẹ Người (Lc 2,50; Ga 19,26). Người cũng nhắc lại rằng sự giúp đỡ cụ thể cha mẹ cũng vượt qua trước “của lễ dâng trong Đền Thờ” (Mt 15,3-6). Vậy Đức Giêsu muốn nói gì bằng những lời cứng rắn mà Người phát biểu ở đây? Một cách chính xác, Đức Giêsu quan niệm về bổn phận thiêng liêng nhất, và nói với chúng ta một cách mạnh mẽ nhất, rằng người ta phải yêu mến Người hơn tất cả những người đáng yêu nhất, những người mà chúng ta phải yêu nhiều nhất. Theo Đức Giêsu, trở thành tín hữu, đôi lúc có thể gấy ra sự chống đối của những người thân yêu nhất của chúng ta. Lúc đó, Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải yêu mến Người hơn. Và chúng ta biết rõ ở thời đại chúng ta điều đó rất thường xảy ra. Tin Mừng đề nghị chúng ta một sự chọn lựa dứt khoát dẫn đến sự dấn thân trọn vẹn cho một quan niệm sống. Vì sự chọn lựa ấy triệt để nên nó làm cho người ta không sống như trước đây, Đức Giêsu thường trở thành một nguyên nhân của những sự bất hòa ngay trong những gia đình đoàn kết nhất bởi tình cảm tự nhiên. Qua bản văn cổ này được viết ra từ 2000 năm nay, cuộc xung đột ấy không mới mẻ như người ta tưởng. Lạy Chúa, xin giúp chúng con trung tín với Chúa dù với giá máu của trái tim con.

Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.

Câu thứ hai này hoàn toàn song song với câu trên: sau mối quan hệ của con cái đối với cha mẹ… giờ đây là mối “quan hệ của cha mẹ đối với con cái…” Đức Giêsu đòi hỏi vị trí hàng đầu trong tình yêu của chúng tạ; Yêu sách này không thể chấp nhận được, không thể hiểu được, nếu Người không phải Thiên Chúa! Trong tất cả những vị sáng lập các tôn giáo, Đức Giêsu là người duy nhất nói như thế, những vị khác nói rằng: “phải yêu mến Thiên Chúa. Còn tôi, tôi chỉ là người phát ngôn của Thiên Chúa”. phải, trong mọi tôn giáo, người ta đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự. Nhưng ở đây chính là Đức Giêsu. Táo bạo biết bao? Anh hãy ghi nhận chữ Thầy (Tôi) không ngừng được lặp lại trong các công thức đó: không xứng với Thầy”… “không xứng với Thầy” Vậy Thầy là ai?”

Vào thời đại chúng ta, chúng ta nhạy cảm với sự hiệp nhất của những tình yêu. Chúng ta thường nói rằng khi yêu thương những người khác là chúng ta yêu mến chính Thiên Chúa. Và thật vậy? Theo chiều hướng này, sự liên đới của chúng ta là chính và được Thiên Chúa mong muốn. Và thật thảm hại nếu chúng ta sử dụng những công thức của Tin Mừng ấy để biện minh cho sự thiếu tình yêu thương của chúng ta, sự co quắp của chúng ta trên những lợi ích cá nhân, sự bất lực ích kỷ của chúng ta không chịu đựng, dung thứ như những người thân yêu. Vả lại, yêu cha mẹ, yêu con cái còn đi xa hơn khung cảnh gia đình chật hẹp. Đó cũng là thừa nhận cội rễ di truyền, địa phương, văn hóa, xã hội: dù muốn hay không, chúng ta là con cái và cha mẹ… chúng ta phụ thuộc và chúng ta tạo ra sự phụ thuộc! Chúng ta là thành phẩm của một “môi trường”, một “thời đại Nhưng các sự liên đới ấy dù rất quan trọng, không thể trở thành một cái cớ biện minh cho việc chúng ta không đi theo Đức Giêsu. Biết bao thanh niên hoặc biện minh sự bỏ đạo của họ, bằng sư bỏ đạo của mọi người xung quanh họ!

Ai yêu “môi trường” của mình hơn cả Thầy không xứng với Thầy.

Ai yêu bạn bè mình hơn chính Thầy không xứng với Thầy.

Ai yêu hoàn cảnh, nghề nghiệp của mình hơn chính Thầy không xứng đáng với Thầy.

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy.

Đó là cấp độ thứ ba của nấc thang từ bỏ: trên hết là phải từ bỏ chính mình. Sự ám chỉ thập giá ấy làm chúng ta nghĩ rằng hẳn Đức Giêsu không bao giờ đề nghị những sự hy sinh như thế nếu Người đã không sống chúng trước tiên. Mọi thập giá được chúng ta vác… là một thập giá “đi theo” Đức Giêsu. Bạn đang đau khổ… bạn đi theo sau thập giá của Người.

Vác thập giá của mình! Chúng ta có thể bị cám dỗ làm cho cách diễn đạt ấy mất hết sức mạnh và sự khốc liệt của nó. Đối với Mát-thêu, vấn đề không phải là một hình ảnh sùng đạo, một ngôn ngữ quy ước để nói về những hy sinh nho nhỏ của đới sống. Vào thời đại của Đức Giêsu, sự đóng đinh thập giá vẫn là hình phạt dành cho những kẻ nô lệ, hình phạt tàn ác và ô nhục nhất trong các cực hình Người bị kết án phải hứng chịu sự giận dữ của quần chúng, hấp hối trong sự đau đớn khủng khiếp dưới sự chứng kiến của đám đông. Xem ra Đức Giêsu có thể đã thấy những kẻ bị đóng đinh, trước khi chính Người cũng bị đóng đinh? Ở Pa-lét-tin, vùng đất mà người La Mã chiếm đóng đó là cách xử tử thông thường. Một sử gia của thời đó đã thuật lại rằng khi Hê-rô-đê cả chết, thủ lãnh của đạo quân La Mã, Varus đã ra lệnh đóng đinh cùng một lúc hai ngàn người Do Thái! Thập giá không còn là một vật để thờ phượng hay để điểm trang!

Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được.

Đây còn là một lời tuyên bố mà bề ngoài như nói ngược lại tất cả những gì thế giới hiện đại đòi hỏi: Ngày nay, sự tìm tòi cao nhất là để “tự thực hiện” bản thân, “phát triển mình”, “tự thể hiện mình”: Còn Đức Kitô đề nghị chúng ta “mất. mạng sống mình” để “theo Người”!

Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu suy nghĩ một chút thì bên trên sự đụng chạm ban đầu, chúng ta khám phá trong tư tưởng của Đức Giêsu một trong những luật căn bản của đời sống chúng ta. Một người không có khả năng từ bỏ mình vì người khác thì người đó không có khả năng yêu thương. Kinh nghiệm hiện sinh hàng ngày của chúng ta cho chúng ta khám phá rằng “phải đánh mất mình đi” để thật sự phát triển trong tình yêu người khác. Vả lại, nghịch lý ấy chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng Phục Sinh, chính Đức Giêsu đã sống nghịch lý đó trước tiên. Đánh mất sự sống… để chiếm lấy sự sống!

Lời của Đức Giêsu không có đặc tính gì là thích tự hành hạ mình, tiêu cực, buồn bã; đó là một lời tích cực và vui tươi Vấn đề là phải chiếm lấy”. Đức Giêsu đề nghị chết cho chính chúng ta để thật sự sống. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vậy, đây không phải là một sự bàng hoàng dũng cảm của thuyết hư vô và dù ít dù nhiều cũng là sự tự tử, mà đây là tình yêu thương mỗi ngày đòi hỏi chúng ta phải đánh mất mình vì những người khác… và là sự phát triển cao thượng nhất! Không hề phá hủy con người, sự hy sinh từ bỏ tạo thành những người đàn ông và đàn bà cao cả nhất. Chỉ cần nghĩ đến Charles de Foucault, Mẹ Têrêxa Can-quýt-ta, Martin Luther Kinh và nhiều người khác!

Còn nếu co quắp vào tính ích kỷ nhỏ bé của mình, sự phát triển của cá nhân mình thì như Đức Giêsu đã nói đó là phương tiện chắc chắn nhất làm hỏng cuộc đời mình. Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu được lời Chúa và ban cho chúng con sức mạnh để sống lời ấy. Thánh Phaolô đã nói “được rửa tội” chính là chịu đóng đinh với Đức Kitô để sống với Người” (Rôm 6,6-8) Và mỗi thánh thể nhắc chúng ta rằng Đức Giêsu đã “nộp sự sống của Người”.

Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Đoạn văn bắt đầu bằng những lời này là phần kết luận của “Bài giảng về các Tông Đồ”. Và thật ra chúng ta luôn ở trong cùng một luồng tư tưởng: luôn là vấn đề của lòng yêu thương… và yêu thương dưới hình thức đơn giản nhất là đón tiếp người khác.

Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì ngườ ấy là ngôn sứ thì sẽ được lãnh nhận phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ, ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

Thế giới hiện đại này có vẻ đề cao sự phát triển cá nhân kể cả bằng sự đè bẹp những người khác (ví dụ như trong việc phá thai và nhiều hoàn cảnh khác…) cũng thế giới ấy đã tìm thấy công thức tàn bạo: “Tha nhân là hỏa ngục!”

Còn Đức Giêsu đề cao lòng hiếu khách, cởi mở, đón tiếp chúng ta có dành cho người xa lạ một chỗ khiêm tốn nơi bàn ăn của chúng ta không? Người khách được đón tiếp vào nhà chúng ta là một sự hiện diện của Đức Chúa. Hỡi vị khách xa lạ, hãy nói cho chúng tôi nghe điều bí mật của bạn.

Tiếp đón niềm nở chính là hình thức vui tươi của lòng yêu thương.

Đó là một ơn thường gặp nhất mà người ta có thể thực hiện ở mọi lúc dù khi quá nghèo và người ta không có gì để cho ngoài tính cách của sự đón tiếp Đức Giêsu đã gợi ra ba loại thành viên của cộng đoàn:

Các ngôn sứ, các người công chính và các kẻ bé nhỏ! Hai loại người trên đã được tôn kính trong đạo Do Thái. Nhưng Đức Giêsu còn thêm những “kẻ bé nhỏ”, những “môn đệ bình thường”, những người mà người ta luôn -liều lĩnh bỏ quên họ để chỉ quan tâm đến các Kitô hữu siêu hạng các chiến sĩ đức tin, các người dấn thân cao cả? Trong một thế giới rất dễ dành mất tình người và lại luôn đi tìm những môi trường mới cho sự hiệp thông nhân loại, lời mời gọi Đức Giêsu luôn có giá trị. Các kỹ thuật viên của mọi hệ thống, các chuyên gia về “nhóm năng động”, các người nhiệt thành truyền bá các ý thức hệ xứng đáng… đều phải tìm cách thực hiện động tác đơn giản cho người đang khát một chén nước: chỉ là một chén nước lã! Biểu tượng cho tương quan con người đơn giản nhất. Tin Mừng xem ra không đơn giản. Đức Giêsu cảnh báo sự dửng dưng và vô tâm của chúng ta. Tha nhân! Người khác! Kẻ bé nhỏ nhất.

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- A

AI ĐÓN TIẾP CÁC CON LÀ ĐÓN TIẾP THẦY- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

Với Chúa nhật XIII này, kết thúc bài “diễn từ sai đi truyền giáo”.

  1. Sẵn sàng để theo Đức Kitô.

Đức Giêsu nói với “mười hai môn đệ” thân thiết mà Người vừa phong làm tông đồ, tức là những kẻ “được sai đi, của Người. Bài diễn từ có chia làm phần rõ rệt: Phần thứ nhất tập trung vào SỰ SẴN SÀNG TRỌN VẸN và sự gắn bó triệt để của người môn đệ vào Đức Kitô. Đức Giêsu đòi người môn đệ yêu mến Người hơn những gì thân yêu nhất: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy không xứng đáng làm môn đệ Thầy. Ai yêu con cái hơn Thầy không xứng làm môn đệ Thầy. Những lời này không đi ngược với giới răn thảo kính cha mẹ. Trong thể văn khoa đại kiểu Sêmít, những lời này chỉ nhắm thiết lập một trật tự ưu tiên trong những lựa chọn. Những tình cảm gia đình, dù chính đáng, không thể kìm hãm, càng không thể ngăn chặn những môn đệ bước theo Đức Giêsu. Những mối dây liên hệ thiêng liêng này chỉ là tương đối so với mối liên hệ tuyệt đối: gắn bó vô điều kiện vào bản thân Đức Giêsu. Ở đoạn văn trước đó, cùng đậm đặc chất Sêmít, Đức Giêsu đã nói không úp mở cho những ai muốn theo Người biết những chọn lựa đau đớn mà họ sẽ phải trải qua: “Thầy đến để tách lìa con trai khỏi cha, con gái khỏi mẹ, con dâu khỏi mẹ chồng, người trong một nhà sẽ chống đối nhau. Claude Tassin gợi ý: “Hãy nghĩ tới nhũng người ngoại đạo mới trở lại, từ chối không thờ lạy thần của gia đình vì đức tin Kitô hữu… Giữa “ngôi nhà” của Thiên Chúa (câu 25) và ngôi nhà của riêng mình”, người môn đệ luôn luôn bị đẩy vào cho phải lựa chọn giữa (nhà” của Thiên Chúa và “nhà của riêng mình”, Đức Giêsu sẽ đi xa hơn nữa: Người mời gọi môn đệ yêu mến Người hơn chính bản thân họ, hơn cả mạng sống của họ? Và vì người môn đệ đã chọn chia sẻ vận mệnh với Người, Đức Messia chọn đóng đinh, họ sẽ không ngại ngùng vác lấy “thập giá bản thân” mà theo Người”. Nếu ta thường cho rằng kiểu nói “vác thánh giá” thuộc về một ngôn ngữ ước lệ thì các độc giả của Matthêu không nghĩ thế, vì họ phải sống trong một hoàn cảnh bắt bớ, đe doạ, nơi cái chết trên thập giá xảy ra rất thường và là hình khổ tàn bạo, nhục nhã hơn hết, hình khổ dành cho nô lệ. Thế nên ai chọn nối bước Đức Giêsu chắc chắn rồi sẽ như Thầy mình, gặp phải hiểu lầm, thù ghét, và cả bắt bớ nữa.

  1. Đón tiếp các môn đệ của Đức Kitô.

Với 4 câu, phần thứ hai trở lại đề tài “ĐÓN TIẾP” môn đệ Đức Kitô.

Trước hết để xác định sự duy nhất giữa Đấng sai đi và người được sai đi: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy; ai tiếp đó Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.

Sau đó, để phân biệt chi tiết sự đón tiếp theo 3 mức độ giảm dần một cách nghịch lý: các “tiên tri”, những “người công chính”, nhưng “kẻ bé mọn”, và long trọng xác nhận họ có tư cách xứng đáng là sứ giả của Phúc âm. Các “tiên tri” hiển nhiên là những Kitô hữu. Họ đã thi hành một tác vụ được chấp nhận trong Giáo Hội sơ khai. Những “người công chính có lẽ là những thành phần được kính trọng trong cộng đoàn Kitô hữu. Còn những kẻ “bé mọn” là các môn đệ, họ chẳng làm gì hơn là “tin” vào Đức Giêsu. Họ cũng đáng được trân trọng và yêu mến đặc biệt.

Perron ghi nhận: “không ý nghĩa sao, chỉ “diễn từ tông đồ” này khởi đầu như chỉ nói riêng với nhóm 12, tách họ riêng ra, trao cho họ trách nhiệm và tư cách người được sai đi của Đức Kitô, lại kết thúc bằng trao ban cho cả những người bé nhỏ nhất sự cao trọng và trách nhiệm y như thế?”.

BÀI ĐỌC THÊM:(Mgr. L. Daloz, Le Règne descieux s ‘est approché DDB).

Đức Giêsu không chỉ đồng hoá với các tông đồ mà Người sai đi loan báo Nước Thiên Chúa.Người còn đồng hoá với mỗi một môn đệ, nhất là với những người bé nhỏ nhất. Người sẽ nói: “Ai vì danh Thầy mà đón tiếp một trẻ nhỏ chính là đón tiếp chính Thầy” (l8,5). Đặc biệt, Người mời gọi ta nhận biết Người trong những kẻ túng cùng, khốn khổ: “Quả thực Thầy bảo anh em, mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những kẻ bé mọn này, là anh em làm cho chính Thầy” (25,40). Hôm nay, ngay khi nói với các tông đồ: “Ai tiếp đón anh em la tiếp đón Thầy”. Người nói tiếp và cho biết Người gắn bó biết bao với từng người: cho một tiên tri vì họ là tiên tri, cho người công chính vì họ là người công chính, cho kẻ bé mọn nhát vì họ là môn đệ. Ai đón tiếp họ, Người hứa sẽ ban phần thưởng, khi đón tiếp họ, cũng là chọn đứng về phía Người. Giữa Đức Giêsu và các môn đệ có một dây hiệp thông sâu xa. Đôi khi ta nói về “bí tích huynh đệ”. Các bí tích, trước hết là bí tích rửa tội, không biến anh em ta, một cách nào đó, thành những “bí tích” của Đức Giêsu Kitô mà họ đã được ghi đấu đó sao? Cái nhìn đức tin phải giúp ta nhận biết Đức Giêsu hiện diện trong anh em ta. Mỗi người chúng ta được sai đến với con người để cho họ biết Đức Giêsu đã đến gần…”.

Điểm bình thường trở tàhnh nơi diễn ra lắm bất ngờ

Yêu thương, tiếp đón là những từ ngữ thuộc về ngôn từ và phong tục của Nước Trời. Cái bình thường, cái thường ngày trở thành ân sủng, khả năng, khám phá ra niềm vui Nước Trời. Điều bình thương nhất như cho một ly nước uống, bỗng trở thành nơi diễn ra sự bất ngờ, mạc khải. Có lẽ Thiên Chúa muốn thời gian nghỉ hè sắp tới sẽ giúp ta trở nên biết quan tâm tới người khác, tới Đấng khác. Như thế, chúng ta sẽ trở thành những con người của niềm tin, những tín hữu.

 

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN- A

NGƯỜI MÔN ĐỆ VÀ SỰ ĐAU KHỔ (*)-  Suy niệm chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Chủ đề Chúa Nhật XIII Thường Niên năm A này có thể được gọi là “sự đón tiếp” hay “lòng hiếu khách”. Đây là chủ đề được bàn đến trong bản văn Cựu Ước, cũng như trong bản văn Tin Mừng.

2V 4: 8-11, 14-16

Bài Đọc I, được trích từ sách Các Vua quyển hai, thuật lại một người phụ nữ ngoại giáo xứ Su-nêm đã đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, người của Thiên Chúa, một cách vô vị lợi vào thế kỷ IX tCn.

Rm 6: 3-4, 8-11

Từ Chúa Nhật XIII này cho đến Chúa Nhật XXIV Thường Niên năm A, chúng ta đọc thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Rô-ma. Bản văn hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về bí tích Thánh Tẩy.

Mt 10: 37-42

Tin Mừng Mát-thêu hôm nay được trích từ diễn từ của Đức Giê-su về “sứ mạng truyền giáo”, trong đó Đức Giê-su khuyên các môn đệ từ bỏ chính mình và mời gọi các cộng đồng Ki-tô hữu tiếp đón họ như chính Ngài: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy”.

BÀI ĐỌC I (2V 4: 8-11, 14-16)

Hai sách “Các Vua” tường thuật lịch sử mười chín vua Ít-ra-en và hai mươi vua Giu-đa. Trong toàn bộ Cựu Ước, hai tác phẩm này được minh họa bằng một số lượng lớn những chuyện truyền kỳ ý nhị, ly kỳ, về những ngôn sứ có đời sống tôn giáo rất tinh tế.

*1.Những chuyện truyền kỳ về các ngôn sứ trong hai sách Các Vua:

Các ngôn sứ chiếm một vị thế đáng kể ở trong hai tác phẩm này. Về lãnh vực “chính trị”, họ là những người gây dựng và phá đổ các vua; về lãnh vực “tôn giáo”, họ là những người bảo vệ lòng trung tín đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en; về lãnh vực “thần thông”, họ có quyền phép thực hiện những điềm thiêng dấu lạ. Ba ngôn sứ vĩ đại trổi vượt trên tất cả các ngôn sứ khác: Ê-li-a, Ê-li-sa vào thế kỷ IX, và I-sai-a vào thế kỷ VIII tCn.

Ngôn sứ Ê-li-sa vốn là một điền chủ giàu có, được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi trở thành môn đệ truyền chân của mình. Không một chút ngần ngại, ông đã từ bỏ tất cả mà theo thầy. Từ đó, ông trở thành người bạn đồng hành trung thành và kế nghiệp thầy sau khi thầy biến mất một cách mầu nhiệm. Như ngôn sứ Ê-li-a, ngôn sứ Ê-li-sa thi hành sứ vụ của mình trong vương quốc miền Bắc, chủ yếu dưới triều đại vua Giô-ram (852-841 tCn).

Tập truyện về ngôn sứ Ê-li-sa thì đầy dẫy những kỳ tích chẳng kém gì tập truyện của ngôn sứ Ê-li-a. Chắc hẳn các môn đệ của vị ngôn sứ này, vì muốn độc giả thấy rằng thầy mình chẳng thua kém vị tiền nhiệm của thầy nên đã gán cho ông những kỳ tích tương tự, thậm chí giống y như những kỳ tích của ngôn sứ Ê-li-a. Chẳng hạn như ngôn sứ Ê-li-sa thực hiện phép lạ khi làm cho bình dầu của một bà góa không hề vơi (2V 4: 1-7) có thể sánh ví với phép lạ mà ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho bà góa xứ Xa-rếp-ta. Phép lạ này mở đầu cho câu chuyện về lòng hiếu khách của một người phụ nữ xứ Su-nêm được trích dẫn hôm nay.

*2.Lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm:

Su-nêm là một thành phố nhỏ bé miền Ga-li-lê, gần thành Na-im, dưới chân núi Hê-môn. Vào thời Cựu Ước có nhiều người Su-nêm sinh sống ở đây. Người phụ nữ Su-nêm nổi tiếng nhất là vị hôn thê của sách Diễm Tình Ca. Đó cũng là người phụ nữ xứ Su-nêm của sách Các Vua quyển hai này. Bản văn nói với chúng ta rằng bà “thuộc giới thượng lưu”, nghĩa là “một mệnh phụ”.

Lòng hiếu khách vốn là tập quán của các dân tộc thời xưa. Việc tiếp đãi khách vừa tự phát vừa quảng đại. Cựu Ước cung cấp cho chúng ta nhiều mẫu gương về lòng hiếu khách này. Tuy nhiên, lòng hiếu khách của người phụ nữ xứ Su-nêm này không là chuyện thường tình. Người khách mà bà tiếp đón tận tình trong nhà mình, không chỉ là một khách qua đường nhưng còn là “một người của Thiên Chúa”, nghĩa là một ngôn sứ. Bà bảo xây cho vị ngôn sứ một phòng nhỏ trên sân thượng, là nơi hảo hạng ở đó vị ngôn sứ có thể ẩn mình hay nghỉ qua đêm vào những lúc khí trời nóng nực.

*3.Lòng hiếu khách được đền đáp:

Ngôn sứ Ê-li-sa muốn đền đáp sự tiếp đón thịnh tình của bà bằng một cử chỉ biết ơn. Ông cho mời bà Su-nêm đến. Bà đến đứng ngoài cửa. Lúc đó vị sứ giả của Thiên Chúa cho bà một lời hứa mà chỉ có sứ giả của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được bởi vì vào lúc đó bà không thể sinh con, còn chồng bà đã cao niên: “Sang năm, cũng vào thời kỳ này, bà sẽ có cháu trai bồng”. Chuyện tích này được điểm tô với những hồi ức của sách Sáng Thế, trong đó sứ thần Đức Chúa đã ban cho bà Sa-ra cùng một lời hứa như vậy (x. St 18: 10).

Phần cuối câu chuyện không trích dẫn cho chúng ta trong bản văn hôm nay. Con trẻ chết bất đắc kỳ tử. Ngôn sứ Ê-li-sa phục sinh cậu như ngôn sứ Ê-li-a đã phục sinh con trai bà góa xứ Xa-rếp-ta. Hai chuyện tích này xem ra như bộ đôi, nằm giữa truyền thuyết và lịch sử. Người kể chuyện đã muốn nhấn mạnh rằng việc tiếp đón vô vị lợi và nhân ái có một tầm quan trọng dưới thánh nhan Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay trở lại chủ đề này về tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với những ai thực hành lòng hiếu khách này.

BÀI ĐỌC II (Rm 6: 3-4, 8-11)

Thư gởi tín hữu Rô-ma này được viết từ Cô-rin-tô vào mùa đông năm 57-58 trong đó thánh Phao-lô trình bày một tổng thể đạo lý rộng lớn mà thánh nhân nhắc lại trong các thư của mình. Trong đoạn trích thư hôm nay, thánh Phao-lô trình bày thần học về bí tích Thánh Tẩy cách hùng hồn sống động. Thần học này phù hợp với thần học mà chính Đức Giê-su ngỏ lời với ông Ni-cô-đê-mô: “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3: 5).

Những gì thánh Phao-lô khai triển ở đây dựa vào nghi thức Thánh Tẩy được cử hành trong Giáo Hội tiên khởi: nhận chìm mình trong nước. Dự tòng bước xuống nhận chìm vào bể nước Thánh Tẩy và khi người ấy bước lên khỏi nước, người ta mặc cho người ấy một chiếc áo trắng tinh tuyền, dấu chỉ của sự biến đổi thành một con người mới. Đây là chiều kích biểu tượng đầu tiên về bể nước thánh tẩy và ơn thánh hóa. Chính thánh Phao-lô đã gợi lên điều này nhiều lần như khi thánh nhân viết cho tín hữu Cô-rin-tô: “Anh em đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta!” (1Cr 6: 11), và như khi thánh nhân viết cho tín hữu Ê-phê-xô: “Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống” (Ep 5: 25-26).

Nhưng trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân diễn tả nghi thức Thánh Tẩy thành biểu tượng của sự chết và cuộc tái sinh, thậm chí cả cuộc phục sinh, biểu tượng này liên kết cách biểu cảm hơn giá trị thánh hóa của bí tích Thánh Tẩy với cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.

*1.Biểu tượng của cái chết:

Bể nước Thánh Tẩy được sánh ví với ngôi mộ trong đó người chịu phép Thánh Tẩy như được mai táng: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để nên một với Đức Ki-tô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người”.

Cái chết của Đức Ki-tô là “chết đối với tội”. Khi chấp nhận cái chết thể lý, Đức Ki-tô làm cho mình trở nên liên đới với nhân loại tội lỗi. Người chịu phép Thánh Tẩy, bằng cách tái hiện cái chết này một cách mầu nhiệm, cũng chết vì tội lỗi, vì thế nên một với Đức Ki-tô người ấy có thể chiến thắng sự dữ.

*2.Biểu tượng của sự sống:

Vì thế, việc trồi lên khỏi nước có thể được sánh ví với cuộc tái sinh, khai mở một cuộc sống mới, theo sát nghĩa: một cuộc hành trình vào một đời sống mới. Sức mạnh đầy năng động của Chúa Thánh Thần mà dự tòng lãnh nhận ở bí tích Thánh Tẩy được gợi ý cách mặc nhiên.

Ngoài ra, người ấy được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, đó là bảo chứng cho cuộc phục sinh: “Cũng như Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết do quyền năng vinh hiển của Chúa Cha… Chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”. Thánh Phao-lô cũng sẽ viết cho tín hữu Cô-lô-xê theo cùng những từ ngữ như vậy, khi thánh nhân bị giam cầm ở Rô-ma: “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2: 12). Như vậy, ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến cuộc sống mai hậu, nếu chúng ta chết đối với tội, Đức Ki-tô cho chúng ta được sống bằng sự sống của Ngài.

TIN MỪNG (Mt 10: 37-42)

Thánh Mát-thêu đã tập hợp những lời dạy của Đức Giê-su thành năm bài diễn từ: diễn từ trên núi, cũng được gọi “Hiến Chương Nước Trời” (bắt đầu với các mối phúc thật); diễn từ về sứ vụ truyền giáo; diễn từ về các dụ ngôn; diễn từ về Giáo Hội; và diễn từ về thời cánh chung. Diễn từ về “sứ vụ truyền giáo” hình thành nên một đơn vị rất rõ nét: Đức Giê-su vừa mới chọn nhóm Mười Hai và trình bày cho họ những gì Ngài chờ đợi từ họ. Vào Chúa Nhật XIII năm A này, Tin Mừng chỉ trích dẫn những huấn thị sau cùng.

*1.Người Tông Đồ và sự từ bỏ:

Đức Giê-su đòi hỏi các Tông Đồ phải từ bỏ cách triệt để. Đây là lời mời gọi theo Đức Giê-su không một chút do dự, không lưu luyến quá khứ, yêu mến Ngài vô giới hạn, trên cả những mối tình thâm ruột thịt. Rồi, dưới Giao Ước Cũ, chi tộc Lê-vi, được thánh hiến để phụng sự Đức Chúa, bị đòi hỏi phải từ bỏ tương tự. Lê-vi là “người đã nói về cha mẹ nó: ‘Tôi không nhìn thấy họ’, anh em nó, nó không nhìn nhận, con cái nó, nó không biết” (Đnl 33: 9).

Chính Đức Giê-su đã cho một mẫu gương, Ngài đã rời bỏ gia đình mình, bà con thân thuộc mình, nghề nghiệp mình mà ra đi thi hành sứ vụ mình bằng việc tận hiến cho tha nhân. Khi những thân nhân của Ngài tìm cách ngăn trở sứ vụ của Ngài, Đức Giê-su trả lời: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 49-50; Mc 3: 31-35; Lc 8: 19-21).

Các Tông Đồ đã hiểu những đòi hỏi này khi Ngài cất tiếng gọi họ: “Hãy theo tôi”. Hai anh em ông Phê-rô và An-rê đã để lại thuyền và lưới mà đi theo Ngài. Hai anh em ông Gioan và Gia-cô-bê cũng đã làm như vậy, thậm chí cả cha già của mình nữa. Ông Mát-thêu, viên chức thu thuế, đã không một chút do dự từ bỏ nghề nghiệp béo bở hái ra tiền cũng như gia đình cùng bạn bè mà theo Ngài.

*2.Người môn đệ và sự đau khổ:

Huấn lệnh khắc nghiệt này: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, được ngỏ lời không chỉ với những người ưu tuyển mà còn với hết mọi người. Quả thật, thánh Mác-cô viết: “Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: ‘Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo’” (Mc 8: 34), còn thánh Lu-ca thì lại viết: “Rồi Đức Giê-su nói với mọi người….” (Lc 9: 23-24 và 14: 26-27).

Qua hình ảnh “thập giá”, Đức Giê-su báo trước nỗi đau khổ đang chờ đợi những ai muốn là môn đệ của Ngài. Đức Giê-su không tìm cách làm nhẹ đi lời nói của Ngài. Ngài đã loan báo rồi những bách hại sẽ giáng xuống trên họ (Mt 10: 17-25). Tình yêu mà Ngài đòi hỏi ở nơi họ là phải đi cho đến mức liều mất mạng sống mình vì Ngài. Sau lời loan báo đầu tiên về cuộc Khổ Nạn của Ngài, Đức Giê-su sẽ lập lại những đòi hỏi căn bản này: vác lấy thập giá mình mà theo Ngài, đừng cố cứu mạng sống mình, nhưng liều mất mạng sống mình vì Ngài để gặp thấy sự sống đích thật (Mt 16: 24-26 và Mc 8: 34-35; Lc 17: 33 và Ga 12: 25). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su còn nói rõ hơn: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12: 25).

*3.Cộng đoàn và sự đón tiếp:

Bù lại, những ai dám từ bỏ cách anh dũng như vậy, cộng đoàn Ki-tô hữu phải niềm nở đón tiếp họ và thấy ở nơi họ chính Đức Ki-tô và “Đấng đã sai Ngài”. Như vậy, sau khi đã phác họa một bức tranh nhiều gam màu khổ đau, Đức Giê-su lại đặt niềm tin tưởng vào các môn đệ Ngài: Ngài đồng hóa các ông với Ngài, Ngài cho các ông được liên đới với sự hiện diện của Thiên Chúa mà các ông sẽ là dấu chỉ. Đối với những ai đã từ bỏ gia đình xác thịt, Ngài hứa một gia đình thiêng liêng.

“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính”. Hai thuật ngữ: “ngôn sứ” và “người công chính”, được mượn ở Cựu Ước, ở trong bản văn Tin Mừng này xem ra thuật ngữ ngôn sứ chỉ ra các nhà truyền giáo và thuật ngữ người công chính chỉ ra các tín hữu.

“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. “Những kẻ bé nhỏ” mà Chúa Giê-su muốn nói trước hết chính là các Tông Đồ, họ thuộc về những kẻ bé mọn mà những mặc khải về Nước Trời đã được hứa ban cho họ: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11: 25). Tuy nhiên, thuật ngữ này có một ngữ nghĩa rộng lớn hơn. Thánh Mác-cô và thánh Lu-ca tường thuật rằng vào lúc đó Đức Giê-su đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9: 48; Mc 9: 36-37).

home Mục lục Lưu trữ