Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1366084

BỎ HẾT MỌI SỰ MÀ ĐI THEO NGƯỜI

 

BỎ HẾT MỌI SỰ MÀ ĐI THEO NGƯỜI

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Chúa Giêsu ở biển hồ Ghennêxaret. Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Vì dân chúng quá đông, Ngài xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu gần bờ để không bị đám đông chen lấn. Chiếc thuyền đó của ông Simôn. Ông đang giặt lưới.

Giảng xong,Ngài bảo ông: “Hãy ra chỗ nước sâu đánh cá.”

Đây là một lệnh truyền chứ không chỉ là một lời khuyên. Những người đánh cá đang giặt lưới, Ngài thấy điều đó, tức là họ đang thu dẹp để nghỉ ngơi, nhưng Ngài vẫn bảo họ ra khơi đánh cá. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng Ngài đã chủ ý ra lệnh cho họ, vì Ngài đang định một điều gì khác quan trọng.

Simôn trả lời: “Thưa Thầy, chúng con vật vả suốt đêm mà không bắt được gì”. Nhưng ông chấp nhận: “Vâng lời Thầy, tôi thả lưới”.

Chúa Giêsu muốn kêu gọi ông Simôn và các bạn ông, nhưng trước khi làm việc đó, Ngài muốn cho các ông thấy quyền năng lạ lùng của Ngài.

Simôn chèo thuyền ra và bủa lưới, và lạ thay! Trong chốc lát, cá đầy lưới đến nỗi phải nhờ một thuyền bạn chở cá về.

Trong đời chài lưới của ông chưa từng thấy được cá nhiều và nhanh như thế. Ông cảm nhận đây không phải là một việc bình thường mà ông vẫn thường làm, nhưng là một dấu hiệu lạ lùng mà ông chưa từng thấy và vượt xa những gì ông biết được. Đứng trước sự lạ đó, Simôn kinh sợ. Người Do thái sống trong một thế giới vừa tự nhiên vừa linh thiêng. Họ vẫn còn giữ tâm thức về mối liên hệ với Thiên Chúa. Họ luôn sợ hãi khi đứng trước những dấu lạ bất ngờ mà họ không giải thích được và vì thế họ nghĩ là do Thiên Chúa. Vẫn cảm thấy bàn tay Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc sống của họ, như đã can thiệp vào lịch sử của cha ông họ. Simôn mang một tâm trạng như thế, do vậy ông kinh sợ trước mẻ cá lạ lùng vừa mới bắt được. Ông cảm nhận đây không phải là một việc bình thường nữa mà là một hiện tượng vượt xa tầm tưởng tượng của ông. Ông nhìn Chúa Giêsu như Đấng Thần linh, không phải người thường.

Ông mang tâm trạng của Môsê trước ngọn lửa tỏa hào quang trong bụi gai, tâm trạng của tiên tri Isaia trong Đền thờ khi diện kiến với Chúa đang ngự trên ngai. Ông phản ứng như Môsê và Isaia, ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Xin Thầy xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Đứng trước một Đấng cao cả như thế, ông cảm thấy mình tội lỗi và bất xứng.

Nhưng Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ là người lưới người ta”. Đây là mệnh lệnh thứ hai mà Simôn nhận từ nơi Chúa Giêsu. Mệnh lệnh đầu là: “Hãy ra khơi đánh cá”. Mệnh lệnh thứ hai là: “Anh là người lưới người ta”.

Đứng trước hai mệnh lệnh ấy, Simôn luôn cảm thấy mình bất lực, bất xứng.Chính vì thế mà Chúa đã chọn ông.

Chúng ta cũng thế thôi. Đứng trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta không ai xứng đáng cả. Chỉ vì thương mà Chúa chọn chúng ta cộng tác với Ngài. Chính Chúa đã nói: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được việc gì”. Và Ngài cũng dạy chúng ta: “Sau khi đã làm xong mọi sự, chúng con hãy nhận rằng mình chỉ là tôi tớ vô dụng”.

Nhiều người trong chúng ta, sau khi thành công được một vài công việc, thường khoác cho mình vòng hoa chiến thắng. Chúa chỉ có thể hoạt động dể dàng trong những tâm hồn nhỏ bé. Chúa chỉ sử dụng những con người biết vâng phục như Simôn. Chính những người đó mới mang lại nhiều kết quả cho các linh hồn.

Các thánh chính là những con người nhỏ bé và khiêm tốn. Thánh Maria Vianney, cha sở họ Ars là một người luôn cảm thấy mình tội lỗi và dốt nát. Ngài đã được Giáo Hội xem như một “kẻ lưới người” vĩ đại.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu luôn thấy mình bé bỏng trong tay Cha trên trời, đã trở nên gương mẫu cho bao thế hệ kitô hữu, là thầy dạy con đường yêu mến Chúa, là một nhà truyền giáo không bôn ba ngoài thế gian, nhưng là một nhà truyền giáo lừng danh.

Thánh Luca ghi lại: “Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất.Người thanh niên giàu có, đầy thiện chí đã đến gặp Chúa Giêsu và được Ngài mời gọi: “Ngươi hãy về bán hết của cải, phân phát cho những người nghèo rồi đến đây theo Ta”. Người thanh niên thiện chí kia không dám bước theo Ngài vì không thể từ bỏ gia sản vật chất để đổi lấy kho tàng quí báu nhất là Ngài.

Lời mời gọi ấy được gởi đến, không phải chỉ cho những tu sĩ hay linh mục mà thôi, mà được gởi đến cho mọi người đã lãnh nhận kho tàng đức tin. Công Đồng Vatican II đã nói đến nhiều lần về ơn gọi của giáo dân là “trở nên nắm men trong bột, góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô… (Hiến chế Giáo Hội số 31). Như thế có nghĩa là họ phải là những kẻ lưới người ta. Đặc biệt hơn, Công Đồng dành riêng một Sắc Lệnh để nói về Tông Đồ giáo dân, vạch rõ những nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo dân phải tích cực tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội.

Hiện nay, chúng ta vui mừng thấy rằng nhiều giáo dân đã nghe theo tiếng gọi đó và đã dấn thân vào việc “lưới người ta”, nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Chúng ta có cả một thế giới chưa biết đạo để Phúc Âm hóa. Vậy chúng ta cần phải làm gì?

Chúng ta được mấy người dám bỏ mọi sự mà theo Ngài? Ngay cả một số đã tự nguyện dấn thân vào đời sống tu trì, nhưng vẫn “cầm cày còn ngó lại sau lưng”, thì huống hồ là giáo dân!

Hãy cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến trong ruộng lúa, sai nhiều tay chài lưới dám xông pha vào biển cả thế gian đang từ chối Thiên Chúa để bủa lưới. Hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta đủ can đảm nghe theo tiếng gọi của Chúa.

Chúa Giêsu đang kêu gọi chúng ta bằng chính sự có mặt của Ngài nơi bàn tiệc yêu thương nầy. Ngài đến như một của ăn để thâm nhập một cách hết sức thực tế vào mỗi người chúng ta, mời gọi chúng ta dành cho Ngài cuộc sống nhỏ bé nầy, thời gian sống cơ cực nầy, để làm cho Nước Cha trị đến. Đứng trước tình yêu tha thiết của Ngài, chối từ là đắc tội. “Hãy đứng lên, chúng ta đi thôi!”.

 

8.Kitô hữu là loan báo Lòng Thương Xót Chúa

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Ba bài Lời Chúa hôm nay nói về 3 bài sai cho ba người được Chúa chọn và sai đi nói về Lòng Thương Xót Chúa: Isaia trong bài đọc 1, Phaolô trong bài đọc 2 và Simon Phêrô trong bài Tin Mừng. Isaia tự thuật về chính ơn gọi làm ngôn sứ của ông. Chúa đã gọi ông. Ông đã can đảm, sẵn sàng đáp lại: “Tôi đây, hãy sai tôi đi”. Thái độ của Isaia chính là thái độ của Đức Giêsu sau nầy khi Ngài đi vào thế gian: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9). Phaolô cho biết khi Chúa hiện ra với ông trên đường đi Đamas và chọn ông làm tông đồ cho dân ngoại, ông khiêm tốn cho mình là một tông đồ hèn mọn nhất, chẳng đáng gọi là tông đồ vì đã bắt bớ Giáo Hội. Ông coi đây là một ân huệ Chúa ban và không dám uổng phí, ông hết lòng hết sức và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi ra đi loan báo Lòng Thương Xót Chúa các các dân ngoại để họ tin vào Chúa và được cứu độ. Còn Simon Phêrô đã được Chúa gọi một cách rõ ràng và công khai sau mẻ cá thật nhiều đến nỗi gần rách lưới, Chúa Giêsu nói với ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. “Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."

Chính Thiên Chúa, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, đã chọn gọi những người làm việc cho Ngài, làm cộng tác viên của Ngài trong công trình thương xót cứu chuộc nhân loại. Ngài đã gọi các tiên tri, các tông đồ, đã gọi bao nhiêu người khác, đã gọi chính chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Qủa thế, Giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Người đã chịu Phép Rửa trở thành phần tử của Hội Thánh, họ không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Từ nay, họ được mời gọi để phục tùng lẫn nhau và phục vụ người khác trong tình hiệp thông của Hội Thánh” (số 1269). Như vậy, hôm nay Chúa cũng kêu gọi chúng ta hãy thu phục lòng người ta. Làm thể nào để thu phục lòng người ta? “Hãy thương xót như Chúa Cha”. Chúa Cha thương xót chúng ta thế nào?

Trong Tông Sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha trả lời rằng nhìn vào Chúa Giêsu và dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, là tình yêu tự hiến, viên mãn, hữu hình và chạm tới được bởi vì chính Ngôi Con làm người đã hoàn tất mọi hành vi bằng tình yêu, trong tình yêu và qua tình yêu. Vì thế, trong Ngài, tất cả đều nói về Lòng Thương Xót (số 8§1). Qủa thế, lược lại những trang Tin Mừng, chúng ta thấy rõ ràng cử chỉ tình yêu thương xót của Chúa Giêsu: chạnh lòng thương, chữa bệnh, trừ quỉ, cho ăn, yêu thương, tha thứ, phục sinh kẻ chết… Thật vậy, Thiên Chúa luôn tha thứ, cảm thông và thương xót. Đó là cốt lõi của Tin Mừng và Đức Tin. Lòng Thương Xót tỏ ra sức mạnh vượt thắng tất cả, tỏ ra niềm an ủi khi tha thứ (số 9§1). Chúa Giêsu nói đến hai dụ ngôn: tha thứ mấy lần? (x. Mt 18, 21-22) và tên mắc nợ không biết thương xót (x. Mt 18, 23-33) để nhấn mạnh về tha thứ của con người. Hãy tha thứ cho tha nhân vô hạn như Chúa tha cho ta, nếu không Cha trên trời cũng sẽ đối xử với ta như vậy (x. Mt 18, 35). Để tỏ ra là những người con đích thực của Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, chúng ta cũng phải sống Lòng Thương Xót trong Năm Thánh này bằng việc tha thứ để có được bình an và hạnh phúc vì vậy,"Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn" (Ep 4, 26) và "Phúc thay ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương" (Mt 5,7). Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định Lòng Thương Xót là trách nhiệm của Thiên Chúa, luôn là hành động, là thái độ thường ngày, cụ thể và rõ ràng. Từ đó, con cái Thiên Chúa cũng nhận thấy trách nhiệm của mình mà thương xót nhau, như "nằm trên một cùng bước sóng" với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vậy (số 9§4).

Lòng thương xót Chúa đã làm người và hôm nay hiện diện giữa chúng ta trong Thánh Lễ, trong bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu Thánh Thể là lòng thương xót Chúa ở giữa chúng ta. Vậy, là Kitô hữu, chúng ta hôm nay được Chúa sai đến hiện diện giữa xã hội này để Tân Phúc Âm hóa xã hội. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “Tân Phúc Âm hóa là thế này: Nhận ra tình yêu thương xót của Thiên Chúa nhờ đó chúng ta nên khí cụ của ơn cứu độ cho anh chị em mình. Con người ngày nay mong đợi điều gì nơi Giáo Hội: đó là Giáo hội đồng hành với họ, làm chứng về điều mình tin, sống tinh thần hiệp nhất đại đồng, đặc biệt liên đới với những người nghèo khổ, cô độc và bị loại trừ. Thế giới hôm nay có quá nhiều người nghèo! Nghèo vật chất. Nghèo tâm linh. Họ đang chờ Tin Mừng có sức mạnh giải thoát vùng ngoại vi do một xã hội vô thần, thao túng gây nên. Họ đang chờ đợi sự gần gũi và liên kết của chúng ta! Nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta là bước trước hết khơi gợi lên nơi ta biết trợ giúp người khác. Thiên Chúa đã đến để cứu chúng ta khỏi tình trạng yếu nhược của mình. Và ơn cứu độ của Ngài làm cho chúng ta nhận ra sự hiện diện và sự gần gũi thiết thân của Ngài.”

Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy sốt sắng cảm tạ Chúa đã thương xót chúng ta và thế giới, đồng thời dâng Chúa quyết tâm để đẩy còn thuyền đời ta ra biển xã hội và dùng lời nói và đời sống của chúng ta loan báo lòng thương xót cho mọi người. Amen.

 

9.Tin vào sức mạnh Lời Chúa

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Bài thánh ca “Tin vào tình Chúa” của Cha Mi Trầm viết rằng: “Người đời dạy con phải sống khôn ngoan nhưng Chúa dạy con phải sống điên dại.. Người đời dạy con tin vào quyền lực nhưng Chúa dạy con tin vào tình thương. 2. Người đời dạy con nắm giữ thật chặt nhưng Chúa dạy con phát hết cho người. Người đời dạy con sẵn sàng dừng lại nhưng Chúa dạy con sẵn sàng mà đi. 3. Người đời dạy con hãy tin tưởng mình nhưng Chúa dạy con phó thác nơi Ngài.. Người đời dạy con sống vì hiện tại nhưng Chúa dạy con sống vì ngày mai. ÐK: Xin cho con tin vào tình Chúa mà dấn bước đời con. Xin cho con tin vào tình Chúa mà đánh liều đời con”. Quả thế, chủ nghĩa cá nhân và thực dụng của xã hội hôm nay gây ra nhiều mối nguy hại cho cuộc sống, nhất là chúng làm cho các mối tương quan con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và giữa con người Thiên Chúa bị đảo lộn. Thậm chí, nhiều khi nó làm cho chúng ta không nhìn thấy Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta và Lời của Ngài không ứng nghiệm nữa! Chính vì thế, Lời Chúa hôm nay, đầu năm Kỷ Hợi này cho thấy Chúa luôn hiện trong mọi cảnh huống của cuộc sống của chúng ta và mời gọi chúng ta phó thác tin vào Lời Chúa vì Lời có sức mạnh đem lại hạnh phúc đích thực cho chính mình, gia đình, giáo xứ, giáo hội và xã hội của chúng ta ngay ở đời này và đời sau.

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể rằng Chúa Giêsu xuống thuyền của ông Phêrô, thuyền đó là thuyền đánh cá của ông Phêrô, tức là Người đi vào cuộc sống làm ăn hằng ngày của ông. Người bảo ông Phêrô chèo ra chỗ sâu, thả lưới bắt cá, đó là hành nghề của ông. Dựa vào sự hiểu biết, kinh nghiệm tay nghề của mình, ông tự nhủ làm sao Chúa Giêsu biết nghề này sành điệu bằng mình, vì Chúa Giêsu làm nghề thợ mộc mà. Cho nên, Phêrô thành thực nói cho Thầy biết rằng điều Thầy yêu cầu là hoàn toàn sai lầm, “"Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Nhưng, ông Phêrô tin vào sức mạnh kỳ diệu lời của Thầy mình, Lời đã chữa lành cho mẹ vợ khỏi cơn sốt, Lời trục xuất tên quỷ, Lời chữa lành nhiều người đau yếu khác… “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới". Cho nên, ông gạt bỏ những kinh nghiệm riêng tư, quên đi sự mệt nhọc suốt đêm vất vả nhưng chẳng bắt được con cá nào, để rồi vâng lời Thầy thả lưới trong thái độ tự do, tín thác. Qủa thực, Chúa đã thoả đáp lòng tin của ông bằng mẻ cá lạ lùng đồng thời kêu gọi ông làm ngư phủ lưới người. Nghĩa là từ nay Đức Giêsu không chỉ là một vị thầy, nhưng còn là Chúa của ông.

Tiên tri Isaia và Thánh Phaolô trong hai bài đọc hôm nay đã tin và hiểu rõ sức mạnh lời Chúa nên với sự can đảm, họ đã vất bỏ mọi sự, cất đi những hàng rào khép kín của tính hư tật xấu, tính tự cao tự đại, để chọn Chúa làm gia nghiệp và ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ dù phải đối đầu với nhiều mưu mô xảo quyệt của thế gian, bất chấp những cám dỗ bị lây nhiễm, bị hiểu lầm, hay thất bại dù phải chết vì Đạo hầu mong Lời Chúa được chiếu sáng và Nước Chúa được rộng lan khắp nơi.

Còn chúng ta thì sao? Nhờ việc lắng nghe Lời, sống và thi hành Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta vững tin và đủ sức để đương đầu với những mối nguy hiểm làm lây chuyển đức tin của chúng ta, và nhờ sức mạnh của Lời Chúa, chúng ta có thể phá toang hoang những ngục tù nội tâm vô hình: đó là tính kiêu căng, lòng hận thù, sự gian ác hay mưu mô xảo trá gian tà… Cho nên, Thánh Phaolô trong bài đọc hai nói rõ ràng rằng nhờ Tin Mừng mà các ngài loan báo mà chúng ta hôm nay được cứu thoát, nếu chúng ta giữ đúng như lời ngài đã loan báo, bằng không thì chúng ta có tin cũng vô ích.

Con thuyền đức tin của chúng ta đã ra khơi, có người một năm, hai năm, 5 năm, 15 năm, 20 măm… Chắc chắn chúng ta gặp không ít nhiều khó khăn thiếu thốn và không thiếu những sóng gió bão táp của biển đời, biển tình, biển kinh tế… những điều đó có lúc làm chúng ta cũng e ngại, lo âu hoặc hoảng sợ, hốt hoảng chao đảo dễ mất đức tin nhưng, với Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tín thác, cậy trông vì có Chúa Giêsu cùng thuyền cùng hội với chúng ta mà đồng hành bên đỡ phù trì thì chắc chắn con thuyền đức tin của chúng ta dẫu có chông chênh nhưng không bao giờ chìm. Thế nhưng, tin vào Chúa và sức mạnh của Lời Ngài đòi hỏi chúng ta từ bỏ tất để theo Ngài, bỏ tất cả ở đây là đặt tất cả dưới Chúa và sử dụng chúng theo ý Ngài để sống và làm chứng cho Chúa và chân lý của Ngài giữa lòng nhân thế hôm nay. Cho nên, dù ai, hạn người nào thiên tài hay bất tài, Chúa vẫn yêu thương, tín nhiệm và trao ban cho ta muôn vàn ân sủng và sứ mạng rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Vì Chúa muốn dùng chúng ta như khí cụ bình an của Chúa để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an bình vào nơi tranh chấp đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ngõ hầu toàn thể mọi người trên đất nước chúng ta và toàn thể thế giới sống chan hoà yêu thương nhau như anh em một nhà, “tứ hải giai huynh đệ”.

Ước gì qua lời Chúa hôm nay, tựa như Phêrô, tiên tri Isaia và Phaolô, xin cho chúng ta biết tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa mà dấn bước đời ta theo Chúa là chính nguồn tình yêu, sự thật và sự sáng Chúa. Đồng thời xin cho chúng ta sự khiêm nhường để nhận biết những yếu đuối của chúng ta, và tin vào sức mạnh của Lời Chúa sẽ giúp chúng ta vượt lên yếu đuối, những lần vấp ngã vì chưng Chúa đang ở với chúng ta và quyền năng của Lời Chúa có hiệu lực trong đời sống chúng ta.

 

10.Ra khơi, mà thả lưới!

(Suy niệm của AM Trần Bình An)

Chủ đề tĩnh tâm Giáo phận năm nay là truyền giáo. Đức Giám mục hô hào đẩy mạnh phong trào truyền giáo. Phương pháp truyền giáo là phát triển Dân Sinh, Dân Trí và Dân Đạo.... Bất ngờ ngài nói với anh em một câu của một vị thừa sai nào đó: “Linh mục Việt Nam chỉ có tài coi sóc họ đạo, chứ không biết gầy dựng họ đạo”.

Vì tự ái dân tộc, mình giơ tay và đứng bật lên như m­ột cái lò xo: “Thưa Đức cha, không phải linh mục VN không biết gầy dựng họ đạo, nhưng vì chưa có “Bài sai" (Văn thư bổ nhiệm một linh mục do Đức Giám Mục ấn ký) của Đức Cha.” Mình hung hăng chừng nào thì Đức Giám mục bình tĩnh chừng ấy. Với giọng trầm buồn, ngài thủng thẳng trả lời: “Tôi biết đi truyền giáo thì thiếu thốn và cực khổ nhiều lắm, nên không nỡ tâm sai các cha đi. Cha nào tình nguyện thì tôi mới dám. Vậy cha nào tình nguyện thì giơ tay lên.” Mình đếm được sáu cánh tay giơ thật cao và thật thẳng: Hai cha già, hai cha sồn sồn, và hai cha trẻ. Đức Giám mục cười và khôi hài: “Các cha đi truyền giáo thì bỏ họ đạo, bỏ chủng viện, bỏ trường học cho ai?”

Cả hội trường cười hì một cái. Thế là đánh trống bỏ dùi. Vấn đề truyền giáo chỉ được nêu lên như một sự gợi ý và thăm dò. Rồi đây, sau tuần tĩnh tâm, ai nấy lại trở về với họ đạo của mình và tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho ng­ười đã nghe. Tuyệt nhiên không nghĩ gì, không làm gì cho người lương dân, những người chưa bao giờ được nghe Tin Mừng.

Viết đến đây, mình liên tưởng đến Đức Giêsu khi Ngài đến rao giảng tại Caphácnaum. Sau khi được nghe giảng và chứng kiến nhiều phép lạ, dân thành Caphácnaum nảy ra một sáng kiến: “Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa.” Câu nói của họ hàm nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, vì quá thương, họ muốn Chúa ở lại với họ. Họ không muốn Chúa lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, ăn không trọn bữa, ngủ không đầy giấc, do các chuyến đi liên tục. Họ muốn có một “ngôi nhà xứ” có đủ tiện nghi cho Chúa sử dụng. Họ sẽ kiếm cho Chúa một bà bếp nấu ăn thật giỏi, có thể đó là mẹ vợ của Simon. Thứ nhì, họ muốn gởi gắm sự nghiệp của mình vào sự nghiệp của Chúa. Caphácnaum sẽ là trung tâm rao giảng, trung tâm trị bệnh. Caphácnaum sẽ trở thành thủ đô của nước “Israel mới.” Sự nghiệp của Chúa sẽ gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Caphácnaum. “Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa!” Ôi thương quá là thương ! Nghe mà nẫu cả ruột ! Đó là một chước cám dỗ, chước cám dỗ dễ thương vô cùng. Để đối phó, Chúa đã khẳng định: “Ta còn phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa. Chính vì thế mà Ta được sai đến.” Sau đó Chúa đã đi thật, và đi mãi.

Chúa ơi, Chúa đã giã từ Caphácnaum để đi loan báo Tin Mừng, còn chúng con thì đã chui vào đó để “Ngồi Họ.” Quả vậy, Giáo hội của Chúa có một truyền thống yêu thương giáo xứ. Con cái của Chúa quây quần bên nhau thành một xóm đạo…(Lm Piô Ngô Phúc Hậu, Giáo xứ Caphácnaum, Nhật ký Truyền Giáo)

Tin Mừng Thánh Luca Chúa nhật hôm nay tường thuật mẻ cá ban ngày trúng đậm, khiến ông Simon nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng, cảm thấy mình yếu hèn tội lỗi, bất xứng gần gũi Người. Nhưng Đức Giêsu đã hân hoan thâu nạp hai ông Anrê, và ông Simon, và các bạn chài con ông Dêbêđê, là hai ông Giacôbê và Gioan, làm những môn đệ đầu tiên thực hiện nhiệm vụ “chài lưới bắt người.” (theo bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn, DCCT)

Lời Chúa hôm nay còn muốn nhắn gửi đến tất cả Kitô hữu, không phân biệt chủ chăn hay con chiên, sứ mạng truyền giáo rất cấp bách, đòi hỏi toàn thể tín hữu dấn thân vào đời, vào nơi đông đảo quần chúng chưa được vinh dự biết đến Tin Mừng, mặc dù ở vùng xa xôi, hẻo lánh, như ngoài khơi biển cả. Can đảm noi gương Đức Giêsu rời khỏi “Giáo xứ” Caphácnaum thuần đạo vẻ vang, để còn “loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa.”

Ra khơi

Sau khi giảng dạy cho dân chúng từ trên thuyền neo gần bờ, Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Ra khơi, mà thả lưới đánh cá!” Lệnh truyền súc tích, vắn gọn, rõ rang, chính xác, không thừa hay thiếu chữ nào. Người đi rao giảng không được nấn ná, ở lì, cắm dùi một chỗ Tin Mừng đã được loan báo, đã hình thành cơ cấu và sinh hoạt tâm linh.

Ra khơi là mệnh lệnh dấn thân phiêu lưu theo Đức Giêsu, sẵn sàng chấp nhận đối đầu những phong ba, bão táp, những ngày biển động, những thách đố bất ngờ, những tai ương hoạn nạn có thể đổ ập đến bất cứ lúc nào, nhưng sẽ luôn có Chúa ở cùng, luôn có Chúa Quan Phòng chở che, nếu một lòng một dạ mãi tín thác nơi Ngài.

Ra khơi còn là biểu lộ thái độ dứt khoát, một quyết định vững chãi, không còn dấm dớ theo Chúa nửa vời, nửa muốn theo Chúa, nửa lo sợ thế gian ghét bỏ, hãm hại, lo mất cuộc sống yên ả, sung túc, tiện nghi, lo đói khát, cực nhọc, khó khăn.“Kẻ vừa tra tay cầm cầy vừa ngó lui sau, là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa”(Luca 9, 62)

“Đi, đi, đi mãi, đi quyết liệt, đi không nhượng bộ cũng như không ai đi với người đi lui. Không nhượng bộ cho xác thịt, Không nhượng bộ cho lười biếng, Không nhượng bộ cho ích kỷ... Con không thể gọi đen là trắng, xấu là tốt, gian là ngay được.” (Đường Hy Vọng, số 12 & 13)

Vâng lời

Lời đáp lại mau mắn của ông Simon chính là lời tuyên xưng đức tin công khai, với tâm hồm khiêm nhường, tôn kính, hoàn toàn vâng phục: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới."

Dẫu rằng ông Simon vốn là dân chài chuyên nghiệp, dẫu đã bao năm kinh nghiệm dầy dạn sương gió trên biển hồ Giênêdarét, dẫu vừa mới thức trắng một đêm lao nhọc chài lưới công cốc, ông vẫn tận tâm, tận tuỵ thi hành mệnh lệnh, dù nghe thật chướng tai và bất hợp lý, khi đánh cá ngay ban ngày.

Khiêm nhường, bỏ đi những khôn ngoan thế gian, những lập luận lô gích, những kinh nghiệm cá nhân, để vâng theo Thánh Ý Chúa không bao giờ dễ dàng. Nhưng“Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55, 9)

“Đức Chúa có ưa thích lễ toàn thiêu và các hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn dâng mỡ cừu.”(1 Sam. 15, 22)

“Thế gian bảo con vâng phục như vậy là “điên khùng.” Chúa nói con vâng phục, vì Chúa là “anh hùng.” (Đường Hy Vọng, số 393)

Từ bỏ

Kinh ngạc trước phép lạ nhãn tiền, mẻ cá đầy ắp vô tiền khoáng hậu, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi." Không chỉ mình ông Simon ngạc nhiên, mà tất cả bạn chài cũng kinh ngạc không kém. Tất cả mọi người, mọi loài thụ tạo đều phải quy phục trước quyền năng siêu phàm của Thiên Chúa. Khi đó, con người mới có cơ hội nhận thức được thân phận yếu kém, hèn hạ của mình, mà tôn kính, thờ lạy Đấng Tạo Hoá muôn loài, mới cảm thấy bất xứng, tội lỗi, xấu xa, trước Thánh Nhan Chúa.

Chính khi nhận ra mình phận hèn, là lúc Chúa đoái thương, gần gũi, nâng đỡ, mời gọi. Chúa không nỡ lìa xa, như ông Simon khẩn khoản nài xin, mà Lòng Thương Xót Chúa có dịp chiếu toả, sưởi ấm, vỗ về, bao bọc, chở che, tin tưởng, trao phó trọng trách:"Đừng sợ hãi: từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới bắt người." Chèo đò vào bờ, họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài.” Bỏ lại tất cả những gì vướng víu, tiền của, nghề nghiệp, gia đình, tình cảm riêng tư, bỏ cả tương lai sáng lạn của thế gian, mà dấn thân phục vụ Nước Chúa, phục vụ rao truyền Tin Mừng, phục vụ tha nhân mọi nơi.

Từ bỏ tất tần tật mọi sự thế gian, nhưng chưa bỏ chính mình thì cũng vô ích hoàn toàn. Vì thế, Đức Giêsu đích danh kêu gọi từ bỏ bản thân, vị kỷ, ham muốn, bản năng, xác thịt, sẵn sàng chấp nhận gian khó, thử thách, đau khổ mà theo Chúa: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” (Mc 8, 34-35)

“Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước.” (Đường Hy Vọng, số 3)

Lạy Chúa Giêsu, xin thức tỉnh chúng con khỏi đam mê thế gian, khỏi xác thịt nặng nề, khỏi u mê, mù loà trong đời phù vân, khỏi trầm luân trong đam mê hư ảo, tội lỗi, để chúng con nghe được tiếng Chúa mời gọi từ bỏ thế gian, mà can đảm ra khơi, trở nên con Chúa, vâng lệnh làm chứng nhân cho Tin Mừng, dẫu muôn khó khăn đau khổ đang chờ đợi chúng con.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là ánh sao dẫn đường chỉ lối cho chúng con bước đi. Khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con dấn thân theo Mẹ, cùng trung kiên đồng hành với Chúa đến tận cuối đời. Amen.

 

11.Ơn gọi Kitô hữu

(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Tin mừng Lc 5: 1-11: Thánh Luca kể lại việc Đức Giêsu sau phép lạ mẻ cá trên hồ Tibêria đã mời gọi một số ngư phủ theo Người để trở nên những Tông đồ là những kẻ chài lưới người.

Qua Bí tích Thanh tẩy, Kitô hữu được trao ban một sứ mạng làm sứ giả Tin mừng. Mỗi Kitô hữu là một người được chính Chúa mời gọi làm cho Nước Chúa trị đến. Mỗi người phải quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ loan báo Tin mừng của mình làm sao để cuộc sống mình luôn thể hiện những giá trị Tin mừng, nhờ đó, lôi kéo đựơc người chung quanh theo Chúa.

I. Tìm Hiểu Lời Chúa

1. Bài đọc I: Is 6, 1-2a, 3-6

* Ơn Gọi Của Isaia

Chúa nhật vừa qua chúng ta đã nghe đọc bản văn về ơn gọi của Tiên tri Giêrêmia. Hôm nay, chính Tiên tri Isaia nói cho chúng ta biết ông đã được Thiên Chúa gọi như thế nào và đã giao phó cho ông sứ mạng nào.

Khi Isaia đang cầu nguyện trong đền thờ thì ông nhận được một thị kiến lớn lao: Thiên Chúa mạc khải cho ông sự thánh thiện và vinh quang của Người.

Đối diện với màu nhiệm lớn lao này, Isaia khám phá ra lòng thương sót của Thiên Chúa. Với môi miệng nhơ uế làm sao ông có thể mang Lời Thiên Chúa, nhưng môi miệng ông sẽ được Thiên Chúa thanh luyện. Ông đã manh dạn thưa vâng: Lạy Chúa! này con đây.

Thiên Chúa tìm kiếm những cộng sự cho công trình Cứu độ của Ngài. Nhưng để được gọi cần thiết phải gặp gỡ với Thiên Chúa: gặp Ngài trong đức tin và cầu nguyện là điều cần thiết triệt để, để làm tròn sứ mạng được uỷ thác.

2. Bài đọc II: 1Cr 15, 1-11

* Ơn Gọi Của Phaolô

Sau khi nhắc lại rằng sự Phục Sinh của Đức Kitô là một trong những cứ liệu nền tảng của đức tin, Thánh Phaolô khẳng định trang trọng: Ngài là chứng nhân của Đức Kitô. Ngài đã thấy Đức Kitô Phục Sinh.

Không chuẩn bị gì cho sứ vụ tông đồ, thận chí còn là người miệt mài truy bắt các môn đệ của Đức Kitô, Phaolô đã phải cúi đầu trước một sự thật hiển nhiên: Đức Kitô đã hiện ra sống động với ông.

Cùng lúc khám phá ra ý nghĩa và tầm quan trọng về sự phục sinh của Đức Giêsu; được Thần khí soi dẫn, Phaolô đã hiểu rằng ông có sứ mạng công bố điều này, đặc biệt là cho các dân nước ngoài Do Thái.

Ngày nay, có nhiều dòng tư tưởng khác nhau tìm cách rút ra từ sự phục sinh của Đức Kitô những sự giải thích không có gì là chính thống. Chúng ta cần phải gắn bó với đức tin của Hội Thánh để sống đúng kho tàng đức tin mà các Tông đồ đã để lại.

3. Tin Mừng: Lc 5, 1-11

* Ơn Gọi Của Các tông Đồ

Thánh Luca kể lại việc Đức Giêsu sau phép lạ mẻ cá trên hồ Tibêria đã mời gọi một số ngư phủ theo Người để trở nên những Tông đồ là những kẻ chài lưới người.

Sau khi giảng dạy dân chúng từ trên thuyền của Phêrô, Đức Giêsu nói các ông thả lưới. Cho đến lúc ấy, các ngư phủ đã hoài công vất vả mà không được gì. Ngay ở lần thử đầu tiên các lưới đã đầy cá muốn rách.

Phêrô và các bạn đã bị lôi cuốn. Được Chúa mời gọi không chần chừ, các ông đã bỏ mọi sự để theo Người. Các ông sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.

" Chài lưới người" … Tất cả mọi Kitô hữu không ngoại trừ ai đều được mời gọi để trở nên "kẻ chài lưới người". Mỗi người theo khả năng, nghề nghiệp, văn hóa của mình đều được Thiên Chúa kêu mời hãy thả lưới.

II. Gợi ý Suy Niệm

1. Kitô hữu, một ơn gọi: Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày về ơn gọi của ba người mà cuộc đời của họ trước khi được Chúa gọi khác nhau, cũng chẳng có gì là nổi bật, thận chí còn thù địch với Chúa: Isaia, một quí tộc Israel; Phaolô, một người Biệt phái nhiệt thành hăng say bắt bớ các môn đệ Đức Giêsu; và Phêrô cùng các tông đồ đầu tiên, những anh chài lưới tầm thường bên hồ Tibêria. Tuy nhiên qua ơn gọi của các ông, chúng ta cũng nhận ra ơn gọi của mỗi người chúng ta hôm nay, ơn gọi Kitô hữu. Khi nhận lãnh bí tích Thanh Tẩy, không chỉ đơn giản là tin vào Chúa, theo Chúa để trở nên thành viên trong Nước Chúa mà cơ bản đó còn là một ơn gọi để dựng xây Nước Chúa. Nghĩa là cũng như Isaia, cũng như các Tông đồ, cũng như Phaolô, Kitô hữu cũng được mời gọi lên đường loan báo Tin mừng của Chúa đến cho người khác. Kitô hữu cũng chính là những kẻ nhận lãnh sứ mạng đi chài lưới người, đi chinh phục tâm hồn người ta về với Chúa. Xuất thân từ mọi thành phần trong xã hội với nhiều hoàn cảnh, với nhiều khả năng khác nhau, nhưng đều có chung một đức tin, một tình yêu và một ơn gọi, ơn gọi làm Kitô hữu để sống niềm tin vào Thiên Chúa. Thể hiện niềm tin đó qua việc loan báo công trình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em chung quanh.

Kitô hữu là người được gọi để sai đi loan báo; Kitô hữu là các tông đồ của ngày hôm nay. Chúng ta đã ý thức và đón nhận ơn gọi Kitô hữu như thế nào? Hãy tự hỏi lòng mình hôm nay với tư cách Kitô hữu tôi là ai? Tôi đang làm gì để loan báo Tin mừng của Chúa?

Ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi của tình yêu: Nhìn vào các Tông đồ, vào Phaolô hay vào Isaia nếu theo tâm lý bình thường chắc khó mà gọi họ trở nên những cộng sự của mình được vì xem ra chẳng có tài cán hay đức độ gì cả. Thận chí như Phêrô là anh chàng chài lưới quê mùa dốt nát, một Phaolô nhiệt tình bắt đạo là kẻ thù của Kitô Giáo thời các Tông đồ. Thế nhưng, tất cả đều được Chúa tuyển chọn. Vì sao Chúa lại chọn những con người như vậy để sai đi loan báo Tin mừng cứu độ? Không phải vì họ giỏi, không phải vì họ có thế lực cũng không phải vì họ đạo đức thánh thiện hơn những người khác mà chỉ đơn giản là vì Chúa chỉ muốn chọn những ai Chúa muốn. Và Chúa chọn chỉ vì Chúa yêu mà thôi. Chính vì tình yêu mà các ông được chọn. Chúa chọn để minh chứng tình yêu hải hà của người, yêu cả kẻ thù. Với Kitô hữu cũng vậy, được gọi vì yêu và được gọi để sai đi làm nhân chứng và loan báo tình yêu. Ơn gọi Kitô hữu cũng như ơn gọi Tông đồ xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa để ra đi loan báo tình yêu của Người. Một Tình yêu dám chết cho người mình yêu; một tình yêu được thể hiện tròn đầy trong màu nhiệm nhập thể và màu nhiệm Tử Nạn_Phục sinh của Người. Vì yêu, Người đã dám chết cho tội lỗi nhận loại và sống lại để mang lại sự sống, hạnh phúc và tình yêu bất tử cho nhân loại.

Kitô hữu, ơn gọi của tình yêu nên mỗi người trước hết phải khám phá, phải sống huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa để rồi một khi đã được yêu, thì sẽ biết yêu và dám yêu đến cùng. Kiếp sống Kitô hữu không yêu là kiếp sống thừa.

2. Sống ơn gọi Kitô hữu trong hoàn cảnh hôm nay: Giáo Hội Việt Nam qua thư chung của Hội Đồng Giám Mục năm 2003 mời gọi dân Chúa hãy đáp lại lời mời gọi "Ra khơi" của Đức Thánh Cha, qui hướng lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc "Loan báo Tin Mừng". Trong thư chung này Hội Đồng Giám Mục đã trình bày khá chi tiết và rõ nét đường hướng loan báo Tin mừng của cả Giáo Hội Việt Nam cũng như phần việc cụ thể của mỗi Kitô hữu. Sống ơn gọi Kitô hữu ngày nay chính là tìm ra cách thế phù hợp để loan báo Tin mừng. Chúng ta cùng trích một số tư tưởng trong thư chung để suy gẫm, tìm hiểu cách sống ơn gọi Kitô hữu thiết thực và hiệu quả trong bối cảnh hôm nay. Trước hết là hãy trở về với nguồn mạch ơn gọi nơi chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, qua việc bắt chước Người: Noi gương Chúa Giêsu Kitô Chúa Giêsu là sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất … Để rao giảng Tin Mừng, Ngài đã không biết mệt mỏi đi đến khắp mọi nơi, tiếp xúc với tất cả mọi hạng người, thực hiện rất nhiều việc lạ lùng để làm chứng Nước Chúa đã đến. Xác định rao giảng Tin Mừng theo ý Chúa Cha là lẽ sống (x. Mc 1,38; Lc 4,43) nên Ngài hiến trọn cuộc đời, đến tự nguyện hy sinh cả mạng sống, chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thánh Giá để hoàn thành thánh ý Chúa Cha. (TCHĐGMVN, 2003, số 3). Đồng thời, trung thành với truyền thống của Hội Thánh sơ khai. Chúa Giêsu đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 16,15; Mt 28,19-20). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 28,19) đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10, 52). (TCHĐGMVN, 2003, số 4). Từ đó, Hội Đồng Giám Mục đã đề ra những cách thế phù hợp với những cách sống năng động như cầu nguyện. Nêu gương sống lương tâm công giáo. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu. Đăc biệt hãy nêu gương tôn trọng sự sống, tôn trọng phẩm giá con người, sống theo lương tâm ngay thẳng làm chứng về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Thăm viếng thân hữa các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn. Và Làm việc bác ái, việc bác ái cụ thể được thấy qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt. Việc bác ái trong lâu dài phải nhắm đến phát triển toàn diện, giúp người nghèo có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì "Phát triển là tên gọi mới của hòa bình" (x. Progressio Populorum). Những hoạt động xã hội bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận,

III. Lời Cầu Chung

* Lời Mở: Anh chị em thân mến, chúng ta đựơc Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô yêu thương mời gọi và sai đi loan báo Tin mừng của Chúa. Trong niềm vui tri ân, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện chân thành cho Hội Thánh và cho mọi người chúng ta.

1. Ngày nay, sứ mạng Tông đồ được tiếp nối qua các Đức Giám Mục trong Giáo Hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho hàng Giám Mục và cho hàng giáo sĩ luôn hằng say nhiệt thành trong sứ mạng loan báo Tin mừng bằng đời sống yêu thương phục vụ của mình.

2. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta trong năm thánh Truyền Giáo này thu hoạch được một mùa lúa bội thu nhờ ơn Chúa và nhờ lòng nhiệt thành của mọi thành phần dân Chúa nỗ lực sống đức tin.

3. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để trở nên những kẻ chài lưới người, thu phục nhân tâm về cho Chúa, cho Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, mọi nhà trong cộng đoàn chúng ta luôn tràn đầy ơn Chúa để biết sống yêu thương, hiệp nhất làm gương sáng lôi kéo mọi người tìm về với Chúa.

* Kết Nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chọn gọi chúng con trở nên môn đệ của Đức Giêsu Kitô để loan báo Tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con xin Chúa gia tăng ân sủng và nghị lực để ai nấy đều nhiệt thành ra khơi là cho danh Thánh Chúa vinh hiển và nước Chúa ngày càng phát triển. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

home Mục lục Lưu trữ