Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1370309
BÁNH HẰNG SỐNG
BÁNH HẰNG SỐNG (*)- Chú giải của Noel Quession
Thiên Chúa là duy nhất và Lời Chúa là duy nhất, nghĩa là được gom lại trong một sự phát âm duy nhất: Chúa nghĩ mọi sự trong chỉ một “Lời” lời của Người hoàn toàn duy nhất. Nhưng độc nhất và duy nhất đó, lời đơn giản đó lại được truyền đi thành vô số những chân lý khác nhau, qua những lời nói khác nhau của con người. Cũng như ánh sáng trắng trong tính duy nhất của nó, gồm chứa mọi màu sắc của cầu vồng, rất khác nhau, khi chúng xuyên qua lăng kính của chúng ta. Vậy chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy người ta đưa ra nhiều giải thích về mầu nhiệm bánh sự sống. Mỗi cách giai thích là một sự tiếp cận, một phiến diện của chân lý độc nhất. Chương 6 Tin Mừng Thểo thánh Gioan có thể được hiệu bằng 4 cách:
- Một vài tác giả thời xưa đã nghĩ đến ý nghĩa thuần túy thiêng liêng “Bánh sự sống ” đó là con người và sứ điệp của Đức Giêsu, mà ta “đồng hóa” nhờ đức tin.
- Một số lớn những nhà chú giải Thánh Kinh thời nay, trái lại cho rằng cách nói này hoàn toàn thuộc về Bí tích Thánh Thể: “Bánh sự sống”, chính Thánh Thể mà chúng ta ăn thực sự trong một thứ bữa ăn hiện thực, trong đó chính thân Thể của chúng ta cũng đóng vai trò của nó.
- Nhiều nhà phê bình đưa ra một ý kiến trung dung: Phần đầu diễn từ cho đến câu 50 nhắm vào đức tin… làm cho chúng ta được nuôi dưỡng bằng Đức Giêsu nhờ thông hiệp với tư tưởng và lời của Người. Phần 2 của diễn từ, bắt đầu từ câu 51 tức là bài đọc Chúa nhật này, nhằm Bí tích Thánh Thể, làm cho chúng ta kết hiệp với Mình Máu Chúa cách Bí tích, trong một “dấu chỉ hữu hiệu”.
- Cuối cùng, đối với một số tác giả hiện đại, diễn từ của Chúa Giêsu nhắm cả vào Đức tin và Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, có một sự kết hợp mạnh mẽ giữa hai đề tài này: Đức tin hoàn toàn nơi Chúa Kitô đòi hỏi phải tìm Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, vì Bí tích Thánh Thể là “mầu nhiệm đức tin” tuyệt vời.
Suy niệm về Lời và Con Người của Đức Giêsu (phần đầu của Thánh lễ: Phụng vụ Lời Chúa) và rồi thông hiệp với Mình Máu Thánh Người (phần 2 của Thánh lễ: Phụng vụ Thánh Thể), là 2 phần nối tiếp nhau. Làm sao ta có thể nói, người ta thực sự tin vào Đức Giêsu, con Thiên Chúa đã nhập thể không mà ta lại không làm theo lời Người và đón nhận “Mình Thánh” Người? Đức Giêsu thường nói về đức tin trước khi nói cách rõ ràng về Bí tích Thánh Thể, vì sự hiện diện nhiệm mầu” của Người chỉ thực sự nuôi dưỡng những kẻ tin. Ta cũng thấy được sự quan trọng phải đến dự lễ đúng giờ: Nhờ đức tin, chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa là chính Đức Giêsu, để có thể được nuôi dưỡng bằng chính Người trong mình Chúa đã được phó nộp vì chúng ta. Không có 2 phần trong Thánh lễ, phần đầu có thể tùy ý không bắt buộc. Ngay từ đầu, chúng ta đã thông hiệp với Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Đức Giêsu nói: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”.
Đây là câu 51 lần đầu tiên một từ mới xuất hiện và sẽ được lặp lại 11 lần trong phần cuối diễn từ của Đức Giêsu: “thịt và máu” “ăn và uống”. Chứng từ này rất hiện thực chúng ta không làm sao chỉ có thể hiểu một cách tượng trưng được.
Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Họ đã hiểu theo một cách thực tế nhất, và họ đã bất bình. Nếu họ nghĩ đến việc đón nhận Thánh Thể cách thiêng liêng, thì họ đã không bất bình.
Đức Giêsu nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông sẽ không có sự sống nơi mình”.
Thay vì làm dịu bớt sự căng thẳng, Đức Giêsu lại càng nhấn mạnh đến tính thực tế của đời Người, và từ bây giờ trở đi, Người còn thêm 2 từ “thịt” và “máu”… Và vấn đề không chỉ nguyên là “ăn” mà còn là “uống” nữa. Việc rước Chúa dưới “hai hình” nằm trong truyền thống xa xưa bắt nguồn từ Đức Giêsu, đến nỗi người ta tự hỏi làm sao có thể bỏ truyền thống này, và cần. phải bao lâu nữa người Kitô hữu mới muốn lăp lại truyền thống này.
Sự liên kết hai chữ “thịt” và “máu” có thể được hiểu bằng nhiều cách.
Theo tâm thức của người Sê-mít, kiểu nói này ám chỉ toàn diện con người, tất cả những gì làm nên thực tại cụ thể con người, với những khả năng và giới hạn của nó. Cũng theo tâm thức của người phương Đông, “máu” thật là linh thiêng, bởi vì nó là biểu tượng phi thường của “sự sống”, đến độ có thể dùng chữ này thay thế chữ kia (“nếu các ông không uống sự sống của Người, các ông sẽ không có sự sống của Người trong mình”).
Nhưng cuối cùng và quan trọng nhất, đó là sự phân cách giữa 2 yếu tố này: Mình Tôi và Máu Tôi, gợi lên cho biết Đức Giêsu sẽ chết cách nào, bằng cách “tách rời máu Người ra khỏi thân mình Người”. Đức Giêsu vừa nói: “Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”: Ở đây rõ ràng Chúa muốn ám chỉ đến lễ hy sinh Thập giá Chúng ta thâm tín với Đức Giêsu, Người cần phải hy sinh để cứu chuộc thế gian. Người biết Người phải “hiến dâng” mạng sống của Người để cho thế gian được sống.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.
Đừng quên rằng Thánh Gioan viết những câu này trong Tin Mừng của ông vào khoảng năm 90 hay 100. Nghĩa là từ 60 năm qua, ông đã cử hành Bí tích Thánh Thể với những cộng đoàn Kitô hữu. Làm sao mà độc giả của ông lại không áp dụng ngay những lời này vào Bí tích Thánh Thể mà họ đã “ăn và uống” thực sự, trong một bữa ăn huynh đệ thân mật. Vả lại, nếu Đức Giêsu không nói như thế thì làm sao các tông đồ trong bữa tiệc ly đã có thể hiểu được việc Đức Giêsu làm? Sự thiết lập Bí tích Thánh Thể, chiều 11 tối Thứ Năm Thánh sẽ không thể hiểu được đối với Nhóm Mười Hai, nếu Đức Giêsu đã không chuẩn bị cho các ông, bằng cách này hay cách khác… Và ở đây, trình thuật của Gioan rất quan trọng: Chắc chắn ông đã hiểu rõ những gì Đức Giêsu nói hôm đó khoảng một năm trước cuộc thương khó của Người, và Gioan đã đưa vào trình thuật của ông tất cả những hiểu biết về sự Phục sinh mà ông đã ghi nhận được qua những biến cố sau cùng này.
Vì Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là của uống.
Thánh Gioan không thuật lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Đức Giêsu, chiều tối Thứ Năm. Nhưng chúng ta thấy có sự song song rất ăn khớp với Tin Mừng nhất là Mátthêu, Máccô và Luca: Thực sự đó chỉ là một Tin Mừng với những từ ngữ khác nhau. Chúng ta đừng quên một tính từ mà Thánh Gioan thường hay dùng, đó là chữ “đích thực”. Chữ này phải làm chúng ta chú ý, nó có nghĩa “coi thường”. Đó là “của ăn đích thực” một của ăn không giống như những thức ăn khác. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa đã cho chúng con những chỉ dẫn chính xác, rất quan trọng, giúp chúng con vượt lên trên những quan điểm nhân loại, quá chật hẹp thuần túy.
Sau đó, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta 3 hiệu quả của Bí tích Thánh Thể.
1) Sự sống đời đời và sự sống lại
Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại.
Bích tích Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong vinh quang của Chúa Cha. Và Thân Thể hằng sống này (sống một cách khác, sống sự sống đích thực) trở nên “mầm mống” sự sống Thiên Chúa trong chúng ta. Theo Tin Mừng nhất lãm, vào buổi tối tiệc ly Đức Giêsu sẽ nói về “bữa tiệc trên trời”, nơi đó Người sẽ quy tụ các bạn hữu của Người. “Thầy sẽ không uống rượu nho nữa cho đến ngày Thầy sẽ uống với các con Rượu Mới trong vương quốc của Cha Thầy”. Bữa tiệc Thánh Thể là một sự tham dự trước bữa tiệc Nước Trời, nơi đó chúng ta sẽ ngồi đồng bàn với Chúa Cha, với Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, theo hình tượng rất đẹp của Chúa Ba Ngôi. Vâng, chúng ta đang đi tới cuộc gặp gỡ hạnh phúc đó. Tạ ơn Chúa.
2) Sự kết hợp hỗ tương giữa Chúa Kitô và người Kitô hữu.
Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hợp với Tôi, và Tôi luôn kết hợp với người ấy.
Đây cũng là một từ quen thuộc đối với Thánh Gioan “ở cùng”. Ơn gọi của mỗi người là “ở cùng Chúa, ở trong Chúa”. Đó là đề tài căn bản của Giao Ước, đã được diễn tả trong Thánh kinh suốt dòng lịch sử, qua những kiểu nói ngày càng rõ ràng, riêng tư và thân mật:
“Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 6,7).- “Người yêu tôi thuộc về tôi và tôi thuộc về người ấy (Dc 6,3).- “Các con hãy ở trong Thầy, cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 6,56 – 15,4).
3) Sự tận hiến cho Chúa Cha.
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy.
Giới từ được dịch ở đây là “nhờ Chúa Cha” có những nghĩa phong phú hơn trong tiếng Hy Lạp. Giới từ đó là chỉ “địa”, có nghĩa là “qua”, “vì”, “nhờ”. Chúng ta thấy phớt qua một trong những nghĩa cử sâu xa của Đức Giêsu, mà Thánh Gioan đã khéo đoán biết được: Đức Giêsu sống qua Chúa Cha, nhờ Chúa Cha và cho Chúa Cha, và Người mời gọi chúng ta sống như thế!
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- B
DIỄN TỪ VỀ BÁNH TRƯỜNG SINH- Chú giải của Fiches Dominicales
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1). Một lời huyền nhiệm mới:
Chúa nhật trước, chúng ta đã kết thúc phần thứ nhất “diễn từ bánh trường sinh”; theo thánh Gioan, Chúa nói những lời này ở hội đường Capharnaum, tiếp theo sau phép lạ bánh hóa nhiều. Lúc ấy, Đức Giêsu tự giới thiệu Ngài là “Bánh từ trời xuống”, cao trọng vô cùng so với manna của cuộc Vượt Qua thứ nhất. Điều này đã gây ra sự chống đối nơi người Do thái: “Người này không phải là Giêsu, con của ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết rõ, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống”. Trước sự chống đối này, Đức Giêsu cho họ biết một mạc khải mới về mầu nhiệm con người và sứ vụ của Ngài: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. “
Câu nói này còn gây ra một chống đối khác, và để trả lời cho sụ chống đối lần thứ hai này, lại có thêm một mạc khải mới nữa về mầu nhiệm Đức Giêsu, lời huyền nhiệm mới của Ngài ở câu 51 (câu kết bài Phúc âm chúa nhật trước) mở đầu cho phần thứ hai của diễn từ. Lời này chủ yếu nói đến Thánh Thể: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”
Đức Giêsu không những chỉ rõ mình là “bánh trường sinh” mà còn là “bánh trường sinh từ trời xuống”.
Động từ “ban” (“Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”) chủ từ của nó không phải là Cha, nhưng chính là Đức Giêsu. Ngài là người ban tặng, nhân danh Chúa Cha.
Bánh này đồng nhất với “thịt ” của Đức Giêsu. Từ này không chỉ bản chất của cơ thể con người, nhưng chỉ chính Đức Giêsu trong thân phận con người phải chết. Tại sao tác giả Tin Mừng thích dùng từ này hơn từ ‘thân mình’ mà truyền thống đã quen khi nhắc lại những lời Đức Giêsu nói ở bữa tiệc ly? Cha X. Léon-dufour trả lời: “Có thể do từ “thịt” đã nêu lên cách hiện diện của Ngôi Lời giữa chúng ta trong Lời Tựa của Phúc Âm thánh Gioan (1,14: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt). Như vậy, ở đây, tác giả Phúc âm muốn giữ lại ý tưởng về mầu nhiệm nhập thể mà diễn từ muốn làm nổi bật khi nói đến vấn đề từ trời xuống.” (Lecture de l’Evangile selon Jean’, tập 2, Seuil, tr. 160). Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (1,14). Và thịt đã trở nên bánh (6,51).
Còn công thức: “Ban để cho thế gian được sống” nói rõ mục đích của việc Đức Giêsu dâng hiến mạng sống mình làm quà tặng. (Sách đã dẫn, tr.161)
*2) Một phản đối mới
Điều khẳng định mới mẻ về cái chết của Ngài là mạch suối hằng sống cho thế gian đã gây ra một phản đối mới: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Mới đó, Đức Giêsu đã gây xung đột khi xưng mình có nguồn gốc từ trời, giờ lại thêm một xung đột khác. Nếu đúng thực là người Thiên Chúa sai đến, là Đấng Thiên sai như đã tự phụ thì làm sao Thiên Chúa có thể để Ngài phải trải qua cái chết vì Ngài quả quyết: ” Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống. “Làm sao Thiên Chúa có thể không cứu Ngài thoát khỏi quân thù và bảo đảm cho Ngài chiến thắng?” LM. Chauvet cảnh báo: “Nếu khó khăn thứ nhất về căn tính Đức Giêsu đã khó có thể tiêu hóa nổi thì khó khăn thứ hai về cách thực hiện sứ mạng của Ngài càng không thể nuốt trôi: vì như vậy, Thiên Chúa có lẽ sẽ không còn là Thiên Chúa nữa”. (“Symbole ét sacrement”, Cerf, tr.229-230).
Chính xung đột thứ hai là hậu cảnh cho “diễn từ về bánh trường sinh”, chứ không phải việc bánh trở nên thịt Ngài được gọi là sự ‘biến đổi bản thể’. Chính niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và lại trở về với Thiên Chúa sau khi trải qua cái chết để ban sự sống cho thế gian mới là trung tâm của tất cả diễn từ. Như thế, chúng ta mới nói hết được tầm quan trọng của vấn nạn ở câu 52 (Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?): Thiên Chúa có còn là Thiên Chúa nữa không một khi Người để cho kẻ người sai đi phải chết?” (LM. Chauvet, Sđd, tr.230).
*3) Mạc khải mới của Đức Giêsu về chính mình:
Thay vì hạ giọng làm cho người nghe khỏi bị vấp phạm, Đức Giêsu còn lên tiếng mạnh mẽ, quả quyết hơn: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”
Không chỉ có vấn đề “thịt “, mà còn phải “ăn” (nghĩa đen là nhai, như chúng ta “nhai” bữa ăn phục sinh; chúng ta gặp động từ này 8 lần trong những câu này); và phải uống máu Ngài. Để “ở” với Ngài ngay từ bây giờ, để sống sự sống Ngài đã nhận từ Cha, chúng ta phải nhờ đức tin đón nhận mầu nhiệm sự chết là quà tặng Ngài ban cho ta.
Khi đọc bản vằn này, một bản văn rất tương hợp với bài tường thuật về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu không thể không nhận biết đó là lời loan báo về Thánh Thể. Tài liệu thần học chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Lộ đức viết rằng: “Khi ăn Mình mầu nhiệm Chúa, các Kitô hữu nghiền ngẫm” (nhai lại) biến cố gây vấp phạm là việc Đấng Thiên sai bị đóng đinh vì muốn ban sự sống cho thế gian (xem Ga 6,51), và nên một với Người nơi chính thân thể mình, hầu đời sống hằng ngày được biến đổi nên giống Người” (Jésus Christ, painrompu our un monde nouveau, Centurion, 1980, tr. 64)
BÀI ĐỌC THÊM
*1) “Ngôi lời đã trở thành xác thịt. Xác thịt đã trở nên bánh” (A. Marchadour, trong “Les dossiers de la Bible”, số 41, 1992, tr.13-14):
Khi giảng dạy tại Capharnaum. Đức Giêsu không thể tuyên bố trực tiếp về Thánh Thể vì trước bữa tiệc ly, cũng như trước khi Ngài chết và sống lại, điều đó còn rất khó hiểu. Trước hết, thành ngữ “Bánh trường sinh” là cách để chỉ Đức Giêsu là Đấng mạc khải từ trời đến, và lời Ngài là của ăn và của uống giống như sự khôn ngoan của Thiên Chúa được trình bày cụ thể bằng bánh và rượu (Hãy đến, hãy ăn bánh và hãy uống rượu ta đã dọn cho các ngươi, Prov. 9,5). Toàn bộ diễn từ nhằm gợi lên niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng mạc khải; ngoài ra, việc cử hành bí tích Thánh Thể cũng được biểu lộ rõ ràng trong những kiểu nói: “An, uống, có sự sống”. Hơn nữa, phần cuối (câu 51-58) của diễn từ còn trực tiếp nói đến Thánh Thể. Chúng ta hãy xem xét phần này.
Quả thật, từ câu 51, Đức Giêsu nói đến cái chết của Ngài như nguồn mạch sự sống: “Bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”. Từ thịt làm chúng ta nghĩ đến Lời Tựa: “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (1,14). Ở đây, rõ ràng, mầu nhiệm nhập thể được diễn tả ở điểm chót là cái chết của Đức Giêsu. Ngôi Lời đã trở thành xác thịt. Xác thịt đã trở nên bánh. Có sự liên tục giữa nhập thể, cái chết trên thập giá và Thánh Thể. Ngày nay, Đức Giêsu vắng mặt về thể xác, nhưng điều Ngài mạc khải còn đó và Thánh Thể vẫn và điểm hẹn để con người có thể gặp gỡ hoặc từ chối Người như những người đương thời với Đức Giêsu vậy: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (6,60).
Trong các câu 53-56, thay vì động từ “ăn”, Gioan dùng một động từ có nghĩa mạnh hơn: “nhai”, “nhai rau ráu”. Điều này có thể nhằm nhấn mạnh đến thực tại của Thánh Thể vì có một số Kitô hữu theo thuyết ngộ đạo bác bỏ sự trung gian của vật chất trong việc kết hợp với Đức Giêsu qua các bí tích, và không nhận Ngài cũng là người như chúng ta: đến trong xác thịt (1Ga 4,2). Tuy nhiên, sử dụng vật chất làm trung gian trong các bí tích không có nghĩa là chúng ta sử dụng ma thuật: Chính Thần Khí mới làm cho sống, còn xác thịt chẳng ích chi (6,63). Thánh Thể, xác và máu, thông truyền cho tín hữu hai quà tặng mà những người thời Đức Giêsu tìm kiếm: đời sống vĩnh cửu ngay từ bây giờ và sự luôn “ở” với Đức Giêsu. Ngày nay cũng vậy, Kitô hữu nào thông hiệp với Đức Kitô trong đức tin thì ở trong Ngài và được sự sống đời đời.
*2) “Hai bàn tiệc”
“Thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai liên kết chặt chẽ để làm nên một hành động phụng tự duy nhất. Thật vậy, thánh lễ vừa là bàn tiệc Lời Chúa vừa là bàn tiệc Thân Thể Chúa nhờ đó các tín hữu được giáo huấn và được bồi dưỡng” (PGMPL 8) Bản văn này sáng sủa rõ ràng nên không cần phải giải thích thêm. Nó nói đến tính cách đặc biệt của mỗi phần trong thánh lễ: có hai bàn tiệc nên có hai của ăn, nhưng cũng nói đến sự duy nhất làm cho hai bàn nên một hành động phượng tự duy nhất. Chúng ta đi từ Lời đến Thánh Thể, hay, dựa trên câu nổi tiếng của Phúc Âm thánh Gioan: “Ngôi Lời đã trở thành xác thịt” (1,14), để nói rằng chúng ta không thể đi tới xác thịt (thân thể) mà không qua Ngôi Lời (lời), và cả hai đều chỉ là duy nhất một Chúa có nghĩa là để gặp Chúa, đến với Chúa, phải nhờ Lời của Người.
Chúng ta cũng biết rằng từ thế kỷ XVI, anh em Tin Lành nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của bàn tiệc thứ nhất và người công giáo chú trọng đến bàn tiệc thứ hai, nhưng từ công đồng Vaticanô II, phụng vụ có được sự cân đối hài hòa giữa hai bàn tiệc này. Đàng khác, Công đồng không canh tân mà chỉ trở về nguồn là nền thần học của các Giáo phụ nổi tiếng như Origênê, Ambrôsiô, Hiêrônimô, Gioan Kim Khẩu và Xê-da thành Ac”.
CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN- B
DIỄN TỪ VỀ HẰNG SỐNG (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên năm B chứa đựng đề tài khôn ngoan, đề tài này ngự trị trong Bài Đọc I và Bài Đọc II nhưng xuất hiện trong Tin Mừng như lời thách đố của Thiên Chúa đối với sự khôn ngoan của phàm nhân.
Cn 9: 1-6
Trong Bài Đọc I trích từ sách Châm Ngôn, Đức Khôn Ngoan mời gọi nhân loại và đặc biệt những người túng thiếu, hãy đến dùng thần lương mà mình thiết đãi. Bàn tiệc Đức Khôn Ngoan loan báo bàn tiệc Thiên Sai.
Ep 5: 15-20
Trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu của mình sống theo sự khôn ngoan độc đáo của Ki-tô giáo.
Ga 6: 51-58
Tin Mừng dâng hiến cho chúng ta phần cuối của diễn từ về “Bánh Hằng Sống”, trong đó bằng những ngôn từ rất hiện thực, Đức Giê-su loan báo ân ban Thánh Thể: thịt và máu của Ngài. Đây là thần lương mà Thiên Chúa thiết đãi muôn dân trong sự khôn ngoan cao vời khôn ví của Ngài, nhưng được cho là điên rồ dưới con mắt phàm nhân.
BÀI ĐỌC I (Cn 9: 1-6)
Sách Châm Ngôn là một trong những sách minh triết Cựu Ước, cũng được gọi là các sách Huấn Giáo (những lời khuyên bảo của các tiền nhân). Trường phái văn chương này xuất xứ từ nguồn gốc bình dân và nguồn gốc bác học.
Về nguồn gốc bình dân, sự khôn ngoan là thành quả thường nghiệm được tích lũy qua bao nhiêu đời, nó diễn tả bằng những câu châm ngôn, thường rất phổ biến. Chúng ta thấy trào lưu này khắp bốn phương trời, hình thành nên “túi khôn của loài người”.
Về nguồn gốc bác học, sự khôn ngoan là những suy tư sâu sắc về cuộc sống của các bậc hiền triết, thậm chí của vua chúa nữa, như ở Ít-ra-en vua Sa-lô-môn là một bằng chứng điển hình: nhiều câu châm ngôn được gán cho vị vua này được cho là khôn ngoan bậc nhất (sách Châm Ngôn được đặt dưới quyền bảo trợ của vua Sa-lô-môn). Trong miền Cận Đông cũng vậy, có nhiều tác phẩm giáo huấn ở đó vua (hay một quan đại thần) cho con mình hay người kế nghiệp của mình những lời khuyên khôn ngoan. Su-me, A-khát, Ai-cập đã để lại cho chúng ta nhiều sử liệu thuộc thể loại văn chương này.
1/.Nét đặc trưng của sách Châm Ngôn:
Sách Châm Ngôn kết hợp hai nguồn này. Nét đặc trưng của sách Châm Ngôn đó là, ở giữa những câu châm ngôn rất dị biệt, sách dâng hiến một phân đoạn đề tặng Đức Khôn Ngoan. Ở đây, Đức Khôn Ngoan được nhân cách hóa thành một Bà Chúa hiếu khách mở tiệc khoản đãi. Việc nhân cách hóa này mang tính chất thi ca. Đức Khôn Ngoan được ca ngợi ở đây cốt yếu là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, tự nó không thể cấu thành một thực thể biệt phân với Thiên Chúa. Theo Độc thần giáo tuyệt đối của dân Ít-ra-en, “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Ngài ra, không có vị Chúa nào khác”. Trong Cựu Ước, sự Khôn Ngoan của Đức Chúa cũng như Thần Khí của Ngài là những quyền năng của Thiên Chúa chứ không là những ngôi vị biệt phân với Thiên Chúa.
2/.Bàn tiệc Đức Khôn Ngoan thiết đãi:
Trong đoạn văn được trích dẫn hôm nay, giáo huấn mà Đức Khôn Ngoan ban được sánh ví với một bàn tiệc khoản đãi cho tất cả nhưng ai muốn làm môn đệ của mình.
“Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột”: Điều này muốn nói rằng một nội thất nguy nga lộng lẫy, ở đó các khách mời có thể trò chuyện thân mật; “bảy cây cột”: con số bảy là con số chỉ sự hoàn hảo. Đức Khôn Ngoan đích thân “hạ thú vật”, tự mình “chế rượu” và “dọn bàn”, nghĩa là chủ nhân muốn thiết đãi khách những món ăn thức uống tuyệt hảo.
Đức Khôn Ngoan “sai các nữ tỳ ra đi”. Câu này xem ra không quan trọng lại là câu then chốt của bản văn. Trong Kinh Thánh, việc sai phái các tôi tớ của mình đi thi hành sứ vụ quan trọng là hành vi của Thiên Chúa. Truyền thống sẽ xem hành vi này thậm chí là hành vi của Đấng Thiên Sai. Đó là lý do tại sao các tác giả Tin Mừng thường nhấn mạnh hành vi này được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su khi “Người sai hai môn đệ ra đi” để chuẩn bị bữa ăn Vượt Qua (Mc 14: 13; Lc 22: 8); trong dụ ngôn Tiệc Cưới, vua sai các gia nhân ra đi mời khách dự tiệc, như Đức Khôn Ngoan đã làm.
3/.Lời mời được gởi đến hết mọi người:
“Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố” để lời mời gọi của mình được vang lên khắp hang cùng ngỏ hẽm ngõ hầu mọi người đều có thể nghe được; lời mời này mang tính phổ quát. Đức Khôn Ngoan mời mọi người tham dự bàn tiệc mà mình thiết đãi. Ở bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su cất tiếng mời gọi: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn và uống”.
Tuy nhiên, lời mời trở nên trực tiếp hơn và khẩn thiết hơn được gởi đến cho những ai “ngây thơ khờ dại”. Đó là những người khao khát hiểu biết và muốn mỗi ngày được sống trong sự hiểu biết, chứ không phải là những bậc thông thái tự mãn, khép kín mình trong sự hiểu biết của riêng mình. Ngôn sứ I-sai-a đã loan báo rằng rồi sẽ đến ngày Đức Chúa sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ cho dân Ngài: “Bấy giờ sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy sự thất bại, và trí thông minh của những kẻ thông minh sẽ tan thành mây khói” (Is 29: 14).
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa Tin Mừng hôm nay. Dự định của Thiên Chúa, được chuẩn bị trong sự khôn ngoan khôn dò của Ngài, xem ra điên rồ dưới con mắt của con người dù họ đã được báo trước đi nữa.
BÀI ĐỌC II (Ep 5: 15-20)
Đoạn thư gởi tín hữu Ê-phê-xô được trích dẫn hôm nay thuộc chương 5, trong đó thánh Phao-lô trình bày cách sống mới mẻ mà người Ki-tô hữu đem lại. Những lời khuyên ở đây hòa điệu tuyệt vời với những lời khuyên của sách Châm Ngôn.
1/.Cẩn thận xem xét cách ăn nếp ở của mình:
Đây cốt là lời kêu mời khái quát và có tính cách khuyên bảo. Cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu phải là cách sống của một người khôn ngoan, đây là sự khôn ngoan đặc thù Ki-tô giáo mà thánh Phao-lô chú ý mời gọi. Ở môi trường chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp, sự khôn ngoan Hy-lạp mà người ta tìm kiếm là một cuộc sống quân bình, điều độ và mực thước, thánh nhân đề cao sự khôn ngoan Ki-tô giáo, sự khôn ngoan cao vời khôn ví, vì nó mở đường đến sự hiểu biết của Thiên Chúa và ơn cứu độ đời đời.
2/.Hãy biết tận dụng thời buổi hiện tại:
Chúng ta đừng quên rằng thánh Phao-lô viết thư này đang khi thánh nhân đang bị giam cầm ở Rô-ma để gởi đến các cộng đoàn Ki-tô hữu hiện đang gặp phải những khó khăn và bị quấy nhiễu. Lời khuyên của thánh Phao-lô ở đây có thể được quảng diễn như sau: “Anh em được dịp sống vào thời buổi khó khăn, đó là cơ hội thuận tiện tuyệt vời để anh em hoàn thiện chính mình và sống theo Đức Ki-tô. Hãy tận dụng tận mức cơ hội này”.
3/.Chớ say sưa rượu chè:
Thánh nhân đưa ra một mẫu gương khác cho thấy cách sống của người khôn ngoan: sống điều độ. Thánh nhân dường như nhắm đến sự lạm dụng xảy ra trong những bữa ăn huynh đệ của cộng đồng Ki-tô hữu. Quả thật, thánh nhân gợi lên những buổi nhóm họp ngay sau khi thánh nhân mong ước rằng những buổi nhóm họp phải tập trung vào việc cầu nguyện. Thánh nhân đối lập việc thấm nhuần Thần Khí với việc rượu chè say sưa.
4/.Hãy cùng nhau xướng đáp những bài thánh vịnh:
Chúng ta biết rằng những người Ki-tô hữu tiên khởi đã được gợi hứng từ những tập quán hội đường để cấu trúc những buổi hội họp của họ: xướng đáp những bài thánh vịnh, thánh thi, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện… Sơ đồ của Thánh Lễ làm chứng như vậy. Nhưng các cộng đồng Ki-tô hữu đã sáng tác rất sớm các bài thánh thi của riêng mình, đọc kinh Lạy Cha và những lời ngợi khen chúc tụng Chúa tự phát. Thánh Phao-lô luôn luôn nhấn mạnh tâm tình tạ ơn như yếu tố cốt yếu của lời cầu nguyện.
TIN MỪNG (Ga 6: 51-58)
Với đoạn trích Tin Mừng hôm nay, chúng ta hoàn tất bài diễn từ về “Bánh Hằng Sống”.
1/.“Bánh tôi ban tặng, chính thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”:
Đức Giê-su công bố một lời gây sửng sốt: “Bánh tôi ban tặng, chính thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Lời công bố khó lọt tai này gây phản ứng ngay tức khắc từ phía người Do thái, vốn trước đây đã nghi ngờ, nay tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Lời công bố của Đức Giê-su ở đây rất gần với lời công bố của Ngài vào lúc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể: “Này là Mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn”, được thuật lại trong các sách Tin Mừng nhất lãm. Tuy nhiên, ở đây thánh Gioan không dùng từ “sô-ma” như các sách Tin Mừng nhất lãm, mà là từ “sarsh”. Từ “sarsh” này, theo tiếng A-ram cũng như Hy-ngữ, chỉ toàn bộ con người đang sống, trong khi từ “sô-ma” chỉ một thân xác đối lập với linh hồn theo thuyết nhị nguyên của người Hy-lạp. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng từ “thịt tôi” chính là từ gốc mà Đức Giê-su đã sử dụng khi thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Với từ “thịt tôi”, thánh Gioan thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa “Nhập Thể” và “Thánh Thể” để có thể nói “Ngôi Lời làm người (“sarsh”) trở thành bánh Thánh Thể”.
2/.“Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời”:
Đức Giê-su nhận ra thái độ kinh ngạc của thính giả. Ấy vậy, nếu như câu nói này chỉ là biểu tượng, chắc chắn Ngài sẽ đính chính, nhưng không, Ngài lại càng nhấn mạnh hơn nữa: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời”. Lời khẳng định này lại còn gây sửng sốt hơn nữa: Đức Giê-su không chỉ nói đến “thịt của Ngài”, nhưng còn “máu của Ngài” nữa. Đây không còn là lời khẳng định không thể tin được, nhưng còn gây kỳ chướng hơn nữa. Người Do thái không bao giờ dùng máu; máu là trung tâm sự sống, được dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống. Trong các hy lễ, máu được hoàn toàn dâng tiến cho Thiên Chúa.
Chắc chắn trong ngôn ngữ sê-mít, cách nói thông dụng “thịt và máu” chỉ toàn thể con người, một phàm nhân, như Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô sau khi thánh nhân tuyên xưng đức tin: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải thịt và máu mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16: 17). Nhưng khi khảo sát cặp “thịt và máu” này theo văn mạch, chúng ta nhận ra rằng khi gợi lên máu sẽ đổ ra để chúng ta uống, cũng như thịt sẽ được trao ban để chúng ta ăn, Đức Giê-su loan báo rằng bàn tiệc Thánh Thể không thể tách khỏi cuộc Tử Nạn của Ngài trên đồi Sọ.
Ngoài ra để tránh việc hiểu lầm bàn tiệc Thánh Thể quá vật chất, quá phàm trần, Đức Giê-su sử dụng kiểu nói “ăn thịt và uống máu Con Người”, một nhân vật có nguồn gốc thần linh đến trên mây trời trong sách Đa-ni-en. Như vậy, thịt và máu mà Ngài ban tặng để chúng ta ăn và uống ngõ hầu có sự sống đời đời, không là thịt và máu của Đức Giê-su thành Na-da-rét bằng xương bằng thịt đang hiện diện trước thính giả, mà là thịt và máu của Đấng đã chết, sống lại và nay đang ngự bên hữu Chúa Cha. Chính vì thế thịt và máu mà Người ban tặng sẽ là nguồn sống đời đời cho nhân loại.
3/.“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sống mãi trong tôi, và tôi sống mãi trong người ấy”:
Toàn bộ phần cuối của diễn từ nhấn mạnh lời hứa ban sự sống; lời hứa này được lập đi lập lại hầu như ở mỗi câu. Chúa Con nhiệm sinh từ Chúa Cha Hằng Sống; vì thế, Ngài nắm trong tay mọi nguồn phong phú của sự sống thần linh mà Ngài chuyển thông cho nhân loại khi hiến thân mình thành của ăn thức uống, nghĩa là một sự hiệp thông mật thiết đến mức không gì có thể sánh ví được: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì sống mãi trong tôi, và tôi sống mãi trong người ấy”. Như thường hằng trong Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su nhắc lại mối liên hệ tròn đầy của Ngài với Chúa Cha: “Như Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”, và mời gọi các môn đệ đi vào trong mối hiệp thông tròn đầy này: “Anh em hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Thế nên, động từ “ở trong” là một trong những động từ thánh Gioan rất tâm đắc, qua đó, thánh ký diễn tả tính nội tại của Vương Quốc Thiên Chúa.
Cuối cùng, Đức Giê-su nhấn mạnh sự sống bất khả hư nát mà Ngài ban, một lần nữa Ngài củng cố lời hứa ban sự sống phục sinh của Người. Như vậy, Đức Giê-su mạnh mẻ khẳng định ý nghĩa cuối cùng của “Bánh Hằng Sống”. Trong Tin Mừng của mình, thánh Gioan đã không tường thuật sự kiện Đức Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể, nhưng trong chương 6 này, thánh ký muốn chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm vĩ đại này, còn hơn cả các tác giả Tin Mừng nhất lãm có thể làm trong những bài trình thuật “Chúa Giê-su thiết lập bàn tiệc Thánh Thể” của các ngài. (*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
BÀN TIỆC CHÚA- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
Hai ý tưởng lớn của các bài đọc hôm nay là Bàn tiệc Mình Chúa và Bàn tiệc Khôn ngoan của Lời Chúa.
– Bài đọc I (Cn 9,1-6) : Đức Khôn Ngoan mời người ta đến dự tiệc
– Đáp ca (Tv 33) : Kêu mời học sự Khôn ngoan
– Tin Mừng (Ga 6,51-58) : Mình thánh Đức Kitô là lương thực
I/. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chúng ta đói khát nhiều thứ, và chỉ có Chúa mới thỏa mãn được tất cả cho chúng ta. Thánh lễ chính là một bữa tiệc. Trong Thánh lễ, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được ăn Mình Thánh Chúa.
Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng tham dự Bàn tiệc Chúa.
II/. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúng ta chưa thực sự tin rằng Mình Thánh Chúa là lương thực rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta.
– Chúng ta chưa thiết tha học hỏi sự khôn ngoan trong Lời Chúa.
– Chúng ta không siêng năng dự tiệc Thánh Lễ.
III/. LỜI CHÚA
1/. Bài đọc I (Cn 9,1-6)
Cựu Ước rất quý chuộng sự Khôn ngoan, đến nỗi đã nhân hình hóa sự Khôn ngoan như một Mệnh phụ hào phóng dọn một bữa tiệc thịnh soạn và kêu mời mọi người đến dự, tức là đế học hỏi sự khôn ngoan của mình.
Hình tượng về sự Khôn ngoan này sẽ được thực hiện bởi Đức Giêsu.
2/. Đáp ca (Tv 33)
Thánh vịnh này quảng diễn tiếp bài đọc I về sự khôn ngoan : khôn ngoan thật là biết kính sợ Chúa.
3/. Tin Mừng (Ga 6,51-58)
Tiếp tục bài giảng sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu hướng thính giả về bí tích Thánh Thể : Ngài nói rõ hơn về bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”.
– Ở cuối đoạn tuần trước, Đức Giêsu đã nói rõ : “Bánh ta sẽ ban chính là thịt ta đây” (câu 51).
– Câu đó đã khiến những người do thái tranh luận với nhau. Sở dĩ họ tranh luận vì trong họ có người hiểu theo nghĩa đen (ăn thịt sống của Đức Giêsu), có người hiểu theo nghĩa bóng (tin vào Ngài).
– Phần Đức Giêsu, Ngài muốn hiểu theo nghĩa nào ? Thưa theo nghĩa đen. Bởi đó Đức Giêsu dùng những động từ rất mạnh và cụ thể. Động từ “ăn” nguyên gốc là Trôgô nghĩa là “nhai”, lấy răng mà nhai một thức ăn nào đó. Và động từ trôgô này được lặp đi lặp lại nhiều lần (các câu 53-54). Tới câu 55 Ngài tuyên bố dứt khoát “Thịt ta thật là của ăn và máu ta thật là của uống”.
– Như thế là Đức Giêsu nói tới bí tích Thánh thể, trong đó Ngài ban chính thịt và máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người.
– Hiệu quả của việc rước lễ : “Ai ăn thịt Ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời… thì ở trong ta và ta ở trong kẻ ấy“.
4/. Bài đọc II (Êp 5,15-20)
Đoạn thư này cũng trùng hợp với hai bài đọc Cựu Ước và Tin Mừng vì cũng đề cập đến sự khôn ngoan. Thánh Phaolô khuyên tín hữu đừng sống như kẻ khờ dại, mà hãy sống như người khôn ngoan. Theo ngài, khôn ngoan là
– biết tận dụng thời buổi hiện tại
– biết tìm hiểu đâu là thánh ý Chúa
IV/. GỢI Ý GIẢNG
Theo tạp chí Times, gần đây có nhiều vụ tự tử trong giới doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Saysi, 40 tuổi mạnh khỏe, là quản lý của công ty bảo hiểm Taiho, ông có đủ điều kiện để sống hạnh phúc, an khang. Nhưng vào tháng 11-97 ông Saysi đã nhảy lầu tự vẫn vì công ty mẹ là Yematri bị phá sản. Cũng trong thời gian này, một quan chức trong Bộ tài chánh và hai viên chức khác thuộc công ty xã hội Nhật cũng kết liễu đời mình khi bị kết án có dính líu đến tham nhũng.
Theo thống kê của cục cảnh sát Nhật Bản năm 1996 có đến 23.000 người Nhật tự tử, gấp hai lần số người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó 3025 người tự tử vì thất bại về kinh tế. Các nhà tâm lý giải thích cho những người mất việc rằng : “Thất nghiệp là chuyện bình thường trong cuộc sống. Hơn nữa, trong cuộc sống còn có một cái gì khác hơn việc làm”.
*
Trong cuộc hành trình tìm về quê trời, người tín hữu Kitô còn phải tìm kiếm một điều gì khác hơn là công việc, tiền của, danh vọng và chức quyền.
Chúng ta luôn được nhắc nhở : “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (x.Ga.15,19). Đừng gắn bó với của cải chóng qua nhưng hãy tìm kiếm những giá trị trường tồn. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Tấm bánh được trao ban cho nhân loại : “Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga.6,51).
Tấm Bánh ấy không chỉ là bí tích Thánh Thể mà còn là Tấm Bánh Lời Chúa. Hiến chế về Phụng vụ quả quyết : “Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo hội” (Pv.7). Đức Giêsu vẫn trao cho ta sức sống của Người chính là Tấm Bánh Lời Chúa : “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt.4,4).
Hiến chế Tín lý Mạc khải số 21 viết : “Giáo hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy Bánh ban Sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”.
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa, trước khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực cần thiết cho cuộc sống đời đời.
Mọi tín hữu đều biết ích lợi vô song của Bí tích Thánh thể, nhưng lại dễ dàng bỏ qua việc rước lễ, chưa kể là thiếu chuẩn bị, thiếu sốt sắng và thiếu thân tình.
Mọi tín hữu đều biết Lời Chúa là cần thiết, nhưng lại ít quan tâm suy niệm và sống Lời Chúa.
Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ có nói : “Tôi sẵn sàng trở thành một Kitô hữu, nếu tôi thấy những người Kitô hữu thực thi Tám mối phúc thật”.
*
Lạy Đức Giêsu, xin cho Lời Chúa luôn tỏa sáng lối đường chúng con đi. Xin cho Mình Thánh Chúa là lương thực hàng ngày cho chúng con. Xin dạy chúng con cũng trở nên tấm bánh được bẻ ra cho anh chị em. Xin giúp chúng con không chỉ lắng nghe mà còn biết thực thi lời Chúa ; không chỉ yêu mến, mà còn biết sống Lời Ngài ; không chỉ tuyên xưng, mà còn biết thực hành đức tin. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
* 2. Chỗ trong bàn tiệc
Một thương gia giàu có kia sống chung với con trai và con dâu mình. Người con trai rất thương người nghèo, hay làm việc thiện nguyện trong những tổ chức giúp đỡ người nghèo, và cũng thường bố thí cho người nghèo. Ít lâu sau vợ chồng người con trai sinh được đứa con đầu lòng. Ông thương gia rất mừng và định tổ chức một bữa tiệc mừng rất lớn.
Người con hỏi người cha : “Cha định sắp xếp chỗ ngồi cho khách thế nào ? Có phải là để những người giàu ngồi những bàn trên còn những người nghèo ngồi những bàn gần cửa không ?” Người Cha xác nhận đúng như thế. Người con mới xin : “Vì đây là bữa tiệc mừng đứa con của con, nên xin Cha hãy chìu ý con mà đảo ngược lại, nghĩa là hãy đề những người nghèo ngồi bàn trên và những người giàu ngồi bàn dưới”. Người Cha đáp : “Con ơi, khó mà thay đổi thế giới được. Này nhé con hãy suy nghĩ thử xem : Những người nghèo đến dự tiệc là để ăn, còn những người giàu đến đây không phải để ăn mà để được vinh dự. Vậy nếu ta xếp những người nghèo ở bàn trên thì họ phải cố gắng giữ tư thế cho đàng hoàng, không dám ăn uống tự nhiên, cho nên dù có ăn họ cũng ăn không ngon. Thà để họ ngồi các bàn dưới thì họ sẽ thoải mái hơn và muốn ăn uống thế nào và bao nhiêu tuỳ thích. Còn những người giàu đến đây thực ra không cần ăn, vì họ đã ăn uống đầy đủ ở nhà rồi. Xếp họ ngồi các bàn dưới thì họ sẽ buồn ; cho nên xếp họ ngồi bàn trên thì hợp ý họ hơn”.
Nghe người cha giải thích như vậy, người con thấy hợp lý và không nài nỉ nữa.
Câu chuyện trên không có ý dạy ta coi trọng người giàu và coi nhẹ người nghèo, nhưng muốn giúp ta so sánh với Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một bàn tiệc. Nhưng bàn tiệc này khác với những bàn tiệc của loài người ở chỗ là mọi người đều được mời, bất kể họ giàu hay nghèo. Những chỗ ngồi trong bàn tiệc Thánh Thể cũng bình đẳng như nhau, không ai cao mà cũng không ai thấp. Tất cả chúng ta đến dự tiệc Thánh Thể đều là những người nghèo về mặt thiêng liêng, cho nên đến đây tất cả chúng ta đều được ăn uống no nê. Chẳng những thế tất cả chúng ta còn được vinh dự vì được tham dự bàn tiệc của Thiên Chúa. Và hơn nữa những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia xẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. (Viết theo Flor McCarthy)
- Chuyện minh họa
Mẹ Têrêxa Calcutta có một quy luật là khi một thiếu nữ nào đến xin nhập Dòng thì ngay ngày hôm sau sẽ được gửi tới Nhà Lâm Chung (nơi chăm sóc những người sắp chết).
Một hôm, có một thiếu nữ đến xin nhập Dòng. Theo thông lệ, Mẹ Têrêxa gửi chị này đến Nhà Lâm Chung. Mẹ căn dặn : “Con đã thấy các Linh mục chạm đến Mình Thánh Chúa một cách cung kính và trìu mến thế nào. Bây giờ con hãy đến Nhà Lâm Chung và cũng hãy làm như thế, bởi vì Đức Giêsu trong Mình Thánh Chúa cũng là một với Đức Giêsu đang ở trong những người khốn khổ ấy”.
Ba giờ sau, thiếu nữ trở về với một nụ cười rạng rỡ trên mặt. Cô trình với Mẹ Têrêxa : “Thưa Mẹ, con đã được chạm đến Mình Thánh Chúa suốt 3 giờ đồng hồ”. “Sao ? Con đã làm gì ?” Mẹ Têrêxa hỏi. Cô đáp : “Khi con đến đấy thì người ta cũng vừa mang đến một ông bị rơi vào một cái cống và phải nằm trong đó một thời gian. Mình mẩy ông rất dơ bẩn và rất nhiều thương tích. Con đã rửa cho ông và lau các vết thương của ông. Đang lúc con làm thế, con biết là con đang chạm chính Mình Thánh Đức Kitô”.
* 4. Lương thực thần linh
“Có thực mới vực được đạo.” Câu nói đó chắc chắn không áp dụng với người giáo dân tên là Têrêxa Niu Man, là người đã trải qua 36 năm trời không ăn uống gì mà vẫn sống và giữ đạo sốt sắng. Têrêxa sinh ngày 8 tháng 4, 1898, trong một gia đình Công Giáo ngoan đạo miền Bắc Baveria của nước Đức. Người dân trong làng Cổ Môn Trường gồm gần 1,000 người, hầu hết sống bằng nghề nông. Gia đình của Têrêxa rất nghèo như phần đông các gia đình trong làng. Học xong tiểu học, Têrêxa 14 tuổi và em là Maria 13 tuổi, đi làm thuê cho những điền chủ ở các làng lân cận để có tiền giúp đỡ cha mẹ. Công việc nặng nhọc nhưng Têrêxa không ngại vì bản tính vốn ưa thích việc đồng ruộng và chăm sóc súc vật. Giống như mấy em gái của nàng, Têrêxa cũng có những chàng trai để ý ngắm nghía, nhưng nàng đã có mơ ước riêng. Từ nhỏ nàng đã mơ ước là một nữ tu truyền giáo ở Phi Châu và đã nhiều lần liên lạc với các tu sĩ truyền giáo Dòng Biển Đức. Nhưng Thiên Chúa đã an bài một hướng truyền giáo khác cho Têrêxa.
Ngày 13 tháng 11, 1925, Têrêxa bị đau ruột dư dữ dội, cơn sốt cao khủng khiếp. Bác sĩ chăm sóc cho nàng đề nghị một cuộc giải phẫu tức khắc tại một bệnh viện gần đó. Mẹ nàng khóc hết nước mắt. Cha sở Ngô Biên (Nobert) có mặt. Têrêxa xin cha Biên đặt thánh tích của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên chỗ đau và chính nàng cầu xin : “Lạy thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chỉ có Ngài mới có thể chữa con lành bệnh, Ngài đã chữa lành con nhiều lần rồi. Con không xin Ngài vì con nhưng vì mẹ con.”
Đáp lại thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã cho nàng lập tức khỏi bệnh. Cùng với mẹ nàng đến nhà thờ tạ ơn Chúa trước sự ngỡ ngàng của mọi người có mặt. Nhưng trước đó thánh nhân đã nói cho Têrêxa Niu Man biết rằng : Sự tuân phục và vui tươi chấp nhận đau khổ của con làm ta rất hài lòng. Để mọi người nhận thức đây là một biến cố phi thường, con sẽ không cần phải trải qua cuộc giải phẫu và hãy mau mau tạ ơn Chúa. Con sẽ phải chịu đau khổ nhiều hơn nữa, nhưng đừng sợ điều gì, cả những đau khổ trong nội tâm. Chỉ có cách này con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, nhưng hãy luôn sống trong sạch, đơn sơ như hiện nay.
Quả thật, không đầy bốn tháng sau, Têrêxa cảm thấy mệt mỏi phải nằm giường cả hơn tháng trời cho tới lễ Phục Sinh. Đêm thứ năm ngày 4 tháng 3 khi nằm nghỉ trên giường, nàng chợt thấy trong một thị kiến, Đức Giêsu đang quì cầu nguyện ở vườn cây dầu và thấy các môn đệ đang ngủ. Nàng cảm thấy dấy lên nơi tâm hồn niềm thương cảm vô biên đối với Đấng Cứu Chuộc. Cùng lúc Đức Giêsu nhìn chằm chặp vào nàng. Nàng cảm thấy đau đớn tột độ ở gần nơi trái tim đến nỗi có thể chết được. Khi tỉnh lại, Têrêxa thấy ở cạnh sườn bên trái của nàng một vết thương, máu rỉ ra cho đến ngày hôm sau. Nàng băng vết thương lại để mọi người không thấy và nói với em gái ở chung phòng với nàng là nàng bị phỏng.
Một tuần lễ sau cũng vào giờ đó Têrêxa lại thấy Đức Giêsu trong vườn cây dầu, và sau đó cảnh Ngài bị đánh bằng roi. Tuần lễ sau nữa, nàng chứng kiến cảnh Chúa đội mão gai. Mỗi lần như thế, vết thương cạnh sườn nàng chảy máu chan hoà đến ngày hôm sau. Ngày thứ sáu 26 tháng 3, Têrêxa thấy Chúa vác thánh giá và té ngã dưới sức nặng. Khi tỉnh lại nàng thấy một vết thương hiện lên nơi bàn tay trái của nàng, không cách chi che giấu được. Khi mẹ nàng hỏi tại sao bị thương như thế, Têrêxa trả lời rằng vết thương ấy đã xuất hiện cách tự nhiên. Trong đêm thứ năm tuần thánh, tức ngày 1 tháng 4, lần đầu tiên Têrêxa được mục kích trọn đường thánh giá từ vườn cây dầu tới đỉnh núi Sọ và cái chết của Chúa trên thập giá.
Sau đó những vết thương khác xuất hiện thêm trên tay mặt và hai chân của nàng. Cha sở Ngô Biên được mời đến. Cha vội đến nói với một linh mục khác và cha đã ghi như sau trong nhật ký của cha : ” Têrêxa nằm đó như một vị tử đạo, cặp mắt nàng đầy máu và hai giọt máu chảy xuống má nàng. Gương mặt nàng nhợt nhạt như một người chết. Đến 3 giờ chiều, giờ chết của Đấng Cứu Chuộc, nàng phải chịu những cơn đau khủng khiếp đến chết đi được. Sau đó, nàng trở nên yên lặng hoàn toàn. Cha sở bị đánh động mạnh trước biến cố. Các dấu thánh ấy đồng thời khiến cha mẹ và cả gia đình của Têrêxa sầu khổ tột độ.
Ngày 4 tháng 4 là Chúa Nhật Phục Sinh, Têrêxa được thấy Đấng Cứu Chuộc Phục Sinh. Nàng cảm thấy khoẻ khoắn trong người để có thể ra khỏi giường.
Ban đầu gia đình Têrêxa nghi ngờ về những dấu lạ này nên cố gắng chữa trị cho Têrêxa. Nhưng càng chạy chữa, xức thuốc và băng bó, những vết thương ấy càng lở loét và gây thêm đau nhức. Têrêxa lấy làm lạ về hiện tượng đó nên thỉnh ý thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và được Ngài cho biết là không nên chữa trị những vết thương đó. Chúng không làm độc và chỉ mở ra mỗi thứ sáu.
Tháng 11 cùng năm đó, giữa hai ngày 18 và 19, tức thứ năm và thứ sáu, trong khi Têrêxa nhận được thị kiến về Đức Giêsu chịu đội mão gai, người ta thấy xuất hiện 3 vết máu trên chiếc khăn màu trắng nàng đội trên đầu. Khi cất khăn đi người ta thấy đầu nàng ướt sũng máu và rất đau đớn. Tuần kế tiếp có 8 vết máu trên đầu nàng. Những vết ấy sẽ ở mãi trên đầu nàng.
Từ lễ Giáng Sinh 1926, Têrêxa kinh nghiệm một sự thay đổi đột ngột là ngưng hẳn việc ăn uống. Hằng ngày sau khi rước lễ nàng chỉ dùng vài giọt nước để giúp nàng nuốt trôi Mình Thánh Chúa. Nhưng cha sở Ngô Biên chứng thực rằng sau tháng 9, 1927, nàng không cần những giọt nước này nữa.
Từ đó trở đi, trong 36 năm liền, Têrêxa sống mà không cần ăn uống gì cả. Mình Thánh Chúa là thức ăn duy nhất của nàng. Cha Ngô Biên, người đã cho Têrêxa rước lễ mỗi ngày cho đến khi nàng chết, đã ghi trong nhật ký của ngài rằng Têrêxa thường nói với mọi người là nàng sống nhờ vào Đấng Cứu Chuộc. Và cha còn thêm rằng nơi Têrêxa thực đã ứng nghiệm lời tuyên bố của Đức Giêsu khi nói : “Thịt Ta thật là của ăn. Máu Ta thật là của uống.”
Câu chuyện vừa kể minh họa lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56). Câu chuyện cho thấy Chúa ở lại một cách lạ lùng : (1) Chúa ở lại và tỏ lộ quyền năng của Người nơi một giáo dân chỉ cần chịu lễ mà thôi… không cần ăn uống gì khác trong suốt thời gian 36 năm, mà vẫn mạnh khỏe ! (2) Chúa còn ở lại và cho người ấy dự phần vào cuộc thương khó của Chúa cả nơi thân xác lẫn nơi nội tâm người đó. (3) Mục tiêu nhắm tới là : “Con đừng sợ đau khổ, kể cả đau khổ nội tâm. Chỉ có cách đó, con mới cứu được các linh hồn. Con phải từ bỏ mình nhiều hơn, phải luôn sống trong sạch và đơn sơ như hiện nay” – mục tiêu ấy được tiết lộ qua trung gian thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu trong một thị kiến.
Nhân vật trong câu chuyện có thực, vì ta biết rõ lý lịch. Sự kiện mà người đó chịu lễ và không ăn uống gì khác suốt 36 năm, cũng như sự kiện về năm dấu thánh nơi thân xác người đó với những đau đớn người đó phải chịu các ngày thứ sáu, những hiện tượng đó đã được kiểm chứng đầy đủ do các bác sĩ có thẩm quyền của Toà Thánh và của giáo phận Ratisbon của Đức Quốc. Đồng thời, vụ án phong chân phước cho bà Têrêxa Niu Man đang được xúc tiến.
Chẳng ai buộc người Kitô phải tin vào ơn mạc khải riêng bao giờ. Nhưng mọi Kitô hữu đều phải bén nhạy đối với những việc Chúa làm nơi thọ tạo. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)
V/. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã nói : “Tôi là bánh từ Trời xuống, bánh Tôi sẽ ban tặng chính là thịt và máu Tôi. Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì được sống muôn đời”. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
- Chúng ta hãy cầu nguyện cho các giáo sĩ, tu sĩ các giáo dân trong Hội thánh / biết sốt sắng tham dự thánh lễ và siêng năng Rửa tội / để luôn sống hiệp thông với Đức Giêsu và với nhau.
- Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các dân tộc / được ơn khôn ngoan sáng suốt để chọn đường lối tốt đẹp nhất mà phục vụ cho đồng bào mình.
- Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chưa biết Đức Giêsu Kitô / được sớm nhận ra Người chính là Đường, là sự Thật và là Sự Sống của mọi người.
- Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta / ngày càng hiểu biết hơn tầm quan trọng của bí tích thánh thể trong cuộc sống hằng ngày của mỗi Kitô hữu.
Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, xin cho mỗi người chúng con hiểu biết rằng, chỉ nhờ sức sống của Chúa ban cho trong bí tích Thánh Thể, chúng con mới có thể sống yêu thương và phục vụ tốt cho gia đình và xã hội. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI/. TRONG THÁNH LỄ
– Trước lúc rước lễ : Chúng ta hãy nhớ lại lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng : “Đây là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”
VII/. GIẢI TÁN
Chúng ta tạ ơn Chúa đã cho chúng ta tham dự Thánh lễ này, vì nhờ đó chúng ta được nghe những Lời khôn ngoan của Chúa và được rước lấy Mình Thánh Ngài. Ước gì Lời Chúa và Mình Chúa giúp chúng ta sống thật tốt suốt tuần này.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam