Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1374324

BÊN MỘT LAGIARÔ

Bên một Lazarô – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Trong dịp hành hương Đất Thánh, tôi có đến thăm ngôi mộ Ladarô. Từ Vườn Cây Dầu, nếu đi băng đồi theo đường thẳng chỉ chừng 4 km, nhưng hiện nay nằm trong phần đất thuộc Palestine với bức tường bêtông ngăn lối cũ, nên phải đi vòng bằng xe bus khoảng 20 km mất chừng 30 phút. Bêtania tên hiện nay là El - Eizarya. Thăm căn nhà Bêtania. Viếng nhà thờ dâng kính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matta trước khi Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại. Nhà thờ bằng đá không lớn lắm. Phía ngoài nhà thờ, ngay bên đường lộ, một hầm sâu với bậc thang đi xuống, là mộ Ladarô. Mộ đục sâu vào đá, mấy chục bước tam cấp đi xuống, ánh sáng mờ ảo hắt lên những phiến đá lạnh lẽo nhập nhoà lung linh nơi Ladarô đã an nghĩ bốn ngày.

 

Đứng trước mộ Ladarô, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 11,1-45.

 

Ladarô đau nặng, Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúa bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa”.

 

Cho dù Ladarô đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin”. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.

 

Ladarô đã chết nhưng Matta tin chắc chắn Chúa có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu mạc khải: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Với lời xác quyết vừa trang trọng vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: “Con có tin điều đó không?”. Matta tuyên xưng: “Thưa Thầy có, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”.

 

Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa. Một số khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và quyết định kết án tử hình cho Chúa.

 

“Thầy là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

 

Là Kitô hữu, chúng ta tin có tội lỗi, tin vào thánh giá, tin có sự đau khổ và sự chết, tin vào ơn tha thứ, tin vào niềm vui, vào sự giải thoát, tin vào sự sống và sự sống lại.

 

Chính vì thế mà tất cả những lời chứa đựng trong Kinh Thánh Tân ước được gọi là Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô chính là nội dung Tin Mừng. Thánh Phaolô thường gọi những lời thuyết giáo của Chúa là “Tin mừng Chúa Kitô” (x.1Tx 3,2; 1Cr 2,12; 4,4; 8,13; 10,14; Pl 1,27; Rm 15,19). Trong Tin Mừng bao giờ cũng nêu lên hai điểm chính yếu: Chúa Kitô đã chết và Ngài đã sống lại (x.1Tx 4,14; 2 Cr 13,4; Rm 4,24-25; 8,34; 14,9).

 

Sống và chết là qui luật tuần hoàn và phát triển của muôn loài muôn vật. Vạn vật tuy biến hóa, thay đổi hình dạng, nhưng nguyên khí vẫn là một. Trong sự biến hóa, thì chết là để phát sinh sự sống mới, vì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Như vậy: chết là điều kiện nhất thiết để triển nở và thành toàn; chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ sung mãn hơn. Dựa theo qui luật tuần hoàn và phát triển đó, chúng ta cảm nhận cách sâu xa khi Chúa Giêsu nói về sự sống con người: “Ai yêu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12, 25).

 

Chết và sống lại đó là hai sự kiện căn bản không thể tách rời. Không thể có sống lại nếu không chết. Trái lại, nếu Chúa Kitô chết không sống lại thì nói như Thánh Phaolô “đức tin của chúng ta chỉ là trống rỗng” (1Cr 15,14), nghĩa là vô giá trị, giả dối. Chết và sống lại là hai sự kiện “bất khả phân”. Hai sự kiện của một mầu nhiệm Chúa Kitô.

 

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh cách tổng hợp, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là con người yêu thương. Ngài là Thiên Chúa, vì có quyền năng làm cho kẻ chết sống lại. Là con người nhân ái đến thăm gia đình quý mến có người yêu thương đã chết, trái tim Chúa rung động trước những muộn phiền niềm đau chia ly trước sự chết. Chúa “thổn thức trong lòng và xao xuyến”. Chúa đã khóc khi đứng trước mộ Ladarô. Chắc hẳn Chúa đã tỏ ra xúc động rất nhiều đến nỗi những người có mặt ở đó đã phải thốt lên: “Kìa xem! ông ta thương anh Ladarô biết mấy!”.

 

Chúa đã cho Ladarô sống lại, hứa hẹn niềm hy vọng cho nhân loại: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Niềm hy vọng vào sự sống lại của những người đã chết được Thiên Chúa mạc khải dần dần, dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa.Người “không phải Thiên Chúa của những người chết, nhưng của những người sống” (Mc 12,27).

 

Ladarô đi vào đường hầm của sự chết. Chúa đã gọi Ladarô quay trở lại: “Ladarô, hãy ra đây!... Người chết đi ra, chân tay còn quấn những mãnh vải…”. Ladarô xuất hiện với cùng một thân xác như khi đi vào mồ.

 

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (x.1V 17,17-24), ngôn sứ Êlisa cũng làm cho đứa con trai của bà Sunêm sống lại (x.2V 4,32-37). Trong Tân Ước, Phêrô đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (x.Cv 9,39-42). Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại ít nhất ba lần: cho con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô. Cũng như những người được hồng ân sống lại từ cõi chết, Ladarô sau này sẽ lại chết, người thân phải mai táng anh lần nữa.

 

Chúa Giêsu đối đầu với sự chết ngay trong lãnh địa của nó. Ngài vào và ra khỏi đó như một người chủ vì Ngài nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ (Kh 1,18). Ngài đã chịu chết nên Thiên Chúa đã ban triều thiên vinh quang cho Ngài (Dt 2,9); Ngài trở nên “trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,18). “Nhờ sự chết của mình, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,10) “để chúng ta được lãnh gia nghiệp đã hứa cho” (Dt 9,15). Đối với người Kitô hữu, chính cái chết thân xác mang một ý nghĩa mới. Chết không còn là một định luật con người đành phải tuân theo, đành phải chấp nhận hay một hình phạt do tội lỗi gây ra. Người Kitô hữu “chết cho Chúa”, như đã sống cho Chúa (Rm 14,7; Pl 1,20). Nếu họ hy sinh đổ máu để làm chứng cho Chúa, cái chết của họ là một hy lễ tiến dâng lên Thiên Chúa (1Tim 4,6) và đáng được triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11).

 

Từ chỗ là do định luật thiên nhiên đáng lo sợ, cái chết trở thành cõi phúc “Phúc thay những người chết trong Chúa” (Kh 14,13), để được sống đời sống mới và ở đó “không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Đối với những ai sống lại với Chúa Kitô sẽ không có “cái chết lần thứ hai” (Kh 20,6). Như thế đối với người Kitô hữu, chết là một phúc lợi vì được chính Chúa Kitô là sự sống (Pl 1,21).

 

Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống của con người. Chúa Giêsu hứa ban sự sống lại vào ngày sau hết cho những ai tin vào Ngài. Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào sự sống lại của con người với niềm tin vào chính sự sống lại của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25; 1Cor 15,16-19). Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

 

Chúa Giêsu không chỉ yêu thương chúng ta bằng tình yêu thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, quảng đại và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

 

Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được gột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời, nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi (Rm 8,15).

 

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống”siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

 

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, là mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 26; 1Ga,14). “Không bao giờ chết” là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con.

 

Xin cho chúng con được sống lại trong niềm tin vào Chúa để chúng con được sống dồi dào trong tình thương của Chúa. Amen.

 

++++++++++

 

20. Mở cánh cửa lòng

 

Anh chị em thân mến.

 

Có lần tôi đến nhà một người quen, sau những câu chào hỏi xã giao, tôi được mời vào nhà. Chủ nhà hết sức lịch sự, mời khách ngồi rồi lo tìm xem có gì để đãi khách. Chủ nhà mở cánh cửa tủ lạnh ra, tôi nhìn thấy có rất nhiều thứ trong đó: thức uống, thức ăn, những thứ dùng ngay được, cũng có những thứ chỉ để dự trữ dùng cho việc nấu nướng. Chủ nhà mang cho tôi trái cây và nước. Tôi vui mừng cám ơn và dùng với gia chủ. Tôi chợt có chút suy nghĩ: nếu cánh cửa tủ lạnh không mở ra, thì tất cả những thứ hết sức cần thiết trong đó, kể cả những thứ mà tôi dùng với chủ nhà, cũng trở nên vô ích. Nhưng vì cánh cửa được mở, và những gì trong đó được đem ra xử dụng đúng với chức năng của nó, nên tạo được sự khoan khoái cho nhiều người.

 

Ngôi mộ đã chôn vùi Lazarô trong đó, tảng đá lấp cửa đã được đóng kín. Con người của Lazarô trở nên vô ích, vì ông đã bị đóng kín. Nhưng Chúa Giêsu không để cho người bạn thân của Ngài phải chịu cảnh như thế, Ngài không để cho bạn thân của mình trở nên vô ích. Ngài làm một việc mà với khả năng con người không thể hiểu nỗi: một người đã bị chôn vùi bốn ngày mà giờ đây Ngài lại bảo mở cửa cho bước ra. Việc làm của Ngài đem lại sự ngạc nhiên cho những người thời bấy giờ. Họ muốn chôn vùi đi những gì là vô ích, những gì họ cho là hôi thối. Còn Chúa Giêsu thì bảo hãy lăn tảng đá ra, Ngài kêu con người từ cõi chết sống lại, Ngài còn bảo hãy cởi những dây băng trói buộc ra. Một sự ngạc nhiên thật sự cho mọi người, Lazarô không còn bị đóng kín trong mồ, anh ta đã sống lại. Anh ta không còn nằm yên bất động, vì anh ta nghe lời mời gọi và bước ra khỏi mồ. Anh ta giờ đây đã hoạt động bình thường vì anh ta đã được tháo cởi tất cả những gì đã trói buộc anh, giờ đây anh là một người hữu dụng như bao nhiêu người khác.

 

Lazarô sống lại vì cửa mồ được mở ra, anh ta đi lại và hoạt động được vì những gì trói buộc anh đã dược tháo cởi. Nếu mọi người không giúp đở cho anh, không thực hiện lời Chúa Giêsu chỉ bảo, nếu mọi người chỉ biết ngồi nhìn một Lazarô đã hết phương cứu chữa, thì làm sao có một phép lạ, làm sao có được một sự sống hồi sinh.

 

Chúa Giêsu cũng lập lại lời ngày xưa, với những người hôm nay: " Hãy lăn tảng đá ra, hãy cỏi trói cho anh ta ".

 

Chúa Giêsu nói với từng người trong chúng ta như thế. Nhưng chúng ta chưa chứng kiến được phép lạ, chúng ta cũng không nhìn thấy được sự sống mới nào, vì chúng ta không lắng nghe lời Chúa, nên ngồi yên bất động. Chúng ta ngồi yên bất động trong định kiến của mình, bất động vì bị sự lười biếng trói buộc, bất động vì sự tự hào của sự hiểu biết và những phán đoán khắc khe. Hay chúng ta tự bào chữa cho mình rằng: mình đang giữ đạo tốt, đọc kinh dự lễ hằng ngày, thỉnh thoảng cũng bố thí giúp người nghèo. Với bấy nhiêu việc làm đó, chúng ta cho là mình đã nghe lời Chúa rồi sao? Còn cái nhìn của mình về người khác thì sao? Chúng ta cho họ một phán đoán thật nghiêm khắc: họ hết phương cứu chữa, họ đã hôi thối rồi. Những lúc đó nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa: " Hãy lăn tảng đá ra " , lăn tảng đá đậy kín tâm hồn của mình ra, để tâm hồn được mở rộng, thì phép lạ trong cuộc sống sẽ được thưc hiện ngay. Mở rộng cánh cửa tâm hồn cũng như mở cánh cửa tủ lạnh ra thì những gì cần thiết phục vụ cho con người mới đem ra được. Còn nếu cánh cửa cứ đóng kín thì mọi vật trở nên vô ích.

 

Nếu chúng ta biết đứng lên và bước đi đến với những người chung quanh để giúp đở họ khi họ cần đến, đó là chúng ta tự cởi những dây băng trói buộc mình. Tự cởi bỏ đi những hiềm khích nhỏ nhen, ích kỷ để biết cho đi những nụ cười thông cảm, những lời nói yêu thương, những sự giúp đỡ chân thành. Khi đó cũng là lúc chúng ta lăn được tảng đá đậy kín tâm hồn của mình ra, mà đem những gì tốt đẹp tiếp đãi mọi người. Nếu làm được như thế, phép lạ được thực hiện ngay, chúng ta nhìn thấy được một sự sống mới hình thành nơi bản thân mình và nơi người khác. Chúng ta vui mừng vì thấy người khác được hạnh phúc, được an ủi, được hy vọng nhờ sự cởi mở của mình. Khi đó chính chúng ta đã được sống lại nhờ biết nghe theo lời kêu mời của Chúa.

 

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe lời Chúa, biết mở rộng tâm hồn, để đón nhận sự sống mới, sự sống vĩnh cửu từ nơi Chúa.

 

++++++++++

 

21. Một niềm tin

 

Sống ở trần gian, con người vẫn cứ mơ tưởng tới một thần dược, một loại thuốc thần thiêng nào đó có thể kéo dài cuộc sống hay đúng hơn giúp con người trường sinh bất tử. Thực ra, ở đời chẳng có loại thuốc nào là thuốc bất tử cả.Chỉ có những con người ham sống sợ chết mới đi tìm loại thuốc bất tử mà thôi. Quả thực, nếu có loại thần dược đem lại sự sống vĩnh cửu thì những người giầu có lắm tiền sẽ có cơ hội sống lâu, sống thọ, nhưng đó chỉ là ước mơ, mơ ước trong huyền thoại, trong những chuyện giả tưởng hoang đường. Tuy nhiên, với đức tin Kitô giáo, chúng ta vẫn tin chắc có một loại thuốc bất tử, nhưng nó thuộc ở đời sau mà con người ngay còn ở trong thế giới này phải hết sức tìm cho bằng được...

 

Tôi vẫn còn nhớ khi còn là sinh viên triết học, tôi đã có nhiều dịp đi thăm trường mù, trường câm điếc. Tôi vẫn có cảm giác thật xót thương những con người xấu số: không nhìn thấy, không nghe được. Có những lần tới với những anh chị em mù, câm điếc, tôi buồn và xót xa vô hạn, nhưng đó chỉ là cảm giác mau qua của những con người được hạnh phúc thấy, nghe và nói được. Điều đọng lại ở nơi tôi sau nhiều lần thăm viếng, làm việc bác ái và cho đến bây giờ, đó là tâm tình ngưỡng mộ và lòng cảm phục những con người mà tôi cho là xấu đó. Ngưỡng mộ và cảm phục lòng tin của họ đặt nơi Chúa, Người mà họ đã đi theo khi họ được lãnh nhận Bí tích rửa tội.Nhiều lần đi thăm họ và đêm về nằm suy nghĩ, tôi nghiệm ra rằng những con người này có một niềm tin thật đáng trân trọng, họ cam số phận và tin tưởng vào Chúa. Họ cho rằng đời này mau qua và họ sẽ được sáng mắt, được nghe và được nói khi họ trở về với Chúa qua cái chết...Đó là niềm tin kiên vững, một đức tin không ai có thể lay chuyển đúng như Lời của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay: " Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết " ( Ga 11, 25-26 ). Những anh chị em mù, câm và điếc, tôi đã gặp trong cuộc đời là bằng chứng diễn tả niềm tin Kitô giáo, niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính niềm tin này bảo đảm cho họ được sống đời đời. Cái loại thuốc trường sinh mà nghiều người vẫn mong ước đi tìm dù khó khăn biết mấy, dù đắt tiền đến đâu vẫn có người nong nả tìm kiếm để được sống thêm, sống dài, sống lâu ở thế giới này. Nhưng tất cả đều vô ích, y khoa kiếm được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện...Cả đời, thế hệ này qua thế khác vẫn chỉ là một cuộc tìm kiếm vô vọng...Lagiarô được Chúa Giêsu làm phép lạ cho hồi sinh dù anh ta chết, chôn đã bốn ngày trong mồ. Sở dĩ Chúa cho Lagiarô sống lại không phải vì Ngài thân thiết với Lagiarô và gia đình của anh ta, nhưng chính vì niềm tin của Maria và Mácta vào Chúa Giêsu là sự sống và sự sống lại ( Ga 11, 25 ).

 

Chúa Giêsu cho con người và cho mọi người hiểu rằng phép lạ cho Lagiarô sống lại chỉ là để chuẩn bị cho một phép lạ vô cùng lớn lao, vô cùng trọng đại: chính Ngài sẽ chết và sẽ sống lại khải hoàn vào sáng ngày thứ nhất trong tuần. Niềm tin cho chúng ta hay Chúa Giêsu chết để đưa chúng ta vào cõi sống và đưa chúng ta từ thế giới tạm bợ này tới quê hương vĩnh cửu trên trời.

 

Niềm tin Kitô giáo làm nổi bật Bí tích rửa tội bởi vì có qua phép rửa, có Chúa Thánh Thần, chúng ta mới ra khỏi sự tối tăm của tội lỗi. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Roma: " Nếu Đức Kitô ở trong anh em thì tuy thân xác vẫn là đồ hay chết vì tội, nhưng Thần Khí là sự sống vì đức công chính. Nếu Thần Khí của Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cư ngự trong anh em, thì Đấng đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ tác sinh thân xác chết dở của anh em, nhờ bởi Thần Khí của Người cư ngụ trong anh em".

 

Mùa Chay đã giới thiệu cho chúng ta về Nước Trường Sinh, Lời mạc khải, Lời Hằng Sống: "Nước Chúa Giêsu ban sẽ trở thành mạch suối... vọt lên cho tới sự sống đời đời". Nước ấy chữa lành người mù từ thuở mới sinh. Nước ấy sẽ rửa mọi người muốn trở thành con cái Chúa... Chúa Nhật V Mùa Chay, năm A, hôm nay nói lên phép lạ lạ lùng Chúa làm cho Lagiarô sống lại, và đó cũng là lời tiên báo, nhờ phép rửa tội, chúng ta cũng sẽ được phục sinh từ cõi chết tới cõi sống đời đời. Đó là đức tin của người Kitô hữu và là đức tin của Hội Thánh Công Giáo.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng ngày càng yêu mến và hiểu sâu xa hơn về Bí tích rửa tội chúng con đã lãnh nhận. Amen.

 

++++++++++

 

22. Sự sống vĩnh cữu

 

Cái chết là nỗi đau tột cùng của con người. Cái chết đưa con người xa rời với những gì trước đây mình gắn bó. Của cải, người thân, ước mơ, hy vọng tất cả đều qua đi trong nháy mắt. Những gì còn lại chỉ là nắm mộ sâu với những tiếc nuối của người thân. Đứng trước cái chết con người mới thấy rõ sự sống đáng quý là dường nào. Cuộc sống nơi trần gian có giới hạn, mang tính tạm thời nhưng ai ai cũng bám víu, cố giữ không muốn xa rời.

 

Sự sống tạm thời thật quý, sự sống vĩnh cửu còn đáng quý hơn biết chừng nào. Chúa Giêsu đã tự nói về mình " Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống " (Ga11,25). Lời Chúa Giêsu mang đến niềm vui cho những ai đang đau buồn trước cái chết, đem đến niềm vọng cho những ai vừa thất vọng trước sự ra đi của một người.

 

Sự chết là nỗi đau của con người.

 

Con người ai cũng phải chết. Người lành cũng chết, người dữ cũng chết. Người tội lỗi cũng chết. Người thánh thiện đạo đức cũng không loại trừ. Người được Chúa Giêsu yêu như Lazaro cũng phải chết hay ngay chính bản thân Chúa Giêsu, Ngài phải đi qua cái chết mới đến vinh quang phục sinh. Cái chết cho ta hiểu rằng mọi vật đều hư vô. Cuộc sống đời này không là hạnh phúc vĩnh cửu. Mọi vật mọi loài đều hữu hạn trong thời gian và không gian. Chỉ nơi Thiên Chúa mới có sự sống thật, mới có hạnh phúc thật. Thiên Chúa là địa chỉ cần thiết mà con người cần phải tìm về. Bởi lẽ nơi Ngài sự chết sẽ không còn hiện diện. Nỗi khổ đau buồn sẽ được Ngài xoa dịu. Tất cả những tang thương sẽ được Thiên Chúa mặc cho những giá trị mang lại ơn cứu rỗi ngàn đời.

 

a. Chết trong tinh thần.

 

Cái chết tự nhiên khiến ai nấy cũng đau buồn. Nhưng cái chết tinh thần làm cho con người cần phải suy nghĩ nhiều hơn.

 

Chết vì không được ai quan tâm.

 

Có những người vẫn còn hiện diện trước mắt mọi người nhưng thật ra họ đã chết. Đó là những người sống mà không có tình thương, không có hy vọng, bị người đời bạc đãi phản bội.

 

Có những người già phải sống cô đơn, sống nghèo khổ giữa những đứa con đầy đủ tiện nghi mà không quan tâm gì đến mình. Họ đang sống nhưng thật ra họ đã chết.

 

Có những người đang vật lộn với cơn bệnh tật, thế mà chẳng ai kình viếng, chẳng ai thăm nom, con cái cũng chẳng màn, thỉnh thoảng về thì cho ít tiền để cơm cháo. Quả thật, họ đang sống nhưng thật ra họ đã chết từ lâu rồi.

 

Có những em nhỏ bụi đời lang thang ngoài phố chợ không biết đâu là nhà, không biết cha mẹ mình là ai, không được học hành, không một tương lai, không một hy vọng cho ngày mai. Những em đó đang sống nhưng thật ra đã chết rồi.

 

b. Chết vì còn sống trong tội lỗi.

 

Cái chết tinh thần không dừng lại ở sự lạnh lẽo, bội bạc của con người. Khi con người phạm tội chính là lúc họ đang ở trong sự chết, vì đã căt đứt mối dây hiệp thông sự sống với Thiên Chúa. Họ chết đuối không bởi do người khác nhấn chìm nhưng vì họ không có cố gắng vươn lên. Họ dường như buông xuôi, đành chấp nhận hiện trạng xấu xa của mình. Họ cho rằng tội lỗi là không thể nào diệt được và đức hạnh thì không bao giờ đạt tới được. Họ không cố đi lên nên đành phải thụt lùi. Sống trong tội khác nào sống mà như đã chết.

 

Một thái độ khác không muốn sám hối ăn năn. Lần đầu phạm tội ta thấp lo sợ. Lần thứ hai vấp phạm cảm thấy lo lo. Lần thứ ba đã thấy ít lo sợ hơn trước. Và rồi nhiều lần sau kế lỗi phạm ta chẳng còn đắn đo suy nghĩ gì nữa. Dần dần sẽ hình thành nơi ta một sự chai lì trong tội. Ta chẳng cần để ý mình có phạm tội hay không, không còn chiến đấu nữa, phạm tội mà không muốn ăn năn nữa. Đó là ngày mà tâm hồn ta đã chết.

 

Chúa Giêsu là sự sống lại

 

Trong một thế giới mà sự chết luôn đe doạ thì vai trò sự sống Chúa Giêsu càng được tỏ hiện. Cô Matta thưa cùng Chúa Giêsu " Thưa Thầy nếu có thầy ở đây, em con đã không chết " (Ga11,21). Đây là một câu nói đầy nữ tính của Matta. Lời cô nửa trách móc vì không cầm lòng được trước cái chết của em, nửa tin tưởng vào Thiên Chúa. Cô như trách CG rằng: Lúc con báo tin sao Thầy không đến ngay, bây giờ mọi sự đã rồi, em con đã chết rồi thầy đến chi nữa! Nhưng khi thốt ra lời ấy, cô Matta nói tiếp những lời biểu lộ niềm tin vững mạnh. Cô nói bằng một hy vọng trong tuyệt vọng " Nhưng con biết bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy " (Ga11,22). Chúa Giêsu không phụ lòng mong mỏi và niềm tin tưởng của Matta. Ngài đã cho Lazaro sống lại khi thân xác đã nặng mùi. Phép lạ của Ngài là lời minh chứng Ngài chính là sự sống thật.

 

"Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống ". Khi nói câu này chắc chắn Chúa không nghĩ về sự sống thể xác. Bởi vì một người tin Chúa không thể chết, điều này không đúng sự thật. Do đó, Chúa Giêsu ngầm nói đến sự chết do tội lỗi, do sự nhẫn tâm của con người gây ra. Cho dù người ta có thể trở thành vô tri vô giác như một kẻ đã chết trước sự đau khổ của người khác; Cho dù người ta có thể dấn thân vào việc làm bất lương chẳng còn biết vinh nhục là gì; Cho dù một người đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng trong đời sống tâm linh; Chúa Giêsu vẫn có thể khiến những người ấy sống lại.

 

++++++++++

 

23. Chết để được sống

 

Cái chết luôn là nỗi ám ảnh và nỗi sợ khủng khiếp nhất của nhân loại. Ai đã từng trải nghiệm khi chia ly vĩnh viễn với người thân mới biết được nỗi đau và sự mất mát mà cái chết mang đến. Tin Mừng hôm nay cho thấy cảnh đau thương, tang tóc do cái chết mang đến cho Lazarô và gia đình anh, cũng như nỗi đau thương ấy hiện rõ trên khuôn mặt Chúa Giêsu trước sự ra đi của người bạn thân yêu làng Bêthania. Nhưng rồi cũng trong sự đau thương tang tóc ấy loé lên niềm hy vọng xoa dịu cảnh sầu thương trước sự hiện diện của Chúa Giêsu.

 

Thánh Gioan thật tinh tế khi lột tả sự đau thương của gia đình Bêthania qua những trang Tin Mừng sống động, cũng như cho thấy sự đối kháng với nỗi tang thương ấy là niềm hy vọng mãnh liệt, một niềm vui khôn tả khi tử thần không còn quyền thống trị trước sự có mặt của Con Thiên Chúa.

 

Chuyện xảy ra tại thôn làng Bêthania, nơi Chúa Giêsu thường lui tới giảng dạy và nghỉ ngơi. Gia đình ấy có ba thành viên: Macta, Maria và Lazarô. Cuộc sống thường ngày cứ trôi qua êm đềm và hạnh phúc. Nhưng cái chết xuất hiện phá tan tất cả. Những dự tính, những hạnh phúc mong manh nhỏ bé ấy tưởng chừng như không ai có thể lấy được giờ đây bị tử thần cướp mất, cắt đứt và làm tiêu tan hết mọi hy vọng, mọi mơ ước tầm thường mà con người đã dày công vun đắp. Một bầu khí tang thương nặng trĩu đang bao trùm gia đình ba chị em Macta trước cái chết của Lazarô.

 

Chính Chúa Giêsu cũng không cầm được nước mắt trước cảnh đau thương này. Tuy nhiên Ngài muốn cho thấy vẫn con một sức mạnh vượt xa nọc độc của thần chết. Sức mạnh ấy chính là Thiên Chúa. Nếu như thần chết làm tiêu tan mọi hy vọng, gieo nỗi tang thương trên khắp cả hoàn cầu bằng cái chết chia biệt người với người, với những mơ ước xây đắp nơi trần gian... thì Thiên Chúa dùng chính cái chết ấy để đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu.

 

Những thứ mà tử thần gây ra cho nhân loại chỉ là sự mất mát tạm thời. Nhưng Thiên Chúa dùng cái mất mát tạm thời đó để ban cho nhân loại những điều bất diệt. Như vậy cái chết giờ đây không còn là thứ sợ hãi mà chính là mối lợi. Đây chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: từ sự phản bội của con người trước tình yêu Thiên Chúa mà nhân loại phải chịu hậu quả nặng nề là cái chết, thì giờ đây cũng chính từ cái cái Thiên Chúa dẫn con người đến sự sống đời đời cách dồi dào hơn trước...

 

Nhưng không phải cái chết nào cũng trở thành mối lợi để chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Nếu chúng ta chết trong tội lỗi và trong những tham vọng tầm thường của mình thì cái chết ấy sẽ dẫn ta đến cái chết thứ hai là cái chết mãi mãi. Chỉ có những cái chết cho tội, chết cho những ham muốn thấp hèn của bản năng... trong niềm tin tưởng phó thác và hy vọng vào Thiên Chúa mới dẫn ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu.

 

Sống trong thời đại văn minh, nhưng con người vẫn còn bị bao phủ bởi sự tối tăm của thần chết. Ánh sáng của Chúa Kitô đã đến để xoá tan bóng đêm của sự chết. Nhưng nếu chúng ta vẫn còn sống theo bản năng, sống trong sự ích kỷ, muốn chiếm đoạt, muốn thống trị, không tiếp tay để đẩy lùi chiến tranh thù hận... thì chúng ta vẫn đang tiếp tay để cho thần chết thống lĩnh. Khi đó, chúng ta đang tự đóng khung mình không để ánh sáng sự sống của Chúa Kitô lan toả.

 

Nếu chúng ta muốn chiến thắng tử thần, muốn cuộc sống này không con bị tử thần phá hoại, chúng ta phải biết tin tưởng vào Chúa Kitô và đặt mọi hy vọng vào Thiên Chúa như hai chị em Macta và Maria trong Tin Mừng hôm nay: "Nếu có Thầy ở đây em con sẽ không chết."

 

Tin tưởng vào Chúa Kitô là tin rằng cái chết là một phần của sự sống. Chúng ta sinh ra là để chết và chết để được sống dồi dào. Chính nhờ cái chết mà chúng ta hiểu được giá trị của sự sống. Chúng ta phải chết cho tính ích kỷ, tự kiêu và chết cho tội... Mỗi lần chết như thế là mỗi lần chúng ta cùng nhau vượt qua sân khấu cuộc đời. Mỗi ngày có một cái gì chết đi thì cũng có một cái gì được sinh ra. Chúng ta chỉ chết trong phút chốc với những thất bại, với sự ngược đãi chống đối, với buồn đau, thất vọng và ngay cả cái chết của thân xác như Lazarô... vì nỗi đau mà những cái chết này mang lại trong giây lát rồi sẽ qua để hứa hẹn một tương lai tươi đẹp. Nhưng chúng ta sẽ chết mãi mãi khi tự cô lập, khi chua cay gắt gỏng với anh em, khi con tim ta trở nên chai đá không còn nhạy cảm trước nỗi đau của người khác... Chính Chúa Kitô cũng đã trải qua những cái chết này khi treo mình trên thánh giá. Vậy nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô như thế thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được cùng sống với Ngài.

 

Lạy Chúa, nếu ngày mai con chết chắc chắn con sẽ vô cùng lúng túng vì cả đời con chưa làm được một điều gì cho Chúa cũng như cho anh em. Thế giới này còn bao khiếm khuyết dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng ta của Chúa. Xin cho chúng con mỗi ngày dám chết đi chính mình để biết cộng tác với Chúa để xây dựng một thế giới yêu thương, công bằng, vui tươi và hạnh phúc... Xin nuôi dưỡng nơi chúng con một niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Amen.

 

++++++++++

 

24. Sống và chết

 

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng)

 

Sống và chết là hai việc hoàn toàn mâu thuẫn, chống đối nhau. Tâm lý con người ai cũng muốn sống và không muốn chết: ham sống sợ chết là tâm lý tự nhiên của con người. Lòng ham sống thúc đẩy con người phải bám vào nhiều thứ, nhất là của cải, tiền bạc, chẳng hạn như ông nhà giàu trong Tin Mừng: thâu hoạch lúa thóc đầy tràn, ông phải xây thêm nhà kho, tự cho đời sống mình như thế thật là bảo đảm, tha hồ ăn chơi sung sướng. Nhưng Chúa bảo ông: thật là hạng khờ dại, vì đêm nay ông chết, của cải có bảo đảm được mạng sống ông không? Ông còn nắm giữ được của cải không? và quả thực ông đã vỡ mộng khi đối diện với cái chết. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30 ngàn người chết, bao nhiêu người bị Chúa cho là "hạng khờ dại", vì lúc chết, tay buông xuông, người ta không còn có thể bám vào một vật gì cả: "Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì". "Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười".

 

Nếu nghèo là không có, hoặc có rồi mà mất đi, như không có tiền bạc là nghèo vật chất, mồ côi cha mẹ là nghèo tình thương, dốt nát là nghèo về trí thức, bệnh tật là nghèo về sức khỏe, thì cái chết đưa người ta đến cái nghèo cùng cực. Người khoẻ mạnh hay còn trẻ chưa cảm thấy rõ điều này. Nhưng chúng ta cũng biết cái chết nói lên sự bất lực của y khoa, của mọi thứ khả năng tự vệ trên cõi đời này: quyền hành nhất trần gian cũng chết, giàu có nhất nhân loại cũng chết, sung sướng tất cả đời cũng chết. Mọi người đều bó tay trước cái chết.

 

Trước định luật nghiêm khắc ấy, con người lo âu, bồn chồn, và người ta cố níu kéo sự sống lâu chừng nào hay chừng ấy, dẫu vẫn biết là bất lực. Bởi thế mới có những quảng cáo về thuốc "trường sinh" hay "bất tử". Có một câu chuyện như sau: Thời chiến quốc, có một người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc "bất tử". Người ấy mang vị thuốc này vào hoàng cung, viên quan canh cửa quát hỏi: "Vị thuốc này có ăn được không?". Người ấy đáp: "Dạ, ăn được", tức thì viên quan giật lấy vị thuốc và ăn. Truyện đến tai vua, vua truyền bắt viên quan đó đem giết. Viên quan xin vào gặp vua và kêu van rằng: "Tâu hoàng thượng, hạ thần đã hỏi người đem dâng thuốc, người ấy nói: ăn được, nên hạ thần mới dám ăn, thế là hạ thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc, hơn nữa, người đem thuốc nói là thuốc bất tử, ăn vào thì không chết nữa, thế mà hạ thần mới ăn, đã sắp phải chết. Vậy là thuốc tử chứ sao gọi là bất tử được? Hoàng thượng giết hạ thần thực là bắt tội một người vô tội, trong khi thiên hạ dối gạt hoàng thượng mà hoàng thượng vẫn tin". Nhà vua nghe nói có lý nên tha tội chết cho viên quan ấy.

 

Hiện nay các nhà bác học đang cố tìm ra một thứ thuốc làm cho con người khỏi chết. Được chăng? Chúng ta cứ hy vọng. Đó là vấn đề còn trong giả thuyết, nhưng theo Kinh Thánh thì không thể nào có được, vì Chúa đã phán với ông bà nguyên tổ: "ngươi sẽ trở về bụi đất". Từ đó, chết là một định luật Chúa ra cho loài người, loài người không thể phá nổi định luật này. Nói khác đi, con người đã mắc phải một chứng bệnh nan y không thể nào chữa khỏi, đó là bệnh chết. Cái án chết áp dụng cho hết mọi người: hữu sinh hữu tử: có sinh có chết là một điều tất yếu.

 

Nhưng qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu đã loan báo cho con người một tin mừng: cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận cùng nữa mà là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô trong cõi vĩnh hằng. Vì thế, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã nói: "Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi". Hoặc như thánh Phaolô đã nói: "Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi". Làm thế nào để được như thế? Chúng ta hãy sống theo câu nói của một bà mẹ kia đã khuyên bảo đứa con trai sắp bước vào đời: "Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người đều tươi cười, còn con thì khóc. Con hãy sống thế nào đề ngày cuối đời, một mình con tươi cười, mà mọi người lại tràn lệ".

 

++++++++++

 

25. Chuyển rời, Đến gặp và Tin thì được Sống

 

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

Chúng ta đang sống trong tinh thần Mùa Chay. Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái. Thiết nghĩ, làm những việc đó để làm gì nếu không phải hy vọng được tha thứ tội lỗi, và mong đạt được sự sống đời đời sau cái chết!

 

Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta chân trời hy vọng ấy khi trình thuật phép lạ Đức Giêsu cho anh Ladarô chết sống lại!

 

Qua phép lạ cho Ladarô hồi sinh sau khi chết, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy Ngài chính là nội dung của niềm hy vọng phục sinh; đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác nơi Ngài, thì cũng sẽ được sống. Vì thế, chính Ngài đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Các bài đọc sẽ lần lượt giúp cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay.

 

1. Ý nghĩa Lời Chúa

 

Trước tiên là bài đọc I (Ed 37, 12-14), trình thuật việc dân Israel sống trong cảnh cơ cực bần cùng tại Babylon trong thân phận lưu đầy. Khi sống trong cảnh tối tăm như thế, họ không biết gì đến tương lai. Đối với họ, tương lại hoàn toàn mù mịt: không đền thờ, không tư tế, không hy vọng, ở tản lạc giữa các dân ngoại... họ chẳng khác gì như một đống xương khô nơi nấm mồ trong thung lũng thẳm sâu (x. Ed 37, 114). Tuy nhiên,Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ, nên đã sai tiên tri Êdêkiel đến để nâng đỡ, an ủi và loan báo cho họ một tương lai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn và tràn đầy hạnh phúc khi dân Israel được hồi hương nếu họ trung thành và sẵn sàng nghe theo huấn lệnh của Thiên Chúa. Được hồi hương, thoát khỏi cảnh nô lệ bên Babilon thì chẳng khác gì được trỗi dạy từ những nấm mồ là hình bóng của sự chết tróc (x. Ed 37, 12-14).

 

Tiếp theo, bài đọc II (Rm 8, 8-11), thánh Phaolô đã lay động tâm hồn tín hữu Rôma bằng việc đưa ra những hình ảnh gợi cảm nhằm biểu đạt một niềm hy vọng cho tương lai. Vì vậy, ngài đã ví những người sống trong cảnh buông thả, dung dưỡng xác thịt, không sống theo Thần Khí thì chẳng khác gì một người đang bị nấm mồ thần chết vô hình do tội lỗi vây hãm. Tuy nhiên, thánh nhân cũng củng cố niềm tin và mời gọi hãy gắn bó với Đức Giêsu nhờ Thánh Thần của Ngài, để trong ta có Chúa và trong Chúa có ta, thì cho dù chúng ta có chết, Ngài cũng sẽ cho chúng ta sống lại.

 

Cuối cùng, bài Tin Mừng đem lại cho chúng ta tràn đầy hy vọng khi trình thuật việc Đức Giêsu cho anh Ladarô là bạn thân tín của Ngài đã chết 4 ngày được sống lại. Sự hồi sinh Ladarô, một mặt nhờ niềm tin của Martha, mặt khác để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và cũng để củng cố niềm tin nơi các môn đệ cũng như những người hiện diện, đồng thời cũng tiên báo một cuộc sống mới sau cái chết của những người tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu khẳng định Ngài là Thiên Chúa, nên ai tin vào Ngài thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

 

2. Đức Giêsu là sự sống

 

Nếu Chúa Nhật 4 Mùa Chay, câu chuyện Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu chính là sự sáng thế gian qua trình thật việc Đức Giêsu làm phép lạ cho người mù được sáng mắt, thì Chúa Nhật này, như một sự tiệm tiến để dẫn đến một mặc khải quan trọng hơn, mặc khải về Đức Giêsu chính là sự sống.

 

Trình thuật được khởi đi từ việc Đức Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem. Đi lên Giêrusalem vào thời điểm này thì đồng nghĩa với việc đón nhận cái chết. Nhưng vì vâng lời Chúa Cha và yêu thương con người, nên Ngài đã sẵn sàng.

 

Vì vậy, khi nghe thấy có người đưa tin về Ladarô bạn của Ngài đau mệt, Đức Giêsu đã không đi ngay, mà phải đợi đến khi Ladarô chết và được an táng tới 4 ngày trong mồ, Ngài và các môn đệ mới tới.

 

Khi đến Bêtania, Ngài thổn thức vì thấy nỗi đau khổ của hai chị em Martha và Maria mất em, của những người hàng xóm thương khóc bạn thân. Thấy Đức Giêsu, Martha đã chạy lại và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết" (Ga 11, 21). Lời nói này có thể là một lời trách nhẹ và cũng là một lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu. Thật thế, ngay sau câu nói đó, Martha tiếp: "Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy" (Ga 11, 22).

 

Đức Giêsu đã không để cho Martha thất vọng và những người Dothái phải chờ đợi, vì thế Ngài đã trấn an ngay: "Em chị sẽ sống lại!". Tuy nhiên, Martha hiểu về việc thân xác của Ladarô sẽ được phục sinh trong ngày sau hết: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11, 24). Đức Giêsu đã khẳng định rằng Ngài có toàn quyền trên sự chết khi nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Nhưng vì quá đỗi hồi hộp và luýnh quýnh, niềm tin lại một lần nữa bị thử thách đối với Martha, vì thế bà thưa: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". Nhưng Đức Giêsu đã đòi Martha phải đặt trọn niền tin vào Thiên Chúa: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 39). Và như một sự minh định, Ngài đã truyền lệnh cho lăn phiến đá lấp cửa mồ ra, và lớn tiếng truyền lệnh cho Ladarô ra khỏi mồ. Ngay lập tực, Ladarô tiến ra và thần chết đã bị đẩy lui cho sự sống hồi sinh.

 

Theo qua niệm của người Dothái, thì câu nói của Martha “... đã 4 ngày rồi” hàm ý nói rằng khi một người đã chết được 4 ngày thì linh hồn chỉ lởn vởn chứ không nhập được vào thân xác nữa..., nên việc hồi sinh kẻ chết quả là một chuyện khó khăn. Tuy nhiên, sự chậm trễ của Đức Giêsu; việc xác chết đã 4 ngày... chuyện đó đâu có gì khó đối với Đấng là nguồn sự sống!

 

Qua lệnh truyền và hình ảnh các mảnh vải quấn thân xác của Ladarô được tháo cởi, có ý muốn nói lên sự chết không còn có quyền chi đới với Đức Giêsu nữa, và khi con người được giải thoát khỏi nấm mồ sự chết thì cũng là lúc con người được tự do đích thực và cái chết không thể chế ngự được gì trước Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

 

Như vậy, việc Đức Giêsu cố tình chậm trễ như thế là để nhằm cho người ta thấy rằng, Ngài làm chủ trên sự sống và sự chết của con người. Khi Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết trên Ladarô thì cũng là lúc giờ Thiên Chúa Cha được tôn vinh nơi Ngài.

 

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

 

Toàn bộ bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta thấy Đức Giêsu chính là sự sống. Tuy nhiên, muốn đạt được sự sống ấy, thì chúng ta phải tin nơi Đức Giêsu là sự sống. Ngài sẽ làm cho thân xác hư nát, phải chết của chúng ta trở thành thân xác sáng láng vinh hiển của Ngài. Mặt khác phải ra khỏi chính mình, ra khỏi cái tôi tự kiêu để đến với Đức Giêsu. Nếu chúng ta không đến với Ngài, chúng ta sẽ không có nguồn sự sống từ nơi Ngài. Thật vậy, cành không thể có sự sống nếu không gắn liền với thân cây. Cành chỉ có sự sống và từ sự sống ấy mới sinh ra nhiều hoa trái dồi dào được.

 

Sự gắn bó với Đức Giêsu được kể như là điều kiện cần để được sống đời đời.

 

Dưới ngòi bút của một nhà thần học siêu nghiệm, thánh Gioan muốn nhấn mạnh đến sự “chuyển rời” hiện tại để hướng đến một bước tiến mới.

 

Trước tiên là sự “chuyển rời” của người đưa tin cho Đức Giêsu về việc Ladarô đang bệnh nặng; rồi Đức Giêsu và các môn để “chuyển rời” từ bên kia sông Giođan để đến Bêtania; Martha đã “chuyển rời” từ trong nhà để ra đón Ngài; Đức Giêsu, các môn đệ, hai người chị của người chết và những người Dothái đã “chuyển rời” từ nhà của người chết để đến nơi đã an táng; và cuối cùng là Ladarô “chuyển rời” để ra khỏi mồ.

 

Hình ảnh này cho chúng ta thấy rằng, đời sống của con người chúng ta cần phải “chuyển rời” để thay đổi nếp sống cũ, con đường cũ, nói chung là con người và hành vi tội lỗi của chúng ta, để thay vào đó là một cuộc đời mới, cuộc đời thánh thiện, công chính; một cuộc đời và một sự sống có Chúa. Khi có Chúa, chúng ta đạt được sự sung mãn trong tình yêu của Chúa.

 

Thật vậy, Nếu chúng ta sống dung túng và hào phóng trong tội. Không gắn bó với Chúa. Chúng ta cũng sẽ chết. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi nếp sống cũ là ích kỷ, tham lam, hà tiện, kiêu ngạo... và tin tưởng vào Đức Giêsu, thì chúng ta cũng sẽ được sống đời đời: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25).

 

Khi tin như thế, cả con người và hành vi của chúng ta hướng về Chúa, về Nước Trời và như một sự “chuyển rời” để từ ích kỷ đến lòng bao dung. Từ thất vọng đến niềm hy vọng. Từ miền u tối đến miền ánh sáng. Từ sự chết đến nguồn sự sống. Như vậy, nhờ có sự “chuyển rời” mà sự chết nơi chúng ta là những người tin, không trở nên bi đát, ngõ cụt. Nhưng chỉ là một cuộc chuyển mình hầu vượt qua cái chết để tiến đến vinh quang mà thôi. Thật vậy, thánh Phaolô đã nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).

 

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô chết 4 ngày sống lại, nhằm củng cố niềm tin của những người đương thời với Chúa, và cũng mặc khải cho mỗi người chúng con biết rằng chính Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin cho mỗi người chúng con ý thức được điều đó để thêm tin, thêm mến, thêm cậy trông vào Chúa hầu được sự sống đời đời. Amen

home Mục lục Lưu trữ