Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1364780

BÀN TAY GIƠ RA ĐỂ CHÚC LÀNH

Bàn tay giơ ra để chúc lành.

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Ngôn)

Hôm nay, toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Kytô vinh hiển về trời. Có thể nói biến cố Thăng Thiên là một biến cố đặc biệt, vì đó không chỉ là một mạc khải biểu lộ vinh quang khải hoàn của Chúa Kytô nhằm đóng dấu ấn kết thúc cuộc đời cũng như sự kiện Phục sinh của Người; Đó cũng không chỉ là biến cố cuối cùng của lịch sử cứu độ mà đây chính là thời kỳ khai mở cho một biến cố mới: Chúa Thánh Thần sẽ đến hướng dẫn và dạy dỗ các môn đệ như Chúa Giêsu đã hứa.

Khi đối chiếu hai bản văn Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ của cùng một tác giả là thánh sử Luca, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì cùng một biến cố Thăng Thiên nhưng lại có sự mâu thuẫn rõ ràng về mặt thời gian: một đàng là biến cố Thăng Thiên xảy ra ngay sau khi Chúa Phục sinh, chỉ trong một ngày và một đàng là 40 ngày sau (x. Lc 24; Cv 1, 3). Lý giải sao về điều này?

Chúng ta có thể thấy dụng ý thần học của Luca trong đoạn Tin mừng trên, vì sự thực thì Phục sinh và Thăng Thiên là một thực thể thống nhất không thể tách rời nhằm biểu lộ vinh quang của Đấng Phục sinh và quyền thống trị của Người. Như thế, ngay sau khi Phục sinh, Chúa Kytô đã đi vào vinh quang thiên quốc chứ không phải chờ đợi gì nữa. Tuy thế, thỉnh thoảng Chúa Kytô xuất hiện cách hữu hình với các môn đệ nhằm củng cố đức tin và dạy dỗ các ông. Có thể thấy 40 ngày là quãng thời gian tượng trưng đầy đủ và sung mãn để các ông tiếp nhận những giáo huấn và hiểu rõ hơn sứ mệnh của Người. Thật vậy, đây chính là quãng thời gian mà Chúa Kytô tỏ mình cho các môn đệ nhận biết Người (Lc 24, 39). Người mở tâm hồn cho các ông hiểu rõ ý nghĩa của biến cố Phục sinh (24, 44). Để rồi những gì các ông vừa trải nghiệm với Người, tất cả sẽ trở thành những chủ đề cho lời rao giảng cốt yếu sau này- những gì đã được Kinh thánh loan báo đều được thực hiện trọn vẹn trong mầu nhiệm Vượt qua. Chính các ông sẽ là những chứng nhân cho những gì các ông từng trải nghiệm mà Công vụ Tông đồ đã ghi. Sau quãng thời gian này, Chúa Kytô không còn hiện diện cách hữu hình, cách thể lý bằng xương bằng thịt nữa và tác giả Công vụ Tông đồ nói rằng Chúa Kytô lên trời.

Thánh sử Luca ghi lại sự kiện Chúa lên trời thật giản dị: “Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (24, 50). Hình ảnh cuối cùng của Chúa Kytô ở trần gian chính là bàn tay giơ ra để chúc lành. Đây chính là hình ảnh tuyệt vời bởi nó không chỉ là dấu chỉ từ biệt và chúc lành mà chúng ta thường thấy nơi các thánh tổ phụ chúc lành cho các con, cho những người thừa kế vào lúc lìa cõi thế, mà còn là dấu chỉ nhằm cho thấy Chúa Giêsu mãi mãi sẽ ở cùng và ban ơn cho các môn đệ của Người ở trần gian này. Cuộc chia ly này không giống cuộc chia ly trong vườn Ôliu, các môn đệ lòng đây hoan hỷ và không ngớt tụng ca Thiên Chúa: cuộc chia ly trở nên dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa Kytô bên cạnh các môn đệ.

Biến cố Thăng Thiên không chỉ cho thấy công trình cứu chuộc như lời Kinh thánh loan báo đã hoàn thành mà còn là thời điểm làm cho tất cả mọi người nhận ra những lầm lỗi của mình, ăn năn sám hối để hưởng nhờ ơn tha thứ của Thiên Chúa; biến cố Thăng Thiên không chỉ là lúc Chúa Kytô Phục sinh trao trách nhiệm rao giảng cho các môn đệ mà còn là thời điểm đ¨¢nh dấu những hoạt động truyền giáo cho muôn dân của các ông sau này; biến cố Thăng Thiên không chỉ là một lời hứa, một lời chúc phúc nhưng còn là một sự hiện diện, một sức mạnh của Chúa Kytô làm cho các môn đệ hoan hỷ, không ngớt lời tụng ca Thiên Chúa và giúp các ông trở nên can đảm và nhiệt huyết hơn trong sứ vụ chứng nhân Tin mừng.

Ước gì tâm tình của ngày lễ Thăng Thiên giúp mỗi người chúng ta thêm lòng tin tưởng vào sự hiện diện cách vô hình của Đấng Phục sinh để rồi như các môn đệ xưa, cuộc sống của chúng ta là những chuỗi ngày đầy ắp niềm vui trong Chúa, lời cầu nguyện và tạ ơn của chúng ta sẽ hoà nhập với lời cầu nguyện và tạ ơn của các môn đệ để rồi theo chân các ngài, chúng ta ra đi dấn thân cho công cuộc truyền giáo như lòng Chúa hằng ước mong.

 

  1. Chứng nhân Nước Trời- Lm. Bùi Quang Tuấn

Có rất nhiều người lầm tưởng thiên đàng là một khoảng không gian nào đó trên cao kia. Sự lầm tưởng này đã làm phát sinh nhiều hậu quả không hay: người có đạo thì bị lung lay bối rối khi có một vài khoa học gia nói rằng: Chẳng thấy Chúa đâu trên kia cả; người không có đạo thì nghĩ: Có lẽ nước trời là một thế giới nằm đâu đó trong không gian, với những sinh hoạt na ná giống như trần gian này. Thế nên đã có câu chuyện khôi hài do một cha thừa sai kể lại: Sau một tuần giảng đại phúc thật sốt sắng tại một vùng đất nọ, các cha khuyên nhủ được một ông cụ ngoại đạo gia nhập đoàn chiên Chúa. Thấy cụ bà chưa có dấu hiệu nào khả quan, nên các cha tích cực khuyên bảo: “Ông đã theo đạo rồi, bà cũng nên theo đi thôi, để sau khi chết còn lên thiên đàng gặp lại nhau nữa chứ.” Nghe thế cụ bà hốt hoảng trả lời, “Không được đâu, suốt đời ổng đã hành hạ tui đủ thứ. Mai mốt trên thiên đàng còn phải gặp lại mặt ổng nữa thì tui chết mất.”

Thiên đàng sẽ chỉ là một con số “không”, chẳng có chút gì hấp dẫn nếu như nơi đó không có hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc chính là hoa trái của yêu thương, mà yêu thương thì phát xuất từ con tim, nghĩa là từ bên trong. Bên trong chứ không phải bên ngoài hay bên trên kia.

Nước trời không ở bên ngoài hay bên trên, cũng không phải là một nơi nào đó trong không gian. Nước trời phải được hiểu như là một thực tại phía trong: trong lòng tôi, trong nơi tôi đang cư ngụ hay làm việc, và trong tầm với của gia đình.

Cho nên nói Chúa Giêsu lên trời cũng chính là nói Chúa Giêsu đi vào trong đời ta, nhà ta, lòng ta, gia đình ta. Có như thế thì lời “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” mới đong đầy ý nghĩa của nó. Chứ nếu như Ngài lên trời cao xanh hay Ngài ở nơi thế giới ngoài kia thì làm sao hiểu là Ngài đang ở cùng chúng ta được. Và vì Chúa Giêsu đã đi sâu vào đời ta, nhà ta, nên Ngài đã truyền cho chúng ta phải làm chứng cho sự hiện diện của Ngài: “Các ngươi phải là nhân chứng của Ta.”

Chứng tá cho Đức Giêsu là làm sao vẽ được dung mạo của Ngài ngay trên cuộc sống của mình, làm sao cho người khác cảm nhận được sự hiện diện của Ngài ngay trong môi trường mình đang sinh hoạt, diễn tả được hình ảnh của Nước Trời đang ở giữa và ở trong chúng ta.

Có nhà hoạ sĩ kia cứ mãi mơ ước trong đời mình sẽ vẽ được một bức tranh đẹp nhất thế giới. Nhưng anh ta không biết phải vẽ thứ gì để bức tranh sẽ có được hình ảnh, màu sắc, và nội dung sâu đậm đáng trở thành bức tranh tuyệt vời nhất trần gian.

Chàng đã tìm hỏi với một linh mục về điều gì đẹp và ý nghĩa nhất. Vị linh mục trả lời ngay: “Niềm tin. Niềm tin là số một, niềm tin sẽ nâng cao giá trị con người. Niềm tin sẽ chữa lành và biến đổi mọi sự nên tuyệt vời.”

Chàng hoạ sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với một cô gái đang bước lên xe hoa về nhà chồng. Cô gái trả lời: “Trên thế gian này không có gì đẹp bằng tình yêu. Tình yêu là hơi thở, là sức sống, là hạnh phúc, là tất cả. Tình yêu biến cay đắng thành ngọt ngào, đưa tiếng cười vào nơi than khóc, đổi nghèo hèn tầm thường thành phú quí cao sang. Tình yêu thật tuyệt vời.”

Cuối cùng người hoạ sĩ gặp một anh thương binh vừa trở về từ tiền phương. Anh lính đã trả lời: “Hoà bình là điều đẹp nhất trần gian. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có đổ nát, bất hạnh, khổ đau. Ở đâu có hoà bình, ở đó có cái đẹp.”

Ba câu nói của ba con người– vị linh mục, cô gái sắp lấy chồng và anh thương binh trẻ– đã làm cho người hoạ sĩ phân vân: không biết phải làm thế nào để trên bức tranh của mình có thể diễn tả cùng một lúc niềm tin, tình yêu, và hoà bình.

Đang suy nghĩ anh về đến nhà lúc nào không hay. Mấy đứa con anh ùa ra đón bố. Anh nhận thấy niềm tin trong ánh mắt của các con. Anh cũng cảm được tình yêu trong chiếc hôn chân thành của người vợ. Niềm tin của con cái và tình yêu của người vợ làm cho tâm hồn anh ta ấm áp và an bình lạ thường. Thế rồi một ý tưởng chợt loé lên trong đầu. Anh vội ngồi xuống khởi công vẽ tranh, và sau khi hoàn thành tác phẩm đẹp nhất thế gian, anh đã đặt tên cho nó: “Mái Ấm Gia Đình.”

Mái ấm gia đình chính là hình ảnh xinh đẹp và sống động nhất mà người ta có thể vẽ được về Nước Trời hay Thiên đàng ngay trên thế gian này. Mái ấm gia đình cũng sẽ là lời chứng tá hùng hồn nhất cho sự hiện diện của Đức Giêsu giữa dương gian.

Bạn chưa cần phải đi đâu xa để làm chứng tá về niềm tin; bạn cũng chưa thể đi đến mút cùng trái đất để giảng về tình yêu và an bình của trời cao. Nhưng bạn có thể làm chứng tá cho Đức Giêsu ngay trong gia đình của mình.

Trước mỗi hành động, lời nói, giao tế, cư xử, hãy tự hỏi: tôi có làm mất niềm tin nơi người bạn đời hay nơi con cái của tôi không? Tôi đang xây dựng tình thương và an bình hay đang sống phản chứng trước mặt con cái và bạn đời? Tôi có đang cố gắng vẽ lên chân dung của Thiên Chúa qua việc hy sinh để kiến tạo một mái ấm gia đình không?

Những dòng chữ sau đây rất đáng cho bạn và tôi tâm niệm để ý thức hơn khi vẽ lên cho đời những “mái ấm”:

“Mái ấm là môi trường và là thánh đường đầu tiên cho tuổi thơ học thế nào là điều ngay, thế nào là điều thiện, thế nào là lòng tử tế.

Đó là nơi tuổi thơ tìm về để được an ủi vỗ về mỗi khi đau khổ, bệnh tật.

Đó là nơi chia sẻ niềm vui và xoa dịu buồn phiền.

Đó là nơi cha mẹ được kính trọng và yêu thương…

Đó là nơi mà những món ăn đơn sơ cũng trở thành cao lương mỹ vị, bởi vì là giá của mồ hôi nước mắt.

Đó là nơi mà tiền bạc không quí bằng tình yêu.

Và đó là nơi mà ngay cả nước sôi cũng reo lên niềm hạnh phúc.

Mái ấm gia đình. Đó là nơi được Thiên Chúa chúc phúc.”

Ước gì Lễ Chúa Giêsu Lên Trời nhắc chúng ta về một Nước Trời tại thế–mái ấm gia đình–để sau Lễ Lên Trời này, bạn và tôi cũng sẽ theo bước chân của các môn đệ, lên đường làm chứng tá cho Đức Kitô, chứng tá ngay trong gia đình, chứng tá bằng việc xây dựng một mái ấm. Dù rằng cuộc đời của chứng nhân nào cũng không tránh khỏi đổ mồ hôi hay đổ máu, không tránh khỏi những hiểm nguy như chiên đi giữa sói rừng, không tránh khỏi khốn khổ như một người tôi tớ, nhưng đó là giá cần trả để có được một bức tranh tuyệt đẹp của niềm tin, yêu thương, và an bình hạnh phúc.

 

  1. Ra khơi

Tại Rôma, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II luôn luôn cử hành lễ Chúa Thăng thiên vào đúng ngày, tức là vào ngày thứ Năm, trong khi đó thì tại các Giáo Hội địa phương, như tại Việt Nam, Giáo hội cử hành vào ngày Chúa Nhật tiếp sau. Như thế, hôm nay chúng ta được dịp may để nghe lại đây một vài đoạn trích từ chính bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Kính Chúa Thăng Thiên. Đức Thánh Cha đã chia sẽ như sau: Chúng ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa Lên Trời, chúng ta đã nghe được Lời Chúa: “chúng con sẽ nhận lấy sức mạnh Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất.”

Từ hơn 2000 năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo hội tiến ra khơi, tiến vào trong lịch sử con người. Những lời này làm cho Giáo hội trở nên một  người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo hội trở nên như men làm dậy lên mọi nền văn hóa trên thế giới.

Hôm nay trong lễ kính Chúa Thăng Thiên, chúng ta muốn nghe lại những lời trên để với sức mạnh đã được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa: “Hãy ra khơi”, mệnh lệnh và Chúa Giêsu đã nói với Phêrô. Đây là một mệnh lệnh mà tôi muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức Tông Thư “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới”, và đây là mệnh lệnh với một ý nghĩa sâu xa hơn theo ánh sáng ngày lễ Chúa Thăng Thiên.

“Hãy ra khơi”. Ra nơi mà Giáo hội cần tiến đến không phải là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ, nhưng còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm như những tông đồ, như những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa Lên Trời. Chúng ta cũng được mời gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh quang của Thiên Chúa Cha. Chắc chắn nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên đi trần gian này, và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Am hôm nay nói rằng: “Tại sao các ông còn nhìn trời?”.

Việc cầu nguyện và chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi dấn thân vào trong lịch sử. Trời nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng , nhưng như là một màn che khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện, đó là sự hiện diện của Chúa, một sự hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh quang.

Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi, đỏi hỏi chúng ta phải làm chứng. Bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước, và chính để làm sống lại ý thức này mà tôi đã muốn triệu tập đại hội Hồng Y đặc biệt bế mạc hôm nay.

Các vị Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới và tôi xin kính chào với lòng mộ mến huynh đệ. Các ngài trong những ngày qua đã hội họp với tôi để bàn về công việc rao giảng Phúc Am và làm chứng Kitô trong thế giới ngày nay vào “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới”. Đây, đối với chúng tôi là giây phút sống hiệp thông, trong đó chúng tôi cảm nghiệm được một phần nào của niềm vui giống như của các tâm hồn các tông đồ ngày xưa, sau khi Chúa Phục Sinh chúc lành cho các ngài và tách rời ra khỏi các ngài để lên trời.

Thật vậy, Thánh Luca đã ghi lại rằng, sau khi bái lạy tôn thờ Chúa, các tông đồ trở lại Giêrusalem với niềm vui lớn lao và các ngài luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Và tiếp sau trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã khai triển thêm bản chất cũng như sinh hoạt truyền giáo của Giáo hội, và cuộc Hội Hồng Y cũng được Đức Thánh Cha đặt nằm trong viễn tượng này. Thực hiện sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo hội đễ Giáo hội có thể rao giảng Phúc Am Chúa một cách đáng tin hơn cho mọi anh chị em.

Trong Thánh Lễ hôm nay và trong giây phút này, chúng ta được Đức Thánh Cha nhắc lại một ý nghĩa quan trọng của biến cố Chúa Lên Trời, không phải Chúa lên trời để bỏ chúng ta, nhưng Ngài còn bước sang một sự hiện diện mới với chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng và Ngài muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của Ngài để làm chứng cho Ngài trong môi trường chúng ta sinh sống.

Từ Chúa Nhật hôm nay đến tuần tới lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy dành thời giờ để nhìn lại cuộc sống của mình xem chúng ta đã mở rộng tâm hồn mình đón nhận Chúa Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa đến mức độ nào rồi: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy khắp nơi trên mặt đất này”.

 

  1. Chúa lên trời – Fr Thomas Tuý

Một tín hữu đi ngang qua một quán rượu, anh nghe trong quán có tiếng cười nói ầm ĩ. Anh dừng lại lắng nghe, thì ra nhóm đàn ông vừa uống rượu vừa chế giễu tôn giáo và những kẻ có đạo. Anh nói với họ rằng: “Đúng đó, tôi chẳng hiểu các màu nhiệm trong đạo, nhất là kẻ chết có thể sống lại. Nhưng tôi biết rõ một điều ở trong thành phố này, Thiên Chúa đã cúi xuống một nắm đất sét hôi hám, bẩn thỉu vô cùng, Ngài thổi hơi vào nó. Nó liền biến đổi từ gã đâm thuê, chém mướn, sike, trộm cướp, cờ bạc, rượu chè, thành một thanh niên kiến tạo hòa bình, thương yêu giúp đỡ láng giềng. Người đó chính là tôi, đang đứng trước qúi vị đây”. Cả đám đông ồ lên một tiếng. Thì ra họ đã nghe đồn về “anh trưởng” của một mái ấm thành phố mà báo chí thường nhắc đến.

Nếu suy nghĩ một chút, quí vị ngộ ra lời người thanh niên còn đi xa hơn sự thật về anh rất nhiều. Thiên Chúa đã thổi Thần Khí vào nắm đất trong vườn Eđen và nhân lọai thành hình. Ngài lại rợp bóng trên nhân lọai và nhân lọai ấy trở thành Con của Ngài trong lòng trinh nữ Maria. Nhân lọai mới này chịu khổ nạn trên thập giá để đền bù tội lỗi, nhưng ngày thứ ba sống lại. Hôm nay được đón về trời ngồi tòa vinh hiển, có các thiên thần hầu cận.

Lên trời có ý nghĩa thế nào đối với đức Kitô, thì cũng vậy đối với mỗi tín hữu, thí dụ người thanh niên hư hỏng vừa nói ở trên. Vậy lên trời đối với Chúa Giêsu ra sao? Và chúng ta thế nào? Có được quyền lên trời không? Phải sống ra sao để theo Chúa? Trước hết, lên trời đối với Chúa Giêsu là sự nghiệp và đau khổ của một con người đã chấm dứt. Ngài lên cùng Thiên Chúa Cha với thân xác và linh hồn mà Ngài đảm nhận ở dương gian. Ngài và Thiên Chúa Cha kết hợp mật thiết trong tình yêu chân thật là Chúa Thánh Thần. Đấng sẽ đổ ơn lành xuống cho nhân lọai, khởi sự từ biến cố lễ 50. như vậy sự hiện diện của Thiên Chúa trên Giáo Hội không khi nào chấm dứt, đúng như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Thày sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Điều Thiên Chúa bắt đầu ở vườn Eden, nay hòan tất nơi đức Kitô, bất chấp tội lỗi. Chương trình của Thiên Chúa không bao giờ thất bại. Chúa Giêsu là con của lòai người, nay là con của Thiên Chúa xét theo nhân tính. Ngài là tạo vật mới vượt qua không gian, thời gian, đau khổ và cái chết. Như vậy nhân tính đã được dự phần vào thiên tính thực thụ và có chứng cớ rõ ràng. Đúng là hy vọng lớn lao cho lòai người? Chúng ta không được phép thất vọng vì bất cứ lý do nào. Đức Giêsu đã tòan thắng sự dữ và tội lỗi, chúng ta cũng có hy vọng tương tự.

Con đường lên thiên đàng đã được họach định cho nhân lọai. Nhân tính Đức Giêsu vui hưởng hạnh phúc, mà tai chưa hề được nghe, mắt chưa hề được xem, trí tuệ chưa hề tưởng tượng. Ngài uống tận nguồn nước vĩnh cửu của đời sống Ba Ngôi Ngài cử hành muôn thuở chiến thắng thế gian, satan, xác thịt cùng với Đức Mẹ, các thánh và các thiên thần trong vinh quanh. Nhưng xin nhớ trên dương gian Ngài không hề ích kỷ, trên thiên đàng càng xả kỷ hơn nữa. Trên dương gian Ngài chữa lành bệnh tật, cho kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe, câm nói được, chết sống lại thì bây giờ chẳng lẽ Ngài không làm được nữa sao? Ngài đã thí mạng sống vì chúng ta, chẳng lẽ Ngài thôi thực hiện? Vì thế thơ Do Thái viết: “Ngài hằng đứng trước tòa Thiên Chúa để cầu bầu cho nhân lọai”. Nếu bà thánh Thérésa Hài Đồng Giêsu trước khi qua đời hứa mưa hoa hồng ân phúc xuống chị em trong dòng, chẳng lẽ Đức Giêsu không làm được cho chúng ta?

Cho nên chúng ta phải tin rằng Ngài đang hiện diện trong Hội thánh, tưới gội ơn cứu rỗi cho nhân lọai. Các bí tích là một bảo đảm. Ngài ở với lòai người trong bí tích Thánh Thể y như ở trên trời vinh hiển, yêu thương, quyền năng. Xin đừng đùa cợt với các bí tích đó là công việc Thiên Chúa tiếp tục nơi dương gian. Ngài hòan tòan là con người mới với thân thể thiêng liêng, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Ngài hiện diện cho những ai có đôi mắt đức tin, như các tông đồ xưa, nhất là nơi nhà tạm với ngọn đèn leo lét.

Chúng ta phải làm chi lúc này? Đừng đứng đó mà ngó lên trời, như hai thiên thần cảnh cáo các môn đệ? Sự thật một số tín hữu tiên khởi đã lầm tưởng Chúa sắp xuất hiện, nên cứ ngồi đó mà chờ đợi, đến nỗi Thánh Phaolô phải nói thẳng thừng: “Ai không chịu làm thì đừng ăn.” Tín hữu không phải là kẻ mộng du, nhưng là người thức tỉnh, chia sẻ cuộc sống của Ngài, chúng ta phải lao động và làm việc như Chúa. Các người làng Nazareth ngày xưa đã ngạc nhiên: “Anh ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao?” Câu nói này chẳng là trò đùa, mà là sự thật. Suy ra, Chúa lao động với đôi tay và khối óc suốt 30 năm. Còn ngài đi đây đó rao giảng sứ mệnh thì quá hiển nhiên. Bốn phúc âm đều thuật lại, không cần biện minh. Vậy mà, hỡi ôi, các tu sĩ linh mục ngày nay cư sử ra sao trong cuộc sống? Họ dùng thời gian, tài sức ra sao cũng hiển nhiên không kém! Chia sẻ cuộc sống với Chúa là điều kiện cần thiết để nên giống Ngài và đọat giải cứu rỗi. Các môn đệ tiên khởi đã nêu gương cho chúng ta hôm nay! Bao lâu nữa Ngài sẽ trở lại? Chẳng ai được biết. Nhưng mọi người đều biết rằng, trừ thân xác, còn linh hồn mỗi người trở về cùng Thiên Chúa thì không phải đợi. Cho nên lao động để nâng đỡ gia đình, con cái, xã hội là cần thiết và như vậy chúng ta tích cực chuẩn bị cho ngày Ngài trở lại.

Hiện thời trên dương gian Tin mừng của Chúa Kitô là Tin mừng thánh giá. Qua tin mừng ấy, nhất là qua những thương tích, Ngài tưới gội sức sống và ơn thánh xuống cho thế giới. Màu nhiệm cứu độ của Ngài còn tiếp tục qua con đường đó, chứ không phải an nhàn, thư thái. Ngài mời gọi chúng ta cộng tác: “Ai muốn theo Tôi, hãy để kẻ ấy vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Vậy mà một tu sĩ trẻ vừa nói với tôi: “Đi tu chỉ mong được có thế!” Ý ông là được ăn sung, mặc sướng, tận hưởng các tiện nghi thế gian. Chẳng hiểu thần khí nào thúc đẩy ông như vậy. Chắc chắn không phải Thần Khí Đức Kitô. Vì hôm nay Ngài về trời để lại cho chúng ta con đường thập giá để noi theo mà tiến bước về trời. Chẳng còn con đường nào khác. Amen. Alleluia.

home Mục lục Lưu trữ