Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1375278

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.

Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.

Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.

Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.

Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.

Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.

Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.

Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.

Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:

Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…

Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.

Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.

GỢI Ý SUY NIỆM

1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào?

2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả?

3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không?

4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa?

  

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- NĂM A

HÃY SÁM HỐI VÌ NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN-  Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Việc rao giảng của Gioan Tẩy giả, của Chúa Giêsu và các tông đồ đều khởi đầu bằng câu: “Hãy ăn năn trở lại vì nước trời đã đến gần (Mt. 4, 17; 10, 7; Cv. 2, 38). Đây là việc khẩn trương, không thực hiện thì sẽ diệt vong. Khi nghe những lời hô hào của các nhà bác học về cứu thế giới khỏi ô nhiễm môi trường, khởi tệ nạn ma túy và dịch bệnh sida, thì ai cũng lo thực hiện những phương pháp đề phòng, trừ hạng cố chấp liều mạng lao đầu vào chốn tử thần. Lời hô hào của Gioan mang tính chất cứu nguy cho cả thế giới hôm qua, hôm nay và mãi mãi, nếu muốn sống trong nước Trời.

*I- Nước Trời là gì cho con người được sống?

Nếu thế giới vật chất muốn tồn tại cần có thiên nhiên nguyên thủy trong lành như Thiên Chúa đã dựng nên nó, thì thế giới loài người muốn trường tồn bất tử còn cần hơn nữa một nước trời như Thiên Chúa muốn. Thiên Chúa đã muốn một nước trời lạ lùng mà tiên tri Isaia chỉ có thể mô tả bằng những hình ảnh kỳ diệu trong bài đọc một:

*1- Về Đấng cai quản nước trời: đó là Đấng thần trí Chúa, thần trí khôn ngoan, minh mẫn, thấu hiểu, anh dũng, sáng suốt, sùng tín và sủng ái của Thiên Chúa. Công việc của Ngài là xét xử công minh nhân từ cho người thấp cổ bé miệng, phán quyết vô tư, bênh kẻ nghèo. Lời Ngài như gậy đập tan bọn cường hào, hơi thở Ngài giết chết phường gian ác (Isaia). Ngài là nguồn kiên nhẫn, an ủi và đầy lòng thương xót. Ngài đến phục vụ Do-thái và các dân ngoại (Phaolô).

*2- Về dân trong nước trời là ai? đó là tất cả các dân tộc: Do thái cũng như dân ngoại. Họ là những người ăn năn trở lại, được rửa bằng Thánh thần và lửa. Họ được sống trong triều đại đua nở hoa công lý và thái bình thịnh vượng trong hạnh phúc, như beo sống với dê con, bò ăn chung với sư tử và gấu.

*II- Điều kiện sống trong nước trời vinh phúc là ăn năn trở lại.

Ăn năn trở lại hay sám hối trở về là từ bỏ tình trạng tội lỗi trở về sống ơn cứu độ, từ bỏ lối sống xa Chúa, về sống với Chúa (Os. 14, 2; Ger. 3, 14), như thế ăn năn trở về là biến đổi sâu xa của hai trạng thái tâm lý: đổi mới não trạng và đổi mới nội tâm do Thần trí Đức Kitô tác động.

*a/ Đổi mới não trạng nhờ trí khôn nhận ra và hối tiếc về tội mình (metanoia: repentir). Đây là công việc của trí khôn luôn luôn xét mình, kiểm tra cuộc sống mình đối chiếu với lời Chúa, luật Chúa. Sự ăn năn sám hối được thể hiện qua nhân vật điển hình: người thâu thuế. Khi nhận ra lầm lỗi của mình, ông đã khiêm tốn đấm ngực ăn năn, cúi mặt xuống đất, nhận mình tội lỗi và cũng không dám xin tha. Não trạng ông đã đổi mới vì hoàn toàn nhận ra mình khốn nạn trước mặt Chúa. Trái lại, người biệt phái không thấy tội lỗi mình, chỉ thấy mình đầy công đức, đã kiêu hãnh ngẩng đầu lên khen mình và chê trách người thu thuế.

*b/ Đổi mới nội tâm nhờ ý chí quyết tâm trở về nguồn gốc vinh quang của mình (epistrephein: revenir), mình đã bỏ nguồn gốc ra đi, cuộc đời lang thang bơ vơ, trụy lạc, chỉ gặp những khốn cùng “cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”. Đó là thứ con thiêu thân, như đứa con hoang đàng: ôm hết của cha đi ăn chơi trác táng, gặp nạn đói cùng khốn khó mới nhận ra mình xúc phạm đến cha hiền. May thay, anh đã kịp thời ăn năn khóc lóc hối cải, chỗi dậy tiến về nhà cha, nguồn gốc tổ ấm chan hòa tình thương vui mừng hạnh phúc chân thật. Phaolô cũng nhận ra tình thương vô biên đó, đã trở lại và đã mạnh mẽ tuyên bố trước vua Agripa “Tôi đi rao giảng kêu gọi chư dân sám hối và trở về cùng Thiên Chúa” (Cv. 2 6, 20). Đó là nước Trời thật.

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- NĂM A

THU LÚA, ĐỐT RƠM– Lm. Trọng Thưởng CRM

Trong xã hội ngày nay, con người đề cao tự do nên rất quen thuộc với sự lựa chọn. Khi đi mua quần áo, đồ đạc, người ta lựa chọn những cái có mầu sắc hợp với thị hiếu, kiểu cách hợp với thời trang hoặc sở thích. Khi lựa chọn người để làm nơi nương tựa, các cô thích tìm những anh chàng cao ráo, đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, có bằng kỹ sư, bác sĩ, luật sư…. Và loại bỏ những cậu có chiều cao khiêm tốn, “nhan sắc” kém cỏi, nghèo lủng cả túi quần… Khi lựa chọn những cái đó người ta có quyền đặt tiêu chuẩn theo ý riêng mình. Thiên Chúa cũng lựa chọn con người để cho họ được hưởng phúc thiên đàng hay phải đoạ phạt trong hoả ngục. Hình ảnh tượng trưng mà thánh Gioan Tẩy Giả cho chúng ta thấy về Đấng Cứu Thế lựa chọn đó là “cầm nia trong tay mà sảy lúa”; lúa được thu vào kho, còn rơm bị đốt trong lửa không hề tắt.

Thiên Chúa lựa chọn theo tiêu chuẩn nào? Thánh Gioan Tẩy Giả là bậc tiên tri được Thiên Chúa tuyển chọn, cách sống và lối ăn mặc của ngài đã nói lên điều đó. Ngài là ngôn sứ của Thiên Chúa, ánh mắt nhìn và sự xét đoán của ngài dựa vào tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Dân chúng đủ loại từ khắp miền Giuđêa, người giầu sang cũng như nghèo khó, nông dân cũng như thương gia, học giả cũng như người thất học, tuốn đến để xin Gioan làm phép rửa. Gioan không lên án một ai ngoài những người Pharisiêu và ký lục. Họ là những người tự cho mình là công chính, sau này cũng bị Chúa Giêsu lên án. Họ bày tạo ra những luật thanh tẩy rườm rà và giữ rất nghiêm nhặt, nhưng lại lơ là với những điều chính yếu trong sách luật. Chúa đã lên án họ là bọn giả hình, nối dài thẻ kinh và tua áo để nuốt chửng gia tài các bà goá. Gioan cũng thấy việc họ đến xin chịu phép rửa là một hành vi giả tạo nên đã cảnh cáo: đừng tự phụ là con cái Abraham rồi sống bừa bãi, làm điều xằng bậy. Nếu không ăn năn hối cải, sửa đổi đời sống, họ vẫn bị tiêu diệt như một cây sinh ra trái xấu là những hành động tội lỗi ngấm ngầm của họ.

Tật xấu tự phụ, cho mình là người công chính có lẽ ai cũng nghĩ rằng mình không có. Nhưng xét cho kỹ thì hầu như không ai tránh khỏi. Khi chúng ta nhìn người khác làm điều sai rồi kết án họ là người xấu, chê họ thế này, chê họ thế khác, đó là lúc chúng ta ngầm cho rằng mình khá hơn những người đó, nên có quyền xét đoán, kết án họ. Đây là những hoa quả xấu mà cây đời sống của chúng ta có thể sinh ra, còn nhiều hoa quả xấu nữa như lòng ghen tỵ, hằn thù, ganh ghét, kiêu căng, chia rẽ, chống đối, bạo động… Những hoa quả xấu đó sẽ đưa chúng ta vào số cây bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy chúng ta hãy cẩn thận, cố gắng đạt được tiêu chuẩn mà Thiên Chúa muốn tìm kiếm nơi mỗi người chúng ta: đó là hoa quả yêu thương, hy sinh, quảng đại, phục vụ, đoàn kết, tha thứ.

home Mục lục Lưu trữ