Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 77
Tổng truy cập: 1364588
ANH EM CỦA MỌI NGƯỜI
Ai là người thân cận của tôi? (Lc 10, 29)
Câu hỏi của nhà thông luật này cũng là câu hỏi của nhiều người trên thế giới ngày nay. Câu hỏi này nhắm đến quyền lợi của cá nhân người hỏi. Chúng ta có thể hiểu ngầm vế còn lại: những người còn lại là người xa lạ hoặc là thù địch của tôi. Nếu là người thân, không hại đến quyền lợi tôi thì tôi giúp. Còn kẻ thù hại đến quyền lợi tôi thì tôi bất thông giao. Anh em thì không hại tôi, nhưng có lợi cho tôi. Kẻ xa lạ thì phải dè chừng, kẻ thù địch thì phải tiêu diệt. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu trong câu chuyện dường như nhấn mạnh một khía cạnh khác.
Đừng hỏi ai là người thân của tôi, đừng chỉ nghĩ đến bản thân và lợi ích riêng mà phải nghĩ đến người khác: tôi có bổn phận gì đối với người xung quanh? Câu hỏi này giúp chúng ta nghĩ đến quyền lợi của anh em mình trước. Như vậy, Chúa Giêsu muốn mỗi người phải từ bỏ tính ích kỷ, qui về mình nhưng vị tha, nghĩ đến quyền lợi của tha nhân.
Chính Chúa đã thi hành điều này trước để làm gương cho chúng ta.
Khi loài người xúc phạm đến Chúa, Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết mà hứa ban ơn cứu chuộc. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã không giữ Ngai Trời của mình mà bỏ trời xuống thế làm người, lo cho loài người. Cho dù loài người phản bội tiếp tục đối xử bất công với Chúa và còn vu cáo, giết Đức Giêsu bởi tay dân ngoại. Chúa biết như vậy nhưng Ngài không nghĩ đến quyền lợi của mình. Chúa cũng không hỏi: ai là anh em, là trung thần của Ngài mà Ngài muốn làm anh em của chúng ta đang lúc chúng ta còn là thù địch của Ngài. Như vậy, Chúa đã lấy ân trả oán. Không những Chúa tha tội ác của chúng ta mà còn thi ân giáng phúc cho cả loài người bằng việc xuống thế, giảng dạy, chữa lành các bệnh nhân và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi nhân gian.
Câu trả lời của Chúa Giêsu đối với nhà thông luật hôm nay cũng là lời nhắn gởi tới mọi người trên trần gian. Nếu chúng ta biết lo cho quyền lợi người khác, muốn làm bạn với mọi người thì thế giới này không còn chiến tranh hận thù, các đảng phái không còn thù hằn tiêu diệt nhau, nhưng biết xây dựng nhau, coi nhau là anh em; mọi đồng bào, mọi người trong gia đình sẽ tự hỏi xem mình có coi mọi người là anh em của mình chưa.
Tuy nhiên, thực tế điều này không phải dễ làm. Con người chỉ có thể coi mọi người là anh em và đối xử với mọi người trong tình yêu thương khi sống giới răn thứ I: yêu mến Đức Chúa, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn. Ngươi. Khi chúng ta tin thờ Chúa, tuyên xưng Thiên Chúa là Cha. Thì từ đó, chúng ta mới nhận ra mọi người là anh em, kể cả kẻ thù. Còn ai từ chối Thiên Chúa là Cha thì không thấy được mọi người là anh em của mình, nhất là những kẻ thù nghịch mình! Đối với những ai từ chối Thiên Chúa thì ngày nào họ còn từ chối Thiên Chúa, họ sẽ không yêu thương được người khác cách chân thành mà chỉ giao tiếp dựa trên lợi danh: Vì tiền, vì chức, vì một lợi lộc nào đó. Họ sẽ đối xử với nhau theo kiểu mạnh được yếu thua. Khá lắm cũng chỉ là thương hại, bố thí chút cho kẻ bần cùng, cho đi phần dư thừa của mình, chứ không tôn trọng tha nhân đúng mức.
Lời Chúa hôm nay nhắc bảo chúng ta đừng chỉ lo cho bản thân, nhưng biết nghĩ đến anh em đồng loại như Chúa đã thương xót chúng ta. Chúng ta cũng hãy thương mến mọi người như anh em của mình. Điều này có thể thực hiện được như bài đọc I trong sách Đệ Nhị Luật nói: hãy trở về cùng Chúa. Thánh chỉ Ta truyền cho các ngươi hôm nay không quá khó, cũng không quá sức các ngươi. Lời Chúa ở sát bên các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi (Đnl 30,10-14).
Lời Chúa nói trong lương tâm mỗi người, cho dù người đó tuyên bố mình vô thần nhưng trong lòng vẫn cảm thấy một điều gì đó linh thiêng trong thế giới này và vì vậy họ kiếm tìm một tín ngưỡng để có chỗ dựa tinh thần. Vậy chúng chúng ta hãy cầu xin cho mọi người dù đã biết Chúa hay đang từ chối Chúa biết nhận ra nguồn cội của mình. Xin cho mọi người chúng ta là những người đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa biết giữ giới răn Kính Chúa Yêu Người và trở nên dấu chỉ yêu thương giữa lòng thế giới hôm nay.
31.Suy niệm Chúa Nhật 15 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm. - tổng hợp từ nhiều nguồn)
AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI hay TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI?
Khi một luật sĩ hỏi câu gì, thì ông đã biết câu trả lời phải làm sao. Khi một luật sư hỏi bên bị, bên nguyên, ngay cả hỏi quan toà, thì ông đã tiên liệu trước câu trả lời. Nếu người được hỏi trả lời thế này, sẽ bắt bẻ thế này. Nếu trả lời ngược lại, sẽ bắt bẻ thế kia. Đối với một luật sư, họ không bao giờ hỏi một câu mà họ không biết chắc câu trả lời.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng có luật sư, mà Kinh Thánh gọi là luật sĩ, là thầy thông luật. Thầy sẽ hỏi và người được (bị) hỏi là Thầy Giêsu. Câu hỏi 1 của ông xuôi chảy, dẫu là để thử Chúa:
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp (nhưng là hỏi): "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
Vậy là ông hỏi Chúa, và ông cũng biết câu trả lời, nên khi Chúa hỏi lại, ông trả lời vanh vách. Nhưng khi Chúa khen, ông trở nên quê, nên phải hỏi một câu nữa cho ra nhẽ là thông luật. Sách Tin Mừng ghi: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng (và đây là câu hỏi 2): "Nhưng ai là người thân cận của tôi?"
Và khi hỏi câu đó, ông cũng biết tỏng câu trả lời: Người thân cận của tôi là người Do Thái chứ ai. Theo truyền thống Do Thái, người thân cận, làng xóm được định nghĩa như là: những người con trai của riêng xứ bạn. Tức là, người làng xóm láng giềng: không phải là tôi nhà số 12 Trần Phú, người hàng xóm sẽ là số 14 hoặc 16. Không phải. Kẻ ở thiệt xa, tôi Nhatrang họ Thái Bình, nhưng sẽ là làng xóm, láng giềng thân cận nếu họ cùng dân tộc. Người ở sát vách, mà là dân tộc khác, họ chẳng phải là láng giềng, lân cận.
Hãy yêu người lân cận như chính mình. Luật dạy thế. Vậy ai là người lân cận, chòm xóm. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của luật sư, mà kể ra một dụ ngôn gây sốc, dụ ngôn người Samaritano nhân lành, mà đối với người Do Thái, bất kể người Samaritano nào cũng đáng ghét cả. Họ ở xa cũng đáng ghét, họ ở gần càng đáng ghét hơn.
Kết dụ ngôn sẽ là một câu hỏi ngược lại cho nhà thông luật kia: "Vậy ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người ngoại Samaritano), ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
Khi ông luật sư muốn biết rõ định nghĩa của hai chữ “thân cận”, tức “đối tượng” yêu mến thì Đức Giêsu lại cho ông hay về “chủ thể” của lòng mến yêu, tức người yêu thương, chứ không phải kẻ được yêu thương. Thay vì hỏi: ai là người thân cận, Chúa Giêsu chuyển qua câu hỏi: tôi là người thân cận của ai.
Người Samari là kẻ thi thố lòng yêu thương cho tha nhân, bất kể người đó là ai: Tây, Tàu, Nhật Bản, Do Thái hay Hy Lạp, Ả Rập. Bin Laden. Bởi vì ông là người thân cận rồi, thì ông chẳng cần tìm hiểu xem ai là người thân cận để chỉ yêu người thân cận mà thôi. Thầy thông luật đã đặt sai câu hỏi. Ông muốn giới hạn lòng yêu mến: Xin Thầy chỉ cho tôi chính xác phải yêu mến tới đâu, người nào? Chúa Giêsu trả lời: Đừng hỏi thế, mà nên hỏi: Tôi phải yêu mến thế nào? Tới đâu là giới hạn.
Trong một buổi học ở Manila, 1995, các học viên được giảng viên yêu cầu mỗi người làm một thực tập nhỏ là lấy một tờ giấy lớn và ghi tên tất cả những người thân của mình, những người mà mình yêu thương đến độ có thể hy sinh mạng sống vì những người ấy. Ai nấy chăm chú suy nghĩ và cắm cúi viết. Một học viên người Việt sau giờ học tâm sự: “Thấy người ta ghi, tôi cũng ghi. Nhưng rất nhanh, tôi nhận ra rằng danh sách những người thân của tôi, những người mà tôi thương yêu hơn cả bản thân mình đến mức tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì những người ấy thì rất ngắn! Vì ngoài mẹ tôi, vợ tôi và hai con tôi, tôi không dám ghi thêm tên một người nào khác nữa, vì tôi không chắc là mình đã yêu thương những người ấy đến độ có thể hy sinh mạng sống cho một ai trong họ.
Tôi phải thú nhận rằng: dù giảng viên không yêu cầu chúng tôi nộp danh sách, cũng không yêu cầu học viên nói lên số người được ghi trong tờ giấy của mình nhưng riêng tôi, tôi rất xấu hổ: xấu hổ với Chúa và xấu hổ với chính mình. Vì người thân cận quá ít.”
Ấy vậy mà trong cuộc sống, người thân cận lại quá nhiều để mình phải yêu thương. Nói cách khác, vì tôi là người thân cận rồi, nên chẳng cần tìm ai là người thân cận để yêu thương nữa, mà là cứ yêu thương bất cứ ai.
Tại một giao lộ, một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường. Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Cô ta cũng đợi để sang đường. Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc vì nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó.
Đèn báo bật sáng. Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự sang đường. Khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy. Bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô. Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà.
Nhưng bà đã để cô đi qua. Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không. Chẳng khác gì thầy tư tế và Lêvi đi ngang qua và chạy nhanh khi gặp người bị cướp đánh cho nhừ tử.
Cho nên, nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà luôn luôn tự hỏi, "Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, 'Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?' Mình đã không làm vậy. Mình bước đi. Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò. Nhưng có sao đâu! Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô. Nhưng mình đã bỏ đi. Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện."
Hằng ngày chúng ta gặp những biết bao nhiêu người không bị đánh nhừ tử nơi thân xác, nhưng nơi tâm hồn. Chúa Kitô muốn chúng ta giúp đỡ không những người đau đớn thể xác, mà cả những kẻ đau khổ nơi tâm hồn. Giáo hội của Chúa cũng dạy thương người có 14 mối thương xác 7 mối, mà thương linh hồn cũng 7 mối: lấy lời lành khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Ta có thể nói theo ngôn ngữ thông thường hơn về việc thương người 7 mối, mặt tâm hồn: Làm thế nào? Ta có thể có 3 cái cho sau đây
- Một nụ cười chân thành. Mẹ Têrêxa Calcutta thường khuyên như thế, dù mẹ cười không đẹp, nhưng lòng thành của mẹ chẳng ai lại không thấy. Bao vết thương có thể lành miệng, nhờ ta mở miệng nở nụ cười.
- Một lời chào vui vẻ. Sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn. Lời chào lời thăm hỏi trực tiếp khi tiếp xúc mà cũng có thể qua phương tiện truyền thông như thư từ, điện thoại, email tất cả đều có sức chữa lành.
- Một lời “cảm ơn” nồng nàn. Nó có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Bạn hãy cố gắng cám ơn bác tài xế, người phu hốt rác, người phát thư và bạn cũng cần cám ơn những người trong gia đình bạn. Thầy cô giáo bạn, người chiêu đãi và cả người thợ cạo râu hớt tóc.
Quả thật, con đường từ Giêrusalem xuống Yêricô, trên đó kẻ cướp để nạn nhân nửa sống nửa chết, trên đó người Samatitanô nhân hậu đã chăm sóc nạn nhân, con đường đó khởi sự từ nhà thờ này, từ cửa nhà thờ tới nhà bạn, tới bàn giấy, tới xưởng thợ, tới nơi làm việc, tới lớp học của bạn. Dọc theo con đường ấy, có biết bao người bị thương nặng, nhẹ trong tâm hồn, hãy dừng lại và tiếp giúp họ. Nói vài lời, nở nụ cười, làm một việc để giúp đỡ.
Hãy là người thân cận của mọi người chứ không phải tìm ai là người thân cận để yêu mến một mình người đó không thôi, như ông luật sĩ nọ.
32.Ai là người Samaria tốt nhất? - Charles E. Miller
(Trích dẫn từ ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)
Chúa Giêsu thích kể các dụ ngôn khi Ngài rao giảng, điều đó thì không có gì ngạc nhiên khi có người đặt câu hỏi: “Ai là người láng giềng của tôi?”. Chúa Giêsu đã không cho một câu trả lời trực tiếp. Thay vào đó, Ngài đã kể một câu chuyện dụ ngôn.
Dụ ngôn này thì quen thuộc và để lại ấn tượng mạnh mẽ khi được diễn tả trong một ngôn ngữ. Nói với một người nào là Samaria nhân lành có nghĩa là nói rằng ông ta đã giúp đỡ người khi cần. Trong câu chuyện, người Samaria đã dừng lại và giúp đỡ người đàn ông bị bọn trộm cướp đánh đập và tước lột tất cả, minh chứng chính ông là người láng giềng tốt mà Chúa Giêsu muốn nói đến, ngay cả khi người Samaria này đã không biết nạn nhân xấu số và nạn nhân xấu số cũng không hề biết người Samaria.
Trong câu chuyện dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu thường đưa ra một đường vòng không ngờ. Và đường vòng cho câu chuyện dụ ngôn này là ý nghĩa mà Chúa Giêsu trao cho từ”láng giềng”. Sự kiện anh hùng là một người Samaria. Hãy nhớ rằng câu chuyện này được nói với người Do Thái, những người khinh bỉ người Samaria. Những người Do Thái nhìn người Samaria như là những kẻ phản bội, những kẻ thờ tà thần. Những thính giả đang nghe Chúa Giêsu phải bị sốc rất nặng. Họ phải giận dữ khi Ngài đề nghị với họ một mẫu gương là một người Samaria anh hùng.
Một số giáo phụ tiên khởi của Giáo Hội đã đặt một đường vòng khác vào câu chuyện. Các Giáo phụ thấy người mà chúng ta gọi là người Samaria nhân lành là hình ảnh của chính Chúa Giêsu. Nói cách khác, các giáo phụ nghĩ rằng ít nhất một con người đã được giới thiệu với chúng ta là người luôn giúp đỡ và Chúa Giêsu đã luôn làm điều đó.
Nòi giống con người bị thoái hoá đi bởi tội lỗi. Tội lỗi đã tước bỏ nơi chúng ta mọi giá trị như là con người. Nó đã đánh cặp của chúng ta để lấy đi khỏi chúng ta những ân sủng của Thiên Chúa. Nó đã tấn công chúng ta một cách khốc liệt khiến tất cả chúng ta đều giống như là một người dở sống dở chết. Chúa Giêsu đã nâng chúng ta dậy, không chỉ là trên một con vật, nhưng là trên chính đôi vai của Ngài và mang chúng ta đến với Giáo Hội, để chúng ta có thể được chăm sóc cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang, ngày Phục Sinh của chúng ta.
Nhưng sau đó, Chúa Giêsu đã mang chúng ta vào trong Giáo Hội, Ngài đã không để mặc chúng ta đi trên con đường của Ngài. Ngài ở với Giáo Hội mọi ngày và cho đến tận thế. Qua sứ vụ của Giáo Hội, trong phép rửa Chúa Giêsu đã chữa lành mọi vết thương tội lỗi, phục hồi sự sống của ân sủng và ban cho chúng ta giá trị là con cái của Thiên Chúa. Và trong phép Thêm sức, Chúa đã tăng sức cho đời sống ân sủng bên trong chúng ta, Ngài đã củng cố căn tính của chúng ta như là con cái của Thiên Chúa và thừa tự Nước Trời. Chúa Giêsu đã đến với chúng ta trong Giáo Hội, qua Lời và các bí tích: Lời của Thánh Kinh và bí tích Thánh Thể là chính Mình và Máu Người nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta.
Từ”láng giềng” theo nghĩa chữ là một người ở gần bên chúng ta. Chúa Giêsu đã minh chứng chính Người còn hơn là một láng giềng nữa, hơn là một người nào đó ở gần chúng ta, Ngài đã làm cho chúng ta trở nên thành phần của thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Trong Ngài chúng ta tiếp tục hiện hữu, như bài đọc II đã dạy chúng ta: “Ngài là Đầu của thân thể là Giáo Hội”.
Khi chúng ta bước đi trong đời sống, tội lỗi vẫn còn tiếp tục tàn phá và làm tổn hại chúng ta, chúng đang chờ đợi một khoảnh khắc bất ngờ, chểnh mảng để chúng có thể tấn công chúng ta vào lúc chúng ta yếu đuối. Nhưng chúng ta không bao giờ đơn độc trong cuộc chiến đấu của mình. Thật sống động khi chúng ta họ bài học của bài Thánh Vịnh ngày hôm nay: “Hãy hướng về Chúa những khi bạn cần và bạn sẽ sống”. Khi chúng ta hướng về Chúa sẽ nhận thấy rằng Ngài không quá mầu nhiệm và xa xôi khỏi chúng ta. Chúa Giêsu không quá đơn giản là một người Samaria nhân lành. Ngài là một người tốt nhất.
33.Tình yêu, cốt lõi của Kitô giáo!
(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 15 TNC giới thiệu với chúng ta một chủ đề đáng suy nghĩ, đó là: "mến Chúa và yêu người". Đây là luật mới và cốt lõi của đời sống người kitôhữu.
Bài đọc I trích từ sách Đệ Nhị Luật, qua môi miệng của Môisen, Thiên Chúa mời gọi Dân Riêng của Người hãy tuân giữ các giới răn và huấn lệnh của Thiên Chúa. Luật này không phải ở đâu xa xôi, nhưng là ở bên cạnh chúng ta, trên môi miệng và được khắc ghi trong lòng chúng ta. Luật này đạt tới sự viên mãn nhờ và trong Đức Kitô (Bài đọc II).
Cốt lõi của Lề Luật được tìm thấy trong bài Tin Mừng: "Ngươi hãy yêu mên Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn người, và hãy yêu thương anh em như chính mình". Chúa Giêsu xác nhận đó là con đường dẫn tới sự sống đời đời.
"Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức..." có nghĩa là chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở chổ nhất trong bậc thang giá trị của cuộc đời. Theo đó, Thiên Chúa là ưu tiên số một, là quan trọng nhất trong mỗi suy nghĩ, phán đoán, hành động của cuộc đời tôi, còn những thứ khác là thứ yếu. Và mỗi ngày tôi sống theo chọn lựa đó, trong khi có những người bên cạnh có thể chọn tiền bạc, danh dự, quyền lực, hưởng lạc là chổ nhất cho cuộc đời của họ.
Nhưng chỉ mến Chúa thôi thì không đủ, mới chỉ được một nữa, chúng ta còn phải "yêu thương Anh em như chính mình". Ở đây, chúng ta để ý chữ "như chính mình".
Yêu người khác như yêu chính mình có nghĩa là: chúng ta cũng biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ và mong muốn điều tốt lành, thiện hảo cho người khác như chúng ta làm cho chính mình. Chứ không phải là thấy người khác thành công thì mình tìm cách đạp đỗ, thấy người bên cạnh gặp điều khốn khó thì lòng lấy làm vui mừng! Đức Khổng Tử dạy: "Đừng làm cho người khác những gì mà bạn không muốn cho mình". Đức Giêsu còn đi xa hơn: "Hãy làm cho người khác những gì mà bạn muốn cho mình". Nhất là đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của Chúng ta.
Quả thế, Mến Chúa và Yêu Người là cốt lõi của Kitôgiáo. Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma: Hy lạp đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, tôn giáo của ông đem lại điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu!
Ở đây, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho Marx, khi ông nói rằng tôn giáo của chúng ta chỉ lo đến sự sống mai hậu mà quên đi và sao nhãng bổn phận xây dựng cuộc sống hôm nay. Có thể Marx có lý trên bình diện thực tiễn, khi ông không thấy có những kitôhữu thực sự sống Tin Mừng vào thời ông, hay nói như Maritain là "nỗi đau của thế kỷ XIX là không phải có Marx, mà là không có những kitôhữu giống như Marx". Nhưng cốt lõi của Kitôgiáo dạy chúng ta là yêu mến Thiên Chúa và từ đó hướng tới tha nhân, không phân biệt ai, hướng tới xây dựng xã hội. Việc đến nhà thờ là để giúp chúng ta sống tốt hơn trong gia đình, nơi công sở, trong công việc. Việc đọc kinh xem lễ không phải là để ẩn náu, thoát đời một cách ích kỷ, nhưng là để tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn mình, khi tâm hồn bình an, thì gia đình, xã hội cũng sẽ được bình an.
"Hãy đi và làm như vậy"! Lời đó Chúa nói với người thông luật và hôm nay Người cũng nói với chúng Ta. Như người Samaritanô nhân hậu, là mẫu gương tuyệt về việc biết chọn Luật Bác ái là trên hết, tất cả chúng ta cũng được mời gọi thực hành Luật Bác Ái bằng những việc làm cụ thể hành ngày của chúng ta. Và như thế là chúng ta đang yêu Chúa, đang giữ luật và đang xây dựng một thế giới bằng văn minh Tình thương. Amen!
34.Làm gì để được sống đời đời.
Xin mời mỗi người nghiêm chỉnh đặt câu hỏi nầy cho chính mình kẻo không kịp.
Thường người ta lo đủ chuyện đời nầy chuyện to chuyện nhỏ đều lo còn chuyện sống đời đời thì chưa lo. Đợi giờ chót. Có khi để ngưòi khác lo cho: rước cha.
Sống thì phải được sống lâu, trăm tuổi. Nhưng sau đó thì đi đâu, ở đâu? Phải sống đời đời. Phải biết làm gì để đựoc sống dời đời.
Một người thông luật đã tỏ vẻ quan tâm nên hỏi Đức Giêsu và Người biết người nầy biết nên hỏi lại: Ông đọc thấy gì trong lề luật? (ie. có rồi)
Yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa hết lòng hết sức....
Và yêu mến ngưòi thân cận như chính mình. Người thân cận là Do Thái, là dòng đạo có cắt bì. Ông muốn thử xem Đức Giêsu có gì mới không. Để minh hoạ cho cụ thể Đức Giêsu kể một câu chuyện làm ngạc nhiên vì tính mới mẻ.
Một ngưòi từ Giêrusalem xuống Giêricô, là Do Thái....bị cướp, gặp nạn dở sống dở chết nằm giữa đường, ai đi qua cũng phải thấy.
Một thầy tư tế rồi một thầy lê vi từ Giêrusalem về ( mới làm xong nhiệm vụ tế lễ ở đền thờ về). Là chức việc trong đạo. Thấy lạnh lùng tránh qua bên rồi đi thẳng. Không động lòng chút nào hết.
Một người Samaria, người ngoại, kẻ tội lỗi, kẻ thù của người Do Thái, đi ngang qua đó. Thấy, động lòng thương xót, ghé lại đổ dầu và ruợu, băng bó vết thương, đỡ lên lừa đưa đến quán trọ chăm sóc...tốn bao nhiêu khi trở về tôi sẽ thanh toán đủ. Tươm tất từ đầu chí cuối, không chỉ qua loa, nửa chừng. Có lòng thương xót là vậy. Thương thì thương cho trót gọt thì gọt cho trơn. Đây là tính mới mẻ: yêu kẻ thù. Có lòng thương xót mà thương xót cả kẻ thù, không phân biệt đạo ngoại. Ngoại mà có lòng thương xót thì hãy bắt chước còn đạo mà vô cảm vô tâm không có lòng thương xót thì đừng bắt chước kẻo khi phán xét Chúa Giêsu hỏi khi ta bi nạn nằm giữa đường có dộng lòng thương xót không thì trả lời làm sao?
Không cần biết là Do Thái, Lê vi, tư tế hay Samaria ngoại giáo Chúa chỉ hỏi có lòng thương xót không, có biết động lòng không? Có thì được chúc phúc không thì thôi.
Điều răn quan trọng nhất và cũng là duy nhất có giá trị trước mặt Chúa là đây. Đây cũng là điều mới mẻ của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng sẽ phán xét theo tiêu chuẩn nầy vì Người đã dạy như vậy.
Hãy đi và làm như vậy thì được sống đời. Bảo đảm.
35.Bên ngoài và bên trong
Căn bản của nền luân lý hay đạo đức Khổng - Mạnh dựa vào luật được gọi là Trung và Thứ này: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Nghĩa là "điều gì mình muốn kẻ khác làm cho mình thi hãy làm cho người ta", Hoặc là "Điều gì mình không muốn kẻ khác làm cho mình thì cũng đừng làm cho người ta". Đạo đức của người Việt thì tóm gọn trong một mệnh lệnh: "thương người như thể thương thân". Còn những mệnh lệnh Chúa được ghi trong sách luật xem ra thật nhiều nhưng tóm gọn lại cũng chỉ là hai: "mến Chúa và yêu người", và cuối cùng thì chỉ có một mệnh lệnh là "yêu tha nhân như chính Chúa yêu mình"
Dụ ngôn người Samariatanô hôm nay là một điển hình, là một sự phê phán đánh thẳng vào lòng tự kiêu tự đại, tính kỳ thị chủng tộc và tôn giáo của người Do Thái, đặc biệt là đối với hàng ngũ những người lãnh đạo. Thật vậy người Do Thái xưa nay vẫn hãnh diện coi mình là dân riêng của Chúa, những người được tuyển chọn tách riêng ra khỏi các dân tộc khác. Họ nại vào tư thế: "tách biệt" đó để khinh ghét những người dân ngoại, coi những người nay như đương nhiên là tội lỗi xấu xa. Qua dụ ngôn này Đức Giêsu đã vạch trần thói vô nhân đạo của họ.
Trong câu chuyện dụ ngôn cả nạn nhân lẫn ông tư tế, thầy Lêvi đều là những người Do Thái, và họ đều từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Nghĩa là họ vừa mới lên Giêrusalem, rất có thể là lên đền thờ cầu nguyện trở về. trông thấy nạn nhân không những không thèm dừng lại cứu giúp, còn tránh qua bên kia đường mà đi. Làm như thể mình không thấy nạn nhân. Hành động này thật không thể tha thứ được vì đã thấy mà còn cố tình trốn tránh làm như không thấy, tội ấy mới thật là nặng gấp đôi. Bởi vì bằng cách tránh qua bên kia đường, làm như không thấy, họ tự bào chữa cho con tim thối nát và lương tâm chai đá của họ: họ muốn vẫn được coi như người công chính "mến Chúa và yêu người".
Thái độ này trái ngược hẳn với thái độ người Samariô, bản văn không nói rõ là từ Giêrikhô lên Giêrusalem hay ngược lại, nhưng nếu như người ấy từ Giêrikhô đi lên, thì có nghĩa là đang đi bên kia đường, khi trông thấy nạn nhân mà theo bối cảnh ở đây là người Do Thái, mặc dù vậy ông ta vẫn dừng lại băng bó, săn sóc nạn nhân và vực lên lưng lừa của mình. Và điều này có nghĩa là ông ta phải đi bộ, nhường con lừa cho nạn nhân. Ông đưa nạn nhân vào quán trọ, đưa tiền săn sóc nạn nhân, và hứa ngày hôm sau sẽ trở lại thanh toán tiền cho xong nếu còn thiếu.
Ngày hôm nay, có người giải thích dụ ngôn theo nghĩa bóng hay ẩn dụ, coi người Samaria như biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng từ trời cao, xa lạ đối với người phàm, nhưng cố tình yêu thương và săn sóc loài ngưởi bị Satan đánh gục. Giải thích như thế xem ra cũng có lý, nhưng thật là nguy hiểm vì có thể dẫn người ta tránh đi việc thực hành bác ái với anh em. Thật vậy, người ta có thể cho rằng chỉ có Chúa mới có thể yêu thương người ta tới mức như vậy, còn loài người chúng ta bản chất vốn ích kỷ lười biếng đời nào chịu làm như thế....
Nhưng thực tế cho thấy thái độ của người Samari không phải là không có thật. Xưa nay vẫn không thiếu những người "dân ngoại", những người "vô thần" tỏ ra có lòng bác ái hơn những kẻ "hữu thần' những kẻ "có đạo". Trái lại cũng không thiếu những tư tế chẳng những thiếu bác ái mà còn vô nhân đạo. Thật! "chiếc áo không làm nên thầy tu", cái nhãn hiệu Kitô giáo không miễn trừ cho chúng ta khỏi sự tham lam ích kỷ và tội lỗi. Không phải cứ hễ là Kitô giáo là chúng ta phải tốt, ngược lại đâu phải vô đạo, ngoại giáo là xấu đâu. Cũng tương tự như thế không phải cái nhãn hiệu mình mang trên mình đương nhiên chúng ta sẽ trở thành anh hùng đâu, hay những con người lý tưởng gương mẫu. Đúng! Cái vỏ không bảo đảm được cho cái ruột bên trong con người, nếu như cái ruột đó đã hư, đã thối...Trái lại cái ruột tốt dù không có bao bì đẹp hay chắc chắn bao bọc, thì vẫn cứ tốt và sử dụng được.
Dụ ngôn này không những dạy chúng ta phải có lòng bác ái với anh em, mà còn dạy chúng ta phải biết học với những người ngoài gia đình, ngoài cộng đồng tôn giáo hay chính trị của chúng ta. Đừng bao giờ có thành kiến về người khác, đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có mình là hay là tốt, trái lại hãy nhận ra cái tốt nơi những người vẫn bị coi là thù địch với chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra mình, để con biết khiêm tốn hạ mình xuống trước mặt người khác, và hơn cho con luôn có lòng thường cảm yêu thương hết tất cả mọi người. Amen.
36.Bệnh vô cảm
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Thản nhiên nhìn tài xế cán xe lên người bé gái nhiều lần. Đó là tựa đề của một vụ việc xảy ra tại chợ Lao Bảo, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ năm 2011. Nhưng trong năm 2015 được nhiều tờ báo mạng Trung Quốc đăng lại, trong đó có tờ báo lớn như Chinadaily, nhằm cảnh báo về vấn nạn "vô cảm."
Theo camera giám sát tại khu chợ, một bé gái đang đi lang thang trong chợ, không may đã bị một chiếc xe tải đâm trúng. Khi biết bánh trước vừa đâm phải người, tài xế đã phanh lại nhưng chỉ vài giây sau, anh ta đã lại quyết định lái xe đi tiếp khiến em bé bị bánh xe sau cán tiếp lần thứ hai. Sau đó, chiếc ô tô khác đi tới lại tiếp tục chèn vào em mà không dừng lại. Rất nhiều xe đi qua đó, thậm chí có cả người đi bộ chứng kiến cảnh em bé đau đớn nhưng vẫn không mảy may để ý, không gọi xe cứu thương hoặc đến hỏi han em.
Rất lâu sau, một công nhân quét rác đi qua mới phát hiện em bé đang nằm trên đường. Bà đã kêu gọi người giúp đỡ nhưng không ai ra giúp. Vài phút sau, mẹ của cô bé xuất hiện và đưa cô bé đi cấp cứu.
Theo điều tra, cô bé tên là Nguyệt Nguyệt, 2 tuổi, sống cùng bố mẹ gần khu chợ. Trong lúc bố mẹ đi lấy hàng, em chạy đi chơi và xảy ra chuyện.
Do bị cán qua cán lại nhiều lần và không được cấp cứu kịp thời, bé Nguyệt Nguyệt bị chết não và khả năng sống rất thấp. Nếu có sống cũng sẽ là người thực vật suốt đời.
Ngay khi vụ viêc xảy ra, gia đình đã báo cho cảnh sát và nhờ họ điều tra tên tài xế “dã man kia”. Khi bắt được hung thủ, tên tài xế này cho hay: lúc đó anh ta đang nói chuyện với người yêu và cô ấy đòi chia tay. Do tâm lý không ổn định và đã không nhìn thấy bé ở trước đầu xe nên đã đâm vào cô bé. Sau đó, anh ta nghĩ rằng nếu bé chết anh ta chỉ phải bồi thường 20.000 tệ (khoảng 70 triệu đồng), nhưng nếu em bé chỉ bị thương thì anh ta có thể sẽ tốn hàng trăm nghìn tệ. Chính vì vậy anh ta đã không cứu đứa bé mà lại cán thêm.
Vụ việc này đã gây lên một làn sóng phẫn nộ của người dân. Họ không chỉ lên án, chỉ trích sự dã man của hai tên tài xế đã đâm phải bé mà họ còn cảm thấy bức xúc với sự thờ ơ, vô tâm và thiếu tình người của những người xung quanh đó. (Nguồn: baogiaothong.vn)
Thật vậy, vô cảm là căn bệnh trầm kha của con người qua mọi thời đại. Trong xã hội chúng ta đang sống, dường như căn bệnh vô cảm lại trở nên trầm trọng hơn. Người ta thờ ơ, vô tâm trước những vấn đề của người khác. Người ta im lặng, làm ngơ trước những bất công của xã hội. Đáng sợ nhất khi căn bệnh vô cảm đang lây lan tới hết mọi người và mọi môi trường sống.
Vô cảm trong gia đình: khi vợ chồng không quan tâm đến nhau. Cha mẹ nhẫn tâm không cho con cái chào đời. Con cái cháu chắt bỏ rơi không chăm sóc ông bà cha mẹ. Người ta quên đi tình anh em ruột thịt, tình làng nghĩa xóm, để rồi “Đèn nhà ai rạng nhà nấy.”
Vô cảm tại trường học, khi các tiêu cực xảy ra hằng ngày trong chính môi trường giáo dục: nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; thầy cô giáo chỉ lo dạy chữ, không quan tâm đến việc dạy đạo đức nhân bản cho học sinh; nhiều thầy cô dùng bạo lực để sửa lỗi học sinh; nhiều học sinh không còn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”; nhiều trường hợp học sinh bị đánh hội đồng ngay chính nơi trường học mà thủ phạm chính là những bạn bè cùng trang lứa mà không một ai dám can ngăn.
Vô cảm có mặt trong các bệnh viện: khi các y, bác sĩ để mặc các bệnh nhân kêu gào đau đớn mà không quan tâm chăm sóc. Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị chết oan vì chưa có phong bì lót tay cho bác sĩ. Nhiều bác sĩ làm việc thiếu trách nhiệm, thiếu cả chuyên môn nên gây ra hậu quả khôn lường cho các bệnh nhân. Câu chuyện “Bé trai bị bác sĩ mổ nhầm tay trái để rút đinh ở tay phải” xảy ra tại bệnh viện 115 Nghệ An vừa qua là một bằng chứng. Việc các bác sĩ móc nối với các nhà thuốc khi kê đơn cho bệnh nhân để kiếm hoa hồng chứ không nghĩ đến những loại thuốc đó có hiệu quá tốt nhất cho các bệnh nhân của mình, đó cũng là một vấn đề đáng báo động.
Những tháng gần đây chúng ta chứng kiến sự vô cảm của chính phủ Việt Nam đối với vấn đề cá chết hàng loạt ở Miền Trung. Đặc biệt, khi biết thủ phạm chính gây nên thảm hoạ môi trường là công ty gang thép Formosa Hà Tĩnh, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục cho nó hoạt động và chỉ nhận một số tiền rẻ mạt so với hậu quả vô cùng to lớn trước mắt và lâu dài. Họ vô cảm không nghĩ đến tình cảnh của người dân bị hại trong hiện tại và cả trong tương lai. Sự vô cảm của họ có thể giết chết không những ngư dân Miền Trung mà cả dân tộc Việt Nam chúng ta.
Sự vô cảm còn lan tràn trong các lĩnh vực khác của xã hội chúng ta đang sống: nhiệm vụ của công an, quân đội là bảo vệ bình an cho người dân nhưng họ lại đàn áp dân một cách vô tội vạ; khi những người đứng ra bênh vực cho công lý và lẽ phải lại bị bắt bớ đánh đập, tù tội; nhiều người vì muốn an thân nên khi thấy kẻ cắp móc túi người khác mà không dám lên tiếng; người ta im lặng trước sự ác, không mủi lòng trước những đau khổ của anh chị em mình; khi người ta thấy tai nạn xảy ra trên đường đi mà không sẵn sàng giúp đỡ…
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự thờ ơ, vô cảm của một tư tế và trợ tế đối với một người bị nạn. Tư tế và trợ tế là những người có thế giá trong dân, là những người có vai trò trong đạo Do Thái lúc bấy giờ. Họ thuộc lòng những khoản luật của đạo Do Thái, nhất là luật mến Chúa yêu người, nhưng họ không thực hành những điều luật đó. Nói cách khác, họ thờ ơ, vô cảm trước nhu cầu của anh chị em đồng loại.
Vô cảm có thể là một tội. Tội dửng dưng trước nhu cầu của anh em. Chúa Giêsu đã đề cập tới tội vô cảm này trong dụ ngôn nhà phú hộ và ông Lazarô (x. Lc 16, 19-21). Nhà phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ông Lazarô thì nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Điều đáng nói là số phận đời sau của nhà phú hộ: ông phải sa hoả ngục. Ông sa hoả ngục không phải vì ông giàu có, nhưng vì ông vô cảm trước sự đói khổ của người nghèo đói Lazarô.
Để tránh khỏi bệnh vô cảm, tội dửng dưng, chúng ta bắt chước gương của người Samaria nhân hậu. Mặc dầu ông không phải là người Do Thái, người bị nạn không liên hệ gì đến ông, nhưng ông nhạy cảm trước nhu cầu của người khác. Sự nhảy cảm đó được thể hiện không chỉ qua cách: “Trông thấy và động lòng thương,” mà còn thể hiện qua việc ông: “Xắn tay áo để thoa dịu những đau khổ của người bị hại.” Tin mừng kể lại rằng: “Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc”(x. Lc 10,35).
Ông không dừng lại ở đó, sự quan tâm của ông còn đi xa hơn khi ông trả tiền bạc cho chủ quán thay cho người bị hại và hứa sẽ quay lại thanh toán những gì còn lại. Sự quan tâm chăm sóc của người Samaria đối với người bị hại là mẫu gương cho con người qua mọi thời đại, nhất là đối với mỗi người kitô hữu chúng ta. Chính Chúa Giêsu cũng nói với người thông luật rằng: “Ông hãy đi và cũng hay làm như vậy” (Lc 10,37).
Trong cuộc sống, chúng ta cần phải nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình, không phải chỉ bằng lý thuyết mà cần phải ra tay hành động. Bởi vì: “Lòng thương xót nếu không có việc làm thì tự nó sẽ chết” (ĐGH Phanxicô). Những lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô sau đây đáng chúng ta suy nghĩ, Ngài nói: “Ai đã cảm nghiệm trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Chúa Cha thì không thể không nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình...Những công việc từ bi thương xót không phải là những đề tài lý thuyết, nhưng là những chứng tá cụ thể, đòi chúng ta phải xắn tay áo lên để thoa dịu những đau khổ của nhân loại” (Bài huấn dụ 30/06/2016).
Lạy Chúa Giêsu, xin chữa chúng con khỏi căn bệnh vô cảm, để chúng con luôn biết nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình. Amen.
37.Chỉ vài bước thôi – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Đức Cha Bùi Tuần viết: “Tôi thấy từ nhà ông phú hộ đến chỗ ông ăn mày Ladarô chỉ khoảng vài bước, nghĩa là cách nhau chỉ có cái cổng. Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và cứu khổ cho người hành khất Ladarô luôn nằm đó (x.Lc 16,19-26). Hậu quả là khi chết rồi, người phú hộ đó đã phải ném vào vực sâu hoả ngục, xa cách thiên đàng cao sang vời vời.Vài bước vô tâm đã đưa tới cực hình vô tận… Dụ ngôn người Samari tốt lành (x.Lc10,30-32) cho thấy: cũng chỉ vài bước thôi, thầy Tư tế và thầy Lêvi đã tránh sang bên kia đường, để khỏi cứu nạn nhân. Lý do họ vịn vào để tránh cứu nạn nhân, có thể là vì quá bận với những công tác tôn giáo ở nhà, hoặc vì không rõ lý lịch nạn nhân. Và họ an tâm. Nhưng Chúa Giêsu coi đó là một an tâm xấu, có thể là một tội đáng phải phạt” (xem).
Lối hành xử của ông Phú hộ “mackeno” hay thầy Tư tế và Lêvi “tránh sang một bên”, biểu tượng cho thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, mặc kệ, đó là căn bệnh thời đại: vô cảm.
Có ba cấp độ vô cảm khác nhau trong đời sống hàng ngày.
Thứ nhất là vô cảm trước người khác, hiểu theo nghĩa là một hay nhiều người cụ thể, ở ngay trước mặt, như người thân trong gia đình, hàng xóm hay bất cứ ai đó gặp tai nạn ngoài đường.
Thứ hai là vô cảm trước đất nước hiểu theo nghĩa một cộng đồng mà mỗi người là một thành viên.
Thứ ba là vô cảm trước đồng loại, bao gồm cả những người ở xa, xa xôi và xa lạ, thuộc một đất nước khác hay một lục địa khác.
Tạm thời, xin gác loại vô cảm thứ ba lại. Chỉ tập trung vào hai loại vô cảm thứ nhất và thứ hai. Lý do: một, đó là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay; hai, sự vô cảm thứ ba chỉ khắc phục được nếu người ta đã vượt qua được hai loại vô cảm đầu tiên: Không hy vọng có người biết xúc động trước nỗi đau khổ của ai đó, ở châu Phi chẳng hạn, nếu người ta cứ dửng dưng trước những đau khổ ngay trước mặt và trước mắt mình. Nếu có, đó chỉ là chút cảm xúc mang mùi lãng mạn chủ nghĩa; nó thoáng qua, rồi tắt, chứ chắc chắn sẽ không dẫn đến bất cứ một hành động cụ thể nào cả.
Vô cảm trước đất nước có nhiều biểu hiện, nhưng trung tâm vẫn là sự dửng dưng, hay nói theo chữ quen thuộc ở Việt Nam lâu nay, là mặc kệ. Đất nước nghèo đói ư? Mặc kệ! Đất nước càng ngày càng lạc hậu ư? Mặc kệ! Sự bất bình đẳng trong nước càng ngày càng trầm trọng; khoảng cách giữa giàu nghèo càng ngày càng lớn; người giàu càng ngày càng giàu và người nghèo càng ngày càng nghèo ư? Mặc kệ! Nạn tham nhũng càng ngày càng hoành hành, càng phá nát nền kinh tế quốc gia ư? Mặc kệ! Xã hội càng ngày càng băng hoại; văn hóa càng ngày càng suy đồi; giáo dục càng ngày càng xuống cấp ư? Mặc kệ! Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, làm lũng đoạn kinh tế Việt Nam, bắt bớ và giết hại ngư dân Việt Nam ư? Mặc kệ! Dửng dưng hay mặc kệ trước những vấn đề liên quan đến danh dự quốc gia cũng là một sự vô cảm.
Nhưng tại sao người ta lại trở thành vô cảm? Câu trả lời tương đối dễ: Một, người ta bị tước trách nhiệm đối với đất nước; và hai, bất cứ người nào còn có trách nhiệm và muốn biểu lộ trách nhiệm ấy thì bị chụp mũ, sỉ nhục, bắt bớ, giam cầm. Trách nhiệm đối với đất nước trở thành một cái tội. Dân chúng bị xem là những kẻ ngoại cuộc đối các vấn đề quốc sự. Người nào không chấp nhận điều đó thì bị trừng phạt nặng nề. Kẻ thì bị đạp vào mặt. Kẻ thì bị bắt bớ. Kẻ thì bị đe dọa. Kẻ thì bị bêu xấu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.Trong hoàn cảnh như thế, người ta không vô cảm đối với đất nước mới là chuyện lạ. (x. Blog của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc).
Một trong những phát minh vĩ đại của khoa học là sáng chế ra rôbốt. Nhưng khoa học không thể tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến rôbốt biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận. Căn bệnh vô cảm biến con người thành rôbốt, vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức. Thấy những điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Gặp người có hoàn cảnh khó khan, hoạn nạn mà không thấy xót xa, thương cảm, không muốn ra tay giúp đỡ dù có điều kiện. Đứng trước sự bất công, xấu xa, gian dối mà không thấy phẫn nộ, nhức nhối. Thời nay, ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém…nhưng lại ít thấy ai ra can ngăn, cứu giúp. Không dại gì dây dưa vào, mackeno, là biểu hiện của bệnh vô cảm.
Lối sống dửng dưng, thờ ơ, mặc kệ đang hình thành một nền “văn hóa vô cảm” trong xã hội chúng ta. Thái độ này đang được thể hiện tràn lan trong cuộc sống. Hình ảnh những người trẻ nhường chỗ trên xe buýt cho người lớn tuổi hoặc phụ nữ có thai như là chuyện cổ tích; chuyện dửng dưng chứng kiến người thanh niên lừa một người mù đi bán vé số để cướp số tiền mưu sinh nhỏ nhoi được coi như chuyện nhỏ không đáng phải can thiệp, hay như chuyện một người phụ nữ bị đánh đập, bị lột hết quần áo và bị trói nằm trước mặt người qua đường mà chẳng ai quan tâm tới… Môi trường sống hôm nay tràn lan những câu chuyện vô cảm như thế xảy ra hằng ngày.
Chỉ vài bước thôi ông nhà giàu có thể đến với Ladarô nghèo khổ. Chỉ vài bước thôi thầy Tư tế và Lêvi sẽ chạm đến người bị nạn trên đường. Chỉ vài bước thôi, sao mà khó đến vậy? Âu cũng chỉ vì họ mắc bệnh vô cảm.
Sự vô cảm vì con người ích kỷ, tham lam. Vì thế, suy cho cùng, bệnh vô cảm là do thiếu vắng tình yêu, xa cách với tình yêu, không quen nói về tình yêu, không quen thể hiện yêu thương, không bao giờ nuôi dưỡng tình yêu trong cuộc sống.
Dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay với hai hình ảnh trái ngược.Tư tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Tư tế và Lêvi là những người đại diện tầng lớp đáng kính trọng nhất trong xã hội. Họ chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa nhưng lại dửng dưng trước đau khổ của anh em đồng loại. Một người Samari (thường bị người Do thái khinh bĩ, khai trừ, coi là ngoại đạo, tránh giao tiếp) tình cờ đi ngang qua, thấy cảnh ngộ đáng thương của người bị nạn nên động lòng thương. Chuyện tình cờ xảy ra trên đường: đức ái không luôn luôn đến từ nơi người ta chờ đợi. Chẳng quan tâm đến việc xem nạn nhân là người Do thái hay không, anh làm tất cả những gì có thể để cứu giúp người bất hạnh này. Săn sóc tại chỗ, đưa về quán trọ, anh còn dự liệu cả hoàn cảnh khó khăn mà người này có thể gặp phải khi không có anh bên cạnh, vì thế anh nói với chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”. Chính hành động làm cho anh em khốn khổ của mình trong đời thường mới làm nên con người tôn giáo chứ không là địa vị hay chức vụ, dù đó là thầy Tư tế hay thầy Lêvi đi nữa. Đối với nghĩa vụ đức ái, không có bất kỳ hạn định nào. Bác ái là miệng nói tay làm, là giúp đỡ người khác thật sự theo khả năng của mình.
Tin Mừng hôm nay là câu chuyện đẹp về tình yêu thương. Người Samari nhân hậu đã sống đức yêu thương cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Anh đã cho đi mà không tính toán, không chờ đợi một lời cảm ơn nào, và có lẽ anh vừa đi vừa hát bài ca hạnh phúc. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống và thực thi yêu thương: “Hãy đi và làm như vậy”.
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu chỉ với vài bước thôi, chúng con đã có thể cứu được một người cả xác cả hồn, thì xin cho chúng con có nhiều bước chân đi để đến với mọi người. Chúng con biết, cuộc sống đạo sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc, Kitô hữu mà không thực hành bác ái bằng việc làm trong đời sống thì cũng chỉ là hữu danh vô thực. Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ, chai đá, dửng dưng trước những bất hạnh khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen.
38.Lề luật của Đức Kitô
(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)
Tin Mừng Lc 10: 25-37 Với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết thực thi tình yêu thương phục vụ tha nhân. Họ là những người đang ở bên chúng ta, đang hiện diện và đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Họ vẫn đang hiện diện nhưng vì nhiều lý do cá nhân mà đôi mắt chúng ta xem ra đã không thấy họ.
Xem ra trong cuộc sống những gì ở gần nhất thì mình lại thờ ơ và dễ dàng quên lãng. Lời Chúa, lề luật của Thiên Chúa cũng ở ngay trong chính mỗi người không đâu xa, thế nhưng sống và giữ Lời Chúa, lề luật Chúa có lẽ lại là việc khó khăn. Thậm chí có người thờ ơ, quên lãng. Môsê khẳng định với dân chúng rằng Lời Chúa không ở đâu xa, không ở trên trời cũng như dưới biển nhưng ở ngay môi miệng và ngay trong lòng người. Với dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết thực thi tình yêu thương phục vụ tha nhân. Họ là những người đang ở bên chúng ta, đang hiện diện và đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này. Họ vẫn đang hiện diện nhưng vì nhiều lý do cá nhân mà đôi mắt chúng ta xem ra đã không thấy họ.
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA: Tin Mừng Lc 10,25-37
Ai là người thân cận?
Giới răn yêu thương đòi hỏi phải yêu mến Thiên Chúa như người Cha và yêu mọi người như chính mình. Thế nhưng, cần phải đi đâu để tìm kiếm người mình phải yêu thương. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu sẽ giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu phải mở rộng đến mọi người không loại trừ ai và tha nhân chính là những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày.
a. Lề luật của Do Thái giáo đã qui định rõ ràng phải yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, những luật sĩ, người giải thích lề luật, lại tìm cách để giới hạn khái niệm về tha nhân là ai. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi trong giới Rabbi. Theo quan niệm đương thời thì tha nhân là người đồng hương, đồng đạo còn người ngoại đạo là người ô uế, thờ ngẫu tượng thì không được đụng đến vì như thế là sai luật vì sẽ bị ô uế.
b. Người luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu để thử Người nhằm tìm cách bắt bẻ Người: Làm thế nào để được sống đời đời? Ai là người anh em để mình yêu thương? Ông muốn tranh luận về lý thuyết nhưng Chúa Giêsu đã hướng vấn đề theo ý Người. Điều cốt yếu không phải là biết ai là đối tượng của lòng yêu mến mà là có yêu thực sự hay không. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hành động vì tình yêu. Chính tình yêu làm cho chúng ta trở nên anh chị em của mọi người; mọi người, không phân biệt một ai, xuất thân từ đâu, đều trở nên anh chị em của mình. "Ai là anh em của tôi?" Câu trả lời không phải là một khái niệm lý thuyết trừu tượng từ sách vở mà là câu trả lời đến từ tình yêu sống động của tấm lòng mỗi người.
c. Người Samaria trong dụ ngôn dù là người ngoại đạo, không biết gì về lề luật như người Luật sĩ, cũng chẳng có tư cách của thầy trợ tế Lêvi hay thầy Tư tế. Thế nhưng, ông đã sống được giới răn quan trọng nhất của Chúa. Với Kitô hữu ngày nay, dụ ngôn giúp chúng ta đặt lại con tim và hành vi bác ái của mình: chúng ta đang yêu như thế nào? Tình yêu có giúp mình trở nên người của mọi người không?
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Tìm kiếm và sống tình yêu giữa đời thường:
Trong thực tế tìm kiếm và sống đúng đòi hỏi của tình yêu không phải là điều đơn giản. Người luật sĩ chắc chắn am hiểu luật, thế nhưng, khi nhận được câu trả lời của Chúa hãy làm đúng luật yêu thương mà ông đã biết, ông lại tìm cách bào chữa cho mình. Ông bào chữa vì ông không thấy được đâu là đối tượng để ông yêu mến. Anh em tôi là ai? Người thân cận tôi là ai? Trong mắt người Do Thái thì đối tượng là những người tốt, người đồng đạo… nghĩa là có những đối tượng bị loại trừ khỏi con tim yêu thương của họ. Chúa Giêsu thì khác hẳn, một khi đã yêu thì không phân biệt một ai. Qua dụ ngôn người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, anh em mình chính là những người khổ đau, nghèo đói, bệnh tật… chung quanh chúng ta. Đối tượng để chúng ta yêu mến không ở đâu xa mà ở ngay cạnh mình, trên đường mình đi, ngay nơi mình ở. Tìm kiếm và sống tình yêu ngay giữa đời thường của mình. Yêu đi rồi sẽ biết ai là anh em của mình hay nói cách khác chính tình yêu sẽ biến đổi mọi người thành anh chị em của nhau, thân thiết với nhau.
Với Kitô hữu hôm nay, câu chuyện Tin mừng gợi cho chúng ta cách sống đức tin của mình như thế nào? Nhất là mối tương quan tình yêu với mọi người chung quanh. Yêu mến Thiên Chúa trong nhà thờ không đủ nếu không yêu mến Ngài trên đường đi và trong anh chị em chung quanh. Dâng lễ mà không yêu người, đối với Thiên Chúa là điều không thể chấp nhận được.
2. Sự thờ ơ vô cảm của lòng người bóp chết tình yêu:
Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu trong dụ ngôn người Samaria nhân hậu đã đưa ra hình ảnh của thầy Trợ tế Lêvi và thầy Tư tế đối lập với người Samaria nhân hậu. Chắc chắn đó là sự kiện thường thấy trong sinh hoạt của người Do Thái lúc bấy giờ. Vì khi dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu luôn lấy những hình ảnh đời thường để giúp mọi người hiểu chân lý đức tin. Ở đây không nhằm đi vào phân tích nguyên nhân tại sao họ có thái độ như thế, nhưng chủ ý muốn nói đến thái độ vô cảm thờ ơ của họ trước đau khổ của người khác. Họ là những người có luật, hiểu luật yêu thương thế mà họ lại không thực hiện; trong khi đó, người Samaria không biết luật đó, không biết đối tượng tình yêu của mình thì ông lại biết sống vì yêu.
Ngày nay, sự thờ ơ dửng dưng, thái độ vô cảm trước nỗi đau của anh em đồng loại xem ra là căn bệnh của thời đại, của nhiều người, trong đó có cả người Kitô hữu. Báo đài đã lên tiếng về vấn đề này trong mọi môi trường của cuộc sống. Thái độ ấy đã và đang bóp nghẹt lòng người; đã và đang đẩy biết bao người vào trong đau khổ bất hạnh; đã và đang làm phân hóa xã hội. Kitô hữu chúng ta sống và làm gì trước hiện tượng đó?
3. Tình yêu, con đường của sự sống: "Tôi phải làm gì để được sống đời đời?"
Đó là câu người Luật sĩ đã hỏi Chúa Giêsu, và câu trả lời của Chúa Giêsu thật là kinh điển dựa vào luật yêu thương: Ngươi hãy đi và làm như vậy. Câu trả lời kinh điển không thể khác hơn được, tình yêu đưa tới sự sống đó là chân lý của niềm tin Kitô giáo. Hình ảnh người Samaria trong dụ ngôn cho thấy một cách cụ thể tình yêu đã mang lại sự sống như thế nào. Nạn nhân bị cướp dọc đường nếu như không gặp được người Samaria mà chỉ gặp toàn những người như thầy Tư tế, Trợ tế thì chắn chắn anh ta không thể sống được, nhưng nhờ lòng bác ái mà anh đã được cứu sống. Chúa Giêsu chính là người Samaria nhân hậu đối với chúng ta. Người rời bỏ ngai tòa Thiên Chúa để đến cứu chữa, giải thoát chúng ta khỏi vết thương và sự chết do tội lỗi gây ra. Chúa đã đến vì yêu để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Ngày nay, đến lượt mỗi người Kitô hữu chúng ta phải tiếp tục là người Samaria bên cạnh tất cả những người chúng ta gặp trong cuộc sống mình.
Xã hội và con người bất hạnh khổ đau hôm nay có gặp được người Samaria nhân hậu hay không? Con người hôm nay có tìm được sự sống và hạnh phúc hay không? Câu trả lời cần đến trái tim nhân hậu của mọi người nói chung, và nhất là của Kitô hữu chúng ta. Những ai lâm cảnh thiếu thốn, khổ đau đều có quyền đòi Kitô hữu yêu thương bằng hành động cụ thể.
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Mở đầu: Anh chị em thân mến, yêu thương là giới luật của Thiên Chúa. Ngài đã trọn tình yêu thương chúng ta. Trong tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.
1. Chúa Giêsu đã thiết lạp Giáo hội để tiếp nối Người yêu thương chăm sóc nhân loại khổ đau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo hội thực sự là nhà, là nơi mọi người tìm thấy được sự yêu thương chăm sóc và ủi an qua sự đón tiếp chân thành của mọi thành phần trong Giáo hội.
2. Ngày nay vì sự thờ ơ, vô cảm của lòng người, vì sự ích kỷ vụ lợi mà nhiều người, nhiều nơi trên thế giới phải rơi vào thảm cảnh của chiến tranh, đói khổ, lạc hậu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia không chỉ lãnh đạo bằng sự khôn ngoan, tài trí mà còn bằng con tim biết yêu nước thương dân. Nhờ đó, mọi người được hưởng tự do, công lý và hòa bình.
3. Mến Chúa yêu người luôn là một đòi hỏi thúc bách của Chúa đối với Kitô hữu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống yêu thương bằng hành động bác ái hy sinh cụ thể dành cho anh chị em. Xin cho mọi người được trở nên những người Samaria nhân hậu cho anh chị em chung quanh.
Lời kết: Lạy Thiên Chúa là tình yêu, Chúa luôn mời gọi chúng con yêu thương nhau. Xin Chúa gia tăng đức ái, giúp chúng con biết quan tâm, mau mắn, giúp đỡ anh chị em khó khăn bên cạnh với tất cả khả năng và tấm lòng của mình. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam