Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1370709
BÀI SAI
Bài sai
(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)
Trong kỳ họp thường niên của HĐGMVN thứ nhất năm nay, các Đức giám mục Việt Nam chia sẻ với nhau tiến trình thỉnh nguyện xin mở án phong chân phước cho hai Đức Cha: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Vào thế kỷ 17, Toà Thánh đã đặt Đức Cha Lambert de la Motte làm giám mục Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) kiêm Camquchia, Lào, Thái Lan. Đức Cha Francois Pallu giám mục Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) kiêm Trung Quốc.
Đức Cha Francois Pallu là người pháp, từ bỏ gia đình và quê hương, ngài dùng tàu buồm vượt qua Địa Trung Hải rồi men theo đường bộ từ Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Ấn Độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến miền Bắc Việt Nam, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của ngài bị một cơn bão đánh giạt vào Philippin. Ngài bị người Tây Ban Nha bắt bỏ tù rồi đem giải về Tây Ban Nha. Với sự can thiệp của Toà Thánh, Tây Ban Nha trả tự do cho Đức Cha. Tuy phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng tim ngài vẫn luôn sáng chói một niềm hy vọng là phải đem Tin Mừng đến tận Trung Quốc. Vừa được trả tự do, ngài tìm mọi cách đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác ngài được chôn vùi tại đây. Cho nên, Ngài đã vui mừng nói: “Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một nhịp cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc!”.
Thưa anh chị em, cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Francois Pallu tại đất nước chúng ta cũng như biết bao nhà truyền giáo khác đều gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của mười hai Tông Đồ. Chính Chúa Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai để nhóm này ở lại bên Ngài và để được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để các ông trở nên giống như Chúa, rồi cũng được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cho nên, Chúa Giêsu đã trao tất cả những gì mình có cho các ông: quyền rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Vì vậy, hoạt động của các ngài là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ của Chúa Giêsu.
Đáng lý ra hành trình rao giảng đầy gian khó như thế phải mang nhiều hành trang chứ? Nhưng Chúa Giêsu nói: “Không được mang gì khi đi đường”, tức phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, như thế họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận mọi bất trắc có thể xẩy ra dọc đường, nhưng đặt mình dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa. Có như thế, chúng ta mới dễ:
Thứ nhất, có nhiều thời gian gắn bó mật thiết với Đức Giêsu. Thứ hai là có trái tim biết cảm thương và cứu giúp tất cả mọi người: từ người trẻ đến già, từ những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, đến những người nghèo kém may mắn. Cuối cùng, có tâm hồn nghèo khó đơn sơ phó thác. Nghèo khó tâm hồn tức là siêu thoát với vật chất. Vật chất chỉ là phương tiện giúp sống chứ không phải mục đích sống. Nếu sống duy vật chất thì chắc chắn mất phần tâm linh, tức mất linh hồn, mất lương tri. Ví dụ, hôm này 7-7 vừa qua một vụ giết giết kinh hoàng xảy ra ở Bình Phước, làm 6 người trong gia đình đại gia, tất cả đều bị sát hại bằng phương thức cắt cổ. Chỉ duy nhất bé gái khoảng 18 tháng tuổi, con út ông bà chủ may mắn thoát nạn. Theo thông tin, người ta dự đoán đây là vụ giết người cướp của. Lại một sự đau lòng cho con người vì tiền của mà mất lương tâm, bất nhân và tàn ác.
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô xác tín: “Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1,4). Qủa thế, chúng ta là những người đã chịu Phép Rửa, là giống nòi tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để hoạt động tông đồ và rao truyền Tin Mừng cho mọi người. Vì thế, hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới đó là: nơi chúng ta đang sống, đang làm việc, là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp... Vậy, là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải ra đem Tin Mừng của Chúa thấm đẩm vào cuộc sống ngõ hầu biến đổi thế giới mình đang sống hành thế giới của Thiên Chúa: là công bình, bác ái, yêu thương, tha thứ, không gian tham, không độc ác…
Ước gì Lời Chúa hôm này, sau Thánh Lễ này, Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố rõ ràng và hữu hiệu nhất bằng cuộc sống chứng tá của mỗi người chúng ta qua các hoạt động tông đồ của chính mình hay các ban ngành, đoàn thể trong giáo xứ trong tình yêu hiệp nhất với nhau và đặc biệt với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh. Amen.
2. Căn tính và tinh thần của người thừa sai
(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)
Tin Mừng Mc 6: 7-13: Ngày nay, trên thế giới, người ta đang rất quan tâm và thán phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trân trọng không hẳn vì ngài khôn ngoan cho bằng nhân đức của ngài vượt trội. Một trong những đức tính tuyệt vời mà nhiều người nhận ra, đó là đức tính khiêm nhường, can đảm và nghèo khó....
Ngày nay, trên thế giới, người ta đang rất quan tâm và thán phục Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trân trọng không hẳn vì ngài khôn ngoan cho bằng nhân đức của ngài vượt trội. Một trong những đức tính tuyệt vời mà nhiều người nhận ra, đó là đức tính khiêm nhường, can đảm và nghèo khó. Vì thế, ngài đơn sơ, giản dị, dễ gần, luôn cảm thông cho người tội lỗi, nâng đỡ những người bất an, bảo vệ những người bị áp bức, và nhất là luôn thương cảm với người nghèo.
Ngài thực là người mục tử mẫu mực, luôn “cảm thấu” và “ngửi” thấy mùi chiên.
Hôm nay, phụng vụ Lời Chúa cũng làm toát lên những đặc tính cần phải có nơi người môn đệ.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Bài đọc I, trích sách Amos, thuật lại việc ngôn sứ Amos bị mời đi nơi khác hoạt động, vì nơi đó, người ta không muốn ngài hiện diện. Tuy nhiên, vị ngôn sứ này rất chân thành, đơn sơ, nghèo khó và can đảm xác tín mạnh mẽ về ơn gọi của mình đến từ Chúa và sứ mạng ông đang thực thi cũng là do chính Chúa chỉ định. Khi xác tín như thế, ông đã trung thành và quả cảm ở lại ngay tại nơi “nước sôi lửa bỏng” để loan báo sứ điệp mà Thiên Cháu muốn ông thi hành.
Với bài đọc II, thánh Phaolô tuyên tín mạnh mẽ và gợi lại cho dân về ơn gọi của mỗi người cách nhiệm mầu trong tình thương của Thiên Chúa từ trước cả khi tạo dựng đất trời.
Điều cao quý nhất, đó là trong Đức Giêsu, mỗi người được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa và được cứu chuộc nhờ máu của Con của Người đã đổ ra trên thập giá để giải thoát khỏi tội lỗi và ban cho chúng ta sự sống thần linh.
Ân huệ này phải được chúng ta cảm nghiệm và loan truyền cho mọi người được thấy.
Cuối cùng, thánh sử Máccô thuật lại việc Chúa gọi và chọn mười hai Tông đồ, rồi nhắn nhủ các môn sinh của mình trước lúc lên đường những điều cốt lõi, trọng tâm.
Tin Mừng thuật lại: Đức Giêsu trao cho các ông quyền trên mọi thần ô uế, để các ông chữa lành và củng cố lời giảng của mình, hầu cho lời giảng có giá trị và thuyết phục, đồng thời để lời nói và hành động không bị mâu thuẫn.
Từ bài Tin Mừng, chúng ta có thể hiểu về lời căn dặn của Đức Giêsu trước khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng như sau:
Trước tiên là nhiệm vụ của người ra đi: người được sai đi là để loan báo Tin Mừng, kêu gọi thống hối chứ không phải là loan báo tin buồn, đồng thời sai đi để chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền chứ không phải gieo rắc đau thương.
Thứ hai là tinh thần của người ra đi: người được sai đi sẽ gặp không ít khó khăn, nên cần phải tin tưởng, bám chặt lấy Thiên Chúa, trao phó mọi sự nơi Ngài. Ra đi trong tinh thần thanh thoát, không cần phải cồng kềnh và quá lo lắng cho ngày mai. Hãy là người tôi tớ phục vụ, bởi vì: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy". Và đừng quá lo lắng về vật chất, bởi vì: Không ai giàu đến độ không có gì cần phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho (Helder Camara).
Thứ ba là thái độ của người được sai đi: người môn đệ muốn được thành công thì phải mặc lấy thái độ của hạt lúa, tức là tự hủy ra không, phải nhân từ để “ngửi thấy mùi chiên” và “mang mùi chiên nơi mình”, luôn quan tâm đến người khác hơn là nghĩ về mình. Không ngại khổ, ngại khó và cần phải hy sinh vì phần thưởng của người thừa sai trên trời thật lớn lao.
Thứ tư là lập trường của người ra đi: sống trong một xã hội đầy nhiễu nhương, muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tư tưởng, nhận thức của con người. Quan điểm, lập trường của một số người mọi thời là không có Thiên Chúa, cũng chẳng có niềm tin…. Vì thế, họ không ngần ngại uốn nắn và tìm đủ mọi cách dưới nhiều hình thức tinh vi để gây nên những hoang mang, thất vọng. Bên cạnh đó là những trào lưu tục hóa, những văn hóa phẩm đồi trụy... nhằm gieo rắc những chân lý nửa vời và làm cho con người lấn sâu trong tội mà không biết! Và, cũng những con người đó, họ muốn loại bỏ người môn đệ của Chúa, vì thế, cái chết là kết cục cuối cùng của người thừa sai. Số phận của người môn đệ là: như chiên đi vào giữa bầy sói.
Tuy nhiên, lập trường của người môn đệ, trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ và không được phép đồng lõa, thỏa hiệp để chỉ vì mục đích “rẻ tiền” nhằm được yên thân. Lập trường của người môn đệ còn là hiện diện và sống những giá trị Tin Mừng cách thực tế chứ không chỉ lo củng cố bề ngoài cho thật “hoành tráng” theo thói đời, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
Thứ năm là chiến lược của người môn đệ: được mời gọi hiện hữu giữa thế gian nhưng không bị thế gian điều khiển và đẩy đưa để dẫn đến cái gọi là: dùng phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Phải khôn như rắn để xây dựng, bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo Hội, và, phải hiền lành, đơn sơ như chim bồ cầu trong tinh thần huynh đệ.
Cuối cùng, lời chào của người ra đi: là lời chúc bình an của Chúa chứ không phải là những gợi ý, mong muốn để được nâng đỡ cách này hay cách khác mang tính phàm tục.
2. Tin Mừng cho người nghèo
Từ những suy niệm trên, chúng ta thấy, Đức Giêsu rất quan tâm đến tinh thần của người môn đệ. Một trong những điều mà Ngài quan tâm hơn cả, đó là tinh thần nghèo khó của người được sai đi. Tinh thần nghèo khó có nghĩa là chỉ gắn bó với sự giàu có của Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, Ngài đã không gọi những người giàu có, tài ba lỗi lạc, mà đa phần là những người nghèo, tội lỗi để loan báo Tin Mừng. Có thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng: hành trang các ông mang theo trên đường truyền giáo là trái tim, sự khiêm nhường và lòng phó thác.
Mặt khác, khi chọn người nghèo và tội lỗi là đối tượng chính yếu để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho mọi người nhận thấy rằng: người nghèo chính là tài sản của Giáo Hội.
Từ ơn gọi của các Tông đồ đến đối tượng của sứ vụ các ngài đã lãnh nhận từ nơi Chúa, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng đều là những nhà thừa sai đúng nghĩa. Vì thế, tiên vàn, mỗi người Kitô hữu phải xác tín căn tính của mình là thuộc về Chúa và phải truyền giáo. Không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất và không còn là người Kitô hữu đúng nghĩa. Có chăng chỉ là cái xác không hồn hay chỉ có tên tuổi trong sổ Rửa Tội!
Noi gương Vị Thừa Sai Vĩ Đại là Đức Giêsu, chúng ta truyền giáo bằng đời sống tốt lành, gương mẫu. Nhất định không bao giờ trở thành cái phèng la làm điếc tai thiên hạ, hay giống như cái thùng kêu to nhưng bên trong rỗng tuếch. Đời sống cầu nguyện, nghèo khó và sự khiêm tốn là nền tảng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Đối tượng chính yếu của công cuộc này là người nghèo. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội” (số 187). Ngài quả quyết thêm: “Trong trái tim của Thiên Chúa có môt chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (x. 2 Cr 8,9; số 197). Nói như Paula Hoesi: “Nếu sự ham muốn của cải thế gian lấp đầy con tim tôi thì thử hỏi đâu còn chỗ dành cho Thiên Chúa?.
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: Giáo Hội thực sự trung tín với Thiên Chúa khi Giáo Hội khiêm nhường, khó nghèo và tín thác. Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn sống tinh thần ấy khi loan báo Tin Mừng để Lời Chúa không bị bóp méo nơi những người loan báo. Amen.
3. Loan báo Tin Mừng
(Suy niệm của Lm. Phanxicô Xavie Lê Văn Nhạc)
Tin Mừng Mc 6: 7-13: Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới.
Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam đã ghi lại tên tuổi hai vị giáo sĩ truyền giáo nổi tiếng: Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Vào thế kỷ 17, Tòa Thánh đã đặt hai giám mục này làm Giám quản Tông Tòa đầu tiên ở Việt Nam: Đức Cha Lambert de la Motte phụ trách Đàng Trong (từ sông Gianh trở vào Nam) kiêm Campuchia, Lào, Thái Lan. Đức Cha Francois Pallu phụ trách Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) kiêm Trung Quốc.
Đức Cha Francois Pallu là người Pháp, từ bỏ gia đình và quê hương vào ngày 3.1.1662, Ngài dùng tàu buồm vượt qua Địa Trung Hải rồi men theo đường bộ một thời gian lâu dài, qua hết các nước Trung Đông, Vịnh Ba Tư, Ấn độ mới đến Thái Lan. Năm 1670, trên đường đến miền Bắc Việt Nam, lúc đi ngang qua Huế, thuyền của Ngài bị một cơn bão đánh giạt vào Philippin. Ngài bị người Tây Ban Nha bắt bỏ tù rồi đem giải về Tây Ban Nha. Với sự can thiệp của Tòa Thánh, Tây Ban Nha trả tự do cho Đức Cha. Tuy phải trải qua nhiều gian khổ, nhưng tim Ngài vẫn luôn sáng chói một niềm hy vọng. Ngài nói: "Tôi phải đem Tin Mừng đến tận Trung Quốc". Vừa được trả tự do, Ngài tìm mọi cách để đến Bắc Kinh, và cuối cùng thân xác Ngài được chôn vùi tại đây theo như Ngài mơ ước. Một câu nói của Ngài đáng cho chúng ta ghi nhớ: "Tôi tự cho mình hạnh phúc nếu có thể đem xương cốt mình bắc một nhịp cầu tới Bắc Việt và tới Trung Quốc !"
Thưa anh chị em,
Cuộc đời truyền giáo của Đức Cha Francois Pallu tại đất nước ta cũng như biết bao nhà truyền giáo khác trên thế giới gắn liền với đời tông đồ và cái chết tử đạo của Mười Hai Tông đồ. Chính Chúa Giêsu tuyển chọn Nhóm Mười Hai để Nhóm này ở lại bên Ngài và để được huấn luyện. Mục tiêu của huấn luyện là để các ông trở nên những người được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngay từ khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã thấy mình đứng trước một cánh đồng mênh mông, có biết bao người cần được nghe Tin Mừng cứu độ. Ngài thấy mình cần những cộng tác viên nhiệt thành cho công cuộc truyền bá Tin Mừng. Chúa Giêsu đã trao tất cả những gì mình có cho Nhóm Mười Hai: quyền rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ. Hoạt động của các ông là một sự nối dài và mở rộng sứ vụ của chính Chúa Giêsu.
Chia tay Thầy Giêsu, Nhóm Mười Hai lên đường. Đâu là hành trang của người tông đồ ? Chúa Giêsu trả lời: "Không được mang gì khi đi đường". Không bánh trái, không bao bị, không tiền bạc, không mặc hai áo. Như thế, các ông lên đường với tất cả sự nhẹ nhàng. Càng nhẹ nhàng thì càng dễ thi hành sứ mạng và càng được tự do hơn. Tuy nhiên sự nhẹ nhàng này thật là một thách đố. Khi người tông đồ phải lên đường với hai bàn tay trắng, không có lộ phí, không có lương thực dự trữ, lúc đó họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa và lòng tốt của tha nhân. Ra đi tay trắng như thế là chấp nhận đủ mọi bất trắc có thể xảy ra dọc đường, nhưng cũng là đặt mình thường xuyên dưới sự quan phòng của Chúa. Chính Chúa lo mọi sự cho tôi, để tôi chuyên tâm lo việc của Chúa. Sự an toàn của tôi không dựa vào những phương tiện trần thế, nhưng vào chính Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng dạy cho các ông biết thái độ phải có khi đến với dân chúng. Nếu được đón tiếp thì hãy ở lại, không tìm một nhà khác tiện nghi hơn. Người tông đồ cần có đời sống nghèo, đón nhận những gì được trao cho mình với lòng biết ơn. Nếu không được đón tiếp thì cũng không nên nản lòng. Cử chỉ giũ chân ra đi cho thấy người tông đồ chẳng hề muốn lấy đi điều gì ở nơi đã từ chối đón tiếp mình.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh cũng sai chúng ta đến với thế giới. Thế giới không phải là chuyện xa xôi. Thế giới là nơi chúng ta đang sống, đang làm việc. Thế giới là gia đình, bạn bè, là trường học, cơ quan, xí nghiệp. Thế giới là nơi giải trí, nơi du lịch, bãi biển. Thế giới là sách báo, phim ảnh, video, quảng cáo. Thế giới là mọi ngành khoa học, nghệ thuật, văn chương. Chúng ta ở trong thế giới và Chúa muốn sai chúng ta đi vào thế giới của mình trong tư cách là người kitô hữu. Kitô hữu là người có khả năng biến đổi thế giới mình đang sống để nó biến thành thế giới của Thiên Chúa. Các tông đồ đã rao giảng, đã mời gọi con người hoán cải để đón nhận Nước Thiên Chúa gần bên. Chúng ta cũng phải có can đảm kêu gọi mọi người hoán cải, để tất cả những gì phá hủy phẩm giá con người, loại trừ sự sống của Thiên Chúa, đều phải bị loại trừ. Kitô hữu là người phải hoán cải trước khi mời gọi người khác hoán cải, phải tỉnh thức trước khi đánh thức người khác, phải thuộc về Chúa trước khi trừ quỷ.
Thế giới hôm nay cũng là một thế giới bị thương tích, cần được chữa lành. Bệnh tật của thân xác và bệnh tật của tinh thần vẫn hoành hành trên thế giới. Con người đau khổ vì mất niềm tin, lo âu, tuyệt vọng. Con người nô lệ cho chính những sản phẩm của mình. Tiến bộ khoa học kỹ thuật lại đặt ra những vấn đề mới mà tự sức con người không giải quyết được. Kitô hữu là người tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, băng bó vết thương của thế giới bằng sự hiện diện đầy yêu thương.
Chúng ta không rõ nếu hôm nay Chúa phục sinh chỉ thị cho chúng ta, thì Ngài sẽ nói gì trước khi sai chúng ta ra đi. Chắc Ngài sẽ nói khác với đoạn Tin Mừng hôm nay, nhưng ý chính vẫn không thay đổi. Ngài dạy chúng ta tin cậy vào quyền năng của Thánh Linh hơn là vào khả năng và phương tiện tự nhiên của mình. Ngài nhắc nhở chúng ta tín thác vào Cha trên trời và chuyên cần cầu nguyện, vì chẳng ai có thể rao giảng Tin Mừng nếu không có tình bạn thân thiết với Chúa.
Mỗi thánh lễ Chúa Giêsu tập họp chúng ta lại thành một cộng đoàn môn đệ của Ngài, để rồi sai chúng ta ra đi loan truyền Tin Mừng phục sinh của Ngài cho mọi người ở mọi nơi. Tin Mừng này chỉ có thể được công bố bằng cuộc sống làm chứng của mỗi người chúng ta và của cả Giáo Hội, một cuộc sống trung thành với Chúa Giêsu nghèo khó và chịu đóng đinh thập giá. Đó là bằng chứng đáng tin của tình thương cứu độ cho mọi người.
4. Tông đồ
Một tôn giáo chỉ tồn tại nếu mỗi ngày một phát triển và có thêm người tin theo.
Kitô giáo do Chúa Giêsu thiết lập cũng nằm trong hoàn cảnh ấy. Dưới con mắt của Ngài, thì mỗi linh hồn đều có một giá trị như nhau. Và mỗi người đều được sai đi để tìm kiếm những con chiên lạc, mà dẫn chúng trở về cùng Chúa. Ngài luôn ý thức rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người, không phải để vứt vào lò lửa đời đời, nhưng là để được thu vào kho lẫm Nước Trời. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của Ngài khi đến trong trần gian chính là đem Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Và để chu toàn sứ mệnh này, Ngài cần có những người cộng tác với Ngài, bởi vì lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít.
Với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và bí tích Thêm Sức, chúng ta cũng đã bước theo Chúa để trở nên môn đệ của Ngài. Vì thế, chúng ta có bổn phận phải cộng tác với Ngài, trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, truyền bá đức tin. Vậy rao giảng Tin Mừng, hay truyền bá đức tin là gì?
Tôi xin thưa: Trước hết là rao giảng Đức Kitô, Đấng đã đến để thiết lập Nước Trời. Việc rao giảng và truyền bá này gồm hai phần. Một phần tiêu cực, đó là giải phóng con người khỏi sự nô lệ và kìm kẹp của ma quỷ, tội lỗi. Vì thế, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền hành trên các thần ô uế. Còn một phần tích cực đó là làm chứng cho Chúa trong lời nói, trong việc làm và nhất là trong đời sống của mình.
Thực vậy, người Kitô hữu phải là người có Chúa trong tâm hồn và đem Chúa đến cho người khác. Và cách thức bảo đảm để đem Chúa đến cho người khác, đó chính là đời sống gương mẫu của mình, một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương.
Ngày kia thánh Phanxicô gọi một thầy dòng để cùng đi rao giảng với ngài. Hai thầy trò rảo qua các đường phố tại Assie, một cách thật nghiêm trang, vừa đi vừa suy gẫm về Chúa. Tới nhà, thầy dòng ngạc nhiên vì chẳng thấy giảng dạy ở chỗ nào. Thánh nhân mỉm cười và trả lời: Chúng ta đã giảng bằng chính gương sáng, bằng chính sự sốt sắng mang Chúa trong tâm hồn.
Một điều cần thiết khác trong khi hoạt động tông đồ, đó là phải biết quên mình đi, để Chúa hoạt động, bởi vì dù tài giỏi đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng chỉ là một dụng cụ tầm thường trong bàn tay Chúa. Vì thế, đừng ỷ lại vào tài năng, một hãy tin cậy vào tình thương và quyền năng của Chúa, bởi vì không có Chúa chúng ta không thể làm được gì.
Một văn hào có nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả địa cầu này lên. Điềm tựa duy nhất của chúng ta, chính là Thiên Chúa. Thánh nữ Catarina, chỉ là một nữ tu dòng Đaminh, vừa trẻ tuổi lại vừa ít học, thế nhưng đã chi phối đời sống thiêng liêng của Giáo Hội, đã chi phối những sinh hoạt chính trị của nước Ý và đã làm được nhiều việc to lớn, như đem Đức Giáo Hoàng từ Avignon trở về Rôma. Sở dĩ như vậy vì thánh nữ hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào quyền năng và tình thương của Chúa.
Bởi vì như Thánh vịnh cũng đã viết:
Ví như Chúa chẳng xây nhà,
Thợ nề vất vả cũng là uổng công
Thành trì Chúa chẳng giữ trông
Hùng binh kiện tướng cũng không ra gì.
5. Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Sau khi đã dạy cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng. Điều này cho thấy, Ngài không rao giảng một mình. Ngài muốn cho các môn đệ cùng chia sẻ sứ mệnh rao giảng với Ngài.
Điều này hợp lý vì Ngài biết cuộc đời trần thế của Ngài không kéo dài mãi, nhưng sứ mệnh cứu độ của Ngài phải được tiếp tục cho đến tận thế. Để thực hiện điều này, Ngài chọn mười hai môn đệ và một nhóm môn đệ khác. Ngài huấn luyện họ và sai họ đi rao giảng ngay khi Ngài còn ở với họ, giúp họ học hỏi kinh nghiệm cuộc sống truyền giáo của Ngài. Ngài sai đi với những chỉ thị rõ rệt.
Ngài sai họ đi từng hai người. Chúng ta có thể hiểu rằng công việc rao giảng không phải là công việc của một cá nhân và cũng không dễ dàng, cần phải trợ lực cho nhau, cần cộng tác với nhau. Công việc này không phải công việc của một cá nhân muốn làm thế nào tùy ý mình, mà là một trách nhiệm chung cùng chia sẻ cực khổ với nhau, và theo một đường hướng nhất định. Sau này chúng ta thấy các Tông Đồ cũng thực hiện y như thế: Phêrô với Gioan sát cánh, Phaolô và Banaba cũng luôn đi đôi.
Trước khi sai đi, Chúa Giêsu căn dặn thật kỹ: chỉ được mang theo cây gậy và mang dép, ngoài ra không mang theo gì khác: không lương thực, không tiền bạc, áo xống…
Cây gậy và dép là cần thiết cho những chuyến đi dài. Ngoài ra, mọi sự sẽ được giải quyết tại chỗ tùy hoàn cảnh. Ra đi rao giảng không phải là tìm cho mình những bảo đảm vật chất, những tiện nghi. Người giảng chỉ cần mang trong lòng Tin Mừng mà thôi.
Những điều Ngài căn dặn đều được nhìn thấy nơi Ngài. Ngài “không có nơi tựa đầu”, không tiền, không bạc, hoàn toàn tay không. Các môn đệ của Ngài không thể nào đi con đường khác. Nhờ đó, họ cảm thấy nhẹ nhàng, không vướng mắc gì cả khi dấn thân cho sứ mệnh.
Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes) đã nêu rõ: “Giáo Hội (…) nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy,(…) cũng tiến bước trên con đường mà Chúa Giêsu đã đi, là nghèo khó, vâng phục, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết”. Chúng ta không thể ra đi mang cồng kềnh những hành trang vật chất. Con người truyền giáo là con người dám “cho không cuộc đời của mình” như Thầy Chí thánh, mới có thể đem lại những mùa gặt phong phú.
Phải ra đi.
Truyền giáo là ra đi, vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Thế giới mênh mông, Giáo Hội vẫn còn là một con thuyền nhỏ trên biển cả nhân loại. Giáo Hội vẫn ước mong làm sáng tỏ Tin Mừng trên khắp thế giới. Mỗi người Công giáo phải cảm thấy bị thôi thúc ra đi khỏi chân trời hẹp hòi của mình, đi vào chương trình mênh mông của Thiên Chúa là “cứu vớt tất cả mọi người”.
Chúng ta làm được gì?
Xem ra chúng ta nhỏ bé quá, chúng ta cảm thấy mình như một hạt cát, chẳng có giá trị gì, làm sao “rao giảng Tin Mừng” như Chúa muốn?
Chúng ta nhỏ bé đó là điều hiển nhiên, nhưng chúng ta không làm gì một mình. Một mình, chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ, nhưng chúng ta là Giáo Hội. Chúng ta làm theo Giáo Hội, với Giáo Hội và trong Giáo Hội, nghĩa là với tất cả anh chị em chúng ta.
Chúng ta ra đi không phải do sáng kiến riêng của chúng ta, mà là được “sai đi”. Chúng ta lãnh nhận sứ mệnh từ nơi Chúa, trong luồng gió của Thánh Thần, chỉ một điều quan trọng là chúng ta “dám” ra đi hay không.
Chúng ta có dám ra đi với sự khó nghèo khiêm tốn, buông bỏ tất cả những gì là tham vọng cá nhân hay trần thế không?
Chúa muốn chúng ta ra đi với bàn tay trắng, chỉ có cây gậy, là niềm tin tuyệt đối vào Đấng đã sai chúng ta đi. Chúng ta không mang theo hành trang nào ngoài “Chúa Giêsu Kitô” và “Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá”.
Đây là điều dễ vì chúng ta luôn luộm thuộm đủ các thứ: tham vọng, kiêu căng và bao nhiêu ước mơ không phải là Chúa. Chúng ta vẫn mang theo “con người cũ” của chúng ta. Phải tẩy xóa tất cả những gì có thể ngăn cản lời Chúa. Người tông đồ, càng bỏ mình, thì càng vâng phục ý Cha mới có thể chuyển thông sứ điệp của Chúa. Chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa, trong sự sống cũng như sự chết, như các Tông Đồ, như Phaolô, lời nhỏ bé của chúng ta mới mang lấy sức mạnh cần thiết để đi vào các tâm hồn.
Chúa Giêsu trao quyền trừ quỷ cho các Tông Đồ. Tại sao thánh Maccô chỉ nói đến quyền này mà thôi? Chúa Giêsu đến trong trần gian là để tiêu diệt thần dữ. Các Tông Đồ ra đi là đi vào cuộc chiến chống thần dữ. Trao quyền trừ quỷ là mục tiêu chính yếu, các quyền khác như chữa bệnh chỉ là phụ thuộc. Điều quan trọng và cam go nhất là lột mặt nạ của ma quỷ đang chiếm hữu các tâm hồn, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của thần dữ. Vì thế, các Tông Đồ ra đi, kêu gọi mọi người “sám hối”. Đó là công việc đầu tiên giúp con người thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của ma quỷ. Việc trừ quỷ bên ngoài chỉ là dấu hiệu cho một cuộc giải thoát quan trọng hơn.
Người Tông Đồ phải đặt tất cả niềm tin vào Đấng đã kêu gọi và sai mình đi mới đủ khả năng lột mặt nạ và xua đuổi ma quỷ, vì đôi khi, chúng ta không trừ quỷ được “phải ăn chay và cầu nguyện”.
Sai các Tông Đồ đi rao giảng, Chúa Giêsu ân cần dặn dò các ông, cả về vấn đề vật chất như “ăn những gì người ta dọn cho”, “ở lại trong một nhà mà thôi, không đi nhà này đến nhà khác”, tìm những gì thích hợp cho mình. Người Tông Đồ không tìm tiện nghi cho chính mình để hưởng thụ.
Đi rao giảng là “cho không” tất cả, chỉ bằng lòng với những gì tối thiểu, và nếu cần, cũng hiến dâng mạng sống cho sứ mệnh.
Các Tông Đồ ra đi, thâu lượm nhiều kết quả.
Hôm nay, Chúa vẫn sai chúng ta đi, những người đang mang Tin Mừng trong cuộc sống của mình. Phép Rửa tội là một hồng ân nhưng không làm cho chúng ta được sáp nhập vào Chúa Kitô. Phép Thêm sức là lệnh truyền ra đi. Thánh Thần Chúa tung chúng ta ra khắp nẻo đường cuộc sống. Không ai được phép nói rằng: tôi nhỏ bé, bất tài, dốt nát… Chúa Giêsu chỉ đòi hỏi chúng ta tin vào Ngài thôi.
Truyền giáo là biến cuộc sống hằng ngày thành một tuyên xưng đức tin sống động và rõ rệt: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng (Tin Mừng)!” Tin Mừng chính là chúng ta, là cuộc sống hôm nay, cuộc sống hướng thẳng vào Chúa, trao trọn cho Chúa. Một giáo dân đã nói: “Từ khi có Chúa Giêsu, mỗi cuộc đời của người tín hữu là một quyển Tin Mừng thứ năm”.
Hôm nay, trên bàn thờ này, Chúa Giêsu vẫn đến và sai chúng ta đi. Kết thúc thánh lễ, chủ tế nói: “Lễ xong, chúc anh chị em về bình an”. Chúng ta quy tụ lại để cùng nhau chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa, để “được no say tình Chúa” và ra đi. Cuộc sống chính là môi trường rao giảng của mỗi người. Chúng ta ra đi vào đời, không phải đơn độc, mà cùng với Chúa, mang Chúa trong tâm hồn…và thông chuyển tình yêu Chúa cho mọi người chung quanh. Chỉ cần biết: phục vụ và yêu thương.
6. Phục vụ người nghèo
Như chúng ta đã biết: thánh Phanxicô Assisi, sinh trong một gia đình giàu có. Thuở niên thiếu, người là một cậu bé lêu lỏng hoang phí. Thế rồi vào năm 1202, thành phố Assisi và Perugia bỗng trở nên thù địch nhau. Phanxicô gia nhập quân đội Assisi và lên đường chiến đấu. Chàng bị bắt làm tù binh. Sau đó bị xiềng và giam trong hầm ngục dơ bẩn suốt một năm. Khi được trả tự do, phải mất một thời gian dài, sức khoẻ chàng mới được khôi phục. Chính biến cố này đã thay đổi cuộc đời chàng. Chàng dẹp bỏ những bộ quần áo đắt tiền và khoác lên người bộ quần áo công nhân nghèo khổ. Chàng từ giã gia đình để sống đời ẩn sĩ khổ hạnh. Chàng đặc biệt lưu tâm tới những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Sở dĩ tình thương ấy lớn mạnh trong tâm hồn chàng là do mối xúc cảm sâu xa trước hai lời giáo huấn trong Kinh Thánh.
Lời giáo huấn thứ nhất nằm trong sách Sáng Thế Ký, đó là mọi người đều được dựng nên theo hình ảnh Chúa. Giáo huấn thứ hai nằm trong sách Phúc Âm, đó là sự gì chúng ta làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là chúng ta đã làm cho chính Chúa vậy. Chàng đã xác tín và thực thi đúng với những lời giáo huấn kể trên. Lần kia, đang lúc đi đường, Phanxicô gặp một người cùi. Mặc dù rất ghê tởm, nhưng Phanxicô xấn tiến lại ôm hôn con người bất hạnh đó.
Hơn thế nữa, chính đoạn Tin Mừng hôm nay, ngài được nghe đọc trong một thánh lễ đã thay đổi toàn bộ nếp sống của ngài. Ngài từ giã nếp sống ẩn sĩ, dùng đức khó nghèo làm hành trang lên đường để rao giảng Tin Mừng. Nếp sống này chẳng bao lâu đã lôi cuốn được nhiều thanh niên. Và những tu sĩ đầu tiên của dòng Phanxicô này ra đi khắp nơi, chăm sóc các bệnh nhân và giúp đỡ những người nghèo. Họ lấy trời làm nhà và ăn uống bất cứ thứ gì người ta bố thí cho. Đức khó nghèo biến họ trở nên một với những kẻ nghèo khó. Và đó cũng chính là nếp sống mà Chúa Giêsu đã chọn.
Thánh Phanxiô kêu gọi mọi người giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoàn cảnh của mình, và nhường cho kẻ khác trách nhiệm động viên quần chúng và chính quyền tấn công vào cội rễ phát sinh ra sự nghèo khổ. Điều đó dẫn chúng ta đến một kết luận thật quan trọng. Đó là ngày nay hơn bao giờ hết, xã hội đang cần những loại chứng từ phục vụ người nghèo như Chúa Giêsu, như thánh Phanxicô, như Mẹ Têrêsa...
Phải, thế giới đang rất cần những người biết giúp đỡ kẻ nghèo tuỳ theo hoành cảnh riêng của mình. Lời giáo huấn của Chúa trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay thật rõ ràng. Tất cả chúng ta đều được mời gọi rao giảng Phúc Âm. Và chúng ta có thể rao giảng Phúc Âm bằng cách biểu lộ tình yêu và sự quan tâm đối với kẻ khác, nhất là những kẻ nghèo túng và khổ đau.
Và để kết luận, chúng ta hãy nhớ lại kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô Assisi: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
7. Lên đường thực thi sứ vụ
(Suy niệm của Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng)
Tin Mừng Mc 6: 7-13: Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình.
Tục ngữ có câu: "Miệng người giàu có gang, có thép". Và người ta dạy đi tìm quyền lực trong tiền bạc, khí giới, trí thức, khoa học … Môn đệ của Đức Ki-tô không chạy theo tham vọng. Sứ vụ của họ là rao truyền lời Chúa, làm chứng nhân cho Chúa. Người môn đệ phải dành trọn vẹn tâm hồn và sức lực cho Thiên Chúa. Người ta chỉ tin lời của môn đệ khi họ sống lời đó như chân lý.
I. Khám Phá Sứ Điệp Tin Mừng: Mc 6, 7- 13
Mác-cô trình thuật cho chúng ta vài người bước theo Đức Ki-tô (1, 16- 20). Người qui tụ họ thành một Nhóm Mười Hai để "ở với Người" và chia sẻ sứ vụ với Người (3, 43- 19). Giờ đây, Người sai họ đi rao giảng (7).u5
Đức Giêsu "sai đi từng hai người một". Có phải đây là thói quen của người Do thái hay không ? Theo luật Môsê ít nhất phải có hai người chứng, thì điều làm chứng mới được nhìn nhận (Đnl 19, 15). Con số 2 cũng nói lên tinh thần tập thể: người sứ giả rao truyền Tin Mừng không được đi đơn độc, nhưng phải làm việc theo tập thể. Điều Đức Giêsu làm đã được cộng đoàn tiên khởi tuân giữ. Trong sách Công vụ, các nhà truyền giáo luôn đi từng hai người một: Phêrô và Gioan (3, 1; 4, 13). Phaolô và Barnabê (13, 2); Giuđa và Silas (15, 22b)… Đức Giêsu chia sẻ một phần quyền hành của Người cho những kẻ được sai đi: quyền trừ quỷ. Đó là một dấu chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã khởi đầu.
Điều làm chúng ta kinh ngạc ở đây là tinh thần khó nghèo của vị sứ giả Thiên Chúa. Những phương tiện sống (lương thực, tiền túi) họ chỉ được lãnh nhận từ những kẻ họ thăm viếng. Khi ra đi họ không được mang theo bao bị, cũng không được mặc hai áo. Gọn nhẹ và luôn sẵn sàng để đi tới. Họ được cầm gậy và mang dép. Vào thời đó, người ta thường đi chân đất; nếu mang dép và cầm gậy, cho thấy con đường mà họ phải đi rất xa, như một người hành hương, như nghi thức trong đêm Vượt qua: "Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy" (Xh 12, 11).
Lời nói về việc tiếp đón cũng gây kinh ngạc. Sứ giả truyền giáo, dù mang Tin Mừng cứu độ nhưng không, đến cho người ta, nhưng đôi khi vẫn bị từ chối. Tin Mừng không áp đặt ai, nhưng chỉ là lời mời gọi tự do, có thể được đón nhận hay bị từ chối. Khi người ta từ chối "Hãy giữ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ". Đó là một thói quen cổ xưa để nói lên sự cắt đứt dứt khoát (Cv 13, 51).
Như Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai ra đi công bố "Nước Trời đã đến", kêu gọi con người sám hối để đón nhận. Các dấu lạ làm chứng điều các ông loan báo. Việc xức dầu chữa lành bệnh nhân là một phương dược thông thường vào thời đó, nhưng vì được hỗ trợ bằng quyền năng Đức Giêsu, nên trở thành hữu hiệu. Đây là mần mống cho Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, do quyền năng Đấng Phục sinh nghi thức này chữa lành phần hồn, phần xác cho người tín hữu (x. Ge 5, 14).
II. Gợi Ý Suy Niệm
1. Kitô Hữu Được Chọn Để Sai Đi: Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày việc Chúa chọn gọi Amos ( Bài đọc I ) và chọn nhóm Mười hai ( Tin Mừng). Thiên Chúa chọn để sai đi, Amos được gọi sai đi nói tiên tri khuyến cáo những dân tội lỗi bất trung. Nhóm Mười hai được gọi để sai đi loan báo tin mừng, kêu gọi mọi người sám hối. Không cần quan tâm đến thành phần xuất thân, không lưu tâm đến danh phận cá nhân, Chúa muốn gọi ai là tùy theo ý định của Ngài. Cho dẫu có gọi ai đi nữa, nhưng vẫn chỉ có một mục đích duy nhất là Chúa gọi để người được gọi ở với Chúa và sai họ đi loan báo ý định yêu thương cứu độ. Kitô hữu cũng thế, qua Bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu được gọi để ở với Chúa. Ở với Chúa là đón nhận sự sống, đón nhận mọi ân sủng do lòng thương xót của Chúa ban tặng. Ở với Chúa để nên thánh thiện và tinh tuyền. Ở với Chúa là để nên nghĩa tử yếu dấu của Ngài. ( Bài đọc II ). Ở với Chúa để được Ngài sai đi. Không phải các Tông đồ đã chọn Chúa mà chính Chúa đã chọn các ông. Các ông ra đi rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của các ông.
Mỗi Kitô hữu đều là những người được Chúa chọn gọi để sai đi. Sai đi vào chính môi trường mình đang sống để trở nên muối men ướp cho mặn đời; để nên ánh sáng chiếu soi bóng tối tội lỗi, u mê của thế gian. Tất cả cuộc sống phải thấm nhuần tinh thần phúc âm. Mỗi người đếu phải ý thức và nỗ lực chu toàn trách nhiệm truyền giáo của mình. Luôn phải tự hỏi và cảnh tỉnh bản thân: Tôi được gọi để sai đi, vậy tôi đã thi hành lệnh sai đi ấy như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
2. Tinh Thần Khó Nghèo_Phó Thác Là Hành Trang Đời Kitô Hữu: Khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin mừng, Chúa truyền cho các ông không được mang gì cả, không gậy, không bị, không tiền … Đi đến đâu sống nhờ vào sự chăm sóc của dân nơi đó. Điều này này không phải Chúa làm khổ các môn đệ nhưng Chúa đòi hỏi nơi các ông một tinh thần khó nghèo và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Sứ mạng Chúa trao thì Chúa sẽ lo liệu. Bên cạnh đó, khi để cho lòng mình thảnh thơi khỏi những của cải, vật chất và thực sự có một lòng tín thác vào Chúa, người môn đệ sẽ không ỷ lại vào mình mà luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Có như vậy mới bền tâm chu toàn sứ mạng được giao phó. Trong thực tế của đời sống Kitô hữu ngày nay, ai cũng nhắm đến tiền tài, quyền lực danh vọng xã hội, thế gian và tìm mọi cách để đạt được điều đó. Ngay cả những gì xem ra là việc Chúa, việc Giáo Hội cũng nhuấm màu tính toán nặng tính thế gian với một lý luận đơn giản 'có thực mới vực được đạo', 'không có tiền làm sao lo việc xứ tổ chức việc Giáo Hội được'. Có một thực tế khó phủ nhận, ngày nay người ta đi tìm những phương thế, cậy dựa vào quyền thế của đồng tiền, của thế gian hơn là cậy dựa vào Thiên Chúa. Nếu có cậy dựa vào Chúa thì xem ra đó cũng là phương thế cuối cùng, chẳng biết chạy vào đâu thì chạy đến Chúa xem sao. Trong khi đó lẽ ra phải chạy đến Thiên Chúa trước hết và trên hết. Ngày nay mà sống tinh thần khó nghèo, tín thác vào Chúa xem ra là một nghịch lý.
Dù ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào, địa vị nào, thì Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu luôn luôn phải sống tinh thần khó nghèo, tín thác mọi sự trong tay Chúa.
3. Đời Sống Kitô Hữu Dấu Chỉ Của Nước Trời: Sứ điệp Chúa Giêsu và các Tông đồ loan báo là sứ điệp Nước Trời: 'Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến'. Kitô hữu cũng được sai đi loan báo sứ điệp ấy. Khi sai các môn đệ đi,Chúa ban quyền cho các ông được trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân. Đó là những dấu chỉ cho thấy Bàn tay Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa đã ở giữa thế gian. Chúa cũng sai các ông đi từng hai người một và đến đâu thì cùng sống với người dân ở đó. Tất cả cho thấy rằng toàn bộ đời sống các Tông đồ, các môn đệ của Chúa phải thấm nhuần tinh thần Nước Trời, tinh thần Phúc Âm. Nói cách khác, nếu Kitô hữu sống đúng đòi hỏi của Chúa là đang đưa màu nhiệm Nước Trời và những giá trị Tin mừng đến với thế gian và con người đồng thời của mình. Điều này làm cho đời sống người Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình.
Ngày hôm nay, qua các việc từ thiện chia sẻ bác ái, qua việc sống mưu sinh lương thiện, qua đời sống công chính dám hy sinh … sẽ làm cho đời Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Đó mới thực là những lời giảng hùng hồn nhất, có sức thuyết phục nhất.
8. Tông đồ.
Có một câu chuyện tưởng tượng kể lại:
Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu trở về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào khác nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ơ họ.
Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, khi Ngài về trời, Ngài đã để lại một nhóm tông đồ ít ỏi xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Hơn thế nữa, ngay cả sau khi Chúa đã sống lại, đức tin của các ông vẫn còn chập chững và chao đảo. Chẳng hạn lần kia Chúa Giêsu gặp gỡ họ trên bờ biển Tibêria, sau khi nghe theo lời Chúa truyền, các ông đã được một mẻ lưới đầy cá. Lên bờ, thấy sẵn có than hồng, với cá đang nướng và bánh. Các ông được Chúa ân cần mời: Hãy ăn đi các con. Tuy nhiên các ông vẫn còn nghi ngờ, chưa nhận ra ngay là Chúa. Và sách Tông Đồ Công Vụ còn cho chúng ta thấy thái độ sợ sệt và khép kín của các ông sau khi Chúa đã về trời. Thế nhưng, chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng hoàn tất chương trình Chúa muốn thực hiện. Đó là chương trình biến trần gian trở thành Nước Trời. Cũng trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta còn thấy được một hình ảnh khác hẳn khi các ông nhận lãnh Chúa Thánh Thần.
Thực vậy, các ông đã can đảm ra khỏi những gian phòng đóng kín, nơi các ông đã từng sợ hãi và trốn tránh, để lên đường rao giảng Tin Mừng Đức Kitô ở khắp mọi nơi, bất chấp mọi cấm đoán, mọi đòn vọt, mọi giam cầm, sẵn sàng chấp nhận cái chết để nêu cao niềm tin. Tất cả các tông đồ, ngoại trừ một mình Gioan, đều đã lấy máu đào để minh chứng lời mình rao giảng.
Nước Trời từ một hạt cải nhỏ bé, đã trở thành một cây to cho chim trời tới đậu. Đã hai mươi thế kỷ trôi qua, có biết bao nhiêu người, thuộc đủ mọi thành phần, mọi sắc dân, đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống.
Và bây giờ đến lượt chúng ta. Đúng thế, có lẽ lúc này Ngài đang nhìn mỗi người chúng ta và đưa ra một câu hỏi để chúng ta có được một thái độ dứt khoát. Câu hỏi ấy như thế này: Còn con, con có muốn trở nên tông đồ, cộng tác với Ta bằng lời nói cũng như bằng chính việc làm và cuộc sống của mình, để đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh hay không? Thế nhưng, trước câu hỏi ấy, chúng ta đã trả lời như thế nào và chúng ta sẽ làm gì để đáp trả tiếng Chúa.
9. Tông đồ.
Một trong những ưu tư lớn trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, đó là tìm những người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc âm, bởi vì Ngài luôn ý thức rằng: Lúa chín thì nhiều, mà thợ gặt thì ít. Chính vì thế Ngài đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Ngài đã để cho các ông sống bên cạnh mình và trực tiếp huấn luyện các ông, bằng cách để cho các ông được nghe những lời Ngài giảng, xem những việc Ngài làm. Và cắt nghĩa cho các ông những điều các ông chưa hiểu.
Rồi hôm nay, Ngài đã sai các ông đi để thực tập truyền giáo. Và trước khi các ông lên đường, Ngài đã căn dặn: Đừng mang theo bao bị, đừng mang theo cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc và đừng mặc hai áo, nghĩa là Ngài bảo các ông phải ra đi trong một hoàn cảnh bấp bênh nhất, để tập trung vào việc rao giảng Tin Mừng, cũng như luôn phó thác vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa.
Lầm lỗi nặng nề nhất của người tông đồ hăng say và nhiệt thành, đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác động và sự trợ giúp của Chúa, bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì. Hay như lời thánh Phaolô xác quyết: Phaolô trồng, Apollo tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng đem lại kết quả.
Đối với chúng ta cũng vậy, một khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc truyền bá đức tin, để rồi chúng ta cũng sẽ là những môn đệ của Ngài. Và cách thức để chúng ta thể hiện ơn gọi và sứ mạng của mình một cách hiệu quả nhất vẫn là đời sống gương mẫu của chúng ta.
Vì thế, sau khi công bố tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đã truyền dạy: Các con là ánh sáng thế gian. Ánh sáng ấy phải chiếu dãi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy những công việc của các con mà ngợi khen Cha các con là Đấng ở trên trời.
Tục ngữ Việt Nam cũng bảo: Lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo. Chính đời sống gương mẫu của chúng ta mới là một bài giảng hùng hồn có sức lôi cuốn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.
Tuy nhiên, nói tới việc tông đồ, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy xa lạ bởi vì họ cho rằng đó là bổn phận của giới tu hành, chứ không phải là bổn phận của họ, những người giáo dân sống giữa lòng đời. Đây là một quan niệm sai lạc, bởi vì đã là con cái Giáo Hội, chúng ta đều có bổn phận làm cho Giáo Hội được phát triển, được rộng mở, tùy theo hoàn cảnh và đấng bậc của mình.
Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại một mẩu chuyện cảm động như sau: Ngày kia có một thiếu phụ cùng tám đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà ta một bao. Bà nhận gạo rồi chia làm hai phần, Mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao thì bà trả lời: Tôi dành một phần cho gia đình Hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua, họ không có gì để ăn.
Người nghèo khổ nhất cũng có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc tông đồ, làm sáng danh Chúa bằng chính đời sống của họ.
10. Lệnh lên đường truyền giáo
(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)
Tin Mừng Mc 6: 7-13: Người chỉ thị cho các ông không được mang gì hết, ngọai trừ cây gậy và đôi dép.
Có câu chuyện kể rằng: Sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: Lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới trần gian? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Nghe Chúa trả lời, thiên thần Gabriel hình như chưa thoả mãn nên hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười đáp: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ở họ.
Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, Người đã để lại một nhóm tông đồ xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thế nhưng, chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng hoàn tất chương trình của Chúa, đó là đem Nước Thiên Chúa vào trần gian.
Quả thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì hết, ngọai trừ cây gậy và đôi dép.
- Đôi dép (sandal) là những miếng da bằng phẳng có xoi lỗ, có khi bằng gỗ hoặc bện bằng rơm. Người ta xỏ dây và cột nó vào chân để đi. Sandal được sử dụng rất thông thường trong xã hội Do Thái thời đó, và rất cần thiết cho những chặng đường dài. Cũng nên nhớ rằng, ở Israel có những miền đất sa mạc khô cằn, nóng cháy, vì thế sandal thật là cần thiết. Còn khi đi chân không, thì đó là dấu hiệu của sự tang tóc và chay tịnh. Vâng, người rao giảng tin vui đâu có ăn chay, đâu có mang tang tóc, vì thế cần phải đi sandal, và như vậy thì mới khỏe khoắn nhanh nhẹn rảo bước, sẵn sàng lên đường đi bất cứ nơi đâu, đến với bất cứ ai đang cần đến Tin Mừng.
- Cây gậy ở đây cũng là vật dụng cần thiết cho người lữ hành, cho người giảng thuyết phải đi khắp mọi nơi mọi chốn để loan báo tin vui. Với cây gậy trên tay chứ không vũ khí nào khác, người giảng thuyết xuất hiện rất đơn sơ và giản dị trước mặt mọi người.
- Không được mang hai áo
Trong xã hội Đông Phương thời đó, quần áo là dấu hiệu của sự giàu sang phú quý. Người giàu sang là người có nhiều quần áo, trong khi người nghèo khổ chỉ có mỗi một chiếc áo che thân. Để khoe khoang và muốn mọi người tiếp đón, người giàu có thường thay đổi áo và mang trên mình nhiều áo khác nhau. Người loan báo Tin Mừng của Giêsu không cần phải khoe khoang, không cần phải sửa soạn nhiều, không cần phải mang áo sang trọng trên mình.
- Không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng
Dây thắt lưng để buộc phía ngoài chiếc áo. Khi cần làm việc hay chạy, người ta vén các vạt áo trong lên và giữ lại bằng dây thắt lưng. Dây thắt lưng thường được may hai lớp khoảng 4 tấc rưỡi từ mỗi đầu. Phần may hai lớp thường dùng làm túi đựng tiền.
Túi tiền có thể là hai vật sau đây: Nó có thể là chiếc túi đi đường bình thường. Túi này được may bằng da dê con. Thường thì bộ da con vật được lột nguyên miếng nên vẫn giữ được hình dáng con vật, đủ cả chân, đuôi và đầu. Hai túi có dây để đeo trên vai. Trong đó người chăn chiên, khách hành hương, hoặc kẻ đi đường đựng bánh mì, nho, trái ôliu và bánh sữa đủ ăn một hai ngày. Khi ra chỉ thị này Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ đừng mang theo túi tiền, mang theo thức ăn khi đi đường, nhưng phải tin cậy phó thác vào Chúa.
- Rồi Chúa còn bảo: khi anh em vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi
Ở với họ, chung sống với họ, họ cho ăn cái gì thì ăn cái đó. Nói thì đơn giản, nhưng đi vào thực tế thì không đơn giản chút nào vì mỗi địa phương đều có văn hóa ẩm thực khác nhau. Không cần phải nói thời Chúa Giêsu, cách đây cả hơn hai ngàn năm, nói ngay tại đất nước chúng ta, ở ngay vùng Kontum, cách đây hơn một trăm năm thôi, các nhà thừa sai ngoại quốc đã gặp khó khăn như thế nào trong việc thích nghi với người dân tộc Làng Hồ về cách ăn uống. Các ngài phải ăn cả những thịt thối rữa như một vị thừa sai kể rằng:
“… Một hôm tôi yêu cầu một người dân tộc kể cho tôi nghe các loại động vật mà chính anh ta và những người dân tộc khác có thể ăn. Anh ta cười và nói với tôi: "Đúng hơn, tôi nên kể cho ông nghe tên những loài vật mà chúng tôi không được ăn". Và anh kể ra bốn loại. Rồi anh nói thêm: "Ngoài bốn loài vật này, chúng tôi ăn tất cả những gì động đậy, nhúc nhích trong không khí, trên đất và cả dưới nước nữa". Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là những con vật còn sống khi người ta giết chết làm thịt, bởi vì dù con vật đã chết vì bệnh hoặc vì bị con vật khác giết, thậm chí đã thối rữa thì người dân tộc vẫn cứ ăn như thường. Một ngày kia, tôi đi ngang qua khu rừng. Một người dân làng Dak Rô Ting quen biết tôi, đã gọi tôi từ xa và mời tôi dùng bữa tối. Anh muốn thiết đãi tôi một bữa tiệc. Tôi quay lại và đến gần anh. Anh đang nấu thức ăn trong một ống lồ ô đặt trên đống lửa. Món gì vậy? Anh đã may mắn vớ được một phần còn lại của một con nai đã thối rữa. Anh cẩn thận lượm từng con giòi đang lúc nhúc trong đống thịt thối, bỏ vào đầy một ống lồ ô để làm một bữa tiệc, mà theo anh thì đây phải là một bữa tiệc dành cho bậc quyền quý đấy.
… Và tại làng Kơ Long: có cơm ăn là tốt rồi:
Trong thời gian đầu, nhiều sáng thức dậy, chúng tôi lo lắng không biết liệu còn đủ gạo để ăn nữa không. Nhưng nhờ Chúa Quan Phòng, chưa có ngày nào mà chúng tôi không còn gạo để nấu. Chúa nhân lành đã soi lòng mở trí cho cư dân của một làng tên là Kon Kơ Mo, để họ cung cấp gạo cho chúng tôi ăn suốt thời gian tạm trú trong rừng Kơ Lang.
Sau mấy tuần tôi ở Kơ Lang, Bok Kiêm, bạn của Thầy Sáu Do, đã đến thăm chúng tôi. Đến giờ ăn tối, thấy bên cạnh nồi cơm chỉ có rau rừng, ông đã ứa nước mắt. Hai ngày sau, các gia nhân của ông đã đem đến tặng chúng tôi một phần tư con trâu, một con heo và mấy con gà.
Thật đúng như lời Chúa nói: "thợ thì đáng ăn lương của chủ”. Cuộc sống của những nhà thừa sai là như vậy đó. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam