Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1371455

BA CẠM BẪY CỦA MA QUỶ

Ba cạm bẫy của ma quỷ

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Người ta nói rằng cư dân miền Bắc Cực có cách bẫy chó sói rất độc đáo. Họ mài những con dao thật bén, rồi đem nhúng dao đó vào máu súc vật cho đến khi lưỡi dao bọc toàn máu. Đêm đến, họ đem dao đó cắm ngoài đồng. Chó sói thính hơi nghe mùi máu, chạy đến liếm lưỡi dao tới tấp. Đến khi chính lưỡi nó bị dao cắt đứt, máu chảy ra, nó vẫn mải mê cắm đầu liếm mà không biết mình đang liếm máu mình cho tới lúc kiệt sức ngã lăn ra chết.

Con sói vì khát máu mà chết. Con người chúng ta đôi khi cũng khát tiền, khát tình, khát danh vọng, quyền lực mà chết. Quả đúng là “mật ngọt chết ruồi”. Danh lợi thú luôn là cạm bẫy của ma quỷ vây bắt linh hồn con người. Con người chúng ta đôi khi cũng vì những hào nhoáng bên ngoài mà vướng vào cạm bẫy của ma quỷ. Con người chúng ta đôi khi cũng đang bị chết dần mòn trong những đam mê cuồng si của mình. Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy sự chọn lựa dứt khoát của Chúa Giê-su trước những cạm bẫy của ma quỷ. Ngài không lập lờ nước đôi. Ngài cũng không tìm thoả hiệp với ma quỷ. Ngài luôn chọn lựa Chúa và ý Chúa Cha để sẵn lòng loại bỏ những gì nghịch với ý định của Thiên Chúa Cha. Ngài đã chiến thắng cám dỗ nhờ tình yêu trung tín với Chúa Cha. Ngài đã tín thác hoàn toàn vào Chúa Cha đến nỗi “lương thực của Ngài chính là thi hành ý muốn Chúa Cha.

Kính thưa, Quý OBACE

Ba cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chiến thắng cũng là ba cám dỗ mà ma qủy vẫn tiếp tục gieo vào tâm hồn con người hôm nay.

Cám dỗ thứ nhất đó chính là của cải và cơm bánh hằng ngày. Cha ông ta vẫn nói:

“Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ mang phần cho ta”

Đó chính là sự công bằng đích thực. Có làm có hửơng. Có những ngày tháng lặn lội ngược xuôi bôn ba nơi chốn chợ hay dầm mưa dãi nắng nơi nương đồng mới có ngày nhàn hạ hưởng dùng hoa trái mình làm nên. Nhiều người đã không ý thức điều đó. Vì thói tham lam và lười biếng họ muốn “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Họ đang tâm làm giầu bằng thủ đoạn, bằng lừa gạt. Họ vì tiền mà đánh mất tình bạn. Họ vì miếng cơm manh áo mà đánh mất lương tri. Họ muốn biến đá thành bánh mà chẳng cần lao động cực nhọc. Lòng tham đã khiến họ quên đi phẩm giá cao đẹp của loài người là hình ảnh của Thiên Chúa, thế nên cần phải tìm kiếm những gì cao siêu hơn là những miếng bánh mau hư nát và cũng chẳng bao giờ thoả mãn lòng tham con người.

Cám dỗ thứ hai chính là tính đòi hỏi người khác phục vụ cho những đam mê sở thích của mình. Đó là lối sống hưởng thụ và thác loạn. Ngày nay người ta vẫn sợ các cậu ấm cô chiêu. Con của những người giầu có và quyền thế. Từ nhỏ đã được cha mẹ cưng phụng, chiều chuộng nên chỉ biết đua đòi, phóng khoáng. Sống ngông cuồng đến độ bất tuân phục lề luật. Sống hành xử theo ý mình, cho dù đó là những trò mạo hiểm gây hại cho bản thân và cho đồng loại như: xì kè, ma túy, mại dâm, đua xe, lạng lách… Đó chính là con đường mà ma qủy đã gieo vào lòng người: “cứ gieo mình xuống đi…. và mọi sự sẽ có các thiên sứ lo liệu…”. Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở họ: “chớ thử thách Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng công thẳng. Mọi việc con người làm hôm nay đều phải trả lẽ trước mặt Chúa trong ngày sau nơi toà phán xét chí công của Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ ba chính là lòng tự mãn, kiêu căng của con người. Ma qủy luôn cám dỗ con người “coi trời bằng vung”. Họ hành động như thể không có Thiên Chúa. Họ sống theo ý mình, tệ hại nhất chính là sự nuông chiều theo những đam mê sở thích của mình. Ma qủy luôn làm cho con người cảm thấy thoả thích trong những vinh hoa phú qúy trần gian. Nó dẫn con người đi trong những đam mê bất chính, những hưởng thụ lầm lạc. Con người vì kiêu căng muốn hưởng thụ tất cả nên dễ dàng bỏ Chúa, bỏ lề luật để tôn thờ những con bò mộng, lợn vàng là danh lợi thú trần gian. Tôn thờ những tạo vật thấp hèn nên con người cũng có những lối hành xử đê tiện và thấp hèn.

Chúa Giêsu Ngài đã chiến thắng ba cám dỗ đó trên nền tảng căn tính của con người. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và vượt xa muôn loài thụ tạo nên chẳng có vật gì đáng cho con người phải bán rẻ lương tâm để tôn thờ. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên con người, mới đáng để con người phải cúi mình tôn thờ. Thế nên, chỉ khi con người sống tôn thờ Thiên Chúa, con người mới sống đúng phẩm giá của mình hơn, vì “nhân linh ư vạn vật”. Chỉ khi con người thoát ra khỏi sự ràng buộc khỏi những tham sân si, con người mới sống an bình hơn.

Ước gì Mùa chay sẽ giúp chúng ta tìm lại đúng phẩm gía cao đẹp của chính mình. Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ nâng đỡ và giúp chúng ta chiến thắng những cám dỗ đang đeo đuổi và ràng buộc tâm hồn chúng ta. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết thanh luyện chính mình để mỗi ngày nên hoàn thiện như cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.

 

 

 

 

 

7. Cạm bẫy – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

 

Người Eskimo bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ lông áo da thú.

Thợ săn cáo mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu.

Khi trời nhá nhem tối, họ đem ra cắm ngoài cánh đồng tuyết. Với cái mũi rất thính của loài sói bắc cực, nó đánh hơi mùi máu tươi đông lạnh. Vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi mình đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình.

Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên, cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra mà chết.

***

Mùa chay là thời gian hồi tâm, trở về với Chúa để định hướng cho tương lai. Mùa chay cũng là lúc dừng lại, để nhận ra những cám dỗ đang rình rập, những cạm bẫy đang bủa vây. Con cáo vì ham liếm máu tươi, mất cảnh giác nên đã không nhận ra được cạm bẫy chết người. Nếu cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa, thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.

Xã hội càng văn minh tiến bộ, con người càng gặp nhiều cám dỗ. Cám dỗ của thân xác đòi hỏi, hưởng thụ và chiếm đoạt. Cám dỗ của con tim mùa quáng, đam mê và phóng túng. Cám dỗ của đầu óc cao ngạo, hám danh và trục lợi. Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến đấu với những cám dỗ khêu gợi, mời mọc, kích thích giác quan. Bao nhiêu giác quan là bấy nhiêu cánh cửa mở ra trước cạm bẫy.

Sự bất ổn của nền văn minh hiện đại, và ảo ảnh của tương lai vẫy gọi, khiến chúng ta cứ trượt dài trên con dốc tội lỗi. Người tín hữu khôn ngoan luôn cảnh giác những cạm bẫy như thủy lôi trôi trên giòng đời.

Chính Đức Kitô đã phải liên tục đối phó với các cơn cám dỗ: “Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,13). Đây không phải là cám dỗ một lần thay cho một đồi, nhưng là cuộc cám dỗ triền miên trọn cả kiếp người. Wendell Philips viết: “Kitô giáo là một trận chiến, chứ không phải là một giấc mơ”.

Nếu đời người như cây sậy trước gió, dễ ngả nghiêng trước bao cuốn hút, chúng ta càng phải biết nương tựa vào một mình Chúa.

Nếu người đời tôn thờ khoái lạc, xa hoa hưởng thụ chúng ta càng phải biết chay tịnh cõi lòng.

Nếu thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, phô bày thân xác, chúng ta càng phải biết giữ gìn con mắt.

Có biết bao người mơ ước hy sinh cuộc đời nhưng lại không biết hy sinh những tật xấu của mình. Leon Tolstoi viết: “Mọi người đều nghĩ đến chuyện thay đổi nhân loại, nhưng không ai nghĩ đến chuyện thay đổi chính mình”. Vì chưng, có một sự thật nhức nhối này, là canh tân người khác luôn luôn dễ hơn hoán cải chính mình.

***

Lạy Chúa, Chúa đã chiến thắng những cơn cám dỗ của Satan, xin giúp chúng con can đảm lướt thắng những cạm bẫy trong cuộc đời.

Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có Chúa mới là niềm vui và là hạnh phúc đích thực của đời chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

8. Sám hối thì được cứu rỗi – Anmai, CSsR

 

Mở đầu những trang Thánh Kinh, chúng ta thấy trình thuật Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trời đất muôn loài muôn vật. Đỉnh điểm của công trình tạo dựng của Thiên Chúa đó là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài. Không chỉ dựng nên giống hình ảnh mình mà thôi, Thiên Chúa còn cho con người được ơn, được quyền sử dụng tất cả những tạo vật mà Chúa đã dựng nên ấy. Thiên Chúa một mực yêu thương con người ngay từ những ngày đầu tạo thiên lập địa nhưng con người, con người mãi quay lưng lại với Thiên Chúa.

Cũng ngay những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta thấy Thiên Chúa ban đầu cảm thấy vui khi tạo dựng con người. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, con người cứ mãi hận thù, ganh tỵ, chém giết lẫn nhau như Ca-in đã giết A-ben em mình. Không chỉ có như vậy mà lòng con người cũng bắt đầu thay đổi. Lòng con người không được như trước nữa mà lòng con người đã trở nên chai đá trước tình yêu của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế đã ghi lại: “Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng.” (St 6,5-7)

Giận thì giận mà thương thì thương. Thiên Chúa thấy Nôê là người công chính nên Ngài đã thương và Ngài đã bày tỏ tình thương của Ngài với Nô-ê và gia đình của ông.

Như sách Sáng Thế đã thuật lại, chúng ta thấy Thiên Chúa giận thì có giận đấy nhưng mà Ngài không nỡ bỏ con người. Ngài vẫn chờ đợi sự hoán cải, sự hối lỗi của con người.

Nhìn vào Thiên Chúa và con người, cách hành xử của Thiên Chúa và con người chúng ta thấy rất ư là buồn cười. Con người thì cứ mãi miết đi trong tăm tối, đi trong tội lỗi còn Thiên Chúa thì cứ mãi biểu lộ tình thương, sự tha thứ của mình. Một trong những người cảm nhận được lượng từ bi lân tuất, tình yêu thương hải hà của Thiên Chúa đó chính là vua Đa-vít. Vua Đa-vít hơn một lần đã dâng lời chúc tụng Chúa, chúc tụng về tình thương bao la của Thiên Chúa:

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật ngươi.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,

ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,

khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.

Chúa phân xử công minh,

bênh quyền lợi những ai bị áp bức,

mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,

cho con cái nhà Ít-ra-en

thấy những kỳ công Người thực hiện.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương,

chẳng trách cứ luôn luôn,

không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Như người cha chạnh lòng thương con cái,

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.  (Tv 103,1-13)

Thiên Chúa là Cha hay thương xót, chạnh lòng thương và chờ đợi con người đáp trả.

Trở về với trường hợp của Nô-ê. Thiên Chúa giận, Ngài đã quyết định số phận mọi xác phàm và rồi Ngài bảo Nô-ê chuẩn bị cho quyết định ấy. Nô-ê tin tưởng vào lời của Thiên Chúa và ông đã thực hiện những gì Thiên Chúa bảo ông làm. Nếu như ông không tin tưởng và không kiên nhẫn chờ đợi trong trong 150 ngày thì số phận của ông cũng như những người kia. Thiên Chúa không những cứu sống cho đại gia đình của Nô-ê mà Thiên Chúa còn chúc phúc cho đại gia đình ấy nữa.

Để được sống, được hưởng chúc như ông Nô-ê không đơn giản như chúng ta nghĩ. Phải thật kiên nhẫn, phải thật tin tưởng, phải thật tín thác cuộc đời mình trong tay Chúa. Đâu có đơn giản để sống 150 ngày lênh đênh trên sóng nước? Phải chiến đấu, phải đối diện với biết bao nhiêu gian nan khốn khó của cuộc đời thì gia đình của Nô-ê mới được đi vào trong vinh quang với Thiên Chúa.

Trong thư của mình, Thánh Phêrô nhắc nhở mỗi người chúng ta về ơn cứu độ, về sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu. Ngài viết: “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3,18-19). Đức Kitô muốn vào vinh quang phục sinh với Cha của Ngài, Ngài cũng phải trải qua nhiều đau khổ và nhất là phải đón nhận cái chết và cái chết tủi nhục trên thập giá. Chúng ta thừa biết rằng, cuộc đời của Chúa Giêsu, từ khi sinh ra cho đến khi chịu chết, Ngài phải chấp nhận biết bao nhiêu đau khổ.

Để thi hành sứ vụ rao giảng công khai của mình về Nước Trời, Chúa Giêsu đã phải đối diện với biết bao nhiêu đau khổ, biết bao nhiêu là thử thách.

Để bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu đã vào hoang địa để chịu sự cám dỗ của ma quỷ. Không đơn giản để vượt qua những cám dỗ đó dẫu đó là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng mang trong mình phận của một con người yếu đuối, mỏng dòn, cũng biết cảm thương, cũng biết giận, biết hờn… Chúa Giêsu cũng có trong mình cảm nghĩ về sự đau khổ, về sự thử thách mà chúng ta đã từng được nghe Thánh Kinh thuật lại. Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha là cất khỏi Ngài chén đắng mà Chúa Cha trao ban nhưng xin đừng theo ý của Ngài nhưng là theo ý Cha. Với tâm tình đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng quá vất vả, quá khó khăn khi đối diện với ma quỷ, với cám dỗ. Thế nhưng, chung cuộc, kết cục của cơn cám dỗ mà ma quỷ đưa ra đó Chúa đã thắng.

Tại sao Chúa đã thắng được những cơn cám dỗ của ma quỷ? Chúa đã sống kết hợp mật thiết với Cha, Chúa đã cầu xin Chúa Cha ban ơn cho mình và đặc biệt Chúa Giêsu đã hoàn toàn tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong tay của Cha. Hơn một lần chúng ta nghe Chúa Giêsu thỏ thẻ với Cha: “Lạy Cha! Nếu có thể được xin Cha cấy cho con khỏi chén này nhưng xin theo ý Cha chứ đừng theo ý con”. Qua câu thỏ thẻ ấy, chúng ta thấy tâm tình của Chúa Giêsu như thế nào. Chúa Giêsu cũng như mỗi người chúng ta, Ngài phải đón nhận những cơn cám dỗ của cuộc đời nhưng Ngài đã thắng.

Bước vào Mùa Chay Tịnh, chúng ta bước vào hoang địa với Chúa Giêsu để sống thời gian đặc biệt: Thời gian sám hối.

Đừng như một số người suy nghĩ về cuộc đời họ thường nói là “kệ nó! tới đâu thì tới!” hay là “sao cũng được!”. Nếu nghĩ như thế, nếu nói như thế thì chẳng còn gì phải bàn, phải bận tâm nữa. Cuộc đời con người mau qua chóng tàn, nay còn mai mất. Mất và tàn ấy không phải là chuyện của chúng ta mà là của Thiên Chúa. Và nếu như người khôn ngoan thật thì luôn luôn hướng đến ngày mau qua chóng tàn ấy để cân chỉnh cuộc đời của mình cho tốt hơn.

Chúa luôn luôn chờ đợi, Chúa luôn luôn bao dung tha thứ. Phần chúng ta là ăn năn sám hối, sửa đổi cuộc đời.

Mùa Chay là mùa thuận tiện, mùa cơ hội để chúng ta hồi tâm quay về với Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót thương mở rộng vòng tay ra để ôm chầm chúng ta là những con người tội lỗi biết quay về với Chúa.

 

 

 

 

 

9. Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

 

Chúng ta đang ở trong Chúa Nhật thứ nhất mùa chay. Giáo Hội giúp chúng ta cảm nhận tình yêu Thiên Chúa với chúng ta qua việc nhìn ngắm Đức Giêsu sống thân phận con người.

1. Cám dỗ nơi con người và nơi Đức Giêsu

Đức Giêsu mà cũng bị cám dỗ sao?

Ngài chấp nhận sống với dã thú sao?

Là người, nghĩa là, với thể xác và tinh thần, con người luôn có thể bị cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về điều này.

Cám dỗ là khuynh chiều đòi thỏa mãn những đòi hỏi của thân xác và của tinh thần, không muốn đáp trả tiếng gọi từ trên. Chẳng hạn người ta nhận thấy nơi mình những đòi hỏi của thân xác về tính dục hay khuynh hướng muốn mình giầu hơn người khác, hoặc những đòi hỏi của tinh thần muốn mình trổi trang hơn người khác…

Khuynh chiều đi tìm và dừng lại nơi danh lợi tiền bạc địa vị, không muốn vươn lên điều tốt hơn nhưng dừng lại ở cái tầm thường, đó là những cám dỗ thường xảy ra trong đời mỗi người.

Muốn trổi trang, không là tội, nhưng còn là điều tốt. Chỉ xấu, chỉ là tội, khi mình coi mình là nhất, đòi mình trên người khác hoặc trên Thiên Chúa, và xúc phạm người khác.

Không ai thoát cám dỗ, nhưng con người tự do trước cám dỗ, con người có thể không thuận theo cám dỗ. “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. “Ơn Ta đủ cho con” (2Cor 12,8-9).

Chúa không hứa cho chúng ta khỏi bị cám dỗ, nhưng Chúa hứa sẽ giải phóng chúng ta, nếu chúng ta bám vào Ngài: “cứ xin thì được, tìm sẽ gặp, gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).

Thiên Chúa là tinh thần, Ngài mời gọi con người vươn lên Ngài qua những giá trị tinh thần con người thấy được qua lý trí.

2. Phép rửa khởi đầu đời sống mới

Dù chúng ta có thuộc về thế gian và ma qủy trong những chọn lựa ở qúa khứ, thì bây giờ Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở lại, để chúng ta khởi đầu một đời sống mới, hầu chúng ta sống hạnh phúc.

Đức Giêsu đã chịu phép rửa ở sông Yordan (Mc 1,9), và Ngài cũng đã chịu một phép rửa rất đặc biệt (Lc 12,50). Mỗi người chúng ta cũng đã chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu, nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa (Mt 28,19), chính phép rửa này đã làm chúng ta thành một thụ tạo mới.

Phép rửa đã làm chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa, chúng ta là tạo vật mới, được được Thiên Chúa cứu chuộc qua Đức Giêsu Kitô. Nhận phép rửa nhân danh Đức Giêsu, là dìm mình trong cái chết của Ngài và sống lại trong sự sống của Ngài.

Với phép rửa, Thiên Chúa ghi ấn tín trong tâm hồn chúng ta, dấu chỉ chúng ta thuộc về Thiên Chúa, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

3. Giao ước biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa

Con người là gì mà Thiên Chúa phải ký kết giao ước với! Chẳng lẽ người nặn bình gốm lại phải ký kết với bình gốm?

Thiên Chúa ký kết giao ước với con người, để không bao giờ tiêu diệt con người nữa! Ôi tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật tuyệt vời biết bao. Những gì Thiên Chúa đã nói, thì Ngài trung thành thực hiện, không bao giờ thất tín. Ngài vẫn trung thành dù con người có bất trung phản bội.

Tình thương của Thiên Chúa đối với con người, được thể hiện trong suốt dòng lịch sử. Lịch sử ghi dấu con người phản bội, nhưng lịch sử lại ghi dấu tình thương nhân từ tha thứ cho con người. Lịch sử, là lịch sử Thiên Chúa cứu độ con người.

Lịch sử đánh dấu những giao ước Thiên Chúa thực hiện đối với con người. Lịch sử cũng cho thấy Thiên Chúa điều khiển dòng lịch sử, can thiệp vào lịch sử dân Do thái để cứu dân, và qua đó cứu độ tất cả loài người.

Biến cố Đức Giêsu Kitô, là biến cố đỉnh cao cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Cũng với chính Đức Giêsu, con người tìm được con đường để nên thánh, con người được bảo đảm mình được yêu thương và sẽ là thánh, được thuộc trọn về Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngài bị cám dỗ, Ngài vượt qua, “Ngài là đường, là sự thật và là sự sống”. Ngài là thầy, và không có Ngài, không có ai là thầy đích thực. Nếu có ai trên trần gian này là thầy, là người đó được tham gia “chức thầy” của Đức Giêsu.

Chúa Giêsu là mẫu mực, là thầy dạy của chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được theo gương Ngài, được hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả cho Ngài.

 

 

 

 

 

10. Đức Giêsu chịu Xatan cám dỗ

 

Sau khi chịu phép Rửa, Đức Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa, ở đó Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ nhưng Ngài đã chiến thắng. Chúa Giêsu đi vào hoang địa là ý muốn của Thiên Chúa, có Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Chúa Giêsu không bao giờ hành động một mình mà luôn có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng hiện diện trong hoạt động của Chúa Giêsu.

Thế nhưng, tại sao Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ? Đây là dịp cho chúng ta thấy thêm ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm nhập thể nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu vốn là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và tệ hơn nữa là làm một người nghèo cô thế cô thân, không có một ngôi nhà đàng hoàng ấm cúng để sinh ra, rồi lại phải sớm chạy nạn trốn sang Aicập để tránh hoạ sát thân.

Khi hoà nhập vào dòng người tội lỗi đang bước xuống dòng sông Gioa-đan để chịu thanh tẩy mình bởi phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu đã tự đồng hoá mình với những con người tội lỗi trong thế gian dù Ngài chẳng có tội tình gì.

Hôm nay Chúa Giêsu chịu cám dỗ là Ngài đứng trong thân phận con người để cùng với con người Ngài cũng chịu cám dỗ để đồng thân phận với con người tro bụi, mỏng dòn yếu đuối, dễ thay đổi, dễ sa ngã. Nhưng có một điều khác là con người chúng ta thì dễ sa ngã truớc cám dỗ; còn Chúa Giêsu đã mở môt con đướng mới: đó là Ngài đã chiến thắng cám dỗ nghĩa là chiến thắng ma quỷ.

Ma quỷ vốn là tên cám dỗ đã có mặt trong lịch sử, đã gieo mầm tội lỗi nơi con người và nó vẫn còn họat động mạnh mẽ trong nhân loại nhưng nay tên cám dỗ đã bị Chúa Giêsu đánh gục, và trong tương lai nó vẫn còn tiếp tục thất bại dài dài.

Chiêm ngưỡng hành động của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hay dâng lên Chúa tâm tình vui mừng và lời cảm tạ vì tình thương lớn lao Chúa đã dành cho nhân loại tội lỗi chúng ta. Trong thân phận con người Chúa Giêsu đã không ngừng đi sâu vào mầu nhiệm nhập thể mỗi ngày một triệt để hơn, để cảm thông, để yêu thương, để mở đường cho con người đi về cùng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chiến thắng tên cám dỗ, bước theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải hạ tên cám dỗ như Thầy của mình.

Ngoài tâm tình tạ ơn, chúng ta còn phải học nơi Chúa bài học chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ. Trong đời sống con người, chúng ta phải đối diện với vô vàn những cám dỗ lúc nào cũng vây quanh chúng ta với nhiều hình thúc khác nhau có khi còn rất tinh vi, có khi cám dỗ được nguỵ trang kín đáo bằng một việc xem ra hoàn toàn tốt đẹp kiến chúng ta không thể nhận ra được đó là một cám dỗ của ma quỷ. Những cám dỗ đó có thể là miếng ăn, tấm áo, có thể là danh vọng quyền lực hay là tiền bạc, cũng có thể là một thứ tình cảm nào đó….Cám dỗ thì vô vàn vì đó là việc làm của ma quỷ mà, nó phải ra sức làm việc để lôi kéo con người về phía nó, để những ai nghe theo chúng thì sẽ dần dần xa lìa Thiên Chúa và thuộc trọn quyền của ma quỷ.

Chúng ta phải làm gì đây? Phải đề cao cảnh giác, phải nghe Lời Chúa và Hội Thánh dạy trong Mùa Chay là hãy thường xuyên chay tịnh, hãm mình ép xác, nhìn nhận thân phận mòng giòn yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội của chúng ta; làm thế không phải để mạc cảm nhưng để ý thức rõ về mình để bám chặt vào Chúa hơn. Siêng năng lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích Giải tội và Thánh Thể, làm các việc lành phúc đức, đem Lời Chúa thực hành trong đời sống để múc lấy sức mạnh từ trên cao hầu chiến thắng mưu mô của tên cám dỗ.

 

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ