Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1371413

CẢM NGHIỆM

Cảm nghiệm.

Vào chính ngày Đức Giêsu sống lại, có hai môn đệ chán nản rời Giêrusalem để về làng Emmau. Thánh Luca cho biết tên một người, đo là Clêôpát. Còn người kia thì Luca không nói tên. Chắc chắn không phải vì ông không biết, nhưng có lẽ vì người thứ hai ấy chính là Luca, hoặc cũng có thể vì một lý do gì khác. Nhưng đồng thời người kia còn có thể là bat cứ ai trong chúng ta. Vậy chúng ta hãy đi vào tâm trạng của người môn đệ ấy, và chia xẻ những cảm nghiệm của ông.

“Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Ngài”: Đây là cảm nghiệm thứ nhất, cảm nghiệm về tình trạng của Đức Giêsu Phục sinh. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta. Chỉ có điều là cặp mắt xác thịt của chúng ta không thấy được Ngài, giống như có một bức màn ngăn cách giữa chúng ta với Ngài. Đến một lúc nào đó, nếu Ngài muốn, thì Ngài bỏ bức màn ấy xuống, khi đó không còn gì ngăn cản nữa thì chúng ta sẽ thấy được Ngài. Đối với hai môn đệ Emmau, đó là lúc ở trong lữ quán, “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.

Vậy nhờ cái gì mà tấm màn ngăn cách chúng ta với Đức Giêsu Phục sinh được cất đi để chúng ta nhận ra Ngài? Cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau cho thấy nhờ hai điều: Điều thứ nhất là nhờ suy gẫm Sách Thánh: “Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh”. Sau này hai ông nhớ lại cảm giác lúc đó: “Dọc đương khi Ngài nói chuyện và giải thích Sách Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên đó sao?”. Điều thứ hai là Bí tích Thánh Thể: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài”.

Sách Thánh đã làm cho những cõi lòng lạnh giá chán chường bừng cháy lên, Bí tích Thánh Thể khiến cho bức màn ngăn cản cặp mắt xác thịt hạ xuống.Thực ra chúng ta đã nhiều lần đọc Sách Thánh và tham dự Bí tích Thánh thể. Nhưng tại sao khi đọc Sách Thánh lòng chúng ta không cháy bừng lên, và khi tham dự thánh lễ mắt chúng ta không mở ra? Thưa vì chúng ta đọc Sách Thánh như đọc về Đức Giêsu chứ không phải đọc với Đức Giêsu như hai môn đệ Emmau; và chúng ta dâng thánh lễ như dâng lên cho Ngài chứ không phải cùng dâng với Ngài. Chúng ta có thể làm mọi việc với Ngài, bởi vì Đức Giêsu Phục sinh luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và luôn cùng đi với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Ngày xưa đối với hai môn đệ Emmau cũng thế và ngày nay cũng vẫn thế.

 

67. Emmau – Đamas

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin Mừng Lc 24:35-48: Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Có thể nói đường đi Emmau có khác chi đường đi Đamas. Hai môn đệ chán chường về quê, Saolô hăng hái lên đường bắt bớ.Tiếc thương Đức Giêsu trên đường đi Emmau hay thù ghét Ngài trên đường đi Đamas, cả hai đều chỉ thấy Ngài trong cõi chết. Họ đều cần ơn “trở lại” để đổi mới cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã giúp họ trở lại bằng sự hiện diện đồng hành, bằng đòn quật ngã khỏi yên ngựa.

Dưới tác động của ân sủng, họ được biến đổi và trở nên chứng nhân loan báo Tin mừng Phục sinh.

1. Hành trình Emmau:

Ai đã từng có một lần thất bại trong tình yêu hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng buồn phiền chán nản, nặng trĩu ưu sầu của hai môn đệ trên đường Emmau. Mộng vàng tan bay, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng dưng đổ vỡ tan tành. Những năm tháng theo Thầy đi rao giảng, họ luôn ôm ấp hoãi bảo lớn lao. Thầy sẽ lập quốc, đánh đuổi đế quốc La mã.Thầy sẽ là vua. Họ sẽ là các quan đại thần quyền thế. Khát vọng vinh quang trần thế này không đúng ý Chúa, nhưng là động lực thúc đẩy các môn đệ.

Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối họ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc.Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục.

Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Họ đã không nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh đang cùng đi với họ. Ưu tư duy nhất là ưu tư về chính mình. Thái độ ấy đã bịt mắt, đã che đi nguồn sáng nên họ đã không nhận ra sự hiện diện đầy thân tình của Đấng Phục Sinh.

Đức Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Ngài chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh “Bắt đầu từ Môisen và duyệt qua hết các tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh”. Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Ngài và chỉ có ý nghĩa vì Ngài. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là lịch sử cứu độ, lịch sử của Đức Kitô “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi.

Trong quán trọ, họ nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Mắt họ mở ra khi “Đức Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao cho họ”. Đó là cử chỉ của Chúa trong bữa tiệc ly, một dấu ấn đã in sâu vào tâm hồn các môn đệ. Cảm nhận bừng cháy trong tâm hồn khi Đức Giêsu ngõ lời, nhưng Ngài đã biến đi. Hai ông đã phục hồi niềm tin, đã tìm lại được Chúa, Đấng Hằng sống trên đường đời của họ.Từ nay, Chúa ở với họ,tỏ ra cho họ qua những dấu chỉ niềm tin, lôi kéo họ vào mầu nhiệm Phục sinh.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến quán trọ Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục sinh.

Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hành với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen.

Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các Ngài nữa vì Đấng Phục sinh đang cùng họ đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

2. Hành trình Đamas:

Trước khi trở lại, đối với Phaolô,Tin mừng về Đức Kitô quả là một chuyện vô lý nhất chưa từng nghe nói bao giờ. Giêsu đã sống lại. Môn đệ của ông ta loan báo rằng ông ta đã chết và đã sống lại.

Nghe bài diễn văn của Simon-Phêrô, người dân chài rao truyền rằng:Giêsu Nazareth, người mà Thiên Chúa đã uỷ thác bằng các phép lạ tuyệt diệu, người mà các ông đã bắt và đã kết tội tử hình,đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài. Phải,Thiên Chúa đã cho cho sống lại…chúng tôi đã chứng kiến, tất cả chúng tôi đã là nhân chứng tại chỗ..

Saolô với tư cách là người có học, một biệt phái mộ đạo. Ông có thông biết thánh kinh bằng hay hơn kẻ chài lưới có bàn tay chai cứng? Phêrô, Gioan đã nhân danh Đức Giêsu đặt tay lên người bệnh và người bệnh được khoẻ mạnh. Phêrô và Gioan đã bị nhốt trong ngục tối, cửa sắt khoá chặt, quân đội súng ống canh gác ngày đêm trước dãy tường kiên cố. Thế nhưng, Phêrô, Gioan đã được thả tự do bởi một bàn tay kỳ diệu. Người lạ gặp thấy hai ông đang lên tiếng to trong hành lang của đồn là Đức Giêsu đã sống lại, hai ông đã chứng thực về những phép lạ các ông cử hành nhân danh Thầy Chí Thánh.

Saolô không thể chấp nhận như thế mãi được, phải ra tay tiêu diệt bọn tà đạo này. Nhận lệnh từ Giêrusalem, Saolô lên đường đi Đamas. Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, bụi tung mịt mù, trời nóng như thiêu đốt. Không quan trọng! Saolô ra đi, điều cần thiết nhất là nhanh chóng bắt hết bọn tà đạo về Giêrusalem.

Và bỗng chốc, một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ lấy Saolô làm ông ngã ngựa. Ông không còn thấy gì nữa. Ông nghe có tiếng gọi ông: “Saun, Saun, sao ngươi lại bắt bớ Ta?”

Ông hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”. Tiếng nói lại âm vang: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bách hại” (Cv 9,5). Saolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi! Thê rồi ông chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ ngài là một, và Saolô đã khuất phục: “Lạy Chúa,Chúa muốn con làm gì?”.Chúa truyền cho Saolô vào thành gặp Khanania. (Cv 9,5-8). Saolô đứng dậy, ông chớp mắt mà không thấy gì. Ông được đưa về Đamas. Sau ba ngày,có một người Dothái thuộc cộng đoàn mới đã đến gõ cửa và bảo: “Saolô,người anh em,hãy nhìn thấy lại”.Phép lạ đã xảy ra, Saolô lại thấy được. Saolô đã chịu phép rửa bởi tay Khanania. Ông cần thời gian để tĩnh tâm, học hỏi và cầu nguyện.Thế là ông rời bỏ Đamas để sang vùng Ảrập sống trong thanh vắng. Thầy của ông đã chuẩn bị 30 năm thì ông cũng phải chuẩn bị ba năm (Gal 1,17). Ba năm trời ông nghiền ngẫm thánh kinh, đối chiếu trực tiếp với Thần Khí Chúa để hiểu rõ Tin mừng. Ba năm trời đã cho ông tâm tình của Chúa Kitô, đã đồng hoá ông với Đức Kitô đến nổi ông phải tuyên bố: “Không phải tôi sống,nhưng là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Col 2,20).

Kể từ lúc sáng mắt, Saolô đã hoàn toàn đổi mới. Ông nhiệt thành loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cor 5,14). Với tên mới Phaolô, vị tông đồ được Chúa chữa sáng mắt đã ra đi khắp chân trời góc biển rao giảng Tin mừng và trở nên vị tông đồ dân ngoại lừng danh. Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gal 2,20).

Hành trình Đamas đã làm thay đổi cuộc đời Phaolô. Sống và chết cho Đức Kitô trong tiến trình của cuộc sống muôn màu của Phaolô mãi mãi vẫn thốt lên lời tuyên tín như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta“ (Rm 8,35-39).

Đọc lại hành trình Emmau, hành trình Đamas để nhận thấy người Kitô hữu chỉ bắt đầu là Kitô hữu thực sự khi khởi đi từ niềm tin Chúa Kitô sống lại.

Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu có lúc phải đối diện với vô vàn khó khăn phức tạp của đời sống muôn mặt. Có những thất bại, có những chống đối làm choáng váng, ngỡ ngàng hoang mang vì Đức Giêsu như không còn hiện diện và can thiệp. Ngài dường như bỏ mặc cho thế gian hoành hành.

Chính trong những lúc thất vọng hay bị bách hại thì Đức Kitô lại tỏ bày dấu chỉ để người tín hữu nhận ra Ngài đang hiện diện, đang đồng hành khơi lên niềm hy vọng tràn đầy.

Hãy biết nhận ra Ngài qua các dấu chỉ như hai môn đệ Emmau. Hãy biết nhận ra Ngài qua từng biến cố đau đớn như Phaolô té ngựa trên đường Đamas.

Với tất cả niềm tin và lòng yêu mến, nhất định người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân của sự sống, chứng nhân của niềm vui.

 

68. Dấu chân – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Nhạc sĩ Thông Vi Vu viết ca khúc: "Dấu Chân", giai điệu slow nhẹ nhàng thiết tha, ca từ thấm đẫm chất thơ, bài ca lấp lánh niềm tín thác.

1. Hôm nao dưới nắng reo vui, mình tôi rong chơi trên bãi biển. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đôi. Này là dấu chân to, va kìa là dấu chân nhỏ. Cả hai cùng chiều đi tới, tựa hình với bóng bước song đôi.

ĐK. Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ. Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa. Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi. Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi.

2. Hôm nao giữa bước chân đi, chợt nghe dâng mênh mang nỗi buồn. Chiều về nhìn sau lưng mình, hiển hiện hình một hàng dấu chân đơn. Lạ lùng dấu chân to, và nặng nề vết in đậm. Mà sao chỉ còn một dấu, lại chẳng thấy có dấu chân tôi?

Ca khúc được dệt nhạc từ truyện "Footprints".

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

- Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng... anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

- Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu...anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: "Khi con thành công, hạnh phúc...Chúa lại đồng hành với con, đi với con...Nhưng khi con thất bại, đau khổ...những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?".

Chúa Giêsu trả lời: "Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con".

Câu chuyện gợi lên ý tưởng: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trên mọi nẻo đường trần thế. Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Khi con người gặp đau khổ và thất vọng, Ngài an ủi, đỡ nâng, ban thêm sức mạnh và tình yêu.

Câu chuyện "Trên đường Emmau" là một trong những câu chuyện Tin Mừng tuyệt tác và rất riêng của thánh sử Luca. Kể từ khi tảng đá to đã niêm phong cửa mộ thì đối với các môn đệ, tất cả đã hết, không còn gì ngoài những kỷ niệm xót xa chua chát. Một thực tế phủ phàng trĩu nặng nổi âu lo sợ hãi. Niềm hy vọng lớn lao xưa đã bị chôn vùi với Giêsu Nazareth. Bởi đó họ ở lại Giêrusalem để làm gì khi người ta đã đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng giải thoát dân tộc. Thập giá được giương cao và vị cứu tinh được chờ đợi với biết bao kỳ vọng đã kết thúc sự nghiệp bằng cái chết đớn đau ô nhục. Hai môn đệ quyết định trở về quê nhà. Bước chân mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn trên cuộc lữ hành. Nổi buồn mất mát và nổi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh. Các ông có biết đâu, trên hành trình thất vọng và cô đơn đó, có một người vẫn hằng dõi theo từng bước đi, chú ý từng tâm sự nhỏ to của các ông. Người ấy tiến về phía các ông, trò chuyện và đồng hành với các ông mà các ông nào hay biết. Các ông không nhận ra Người mặc dù Người vẫn có đó, vẫn hiện diện và chia sẻ với các ông. Các ông còn được vị khách này giải thích tường tận những gì đã nói về Đấng Messia mà Môisen và các Ngôn sứ, tức là toàn bộ Kinh thánh đa loan báo. Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Đấng Phục sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giảng dạy Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui vì được gặp Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai môn đệ Emmau quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui mừng trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các môn đệ khác và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.

Đường Emmau thật kỳ lạ. Đường dẫn đưa những lữ khách từ Giêrusalem về Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về lại hoá nên gần gũi thân quen. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, đi mãi không đến. Lúc về sao ngắn ngũi, chưa đi đã đến. Khi đi thì chán nản u sầu. Lúc về phấn khởi hân hoan. Khi đi chán chường chậm chạp. Lúc về nhanh nhẹn vui tươi. Điều kỳ diệu của đường về là hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Người làm nên khác biệt giữa hai lần đi về. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc sống có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Sứ điệp Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay có thể được tóm kết trong ba chữ T: Thánh Kinh, Thánh Thể và Hội Thánh. Đó cũng là cũng chính là ba con đường chính yếu để chúng ta gặp gỡ Đấng Phục Sinh và thể hiện niềm tin của mình trong đời sống.

1. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh nhờ Thánh Kinh

Chúa Giêsu Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nổi đau buồn. Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích Thánh Kinh "Bắt đầu từ Môisen va duyệt qua hết các Tiên tri, chú giải cho họ những gì liên quan đến Người trong các bản văn Thánh Kinh". Người đã giải thích cho các ông: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisen, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm" (Lc 24, 44). Vậy thì cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ la lịch sử cứu độ, lịch sử của "Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một". Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Chúa Phục Sinh cũng soi lòng mở trí cho các môn đệ đang quy tụ ở Giêrusalem. Người giúp các ông hiểu được những lời Kinh Thánh loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Người cũng giúp các ông hiểu những thành quả tinh thần của việc sám hối và ơn tha thứ tội lỗi mà Đấng Phục Sinh đem lại cho muôn dân nươc. Bài đọc 1, sách CVTĐ kể lại diễn từ thứ hai ngỏ lời với đám đông dân chúng Giêrusalem, thánh Phêrô lớn tiếng công bố sự Phục Sinh của Đấng Chịu Đóng Đinh và chứng minh rằng Kinh Thánh đã tiên báo những đau khổ của Đấng Mêsia.

Thánh Giêrônimô đã nói: Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn.Cần có đức tin và lòng mến để tiếp nhận như giáo huấn của CĐVTC II đã dạy: "Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh" (MK21).

Học hỏi Thánh Kinh để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21), trau dồi và phát triển kiến thức thần học, nhưng điều căn bản vẫn là để giúp biết rõ hơn về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đức Giêsu Kitô (MK 26); Đấng mà cả hai Giao ước đều nhắm đến: Cựu ước nhìn với tất cả lòng mong đợi, Tân ước nhìn Người như Đấng hoàn tất các lời hứa cứu độ, cả hai đều đặt Người như trung tâm. Việc đọc và suy niệm Lời Chua mang lại nguồn sáng, soi dẫn cuộc đời và lương thực thần thiêng cho cuộc sống, sau nữa là để "khi phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, không ai trở thành kẻ huênh hoang rao giảng Lời Chúa ngoài môi miệng vì không lắng nghe Lời trong lòng" (MK 26).

2. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Luca tường thuật, suốt trên con đường đi về Emmau có một khách bộ hành đi cùng, hai môn đệ không nhận ra Thầy kính yêu của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao ban thì hai ông mới nhận ra. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Chúa Giêsu bẻ bánh, nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới.

Chúng ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn phụng vụ cử hành biến cố Vượt Qua của Chúa Giêsu. Thánh Thể quy tụ các tín hữu hiệp thông trong đức ái. Hội Thánh "duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" biểu lộ căn tính của mình rõ nét nhất lúc cử hành Thánh The. Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô. Thánh Thể là thần lương nuôi dưỡng con cái Hội Thánh. Qua bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội Thánh.Thanh Thể là một bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng. Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ai, làm nên một thân thể mầu nhiệm. (x.Tông Thư "Mane Nobiscum Domine", số 11-18, Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004).

Chúng ta gặp Chúa Phục Sinh khi cử hành Bí Tích Thánh Thể: cầm bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức.

Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể. Miễn là có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người.

3. Gặp gỡ Chúa Phục Sinh giữa lòng Hội Thánh

Hai môn đệ hân hoan trở về gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ kỳ diệu với Đấng Phục Sinh. Tin vui phải được loan đi. Tin Mừng Phục Sinh phải được công bố. Từ nay, các ông sẽ là những chứng nhân cho Đấng cùng đồng hanh với các ông, chia sẽ vui buồn, dẫn dắt tâm hồn, thắp sáng niềm tin, đốt nóng niềm hăng say cũng như sẽ đồng bàn và trao sự sống mới trong cử chỉ thân quen. Từ nay các ông sẽ là người loan báo Đấng Phục Sinh cho anh chị em của mình bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ. Không có rào cản nào chắn được bước chân của các ngài nữa vì Đấng Phục Sinh đang cùng đồng hành trên khắp mọi nẻo đường trần thế.

Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông Đồ. Thành thánh Giêrusalem là nơi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng và cũng là nơi Hội Thánh khởi sự thi hành sứ mạng của mình. Tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh giữa lòng Hoi Thánh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Chúa Kitô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Chua Kitô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phaolô sau này đã nói: "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng".

Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, mầu nhiệm cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Người đang ban Lời chân lý (Thánh Kinh) và Bánh Trường Sinh (Thánh Thể), đang ủi an và chia sẻ tình yêu, đang động viên và soi sáng giúp chúng ta trở thành một cộng đoàn huynh đệ hiệp nhất (Hội Thánh). Mỗi Thánh Lễ, chúng ta được đồng hành bên nhau trong tình hiệp nhất, được chia sẻ Lời Chúa và được rước lấy Thánh Thể. Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mưng Phục Sinh.

Chúa Giêsu Cứu Thế đã in dấu chân trên những nẻo đường truyền giáo "bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ". Chúng ta bước theo Chúa trên hành trình sứ vụ, mỗi ngày đã qua như một dấu chân trên cát, nối lại những dấu chân, cuộc đời sẽ thành đường dài của niềm vui và hy vọng.

 

69. Tìm gặp Chúa Giêsu hôm nay – Lm. Mark Link

Chủ đề: "Ngày hôm nay phải tìm gặp Chúa Giêsu trong Hội Thánh Ngài qua nghi thức bẻ bánh."

Regina Riley có kể một câu chuyện mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu tâm tới. Trong nhiều năm trời bà đã từng cầu nguyện cho hai cậu con trai trở về với đức tin... Thế rồi một buổi sáng Chủ Nhật nọ, ngay trong nhà thờ, bà không the nào tin vào mắt mình nổi khi thấy hai đứa con bà bước vào nhà thờ ngồi vào hàng ghế đối diện bà. Sau đó bà liền hỏi hai cậu con rằng điều gì đã thôi thúc chúng trở lại với đức tin. Cậu nhỏ liền kể lại câu chuyện sau đây:

Vào một buổi sáng Chủ Nhật, vào thời gian nghỉ hè tại Colorado, hai cậu lái xe đổ xuống một con đường ở dốc núi, lúc đó trời đang mưa tầm tã. Bỗng nhiên họ gặp một cụ già không dù che, người ướt sũng đang bước đi dáng điệu khập khễnh. Dù mưa to, cụ vẫn hăng hái tiến bước trên đường. Hai anh em liền dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi lễ tại một nhà thờ ở cuối con đường cách đó ba dặm (quãng 5km). Hai anh em liền lái xe đưa cụ đến đó. vì trời mưa vẫn còn nặng hạt và chẳng bíêt làm gì hay hơn, nên hai anh em quyết định chờ đợi cụ già để mang cụ về lại nhà sau khi lễ tan. Nhưng ngay sau đó hai cậu liền nghĩ nếu thế thì nên vào luôn trong nhà thờ hơn là ngồi đợi ngoài xe, thế là trong khi hai anh em lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh và tham dự việc bẻ bánh thì có một điều đã làm họ xúc động sâu xa. Về sau họ chỉ có thể cắt nghĩa với bà mẹ như thế này: "Mẹ ơi! Mẹ biết không, lúc bấy giờ giống như là chúng con trở về nhà sau một chuyến đi dài đằng đẵng đầy mệt mỏi".

Câu chuyện về hai anh em và việc họ gặp gỡ cụ già xa lạ trên con đường vùng Colorado nêu bật được nét tương đồng sâu sắc chứa đựng trong bài Phúc Âm hôm nay.

Hai người môn đệ trên đường Emmau, đã từng một thời theo Chúa Giêsu với bao niềm hy vọng và nỗi vui mừng. Họ thực sự tin rằng Ngài được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. thế rồi những giờ phút bão tố của thứ sáu tuần thánh đã xảy đến. Mọi niềm hy vọng và mộng mơ của họ tan thành ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ cô quạnh va trở về nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, họ đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau vào buổi sáng Phục Sinh. Các môn đệ lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị này bẻ bánh và một điều gì đó xảy ra đã khiến họ xúc động sâu xa. Vị khách lạ này có xa lạ tí nào đâu mà chính là Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống động trước mắt họ.

Hầu như một chuyện giống y như vậy đã xảy ra cho hai anh em nọ trên đường ở Colorado. Có một thời gian họ đã từng theo Chúa Giêsu mật thiết, từng tin thực Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa phái đến cứu chuộc thế gian. Thế rồi những ngày giông bão của tuổi thanh niên đã đến. Mọi hy vọng và mộng mơ của họ cũng tan thanh ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng, họ bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ hiu quạnh để bước đi theo lối riêng của mình. và chính trong bối cảnh này họ đã gặp cụ già xa lạ trên con đường ở Colorado vào buổi sáng Chủ nhật trời mưa nọ. Cụ già đã nói với hai anh em về Chúa Giêsu không phải bằng lời mà bằng một hành vi gương mẫu đầy anh hùng. Ngay khi hai anh em lắng nghe, tâm hồn họ bắt đầu bừng cháy lên từ bên trong. Thế rồi trong lúc bẻ bánh nơi giáo đường, họ đã khám phá ra Chúa Giêsu mà họ đã đánh mất.

Câu chuyện các môn đệ trên đường Emmau và câu chuyện của hai anh em nọ trên đường Colorado cũng chẳng khác gì câu chuyện riêng của chúng ta. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi mà đức tin chúng ta bị tan thành ngàn mảnh vụn. Trong những giai đoạn giông bão này, có lẽ chúng ta đã phạm tội chống lại Hội Thánh, có lẽ chúng ta đã hoàn toàn thất vong đối với Hội Thánh, thậm chí còn đã từ bỏ Hội Thánh. thế nhưng một ngày nọ chúng ta gặp được một kẻ nào đó... Có thể là một khách lạ -- và qua người khách lạ này chúng ta tìm lại được Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thanh Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Và như thế bài Phúc âm hôm nay chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta ngày nay -- đặc biệt đối với những người đang tìm kiếm hoặc những người đã đánh mất Chúa Giêsu.

Thỉnh thoang chúng ta nghe có người nói: "Tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, nhưng tôi không tin vào Giáo hội". bất cứ lúc nào nghe lời nói này, chúng ta hãy nhớ lại vị khách bộ hành khác đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp thánh Phaolô trên đường đi Damas. Sách Công vụ tông đồ ghi lại: "Bỗng nhiên một tia sáng từ trời loé lên quanh ông. Ông liền té xuống đất và nghe có tiếng nói: "Saolô, Saole, tại sao người bắt bớ Ta?". Phaolô liền hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Tiếng nói liền đáp lại: "Ta là Giêsu mà ngươi đang truy nã" (Cv 9: 3-5). Phaolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi! Thế rồi Phaolô chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài là một. Cái này ở đâu thì cái kia ở đó giống như đầu và thân mình. chia cắt Chúa Giêsu khỏi Hội Thánh Ngài, tức cộng đồng các môn đệ Ngài, thì cũng giống như tách rời chiếc đầu ra khỏi thân mình vậy.

Nhiều năm sau, Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm này trong thư gởi tín hữu Côlôsê như sau: "Chúa Giêsu là đầu thân thể Ngài, tức Hội Thánh, Ngài là nguồn sống cho thân thể" (Cl 1: 18). Ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn tìm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh thì chúng ta phải tìm Ngài theo lối các môn đệ đã tìm được gặp Ngài trên đường Damas, theo lối hai anh em nọ tìm được Ngài trên con đường Colorado tức là tìm gặp Ngài giữa lòng Hội Thánh, tìm gặp Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Lạy Chúa Giêsu, xin nhân từ nhìn đến những kẻ đã bỏ Ngài chết mặc nơi nấm mồ hiu quạnh.

Xin đến với họ như Ngài đã đến với các môn đệ trên đường Emmau.

Xin cắt nghĩa Thánh Kinh cho họ lần nữa,

Xin khơi dậy ngọn lửa đức tin vẫn còn leo lét trong tim họ.

Xin ngồi xuống đồng bàn với họ,

Xin biểu lộ Ngài ra cho họ lần nữa, giữa lòng Hội Thánh Ngài, và trong nghi thức bẻ bánh.

 

70. Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ – JKN.

Câu hỏi gợi ý:

1. Đặt mình vào địa vị các tông đồ khi gặp Đức Giêsu sống lại lần đầu tiên, bạn có dễ dàng tin rằng Ngài hiện diện thật sự trước mắt mình không? Hiện nay, bạn có tin rằng Ngài đang thật sự hiện diện bằng thần khí trong tâm hồn bạn không?

2. Đức Giêsu đang hiện diện ở trong tâm hồn ta có khả năng hoạt động, dạy dỗ, biến cải ta như Ngài đã từng hoạt động, dạy dỗ, biến cải các tông đồ ngày xưa không? Sự hoạt động của Ngài có lệ thuộc vào thái độ nội tâm của ta không?

3. Ta phải làm gì để được Ngài dạy dỗ, biến cải một cách hữu hiệu?

Suy tư gợi ý:

1. Đức Giêsu mời gọi ta cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài

Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện ra trước mắt các môn đệ, điều đó khiến các ông kinh ngạc, sợ hãi và không dám tin vào mắt mình nữa. Nhưng Đức Giêsu trấn an các ông và chứng tỏ Ngài hiện diện thật sự, bằng thân xác cụ thể chứ không phải bằng hình bóng theo kiểu một bóng ma. Ngài chứng tỏ điều ấy bằng cách cầm lấy và ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. - Hiện nay, Đức Giêsu đang thật sự hiện diện và hoạt động ngay trong bản thân chúng ta. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta - cũng giống như các tông đồ xưa - không dám tin vào điều ấy. Nếu có tin thì cũng chỉ tin rằng Ngài hiện diện một cách tượng trưng, bằng hình bóng của Ngài thôi. Nhưng hãy nghe Ngài nói: «Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?» - Ngài mời gọi chúng ta cảm nghiệm sư hiện diện đích thực của Ngài bên trong chúng ta. Ngài mời chúng ta hướng vào bên trong để thấy Ngài nói và hoạt động trong bản thân chúng ta.

2. Hiện nay, Đức Giêsu có ở với chúng ta không? Ngài ở đâu?

Trước khi chịu kho nạn và tử hình thập giá, Đức Giêsu đã sống giữa các tông đồ, để dạy dỗ, an ủi, khuyến khích, thêm sức cho các ông, một cách rất cụ thể, hữu hình hữu tướng, bằng thể chất. Nhưng sau khi sống lại, Ngài không còn hiện hữu theo kiểu cũ, không thường xuyên ở bên cạnh các ông một cách hữu hình nữa. Thân xác của Ngài là một thân xác vinh quang, thoạt hiện thoạt biến, chỉ ở bên cạnh các ông một cách hữu hình trong giây lát. Phải chăng cách hiện hữu này khiến Đức Giêsu và các ông xa cách nhau hơn? Có phải sau khi về trời, Ngài không còn ở cùng các ông nữa không?

Không phải vậy. Trước khi về trời, nghĩa là trước khi thân xác Ngài vĩnh viễn rời khỏi các môn đệ, Ngài nói: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Trong bối cảnh thầy trò sắp chia tay nhau như thế mà Ngài lại nói vậy thì thật là mâu thuẫn và nghịch lý! Đáng lẽ Ngài phải nói: «Thầy phai ra đi và không còn ở với anh em nữa cho đến tận thế. Hẹn gặp lại anh em vào ngày tận thế!» Có phải Ngài nói lộn, hay các thánh sử ghi sai lời Ngài?

Chắc chắn không phải như vậy! Tuy Ngài không hiện hữu bằng thân xác của Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện hữu một cách thiêng liêng, bằng thần khí của Ngài, bên cạnh và bên trong chúng ta. Với cách hiện hữu này, Ngài có thể thân mật với chúng ta hơn, và chúng ta có thể gặp Ngài bất cứ lúc nao chúng ta muốn, một cách hết sức dễ dàng. Và Ngài vẫn có thể dạy dỗ, an ủi, khuyến khích, ban bình an và sức mạnh cho chúng ta, miễn là chúng ta tin vững chắc sự hiện diện của Ngài bên trong chúng ta, thường xuyên ý thức và cảm nghiệm sự hiện diện ấy, đồng thời lắng nghe Ngài nói trong đáy lòng mình. Đây là một ý thức và khả năng mà bất kỳ người Kitô hữu nào cũng cần tập luyện. Và đây cũng là một bí quyết để có được bình an, sưc mạnh và thăng tiến trong đời sống tâm linh.

3. Phục sinh Đức Giêsu trong ý thức và nội tâm ta

Đức Giêsu hứa với chúng ta: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “(Mt 28,20). Ngài cũng nói với Chúa Cha: «Con ở trong họ và Cha ở trong con » (Ga 17,23). Thánh Phaolô nhắc lại sự hiện diện ấy: «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người » (Cl 3,11); «Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em » (Gl 4,6). Như vay, theo lời Ngài đã hứa thì Ngài vẫn ở với và ở trong chúng ta. Nhưng sao chúng ta chẳng thấy Ngài hoạt động hay ảnh hưởng gì trên chúng ta, giống như xưa các tông đồ đã thấy Ngài hoạt động và ảnh hưởng trên các ông? - Sự hiện diện của Ngài trong chúng ta có tính hoạt động và có khả năng biến đổi ta hay không, điều đó còn tùy thuộc vào ý thức và sự tự do cộng tác của ta nữa. Nếu chúng ta không tin hoặc không ý thức sự hiện diện cua Ngài trong chúng ta, thì sự hiện diện ấy chỉ giống như sự hiện diện của xác Ngài trong nấm mồ: một thân xác vô hồn, bất động, không có khả năng gì cả. Chính ý thức sống động của ta về sự hiện diện của Ngài trong ban thân ta làm cho Ngài «sống lại» trong ta và hoạt động hữu hiệu. Nếu ta không ý thức sự hiện diện ấy thì hãy coi chừng: ta chưa thật sự sống trong đức tin. Thánh Phaolô yêu cầu ta kiểm điểm lại đức tin của mình: «Anh em hay tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm xem. Anh em chẳng nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13,5).

Vì thế, để lời hứa của Ngài - là ở với chúng ta - trở nên hiện thực, chúng ta phải tập luyện ý thức thường xuyên sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình. Ngài hiện diện trong chúng ta bằng thần khí của Ngài, chứ không phải bằng thể chất. Hiện diện dù bằng thần khí hay bằng thể chất, đều là hiện diện thật sự. Và sự hiện diện ấy là một hiện diện hoạt động chứ không bất động. Nếu ta để Ngài tự do hoạt động trong chúng ta, nghĩa là không để hoạt động của Ngài bị hạn chế bởi ý riêng của ta, lúc đó, ta sẽ nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi» (Gl 2,20). Nói cụ thể hơn là: bất kỳ điều gì tôi làm (suy nghĩ, ăn, nói, làm việc, đối xử, ngủ, nghỉ...) đeu không còn phải là bản thân tôi làm nữa, mà chính là Đức Giêsu làm trong tôi. Ý thức thường xuyên về sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình chính là tâm trạng cầu nguyện, là tình trạng kết hợp liên lỉ với Đức Giêsu. Thiết tưởng tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những bậc hiến thân sống đời tu trì, đều được mời gọi tập luyện sự ý thức thường xuyên này.

4. «Những gì...đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm»

Khi chúng ta đã thường xuyên ý thức sự hiện diện hoạt động của Đức Giêsu trong bản thân ta, ta sẽ dần dần cảm nghiệm thấy «tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều được ứng nghiệm» ngay trong bản thân chúng ta. Câu này cần được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm của tâm linh. Nghĩa là tất cả những lời hứa trực tiếp của Thiên Chúa với các tổ phụ, với Môsê (đất hứa, sự sung túc, con cháu đầy đàn), những lời hứa của Ngài đối với Dân Ngài qua các ngôn sứ, qua các lời Thánh Vịnh (sự thái bình, thịnh vượng…) đều được thực hiện tại thế ngay trong tâm hồn ta. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được thế nào là bình an và hạnh phúc siêu nhiên, một thứ bình an hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều kiện bên ngoài, nên «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Lúc ấy Bát Phúc trong bài giảng trên núi của Đức Giêsu sẽ trở nên hiện thực và cụ thể trong tâm hồn ta. Đây là tình trạng hạnh phúc của tâm hồn mà những vị thánh thường xuyên kết hợp với Thiên Chúa luôn luôn cảm nghiệm được. Chính nhờ cảm nghiệm được thứ hạnh phúc này, mà các ngài luôn luôn vui tươi khi gặp gian lao thử thách. Hạnh phúc mà các ngài cảm nghiệm được này đã bù đắp cho các ngài tất cả những hy sinh mất mát mà các ngài tự nguyện chịu. Hạnh phúc ấy, bất kỳ Kitô hữu nào ý thức được sự hiện diện của Đức Giêsu trong tâm hồn mình, và hoàn toàn sống với ý thức ấy đều có thể cảm nghiệm được.

Cầu nguyện

Lạy Cha, Đức Giêsu vẫn sống ở trong con, nhưng tâm trí của con không hề nghĩ đến Ngài, vì bận mải mê tìm kiếm những thứ ở bên ngoài. Điều đó đã làm cho sự hiện diện của Đức Giêsu trong con trở thành bất động, Ngài chẳng có thể làm được gì ích lợi cho con. Xin giúp con ý thức lại sự hiện diện của Ngài trong con, và thường xuyên sống với ý thưc ấy, để làm cho Đức Giêsu trở thành sống động trong con, biến con trở nên một tâm hồn tốt đẹp và hạnh phúc. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ