Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1371767

CÁI NHÌN - CÁCH NHÌN

Cái nhìn – cách nhìn

Tin Mừng hôm nay tả lại một khung cảnh thật tuyệt vời khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giodan để cho ông Gioan làm phép rửa. Đây là cảnh của trời đất giao hoà, cảnh đất trời giao duyên, và đây cũng là cảnh trời đất được nối liền trong con người của Đức Giêsu Kitô, có sự xác nhận của Chúa Cha, và có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Cũng là cách nhắc nhở chúng ta đặc biệt hơn sống đúng bổn phận của một người con Chúa, theo gương Đức Giêsu Kitô. Vậy, sống đúng bổn phận làm con Chúa là sống như thế nào?

Chuyện kể rằng: Tôi có quen với một gia đình kia làm nghề mua bán những vật liệu phế thải, (người bình dân gọi họ là những người mua bán ve chai lông vịt). Hằng ngày, vợ chồng họ phải gánh hai cái cần xé đi vào tận các làng quê xa xôi để tìm mua những vật liệu phế thải, rồi chiều gánh về đại lý để cân lại lấy tiền lời sinh sống qua ngày. Chiều hôm đó, cũng như mọi buổi chiều khác, vợ chồng họ gặp nhau ở đại lý, và người vợ cũng hỏi chồng một câu quen thuộc: Hôm nay khá không anh? Anh chồng vừa lắc đầu vừa nói: Cũng như mọi ngày, chả có cái gì quí. Thế rồi chị vợ đến đổ gánh đồ phế thải ra để lựa đồ chờ chủ đến cân, thì chị ta nhìn thấy có một cây thánh giá nhỏ thật xấu xí, đen thui nằm xen trong những mãnh sắt vụn, chị cầm lên và chị nghĩ trong lòng rằng: Đây là vật thiêng của Trời cho, để đem về làm kỷ niệm, vậy là chị bỏ cây thánh giá vào trong túi đem về nhà. Về đến nhà, chị đem cây thánh giá ra chùi rửa, thì thấy nó sáng lên một chút, rồi chị đi tìm đồ để đánh bóng cây thánh giá lên, thì chị thấy đây là một cây thánh giá bằng bạc, trông rất đẹp. Còn đứa con của chị, vừa đi học về, trông thấy cây thánh giá thì thích quá, nó xin mẹ nó cho nó cây thánh giá đó để nó đeo ở cổ của nó, để Chúa phù hộ cho nó.

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy có ba con người, và ba con người đó cùng nhìn về một cây thánh giá với ba cách nhìn khác nhau, người chồng nhìn thấy cây thánh giá đó như là một vật phế thải, chẳng có giá trị gì. Người vợ nhìn cây thánh giá đó như là một vật thiêng của trời ban cho. Còn đứa con thì nhìn cây thánh giá đó, nó thấy có Chúa hiện diện, để Chúa phù hộ cho nó. Như vậy, cách nhìn về cây thánh giá của gia đình trên đây cũng có phần tương tự như cách nhìn về Chúa Giêsu trong các bài Phúc âm, mà chúng ta đã được nghe đọc từ hôm lễ Chúa Giêsu giáng sinh cho đến nay. Những người Do thái nhìn vào Chúa Giêsu và họ không thể nào tin được Chúa Giêsu là Đấng cứu thế. Còn ông Gioan Tiền hô, như chúng ta đã thấy trong bài Phúc âm hôm nay, ông nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế, là Đấng cao trọng, là Đấng sẽ cứu muôn dân. Và cuối cùng là cách nhìn của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã xác nhận về Chúa Giêsu rằng: Đây là Con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng Ta. Từ ba cách nhìn trên đây, chúng ta thấy Đức Giêsu vừa là Đấng Cứu thế, vừa là Đấng cao trọng, và vừa là người Con tuyệt vời của Thiên Chúa nữa.

Riêng đối với chúng ta, nếu chúng ta áp dụng ba cách nhìn này vào cuộc sống của con người, thì chúng ta cũng thấy rằng: nếu chúng ta mang cách nhìn thứ nhất, thì chúng ta cũng chỉ thấy mình là một con người bình thường, bé nhỏ, yếu đuối, một con người giống như những người khác vậy thôi. Còn nếu chúng ta có được cách nhìn thứ hai, thì chúng ta sẽ thấy mình là một Kitô hữu, là một giáo dân thuộc giáo xứ… này. Còn nếu chúng ta có được cách nhìn thứ ba, chúng ta sẽ thấy chúng ta là một người con của Chúa, một người được dựng nên giống hình ảnh Chúa.

Nhìn lại bài Phúc âm hôm nay, nếu chúng ta thấy Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu quí của Ngài, thì chúng ta hôm nay là những người con của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải sống theo gương của Chúa Giêsu, để một ngày nào đó, Chúa Cha cũng xác nhận chúng ta là những đứa con yêu quí giống như Chúa Giêsu vậy, nếu tới lúc đó Chúa Cha nói: Con mất lòng Ta quá, Ta không biết đến con nữa đâu, thì lúc đó ta có hối hận cũng không còn kịp nữa.

Trong mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm con, rồi mới làm cha làm mẹ. Vậy thì như con cái phải làm vui lòng cha mẹ thế nào, thì chúng ta cũng phải làm vui lòng Chúa như vậy. Rồi các bậc cha mẹ ai cũng ước mong cho con cái mình sống tốt thế nào, thì chính cha mẹ cũng phải sống tốt như vậy. Nghĩa là phải sống đạo thật tốt, trung thành với các bổn phận đạo đức, trung thành với bổn phận làm người, sống yêu thương, giúp đỡ, làm tốt các việc thiện, việc lành. Và như thế, là chúng ta được sống trong tình Cha con với Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ nhận chúng ta là những đứa con yêu quí của Ngài.

Xin Thiên Chúa giúp tất cả chúng ta, để chúng ta trở nên những đứa con ngoan của Chúa. Amen.

 

44. Chúa chịa phép rửa

Tâm lý thường tình của con người là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trổi hơn người khác.

Khi nói chuyện với nhau, người ta thường thích nói về mình: Tôi thế này, tôi thế nọ. Khi ở giữa đám đông, người ta thích làm nổi, thích được chú ý, thích được khen ngợi. Ở trong một tập thể, người ta thích giữ những chức vụ lớn, thích điều khiển người khác, thích làm những công việc được nhiều người biết đến. Khi hội họp, người ta muốn ý kiến của mình được tôn trọng và chấp thuận dù nó không hay bằng ý kiến của người khác… Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiến lấy vị trị của họ? Nói hành, nói xấu, vu khống, dèm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác?... Sự kiêu căng không đem lại điều gì tốt đẹp cho người kiêu căng cả. Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên Thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ hôi tanh, và chiêm ngắm Người trong biến cố Người chịu phép rửa, chúng ta sẽ thấy mình lố bịch biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình.

Thật vậy,

- Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu.

- Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Người đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.

- Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giầu sang. Trái lại, Người chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.

- Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Người lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi.

- Người là Thiên Chúa của muôn loài, nhưng lại hòa mình với đám đông không tên tuổi để trở thành một người vô danh như họ.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm tốn thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người? Ngày xưa, do sự kiêu căng của nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửu trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xóa bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cách Cửu Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.

 

45. Ba Ngôi tỏ mình trong phép rửa

(Suy niệm của Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng)

Có một người cho tôi mượn quyển truyện cười. Tôi đọc một câu chuyện như sau: một người mở tiệm bán cá. Anh ta căng bảng hiệu "Ở đây bán cá tươi". Một người hàng xóm phê bình: "Anh bán cá tươi chứ có bán cá khô đâu. Cần gì phải để chữ "tươi" trên bảng hiệu". Nghe có lý, anh chủ tiệm xóa chữ "tươi". Bảng hiệu chỉ còn "Ở đây bán cá". Một người khác lại chê: "Tiệm của ông bán cá, ai cũng biết, cần gì phải ghi hai chữ "ở đây". Anh chủ tiệm lại nghe có lý. Vậy là bảng hiệu chỉ còn hai chữ "Bán cá". Một người khác lại không đồng ý, nên đề nghị: "Tiệm của ông bán cá chứ có bán rau trái gì đâu mà phải tốn cả cái bảng hiệu". Vậy là ngay hôm đó, anh chủ tiệm tháo luôn tấm bảng hiệu của tiệm mình.

Bạn thử nghĩ xem, câu chuyện kể trên muốn nói điều gì? Nó phê phán những người có tính ba phải, bắt chước một cách rập khuôn theo người khác, mà không biết giữ lập trường của mình.

Tôi không có ý so sánh câu chuyện kể trên với bài Tin Mừng ngày lễ Chúa chịu phép rửa, chuyện vui đó không đáng so sánh với Thánh Kinh. Dù sao tôi cũng thắc mắc, bởi thái độ của Chúa Giêsu hết sức lạ lùng. Chúa được Gioan ca tụng một cách khác thường, trên mức bình thường, nào là "Có Đấng đến sau tôi, quyền lực hơn tôi", nào là "Tôi không đáng cởi dây giày cho Người", hay "Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Người rửa anh em trong Thánh Thần", thì chính Người, nhân vật quan trọng đó, lại đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, và đã cúi mình để Gioan rửa thật sự. Chúa Giêsu làm điều đó có ý gì? Hình như Người cũng chỉ là một kẻ ba phải, thấy người khác đến xin Gioan làm phép rửa thì cũng đến như mọi người?

Không đúng! Chúa Kitô không ba phải! Ở cuối bài Tin Mừng, thánh Marcô cung cấp cho ta một chân lý đức tin hết sức quan trọng: Chúa Giêsu đã làm điều mà Người cần phải làm: Qua phép rửa của Gioan, Thiên Chúa tỏ mình cho trần gian. Nếu lần tỏ mình trước trong lễ Hiển Linh cho biết Chúa Giêsu đã nhập thể trong trần gian, thì lần này đánh dấu một bước ngoặc mới, đó là Chúa chuẩn bị loan báo Tin Mừng và báo trước đời sống công khai của Chúa. Lần tỏ mình này diễn ra trong bầu khí uy nghi: Ba Ngôi cùng hiện diện: Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Con như hình chim bồ câu. Chúa Cha tuyên bố Chúa Con là con yêu dấu của Người, luôn làm đẹp lòng Người. Tất cả những điều đó nhằm minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Người sắp thực hiện sứ mạng cứu độ trần gian.

Ngày xưa phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa kêu gọi thống hối mà Thiên Chúa lại tỏ mình uy nghi, thì ngày nay trong phép rửa tội, là phép rửa tha tội thật sự, do Chúa Giêsu thiết lập, chắc chắn Thiên Chúa vẫn đang tỏ mình cho loài người. Bởi đó, khi linh mục hoặc bất cứ người nào trong trường hợp thiếu linh mục, rửa tội cho ai đó theo ý hướng của Giáo Hội, và đọc công thức: "Tôi rửa tội cho anh (chị, em...), nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần", kèm theo việc đổ nước trên đầu, thì lập tức bí tích rửa tội thành sự.

Bạn thân mến, trong nghi thức bí tích rửa tội cho trẻ em, trước khi tuyên xưng đức tin, Giáo Hội mời gọi mọi người hiện diện hãy tích cực tham dự và nghi thức bí tích này bằng lời kêu mời: "...Anh chị em HÃY NHỚ LẠI phép rửa tội của mình mà từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin...". Vậy mừng lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay, bạn và tôi cũng hãy nhớ lại phép rửa tội của mình mà tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã yêu thương tỏ mình trong cuộc đời của từng người, kể từ giây phút ta bắt đầu gia nhập cộng đoàn Giáo Hội.

Bí tích rửa tội là bí tích đầu tiên cho ta được quyền gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Kitô là người Anh Cả của mình, Chúa Thánh Thần được ban để ta sống đời sống một người con Chúa. Nếu trong nghi thức bí tích, Giáo Hội mời ta nhớ lại bí tích rửa tội để từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin, thì hôm nay, trong lễ này, bạn và tôi cũng hãy thực thi lời mời gọi ấy bằng sự thành tâm trở về với Chúa, giữ cho lòng mình trong sạch và siêng năng rước lễ, cầu nguyện, lãnh bí tích giải tội, biết thực thi lòng bác ái bằng việc giúp đỡ anh chị em thiếu thốn xung quanh mình. Dù tỏ mình trong bí tích rửa tội, nhưng Danh Chúa thực cả sáng nhờ đời sống thánh thiện của bạn và tôi.

 

46. Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

ĐẤNG CÔNG CHÍNH LÃNH LẤY PHẦN PHẠT CỦA NHỮNG KẺ TỘI LỖI

Thông thường người ta bênh vực cho người công chính, không ai lại bênh vực cho những kẻ quấy. Ông bà nguyên tổ của chúng ta đã đánh mất ơn nghĩa Chúa khi chống lại Ngài và con cháu phải mang hậu quả, hay chống cưỡng ý Chúa và làm theo ý riêng của mình. Thiên Chúa quãng đại đã không chấp nhứt, không phạt đời đời nhưng mở ra một lối đi tìm về chân lý. Chúa hứa ban nhiều ân sủng, giúp con người sống cuộc đời làm con Chúa.

Trong bài đọc I, bài trích sách tiên tri Isaia, Thiên Chúa hứa với tuyển dân: sẽ cho xuất hiện một Đấng cứu tinh. Ngài là một người rất đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và ban Thần Khí trên Người. Người sẽ xét xử chư dân, sẽ không thiên vị nhưng rất nhân từ. Người không bẻ gẫy cây lao bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình, lo đặt công lý trên địa cầu, mọi nước mong đợi lề luật Người. Người lập giao ước mới và nên ánh sáng của muôn dân, người mở mắt cho người mù, đưa khỏi tù những người bị xiềng xích… Dân Israel mong đợi lời hứa đó, nhưng họ lại không đón tiếp vị Vua thuộc nhóm dân nghèo!

Lời sấm đã được thực hiện trong thời Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Đấng thiên Chúa hứa ban để giải thoát dân Israel đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa của mọi dân tộc. Ngài đã bỏ trời xuống thế gian để gánh lấy những đau khổ và phần phạt loài người đáng ra phải chịu vì tội lỗi mình. Ngài đã rửa loài người trong Chúa Thánh Thần. Nhưng trước hết, chính Ngài đã hạ mình mang lấy tội lỗi nhân gian, nhận lấy phép rửa sám hối bởi tay người phàm vì Ngài là Chiên Con Gánh Tội trần gian. Hành động đó rất đẹp lòng Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã làm chứng về Ngài trước mặt Gioan Tẩy Giả và đoàn người đến sám hối: Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.

Chúa Giêsu chịu phép rửa dù Ngài vô tội. Vì chúng ta, Ngài mang lấy thân phận tôi đòi. Bao nhiêu tội lỗi nhân gian từ tạo thiên lập địa đến tận thế Ngài gánh lấy. Vì vậy, trong vườn dầu, Ngài đã phải đổ mồ hôi máu, và trong giờ sát tế chiên vượt qua, Ngài phải oằn mình đau đớn trên cây khổ giá dành cho tội nhân. Chỉ những ai hiểu được nỗi khổ đau và sự hy sinh của Chúa Giêsu mới thấy được lòng khoan dung của Chúa đối với tội lỗi nhân loại và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Chỉ những ai yêu mến Chúa mới thấy tội lỗi mình nặng nề , gớm ghiếc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa vô biên. Điều nghịch lý là chúng ta, những kẻ tội lỗi lại không dám tỏ lòng sám hối công khai, còn Chúa Giêsu vô tội lại phải xếp hàng trong đám tội nhân để nhận phép rửa sám hối thế cho nhân loại nơi Gioan Tẩy Giả.

Chúa thật nhân từ và đáng mến biết bao vậy mà nhiều khi chúng ta chỉ lo lắng những chuyện trần thế, bỏ quên thiên Chúa, không dành thời giờ cầu nguyện với Chúa, để cảm nhận được tình thương và sự ưu ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta hãy xin lỗi Chúa và thành tâm đáp trả lại tình yêu ấy bằng sự hoán cải tận căn, năng lãnh nhận Bí tích Giải tội để Chúa Giêsu ban ơn cho chúng ta sống Tám Mối Phúc Thật, giữ đúng tinh thần Chúa dạy trong Tin Mừng.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta hãy chuẩn bị lòng mình thật kỹ, lắng nghe lời Chúa và rước Chúa cho thật sốt sắng để chúng ta cũng được Chúa gọi chúng ta bằng câu nói: đây là những người con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha trong Chúa Ngôi Hai, Con Ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lãnh lấy phần phạt mà loài người đáng phải chịu vì tội lỗi mình. Chúa còn tiếp tục khoan dung nhân thứ cho chúng con những lúc cố tình lỗi phạm hoặc thờ ơ, thụ động trong việc giữ đạo. Xin Chúa ban thêm lòng mến cho chúng con để chúng con biết tin thờ Chúa cho phải đạo hầu ngày sau được về cùng Chúa trên Thiên Đàng.

 

47. Chúa chịu phép rửa

(Đức Thánh Cha Phanxicô Giảng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa và rửa tội cho 33 em bé ở Nguyện Đường Sistine. Chúa Nhật 11/1/2015 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch)

"Những gì sữa làm cho thân xác thế nào thì Lời Chúa làm cho tinh thần như vậy, ở chỗ, Lời Chúa làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin. Và nhờ đức tin chúng ta được tái sinh bởi Chúa. Và đó là những gì xẩy ra nơi Phép Rửa".

Chúng ta đã nghe thấy trong Bài Đọc Thứ Nhất là Chúa chăm sóc cho con cái của Ngài như cha mẹ: Ngài chăm chút cung cấp cho con cái của mình lương thực chân chính. Qua vị tiên tri Thiên Chúa đã nói rằng: "Tại sao các ngươi lại chi tiền của mình cho những gì không phải là bánh ăn, tiêu xài lương bổng của các ngươi cho những gì không làm thỏa mãn chứ?" (Isaia 55:2). Thiên Chúa, như một người cha thiện hảo và như một người mẹ tốt lành, muốn cống hiến cho con cái của mình những điều tốt lành thiện hảo. Thứ lương thực chân chính Thiên Chúa ban cho chúng ta đây là gì? Đó là chính Lời của Ngài: Lời của Ngài làm cho chúng ta lớn lên, làm cho chúng ta sinh hoa kết trái tốt đẹp trong đời sống, như mưa và tuyết làm cho đất trở nên phì nhiêu cùng sinh hoa trái vậy (xem Isaia 55:10-11). 

Cũng thế, anh chị em là cha mẹ, và là cha mẹ đỡ đầu, là ông bà, là cô dì chú bác, cũng giúp cho những con trẻ này lớn lên một cách tốt đẹp nếu anh chị em cống hiến cho chúng Lời Chúa, cống hiến cho chúng Phúc Âm của Chúa Giêsu. Kèm theo Lời Chúa anh chị em đồng thời cũng cống hiến cả gương sống của anh chị em nữa! Hằng ngày anh chị em hãy có thói quen đọc một đoạn Phúc Âm, một đoạn ngắn thôi, và luôn mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ trong túi, trong xách tay của anh chị em để đọc. Đó sẽ là một tấm gương cho những con trẻ đây, khi chúng thấy người cha, người mẹ, bố mẹ đỡ đầu, ông bà, cô dì chú bác, đọc Lời Chúa.

Hỡi các người mẹ, hãy cho con của mình bú sữa - ngay cả lúc này đây, nếu chúng khóc vì đói, hãy cho chúng bú sữa, đừng lo. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân sữa này, và chúng ta cầu cho những người mẹ ấy - tiếc thay lại có rất nhiều - lại không thể cho con cái của mình của ăn. Chúng ta hãy cầu nguyện và cố gắng giúp cho những người mẹ này. Vậy những gì sữa làm cho thân xác thế nào thì Lời Chúa làm cho tinh thần như vậy, ở chỗ, Lời Chúa làm cho chúng ta lớn lên trong đức tin. Và nhờ đức tin chúng ta được tái sinh bởi Chúa. Và đó là những gì xẩy ra nơi Phép Rửa. Chúng ta đã nghe tông đồ Gioan viết: "Ai tin rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô thì đều được Thiên Chúa hạ sinh" (1Gioan 5:1).

Bằng đức tin ấy, con cái của anh chị em đến để lãnh nhận phép rửa. Anh chị em phụ huynh, anh chị em đỡ đầu thân mến, đó là đức tin của anh chị em hôm nay đây. Đó là đức tin của Giáo Hội, nhờ đó mà những em bé này sẽ được lãnh nhận Phép Rửa. Thế nhưng ngày mai, nhờ ơn Chúa, đức tin này sẽ trở thành đức tin của chúng, trở thành tiếng "xin vâng" của bản thân chúng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng cống hiến cho chúng ta tình yêu của Cha.

Tôi đang nói rằng chính đức tin của Giáo Hội. Điều này rất quan trọng. Phép Rửa tháp nhập chúng ta vào thân mình của Giáo Hội, vào dân thánh của Thiên Chúa. Và trong thân mình này, trong thành phần dân đang tiến bước này, đức tin được truyền đạt từ đời nọ đến đời kia: đó là đức tin của Giáo Hội. Và đức tin của Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, đức tin của Thánh Giuse, của Thánh Phêrô, của Thánh Anrê, của Thánh Gioan, đức tin của các vị Tông Đồ và các vị Tử Đạo, đã được truyền đạt cho chúng ta qua Phép Rửa: một chuỗi giây truyền đạt đức tin. Điều này thật là đẹp! Nó là một việc truyền đạt từ bàn tay này sang bàn tay kia cây nến sáng đức tin: chúng ta sẽ bày tỏ điều này trong ít phút nữa bằng cử chỉ thắp sáng cây nến phục sinh trọng đại. Cây nến phục sinh trọng đại này tiêu biểu cho Chúa Kitô Phục Sinh đang sống giữa chúng ta. Các gia đình lấy ánh sáng đức tin từ Người để truyền đạt cho con cái của mình. Anh chị em có thể lấy ánh sáng này trong Giáo Hội, trong thân mình của Chúa Kitô, trong dân Chúa là thành phần đang bước đi ở mọi thời đại và ở hết mọi nơi. Hãy dạy cho con cái của anh chị em rằng không có Kitô giáo ngoài Giáo Hội, anh chị em không thể nào theo Chúa Giêsu Kitô mà không có Giáo Hội, vì Giáo Hội là một người mẹ làm cho chúng ta lớn lên trong lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô.

Các Bài Đọc hôm nay còn mạnh mẽ cống hiến một khía cạnh cuối cùng nữa, đó là, nơi Phép Rửa chúng ta được Thánh Linh thánh hiến. Chữ "Kitô hữu" mang ý nghĩa ấy, có nghĩa là được thánh hiến như Chúa Giêsu, trong cùng một Thần Linh là Đấng Chúa Giêsu đã trầm ngập cả đời sống trần gian của Người trong Ngài. Người là "Đức Kitô", Đấng Được Xức dầu, Đấng Được Thánh Hiến, chúng ta lãnh nhận phép rửa là "Kitô Hữu", nên đã được thánh hiến, đã được xức dầu. Vậy giờ đây, anh chị em phụ huynh thân mến, anh chị em đỡ đầu thân mến, nếu anh chị em muốn cho con cái của anh chị em trở thành những Kitô hữu đích thực, thì hãy giúp cho chúng càng "được chìm ngập" trong Thánh Linh, tức là trong tình yêu nồng ấm của Thiên Chúa, trong ánh sáng của Lời Ngài. Vì thế, đừng quên thường xuyên cầu khẩn Thánh Linh, cầu nguyện hằng ngày. "Này cô, cô có cầu nguyện không?" - "Có" - "Tôi cầu nguyện với Thiên Chúa" - Thế nhưng nơi cách thức ấy "Thiên Chúa" lại không hiện hữu: "Thiên Chúa là một ngôi vị và Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh hiện hữu như là một ngôi vị". Chúng ta thường cầu nguyện cùng Chúa Giêsu. Khi chúng ta cầu "Kinh Lạy Cha" là chúng ta cầu cùng Chúa Cha. Thế nhưng chúng ta rất thường không cầu cùng Thánh Linh. Việc cầu nguyện cùng Thánh Linh rất quan trọng, để Ngài dạy chúng ta làm cho gia đình tiến triển, dạy cho những đức con đây, nhờ đó những con trẻ này có thể lớn lên trong bầu khí Ba Ngôi. Chính Thần Linh sẽ dẫn chúng tiến bước. Do đó đừng quên cầu khẩn cùng Thánh Linh, cầu nguyện hằng ngày. Chẳng hạn anh chị em có thể làm điều này bằng lời nguyện đơn sơ như sau: "Xin Thánh Linh hãy đến tràn đầy lòng tín hữu Chúa và hãy thắp lên ngọn lửa tình yêu của Chúa trong lòng họ". Anh chị em có thể đọc kinh nguyện này với con cái của anh chị em, và dĩ nhiên cho chính bản thân của anh chị em!

Khi đọc kinh nguyện này, anh chị em cảm thấy sự hiện diện từ mẫu của Trinh Nữ Maria. Mẹ dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thánh Linh, và sống theo Thần Linh như Chúa Giêsu. Lạy Đức Mẹ là Mẹ của chúng con, xin luôn đồng hành với con cái của Mẹ và các gia đình của Mẹ.

 

48. Tất cả là hồng ân

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay Giáo hội nhắc nhở chúng ta ơn phép rửa mà mỗi người lãnh nhận là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách nhưng không, nó thật cao quý vô cùng không gì có thể sánh được. Chính nhờ phép rửa mà chúng ta được sinh trở lại làm con Chúa. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận không phải như phép rửa của Gioan, chỉ là phép rửa sám hối, nhưng phép rửa mà chúng ta được lãnh nhận “trong Thánh Thần”. Chính điều đó đã được Gioan xác nhận, và thứ hai nữa là một tinh thần tự hạ từ Con Thiên Chúa không chút vết nhơ tì ố lại cúi mình nhận phép rửa từ tay Gioan như một người tội lỗi .

1. Hồng ân nhưng không

Từ ban đầu Thiên Chúa đã dưng nên con người rất tinh tuyền với “sự công chính nguyên thuỷ” nhưng chúng ta đã tự mình đánh mất đặc ân cao cả đó, đang lúc ta là tội nhân, là những con người đáng chết, đáng bị huỷ diệt đời đời, Thiên Chúa không ghét bỏ mà người đã thương nâng chúng ta lên làm con yêu quý của Ngài. Cũng chính nhờ tình thương mà chúng ta được nhận hết ơn ban này đến ơn ban khác. Thiên Chúa ban cho ta rất nhiều hồng ân, nhưng có lãnh nhận hay không là tuỳ ở mỗi người. Trước tiên qua các tiên kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, và đặc biệt là Gioan, người đã đi trước để dọn đường cho Chúa và cuối cùng Thiên Chúa đã ban chính con của người cho nhân loại chính nhờ con của người mà cả thế gian được cứu rỗi. Tuy thế, muốn lãnh nhận được những ơn Chúa ban đòi hỏi mỗi người phải có đức tin. Vì ơn Phép rửa trước hết là ơn đức tin. Nhờ đức tin mà chúng ta biết được Thiên Chúa là ai và mình là ai. Chúng ta biết được mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Chúng ta biết được đời sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào. Đó là một hồng ân cao trọng và quý báu mà không phải ai cũng có được điều đó. Vì như thánh Augustinô đã khẳng định “Thiên Chúa dựng nên ta Ngài không hỏi ta, nhưng để cứu chuộc ta Ngài phải cần sự đồng ý của ta”. Chính vì cứng đầu mà nhiều người phải quờ quạng, dò dẫm… không biết đường biết hướng mà đi. Không tìm được lối thoát cho cuộc đời mình. Để rồi thất vọng, chán chường hoặc tìm bù đắp ở những nơi khác như tiền bạc, của cải, danh vọng, thú vui … rồi cuối cùng lại đi vào bóng đêm vĩnh viễn chỉ vì không chịu đón nhận hồng ân của Ánh Sáng.

2. Tinh thần tự hạ, khiêm nhường

Khi đó Gioan đã là một người rất nổi tiếng và có uy tín, đến nỗi có nhiều người còn tưởng ông là Êlia hay một tiên tri nào đó đã sống lại. Hơn nữa, còn có nhiều người lầm tưởng ông là đấng Messia. Vậy mà mà khi so sánh với Đấng mà chính tay ông làm phép rửa hôm nay “Ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Có thể dân chúng thời Cựu Ước không thể hiểu được lời Gioan nói đó, và nhất là không thể nào hiểu được ý nghĩa xâu xa như chúng ta hiểu ngày nay. Vì Con Thiên Chúa lại hạ mình xuống như tội nhân thật là một mầu nhiệm vượt quá sức tưởng tượng của con người. Không ai có thể chấp nhận được Con Thiên Chúa là Đấng chí thánh, là Đấng vô tội lại bước vào hàng ngũ của những tội nhân để xin một người phàm làm phép rửa và Thiên Chúa đã xức dầu thánh hiến Ngài để Ngài trở thành ánh sáng chiếu soi muôn nước, để đi tới đâu Ngài thi ân giáng phúc tới đó.Cùng một phép rửa đó để rồi trên thập giá Ngài trở thành tên tử tội, nhưng Ngài vô tội, Ngài đã gánh lấy tội trần gian và cái chết đau đớn nhục nhã của Ngài là giá trị cứu chuộc chúng ta.

Lạy Chúa, chính nhờ Bí tích Rửa Tội mà chúng con được trở nên con cái Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra hồng ân cao quý đó mà luôn sống tốt làm người con Chúa cũng như làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa trao phó. Amen.

 

49. Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

(Đức Thánh Cha Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch)

"Ôi xin Ngài hãy xé các tầng trời ra mà xuống!" (63:19). Tiếng kêu này đã được đáp ứng nơi biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa. Như thế là thời gian 'các tầng trời khép kín' đã qua"

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Chịu Phép Rửa, một lễ kết thúc mùa Giáng Sinh. Phúc Âm đã diễn tả những gì xẩy ra ở bờ sông Dược Đăng (Jordan). Trong giây phút Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì các tầng trời đã được mở toang ra. Thánh Marcô viết: "Khi lên khỏi nước, Người đã thấy các tầng trời mở ra" (1:10). Sự kiện này gợi nhớ đến lời cầu khẩn thảm thiết của tiên tri Isaia: "Ôi xin Ngài hãy xé các tầng trời ra mà xuống!" (63:19). Tiếng kêu này đã được đáp ứng nơi biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa. Như thế là thời gian "các tầng trời khép kín" đã qua, thời gian tách biệt Thiên Chúa với loài người do hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi là những gì tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và làm gián đoạn mối liên hệ giữa đất và trời, khiến chúng ta bị khốn khổ và bại hoại trong đời sống. Các tầng trời đã mở ra cho thấy rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ân sủng của Ngài để trái đất được sinh hoa kết trái (xem Sal 85,13). Vậy trái đất đã trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa giữa loài người, và mỗi người chúng ta có cơ hội gặp gỡ Con Thiên Chúa, cảm nghiệm được tất cả tình yêu và tình thương vô cùng. Chúng ta có thể tìm thấy điều này thực sự hiện diện ở nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta có thể nhận thấy điều ấy nơi dung nhan của anh chị em chúng ta, nhất là nơi người nghèo, nơi bệnh nhân, nơi người bị tù ngục, nơi các người tị nạn: họ là xác thịt sống động của Chúa Kitô khổ nạn và là ảnh tượng hữu hình của vị Thiên Chúa vô hình.

Nhờ Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa mà chẳng những các tầng trời được mở toang ra Thiên Chúa còn làm cho tiếng của Ngài được vang vọng một lần nữa: "Con là Con yêu dấu của Cha: Cha hài lòng về Con" (Marcô 1:11). Tiếng nói này của Chúa Cha công bố mầu nhiệm được kín ẩn nơi Con Người lãnh nhận Phép Rửa bởi vị Tiền Hô.

Bấy giờ, Thánh Linh, qua hình thể một con chim bồ câu đã giúp cho Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Chúa, bắt đầu sứ vụ của Người đó là việc cứu độ chúng ta. Vị Thánh Linh này: Đấng Trọng Đại này đã bị chúng ta lãng quên nguyện cầu. Chúng ta thường cầu nguyện cùng Chúa Giêsu; chúng ta cầu nguyện cùng Chúa Cha, nhất là bằng "Kinh Lạy Cha"; thế nhưng không thường cầu nguyện cùng Thánh Linh, đúng không? Ngài là Đấng bị lãng quên. Và chúng ta cần xin ơn trợ giúp của Ngài, sức mạnh của Ngài, thần hứng của Ngài. Thánh Linh là Đấng hoàn toàn làm sinh động cuộc đời và thừa tác vụ của Chúa Giêsu, thì cũng Vị Thần Linh này ngày nay đang dẫn dắt đời sống của Kitô hữu, đời sống của con người nam nữ ngỏ ý muốn trở thành Kitô hữu. Việc đặt đời sống Kitô hữu của chúng ta và sứ vụ của chúng ta dưới tác động của Thánh Linh, Đấng tất cả chúng ta đã lãnh nhận nhờ Phép Rửa của chúng ta, là việc nhắm đến chỗ có được lòng can đảm tông đồ để thắng vượt những gì là dễ dãi thoải mái trần tục. Trái lại, người Kitô hữu nào hay cộng đồng nào "bị điếc" trước tiếng của Thánh Linh, Đấng thôi thúc chúng ta mang Phúc Âm đến tận cùng trái đất và xã hội, sẽ trở thành một Kitô hữu hay một cộng đồng "bị câm" không nói năng hay truyền bá phúc âm hóa. Thế nhưng xin hãy nhớ điều này, đó là hãy thường xuyên cầu nguyện cùng Thánh Linh để Ngài có thể trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh, ban cho chúng ta hứng khởi và dẫn chúng ta tiến bước.

Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội, đồng hành với chúng ta là những người đã lãnh nhận phép rửa. Xin Mẹ giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và trong niềm vui phục vụ Phúc Âm, cống hiến cho chúng ta một đời sống trọn vẹn ý nghĩa.

 

50. Chúa chịu phép rửa

Trong ngày kỷ niệm Chúa chịu phép rửa nơi sông Giođan, phụng vụ trình bày cho chúng ta sự kiện chính Thiên Chúa Cha giới thiệu và tuyên bố Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, là vị cứu tinh cho toàn thể nhân loại.

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần rõ rệt. Phần một diễn tả Gioan làm chứng về Chúa Cứu Thế, Đấng có quyền năng thanh tẩy nhân loại trong Thánh Thần, nghĩa là có sức mạnh chữa lành con người toàn diện, mở ra con đường giải thoát thiêng liêng, và nhóm lên trong lòng con người niềm hy vọng nơi quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Phần hai trình bày sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa và việc Chúa Cha chứng kiến và can thiệp.

Phép rửa mà Gioan thực hiện bằng nước chỉ là hình bóng, là hình thức minh chứng cho người đến chịu phép rửa ý muốn xưng thú tội lỗi, cải hóa nội tâm và trở về đường ngay nẻo chính. Gioan làm phép rửa trong vùng hoang địa dọc bờ sông Giođan. Từ hoang địa nhắc lại giai đoạn lịch sử khi dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ trở về Đất Hứa. Sông Giođan là trở ngại sau cùng mà dân Do Thái phải vượt qua để vào Đất hứa.

Khi xuống dòng sông để cho Gioan thanh tẩy, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ liên đới với nhân loại tội lỗi, một cử chỉ báo trước việc tự hạ đẫm máu của Người trên thập giá, để cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và được cứu thoát. Dòng nước chảy chỉ có năng lực thanh tẩy thực sự trong ngày Chúa Kitô xuống dòng sông để thánh hóa và ban thần lực cho nó.

Điểm chính yếu và mang nặng ý nghĩa trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa chính là lời tuyên bố của Thiên Chúa Cha, một lời tuyên bố vắn tắt, nhưng hàm xúc ý nghĩa sâu xa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. “Là Con yêu dấu” đồng nghĩa với Con duy nhất, nhắc lại sự kiện Abraham đã hiến tế người con duy nhất là Isaac cho Thiên Chúa. “Cha hài lòng về Con” là lời tiên tri của Isaia trong bài ca về người tôi tớ đau khổ, mà Tân ước áp dụng cho Chúa Kitô Cứu thế: “Đây là người Tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quí mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó, nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”. Lời tuyên bố này chứa đựng niềm tin của cộng đoàn dân ngoại đã khai sinh, ám chỉ sự nghiệp của Chúa Kitô, Đấng mà Môsê mớ sẽ đưa dân qua Biển Đỏ, là Giosuê mới sẽ lãnh đạo và đưa dân ra khỏi dòng sông Giođan, nghĩa là ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi mà vào Đất Hứa, để hưởng niểm vui vì được giải hòa với Thiên Chúa và nhận Thiên Chúa là Cha.

Sau khi ra khỏi dòng sông Giođan, Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa bốn mươi ngày để chịu ma quả cám dỗ. Được Chúa Cha ủng hộ, từ nay Chúa Giêsu can trường chấp nhận mọi khó khăn thử thách, có đủ sức để chiến thắng ma quỷ. Người Kitô hữu tin theo Chúa mỗi khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chẳng khác nào như được dìm mình trong dòng sông Giođan, họ sẽ trở nên con cái Thiên Chúa, được lãnh nhận Thánh Thần và được tràn đầy các ân sủng của Thiên Chúa, trung thành với sứ mệnh của mình và bảo toàn nguồn ân sủng thiêng liêng đã lãnh nhận, và họ đã được Thiên Chúa yêu thương sủng mộ.

Xin Chúa cho chúng ta luôn sống kết hiệp với Chúa, để cũng có thể được nghe lời này: “Con là Con của Ta, Ta hài lòng về Con”.

 

home Mục lục Lưu trữ