Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 86

Tổng truy cập: 1366017

ÂN HUỆ

 

ÂN HUỆ

Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, kể lại diễn tiến buổi thuyết giảng của Chúa Giêsu trong hội đường Nagiaret. Thánh Luca, tác giả đoạn Tin Mừng này chỉ kể lại việc Chúa Giêsu đọc sách thánh và câu mở đầu bài giảng của Chúa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Rồi ngừng lại ở đây, không cho biết thêm Chúa Giêsu đã giảng dạy những gì ngày hôm ấy, để nói về phản ứng của những người nghe: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Thái độ này diễn tả một sự cảm phục, sung sướng, đồng thời nhận rằng những điều họ đang nghe vượt khỏi sự chờ đợi, tức là họ không ngờ rằng: Người đang nói với họ thông điệp ân sủng của Thiên Chúa lại chính là người làng của họ, người mà ngôn sứ Isaia loan báo lại chính là con ông Giuse và bà Maria ở làng họ.

Nhưng Chúa Giêsu không muốn cho niềm thích thú bất ngờ này trở thành một thái độ ích kỷ, muốn nhân danh tư cách đồng hương để đòi hỏi, chiếm lãnh cho mình quyền hưởng thụ ân huệ của Đấng Mêsia. Chúa Giêsu phanh phui tâm địa của họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!”, ý các ông muốn bảo tôi: Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”. Qua lời phanh phui của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu tâm trạng của dân làng Nagiarét là muốn đòi quyền ưu tiên hưởng những ân huệ Chúa mang đến. Vì thế, Chúa đưa ra hai thí dụ trong Cựu ước để từ chối không thỏa mãn yêu sách đó. Thí dụ thứ nhất xảy ra thời ngôn sứ Elia, khi trời hạn hán, ông Elia chẳng được Thiên Chúa sai đến với người đàn bà góa nào trong dân Israel, nhưng chỉ được sai đến xứ Xiđôn, đến với một bà góa ở Xarépta. Thí dụ thứ hai xảy ra thời ngôn sứ Elisa, có nhiều người phong hủi tại Israel, nhưng chẳng ai được lành sạch, chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri.

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tự do của Thiên Chúa khi ban ơn, và vai trò của ngôn sứ là người được Thiên Chúa dùng để ban ơn. Thiên Chúa sai các ngôn sứ Elia và Elisa đem ân huệ của Ngài cho người ngoại giáo. Đối chiếu lại trường hợp Chúa Giêsu, Chúa được sai đến làm phép lạ ở Capharnaum chứ không phải ở Nagiarét. Như thế, qua hai thí dụ rút từ Cựu ước, Chúa Giêsu muốn bảo cho dân làng thấy tính phổ quát của ơn cứu độ. Chúa được sai đến không phải để cứu riêng người Do thái mà là cứu tất cả mọi người. Phản ứng cuối cùng của thính giả là sự công phẫn tột độ. Họ đứng dậy, xô Chúa Giêsu ra ngoài, đẩy Ngài lên đồi, để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết đi. Nhưng Chúa Giêsu ngang qua giữa họ mà tiếp tục con đường của Ngài. Con đường của Ngài phải đưa Ngài tới Giêrusalem. Trên con đường ấy Ngài tiếp tục bị người Do thái xô đẩy, và cuối cùng họ xô được Ngài lên thập giá trên đồi Gôngôtha, xô được Ngài xuống mồ. Nhưng Ngài lại chỗi dậy từ trong cõi chết và tiếp tục con đường của Ngài: Ngài đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Ngài sai các môn đệ của Ngài tiếp tục con đường: đi làm chứng cho Ngài đến tận cùng mặt đất.

Từ chối hay đón nhận Chúa là những thái độ hoàn toàn tự do của con người. Người ta có quyền chối bỏ hay có quyền chấp nhận. Thiên Chúa không áp đặt ai hay cố tình đưa họ vào một thế triệt buộc nào đó. Nhưng thời nào cái quyền tự do kia cũng là con dao hai lưỡi khiến phải đề phòng. Kẻ khôn ngoan bao giờ cũng dè dặt. Giả như chúng ta thử đặt mình vào số những người có mặt trong hội đường Nagiarét ấy để nghe Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Người bên tả, kẻ bên hữu tôi sao vội vàng đến nóng nảy như vậy trước câu Kinh Thánh và những lời chú giải tuyệt mỹ xuất phát từ miệng Chúa. Chúa đã lặp lại lời ngôn sứ Isaia, một vị ngôn sứ được kính trọng nhất của niềm hy vọng Israel, rồi Ngài đã bình giảng những lời đó. Nhưng sau khi nghe, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, trục xuất Ngài và muốn giết Ngài. Chứng kiến cảnh tượng ấy chúng ta có quyền trách họ vội nóng, hay tiếc thay cho họ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ tự trách mình và còn tiếc xót biết bao cơ may trong đời chúng ta đã đánh mất.

Chúa muốn chúng ta trở về với đời sống cụ thể của mình để nhận ra những ơn cao cả Chúa ban cho chúng ta. Phải nhận ra mình được yêu thương, cũng như phải yêu thương đáp trả. Chúng ta hãy nhớ lại biết bao hồng ân đã lãnh nhận để tạ ơn Chúa và cố gắng sống tốt hơn với những hồng ân ấy.

 

50.Thành kiến

Với thành kiến sẵn có đối với những người da đen,bà Anna cho họ là những kẻ lười biếng, trộm cắp, nghiện ngập, độc ác và giết người không gớm tay. Bà luôn lưu ý những nơi mình đi qua và mỗi lần thấy bóng dáng một người da đen là bà lánh sang nơi khác. Một hôm bà vừa bước vào thang máy thì một bóng người da đen to lớn cùng bước vào đóng ngay cửa lại làm bà không thể trở lui, bà chết điếng người và té xỉu. Tỉnh dậy nơi nhà thương, bàrất lấy làm hổ thẹn khi biết được rằng chính người da đen cùng đi trong thang máy với bà là một ca sĩ nổi tiếng tên là Vicky. Anh được mọi người mộ mến và chính anh đã đỡ bà khi té xỉu và đưa đến nhà thương.

Thành kiến làm chúng ta ra mù quáng không thể nhận diện được thực tại về những người chúng ta gặp thường ngày một cách đúng sự thật. Những người làng Nagiarét thời Chúa Giêsu cũng mắc phải khuyết điểm như bà Anna. Sau thời gian rao giảng tại Capharnaum, Chúa Giêsu trở về quê hương Nagiarét và rao giảng tại hội đường. Dân chúng biết rõ nguồn gốc nhân trần của Ngài nên nói: Người này không phải là con ông thợ mộc Giuse hay sao? Họ đã nghe biết những sự lạ Ngài thực hiện tại Capharnaum, những sự lạ chứng minh nguồn gốc thần linh, Ngài là con Thiên Chúa được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu rỗi con người. Bởi vậy, những thành kiến không cho phép những họ nhìn xa hơn. Họ bị giới hạn trong cảm nghĩ trần tục của họ, muốn Ngài thực hiện những sự lạ để hưởng lợi. Họ không thể vượt qua khía cạnh trần tục, khía cạnh vật chất ích kỷ để có lòng tin vào Chúa. Vì thế họ đã bị Chúa nhắc khéo nhớ lại chuyện xưa đã xảy ra trong cuộc đời của tiên tri Elia và Elisêô, đó là trường hợp của bà góa tại Sarepta và tướng Naaman người Syria. Lời nhắc khéo của Chúa làm cho họ bực tức và chống đối. Họ đem Ngài lên nơi cao để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết. Quả thật, thành kiến đã làm cho họ mù quáng và dẫn đến những hành động điên rồ như vậy.

Nhưng thử hỏi chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta tin thờ Đức Kitô nào đây? Một Đức Kitô chỉ àm phép lạ để thỏa mãn những nhu cầu ích kỷ của riêng mình? Hay một Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài? Làm thế nào để chứng thực trong đời sống là chúng ta đã tin vào một vị Thiên Chúa làm người để cứu rỗi chúng ta? Không có cách nào khác ngoài con đường bác ái yêu thương trong cuộc sống thường ngày.

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những thành kiến ngăn cản chúng ta nhìn thấy Chúa đến với dung mạo con người nơi những người anh chị em, nơi những biến cố của cuộc sống. Vì thành kiến, chúng ta đã không nhận ra điều tốt nơi những người anh chị em và vì không nhận ra những điều tốt ấy, thì làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa thực sự hiện diện nơi họ được.

 

51.Người tốt thì khó tìm

Chúng ta đã nghe câu đố: "Con gì buổi sáng thì đi bằng bốn chân, buổi trưa bằng hai chân, và buổi chiều bằng ba chân?" Có người giải thích rằng đó là con người. Khi còn bé, con người đi bằng cả hai tay và hai chân. Đến khi trưởng thành thì con người đi bằng hai chân, tuy nhiên, đến tuổi già thì con người đi bằng ba chân bởi vì đó là cây gậy. Điều thú vị ở trong câu truyện này đó chính là thế hệ của chúng ta đang sống đây cũng phải đương đầu với câu hỏi liên quan đến con người: "Tôi là ai và con người là gì?" Trừ phi chúng ta trả lời được câu hỏi này, nếu không thì cuộc sống của chúng ta sẽ dần dần chấm dứt một cách vô ích. "Tôi là ai?" là một câu hỏi thúc bách trong thời đại chúng ta. Herman Hesse, một tác giả người Thụy Sĩ mà nhiều bạn trẻ rất thích, đã nói rằng "Who I Am?" là một câu hỏi rất quan trọng bởi vì nó là cốt lõi và nền tảng của tất cả những câu hỏi khác, cách xử sự của chúng ta với chính chúng ta, sự giao tế với những người khác, và sự tiếp xúc với thế giới của chúng ta. Đúng thế, một trong những vấn đề mà chúng ta đã phải đương đầu, ở trong xã hội thế giới này, những người không biết họ là ai đang chạy vòng quanh thế giới để nói với chúng ta trở nên những con người như thế nào. Và như thế sự lộn xộn càng thêm lộn xộn. Chúng ta sẽ không tiến lên được một chút nào hết cho tới khi chúng ta trả lời câu hỏi này.

Thiên Chúa nhân từ, người đã dựng nên chúng ta, đã cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?" Ngài đã không trả lời chúng ta cách trừu tượng và chúng ta nên tạ ơn Ngài về điều này. Thường thường những câu hỏi này được đặt ra và chúng ta bị điên đảo với những câu trả lời trừu tượng. Platô, một triết gia nổi tiếng, định nghĩa con người là con vật hai chân và ít lông lá. Diogenes ngay sau đó đã bắt một con gà, nhổ hết lông của nó và giơ lên cho Platô coi và nói, "Này triết gia, đây là con người!" Đây là chuyện xảy ra khi chúng ta dùng triết lý để định nghĩa tôn giáo một cách chung chung. Thiên Chúa đã làm một cách khác. Các bạn hãy suy nghĩ một phút, hãy suy nghĩ xem coi nếu chúng ta nhìn thấy một tấm gương tốt của một người thì điều đó có nghĩa là gì. Không phải là nguyên lý hoặc chung chung, nhưng là điều mà khoa học thường nói rất nhiều ngày nay: một thần tượng, một mẫu người tốt. Tuy nhiên người tốt thì thật là khó tìm!

"Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu" (Pl 2:5), chính là điều mà Thánh Phaolô đã viết. Tất cả khoa thần học đều dựa trên câu nói này. "Hãy lấy Chúa Kitô làm biểu tượng." Chúng ta vẫn thường nghe câu nói này trong cuộc sống của mình. Hết nhà giảng thuyết này đến nhà giảng thuyết khác cũng đều lập đi lập lại câu nói này, "Hãy lấy Chúa Kitô là khuôn mẫu cho cuộc sống." Thế nhưng vấn đề mà nhiều người chúng ta gặp đó là chúng ta chỉ nghe và biết câu nói này một cách hời hợt bên ngoài mà không biết đem vào thực hành trong cuộc sống để thân thể, tinh thần, lý trí của chúng ta trở nên giống Chúa Kitô. Đây là điều mà Thánh Phaolô đề cập đến. Ngài van nài chúng ta hãy hiểu điều vĩ đại mà Thiên Chúa đang làm cho chúng ta; hãy hiểu Thiên Chúa đang chỉ cho chúng ta một Thần Tượng, một Con Người tốt, Ngài sẽ nói cho chúng ta cách làm người.

Nếu Chúa Kitô là thần tượng, thì chúng ta cần phải hiểu biết Ngài. Tuy nhiên, đó là chỗ mà chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn. Có rất nhiều người mang danh là Kitô hữu, đi nhà thờ đều đặn, nhưng không biết một tí chút gì về đời sống và sứ mạng của Chúa Kitô. Đó thật là một điều phi lý khi chúng ta gọi mình là Kitô hữu, mà chúng ta không biết Chúa Giêsu Kitô. Một cách ngẫu nhiên, đó là điều mà nhiều người trên thế giới đang nói với chúng ta. Có lẽ đang có những điều xảy ra trong giây phút chúng ta tụ họp nơi đây, tuy nhiên có thể có một điều gì đó đặc biệt sẽ xảy ra. Chúng ta nên dành thêm thời giờ để học hiểu về Chúa Giêsu. Chúng ta nên quyết định, ngay bây giờ, sẽ tìm giờ để đọc Thánh Kinh theo chiều sâu của nó. Chúng ta sẽ được biến đổi thành người tốt như Chúa Giêsu.

Trong câu truyện "Cry the Beloved Country" của tác giả Alan Paton, một người thanh niên trẻ được sinh ra khi cả hai bố mẹ anh đã đứng tuổi. Khi lớn lên, anh đã bỏ nhà và đi đến thành phố để kiếm sống. Anh đã không có liên lạc gì với gia đình cả. Sau cùng, người cha già đã quyết định vào thành phố để thăm người con. Bởi vì ông không quen thành thị, nên ông đã gặp nhiều vất vả không biết phải bắt đầu từ con đường nào để tìm con ông. Sau đó, ông bắt gặp được một vị mục sư và được vị này giúp đỡ để đi tìm con của ông. Khi sự việc được tiến triển tốt đẹp, người cha già đã cố gắng để tìm những lời lẽ đẹp đẽ để cám ơn vị ân nhân của mình, nhưng ông không biết phải nói làm sao, chỉ biết nói câu, "Mục sư là một người tốt!" Vị mục sư trả lời, "Tôi không phải là một người tốt. Tôi là một kẻ tội lỗi và ích kỷ. Thế nhưng nhờ Chúa Giêsu đã đặt tay Ngài trên tôi, chỉ có vậy thôi."

Một người tốt thì thật là khó tìm, nhưng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một người rất tốt, đó chính là Con Một Ngài, Đức Giêsu để chúng ta có thể noi theo mà không sợ bị lừa dối.

 

52.Suy niệm của JKN

Có bao giờ chính người Kitô hữu chối bỏ Đức Kitô không?

Câu hỏi gợi ý:

1. Tại sao Đức Giêsu lại bị từ chối tại chính làng của mình? tại chính đất nước Do Thái? còn dân ngoại thì lại đón nhận Ngài để cuối cùng trở nên Dân Ngài? Liệu lịch sử có thể tái diễn tương tự như thế đối với Kitô giáo không?

2. Đức Giêsu có muốn dành ưu tiên cho quê hương hay dân tộc mình không? Ngài có thành công trong việc dành ưu tiên ấy cho quê hương hay dân tộc mình không? Tại sao?

3. Điều đã xảy ra với Do Thái có thể xảy ra tương tự với Kitô giáo không? Chúng ta phải làm gì để tránh vết xe đã đổ?

CHIA SẺ

1. Các ngôn sứ thường bị từ chối tại chính quê hương mình

Đoạn Tin Mừng hôm nay và những đoạn khác tương tự trong các sách Tin Mừng khác cho thấy: những người cùng quê cùng làng với Đức Giêsu có vẻ coi thường Ngài và không tin ở Ngài cho lắm. Vì đối với họ, Đức Giêsu chỉ là con của một bác thợ mộc nghèo hèn, và của một phụ nữ không danh giá gì trong làng. Nếu chúng ta ở vào địa vị của dân chúng làng Nagiarét, chưa chắc chúng ta đã suy nghĩ và đánh giá về Ngài khác hơn họ. Và nếu có một ngôn sứ nào xuất hiện ở thời đại này, tại thành phố hay tỉnh ta đang sống, chưa chắc ta đã nhận ra và đánh giá vị ấy một cách đúng đắn.

Thông thường, người ta thường đánh giá một người tùy theo những gì thấy được ở bên ngoài, chứ không thấy được giá trị thâm sâu ở bên trong. Và càng là người thân quen với vị ngôn sứ, thì càng khó đánh giá đúng đắn vị ngôn sứ ấy, vì các ngôn sứ thường mặc lấy những dáng vẻ bên ngoài rất bình thường, và cũng thường có quan niệm rất khác với người đương thời. Chính vì thế, các ngôn sứ ít được người đồng thời và đồng hương biết được giá trị con người mình, thậm chí còn bị coi thường, khi rẻ, kết án. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

2. Các ngôn sứ có muốn ưu đãi quê hương mình cũng không được

Vì thường bị người đồng thời, đồng hương hay đồng đạo coi thường và không tin, nên các ngôn sứ thường không thể hoạt động hữu hiệu hay có kết quả tốt đẹp tại quê hương hay thời đại mình. Chẳng hạn Đức Giêsu không thể làm được nhiều phép lạ tại Nagiarét, vì họ cứng lòng tin (x. Mt 13,58); đồng bào và đồng đạo của Ngài chẳng những không tin Ngài mà còn tìm cách giết Ngài nữa. Thái độ của những người đồng hương, đồng đạo hoặc đồng thời với Ngài như thế, khiến họ không được lợi lộc gì vì được làm người đồng hương, đồng đạo hay đồng thời với vị ngôn sứ cả.

Đức Giêsu đã kể ra những trường hợp cụ thể minh chứng điều ấy, chẳng hạn trường hợp của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Thời Êlia, khi Israel bị đói, ông chẳng giúp một bà góa khốn khổ nào trong nước cả, mà lại giúp một bà góa ở tận đâu đâu, vì bà này tỏ ra yêu quí, tin tưởng và trọng vọng ông một cách đặc biệt. Thời Êlisa, biết bao người Israel bị phong hủi thì ông chẳng chữa cho ai, mà lại chữa cho một người từ ngoại quốc đến.

3. Thực tế ấy đã xảy ra trên nhiều bình diện khác nhau

Do tình cảm tự nhiên, ngôn sứ nào cũng đều muốn dành ưu tiên quyền lợi cho quê hương mình, nhưng nhiều khi vì thái độ khinh thường và cố chấp của người đồng hương, nên quê hương của các vị không hưởng được cái quyền ưu tiên mà các vị muốn đặc biệt dành cho. Để rồi cuối cùng sự ưu đãi đó lại được dành cho những người hay dân tộc xa lạ ở đâu đâu nhưng lại xứng đáng với sự ưu đãi đó hơn.

Thật vậy, Đức Giêsu luôn luôn muốn dành ơn cứu độ ưu tiên cho người Do Thái (x. Ga 4,22; Mt 10,6; 15,24). Nhưng Người Do Thái lại từ chối sự ưu tiên đó, nên ơn cứu độ lại được đem đến cho các dân tộc khác. Nhiều dụ ngôn của Đức Giêsu nói lên thực trạng đó. Chẳng hạn dụ ngôn những tá điền sát nhân (x. Mt 21,33-46; Mc 12,1-12; Lc 20,9-19), dụ ngôn tiệc cưới (x. Mt 22,1-14; Lc 14,15-24).

Bài Tin Mừng lễ Hiển Linh cho thấy các kinh sư Do Thái - đại diện cho dân tộc được Thiên Chúa ưu tiên dành cho mọi quyền lợi thiêng liêng - mặc dù có Kinh Thánh trong tay và biết được chính xác Đức Giêsu sinh ra ở đâu, nhưng họ lại không thèm tìm đến Ngài, mà lại còn muốn làm hại Ngài. Còn các đạo sĩ - đại diện cho dân ngoại, dân không được ưu tiên - từ mãi đâu đâu tới và phải nhờ tới các kinh sư Do Thái mới biết được Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì lại quyết tâm tìm kiếm Ngài và họ đã tìm thấy.

Sự việc ấy là hình bóng của thực tế xảy ra sau đó: Mặc dù Đức Giêsu sinh ra tại Do Thái, và dân Do Thái là dân được ưu tiên hưởng ơn cứu độ, thì thực tế là cho tới nay, dân Do Thái vẫn chưa nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh Nhân Loại, mà vẫn còn tiếp tục chờ đợi. Còn những dân tộc đang tin vào Đức Giêsu hiện nay thì lại là những dân tộc bị dân Do Thái xưa khinh thị và gọi là dân ngoại. Thế là ứng nghiệm điều Đức Giêsu tiên báo trong hai dụ ngôn vừa nêu trên.

4. Nói người lại nghĩ đến ta

Lịch sử thường hay tái diễn lại theo kiểu tương tự. Điều đó khiến ta phải suy nghĩ vì nó có thể xảy ra cho chính chúng ta. Hiện nay, Kitô giáo luôn tự hào mình là tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập, được chính Thiên Chúa mặc khải những chân lý thâm diệu nhất, và là con đường chính thống nhất dẫn đến ơn cứu độ. Kitô giáo với các tôn giáo khác cũng phần nào tương tự như Do Thái giáo với dân ngoại xưa. Liệu điều đã đúng với Do Thái giáo có đúng một cách tương tự với Kitô giáo không?

Dân Do Thái xưa lúc nào cũng tự hào về tôn giáo của mình là tôn giáo duy nhất đúng đắn vì là tôn giáo duy nhất được Thiên Chúa mặc khải. Còn các dân tộc khác thì thờ thần tượng, đi trong sai lạc. Nhưng kết cục ra sao? Dân Do Thái không chỉ phủ nhận Đức Giêsu mà còn giết Ngài nữa. Họ từ chối ơn cứu độ, và ơn cứu độ đã được trao cho dân ngoại. Dân ngoại lại đón nhận ơn cứu độ và gia nhập Giáo Hội. Thế thì xét cho cùng, đối với dân Do Thái, việc có tôn giáo duy nhất đúng đắn, việc nắm được nhiều chân lý hơn các dân tộc khác có ích lợi gì?

Như thế, xem ra điều quan trọng không phải là có tôn giáo chân chính cho bằng sống đúng những gì tôn giáo mình đòi hỏi, sống đúng theo lương tâm của mình. Hãy nghe thánh Phaolô nói: “Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật” (Rm 2,13). Vì thế, nếu “bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, thì như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!” (Rm 2,23). Tương tự, nếu chúng ta có tôn giáo chân chính mà lại không thèm sống đúng theo tôn giáo ấy, thì ta cũng làm nhục Thiên Chúa, Đấng thiết lập tôn giáo ấy. Lúc ấy chúng ta rất xứng đáng với lời kết án của thánh Phaolô: “Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (Rm 2,24). Lúc ấy, tôn giáo chân chính có ích lợi gì cho ta, hay đó chính là lý do để Thiên Chúa kết án chúng ta?

Bài Tin Mừng hôm nay chính là lời cảnh tỉnh chúng ta: Đừng để tinh thần yêu thương của Kitô giáo lại bị chính các Kitô hữu như chúng ta coi thường, không thèm sống, mà người sống tinh thần ấy lại là những người thuộc các tôn giáo khác. Vậy tốt nhất, chúng ta hãy đem tinh thần yêu thương của Đức Giêsu ra áp dụng thật sự vào đời sống. Đừng để trường hợp của Do Thái giáo lại tái diễn một cách tương tự với Kitô giáo, trong đó người chủ động tái diễn trường hợp ấy lại chính là chúng ta!

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã gián tiếp cảnh giác chúng con: chính quê hương, đất nước, dân tộc và đồng đạo của Ngài - là những người mà Ngài muốn dành ưu tiên hưởng ơn cứu độ Ngài đem lại - lại từ chối Ngài. Hiện nay, rất có thể chúng con đang đi vào vết xe đã đổ ấy: ngoài miệng chúng con luôn tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin vào Đức Giêsu, nhưng đời sống của chúng con thì lại đi ngược lại những điều Ngài dạy. Chúng con tuyên xưng hay biểu lộ đức tin mạnh mẽ ra ngoài để che lấp thực tế phủ nhận đức tin ấy ở bên trong. Xin giúp chúng con ý thức rằng thái độ giả hình ấy vô cùng có hại cho chúng con. Xin Cha cứu chữa chúng con khỏi thái độ ấy.

 

53.Không được tôn trọng trong xứ mình

(Chú giải của William Barclay)

Không Được Tôn Trọng Trong Xứ Mình: 4,16-30

Một trong những nơi thăm viếng đầu tiên của Chúa Giêsu là Nazaret, quê nhà của Ngài. Nazaret không phải là một làng, nó được gọi là một polis, nghĩa là một thành hay một thị trấn, và có thể có tới 20.000 dân. Nazaret toạ lạc trong một vùng đất của sườn đồi núi Galilê gần cánh đồng Gitrien. Chỉ cần leo lên đỉnh đồi vượt cao trên mặt thành là có thể thấy toàn cảnh bao la hàng dặm chung quanh đó. George Adm Simth diễn tả phong cảnh từ trên đỉnh đồi như sau: Lịch sử của dân Israel mở ra trước mắt chúng ta. Kia là cánh đồng Esdraelon, nơi Đêhôra và Barac đã chiến đấu, nơi Ghêđêon đã thắng trận vẻ vang, nơi Saulê đã thảm bai và chính nơi này Giôsia đã bị giết trong chiến trận. Kìa là vườn nho của Nabôt, chỗ Giêhu giết Giêsabên, kìa nữa là đất Sunem, nơi ngôn sứ Elia đã sống, kìa là núi Cácmen, nơi Êlia đã đánh trận oanh liệt với các tiên tri Baan, và xanh xanh ở đằng xa là Đia Trung Hải và các hải đảo! Nhưng không phải chỉ có lịch sử Israel ở đó mà lịch sử thế giới cũng mở ra trên đỉnh đồi Nazaret. Có ba đường lớn vây quanh Nazaret. Có con đường từ phía Nam đưa các khách hành hương lên Giêrusalem. Có con đường lớn dọc bờ biển để đưa những đoàn thương gia chở nặng hàng hoá từ Ai Cập lên tới Đamas. Có con đường lớn đi về Phương Đông, cho những đoàn doanh thương từ Ai Cập đến, và cũng có những đoàn quân viễn chinh Rôma tiến về các biên giới miền Đông của đế quốc. Thật sai lầm nếu nghĩ rằng Chúa Giêsu lớn lên tại một nơi hẻo lánh; Ngài lớn lên trong một thành có tầm cỡ lịch sử và có các trục lo giao thông của thế giới chạy qua ngay trước ngõ.

Chúng tôi đã phác hoạ giờ thờ phượng tại hội đường và đoạn sách này cho ta thấy cả một bức tranh sống động về hoạt động phụng vụ ở đó. Không phải Chúa Giêsu cầm một quyển sách, vì thời đó mọi sự được viết trên những cuộn da. Ngài đã đọc Is 61. Trong câu 20, bản dịch King James đã nói sai về “kẻ giúp việc”. Thực ra vị này là một viên Chazzan đảm nhiệm nhiều thứ công tác. Ông có bổn phận lấy ra và cất vào những cuộn Kinh Thánh, có bổn phận giữ cho hội đường sạch sẽ, có bổn phận thổi ba hồi kèn bạc từ trên nóc hội đường loan báo ngày Sabat, ông cũng là giáo viên trong trường học của vùng ấy nữa. Câu 20 nói rằng Chúa Giêsu ngồi xuống, khiến ta có cảm tưởng Ngài đã làm xong công việc. Thực ra, Ngài sắp sửa bắt đầu, vì diễn giả ngồi mà giảng và các rabi cũng ngồi khi giảng dạy (do tục lệ này mà chúng ta thường nói ghế của giáo sư).

Điều lam dân chúng tức giận là họ nghe Chúa Giêsu khen dân ngoại. Người Do Thái đinh ninh rằng chỉ có mình họ là dân của Chúa, cho nên họ coi thường các dân khác. Họ tin rằng “Chúa đã dựng nên các dân ngoại để làm chất đốt cho lửa địa ngục”. Thế mà ở đây chàng thanh niên Giêsu này, người mà hết thảy họ đều biết, lại giảng như thể dân ngoại được Chúa ưu đãi. Họ bắt đầu cảm thấy trong sứ điệp mới lạ này có những điều họ chưa từng nghĩ đến bao giờ.

Trước khi qua đoạn Kinh Thánh này, chúng ta cần để ý tới hai điều khác nữa:

1. Chúa Giêsu có thói quen vào hội đường vào ngày Sabat. Tại đó hẳn có nhiều điều Ngài hoàn toàn không đồng ý và làm Ngài cảm thấy khó chịu, nhưng Ngài đã đến đó. Việc thờ phượng tại nhà hội có thể có nhiều thiếu sót, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ qua hiệp thông với dân Chúa bằng thờ phượng trong Ngày của Chúa.

2. Đọc lại đoạn Kinh Thánh trong Isaia mà Chúa Giêsu đã đọc hẳn chúng ta nhận thấy sự khác biệt giữa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả. Gioan giảng về tai hoạ, và khi nghe sứ điệp của ông, người ta phải rùng mình kinh sợ. Còn Chúa Giêsu đem Phúc Âm-Tin Mừng đến. Chúa Giêsu biết cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng bao giờ cũng là thịnh nộ do tình thương.

 

54.Chúa Giêsu thất bại tại Nagiarét

(Chú giải và suy niệm của Lm. PX. Vũ Phan Long)

Với việc dân Nadarét từ khước Đức Giêsu, bắt đầu tiến trình kết án sẽ đưa Người đến thập giá. Nhưng chính lập trường của Đức Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta.

1.- Ngữ cảnh

Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay nằm trong bối cảnh là "Hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê" (Lc 3,1–9,50), và thuộc về phân đoạn 4,16-30, "Đức Giêsu tại Nadarét". Chúng ta có thể xác định cầu trúc của bản văn 4,16-30 như sau:

+ Mở: Đức Giêsu đến Nadarét (c. 16a); Người vào hội đường (c. 16b).

I. Đọc sách Isaia

a) Dẫn nhập (c. 16c)

b) Chuẩn bị đọc (c. 17)

c) Bản văn Isaia (cc. 18-19)

b') Kết thúc việc đọc (c. 20ab)

a') Kết luận (c. 20c)

- Chuyển tiếp: Mọi người trong hội đường chăm chú nhìn Người (c. 20d)

II. Các lời nói của Đức Giêsu

A- Can thiệp thứ nhất của Đức Giêsu

a) lời nói về hoàn tất (c. 21)

b) các hậu quả đầu tiên nơi các thính giả (c. 22)

B- Can thiệp thứ hai của Đức Giêsu

a) lời nói về thầy thuốc (c. 23)

b) lời nói về ngôn sứ (c. 24)

C- Can thiệp thứ ba của Đức Giêsu

a) dân Israel trước Êlia (cc. 25-26)

b) dân Israel trước Êlisa (c. 27)

+ Kết: Dân Nadarét đuổi Đức Giêsu khỏi hội đường (cc. 28-29)

Người rời Nadarét (c. 30)

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Phản ứng tích cực của cử tọa đối với các lời Đức Giêsu nói (4,21-22);

2) Đức Giêsu xác định chiều hướng của sứ vụ của Người (4,23-24);

3) Đức Giêsu chứng minh bằng các lối xử sự của các ngôn sứ (4,25-27);

4) Dân chúng loại trừ Đức Giêsu (4,28-30).

3.- Vài điểm chú giải

- Hôm nay (21): Trạng từ sêmeron hiếm khi được hiểu theo nghĩa tổng quát là "vào ngày hôm nay, nowadays". Do vị trí nhấn mạnh ở đầu câu, trạng từ này đánh dấu một điểm quan trọng trong các nhìn lịch sử của tác giả Lc (x. 4,21; 5,26; 19,5.9; 23,43): những điểm này, những lời nói này của Đức Giêsu vẫn còn giá trị cho cuộc sống của người Kitô hữu hôm nay.

- đều tán thành (22): dịch sát là "đều làm chứng cho (emartyroun) cho điều này? / cho ngài?". Đa số các nhà chú giải hiều là đại từ autô ở tặng cách (dative) nam-tính và có nghĩa là "cho Người", tức là ca ngợi Người. Chúng tôi nghĩ rằng giáo sư Fitzmyer có lý khi cho rằng đại từ autô ở tặng cách (dative) trung-tính (neuter) và có nghĩa là "về điều này".

- thán phục (22): Động từ thaumazein có thể diễn tả sự kinh ngạc (đi đôi với chỉ trích, nghi ngờ, phê phán; x. Lc 11,38) hoặc sự thán phục (đi đôi với sự thích thú bất ngờ; x. Lc 1,63; 2,18; 2,33; 7,9.8.25; 9,43;11,14; 20,26...). Theo ngữ cảnh (đến sau "tán thành" và được nối với động từ bằng "và"), chỉ có thể chọn nghĩa "thán phục".

- không phải là con ông Giuse đó sao? (22): Câu này có thể diễn tả sự khó chịu, bực bội, khinh bỉ hoặc một sự ngạc nhiên đầy thích thú, sự thán phục. Theo ngữ cảnh, có thể hiểu là sự thán phục.

- Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình (23): Đức Giêsu dùng câu tục ngữ này để diễn tả ra nguyện vọng thầm kín của người Do Thái: Vì họ đã nghe biết nhiều về hoạt động của Đức Giêsu tại Caphácnaum, họ ước muốn Người cũng làm như thế cho quê hương. Câu nói tiếp theo câu tục ngữ đã giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ. Người dân Nadarét đang tính toán vụ lợi.

- không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương (24): Khi dịch tính từ dektos bằng "được chấp nhận", Bản Dịch CGKPV đã coi dektos có ý nghĩa tương tự như atimos trong Mc 6,4 và Mt 13,57, mà thật ra đây cũng là cách dịch của các Bản dịch nổi tiếng thế giới là BJ, TOB và NAB, và là ý kiến của một giáo sư chuyên về truyền thống Luca, J.A. Fitzmyer (x. The Gospel according to Luke I-IX, The Anchor Bible, Doubleday NY 1970, 537). Tuy nhiên, lúc ấy ta thấy là phản ứng mạnh của Đức Giêsu như thế không phù hợp với thái độ của cử tọa. Hơn nữa, các lời Đức Giêsu nói lại không thống nhất: người ta xin Người làm phép lạ (điều này giả thiết là người ta có tin, dù chút ít), Người lại than trách là bị tiếp đón tệ bạc (c. 24). Đã thế, các ví dụ Người nêu ra ở cc. 25-27 lại không phù hợp với hoàn cảnh: không phải là các ngôn sứ bị tiếp đón tệ bạc (như Người), nhưng lại là các ngôn sứ mới từ chối làm những phép lạ để giúp đỡ người đồng hương. Như vậy, phải kết luận là bản văn Lc thiếu mạch lạc?

Vấn đề là các học giả đã hiểu bản văn Lc theo hướng của các bản văn song song Mc và Mt, thế mà bản văn Lc lại khác: thay vì dùng từ atimos ("bị khinh bỉ"), tác giả dùng dektos. Dektos là một tính từ phái sinh từ động từ dechomai ("đón nhận, đón tiếp, chấp nhận") và thường có nghĩa bị động (passive); trong trường hợp này, dektos tương đương với atimos. Tuy nhiên, tính từ này cũng có một nghĩa chủ động (active) (x. M. Zerwick, Biblical Greek, Rome 1963, số 142), "đón nhận, ân cần, thuận thảo, thuận lợi". Và trong thực tế, cách đó năm câu, từ dektos có ý nghĩa chủ động ("Năm hồng ân = năm thuận lợi; năm đón nhận"). Nếu như thế, câu nói của Đức Giêsu hẳn sẽ có nghĩa là: không một ngôn sứ nào dành ưu tiên / thiên vị cho / với quê hương; và hiểu cụm từ "không một ngôn sứ nào" là một cụm từ nói "ngoa", chứ không theo nghĩa chữ và nghĩa xấu (= một ngôn sứ luôn luôn tỏ ra bất thuận lợi với quê hương mình), bởi vì trong thực tế Mt 13,58 và Mc 6,5 cho thấy là Đức Giêsu cũng có làm một vài phép lạ tại Nadarét. Cuối cùng, câu nói của Đức Giêsu có ý nghĩa là: Một ngôn sứ không tỏ ra thuận thảo với quê hương mình hơn là với người ngoại quốc; tất cả là vấn đề đức tin và tình trạng tâm hồn sẵn sàng. Hiểu như thế, bản văn rất mạch lạc.

Có người bẻ lại: bản văn nói "en tê patridi": patri, "quê hương"; giới từ en, "tại, trong"; vậy en tê patridi có nghĩa là "tại quê hương", mà như thế, nghĩa bị động của dektos được biện minh. Thật ra, trong hy-ngữ phổ thông [koinê] (hy-ngữ Tân Ước là hy-ngữ này), en không chỉ có nghĩa nơi chốn, mà còn có nghĩa thời gian, dụng cụ, nguyên nhân, v.v. Trong nhiều cách sử dụng ấy, en thường được dùng với các động từ nói về tình cảm để diễn tả "điều mà tâm tình hướng về" (W. Bauer, A Greek-English Lexicon of the New Testament and Other Early Christian Literature, The University of Chicago Press, Chicago 1957, tr 160: III,3b).

- nhưng quả thật, tôi nói cho các ông hay (25): De, "nhưng", tiêu từ ở đầu c. 25 này rất quan trọng, diễn tả một ý đối lập.

- hạn hán ba năm sáu tháng (25): 1 V 18,1 nói rằng có mưa "vào năm thứ ba". Ở đây, tác giả Lc kế thừa một truyền thống khác, có được nhắc đến trong Gc 5,17. Theo truyền thống này, thời gian hạn hán kéo dài bằng thời gian khốn quẫn trong văn chương khải huyền (thời gian này được rút ra từ thời gian cuộc bách hại dưới triều Antiôkhô IV Êpiphanê: Đn 7,25; 12,7; x. Kh 11,2; 12,6.14. Tác giả Lc không quan tâm đến ý nghĩa khải huyền. Trời hạn hán": dịch sát là "trời bị đóng [cửa] lại": thái bị động thay tên Thiên Chúa.

- không được sai đến (26): Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa. Xem cả c. 27, "được sạch".

- bà góa thành Sarépta (26): xem 1 V 17,9 (LXX).

- ông Naaman (27): xem 2 V 5,1-19

- thành này được xây trên cao (29): Nadarét hiện đại được xây trên một triền đồi, xung quanh có các đồi khác vây bọc. Nhưng ta không thể xác định được nơi nào đã xảy ra sự cố kể đây; với lại, thật ra cũng khó tìm được một chỗ nào ở đây có dốc núi để có thể xô người ta xuống cho chết, hoặc để ném đá. Vào thế kỷ ix, có một truyền thống đã coi địa điểm này là một chỗ cách Nadarét khoảng ba cây số về phía đông nam, nhưng nay người ta không chấp nhận giả thuyết này nữa. Đây rất có thể là dấu chứng tỏ Lc không biết rõ địa lý Paléttina và cũng có thể cho hiểu là tác giả đã ép các dữ kiện để báo trước việc Israel giết Đức Giêsu.

- Người băng qua giữa họ mà đi (30): Không nhất thiết đây là một phép lạ. Điều chính yếu đối với Lc là cho thấy Đức Giêsu còn phải tiếp tục con đường của Người để loan báo Tin Mừng, và con đường này chỉ kết thúc tại Giêrusalem (x. 13,33).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Phản ứng tích cực của cử tọa đối với các lời Đức Giêsu nói (21-22)

Người dân Nadarét đang ca ngợi và thán phục Đức Giêsu. Do đó, họ bắt đầu tính toán: "Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?" (c. 22). Nếu đây đúng là con ông Giuse, nay đã thành ngôn sứ và thầy chuyên làm phép lạ, sao ta lại không tận dụng cơ hội để có lợi cho làng ta? Câu trả lời sau đó của Đức Giêsu cho hiểu là quả thật dân chúng đang tính toán như thế.

* Đức Giêsu xác định chiều hướng của sứ vụ của Người (23-24)

Đức Giêsu đã dùng một tục ngữ để lật tẩy lối giải thích của những người đồng hương về sứ mạng của Người: "Thầy lang ơi, hãy chữa lấy chính mình" (c. 23); "chính mình" đây là dân làng của Người. Người lập luận: Đơn giản chỉ vì các ông là người đồng hương với tôi, mà các ông đòi hỏi tôi phải làm ở đây những phép lạ giống như tôi đã làm ở Caphácnaum! Họ muốn Nadarét cũng được hưởng nhờ quyền lực của Người là "thầy thuốc-thầy làm phép lạ". Nhưng một ngôn sứ không hề chiếu cố riêng đến quê hương mình (c. 24). Người phải làm việc theo kế hoạch của Thiên Chúa.

* Đức Giêsu chứng minh bằng các lối xử sự của các ngôn sứ (25-27)

Các ông cứ nghĩ đến trường hợp ngôn sứ Êlia và Êlisa. Có biết bao bà góa Israel phải đói, khi trời hạn hán ba năm sáu tháng; thế mà Êlia lại chỉ nuôi bà góa Sarépta mà thôi (1 V 17,9-16). Vào thời Êlisa, tại Israel đâu có thiếu người phong hủi; thế mà Êlisa chỉ chữa lành một người ngoại quốc mà thôi (2 V 5,1-19). Đức Giêsu từ chối liên kết các ân huệ thiên sai với những quan hệ thân tộc hoặc tình làng nghĩa xóm. Người là ngôn sứ; Người phải chu toàn một sứ mạng Thiên Chúa giao; chẳng phải là những yêu cầu của dân Nadarét có thể xác định hướng hoạt động cho Người. Đứng trước Thiên Chúa, phải bỏ đi mọi yêu sách, mọi đòi hỏi: Thiên Chúa hòan toàn tự do trong việc ban tặng các ân huệ; chỉ có một đức tin khiêm nhường và tín thác mới có thể trông chờ (chứ không đòi hỏi) một phép lạ.

* Dân chúng loại trừ Đức Giêsu (28-30)

Bởi vì Đức Giêsu không chiều theo ý họ, họ đã nổi giận và loại trừ Người. Nhưng Người còn phải tiếp tục ra đi để loan báo Tin Mừng và tiến về Giêrusalem (9,51; 13,22.33; 17,11; 19,28), tiến đến thập giá và vinh quang. Lúc này người ta chưa chặn được sứ vụ của Người. Người sẽ tiếp tục phục vụ những người nghèo ở Israel và cả các dân nước.

+ Kết luận

Con người không có quyền gì để được hưởng các ân huệ của Thiên Chúa. Không một tư cách nào cho phép con người được quyền hưởng ơn cứu độ thiên sai. Ơn cứu độ được ban cho nhân loại, nơi bản thân Đức Giêsu, hoàn toàn là ân huệ. Đó là điều mà dân Nadarét đã không muốn hiểu. Chính thái độ này, khi đã phổ biến khắp Israel, đã khiến Đức Giêsu đi ngỏ lời với mọi người ngoài Do Thái.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Vì thấy Đức Giêsu là đồng hương, dân Nadarét nghĩ Người có bổn phận chiếu cố đến họ trước. Đức Giêsu đã thẳng thắn đánh tan ngộ nhận này. Sự sai lầm của người Nadarét, người tín hữu vẫn có thể mắc phải, khi nại ra tư cách đã được rửa tội, đã sống đạo lâu năm (là người "đạo dòng, đạo gốc", là tu sĩ, là linh mục...), đã đóng góp nhiều cho Giáo Hội bằng công sức và của cải... Thiên Chúa hoàn toàn tự do ban phát các ân huệ cho bất cứ ai, như và khi Ngài muốn. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là những con người nghèo hèn, bất xứng, luôn luôn cần được Ngài chiếu cố đến. Đức Giêsu không cứu chúng ta bằng cách làm phép lạ, nhưng bách cách loan báo Tin Mừng của Người và hy sinh mạng sống cho chúng ta. Phép lạ chính là Lời của Người; chính Lời này làm ra các phép lạ và biến đổi dân chúng và sẽ tạo ra một thế giới mới.

2. Bằng cách nêu bật sứ mạng của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa, Đức Giêsu cho hiểu rằng hoạt động của Người cũng nhằm chiếu cố đặc biệt đến Dân ngoại. Đấy là điều Đức Giêsu còn chứng tỏ khi đến sống tại Capha1cnaum, một thành đầy người ngoại giáo. Ở đây sứ mạng của người Kitô hữu được phác họa ra. Họ cũng được sai đi để chuyển trao ân phúc của Thiên Chúa cho Dân ngoại, như Đức Giêsu ngày trước, và như thế, chương trình sống của Đức Giêsu được công bố tại Nadarét (Is 61,1-2; 58,6) cũng phải là chương trình sống của mỗi Kitô hữu.

3. Với việc dân Nadarét từ khước Đức Giêsu, bắt đầu tiến trình kết án sẽ đưa Người đến thập giá. Nhưng chính lập trường của Đức Giêsu củng cố niềm tin của chúng ta. Người chính là Đấng Mêsia đích thực của Thiên Chúa, một Đấng Mêsia không vận dụng quyền lực mình để thực hiện một hoàn cảnh cứu độ trần thế, nhưng đặt tại trung tâm sứ điệp về Thiên Chúa. Nhu thế, khi sống trong một hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, ta có thể đặt trọn niềm tin nơi Ngài, bởi vì chính Ngài sẽ ban cho chúng ta ơn cứu độ trọn vẹn.

4. Trong tư cách là Con Thiên Chúa, với uy quyền lớn lao nhất, Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho người nghèo. Là Đấng sống một cuộc sống nghèo, Đức Giêsu chính là lời chuẩn nhận rằng Thiên Chúa dủ thương chiếu cố đến những người nghèo. Đức Giêsu quy hướng niềm hy vọng của loài người không vào của cải trần thế, nhưng vào lòng nhân lành của Thiên Chúa.

5. Đức Giêsu nói năng tự do bởi vì Người không lo lắng tìm kiếm thành công riêng tư hay lợi lộc hoặc tránh né tiếng xấu có thể lan tỏa đi các làng phụ cận, hoặc mất sự tín nhiệm nơi các thính giả. Người chứng tỏ là một nhà rao giảng có tinh thần hoàn toàn tự do. Người cho thấy có một tầm nhìn bao trùm thế giới, nhìn tới các chân trời của chính Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ