Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1371103
BÁNH NGƯỜI NGHÈO
BÁNH NGƯỜI NGHÈO (*)- Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
“Hai trăm đồng quan bánh cũng không đủ”: Số tiền quả là lớn vì một quan là tiền công của một ngày làm việc (Mt 20,2; Lc 10,35).
“Nơi ấy có nhiều cỏ”: Điều này xác nhận chi tiết nói rằng sắp đến lễ Vượt qua, vì lễ Vượt qua là thời kỳ duy nhất mà, sau những trận mưa mùa đông và trước cái nắng gay gắt của mùa hạ (bắt đầu từ tháng 5), người ta mới tìm thấy một ít cỏ ở Palestin.
“Bấy giờ Người trốn đi”: Như sẽ nói trong phiên tòa Rôma rằng vương quốc Người không thuộc về thế gian (18,36), Chúa Giêsu lúc này từ chối đảm nhận một vương quyền theo như quần chúng quan niệm. Đó đã là một sự đoạn tuyệt với những quan niệm cách chung và thiên sai phàm trần
KẾT LUẬN
Đám dân đông đảo đến cùng Chúa Giêsu để có của ăn, tượng trưng cho hết những kẻ đói khát về phần thiêng liêng đang “đến với Người” qua đức tin để xin người thoa dịu cơn đói của họ. Ngoài Người ra, không ai có thể cung cấp cho đám đông ấy thứ bánh mà họ đang trông chờ.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG.
*1. Trong đoạn hôm nay, ta khám phá ra một sự ám chỉ thường xuyên đến cuộc Xuất hành: việc vượt qua biển Galilê (hồ Tibêria) nhắc đến lần vượt qua Biển đỏ; bánh hóa nhiều gợi nhớ manna; những tiếng kêu ca của người Do thái (cc.41-43.52.60-61.66) nối tiếp những cuộc nổi loạn của người Hy bá chống lại Môisen trong hoang địa. Về phần ngọn núi, nó là phóng bản của núi Sinai. Sự nhấn mạnh rằng lễ vượt qua gần tới (c 4) đánh dấu vị trí của biến cố này đối với quá khứ (Lễ Vượt qua kỷ niệm Xuất hành), đối với hiện tại (lễ Vượt qua này là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Kitô, và đối với tương lai (trong dịp lễ Vượt qua Do thái này, Chúa Giêsu sửa soạn cho một lễ Vượt qua mới, cho việc thiết lập Thánh Thể tại nhà Tiệc ly và cho việc cử hành nó cách mới mẻ trong Giáo Hội bằng Thánh lễ.
*2. Từ một hoàn cảnh cụ thể, Chúa Giêsu đòi hỏi các sứ đồ một sự vâng phục của đức tin. Lương tri tự nhiên khiến Người hỏi Philipphê: Ta mua được đâu bánh cho họ ăn? Rồi Người trả lời: Hãy cho họ ngồi xuống. Các sứ đồ thi hành lệnh của Thầy, và chắc hẳn họ cũng tự hỏi cái gì sắp xảy đến. Có lẽ họ nghĩ rằng: với Thầy họ thì không nên tìm hiểu. Gioan viết: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho những người dùng bữa”. Nhưng chắc chắn Người đã nhờ các sứ đồ làm công việc phân phát ấy. Thánh Mátcô thì bảo: “Người ban tiếp cho các môn đồ để họ thết đãi người ta” (6,41). Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đồ, trước sự bất khả, đã chống lại ý Chúa Giêsu? Có thể họ đã không phải là những cộng tác viên với công việc thần linh của Người. Thành thử ta thấy sự vâng phục của đức tin dẫn tại đâu. Nó làm cho kẻ tin trở nên cộng tác viên của Thiên Chúa trong những công việc vô cùng vượt quá phương tiện loài người. Chúng ta có biết tuân hành những bổn phận mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, nhất là khi những công việc ấy vượt quá khả năng chúng ta?
*3. Dù không bàn đến tính cách kỳ diệu của việc hóa bánh, người ta tuy vậy cũng phải lưu ý rằng phép lạ đã chẳng xảy ra từ số không. Chúa Giêsu đã cần đến năm chiếc bánh và hai con cá do một em bé nhường lại như là chất liệu đầu tiên xét một cách nào đó. Ngày nay cũng vậy, tất cả mọi của cải dư dật, để có thể thấu đến nhiều người, thì trước tiên đòi buộc một sự để chung các tài nguyên đôi khi lúc đầu rất ít ỏi. Cái làm no nê thỏa mãn mỗi một người trong chúng ta, không phải là số lượng sản vật tích lũy mà mỗi người chiếm hữu cho mình, nhưng là ban phát và chia sẻ các sản vật đó cho tha nhân và chính việc ban phát chia sẻ này làm tăng giá trị và hương vị cho của cải, làm lộ ra cứu cánh đích thật của chúng: nuôi dưỡng sự thông hiệp của chúng ta với tất cả mọi người. Chúng ta kinh nghiệm điều này trong nhiệm tích Thánh Thể. Sẽ không có việc hóa bánh ra nhiều về phương diện phẩm cũng như không có bữa ăn thỏa mãn còn đói của chúng ta nếu chính chúng ta không mang tới bánh riêng của mình và chia sẻ nó một cách huynh đệ. Nhưng chỉ Lời Chúa trong Kinh Thánh mới có thể biểu dương và tạo ra những chiều kích vô biên của tình huynh đệ ấy.
*4. Vẫn biết Chúa Giêsu là vua, và Người sẽ khẳng định điều có trước Philatô (18,37), nhưng vương quyền của Người không thuộc về thế gian này (18,36) và Người không chịu để mình bị bắt lấy, bị tôn phong và thống trị như một quân vương trần thế. Người đến trong thế gian để chỉ làm chứng cho sự thật và thông ban sự thật cho chúng ta, không phải để thỏa mãn lòng khát vọng của cải và quyền lực của chúng ta. Người biết rằng Người sẽ lừa gạt chúng ta khi không cho chúng ta một thức ăn hư nát (x.6,26); người thấy phải giác ngộ chúng ta khỏi ý niệm sai lạc của chúng ta về đấu chỉ mà Người vừa thực hiện. Trong lúc này, Người chỉ có thể làm được việc đó bằng cách trốn đi; là Đấng đã hóa bánh ra nhiều, Người vẫn bất lực đối với những con tim khờ khạo và những dạ dày quá nô nê. Nếu chúng ta không nghe tiếng Người, thì người không muốn và không thể ngự trị trên chúng ta. Vương quyền của Người hệ tại chỗ giải phóng chúng ta nhờ sự thật (Ga 8,31-36). Nhưng, ngay cả khi tung hô Người như là vua chúng ta, thì chúng ta vẫn thường quá ao ước làm nô lệ của ăn trần thế và bắt Người phục vụ cơn đói của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta sẽ mất công năn nỉ Người, vì hãy biết rằng chúng ta sẽ không thể bắt Người làm vua chúng ta ta trái với ý Người được; Người sẽ chạy trốn chúng ta và chúng ta sẽ không bao giờ bắt Người lài được nữa, trừ phi chúng ta thực sự lắng nghe Người với tất cả tâm hồn chúng ta (6,63). Và bấy giờ Người sẽ tự biến thành Bánh bổ dưỡng nuôi chúng ta vượt qua đời này, sẽ thành Nước hằng sống, ánh sáng và Sự sống của ta.
*5. Chúng ta đang sống trong một thời đại kỹ thuật mà xét trong toàn bộ chứ không xét trong chi tiết, là một thời đại do ý Thiên Chúa muốn. Vậy nếu chúng ta con thời đại chúng ta như một việc hóa bánh ra nhiều, thì chúng ta phải bảo rằng Tin Mừng hôm nay còn có nhiều điều muốn dạy chúng ta về thời đại kỹ thuật của chúng ta và về cuộc sống hoàn toàn cá nhân của chúng ta. Nếu không chúng ta cũng có thể thuộc vào số những kẻ đã góp phần một cách rất mầu nhiệm vào tội lỗi của thời đại này, cho dầu tội đó không có tên gọi trong các công thức xét mình của sách lễ chúng ta. Mỗi người đều góp phần tạo nên tinh thần của thế kỷ mình đang sống Và mỗi người đều có bổn phận sống trong thời này làm sao cho nó thành một thế kỷ mà trong đó Thiên Chúa có thể tin tưởng vào vẻ trong sáng của tâm trí chúng ta cũng như vào tình yêu của tâm hồn chúng ta đối với Ngài, và có thể ban cho chúng ta chính bánh của đời sống trần gian, ngõ hầu trong hoang địa của đời sống này, chúng ta nhận lãnh được bánh của sự sống vĩnh cửu đến thiên thu.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- B
ĐÀO TẠO TRÁI TIM– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đài VTV1 đã chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn. Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể những khó khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn.
Tâm hồn người thanh niên dũng cảm và quảng đại ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi khi nhìn thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giêsu không sao cầm được lòng thương. Hôm nay, nhìn thấy đám đông đói khát, Người không thể để mặc họ ra về. Người cảm thấy có trách nhiệm phải lo cho họ ăn uống đầy đủ. Dù giữa nơi hoang vu không có hàng quán. Mà nếu có hàng quán cũng chẳng ai đủ tiền mua cơm bánh cho hàng chục nghìn người đang đói khát. Nên người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân. Qua phép lạ lớn lao này, Đức Giêsu hé mở cho ta thấy trái tim đầy tình thương xót của Người, quyền năng cao cả của Người. Nhưng đồng thời Người cũng nhân dịp này đào tạo trái tim con người.
Bài học thứ nhất mà Người muốn dạy ta, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động. Nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.
Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa. Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp bạn”. Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.
Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa. Chúa dậy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài phí phạm.
Bài học thứ bốn mà Người muốn dạy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hóa. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.
Với những bài học kèm theo việc hóa bánh ra nhiều, Đức Giêsu muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta.
Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Hãy kể lại những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua bài Tin Mừng hôm nay.
2) Bạn có thể góp phần phát triển xã hội bằng cách tiết kiệm. Bạn có thấy việc đó là cần thiết không?
3) Nhiều lần bạn đã xin Chúa cho được cơm no áo ấm. Nhưng có bao giờ bạn xin Chúa cho được nên người tốt, biết sống đạo đức hơn không?
4) Lòng cảm thương của bạn có đi đến những việc làm cụ thể không?
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN– B
PHÉP LẠ HÓA BÁNH, DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã được tiền báo trong những tường thuật của các tiên tri thời Cựu Ước. Vào thời tiên tri Êlisê, phép lạ này cho thấy với sự hiện diện của tiên tri, người ta không sợ hãi vì số lượng ít ỏi của bánh mà mình đang có, vì nhờ vị tiên tri, chính Chúa sẽ ban phát dư dật bánh ăn cho mọi người, ngay cả trong thời kỳ đói kém. Trong khi người dâng bánhvà người môn đệ bối rối vì biết mình chỉ có một số bánh ít ỏi và hạn chế, nhưng tiên tri Êlisê vẫn cứ truyền cho ông : “cứ dọn cho dân chúng ăn, vì Chúa đã phán người ta ăn rồi mà vẫn còn dư”. Những phép lạ này cũng như phép lạ manna trong sa mạc thời Môisen báo trước thời kỳ của Đấng cứu thế sẽ ban bánh đích thực nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu và là lương thực ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ thực hiện cụ thể những hình ảnh đã được báo trước trong Cựu ước. Người sẽ hoàn tất những gì đã được báo trước qua các tiên tri. Đấng cứu thế sẽ ban tặng bánh dư dật, người sẽ là vị Môisen mới qui tụ dân chúng tản mác quanh bàn tiệc Thánh Thể, thực hiện một cuộc xuất hành mới quyết định, sẽ dẫn đưa tới quê trời đích thực và sự sống thần linh. Vì thế, câu chuyện của bài Tin mừng Gioan Chúa nhật này với những lời dẫn nhập thật ý nghĩa: lúc bấy giờ là lúc gần đến đại lễ Vượt qua của những người do thái, Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ, có đám đông dân chúng theo người. Câu chuyện được tập trung ngay từ đầu vào Chúa Giêsu: người lên núi và ngồi đó với các môn đệ, người ngước mắt lên và nhìn thấy dân chúng, người có sáng kiến tìm bánh cho dân chúng ăn nên người chủ động hỏi Philipphê : “Ta mua đâu bánh cho những người này ăn”. Tuy hỏi môn đệ Philipphê, nhưng người biết mình sẽ làm gì, người ra lệnh cho dân chúng ngồi xuống và từ năm chiếc bánh và hai con cá ít ỏi của một em bé, người đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đoàn người đông đảo, khoảng năm ngàn người đàn ông. Sau khi ăn no, các tông đồ còn thu lại được mười hai thúng đầy.
Chúa Giêsu là Đấng cứu thế đã được báo trước. Người là Môisen mới dẫn đưa mọi người đến sự sống chân thực. Người không chỉ thực hiện phép lạ hóa bánh để nuôi mọi người ăn no, mà còn ban tặng Thánh Thể là thịt máu của người. Bài tường thuật phép lạ vượt quá khung cảnh lịch sử với những lời tường thuật của cộng đoàn Giáo hội hậu phục sinh là những lời mà các tín hữu vốn đã quen thuộc trong những cử hành Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh và tạ ơn”. Chính người là Đấng hành động cách quyết định và mạnh mẽ, người cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát. Chính Người là Đấng ban tặng cách dư dật từ nguồn sống phong phú của người và mọi người được hưởng nhờ sự sống sung mãn của người. Các tông đồ là những người được mời gọi cộng tác với người để phân phát cho dân chúng và số bánh được thu lại là mười hai thúng đầy là hình ảnh đoàn dân mới của Thiên Chúa được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh là Thánh Thể. Đứng trước phép lạ hóa bánh, nhiều người có thể hiểu lầm và lợi dụng. Những người do thái đã hiểu rằng Chúa Giêsu là vị tiên tri cao cả mà Thiên Chúa ban tặng khi chứng kiến phép lạ hóa bánh, nhưng họ dừng lại ở ý nghĩa vật chất của bánh ăn, họ muốn bắt người để tôn người lên làm vua, nhưng người lại trốn lên núi một mình.
CHÚA NHẬT XVIITHƯỜNG NIÊN- B
TẤM BÁNH YÊU THƯƠNG– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Thưa anh chị em,
Trong ba năm rao giảng Tin mừng thực thi chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha trao phó, Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền và kèm theo các phép lạ. Một trong những phép lạ mà Tin mừng hôm nay đề cập đến đó là hóa bánh ra nhiều. Qua phép lạ này, làm nổi bậc lên lòng Chúa thương xót con người.
Xưa kia trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa, dân Do Thái van xin Chúa ban lương thực cho họ. Trước những lời cầu khẩn đó, Thiên Chúa chạnh lòng thương, Ngài ban Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra nuôi dưỡng họ suốt 40 năm.
Nay trên hành trình rao giảng Tin mừng, dân chúng tin theo Chúa đông lắm, nhìn thấy họ như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa chạnh lòng thương nên dạy dỗ họ nhiều điều. Và vì thương xót, nên Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no nê.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tiến bộ không ngừng. Thực phẩm chứa đầy trong các siêu thị và kho lẫm. Ấy thế mà, có những tấm lòng con người hẹp hỏi ích kỷ, chỉ lo cho mình hơn là lo cho người khác. Vì thế, thánh Gioan Phaolô II nói rằng: “Đó là nền văn minh của sự chết “.
Theo ngành y tế thế giới cho biết, hiện nay có gần hai tỉ người đang rơi vào cảnh thất nghiệp nghèo đói cùng cực. Mỗi ngày có gần một tỉ người đi ngủ đêm với bụng đói. Và mỗi ngày có hơn cả trăm ngàn người chết đói, chết khát, chưa kể chết vì phá thai, tai nạn, dịch bệnh, thiên tai…
Mặc dầu thế giới văn minh như thế, nhưng luôn có những người bần cùng khốn khổ, trẻ em suy dinh dưỡng, bệnh nhân không có thuốc uống. Bên cạnh đó có những người cư ngụ trong những biệt thự cao cấp, ăn sang, mặc đẹp không làm chi cho hết tiền.
Xã hội văn minh hôm nay đang tạo ra những “cỗ người máy”, sống vô cảm dửng dưng với anh em đồng loại. Một số người làm ăn giàu có, tích trữ của cải, nhưng lại khép lòng trước người nghèo, và không quan tâm gì đến việc từ thiện đồng cảm với nhau.
Những chuyên viên nghiên cứu cho biết rằng: nếu của cải vật chất trên trần gian này được phân phối đồng đều, thì sẽ không có cảnh đói khát và nghèo khổ. Có khi, người ta không chết vì chén cơm manh áo, nhưng người ta đói tình người, đói sự quan tâm chia sẻ cho nhau.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh lây lan, chúng ta phải giãn cách vì phòng chống dịch bệnh. Một số công ty, xí nghiệp, giao thông, hàng quán, chợ búa phải ngưng hoạt động… từ đó làm cho nhiều người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp không có công ăn việc làm, có nhiều người đang gồng mình với cơm áo gạo tiền và những khoảng chi trả khác.
Trong tình trạng đau thương đó, chúng ta thấy có nhiều người quan tâm đến những hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh được thể hiện trong tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là nhưng siêu thị không đồng, quán ăn giả chiến, bữa cơm từ thiện….Có thể nói đây là những điểm sáng bừng lên giữa đêm đen, là bình minh của yêu thương. Từ đó, chúng ta nhận định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử quan tâm, tấm bánh yêu thương.
Điểm thứ hai rút ra từ bài Tin mừng hôm nay, đó là sự cộng tác. Chúa Giêsu, Đấng quyền năng làm được mọi sự, nhưng Ngài cũng cần con người cộng tác. Khi chữa lành bệnh nhân, Chúa đòi lòng tin nơi họ. Nay làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Ngài cần có sự cộng tác của con người.
Cụ thể như hôm nay, nhờ năm chiếc bánh và hai con cá do lòng quảng đại của một cậu bé, mà Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, để bao nhiêu ngàn người được ăn dư thừa.
Phép lạ hóa bánh ra nhiều cả bốn Tin Mừng đều kể lại, như hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể mà sau này Chúa Giêsu sẽ thiết lập trong bữa Tiệc ly. Ngày xưa, Chúa đã ban bánh từ trời xuống cho nhân loại thế nào, thì ngày nay, trên bàn thờ khắp cùng thế giới, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nhờ đôi tay linh mục bẻ tấm bánh là Mình Máu thánh Ngài để nuôi sống linh hồn con người như vậy. Nhờ của ăn thần lương này, mà con người được nuôi dưỡng và tăng thêm sức mạnh thiêng liêng, để đủ sức tiến về đất hứa là quê hương Nước trời.
Ước gì, chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa, cống hiến đời mình thành những tấm bánh yêu thương chia sẻ cho tha nhân, tuy đơn sơ nhỏ bé, nhưng với lòng thương cảm và con tim rộng mở, Chúa sẽ làm phép lạ, để thế giới này bớt đi cảnh đói nghèo vật chất và đói khát tình thương, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đối diện với cơn đại dịch làm chúng ta phải giãn cách nhưng không giãn lòng. Những người con Chúa sẽ thấy đại dịch là cơ hội để trở thành tấm bánh chia sẻ, có sức lan tỏa yêu thương. Amen.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN-B
LÃNH NHẬN VÀ CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI- Lm. Đan Vinh HHTM
*1. TIN MỪNG : Ga 6,24-35
(24) Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. (25) Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ? (26) Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. (27) Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (28) Họ liền hỏi Người : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?” (29) Đức Giêsu trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (30) Họ lại hỏi : “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Ông sẽ làm gì đây ? (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi Trời” (32) Đức Giêsu đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực. (33) Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (34) Họ liền nói : “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy. (35) Đức Giêsu bảo họ : “Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !”
*2. Ý CHÍNH:
Đức Giêsu cảnh báo việc dân chúng đi tìm Người chỉ vì muốn được ăn thứ bánh vật chất mau hư nát. Ngay cả man-na thời kỳ Xuất Hành cũng không phải là bánh bởi trời thực sự và không cứu được người ta khỏi chết. Họ cần phải tìm kiếm thứ Bánh bởi trời đích thực là Con Người là Đấng từ trời mà đến và ban sự sống cho trần gian. Bánh Hằng Sống đó chính là Mình Máu Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập.
*3. CHÚ THÍCH :
– C 24-25: + Ca-phác-na-um : Là một thành phố thuộc xứ Ga-li-lê, nằm gần biển hồ Ti-bê-ri-a. Đức Giêsu chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm hoạt động trong thời gian giảng đạo công khai. Tại đây, Người đã nhiều lần rao giảng trong các hội đường (x. Mc 1,21), làm nhiều phép lạ như : Xua trừ ma quỷ (x. Mc 1,23-28), chữa bệnh cảm sốt cho nhạc mẫu ông Phê-rô và chữa lành nhiều bệnh nhân khác (x. Mc 1,29-31.32-34), chữa lành một phụ nữ bệnh 12 năm và làm cho con gái ông Gia-ia mới chết sống lại (x. Mc 5,21-43), giảng về Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,24-66)… Thành này là một trong các thành Do Thái bị Đức Giêsu quở trách, vì đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà vẫn cứng lòng không tin vào Người (x. Mt 11,23-24). + Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ : Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều trong hoang địa, vì biết dân chúng muốn tôn mình làm vua, nên Đức Giêsu đã lánh lên núi một mình (x. Ga 6,15).
– C 26-27) : + Các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê : Đức Giêsu cảnh báo dân chúng đi tìm Người do động lực vụ lợi : Để được có cơm bánh mà không phải lao công làm việc. + Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh : Đức Giêsu không phủ nhận nhu cầu bánh ăn vật chất, nên Người đã làm phép lạ cho dân chúng ăn no. Nhưng Người còn muốn dạy rằng : Trên cuộc sống thể xác là cuộc sống tinh thần sẽ tồn tại mãi mãi. Chính Người sẽ ban cho họ thứ lương thực đem lại sự sống đời đời là bí tích Thánh Thể mà Ngừơi sắp thiết lập. + Con Người : Là một nhân vật thần thiêng mà ngôn sứ Đa-ni-en trong một thị kiến đã xem thấy đứng bên Thiên Chúa (x. Đn 7,13-14). Khi tự xưng là Con Người từ trời mà đến, Đức Giêsu khẳng định Người mới là sứ giả đích thực của Chúa Cha, được Thánh Thần thánh hiến trở thành Đấng Thiên Sai và giúp chu tòan sứ mệnh ấy (x. Lc 4,18 ; Is 61,1-2). + Là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận : Con dấu ấn là một vật dùng để xác định nguồn gốc thay cho chữ ký. Ngoài việc in trên giấy tờ, bao bì hay các vật khác để làm bằng chứng bảo đảm sự chân thực, người ta còn dùng dấu ấn để niêm phong mồ mả (x. Mt 27,66). Ngoài ra, dấu ấn hay ấn tín cũng được dùng theo nghĩa bóng như lời Thánh Phaolô : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2 Cr 1,22). Câu này cho thấy Chúa Cha đã đóng dấu ấn trên Đức Giêsu làm bảo chứng xác nhận Người thực là Đấng Thiên Sai.
– C 28-29 : + Chúng tôi phải làm gì ? : Đây là câu hỏi của dân chúng bày tỏ thiện chí muốn đáp ứng đòi hỏi của Thiên Chúa, sau khi họ nghe rao giảng Tin Mừng, như đám đông đã hỏi ông Gio-an Tẩy Giả tại sống Gio-đan (x. Lc 3,10.12.14), hay dân chúng hỏi Phê-rô vào lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem (x.Cv 2,37). + Tin vào Đấng Người đã sai đến : Đấng Thiên Chúa sai đến nói đây chính là Đức Giêsu.
– C 30-31 : + Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? : Dù mới chứng kiến phép lạ nhân bánh ra nhiều vào chiều hôm trước, nhưng dân chúng vẫn chưa thỏa mãn. Họ đòi Đức Giêsu làm một phép lạ đặc biệt phát xuất từ trời để minh chứng sứ mệnh Thiên Sai của Người, giống như Mô-sê đã làm phép cho man-na từ trời mưa xuống để nuôi dân Ít-ra-en suốt 40 năm trong sa mạc, nên man-na được gọi là bánh bởi trời. + Man-na : Phát xuất do từ “Man-nu ?”, nghĩa là “Cái gì vậy ?”, vì dân Ít-ra-en không biết đó là cái gì (x. Xh 16,15). Mô-sê bảo dân rằng : “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn !”. Như vậy, Man-na chính là lương thực đi đường mà Đức Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en một cách lạ lùng, trong thời gian họ đi băng qua sa mạc về Miền Đất Hứa (x. Xh 16,11-18). Man-na có hình dạng giống như hạt ngò, màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong (x. Xh 16,31). Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh (x. Ds 11,7-8). Man-na là hình bóng của Lời Chúa, là của ăn được Đức Chúa ban, và dân Ít-ra-en phải ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn sống nhờ mọi Lời do miệng Đức Chúa phán ra” (x. Đnl 8,3 ; Mt 4,4). Khi dân Ít-ra-en vào tới Đất hứa Ca-na-an và bắt đầu được ăn các loại thổ sản tại đó thì Man-na không còn rơi xuống nữa (x. Gs 5,12). Cũng vậy, trong thời gian lưu lạc trên trần gian, các tín hữu cũng được ăn lương thực thiêng liêng là Mình Thánh Chúa để họ đủ sức tiến về Đất Hứa Thiên Đàng, tham dự Bữa Tiệc Cánh Chung trong Nước Trời với Đức Giêsu (x. Lc 22,30), và ngồi đồng bàn với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp (x. Mt 8,11).
– C 32-33 : + Không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi : Đức Giêsu đã giúp dân chúng hiểu rõ : Man-na được ban trong thời kỳ Xuất Hành không phải do Mô-sê ban, nhưng là do chính Đức Chúa đã ban cho dân. Ngoài ra man-na cũng không thực sự là Bánh của Thiên Chúa, mà chỉ là luơng thực vật chất mau hư nát và chỉ nuôi sống thể xác mà thôi (x. Xh 16,19-21), nên dù có ăn man-na, người ta cũng vẫn phải chết (x. Xh 32,33-35). + Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian : Để được gọi là Bánh của Thiên Chúa thì cần phải có hai đặc tính là xuất phát từ trời, và ban sự sống đời đời. Bánh ấy chính là Đức Giêsu. Người vừa là Ngôi Lời vốn ở trên trời, nay được Chúa Cha sai xuống làm Đấng Thiên Sai (x. Ga 1,14), và Người sắp ban Mình Máu Người làm lương thực đem lại sự sống muôn đời cho ai lãnh nhận (x. Ga 6,51).
– C 34-35 : + Chính tôi là Bánh Trường Sinh : Kiểu nói “Tôi là” thường được Đức Giêsu dùng và Gio-an đã ghi lại một số câu như : “Chính tôi là Bánh Trường Sinh” (Ga 6,34) ; Tôi là Ánh Sáng thế gian (x. Ga 8,12 ; 9,5) ; Tôi là Cửa cho chiên ra vào (x. Ga 10,7) ; Tôi là Mục Tử nhân lành (x. Ga 10,11) ; Tôi là Sự Sống Lại và là Sự Sống (x. Ga 11,25); Tôi là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (x. Ga 14,6); Tôi là Cây Nho thật (x. Ga 15,1)… Ở đây, khi khẳng định: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muớn nói về bí tích Thánh Thể mà Người sắp lập. Qua đó Người sẽ nên bánh thiêng nuôi người dương thế và đem lại cho họ hạnh phúc muôn đời. + Ai đến với tôi, không hề phải đói; Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ : Người hứa sẽ ban cho những ai lãnh nhận bí tích Thánh Thể được no thỏa. Người cho những ai đặt trọn niềm tin vào Người thỏa mãn khát vọng sống vĩnh hằng.
*4. CÂU HỎI : 1) Bạn biết gì về thành Ca-phác-na-um ? 2) Khi nói lên động cơ đi tìm Chúa của dân chúng là tìm bánh ăn vật chất, Đức Giêsu muốn họ phải tìm kiếm điều gì khi đến với Người ? 3) Tại sao Đức Giêsu tự xưng mình là Con Người ? 4) Dức Giêsu trả lời cho dân chúng biết họ cần làm gì sau khi nghe giảng Tin Mừng ? 5) Dân Do Thái muốn Đức Giêsu làm gỉ để chứng minh sứ mệnh Thiên Sai của Người ? 6) Thời Môsê danh từ Manna ám chỉ điều gì, được ban cho ai và nhằm mục đích gì ? Trong Tân Ước Manna ám chỉ điều gì ? 7) Bánh bởi Trời thực sự phải có những đặc tính nào ? 8) Khi tự xưng “Tôi Là Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muốn nói về điều gì? 9) Người hứa ban cho những ai chịu phép Thánh Thể được những ơn gì ?
*II. SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh. ai đến với Tôi, không hề phải đói. Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ !”
*2. CÂU CHUYỆN: CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI
Một hôm có một lão hành khất gặp Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta trên đường phố và chìa tay ra xin bà bố thí. Bà lục lọi hết các túi áo mà không tìm ra một đồng tiền nào, bà đánh vỗ vai ông lão, vừa tươi cười vừa nói lời xin lỗi vì không có gì để chia sẻ cho ông. Bấy giờ lão hành khất nói : “Hôm nay bà đã cho tôi một món quà quí giá nhất mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nhận được. Món quà đó là nụ cười cảm thông và lời an ủi đầy tình người của bà. Tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc, vì tôi đã được bà tôn trọng và được đối xử bình đẳng !”.
*3. SUY NIỆM :
*1) Cơm bánh vật chất là nhu cầu cần phải được thỏa mãn :
Ngày nay một phần ba nhân lọai đang lâm cảnh đói nghèo có nhu cầu cần được mọi người trong đó có các tín hữu chúng ta tận tình đáp ứng để vượt qua hòan cảnh khó khăn. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng theo Người bị đói. Và Người đã đáp ứng nhu cầu của họ bằng việc nhân bánh ra nhiều cho họ được ăn no.
*2) Con người còn có những nhu cầu tinh thần cần được đáp ứng :
Tin Mừng hôm nay ghi lại việc đám đông dân chúng háo hức đi tìm Đức Giêsu để được ăn bánh mà không vất vả lao động, giống như Mô-sê xưa đã xin Đức Chúa ban bánh bởi trời là man-na cho dân Do thái thời kỳ xúât hành. Họ đã bị Đức Giêsu cảnh báo “Đừng lo tìm những thứ của ăn hay hư nát, nhưng hãy tìm lương thực đem lại hạnh phúc trường sinh”. Vì Người biết rõ tâm lý con người luôn khát vọng các giá trị tinh thần. Đức Giêsu đã giới thiệu về Bánh Hằng Sống, là bánh từ trời mà đến và ban sự sống đời đời cho trần gian. Banh ấy là chính Đức Giêsu.
*3) Lời Chúa và bí tích Thánh Thể là Bánh Hằng Sống ban ơn cứu độ :
Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu hứa ban Bánh Hằng Sống là Lời Người dạy và là bí tích Thánh Thể do Người sắp thiết lập để ban ơn cứu độ cho người đón nhận.
*4) Làm gì để chia sẻ Bánh tình thương cho tha nhân ?
Các tín hữu chúng ta ngòai việc phải lao động làm ra của cải vật chất để nuôi sống bản thân và chia sẻ cho những kẻ nghèo đói, chúng ta còn có bổn phận năng đi dự thánh lễ để đón nhận Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, và sẵn sàng chia sẻ Chúa là “Con Đường” duy nhất dẫn đưa ta lên trời, là “Sự Thật” được Chúa Cha mặc khải để lòai ngừơi nhận ra tình yêu cứu độ của Chúa, và là “Sự Sống” đem lại sự sống đời đời cho những ai đón nhận.
*4. THẢO LUẬN : Bạn cần làm gì để có được hai thứ Bánh Hằng Sống là Lời Chúa và Thánh Thể Chúa ? 2) Bạn sẽ làm gì để giúp những người đói nghèo bệnh tật hay đang đi tìm Chúa nhận được niểm vui ơn cứu độ của Chúa ?
*5. NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊSU. Những lúc con được no đủ, xin hãy gửi đến cho con một người nghèo đói cần được chia sẻ cơm ăn áo mặc. Khi con đang vùi mình trong chăn ấm nệm êm, xin hãy gửi đến cho con một ngừơi cóng lạnh giữa giá rét đang cần được sưởi ấm. Khi con sống trong an bình, xin hãy dạy con ý thức rằng còn nhiều người đang cần sự trợ giúp quảng đại của con. Khi thập giá đời con giảm nhẹ bớt, xin hãy giúp con sẵn lòng ghé vai vác đỡ gánh nặng cho người anh em. Khi con làm ăn thất bại, xin giúp con khôn ngoan vượt qua để cảm thông với những người đồng cảnh ngộ. Khi con có nhiều thời giờ nhàn rỗi, xin hãy gửi đến cho con một ngừơi khuyết tật để con ân cần phục vụ. Khi con được may mắn thành công, xin hãy gởi đến cho con một người bị thất bại để con động viên khích lệ. Khi con ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân, xin dạy con quên mình nghĩ đến tha nhân và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.- AMEN.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- B
BÀI DẠY BẰNG THỰC HÀNH- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Những ngày đại dịch covid-19 hoành hành Sài gòn, tôi thường xem trang facebook của linh mục Giuse Lê Quốc Thăng và cảm phục về những việc làm bác ái của ngài. Đọc những comment thật cảm động: “Hình ảnh của một vị Linh mục thức dậy từ 4h sáng, sau khi kinh nguyện & lễ lạc xong là vùi đầu vào phân phối thực phẩm cho các bếp ăn từ thiện, các khu cách ly, điều phối xe, tìm nguồn thực phẩm đủ kiểu để có thể đáp ứng nhanh nhất cho tất cả những lời xin trợ giúp. Và thức đến tận 2h sáng để nhận những chuyến hàng đêm từ khắp các tỉnh gởi về ”…
Ngài viết sáng nay, 20.7: “Tiếp nhận, phân phối xe cá 1,6 tấn xong là 9 giờ tối anh em và vội chén cơm, tranh thủ nghỉ ngơi đôi chút gần 1 giờ sáng đón chuyến xe rau hơn 5 tấn của Giáo xứ Phái Xuân và Ban Caritas Giáo Xứ Chính Toà Giáo phận Ban Mê Thuột chia sẻ cùng Sài Gòn Thân yêu.
Qua trung gian cha Chánh xứ, bà con Giáo xứ Phái Xuân và ban Caritas Giáo xứ Chính toà đã cùng chung tay chia sẻ yêu thương với Sài Gòn bằng một chuyển xe rau sạch ngon.
Nào là củ cải trắng tinh thơm nồng tình nghĩa
Nào là bắp cải cuốn chặt vòng tay yêu thương
Nào là cải thảo thơm thảo nghĩa đồng bào.
Nào là bí đỏ thắm tươi tình bác ái trong Đức Kitô
Nào là bí xanh khơi niềm hy vọng vượt qua đại dịch.
Đón nhận quà từ cá tới rau qua trung gian các linh mục anh em sao thật ấm áp. Nhận sự sẻ chia của mọi người trên mọi miền Tổ quốc rưng rưng giọt nước mắt xúc động.
Tất cả là Hồng ân.
Xin chân thành cảm ơn cha Chánh xứ Phái Xuân và bà con Giáo xứ cùng Ban Caritas Giáo xứ Chính Toà Giáo Phận Ban Mê Thuột rất nhiều. Xin Chúa chúc lành quí cha, giáo xứ cùng tất cả mọi người”.
Một mục tử tận tâm, tận lực giúp đỡ lương thực, cho bà con nhiều nơi trong thành phố, một linh mục luôn nâng đỡ tinh thần giáo dân. Một mục tử nặng mùi chiên.
***
Tin mừng Chúa nhật hôm nay kể về phép lạ về bánh và cá hoá ra nhiều. Phép lạ này được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38;Mc 8,1-10).
Phép lạ hoá bánh và cá là cả một bài dạy bằng thực hành về người chăn chiên tốt lành. Chính các môn đệ còn được “tập sự” chia sẻ công việc của chủ chăn. Họ phải đi kiếm bánh, giúp phân phát cho dân chúng và thu lượm những gì còn sót lại.
Trong “Phép lạ hóa bánh ra nhiều”, Chúa không làm một mình và làm từ bàn tay không. Không làm một mình mà như dò ý môn đệ, chẳng phải vì quyền năng giới hạn mà chỉ vì Người muốn có sự cộng tác nào đó cho phép lạ trở nên hiện thực. Không làm từ bàn tay không mà cần có năm cái bánh, Chúa trân trọng sự đóng góp của con người, dẫu sự đóng góp ấy rất nhỏ. Năm cái bánh cho năm ngàn người. Tỉ lệ một phần ngàn có nghĩa lý gì. Muối bỏ bể! Thế nhưng trong mắt nhìn của Thiên Chúa, đó lại là cả một thiện chí hùn hạp làm ăn sinh lời đến chóng mặt.
Phép lạ hoá bánh ra nhiều là do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Chúa Giêsu không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một núi thức ăn để người ta tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ.Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều.
Đức Bênêđitô XVI đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.
Chúa cần sự cộng tác của chúng ta, cho dù sự cộng tác ấy rất nhỏ bé, nhưng với tấm lòng rộng lớn thì Chúa sẽ biến sự nhỏ bé nên lớn lao, biến điều tầm thường nên vĩ đại nhờ vào tình thương của Người. Như Chúa Giêsu đã yêu thương quan tâm chăm lo đến mọi nhu cầu từ vật chất đến tinh thần cho dân chúng thì Kitô hữu, các môn đệ của Người cũng phải biết yêu thương chăm lo cho tha nhân như vậy.
Những người vừa trải qua cơn đói, nay được một bữa no nê. Họ vất bỏ những mẫu bánh dư thừa. Khi dư giả, người ta dễ phung phí. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẫu bánh thừa. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng kết quả lao động của bản thân và của người khác.Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn. Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sự sống, sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ, tài nguyên đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa, không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.
Trong chuyến hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm thành Tabgha, nơi Chúa đã làm phép lạ biến 5 cái bánh và 2 con cá hóa nhiều nuôi hơn 5.000 người ăn no nê. Khi chiêm ngắm bàn thờ và cung thánh trong ngôi Nhà thờ ấy, tôi thấy trên nền Nhà thờ phía trước Bàn thờ có khắc hình một chiếc giỏ đựng 2 con cá và 4 cái bánh. Tại sao lại là 4 chứ không phải là 5 cái bánh như Phúc âm kể? Đây là một sự thiếu sót có chủ ý của nghệ nhân làm nên bức hình đó. Vì cái bánh thứ năm không nằm trong giỏ nhưng nằm trên bàn thờ, đó chính là Mình Thánh Chúa mỗi khi dâng thánh lễ trên bàn thờ này.
Phép lạ hoá bánh là dấu chỉ báo trước Thánh Thể “Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ” (Mt 14, 20). Trong Tiệc Ly “Ngài cấm lấy bánh, chúc tụng” (Mc 14, 22). Cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành nét đặc trưng của Chúa Giêsu (x. Lc 24, 30) và của Giáo hội (x. Cv 2, 42).
Được bánh ăn, dân chúng muốn “bắt lấy Ngài tôn lên làm vua” (Ga 6, 15). Họ tiếp nối Satan cám dỗ Ngài lần nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh “Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ngươi” (Ga 6, 27). Họ xin cho được ăn mãi thứ bánh ấy và Chúa đã bảo họ: “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). Chóp đỉnh của mạc khải về Bánh Hằng Sống, chính là “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Ăn thịt, uống máu nhấn mạnh đến cái chết trên thập giá của Chúa.
“Bánh ta sẽ ban” hướng về cái chết của Chúa Giêsu và gợi đến Tiệc Thánh Thể lưu niệm vĩnh viễn sự chết cứu độ của Chúa trên Thập giá. Giá trị cứu rỗi của của cái chết trên Thập giá được hiện tại hoá luôn mãi trong Tiệc Tạ Ơn của Giáo Hội. Người tín hữu được sống dồi dào khi ăn uống Mình Máu Chúa Giêsu. Chúa vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội, thực hiện công trình cứu độ trong Giáo hội, qua Giáo hội và với Giáo hội.
Bánh và rượu tương trưng đầy đủ chính con người chúng ta. Bánh là kết quả công lao khó nhọc của con người. Người ta thường nói: Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có mà ăn. Bánh như thế tượng trưng công lao khó nhọc của con người và chính sự sống con người.
Bên cạnh đời sống vật chất còn có đời sống tinh thần. Vì thế cùng với bánh, chúng ta dâng rượu. Rượu tượng trưng cho mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người: khi vui, ta uống chén rươụ mừng, nhưng khi buồn, ta uống chén rượu giải khuây. Dâng lên Chúa bánh và rượu, là chúng ta dâng lên tất cả đời sống với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, tất cả dệt nên cuộc sống hiện tại của mình.
Người tín hữu được lớn lên trong đức tin, trong lòng mến nhờ ân sủng của Thánh Thể Chúa Kitô “Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói;ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Thánh Thể như thế là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người; là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, và chính là lương thực thiêng liêng, bảo đảm hạnh phúc trường cửu của chúng ta.
Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu’ (GH 11), là trung tâm điểm của Phụng Vụ vì cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, ‘mầu nhiệm Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta’ (GLCG 1068).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin nhạy cảm để biết nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại, để biết cộng tác với nhau, để biết sống chia sẻ, hầu cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Amen!
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN–B
XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG- Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Chủ nghĩa Makeno (có nghĩa là mặc-kệ-nó, một cách nói khôi hài chỉ thái độ vô cảm, thờ ơ trước những đau thương khốn khổ của người khác, không quan tâm đến lợi ích chung) là một thói xấu tai hại đang lan rộng trên quê hương đất nước chúng ta.
Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng với tham lam, người sản xuất thực phẩm độc hại chỉ cần biết thu lãi thật nhiều cho mình mà không thiết gì đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Vì tiêm nhiễm thói vô cảm cùng tham lam, nhiều người sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc độc hại để hốt tiền, bất chấp sinh mạng và sự thiệt hại lớn lao của người khác.
Thấy xe chở bia gặp nạn thì nhiều người ào ào xông tới hôi của, thấy người đi đường lâm nạn thì nhào tới móc tiền, bất chấp nỗi mất mát đau thương của người khác.
Nhiều hình thức gian manh lừa đảo không chỉ xảy ra ở chốn giang hồ, chợ búa mà ngay cả trong những bệnh viện danh tiếng (như vụ nhân bản kết quả xét nghiệm, đánh tráo thuỷ tinh thể ở bệnh viện mắt…)
Gặp nạn nhân nghèo không có tiền ứng trước thì ngay cả một số “lương y như từ mẫu” cũng làm lơ, để nạn nhân chết thảm…
Tất cả cũng chỉ vì vô cảm cùng với hám lợi mà ra.
Thói vô cảm cực kỳ tai hại vì nó hủy diệt tình nghĩa đồng bào, phá vỡ nền móng đạo đức, làm đất nước suy yếu, gây thiệt thòi, mất mát đau thương cho nhiều người… Thói xấu tai hại nầy hoàn toàn trái ngược với chủ trương sống yêu thương phục vụ của Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng
Mang lại phúc lợi cho cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Ngài đã hạ mình xuống thế để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.
Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người: “Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 22).
Qua Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc người khác. Ngài không dừng lại ở việc rao giảng Tin Mừng mà còn chăm lo cho cả cái bao tử trống không của họ nữa.
Chúa Giê-su mời gọi chúng ta quan tâm giúp ích cho người khác
Xây dựng phúc lợi cộng đồng là sự nghiệp chung của mọi người, thế nên Chúa Giê-su không thực hiện một mình mà còn kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài ngày hôm ấy.
Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”
Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “
Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.
Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.
Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”
Thế là phép lạ xảy ra: bánh và cá liên tiếp được trao tay từ người nầy qua người khác, mọi người được ăn no nê, “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”
Xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển là điều kiện tiên quyết để mỗi người được hạnh phúc
Số phận của mỗi tế bào trong cơ thể tùy thuộc vào số phận của toàn thân. Khi thân thể lâm trọng bệnh thì các tế bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề và khi thân thể chết đi thì các tế bào không thể nào tồn tại. Trái lại, khi toàn thân khỏe mạnh an lành, thì mỗi một tế bào trong cơ thể cũng được hưởng nhờ. Vì thế, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển, hòa bình là điều kiện cần thiết để từng cá nhân trong xã hội được an bình hạnh phúc.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.
Xin dạy chúng con xa lánh chủ nghĩa “Makeno” đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa, học với Chúa để trở nên người hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- B
CƠM BÁNH HÀNG NGÀY- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ
Cơm bánh ai cũng cần mỗi ngày để sống. Lời Chúa cho thấy tiên tri Elisha cho dân bánh ăn, nhưng lần tới cội nguồn thì chính Thiên Chúa mới là Đấng cho dân bánh ăn. Thiên Chúa nuôi nấng và dưỡng dục dân Người. Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người hãy giúp người khác sống.
*1. Tiên tri cho dân ăn theo lệnh của Đức Chúa
Để có một chén cơm miếng bánh, con người đã phải tốn bao công lao. Từ mảnh đất khô cằn, con người đã phải cày xới, gieo hạt, vun trồng; một khi hạt lúa chín, con người tốn công lao sức lực để thu lượm, làm ra hạt, phơi nắng để có hạt lúa đạt yêu cầu. Để đến được với người dùng, bao người đã phải làm công tác chuyên chở; và rồi nhờ người nghiền bột hay nấu cơm, với bao tâm sức và tình yêu, mới có miếng cơm tấm bánh cho con người ăn và bồi bổ sức lực. Với bao công sức và tình yêu của tha nhân, tôi mới có cơm bánh để sống mỗi ngày.
Tiên tri Elisha cho dân ăn bánh theo lệnh của Đức Chúa, tuy chỉ có hai mươi ổ bánh nhưng cả trăm người ăn mà còn dư. Đây là dấu lạ tiên tri Elisha đã làm. Lịch sử dân Do Thái cho thấy, ngay thời dân ra khỏi Aicập, khi họ lang thang trong hoang địa không nước uống không bánh ăn, Thiên Chúa cũng đã ban Manna để nuôi sống dân. Đức Giêsu trong một lần đối đáp với người Do Thái, đã nói: không phải Môsê ban bánh bởi trời nhưng chính Cha Ta ở trên trời đã ban bánh nuôi cha ông các ngươi (Ga.6, 32).
“Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề khó nhọc cũng là uổng công; thành kia mà Chúa không gìn giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv.127, 1). Chính Thiên Chúa là Đấng làm cho cây hạt nẩy mầm, đơm bông kết trái. Con cái được cha mẹ thương yêu, được nuôi nấng giáo dục; nhưng truy tới ngọn nguồn, chính Thiên Chúa là cha là mẹ, chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương và nuôi dưỡng con người qua cha mẹ mỗi người.
*2. Đức Giêsu là bánh nuôi sống con người
Đức Giêsu cũng hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều vì Ngài thương cảm dân chúng đói khát. Khi dân chúng nhận ra Ngài là một tiên tri và muốn tôn Ngài làm vua, Ngài đã trốn lên núi một mình cầu nguyện. Chính vì thương dân chúng, nên Ngài đã cho dân ăn. Đức Giêsu chỉ hóa bánh ra nhiều cho một số rất ít người ăn; và đây là dấu chỉ cho điều gì tuyệt vời hơn Ngài sẽ làm sau này.
Đức Giêsu không chỉ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, nhưng Ngài đã ban chính thân mình Ngài làm của ăn của uống nuôi sống con người. Đức Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra cho con người, để con người được sống. Bàn tiệc Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô quy tụ Kitô hữu, nuôi sống đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu, và cùng trong bàn tiệc Thánh Thể dân Chúa được Lời Chúa dạy dỗ mỗi ngày.
Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa thành người. Chính vì yêu con người mà Lời Thiên Chúa đã thành người. Ngài thành người để nên mẫu gương sống cho mọi con người. Ngài vẫn luôn kết hiệp với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, Ngài cũng phải đói phải khát, Ngài cũng sống những nặng nề của thân xác con người. Ngài là một người trọn vẹn như bao người trên trần gian này, như mỗi người chúng ta. Ai cảm thấy gì, Ngài cũng cảm thấy như vậy. Ngài chỉ khác hầu hết người ta trong việc sử dụng tự do: không bao giờ Ngài phạm tội. Không bao giờ Ngài làm điều gì mà Ngài thấy không được phép làm. Hơn nữa, Ngài sẵn sàng hủy bỏ chính mình, để ích lợi cho con người, những người mà Ngài chấp nhận như anh em mình.
*3. Mỗi người được mời gọi để trở nên tấm bánh giúp tha nhân sống
Một người đói khi được cho ăn “nhưng không” sẽ dễ dàng cảm nhận tình yêu được trao ban qua miếng cơm tấm bánh hơn một người sung túc đầy đủ cơm bánh hằng ngày. Một người nghèo đói mà có cơm bánh, sẽ dễ dàng rung động và hạnh phúc trước tình yêu của Thiên Chúa và ân nhân hơn là những người giầu có sung túc. Dưới khía cạnh này, nghèo là một mối phúc vì nó giúp con người cảm nhận tình yêu và hạnh phúc.
Mỗi người được mời gọi để trở thành tấm bánh cho người khác, để giúp người khác sống và sống triển nở hạnh phúc. Để có thể trở thành tấm bánh giúp nuôi sống người khác, mỗi người cũng phải hy sinh công sức thời gian như một người làm nông vất vả, như một người nội trợ làm bánh, như một người dọn bàn, như một người phục vụ, để trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân.
Mỗi Kitô hữu được gọi để trở nên một Giêsu khác, nên giống thầy Giêsu chí thánh, sống vì mọi người và cho mọi người. Một người làm cha làm mẹ được mời gọi trở nên tấm bánh cho con cái mình; những mục tử được mời gọi trở nên tấm bánh cho đoàn chiên, để đoàn chiên có thể được sống, sống triển nở và hạnh phúc. Mỗi người là con cái Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha mình, và Thiên Chúa mời gọi mỗi người trong cách sống cách cư xử hãy trở nên giống Thiên Chúa, trở nên giống Đức Giêsu. Khi mỗi người nên giống Đức Giêsu, cuộc sống của họ và của những người sống với họ sẽ bình an và hạnh phúc hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
*1. Một người nói: “Qua miếng cơm tấm bánh con người có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện và yêu thương”. Theo bạn, người nói câu này có là người thực tế không? Tại sao?
*2. Lời mời gọi trở nên tấm bánh cho tha nhân, là gánh nặng hay vinh dự cho bạn? Tại sao?
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- B
CHÚA GIÊSU CẦM LÁNH BÁNH, TẠ ƠN VÀ PHÂN PHÁT CHO HỌ ĂN NO- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Từ ngày 18 tháng 06 đến ngày 18 tháng 07 năm 1994, màn hình ti vi thế giới chiếu hai cảnh trái ngược nhau. Một cảnh hàng triệu người Rwanda tị nạn, đói khổ, đang chạy trốn cuộc tàn sát chủng tộc đẫm máu. Một cảnh hơn ba triệu rưỡi người kéo nhau đi xem 52 trận đấu bóng đá cúp thế giới tại nước Mỹ, họ tiêu xài cả chục tỷ dollars. Hai phần ba nhân loại đói khổ vì tầng lớp cường quyền tham vọng gây ra cảnh chiến tranh, đàn áp, bóc lột. Một phần ba giàu có, không biết chia sẻ cho người nghèo, mà chỉ lo ăn chơi phung phí. Họ lấy đâu ra tiền của đó? Không phải lấy ở loài người vì người ta sinh ra trần trụi như ông Gióp nói: “Tôi sinh ra trần truồng”. Không phải moi của trời đất, vì trời đất vô tri vô giác, biết gì mà cho. Phải nói như Kinh Thư của tổ tiên các dân tộc phương Đông rằng: “Thiên sinh chư dân hữu vật, hữu tắc” – Trời sinh muôn dân, cho có muôn vật, phép tắc. Người Việt Nam cũng nói: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Như vậy, tất cả của cải trong trời đất đều do Thiên Chúa ban. Thế mà họ dư tiền của, họ không biết chia sẻ cho đồng loại nghèo đói. Họ sẽ bị Thiên Chúa đòi đến mà bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi … thì ngươi, ngươi cũng phải thương xót đồng loại như chính Ta đã thương xót ngươi chứ?” (Mt. 18, 32-33). Họ chẳng khác gì như những tá điền sát nhân, giết người cướp vườn nho của chủ (Mt. 21, 33-41). Họ sống trái ngược với Đức Giêsu. Đức Giêsu thấy đám dân chúng đói khát, Người liền hỏi môn đệ Philip: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?” Philip đã cố gắng đáp với giọng bất lực: “Dạ, dù có mua đến hai trăm đồng bánh cũng không đủ cho mỗi người một chút”.
Thời đó hai trăm đồng có thể mua được 4.000 chiếc bánh như ngày nay. Nhưng Thầy và môn đệ lấy đâu ra số tiền lớn đó. Dù có tiền, thì ở nơi đồi núi hoang vu, lấy đâu ra bánh cho họ ăn, vì chỉ kể số đàn ông đã tới năm ngàn.
Anrê còn bồi thêm một câu tuyệt vọng nữa: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh và hai con cá”. Cho thấy đám dân chúng quá nghèo. Họ theo Chúa chỉ có hai bàn tay trắng. Họ lấy đâu ra ăn. Tin mừng nói: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ ăn”. Người đã dâng lời tạ ơn Chúa Cha. Người biết Chúa Cha giàu lòng thương yêu dân chúng. Người đã cầu xin Chúa Cha nhìn đến nỗi khổ của dân chúng. Nhờ đó, họ muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Họ được ăn no nê thỏa thích, nên ào ào chạy đến tôn vinh Chúa Giêsu làm vua.
Chúa Giêsu lánh mặt, đi lên núi một mình, vì đó là thói tôn vinh thế gian. Trước kia, Người đã thẳng tay đuổi tướng quỷ đem bả vinh hoa cai trị cả thiên hạ ra cám dỗ Người.
Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho họ ăn, không phải để được tôn vinh, mà để cho họ thấy tình thương của Thiên Chúa hằng nuôi sống loài người từ khi tạo thành vũ trụ vạn vật, như Thánh vịnh 144, 16: “Chúa thương mở tay ra và thi ân cho mọi sinh vật được no nê”. Suốt chiều dài lịch sử loài người hoàn toàn sống nhờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa không dựng nên vũ trụ vạn vật, như một kho tàng vô tận, con người phải tự lực cánh sinh thì có lẽ chỉ năm mười phút, cả loài người đều bị tiêu diệt. Thật vậy, những thứ con người cần thiết nhất, cần nhiều nhất, như không khí, nước uống, ánh sáng, nhiệt lượng, môi sinh v.v… thì con người hoàn toàn hưởng không, không phải làm gì. Thiên Chúa chỉ muốn con người cộng tác một chút xíu, như cày cấy, chăm bón, gặt hái, biến chế cho có lương thực ăn uống và đồ dùng tạm bợ. Sự cộng tác đó quá bé nhỏ, như em bé chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá dâng lên Chúa Giêsu để Người làm phép lạ cho hơn chục ngàn người ăn, nếu kể cả nữ giới và thiếu nhi.
Nhưng một chút đóng góp đó thôi cũng đủ cho Thiên Chúa hài lòng để Ngài ban cho những phép lạ vô cùng lớn lao hơn nữa như phép lạ, phép Thánh Thể. Không phải vô tình mà thánh Gioan viết: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua”. Nói đến lễ Vượt qua là nói đến cuộc giải phóng dân Do thái thoát ách nô lệ Ai cập, nói đến cuộc phục sinh cả một dân tộc chết trong nơi lưu đầy, chết trong thờ tà thần. Thánh Gioan nói đến lễ Vượt qua, chính là để cho mọi Kitô hữu nhớ đến Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để sống lại, và tín hữu muốn vượt qua cái chết để sống lại vinh hiển với Đức Giêsu thì phải ăn bánh hằng sống, “chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga. 6, 51).
Lạy Chúa, Chúa không ngừng kêu gọi con như hiền triết Diogène đã khuyên: “Đừng bao giờ sung sướng được làm con heo vỗ béo”. Đừng bao giờ quên rằng Đức Giêsu đã cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho họ ăn no nê. Xin cho con biết dâng lên Chúa hằng ngày một chút bánh như em bé có năm chiếc bánh và hai con cá để Chúa làm phép lạ nuôi sống muôn người.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- B
BÁNH HÓA NHIỀU- Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Tin mừng Ga 6: 1-15: Trên vạn nẻo đường Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ những con người ấy. Chỉ cần một chút quảng đại, và một chút đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện một phép lạ.
Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, xin Thầy giải tán đám đông để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn, đây là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngòai tầm tay của các môn đệ, đây cũng là điều hợp lý. Tất cả đều hợp lý, nhưng lại không được Chúa chấp nhận.
Chúa muốn các môn đệ phải nhận lấy trách nhiệm. Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Nhưng ở đây chúng con vỏn vẹn chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Vậy thì đem lại đây cho Thầy. Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải đóng góp phần của mình. Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải bắt đầu…và một phép lạ đã xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác nhận rằng: nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá của em bé, Chúa Giêsu vẫn có thể làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn no nê. Nhưng ở đây Chúa muốn cho mọi người thấy: việc hóa bánh ra nhiều không phát xuất từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một em bé. Em có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay cho những người thân quen. Làm như thế thì chỉ một mình em hay một vài người được ăn, nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn. Như vậy, năm chiếc bánh và hai con cá của em bé là biểu trưng cho một sự cộng tác cần thiết để Chúa Giêsu làm một phép lạ.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trên vạn nẻo đường Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ những con người ấy. Chỉ cần một chút quảng đại, và một chút đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện một phép lạ.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng sự đóng góp có thể là thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho tha nhân, cho những người cần đến chúng ta.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là bớt đi một chút nóng giận, một chút ghen tương , một chút hận thù.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút khiêm nhường, bớt đi những kiêu căng, tự mãn, những phách lối trong cuộc sống gia đình và xã hội.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút kiên nhẫn, biết chờ đợi giờ của Chúa.
Một điều chắc chắn là ai trong chúng ta cũng mong muốn những phép lạ, bởi vì phép lạ luôn làm chúng ta ngạc nhiên, phép lạ luôn làm chúng ta phấn khởi, phép lạ luôn mang lại cho chúng ta những niềm vui.
Vậy tại sao chúng ta không chuẩn bị để mỗi ngày phép lạ đến với gia đình chúng ta?
Chắc chắn những phép lạ liên tục sẽ xảy ra trong gia đình chúng ta, trong xứ đạo chúng ta và trên quê hương chúng ta. Nếu trong gia đình, người cha biết đóng góp của mình. Nếu trong gia đình, người mẹ biết đóng góp phần của mình. Nếu trong gia đình, người con biết đóng góp phần của mình. Đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ với năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã cho năm ngàn người ăn no.
Có câu chuyện kể rằng:
Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối. Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người. Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc trở về đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông.
Vị sứ thần đã nói với ông như sau:”Ngươi đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi hãy ở lại đây và xin Chúa cho ngươi thêm lòng khiêm nhường…”
Được lời của sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững vàng rằng mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông, để rồi qua ông Thiên Chúa thực hiện những phép lạ cho những người khác. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam