Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1370470

BỎ THẦY THÌ CHÚNG CON BIẾT THEO AI ?

Bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai?

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

 

Ga 6:60-69: Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”…

Bốn bài giảng liên tiếp về Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đã tạo ra nhiều phản ứng nơi những cử tọa Do Thái.

– Khi Chúa Giêsu tiết lộ cho họ biết Ngài có Bánh hằng sống, ăn vào sẽ không đói khát nữa, họ bèn xin Ngài cho họ thứ bánh đó.

– Tiến thêm một bước, Ngài cho họ biết Bánh đó chính là Ngài từ trời xuống, họ có phản ứng chống lại ngay vì họ cho rằng Ngài chỉ là con ông Giuse, một bác thợ mộc ở Nazareth, làm sao lại có chuyện đó được?

 – Rồi trước lời tuyên bố của Đức Giêsu: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống” thì không những đám dân chúng mà nhiều người trong số các môn đệ đã phản ứng như những người Do Thái: “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi” (Ga 6,60)?

Cho nên nhiều môn đệ, tuy được sống gần Ngài một thời gian, cũng rút lui, từ giã Chúa như Phúc Âm đã ghi lại: “Từ bấy giờ, có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Chúa Giêsu nữa” (Ga 6,66).

Họ đã theo Ngài một thời gian, đã tin, đã trở thành môn đệ, nhưng họ không thể đi tới cùng, vì lời nói của Ngài: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”.

Đứng trước sự tan rã bi đát đó, Chúa Giêsu quay về Nhóm Mười Hai, những người được coi là thân tín nhất, Ngài nói: “Cả chúng con, chúng con có muốn bỏ đi không”?

Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả Nhóm nói lên thái độ của họ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên  Chúa” (Ga 6,70).

Đây là cách Gioan nhắc lại lời của Phêrô tại Xêdarê Philipphê (Mc 8,27; Mt 16,13; Lc 9,18). Chính trong một hoàn cảnh như thế, người ta đã thấy lòng trung thành của Phêrô. Đối với Phêrô, có một điều thật đơn giản là chẳng còn có ai đáng cho ông đi theo hơn là Chúa Giêsu. Với ông, chỉ có Ngài mới có lời đem lại sự sống đời đời.

Lòng trung thành của Phêrô căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều điều Phêrô không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng như bất cứ ai khác. Nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng.

Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai?

Cha Thành Tâm đã suy diễn câu nói bất hủ của thánh Phêrô thành một bài thánh ca:

“Bỏ Ngài con biết theo ai” với những lời lẽ như sau:

– Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cách chim bơ vơ trong khung trời lộng gió.

– Bỏ Ngài con sẽ theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi.

– Bỏ Ngài thì đời con sẽ như một con thuyền lao đao trên biển cả mênh mông.

– Bỏ Ngài con biết theo ai, thuyền buông lái biết trôi về đâu?

– Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ.

– Và bỏ Ngài thì đời con sẽ như một cuộc hành trình cô đơn, buồn bã.

Quả thực, không có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ như một con thuyền lênh đênh trên biển cả. Không có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ cô đơn buồn chán.

Trong lúc cô đơn buồn chán, chúng ta thường chạy đến với người này người nọ, nhưng cũng chẳng giải quyết được gì để rồi cuối cùng đưa chúng ta đến thất vọng. Thất vọng lại càng làm cho chúng ta cô đơn buồn chán hơn.

Chắc chắn chúng ta chúng ta cứ phải loay hoay mãi trong cô đơn, buồn chán và thất vọng

bao lâu chúng ta chưa chạy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thánh Thể.

Nhưng đến với Ngài bằng cách nào đây?

Nói tới đây tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm trong đời sống thiêng liêng: Khi còn ở tiểu chủng viện, trong kỳ hè, được cha linh hướng nhắc nhở. Mỗi ngày phải chầu Thánh Thể ít nhất 30 phút.

Quả thực ban đầu khi bước vào nhà thờ là ngó đồng hồ ngay. 30 phút sao mà nó lâu thế. Rồi cứ thế, kỳ hè qua đi, rồi lại một kỳ hè nữa lại tới.

Cứ cố gắng tập dợt, để rồi tới một ngày nào đó nó đã trở thành những giây phút cần thiết cho cuộc sống. Có lần tự nhiên trước khi đi ngủ sực nhớ lại hình như mình còn quên một điều gì đó, thì ra chính là chưa dành 30 phút trước Chúa Giêsu Thánh Thể.

Nhờ những giây phút như thế tâm hồn tôi luôn được nâng đỡ, ủi an để vượt qua được những quãng đời gian khổ trong cuộc sống.

Ước gì trong cuộc sống, chúng ta luôn lập lại lời của thánh Phêrô:

“Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai?

Vì Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Amen.

 

 

 

 

 

15. Lòng trung thành

(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

 

Mỗi lần tham dự Thánh lễ hôn phối, ta được nghe từng lời của chú rể: Anh… nhận em… làm vợ và hứa sẽ giữ lòng trung thành với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh. Đáp lại, cô dâu cũng nói lên lòng trung thành với chồng của cô.

Lòng trung thành dường như là điều cần thiết cho cuộc sống chung. Trong mọi tương quan, trong mọi bậc sống đều cần lòng trung thành, sự chung thủy với nhau. Bạn bè chơi với nhau cần trung thành để không phản bội nhau. Vợ chồng cần trung thành để không có lỗi với nhau. Thầy trò cần lòng trung thành để gắn bó mật thiết với nhau… Và như vậy, chúng ta thấy lòng chung thủy, sự trung thành luôn là điều mà mọi người chúng ta phải gìn giữ trong mọi mối tương quan với nhau.

Nhưng xem ra xã hội chạy theo lợi nhuận đã khiến con người khó giữ lời hứa trung thành. Vì lợi nhuận có người đã thay đổi công ty mỗi năm vài lần, cho dù đó là những ông chủ đã từng cưu mang họ lúc khó khăn. Bạn bè chơi với nhau ngày hôm nay cũng thế! Rất khó kiếm được bạn tri kỷ như thế hệ cha anh. Họ chơi với nhau nhưng dễ dàng đạp đổ nhau vì cái lợi cá nhân, vì công danh của họ. Ngày hôm nay càng khó kiếm những đứa học trò về thăm thầy cô sau khi công thành danh toại, đôi khi còn phản thầy, phản bạn và vu khống nhau…

Điều báo động là lòng trung thành, sự chung thủy trong hôn nhân hôm nay cũng đang bị phá hủy một cách đáng báo động. Ở những thành phố lớn như Sài Gòn người ta tính cứ 3 đôi kết hôn thì 1 đôi không trung thành với nhau trọn đời. Và theo thống kê tại nơi thử máu AND để xác định cha con ruột với nhau thì cứ 10 trường hợp thì có 3 trường hợp nuôi con hàng xóm…

Quả thực, lòng trung thành nói thì dễ nhưng giữ lại chẳng dễ chút nào. Ngay trong tôn giáo có mấy người thực sự giữ lòng trung thành với Thiên Chúa? Ở Việt Nam vào thập niên 1980-1990 của thế kỷ trước rất nhiều người đã ghi vào lý lịch bản thân là không tôn giáo để tìm kiếm công danh cho dễ. Ở đâu đó ta vẫn thấy người Công Giáo nhưng không trung thành giữ luật Chúa, họ vẫn tham ô, lừa gạt, sống thiếu yêu thương…

Lời Chúa hôm nay, ta cũng nghe lời hết sức tình cảm từ môi miệng của Simon Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Nhưng Phê-rô thực sự đã không giữ lời hứa. Ông đã ngã đi ngã lại tới 3 lần và cuối cùng bỏ chạy biệt tăm trên đường thập giá mà Chúa phải đi một mình!

Cuộc đời mỗi người chúng ta dường như cũng có nét gì đó giống Simon Phêrô xưa. Nói yêu Chúa thì dễ nhưng khi phải làm chứng thì lại chạy xa. Đi lễ thì đông nhưng giữ trọn luật Chúa còn mấy ai? Ngày nay không còn có những cuộc bách hại đạo tàn khốc nhưng cuộc cạnh tranh cơm áo gạo tiền đã khiến bao người đánh mất lòng trung thành với Thiên Chúa. Và lòng trung thành với nhau của vợ chồng, của bạn bè , của đối tác làm ăn càng khó giữ vì lợi nhuận mà người ta dễ dàng phản bội nhau.

Chúa Giêsu hôm nay nói với các môn đệ và cũng là chúng ta muốn trung thành với Chúa và với nhau không thể dựa vào bản thân mà hãy dựa vào chính Chúa. Chính ơn ban của Chúa Cha mới giúp chúng ta sống trung thành với lời hứa. Thế nên, chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình để trông cậy với ơn Chúa. Hãy gia tăng cầu nguyện, hãy phó thác vào Chúa để Ngài nâng đỡ sự yếu đuối của chúng ta và hoàn thiện chúng ta nên tốt hơn.

Xin ơn Chúa giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Chúa và với nhau. Nhất là luôn nhận ra Chúa mới là nguồn sống trường sinh để biết chọn Chúa hơn là của cải trần gian mau qua. Amen.

 

 

 

 

 

16. Trung thành hay phản bội

(Suy niệm của Lm. GB. Văn Hào SDB)

 

Người ta vẫn thường nói, trên đời này không có gì ghê tởm và đáng cho chúng ta khinh bỉ cho bằng sự phản bội. Trò phản thầy. Con cái phản bội công ơn cha mẹ, nhất là vợ chồng phản bội nhau trong nghĩa tình phu thê,.. tất cả đều đáng bị nguyền rủa và coi khinh. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin, đặc biệt trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta cũng có nguy cơ dễ rơi vào sự bội phản này. Lời tuyên tín của thánh Phêrô trong trình thuật tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải luôn canh tân lòng trung thành và bền bỉ theo Chúa Giêsu từng ngày: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)

Nghịch lý của Lời

Sau khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, nhiều môn đệ dị ứng và ngán ngẩm bỏ đi. Có lẽ họ đã theo Chúa một thời gian khá lâu với những động cơ khác nhau, nhưng cuối cùng hầu hết đã thoái lui và đầu hàng vô điều kiện. “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (c.60). Họ bỏ của chạy lấy người, vì không thể chấp nhận nghịch lý theo suy luận tự nhiên nơi đầu óc của họ. Lời Đức Giêsu tuyên bố làm sụp đổ hoàn toàn những toan tính trần thế mà họ vẫn đeo bám khi đến với Đức Giêsu. Quả thật, Đức Giêsu vẫn luôn là một mầu nhiệm ẩn kín và khó hiểu. Mầu nhiệm về Ngài và những lời Ngài nói luôn hàm ngậm một nghịch lý, và cao điểm của nghịch lý này là cái chết trên Thập giá. Một con người mà họ mơ tưởng sẽ trở thành thủ lãnh chính trị, khai lập một vương quốc mới đầy oai phong, lại bị kết án như một tên tội phạm, và bị treo thân cách nhục nhã giống hệt một tên cướp đáng sợ. Một số môn đệ bỏ đi cũng dễ hiểu. Lời Đức Giêsu nói ra nghe thật chói tai và nhức nhối. Giả như chúng ta ở vào hoàn cảnh đó, có lẽ chúng ta cũng sẽ hành xử giống như họ. Khi tuyên bố như thế, ông Giêsu đúng là một con người điên điên khùng khùng chẳng giống ai. Ngay cả các thân nhân đồng hương với Chúa cũng đã có lần phải lắc đầu và ngao ngán thốt lên “Ông ấy đã mất trí rồi” (Mc 3,21).

Nhưng nếu tìm hiểu căn nguyên một cách sâu xa hơn, một số môn đệ bỏ đi, bởi vì họ đã chưa thực sự cắm sâu vào mầu nhiệm Đức Giêsu. Họ chỉ nghe Chúa nói bên ngoài, nhưng bên trong, tâm hồn họ vẫn hoàn toàn đóng khép. Con tim họ chưa mở toang ra để lời Chúa có thể thẩm thấu vào sâu tận nơi con người họ. Thánh Biển Đức cũng dạy các con cái Ngài: “Chúng con phải siêng năng lắng nghe lời Chúa, nhưng không phải nghe với đôi tai của thân xác mà với đôi tai của cõi lòng”.

Tự bản chất, Đức Giêsu chính là Lời hằng sống được hiến trao cho nhân loại. “Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lời Thiên Chúa không phải là một hệ thống những triết ngôn, hay những tư tưởng khuyến thiện để răn đời. Lời Chúa ở trên một mức độ khác cao cả hơn rất nhiều, bởi vì Lời Chúa và duy nhất chỉ có Lời của Thiên Chúa mới đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Đây là lời tuyên tín của Thánh Phêrô, được khởi hứng bởi Thần khí, đồng thời cũng là một mặc khải sâu xa Thiên Chúa ngỏ trao. Những kiến thức khoa học, chúng ta có thể nghiên cứu để sở đắc. Những chân lý triết học, chúng ta có thể dùng lý luận để suy tư. Nhưng lời Chúa không phải là một mớ kiến thức để nhồi nhét, nhằm thỏa mãn sự tò mò nơi đầu óc con người. Muốn đón nhận lời của Chúa để được sống luôn mãi, thái độ căn bản cần phải có chính là “tin” vào Ngài. Trong diễn từ về bánh nơi chương 6 trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu nói khá nhiều về thái độ căn bản này: “Ai tin vào tôi sẽ được sống muôn đời”. Lời khuyến mời của Đức Giêsu cũng tương thích với lời tuyên tín của thánh Phêrô. “Chỉ Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Ăn thịt và uống máu Chúa, cũng như mở lòng đón nhận nhận Lời của Thiên Chúa sẽ được trường sinh. Đây là hai cách thái giống hệt nhau biểu tỏ một thực tại duy nhất: Tin vào Đức Giêsu.

Canh tân lòng trung thành

Lời của Chúa là nghịch lý luôn hàm ngậm mầu nhiệm tự hủy. Thánh giáo phụ Grêgoriô thành Nysse đã quảng diễn nghịch lý đức tin này khi Ngài viết: “Hành trình đức tin của chúng ta đến với Chúa giống như chúng ta đang dấn bước tìm đến một khoảng tối đầy ánh sáng”. Ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, ân sủng và tội lỗi… là những cặp phàm trù tương phản và đối kháng nhau ẩn chứa nơi nghịch lý của Lời, cũng như trong nghịch lý của mầu nhiệm Đức Giêsu. Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta phải liều lĩnh dấn bước vào bóng tối để tiến đến ánh sáng, phải chấp nhận đi qua Thập giá và cái chết để tiến nhận sự sống và vinh quang. Đối diện trước nghịch lý này, chúng ta sẽ phải chạm mặt với những cám dỗ muốn thoái lui và không muốn chấp nhận điều nghịch thường đó.Vì thế, chúng ta cần phải canh tân lòng trung thành mỗi ngày. Đức tin không phải chỉ đón nhận một lần là xong. Thánh Phaolô cũng đã căn dặn giáo đoàn Rôma: “Những người có đức tin vững mạnh phải nâng đỡ những người yếu đuối không có niềm tin vững mạnh” (Rm 15,1).

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã từng cảnh báo chúng ta về ba nguy cơ gây xói mòn đức tin và làm suy giảm căn tính đích thực nơi mọi Kitô hữu, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật (materialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumerism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (secularism). Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in primacy). Điều này ai cũng biết trên lý thuyết, nhưng trong thực tế, chúng ta lại hay sống theo kiểu khác. Khi chúng ta thượng tôn tiền bạc, đặt tiền bạc làm thước đo mọi giá trị theo kiểu sống duy vật, thì đó chính là một sự phản bội. Khi chúng ta chủ trương sống an nhàn với những tiện nghi vật chất để thỏa mãn nhu cầu thể xác theo kiểu sống hưởng thụ, đó cũng là một sự phản bội. Đặc biệt, khi chúng ta mất dần cảm thức linh thánh, không còn thiết tha đến việc cầu nguyện và rơi vào nếp sống tục hóa, thì chắc chắn đó cũng chính là con đường phản bội mà chúng ta đang từ từ đi vào. Chúng ta phải can đảm đạp đổ những “con bò vàng” giống như con bò vàng của những người Do thái năm xưa trong sa mạc Sinai, để từng giờ từng phút, chúng ta luôn lặp lại quyết tâm sống trung thành.

Nguy cơ phản bội

Một đứa bé 12 tuổi ngồi tham dự phiên tòa xét xử vụ án ly dị của bố mẹ, đã viết lại những dòng tâm sự đầy nước mắt sau đây:

“Con nhớ mãi buổi chiều thu ấy, lá rơi nhiều. Bên ngoài trời mưa tầm tã. Bố đến hôn con, một nụ hôn cay đắng và nghiệt ngã. Tâm hồn con tan nát và chết lặng.

Bố ơi, sao bố dùng cái hôn ấy để xé nát gia đình chúng ta. Sao bố dùng nụ hôn giả dối ấy để trao cho con thay vì hôn trên đôi môi của mẹ. Chữ ký ngày xưa trên bàn thờ Chúa ngày bố mẹ thành hôn nay trở thành những nét chữ không hồn.

Mẹ ơi, sao mẹ không đến nhận nụ hôn thay cho con, nụ hôn ngày xưa mẹ đã hạnh phúc lãnh nhận trước bàn thờ Chúa. Sao mẹ vẫn lạnh lùng đứng đó như một kẻ xa lạ nhìn bố hôn con, một nụ hôn như mũi dao nhọn đâm nát trái tim bé bỏng nơi con.

Bố ơi, mẹ ơi, con phải trung thành với ai đây khi con sẽ đứng nhìn những nụ hôn bố trao cho mẹ ghẻ, mẹ sẽ trao cho một người đàn ông khác hoàn toàn xa lạ.

Chúa ơi, con còn quá nhỏ bé, sao Chúa để con phải nhận những nụ hôn Giuđa này?

Đúng vậy, trên đời này không có gì đáng chúng ta ghê tởm cho bằng sự phản bội.

Nhưng, những nụ hôn Giuđa hình như vẫn đang được lặp lại trong cuộc sống mỗi người chúng ta, qua nhiều dạng thức khác nhau, đặc biệt trong đời sống đức tin, nhất là trong đời sống thánh hiến.

Kết luận

Cha Matthêu King, một linh mục dòng Salêdiêng DonBosco đã qua đời cách đây hơn 7 năm. Ngài được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời sang Rôma để làm cố vấn đặc biệt cho giáo triều về những vấn đề của Trung quốc. Trong những năm tháng cuối đời nằm trên giường bệnh quặn đau với căn bệnh ung thư, Ngài vẫn thường nói: “Tôi luôn cám ơn Chúa về ba hồng ân Chúa đã ban cho tôi. Trước hết, tôi được biết Chúa và trở nên môn đệ Đức Giêsu ngày tôi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Thứ đến, Chúa đã chọn tôi trong ơn gọi Salêdiêng và trở nên một linh mục phục vụ Giáo hội. Cuối cùng, Chúa đã gửi đến cho tôi căn bệnh đau đớn này để tôi được thông dự vào những khổ đau với Chúa Giêsu trên Thánh giá. Tôi luôn cảm tạ Chúa vì ba ân huệ quý giá này”. Ngài cũng luôn nói với những ai đến thăm Ngài: “Xin anh em cầu nguyện cho tôi, để tôi được mãi trung thành”.

Đức tin không phải chiếm được một lần là xong. Chúng ta còn phải chiến đấu mãi, phải luôn bươn chải mãi, để với ơn Chúa, chúng ta có thể trung thành đến cùng.

 

 

 

 

 

17. Bỏ Thầy, Con Sẽ Theo Ai?

(Suy niệm của Lm. Trần Bình Trọng)

 

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn: hoặc chấp nhận hay khước từ ơn Chúa. Sau khi chu toàn sứ mệnh Môsê trao phó để đưa dân Chúa chọn vào miền đất hứa, ông Giôsuê đã triệu tập các vị đại diện dân chúng tại Si-khem để khẳng định lại niềm tin vào Chúa. Ông nói với họ rằng: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Thiên Chúa (Gs 24:15). Dân Ít-ra-en cũng đã lựa chọn. Họ quyết định phụng thờ Thiên Chúa vì Người đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai cập, đã làm những việc kỳ diệu và dẫn đưa họ vào miền đất hứa.

Tuy nhiên khi gặp khó khăn và thử thách trong sa mạc, họ lại bất trung, phản nghịch cùng Chúa. Và mỗi lần họ ăn năn sám hối thì Chúa lại giang tay đón nhận họ trở về với lòng bao dung tha thứ. Trong Phúc âm tuần trước, Đức Giêsu dạy họ về việc ăn bánh hằng sống là thịt và uống máu Người thì mới có sự sống muôn đời. Người Do thái liền tranh luận hỏi nhau: làm sao ông này có thể cho họ ăn thịt Người được (Ga 6:52)?

Lớp thính giả thứ hai trong Phúc âm hôm nay là các môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy về việc ăn thịt và uống máu Người để được sống muôn đời, cũng lẩm bẩm cho rằng lời nói thật là chướng tai (Ga 6:60). Và theo Phúc âm thuật lại: Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa (Ga 6:66). Từ ngữ môn đệ được hiểu là người theo Đức Giêsu và con số được ghi là bảy mươi hai môn đệ. Và khi có những môn đệ bỏ cuộc, Đức Giêsu không ngạc nhiên, cũng không buồn giận, và không thay đổi lập trường. Người không giải thích, cũng không rút lại lời giảng dạy để mong bắt được mẻ cá lớn là các môn đệ.

Đến lượt lớp thính giả thứ ba là các tông đồ thì Đức Giêsu còn thách đố các ông thêm nữa. Người đòi hỏi nơi các tông đồ một đức tin không dè dặt, không lưỡng lự. Đức Giêsu gần làm hoảng hồn các tông đồ, khi Người hỏi thêm các ông: Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi không (Ga 6:67)? Hoặc ở lại hay bỏ đi, một câu hỏi mà họ không thể nào tránh né được. Để trả lời câu hỏi, ông Phêrô tiến lên, đóng vai trò lãnh đạo, đáp lại: Thưa Thầy, nếu bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Ông muốn nói là không có ai khác để mà theo cả. Đức Giêsu đòi hỏi một quyết định nơi các tông đồ. Và Người đã nhận được lời cam kết của thánh Phêrô. Một lời cam kết đã làm tiêu tan những nghi ngờ của các tông đồ khác.

Cũng vậy, tất cả những người đã quyết định theo Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều phải đương đầu với những thử thách về đức tin. Hằng ngày ta gặp nhiều cám dỗ để chối bỏ đức tin công giáo tông truyền. Ta gặp nhiều tiếng gọi dụ dỗ bảo ta điều gì phải tin, điều gì không cần tin, việc gì phải làm, việc gì không nên làm, điều gì cần phải được xét lại. Ta bị cám dỗ để giữ đạo theo xu hướng nhất thời, tuỳ theo hứng khởi: vui thì đi lễ thờ phượng, không thì ở nhà. Ta bị cám dỗ chỉ giữ đạo nếu Giáo hội thay đổi lập trường về một vài nguyên tắc luân lý nào đó, nếu Giáo hội chiều theo ước muốn của ta.

Ta bị cám dỗ chối bỏ đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh thể vì không hiểu sao bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép vẫn giống bánh rượu trước khi truyền phép? Và đó chính là mầu nhiệm trong đạo mà loài người không thể dùng lí trí để giải thích và hiểu được. Nếu người ta có thể hiểu được mầu nhiệm trong đạo, thì cái được gọi là mầu nhiệm, không còn phải là mầu nhiệm nữa, mà chỉ là một triết thuyết hay một hệ thống khoa học. Vì thế mầu nhiệm vẫn mãi mãi là mầu nhiệm, nếu không thì đức tin không còn phải là đức tin nữa, mà chỉ là sự hiểu biết thôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu, tại sao lại tin? Tin là chấp nhận dựa trên lời nói hay thế giá của người khác. Các tông đồ không hiểu, nhưng vẫn tin vì dựa trên lời nói của Thầy mình.

Khi cảm thấy khó chấp nhận về đường lối giáo huấn chính thức của Giáo hội, là phản ảnh của đường lối Phúc âm, về một vài vấn đề như tính dục, ly dị, phá thai…, đó là lúc mà câu hỏi Chúa đặt ra cho các tông đồ sẽ lại vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn lìa bỏ Giáo hội mà Thầy đã thiết lập trên nền tảng các tông đồ không? Khi bất đồng ý kiến với Giáo hội về một số chính sách của Toà Thánh Vatican, đó là lúc mà một câu hỏi tương tự sẽ vọng lên bên tai ta: Còn con, con có muốn chấp nhận đường lối của Giáo hội mà Thầy thiết lập không? Khi thấy những gương xấu xẩy ra ngay trong hàng giáo sĩ, câu hỏi khác sẽ vọng lên: Còn con, con có muốn ở lại trong Giáo hội để cầu nguyện và xây dựng Giáo hội của Thầy không?

Khi phải đối chất với những lời giảng dậy chướng tai (Ga 6:60) trong đạo, hoặc giáo lí khó khăn của đạo thì người theo đạo nửa mùa, hoặc mạo nhận theo đạo, toan cắt nghĩa sao cho phiên phiến đi, để cho trở nên dễ dãi, hoặc thay đổi lẽ đạo sao cho phù hợp với ước muốn và quan niệm của họ cũng như của quần chúng. Thính giả trong Phúc âm hôm nay hiểu rõ lời Đức Giêsu giảng dạy, hiểu ý Người muốn nói gì nên mới cho là chướng tai đấy. Vậy mà Chúa cũng không cải chính về sự chướng tai đó đâu. Họ hiểu Chúa không nói đến việc ăn thịt và uống máu theo nghĩa tượng trưng thôi đâu. Khi cảm thấy Chúa mà mình tôn thờ, sao mà khó thế nếu so sánh với những chúa và thần của những đạo khác, đó là lúc mà câu hỏi giả sử của ông Giôsuê cũng vọng bên tai ta: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ (Js 24:15).

Phúc thay cho những gia đình, cộng đoàn giáo xứ và trong Giáo hội mà có được những người nói được những lời bất hủ để bầy tỏ đức tin quả quyết như Thánh Phêrô và ông Giôsuê hầu giúp củng cố đức tin của người khác trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ và trong cả Giáo hội.

Lời cầu nguyện xin cho được giữ vững niềm tin vào Bí tích Thánh Thể:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể.

Con xin cảm tạ Chúa đã lập Phép Thánh Thể

để làm của ăn uống thiêng liêng cho loài người.

Xin Chúa làm no thoả những đói khát của con

khi con lãnh nhận Mình Thánh Chúa

Và xin cho con giữ vững lời Chúa.

Đừng để con nghe theo lời quyến rũ rỉ tai

mà chối bỏ đức tin và xa lìa Chúa. Amen.

 

 

 

 

 

18. Lạy Thầy, chỉ Thầy mới có Lời Hằng Sống – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

 

Lịch sử ca tụng Hội nghị Diên Hồng thời vua Trần nhân Tông. Vua đặt ra trước mắt toàn thể bô lão, khanh tướng và dân chúng một sự lựa chọn quyết liệt: Nên hòa hay chiến? Toàn dân hô: Chiến, chiến, chiến. Nhờ đó đã tạo được một sự đoàn kết có một sức mạnh phi thường, đã đánh bại quân Mông Cổ hùng mạnh đã từng bách chiến bách thắng chiếm cả Châu Á và một nửa Châu Âu, thống trị nước Tầu vĩ đại, còn muốn xơi ngon nước Việt nhỏ bé.

Cách đây gần ba ngàn năm, Giosuê đã bảo toàn dân phải dứt khoát chọn lựa: Hôm nay các ngươi hãy chọn hoặc thờ các thần, hoặc thờ Thiên Chúa. Còn tôi và gia đình, chúng tôi chọn thờ Thiên Chúa. Toàn dân thưa: Không đời nào chúng tôi bỏ Thiên Chúa mà đi thờ các thần khác. Vì Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã đưa chúng tôi và cha ông chúng tôi khỏi nô lệ Ai cập, chính Người đã thực hiện trước mắt chúng tôi những dấu lạ vĩ đại, gìn giữ chúng tôi trên khắp nẻo đường.

Vinh phúc cho dân Do thái thời Giosuê và cho dân Việt thời vua Trần nhân Tông đã biết chọn lựa đúng, nên đã cứu cả dân tộc thoát khỏi nô lệ và khỏi chết nhục nhã.

Đức Giêsu từ trời xuống thế, đã ban phát một của ăn nuôi sống đời đời. Phúc cho ai biết chọn lấy lương thực trường sinh ấy, họ sẽ được sống vinh phúc đời đời.

Để người ta chọn đúng, Đức Giêsu đã phân biệt cho họ biết đâu là của ăn hư nát, đâu là của ăn hằng sống. Người Do thái chỉ biết có hai loại của ăn: một là loại của ăn hằng ngày, hai là loại của ăn lạ thường. Của ăn thường ngày là do hoa mầu ruộng đất và lao công loài người gieo trồng, chăm bón, chăn nuôi để nuôi sống thể xác. Để có của ăn này, con người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, tận tâm, tận lực làm việc cực khổ hơn muôn loài mới có của ăn. Nhưng dù có ăn bao nhiêu vẫn còn đói. Họ rất sợ đói. Cái đói đã giết chết hàng triệu người trên thế giới này, mặc dầu Thiên Chúa quan phòng đã dựng nên một vũ trụ phong phú cho loài người. Nếu họ biết khai thác, phát triển và chia sẻ cho nhau, thì chắc chắn chẳng ai bị chết đói. Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta đã đổ hàng triệu tấn lương thực xuống biển, trong khi đó có hàng triệu người chết đói. Ở Việt Nam cũng có gần triệu người miền Bắc chết đói, lúc đó ở miền Nam, Phát xít Nhật đốt cháy hàng ngàn tấn lúa gạo.

Của ăn lạ thường do Thiên Chúa làm phép lạ như man-na hay bánh hóa nhiều trong những trường hợp đặc biệt. Bánh man-na đã được Thiên Chúa ban cho tổ tiên Do thái xưa đã biết nghe lời Chúa, từ bỏ Ai Cập, vượt qua sa mạc, trở về Đất Hứa để tôn thờ Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng ban bánh hóa ra nhiều cho cả chục ngàn người ăn, vì họ đã sẵn sàng chịu đói để kiên trì theo Chúa đến nơi hoang vắng nhiều ngày.

Người Do thái đã kêu xin Chúa ban cho họ hai thứ của ăn đó, để họ không còn đói, và khỏi phải khổ cực làm ăn. Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho họ thấy: Đó là của ăn hay hư nát. Họ ăn bao nhiêu vẫn còn đói và còn chết, như cha ông họ đã ăn man-na và đã chết.

Đức Giêsu muốn ban cho họ thứ của ăn hằng sống: Đó là lời hằng sống và bánh hằng sống. Lời hằng sống là những giới răn giáo dục con người yêu mến Thiên Chúa, yêu thương nhau và xây dựng đời sống con người tồn tại vĩnh cửu như xây nhà trên đá. Muốn nên người, con cái cần cha mẹ dạy dỗ như thế nào, thì muốn trở nên con Thiên Chúa hằng sống, con người rất cần lời Chúa dạy dỗ như vậy.

Lời hằng sống là hạnh phúc trường sinh khi con người thực hiện được tám mối phúc thật. Lời hằng sống mặc khải cho ta thấy những mầu nhiệm Nước Trời vinh quang, như tiệc cưới hoàng tử, thấy Nước Trời phát triển mạnh mẽ như hạt cải nhỏ bé mọc lên thành cây lớn cho muôn chim trời trú ẩn, thấy tình thương vô biên của Thiên Chúa như người cha hiền đón mừng đứa con phung phá, như mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc, như người bạn thí mạng sống cho người mình yêu.

Lời hằng sống còn biểu lộ bằng hành động ban sự sống. Đức Giêsu chỉ phán một lời bão biển phải im lặng để cứu sống các môn đệ. Người chỉ phán một lời, hàng đoàn quỷ phải xuất ra khỏi con người và nhào xuống biển chết. Người chỉ phán một lời đem sự sống cho bao nhiêu bệnh nhân, tội nhân và kẻ chết.

Lời Người đã làm cho nước biến thành rượu, bánh hóa nhiều và nhất là bánh rượu trở nên Mình Máu Người để nuôi sống các linh hồn muôn thuở.

Tại sao lời Đức Giêsu có sức sống quyền năng vô cùng như thế? Người đã giải thích: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và Sự sống”. Lời Người bởi chính tim, óc, máu, thịt Người, bởi Ngôi Lời từ trời xuống. Lời hằng sống đó là tiếng hô hào vang dội dọn đường trực tiếp đón rước Người: “Kẻ ăn Tôi sẽ sống nhờ Tôi, cũng như Tôi sống nhờ Cha Tôi là Đấng Hằng Sống… Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời… Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống”.

Dù Đức Giêsu đã thương yêu họ, ban cho họ lời hằng sống và Bánh hằng sống, để làm của nuôi sống họ đời đời, nhưng người Do thái chưa có kinh nghiệm gì về Lời Hằng Sống và Bánh Hằng Sống. Họ chỉ biết có hai thứ bánh là của ăn hằng ngày và bánh như man-na và bánh hóa nhiều. Cho nên, ngay từ đầu Đức Giêsu đòi họ phải tin vào Người: “Việc của Thiên Chúa muốn cho các ông làm là tin vào Đấng Ngài sai đến” (Ga 6,29). Vì thế bắt buộc con người phải lựa chọn, phải tỏ lập trường: tin theo Đức Giêsu hoặc không tin và bỏ đi.

“Cả anh em nữa, cũng muốn bỏ đi sao?”. Một câu hỏi dứt khoát quyết liệt, không phải thách đố, nhưng có mục đích làm sống lại sự cương quyết của bản thân mỗi người phải cam kết gắn bó với Đức Giêsu. Bởi bài giảng này mặc khải về phép Thánh Thể là một hồng ân đặc biệt của Đức Giêsu về bánh hằng sống: Bánh Thịt Máu Người từ trời xuống. Loài người không thể nào cứ sống theo lối sống vật chất hay hư nát, Đức Giêsu nhất quyết nâng con người lên tầm mức siêu việt theo lối sống con cái Thiên Chúa. Vì thế mỗi người phải tự quyết định lấy một là tin vào Đức Giêsu để được sống vinh phúc muôn đời, hai là bỏ đi sống theo lối xác thịt hư nát để phải chết đời đời.

Trước giờ phút long trọng cam kết và quyết liệt này nhiều người đã bỏ đi, Đức Giêsu nhìn sang nhóm mười hai hỏi: “Cả anh em nữa, cũng bỏ đi sao?”. Bầu khí thật ngột ngạt, nặng nề. Nhưng hạnh phúc thay cho Phêrô, ông đã đại diện cho anh em quả quyết đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai bây giờ? Thầy mới có lời hằng sống. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Trước mỗi Thánh lễ, chúng ta cũng được nghe lời hằng sống của Chúa, lời đó cũng hỏi mỗi người chúng ta: Cả anh chị em nữa, cũng muốn bỏ đi hay sao? Nhiều người đã bỏ đi, không muốn đi dâng lễ. Một số người đã đến nghe lời Chúa, nhưng có tin và sống thực thi lời Chúa, hay cũng như dân Do thái thấy chướng tai rồi bỏ đi?

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết quyết tâm mau mắn đáp như thánh Phêrô, và bước lên cung thánh đón rước bánh hằng sống để chúng ta được sống muôn đời.

 

 

 

 

 

19. Bỏ Thầy con biết theo ai? – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

 

Trong cuốn Eucharistic Miracles của Carroll Cruz có viết một tích truyện về Bí tích Thánh Thể như sau:

Năm 700, tại tu viện Thánh Lougino ở Lanciano bên Italia, có một linh mục tên là Basilio hoài nghi về mầu nhiệm Chúa hiện diện trong hình bánh rượu. Chúa đã làm phép lạ cả thể còn được lưu niệm cho đến ngày nay, như một minh chứng vĩ đại về Phép Thánh Thể, được gọi là phép lạ Lanciano.

Vừa khi linh mục ấy truyền phép, bánh đã trở nên thịt và rượu đã trở nên máu. Thịt Máu Chúa đó còn được cô đọng đến ngày nay. Năm 1713 bửu Huyết Chúa đã được lưu giữ trong Hào Quang quí giá gọi là Hào Quang phép lạ Thánh Thể Lanciano. Năm 1971, cuộc khảo cứu khoa học đã cho biết Thịt đó là một thớ thịt từ trái tim, và Máu đỏ là máu của con người, thuộc nhóm máu AB (vết máu trên chiếc khăn liệm Turin cũng thuộc nhóm máu AB).

Ngày nay, Thịt và Máu Chúa hiện đang được lưu giữ trong nhà thờ thánh Phanxicô, là trung tâm hành hương nổi tiếng của cả thế giới.

****

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy các môn đệ cũng rơi vào kinh nghiệm khủng hoảng đức tin ấy. Khi Ðức Giêsu tuyên bố, Người sẽ hiến chính thịt máu mình cho họ ăn, thì lập tức nhiều môn đệ đã phản ứng lại: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60). Thánh Gioan còn ghi lại: “Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa” (Ga 6,66). Họ đã theo Người một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ. Nhưng họ không thể đi tới cùng.

Tận hiến cho Ðức Kitô không phải là sự lựa chọn một lần, đó là thách thức từng ngày. Trở nên một tín hữu Kitô không là bảo đảm sẽ trung tín đến cùng. Bước theo Ðức Giêsu là bước vào một cuộc mạo hiểm: mạo hiểm của tình yêu, mạo hiểm của lòng tin. Ðã có những môn đệ không tin và bỏ đi. Ngay trong nhóm ở lại, cũng có kẻ không theo được tới cùng.

Tạo sao nhóm thứ nhất bỏ đi, còn nhóm thứ hai lại trung kiên đến cùng? Tại sao nhóm thứ nhất thất bại, còn nhóm thứ hai lại thành công? Có thể nói “để khỏi bỏ cuộc, người ta cần phải bỏ mình”. Ðể theo Ðức Giêsu, cần phải chú tâm đến Người hơn là bận tâm về chính mình. Thánh Phêrô đã làm được điều đó khi Ngài nói: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai?”. (Ga 6,68)

Ðứng trước lời tuyên bố của Ðức Giêsu xem ra có vẻ “chói tai” thì Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai vẫn không tỏ ra nao núng, vì ngài chỉ nhìn thẳng vào Ðức Giêsu.

Ðứng trước cuộc thử thách, ngài vẫn một niềm tin tưởng, vì ngài chỉ chú tâm vào Chúa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 6,69).

Trái lại, nhóm thứ nhất sở dĩ bỏ cuộc, vì họ chỉ loay hoay bận tâm với những ý nghĩ của mình: “Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?” (Ga 6,52).

Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những giây phút thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ làm ta bỏ cuộc. Hãy đưa mắt nhìn vào Chúa, hãy xác tín lại niềm tin vào Người như Thánh Phêrô đã làm:

****

Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời. Chúng con tin… Người là Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Amen.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ