Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 87

Tổng truy cập: 1366345

BỐ THÍ

Bố thí – Lm. Vũ Đình Tường

 

Nói đến bố thí người ta nghĩ ngay đến cho đi những gì thuộc về vật chất như: tiền bạc, cơm ăn, áo mặc.

Xin ông bà làm ơn, làm phước cho con xin đồng tiền bát gạo.

Câu xin này khiến chúng ta liên tưởng đến của cải, vật chất khi bố thí. Thực ra việc bố thí bao la hơn câu trên. Bản chất của bố thí là cho đi với lòng yêu mến, vì chạnh lòng thương. Cho vì thương người nghèo khó, túng quẫn. Cho vì lòng mến Chúa thương tha nhân. Cho bao gồm của cải, vật chất, nhà cửa, ruộng vườn, việc làm, thời giờ, sự hiểu biết, tinh thần hoặc ngay cả tình yêu.

CHO HAY BIẾU

Tùy theo đối tượng nhận mà việc cho mang tên thích hợp. Cha mẹ để ruộng vườn, tài sản cho con cái gọi là đất hương hỏa. Con cho cha mẹ thì thành của biếu. Cùng một món quà nếu vua cho dân gọi là lộc vua; dân cho vua phải gọi là tiến vua; bạn bè cho nhau thành quà tặng; giầu cho nghèo biến thành bố thí; giáo dân cho Giáo Hội là dâng cúng. Giáo Hội cho giáo dân là ban ơn. Mang hoa cho Đức Mẹ gọi là dâng, tiến hoa. Cho tiền xây cất tượng đài hay thánh đường gọi là ủng hộ. Bỏ tài lực và công sức phục vụ coi là hy sinh.

CÁCH NHÌN KHÁC NHAU

Phúc âm nhắc việc bà góa bỏ tiền vào nhà thờ. Có hai cách nhìn khác nhau. Ta nhìn bên ngoài để nhận định sự việc. Chúa đánh giá tấm lòng bên trong. Ta nhìn giá trị vật chất đo lường lòng hảo tâm người cho. Chúa nhìn vào giá trị sâu thẳm trong tâm hồn để định lượng sự việc. Ta nhìn vào số tiền dâng cúng đem lòng kính trọng. Chúa nhìn vào tình yêu, lòng mến tỏ lòng quý mến.

‘Lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền. Bà góa nghèo bỏ hai đồng. Chúa khen bà: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Vì mọi người lấy tiền dư bạc thừa của họ và đem bỏ vào đó, còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.’

Chúa nhìn thấy nội tâm còn chúng ta làm sao biết được lòng người. Chấp nhận lập luận này đồng nghĩa với chấp nhận tránh phán đoán vì không rõ lòng người. Với Chúa kẻ bố thí nhiều không phải là cho nhiều tiền mà cho với nhiều tâm tình. Tâm tình đó đến từ lòng mến, chân thành. Chúa khen bà góa vì bà cho của túng thiếu, tiền dùng mua cơm chiều nay nhưng bà dốc cạn túi dâng cúng.

BỐ THÍ ÂM THẦM

Có nơi vì mong đạt mục đích muốn thực hiện hoặc do quá sốt sắng biến vật chất thành chính, tâm tình hiến dâng thành phụ. Dùng Danh Cha làm sáng danh con. Xấp bạc biến người đó thành ân nhân ưu hạng của cộng đoàn dân Chúa. Ân nhân loại cao cấp được thưởng ba hồi chuông trong ngày lễ an táng, trọn đời hưởng lễ đặc biệt dành cho. Nên nhớ lời Chúa hứa chắc chắn hơn ngàn lần lời cha hứa. Chúa dậy khi làm phúc bố thí đừng khua chiêng gõ mõ. Trong khi đó cha nêu danh cho bá tánh biết để noi gương. Lời hứa khó thực hiện. Khi cha xứ đổi đi nơi khác bàn giao ‘ân nhân’ cho người thừa kế dù người này không hứa. Đôi khi không bàn giao lời hứa. Chúa không bao giờ nuốt lời hứa nhưng cha hứa đôi khi phải xét lại vì cha cũng có tính mau quên.

Chúa hứa dù cho một chén nước Ngài cũng không quên. Xin nhớ câu tiếp theo ‘vì Danh Chúa’. Bố thí vì Danh Chúa sẽ không bị lãng quên, nhưng bố thí cho danh con cả sáng, sổ vàng ân nhân thì lại khác vì đã được đồng đạo ca tụng ban khen.

‘Vậy khi bố thí, đừng có khua chiên đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em’. Mt 6,1-4.

Cần nơi thờ phượng khang trang sạch sẽ là điều tốt. Nhà của Chúa nên phải coi trọng. Còn Đền Thờ Chúa Thánh Thần thì sao? Cũng phải coi trọng. Anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần vì thế mà việc bố thí cho kẻ đói ăn, khát uống, lạnh cho áo mặc, rét run sưởi cho ấm, cô đơn đến ngồi bên, bệnh tật cho thuốc uống, quan trọng ngang với xây dựng nhà Chúa. Nhà Chúa nguy nga phản lại đền thờ Chúa Thánh Thần rách nát. Hãy chăm sóc đền thờ sống động nhiều hơn, quan tâm đến đền thờ biết đi, biết xin, biết đói, biết khổ nhiều hơn vì điều đó làm đẹp lòng Chúa. Ngày phán xét Chúa cũng chỉ hỏi có bấy nhiêu.

Hy sinh mong được tiếng sẽ mất tiếng. Hy sinh không cần tiếng lại nổi tiếng. Đó là trường hợp của Thánh Phanxicô thành Assissi, của Vinh Sơn Đệ Phaolô, của Mẹ Têrêsa thành Calcuta, Mary Mc Killop của Úc. Tất cả đều cho đi trong âm thầm khi chết người vang lời ca tụng.

Không ai phủ nhận cho đi là cách làm giầu tốt nhất. Nhưng phải cho đi theo tinh thần của bà góa cho tiên tri Elia (1V 17,10-16) miếng bánh. Đây chính là đền thờ sống động. Cho đi trong tinh thần bà góa Chúa nhắc đến trong phúc âm Mc 12,41-44. Đây chính là đền thờ gỗ đá, nhà Chúa. Cả hai đều tốt vì cả hai đều làm âm thầm, khiêm nhường và yêu mến.

 

 

 

 

 

22. Quy luật của sự sống là nhận và trao

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

 

Ba bài đọc hôm nay đều đề cập đến vấn đề trao ban.

Đang lom khom kiếm củi, bà goá Sarepta gặp ông khách bộ hành xin nước. Trong cơn đại hạn, một giọt nước quý như vàng. Thế mà bà không tiếc những giọt nước trong mát đang cần cho cơ thể mình giữa cơn nắng cháy. Bà vui lòng đem vò nước lại cho người qua đường không quen biết.

Đã uống cạn vò nước, người bộ hành lại xin ăn.

Bà goá trả lời: “Tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi bữa cuối cùng. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.”

Nhưng rồi không cầm lòng được, bà đã lượm củi, lấy chút dầu và bột cuối cùng của gia đình, làm bánh cho người khách lạ ăn. (bài đọc I Vua 17,10-16)

Và thế rồi, hũ bột sẽ không vơi, bình dầu không cạn cho đến ngày mưa xuống dồi dào cho hoa màu tốt tươi.

Lại một bà goá khác trong đền thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giêsu. Bà chỉ có hai đồng tiền kẽm, giá trị chỉ bằng một phần tư đồng xu Rô-ma, là tất cả gia sản của mình. Bà đã quảng đại bỏ vào hòm dâng cúng đền thờ. Vì lợi ích chung, bà cống hiến tất cả những gì cần thiết để nuôi sống mình. (bài Tin Mừng Mc 12,44)

Thư Do-Thái hôm nay lại đề cập đến một Vị Thượng Tế cao cả là Đức Kitô, không chỉ trao ban những gì mình có, mà còn trao ban cả bản thân, trao ban đến giọt máu cuối cùng, “tự hiến tế chính mình để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (thư Do-Thái 9,28)

Hiến trao là quy luật Thiên Chúa truyền ban để duy trì sự sống cho con người.

Thánh Phan-xi-cô At-xi-di xác nhận chân lý này: “Chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh, chính khi quên mình là lúc nhận lại bản thân.”

Nhưng có người chủ trương ngược lại:

Dại gì tôi phải cho, dại gì phải hiến mình làm thân trâu ngựa cho người khác được nhờ! Đối với tôi, sống là thu vén, là tận hưởng những công lao và thành quả của người khác cũng như của tôi. Của tôi, tôi hưởng tôi xài; đèn nhà ai nấy sáng, việc gì phải cống hiến, phải trao ban!.

Chủ trương như thế là “bế môn toả cảng”, là cắt đứt tương quan với tha nhân, đồng nghĩa với tự huỷ diệt.

Trái tim của chúng ta luôn biết trao ban. Trái tim nhận máu rồi thì nó liền trao ban cho toàn thân. Nhờ đó, toàn cơ thể được sống. Ngày nào trái tim ngừng trao ban, đó là tim đứng và toàn thân phải chết.

Hai lá phổi của chúng ta cũng không ngừng trao ban. Chúng liên tục tiếp nhận khí trời rồi chuyển đến cho toàn thân được sống. Ngày nào phổi ngừng trao ban là ngày phổi bệnh và toàn thân phải chết.

Bao tử, ruột non, ruột già trong con người chúng ta cũng không ngừng trao ban. Mỗi khi nhận được thức ăn từ ngoài đưa vào, nó ra công chuyển hoá thành chất dinh dưỡng rồi chuyển đi nuôi toàn thân, nhờ đó toàn thân được lớn lên và mạnh sức. Ngày nào chúng ngừng trao ban, là ngày hệ tiêu hoá lâm trọng bệnh và toàn thân phải chết.

Các tế bào cần trao đổi chất dinh dưỡng cho nhau để duy trì sự sống cho mình. Các cơ quan như tim, phổi, ruột gan.. cũng phải trao đổi những gì chúng nhận được để duy trì sự sống cho mình và cho toàn thân.

Cuộc sống của các thành viên trong gia đình được phát huy và tồn tại cũng hệ tại ở việc nhận và trao.

Cuộc sống của cộng đồng quốc gia được phát huy và tồn tại cũng nhờ tinh thần tương thân tương ái.

Cuộc sống của cả nhân loại cũng đặt nền trên nguyên tắc mình sống cho mọi người và rồi mọi người sống cho mình.

Mỗi cá nhân là một tế bào làm nên một Thân Thể lớn lao là nhân loại nên nó phải trao đổi với tha nhân. Nhận và trao là quy luật sinh tồn.

* * *

Ở Israen có hai biển hồ lớn: một là biển hồ Galilê, hai là biển chết.

Biển hồ Galilê nằm phía bắc nước Do-thái, nó luôn luôn tiếp nhận nước từ sông Jordanô và sau đó cho chảy thoát ra phía hạ lưu, luôn trao ban những gì vừa nhận được. Nhờ đó, dòng nước luôn luôn trong lành, trở nên môi trường sống lành mạnh cho bao loài tôm cá, cung cấp nước uống cho cư dân quanh vùng, tưới xanh những cánh đồng và vườn cây ăn trái, nhiều người đến dựng nhà lập nghiệp quanh bờ của nó, thuyền bè tấp nập trên các bến cảng của nó. Nó đem lại phì nhiêu và sức sống cho đất cằn, đem lại ấm no, hạnh phúc và nguồn vui cho bao triệu người qua các thời đại. Chính Chúa Giêsu cũng thường lui tới rao giảng Tin Mừng nơi đây.

Nhưng cách đó không bao xa, về phía nam nước Do-thái cũng có một biển hồ lớn được gọi tên là Biển Chết. Nó là biển chết vì nó cũng nhận nước từ dòng sông Jordanô như biển hồ Galilê, nhưng nó cứ khư khư giữ lại cho mình, không ban phát cho ai, không cho chảy đi đâu cả. Vì thế, nước của nó trở thành nước độc, nó mặn đến độ không sinh vật nào sống được. Chung quanh biển này, không nhà cửa, không cây cối, không sinh vật nào có thể lập cư…

(dựa vào tập sách Lẽ Sống)

* * *

Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận được tất cả từ nơi Chúa và tha nhân, vậy mà con muốn nắm ghì thật chặt cho riêng mình.

Nếu ai cũng ích kỷ như con, chỉ biết khư khư giữ chặt mọi thứ cho mình mà không biết mở tay chia sẻ, thì nhân loại sẽ như ra sao?

Xin cho con nhận ra rằng: Sống là sống với, sống là trao đổi, là nhận và trao. Dù có nghèo tiền, con cũng còn nhiều thứ khác để cống hiến, trao ban.

Xin đừng để con trở thành biển chết.

 

 

 

 

 

23. Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

 

Chúa Giêsu quan sát những người bỏ tiền dâng cúng cho đền thờ. Người thấy có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo bỏ vào hòm tiền hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để nuôi thân. Lễ vật của bà tuy bé mọn nhưng gói ghém rất nhiều tình yêu. Chính vì thế, Chúa Giêsu cho rằng bà goá này đã dâng cho Thiên Chúa nhiều hơn tất cả những người khác, vì tuy họ bỏ nhiều tiền nhưng không nhiều tình yêu.

Giá trị của một món quà

Đối với Chúa Giêsu, giá trị của món quà không tuỳ vào giá mua của món quà đó nhưng tuỳ vào mức độ yêu thương mà người cho đặt vào trong món quà.

Nếu có ai đó nài xin ta một số tiền mà lòng ta chẳng muốn cho. Nhưng vì người ấy cứ nài nỉ mãi khiến ta bực mình nên cuối cùng, để tống cổ người đó đi, ta đem cả cọc tiền lớn, bực bội ném cho người ấy và nói: “Tiền đây! Lải nhải hoài!” Chắc chắn người kia, dù nghèo thiếu đến mức nào đi nữa, sẽ quay mặt bỏ đi, mang theo một mối căm hờn.

Trái lại, khi đứa con nhỏ trong nhà muốn mừng kỷ niệm hôn phối ba mẹ mà chẳng có gì để dâng. Em lặn lội vào rừng ngắt một bông hoa dại nhỏ bé, đem về dâng lên ba mẹ với tất cả tình yêu thương. Chắc chắn ba mẹ em rất cảm động vì cảm nhận được nhiều yêu thương chứa đựng trong món quà bé nhỏ này.

Điều làm đẹp lòng Thiên Chúa không phải là dâng cho Người nhiều món quà lớn nhưng là dâng tình yêu lớn. Dâng cho Thiên Chúa những món quà lớn hay những thành quả to lớn mà thiếu vắng tình yêu, thì lễ vật đó sẽ trở thành rỗng không và chẳng có giá trị gì.

Thánh Phao-lô tông đồ, trong thư gửi tín hữu Cô-rinh-tô, từng khẳng định cách mạnh mẽ điều này: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr 13,1-3)

Làm việc nhỏ với một tình yêu lớn

Mẹ Tê-rê-xa Calcutta cảm nhận sâu sắc bài học trên đây của Thánh Phao-lô nên Mẹ không chủ trương làm những công việc lớn, nhưng chỉ làm những việc nhỏ với tình yêu lớn. Trong bức thư gửi cho Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, Mẹ Têrêxa viết: “Điều đáng kể không phải là số lượng công tác ta làm, nhưng là mức độ tình yêu mà ta đặt vào trong mỗi công tác.” Thế nên, khi tiếp xúc với bất cứ ai, Mẹ đem lòng yêu thương người ấy như thể đó là người duy nhất trên đời trong giây phút đó.

Cảm hứng từ bức thư trên đây của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta, Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận viết: “Kinh nghiệm đó đã củng cố trong tôi ý niệm là phải sống mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc đời ta như là phút giây cuối cùng…”

Và ngài quyết tâm thực hiện từng công việc nhỏ bé hằng ngày, từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với tình yêu lớn và biến những phút sống hiện tại thành những giây phút đẹp nhất cuộc đời, như ngài đã viết: “Mỗi chữ, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định… phải là những phút giây đẹp nhất đời ta. Chúng ta phải thương yêu mọi người, chúng ta phải tươi cười với mọi người mà đừng đánh mất một giây phút nào.” (Đức Cố Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận)

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy cố gắng thực hiện từng công việc bé nhỏ và từng cuộc tiếp xúc hằng ngày với một tình yêu lớn.

Hy vọng khi những hy lễ bé nhỏ này được dâng lên cho Thiên Chúa mỗi ngày, Chúa Giêsu cũng sẽ rất hài lòng với lễ vật của chúng ta như Ngài đã đánh giá cao lễ mọn của bà góa nghèo năm xưa trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

***

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu ban đầu cũng muốn dâng cho Thiên Chúa những món quà vĩ đại. Chị ước mơ “làm linh mục, phó tế, tông đồ, tiến sĩ Hội Thánh và chết vì đạo thánh” để làm vinh danh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi các linh hồn; nhưng về sau, Chị khám phá được ơn gọi của mình là làm những việc bổn phận nhỏ nhặt hằng ngày với tất cả lòng yêu thương. Châm ngôn của Chị là: “sống mỗi phút giây hiện tại với tất cả lòng yêu thương.” Khi thực hiện châm ngôn này, Chị Thánh có vô vàn món quà cao đẹp dâng lên Thiên Chúa trong từng phút giây đời mình.

Thánh Phaolô dạy: “Dù anh em ăn, dù anh em uống hay làm bất cứ việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự vì Danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.”

Trong tinh thần đó, chúng ta hãy kết hợp với Chúa Giêsu để làm các công việc bổn phận hằng ngày với lòng yêu mến Chúa.

Rồi chúng ta hãy đem những lễ vật đó đặt lên đĩa thánh và trong chén rượu, để cùng dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ hằng ngày hiệp với Mình Máu thánh Chúa Giêsu. Chắc chắn Thiên Chúa Cha sẽ rất vui lòng đón nhận và ban ơn cứu độ cho chúng ta cũng như cho các linh hồn.

 

 

 

 

 

24. Tình yêu lớn lao

(Suy niệm của Lm. Gioan M. Nguyễn Đức Hùng, CRM)

 

Bạn thân mến!

Có bao giờ bạn dám nghĩ là bạn có thể góp phần rất tích cực vào việc làm cho thế giới này trở nên tươi đẹp, dễ thương và hấp dẫn hơn không?- Nếu bạn đã từng nghĩ và đang thực hiện như thế, thì xin bạn cứ hân hoan tiếp tục mỗi ngày một ngoạn mục hơn, bạn nhé! – Còn nếu vì một sự khiêm tốn tế nhị nào đó mà bạn chưa dám nghĩ tới, thì ngay hôm nay, tôi xin mạo muội đề nghị với bạn là bạn hãy can đảm bắt tay ngay vào việc đại nghĩa này, đừng chần chừ mà lại bỏ mất cơ hội, uổng phí thời gian, lấy lý do là từ từ để dịp khác, vì tất cả, từ Thiên Chúa đổ xuống cho tới người rốt bét trên trần gian này đang tha thiết mong đợi bạn ra tay đấy!

Vâng, đơn giản lắm bạn ạ! Nó nằm ngay trong tầm tay, trong khả năng của bạn và của tôi. Nhiều khi chỉ một nụ cười thân thiện, bạn cũng đã có thể làm được bao điều tốt lành cho thế giới.

Tôi nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Một hôm có người thanh niên đến thăm, và tận mắt chứng kiến các việc Mẹ cùng với các nữ tu của Mẹ làm tốt đẹp quá, anh tự cảm thấy dấy lên trong lòng mình một nhiệt huyết xây đắp cho thế giới này thêm những điều tốt lành, anh mạnh dạn hỏi Mẹ:

– Thưa Mẹ, xin Mẹ vui lòng cho con biết con có thể cộng tác vào công trình của Mẹ, để làm cho thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn bằng cách nào?

Mẹ Têrêsa nở nụ cười sung sướng và trả lời:

– Con hãy cố gắng mỉm cười với người khác, có thế thôi con ạ!

Thưa bạn,

Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện có thật, Chúa Giêsu ngồi quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng vào Đền Thờ, và Chúa đã bật mí cho các môn đệ một sự thật mà người ta không biết, một sự thật khiến các môn đệ cũng phải ngạc nhiên. Hóa ra các môn đệ từ trước đến giờ cũng chỉ đánh giá người ta theo những dáng vẻ bề ngoài nhiều khi rất dễ sai lầm; còn Chúa Giêsu đánh giá theo tận đáy lòng của con người, điều đó nhắc nhở và dậy chúng ta đừng bao giờ dựa hoàn toàn vào những cái bề ngoài để mà đánh giá một con người mang hình ảnh Thiên Chúa, dù họ là ai và ở tình trạng nào đi nữa.

Hiểu và nhận ra Thiên Chúa là Đấng luôn để ý đến tận thâm sâu cõi lòng ta, Ngài chỉ quan tâm tới tất cả những gì mang tính chân thành tấm lòng của chúng ta, và Ngài đánh giá hay hoặc không hay, lớn hay nhỏ tất cả những gì chúng ta dâng cho Ngài trực tiếp, hay dâng cho Ngài qua tha nhân mà Chúa luôn nhận là ta dâng cho chính Ngài, tùy theo mức độ tấm lòng to hay nhỏ, nhiều hay ít ta đặt để vào của ta dâng đó. Như vậy thì có dễ không thưa các bạn, trong việc làm tôi thờ phượng Thiên Chúa? Chính Chị Thánh Têrêsa là một sao sáng gần gũi và là gương mẫu cho ta trong lãnh vực này đấy, bởi vì ngài đã chẳng nói với chúng ta về chủ trương nên thánh của ngài là ‘làm việc thường, nhưng tình yêu phi thường’ đó sao!

Quả thế, vì tình yêu đối với Chúa Kitô mà mỗi khi chúng ta trao tặng người khác một nụ cười với một sự quí mến họ, thì chúng ta không những đã làm cho cuộc đời họ tươi thắm hơn, vui vẻ hơn, lạc quan hơn, đỡ bị stress hơn, mà đồng thời, bạn cũng đang làm cho đời bạn thêm tươi hơn, hấp dẫn hơn, đáng sống hơn, khỏe hơn, và còn hơn thế nữa, bạn đang góp phần tích cực vào việc làm cho thế giới nhân sinh này trở nên đẹp hơn,dễ thương hơn, và nhân bản hơn, như Mẹ Têrêra đã đề nghị anh thanh niên thiện chí trên đây muốn làm một gì đó để gọi là đóng góp vào việc phát triển thế giới. Và nếu nụ cười này lại được trải dài tới cả những người chúng ta không ưa không thích, thậm chí tới cả những người thù của chúng ta nữa, thì bạn ơi, đó thật là tuyệt vời, thật vĩ đại trước ánh nhìn quan sát của Thiên Chúa, và phải chăng, đó cũng chính là lúc Chúa đánh giá, Chúa tuyên bố là ta đã bỏ tiền vào hòm dâng cúng Đền Thờ nhiều hơn cả?

Vâng, thưa bạn! Hẳn bạn và tôi còn nhớ câu chuyện thật hay, thật đẹp, thật cảm động, câu chuyện mang tính giáo dục cao của em bé người Nhật 9 tuổi, em là một trong những nạn nhân trận động đất ngày 11.3.2011.

Như bạn đã biết, trận động đất cường độ 9,0 và sóng thần cao 9 thước thuộc miền Đông Bắc nước Nhật Bản, đã giết chết khoảng 8.133 người, làm mất tích 12.272 người, và đưa đến khủng hoảng phóng xạ nguyên tử từ các lò nguyên tử trong ảnh hưởng của thảm hoạ. Tuy nhiên, trước thảm hoạ khốc liệt đó, tinh thần người Nhật là một tấm gương sáng ngời cho thế giới… Không than khóc, và không thừa cơ cướp giật. Thí dụ ở vùng cách tỉnh Fukushima khoảng 25 cây số, dân chúng địa phương tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau khiến việc an ninh không là một vấn đề. Bên ngoài một ngôi nhà bị sập, tiền giấy trôi ra từ ngôi nhà nằm tứ tán có đến hàng triệu Yen, nhưng chẳng ai thèm nhặt. Đây là một đoạn trích từ thư của Tiến Sĩ Hà Minh Thành viết từ Nhật:

“Tối hôm kia, tôi được phái tới một trường tiểu học, phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng, tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, nên mới lại hỏi thăm. Em kể là: con đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần ập đến, cha của con làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường, con nhìn thấy chiếc xe và cha con bị nước cuốn trôi, 100% khả năng là cha con đã chết rồi. Tôi hỏi thêm: còn mẹ con đâu? Em nói: nhà con nằm ngay bờ biển, mẹ và em của con chắc cũng không chạy kịp. Em nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy em lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát, trùm lên người em. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.

Em bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường, tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó, nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát, rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Em trả lời:

“Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ.”

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc, để em và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động! Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi, mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn học, từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.”

Hay không, thưa bạn?

Qua câu chuyện cảm động trên, chúng ta thấy cái quí nhất, đó là thấy cả một tấm lòng. Vì cái quí nhất đối với họ không phải là ở chỗ hàng triệu Yen trôi ra biển uổng phí, mà là cả một tấm lòng giữa những con người với nhau, những người đó đã đánh giá và coi trọng người khác còn hơn cả tiền bạc… Cũng như em bé 9 tuổi, cái quí không phải là bao lương khô em cho vào làm của chung, mà là tấm lòng của em biết nghĩ đến người khác, biết cảm thông nỗi đau khổ của người khác, mặc dầu em cũng đang đau khổ cùng cực, mặc dầu với hoàn cảnh và nỗi đau của một em bé mất cha, mất mẹ cùng một lúc, em có quyền được hưởng sự ưu tiên chính đáng; nhưng trái lại, em biết coi cái khổ của người khác hơn cái khổ của mình, sẵn sàng nhường quyền lợi của mình cho người khác. Cái vĩ đại, cái đáng nể, đáng cảm phục nhất, và Chúa bảo là dâng cúng bỏ tiền vào Đền Thờ nhiều hơn cả có lẽ không sai đâu, là ở chỗ đó đấy, các bạn ạ!

Câu chuyện bà góa thành Sarepta mà chúng ta vừa nghe, bà đã quảng đại dâng cho vị tiên tri Elia của Chúa chiếc bánh cuối cùng, và chúng ta thấy Thiên Chúa đã đánh giá rất cao; đồng thời đáp trả lại tấm lòng tin, lòng bác ái lớn lao của bà bằng phép lạ hũ bột không vơi cho đến khi hạn hán chấm dứt.

Bạn ơi, nếu tất cả chúng ta đều có những nghĩa cử đẹp với nhau như thế, mà nhất là những nghĩa cử đó lại được thực hiện vì lòng kính mến Chúa và thương yêu anh chị em mình vì lòng yêu Chúa, thì thật đáng quí vô cùng, và thế giới này chắc chắn sẽ được Thiên Chúa chúc phúc, phủ phê ngập tràn các ân huệ, và thế giới chúng ta đang sống đây, sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc, ấm cúng biết bao!

Xin các bạn cùng tôi, ngay bây giờ dâng một lời cầu xin Ơn Trên cho mọi người luôn đối xử tử tế với nhau như những anh chị em con cùng một Cha một Mẹ trên trời, các bạn nhé!

 

 

 

 

 

25. Cho bằng tấm lòng

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Khi ở miền quê tôi rât thích hình ảnh một bà cụ khệ nệ ôm nải chuối đến biếu cha. Đó là hình ảnh bà ôm cả tấm lòng dành cho cha. Rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Nói là ôm cả tấm lòng vì khi gia đình có cây chuối ra hoa, ra buồng, họ đã nghĩ đến để dành cho ai. Khi ra bẹ chuối họ cũng nghĩ phải chọn bẹ chuối nào dành cho cha. Và rồi nâng niu nải chuối ngon nhất để mang biếu cha, đó là ôm trọn một tấm lòng chân thành thật quý giá!

Hình ảnh ấy khiến tôi cũng nhớ tới một bà cụ rất đơn sơ. Ngày tết bà ra chúc tuổi tôi. Bà nói: Nhà con có cây xoài ra trái. Con để dành trái xoài to nhất để mang tết cha. Thế mà đến ngày 28 tết trộm nó hái mất rồi! Con chẳng còn gì để biếu cha. Nghe cũng vui nên tôi nói với bà cụ: Bà đã dành cho cha cả tấm lòng rồi. Xin cám ơn bà.

Quả thực, người ta nói “của cho không bằng cách cho”. Giá trị của món quà không nằm ở giá trị đồng tiền mà quan yếu là ở tấm lòng dành cho nhau. Những người cần công việc họ biếu quà cho cấp trên hàng triệu nhưng không có tấm lòng. Quà họ biếu có toan tính lợi nhuận. Quà của họ không có tình yêu.

Quà tặng chỉ có giá trị khi nó mang cả tấm lòng yêu mến tri ân. Đó mới là món quà vô giá. Món quà nồng thắm tình yêu. Món quà không dựa trên giá trị đồng tiền mà hệ tại ở tấm lòng. Thế nên, đừng bao giờ nghĩ mình có thật nhiều tiền mới giúp cha giúp mẹ, mới mua quà bánh cho ông bà… Đừng cầu mong trúng số mới làm việc bác ái, mới đóng góp xây dựng giáo xứ…

Nếu như vậy, có lẽ chúng ta sẽ khó có cơ hội giúp đỡ tha nhân. Hãy thi ân trong khả năng của mình. Hãy làm việc thiện khi có cơ hội, đừng đợi chờ những chuyện ngoài tầm tay. Chúng ta không nên hứa hẹn hay chờ đợi ngày mai, mà ngay hôm nay hãy làm những việc tầm thường như: giúp một người già qua đường, lượm một cây đinh sét vương vãi trên đường, thăm viếng kẻ yếu đau…

Thiên Chúa sẽ nhìn tấm lòng chúng ta như Chúa đã nhìn thấy tấm lòng thành của Abel. Ngài đã vui nhận lễ vật của Abel, vì Ngài thấy ở đó có lòng thành tri ân. Thiên Chúa đã khinh dể lễ vật của Cain vì lễ dâng của ông không có lòng thành. Vì Ngài là Đấng thấu suốt tâm can. Ngài sẽ chúc phúc cho những lễ vật đơn hèn nhưng gói trọn tình yêu.

Hôm nay trong đền thờ khi mà nhiều người bỏ tiền dâng cúng, Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy nơi bà góa tấm lòng thành. Bà bỏ tiền ít nhưng nồng ép vào đó cả tấm lòng thành. Bà không giầu của cải nhưng bà giầu tấm lòng. Bà biết tất cả là của Chúa ban, thế nên phải dâng lại cho Chúa là lẽ thường tình. Lễ vật của bà không giầu tiền bạc nhưng lại rộng lượng tấm lòng.

Xin cho chúng ta hiểu rằng tất cả là của Chúa. Cuộc sống của chúng ta là do Chúa ban. Hãy dâng tặng cho Chúa trong những công việc chung của Giáo hội, nhất là chia sẻ cho những người bất hạnh cơ hàn. Xin đừng đóng cửa lòng mình trong ích kỷ tham lam. Amen.

 

 

home Mục lục Lưu trữ