Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 31

Tổng truy cập: 1375151

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

 

 

 

 

 

 

Bông Hồng Nhỏ

Cuộc sống vốn dĩ không bình yên như ta mong đợi. Khi nhịp sống thường ngày bị đứt đoạn bởi những biến cố khiến ta không dễ vượt qua, ta chỉ mong cho qua khỏi cái tao đoạn khó khăn này. Những khó khăn cứ ập tới, khó khăn này chưa kịp đối mặt thì khó khăn khác đã đến như những đợt sóng vỗ liên hồi. Ta như chiếc thuyền không người lái, như cái nón không quai chòng chành trước gió.

Theo Thầy Giêsu, dù cuộc sống có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng ta vẫn vững tin vào tình yêu Chúa. Bởi, Thầy chẳng bao giờ để chúng ta mồ côi.

Mới ngày nào, Thầy gọi các ông nơi biển hồ Galilê. Mối tình đầu ấy chắc hẳn vẫn còn khắc ghi trong tâm hồn bốn môn đệ đầu tiên. Thầy đã chọn và gọi các ông dù cho các ông chỉ là những con người yếu đuối, những ngư phủ ít học và suốt ngày chỉ biết bám biển mà sống. Hay dù chỉ là một Mátthêu tội lỗi bên bàn thu thuế… Tất cả các ông dù mỗi người có một quá khứ rất riêng nhưng chính Thầy đã chọn từng người và dành cho mỗi người một tình yêu không đổi dời.

Có mối tình nào đẹp hơn tình yêu Giêsu. Tình yêu ấy không dừng lại ở những điểm hẹn yêu thương nhưng tiến xa hơn thế, đẹp hơn thế nữa đó là: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20). Chúa Giêsu hẹn các Tông đồ đến Galilê, không còn ở biển hồ sóng vỗ nhưng lên núi. Tất cả những gì Thầy nhận được nơi Chúa Cha, Thầy đã ban tặng cho các ông rồi. Thầy đã sống lại và hiện diện trước mặt các môn đệ. Mười một môn đệ cùng đi tới nơi đã hẹn. Khi thấy Thầy, các ông bái lạy Người nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi. Tại sao vậy?

Phục sinh là một mầu nhiệm và bởi thế, dù đã được thấy Thầy tận mắt, được nghe lời Thầy nói nhưng các ông vẫn hoài nghi. Chỉ dùng lý trí làm sao chấp nhận nổi, nhưng khi đã được ơn đức tin và từ chính kinh nghiệm yêu Thầy, các ông mới có thể đón nhận được mầu nhiệm cao vời ấy. Có mấy ông còn hoài nghi bởi tình yêu các ông dành cho Thầy chưa đủ lớn nhưng không vì thế mà Thầy không yêu thương các ông. Thầy vẫn đến gần, ân cần trao ban lệnh truyền: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (x. Mt 28, 18- 20a). Thầy không nại vào những yếu đuối của chúng ta mà cất đi ơn thánh, nhưng đi từ những yếu đuối ấy, Thầy bày tỏ tình yêu nhưng không đến cùng. Thầy luôn bên cạnh chúng ta vì Thầy yêu chúng ta.  Chính trên ngọn núi ấy, Giêsu đã trở về cùng Chúa Cha. Người lên trời trước mắt các ông. Các ông đăm đăm hướng nhìn trời, lòng hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa. Rồi một ngày, các ông cũng được chung phần với Thầy trên nhà Cha dấu yêu.

“Năm sự Mừng: Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời.  Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.” Lời kinh Mân Côi nhắc nhở mỗi chúng ta hướng lòng về quê thiên đàng. Nơi ấy, quê hương vĩnh cửa dành cho những ai nhiệt tâm sống Lời Chúa. Chúa Giêsu đã đi dọn chỗ cho chúng ta. “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở.” (Ga 14, 2). Tin tưởng vào tình yêu Chúa, chúng ta hãy nỗ lực canh tân đời sống, sống chứng nhân Tin Mừng giữa những biến cố của cuộc đời. Ước chi mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn ý thức và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Sứ mạng rao giảng Tin Mừng vẫn thôi thúc mỗi chúng ta ra đi đến với muôn dân, mang con tim của tình yêu Chúa đến với muôn người.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã lên trời nhưng Chúa vẫn ở mãi với chúng con. Đến với Bí tích Thánh Thể, chúng con được Chúa nâng đỡ và bổ sức thiêng. Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa để được Chúa yêu thương. Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con, dù cho chúng con yếu đuối và bất xứng. Xin Chúa đổi mới tâm hồn chúng con để chúng con biết hướng lòng về quê thiên đàng, ái mộ những sự trên trời và tránh khỏi cái nhìn hạn hẹp vì những phù vân chóng qua. Xin chúa thương ấp ủ chúng con trong bóng cánh của Ngài. Amen.

 

Trở về Mục lục

 

 

ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI

PM. Cao Huy Hoàng

 “Thứ hai thì gẫm: Đức Chúa Giêsu Lên Trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”

Những sự ở trên trời là những sự gì thì chỉ có người ở trên trời mới biết. Hồng Phúc thay! Chúa Giêsu, người ở trên trời, xuống thế làm người, rao giảng cho con người trần gian biết có một cuộc sống mới, có một cuộc sống thiêng thánh, cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu… cuộc sống ấy ở trong Nước Trời, Nước Thiên Chúa. Để có thể tin được rằng: có một cuộc sống khác với cuộc sống trần gian nầy, và để có thể biết được chuyện ở trên trời, thì chỉ có con người khiêm cung chấp nhận và vâng phục mạc khải từ trời, rồi sống mạc khải ấy mới thấu hiểu được.

Chúa Lên Trời, Chúa Thăng Thiên là cách nói diễn tả hình ảnh không gian mà các Tông đồ chứng kiến (Cv 1,9-11). Thực ra, phải nói là Chúa Giêsu về với Chúa Cha, về với cuộc sống, với thế giới, nơi Ngài đã xuất phát để đi làm nhiệm vụ cứu thế… Sau khi sống lại Chúa Giêsu đã nói với bà Maria Madalena việc “về với Cha”,: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Như vậy các biến cố tử nạn, Phục sinh và về cùng Chúa Cha đã nằm trong hoạch định ngàn đời của Thiên Chúa, trong đó, Lên Trời hay lên cùng Cha là đích điểm của Mầu Nhiệm Vượt Qua: Qua tử nạn, đến Phục sinh; qua Phục sinh ở trần gian, đến việc “Về Với Thiên Chúa Cha” trong đời sống Thiên Chúa vĩnh cữu. Và không chỉ về với Cha, mà còn tham dự vào quyền năng, uy quyền của Thiên Chúa Cha trong Nước Ngài. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô còn xác quyết uy quyền của Chúa Giêsu là vương quyền, là Vua Vũ Trụ: “Đến thời viên mãn, Thiên Chúa qui tụ mọi loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ga 1,10), và là Vua Lịch Sử Cứu độ: “Thiên Chúa đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô và đặt người làm đầu toàn thể Hội Thánh” (Ga 1,22).

Lên trời là về cùng Chúa Cha và ái mộ những sự ở trên trời, chính là yêu mến, khát khao cho chính mình cũng được về với Thiên Cha trong vương quốc Chúa Giêsu. Để hiểu cho thấu mầu nhiệm vượt qua nơi Chúa Giêsu, và giải thích được như thế, chắc chắn người ấy đã kết hiệp với Chúa Giêsu cách chí thiết để sống mầu nhiệm vượt qua của chính mình: Được Thiên Chúa sinh ra trong đời, vượt qua sự ràng buộc, sự nô lệ của tội lỗi nhờ ơn tái sinh nơi giếng nước rửa tội; vượt qua những rào cản là những hấp dẫn của “những sự dưới đất”, đồng thời chấp nhận mất mát là tử nạn với Đức Kitô; vượt qua cuộc tử nạn hằng ngày để phục sinh tại thế nhờ cuộc sống siêu thoát và kết hiệp; và cuối cùng, chờ ngày vượt qua đời tạm nầy mà lên trời, mà về cùng Thiên Chúa Cha trong cuộc sống vĩnh cửu.

Thực tế là một thách đố to lớn đối với đời sống vượt qua của Kitô hữu công giáo, ở mọi thời, nhất là thời nầy, khi giá trị các sự ở dưới đất nầy đang nổi loạn đòi chiếm ưu thế trong đời sống các gia đình: tiện nghi vật chất thẩm định giá trị nhân bản nên phải đua đòi cho bằng chị, bằng em; người người khôn ra đang thụ hưởng những hiệu quả của một nền văn minh mà không cần nghĩ đến hậu quả thì ta dại gì mà phải khép mình trong lời mời gọi của Tin Mừng!

Buổi sáng thật tĩnh lặng, may ra nếu có, thì cũng chỉ mấy phút trong giờ kinh nguyện ngắn ngủi, sau đó là chuyện cơm áo gạo tiền làm cho cả ngày đời phải loay xoay toàn chuyện dưới đất. Thiết nghĩ, Chúa Giêsu biết rõ cái căn tính phàm phu tục tử trong mỗi con người, nên Ngài đã bàn giao công cuộc cứu thế vĩ đại của Ngài cho Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ.

Tưởng là Chúa Thánh Thần không nói gì, làm gì, nhưng Ngài đang nói tất cả, kể cả đối với những người đang cố quên sự hiện diện của Ngài; Ngài đang làm tất cả, kể cả đối với những người tránh né sự hướng dẫn, chỉ đạo, hay sự can thiệp tài tình của Ngài. Ngài soi sáng cho chúng ta việc “phải làm”. Ngài không soi sáng cho chúng ta việc “thích làm”. Cho dù có đôi khi ta vẫn đọc kinh “cúi xin Chúa sáng soi” trước những công việc ta thích làm cho danh ta cả sáng, hoặc cho “những sự dưới đất” được thành công, thì Chúa Thánh thần khôn ngoan vẫn dẫn dắt chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của sự dối trá trong lòng mình. Nhờ Ngài, mà thực tế thách đố kia không còn đáng lo ngại nữa, và đời sống tín hữu thật sự cảm nghiệm được ơn Ngài tác động-sáng soi hướng dẫn đời mình hướng về “những sự trên trời”, “ái mộ những sự trên trời”, chắc ăn hơn.

Và chỉ khi nào thực sự “ái mộ những sự ở trên trời”, thì có thể nói, chúng ta mới thực hiện nỗi lời di chúc của Chúa Giêsu : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20)

Đây không phải là lời di chúc để thừa hưởng một quyền bính, nhưng là một chuyển giao đặc nhiệm quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa Cha: qui tụ mọi loài dưới quyền thủ lảnh của Chúa Giêsu Kitô, để mọi loài chung hưởng Tình Yêu vô biên và ơn cứu chuộc vĩ đại hơn tội lỗi con người. Nhiệm vụ đặc biệt ấy không chỉ trao ban cho các tông đồ, mà còn cho tất cả chúng ta hôm nay: Giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người để họ đón nhận chính Ngài qua bí tích rửa tội và dạy họ tuân giữ mọi điều răn của Ngài để được về với nguồn cội yêu thương và hạnh phúc vĩnh cửu là Thiên Chúa. “Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” đồng nghĩa với việc anh em tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền để họ thấy mà ngợi khen Cha ở trên trời, vì gương sáng là lời giảng dạy tốt nhất.

Thực vậy, thời đại nầy người ta không tin người rao giảng, người ta có thể tin người sống lời rao giảng của mình. Vì thế, đòi hỏi tinh thần thoát tục và gương sống “ái mộ những sự trên trời” đối với những chứng nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và không nên trách cứ ai, nếu họ dựa vào tiêu chuẩn “dính bén với các sự dưới đất” mà đánh giá cao thấp giá trị của người tông đồ Chúa hôm nay.

Có thể nói việc “dính bén với các sự dưới đất” của một chứng nhân gây nên việc phản tác dụng truyền giáo cách nguy hiểm, vì không những làm cho người ta không tin vào cuộc sống mới trong Nước Thiên Chúa, mà còn là cái cớ để người ta tin vào cuộc sống hiện tại này hạnh phúc hơn: cứ lao mình vào những chuyện dưới đất, như người rao giảng chuyện trên trời đã lao. Ôi thật nguy hiểm và thiệt hại cho công cuộc của Chúa Giêsu nếu chúng ta không sống tinh thần của Ngài trước khi loan báo Ngài cho mọi người.

Mừng Chúa Giêsu Lên Trời, một cơ hội cho mỗi tín hữu tự kiểm lại lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, tự kiểm lại lòng khát khao với cuộc sống vĩnh cửu đời sau, tự kiểm lại mức độ dính bén với các sự dưới đất, và nhất là tự kiểm lại hiệu quả làm chứng cho Chúa Giêsu, cho Nước Thiên Chúa của mình trong cuộc đời.

Mẹ Maria chắc chắn là mẫu gương “ái mộ những sự trên trời” hơn cả và loài người chúng con. Mẹ cũng là mẫu gương “chứng nhân Chúa Kitô” thật sống động vì lòng Mẹ luôn hướng về Nước của Thiên Chúa. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con sống mầu nhiệm vượt qua của đời mình, nhờ kết hiệp với cuộc vượt qua của Chúa Giêsu, noi gương Mẹ chí thánh -cho chúng con xứng đáng hưởng hạnh phúc trong Vương Quốc của Chúa Giêsu, con chí ái của Mẹ- cho cuộc sống chúng con thực sự trở nên lời rao giảng Thiên Chúa cho mọi người. A-men.

home Mục lục Lưu trữ