Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1366088

CAN ĐẢM CHẤP NHẬN LỖI LẦM

CAN ĐẢM CHẤP NHẬN LỖI LẦM- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hôm ấy, Chúa Giê-su trở về quê hương Na-da-rét. Vì ưu ái người đồng hương, Người tỏ cho họ biết vai trò và sứ mạng của Người là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo khó…với hy vọng là những người đồng hương cốt nhục của mình sẽ sẵn lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ.

Thế nhưng, vì in trí rằng Chúa Giê-su chỉ là một anh thợ mộc bình thường con của bác thợ Giu-se, bà con thân thích của Người đâu có ai sáng giá… nên họ đã không tin vào Người. Họ đã để vuột khỏi tầm tay một cơ hội ngàn vàng, đã đánh mất hồng ân vô giá. 

Để cảnh tỉnh họ, Chúa Giê-su chỉ cho họ thấy chỉ vì tổ tiên họ ngày trước đã không đón nhận các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến, nên đã đánh mất những ân huệ lớn lao. Cụ thể là vào thời ngôn sứ I-sa-i-a, khi trời hạn hạn suốt ba năm sáu tháng, dân Ít-ra-en phải lâm vào cơn đói khát trầm trọng, vậy mà ngôn sứ I-sa-i-a được sai đến, không phải để cứu giúp các bà goá trong dân Ít-ra-en thời đó, mà là để cứu đói cho hai mẹ con bà goá ngoại giáo nghèo khổ thành Xa-rép-ta, miền Xi-đôn.

Một sự kiện khác tương tự là vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, đang khi có nhiều người phong cùi trong dân It –ra-en cần được cứu chữa, thế mà không ai trong bọn họ được vị ngôn sứ chữa lành, ngoại trừ tướng Na-a-man ngoại giáo, người nước Sy-ri.

Thế nhưng, những lời cảnh tỉnh của Chúa Giê-su không làm cho họ tỉnh ngộ, trái lại càng khiến họ oán ghét Người khủng khiếp!

Họ nổi cơn phẫn nộ chỉ vì Người đã chỉ cho họ thấy những sự thật phũ phàng liên quan đến họ. Họ nhất tề đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giê-su, lôi Người ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành.

Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực, cho Người nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Người khỏi cuộc sống, vì Người đã dám nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng liên quan đến họ…

Ôi, khủng khiếp thay cơn giận của đám dân thành Na-da-rét!

Cái tôi kiêu căng tự phụ trong mỗi người là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Cái tôi tự phụ nầy đã khiến con người trở nên mù tối trước những lầm lỗi của mình và tìm cách biện minh cho những sai trái của mình đủ mọi cách, kể cả việc dập tắt tiếng nói của người chỉ lỗi cho mình.  

Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ rất biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.

Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta lại quay ra căm giận, hành hung người báo cháy cho mình thì thật là điên rồ không thể chấp nhận được.

Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm ỉ đốt cháy đời mình mà chúng ta không hay biết. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có ‘lửa’ đang bén vào ‘căn-nhà-cuộc-đời’ của ta, thì đừng phẫn nộ với người đó như người dân thành Na-da-rét năm xưa. Cần biết ơn họ sâu sắc vì nhờ họ cảnh báo mà chúng ta biết được những ‘ngọn-lửa-lầm-lỗi’  âm ỉ đốt cháy cuộc đời mình, để rồi cấp tốc cứu đời mình khỏi cháy.

    Lạy Chúa Giê-su, xin cho Lời Chúa soi dọi vào những ngóc ngách đen tối trong tâm hồn chúng con để vạch cho chúng con thấy những sự thật đen tối trong đời mình, để nhận ra cái TÔI của mình thật tăm TỐI, nhiều khi rất TỒI và cũng lắm TỘI.

Xin cho chúng con can đảm lắng nghe những lời phê bình chân thực của người khác mà không tìm cách biện minh hay chống chế.

Xin cho chúng con dám nhìn thẳng vào những thói xấu của mình, gọi đúng tên chúng, quan sát cách vận hành hay biểu lộ của chúng qua hành vi, lời nói, và cách cư xử hằng ngày của chúng con… để thấy chúng khả ố đến chừng nào. May ra lúc đó, chúng con  mới có thể cải thiện và đổi đời.

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- C

TRỞ VỀ QUÊN HƯƠNG- Lm. Gioan Nguyễn Tươi

Quê hương… mỗi người đều có

Vừa khi mở mắt chào đời

Quê hương …là dòng sữa mẹ

Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ…

Sẽ không lớn nổi thành người.

(Quê Hương- Đỗ Trung Quân)

Trong trái tim của mỗi người, quê hương được gắn liền với tuổi thơ, với tình yêu thương con người. Khi đi xa quê hương, thì lòng người càng thêm nhớ thương. Nhớ về cha mẹ, nhớ anh chị em, nhớ những người thân quen trong tình làng nghĩa xóm, nhớ những người bạn cũ một thời cắp sách đến trường. Quê hương được ví như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng đời con. Quê hương được khắc ghi trong trái tim của mỗi con người. Quê hương nếu ai không nhớ, thì sẽ không lớn nổi thành người. Đọc lại bài thơ quê hương, nó đã gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm của tuổi thơ nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Càng xa quê hương thì lòng càng thêm nhớ thương. Dù đi đến đâu thì lòng tôi vẫn muốn trở về thăm lại mái nhà xưa.

Trong hành trình đi rao giảng khắp nơi, Chúa Giê-su cũng tranh thủ trở về quê hương Nazaret, nơi Ngài đã được dưỡng dục và lớn lên. Chúa Giêsu vào Hội đường, Ngài đọc và giảng dạy Kinh Thánh cho dân chúng: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”. Mọi người đều kinh ngạc và thán phục về giáo huấn của Ngài. Chúa Giê-su dùng từ “hôm nay” có nghĩa là hiện tại ngay bây giờ quý vị vừa nghe. Nó không phải là ngày mai hay là tương lai mà là ngày hôm nay. Lời Chúa phải được ứng nghiệm trong chính tâm hồn mọi người. Nhưng chúng ta phải biết mở rộng con tim, thì Lời Chúa mới có thể gieo vào, lớn lên và sống được. Giống như hạt lúa được gieo vào mảnh đất tốt, nó sẽ đơm hoa kết trái.

Tuy nhiên, có những kẻ nghe Lời Chúa, nhưng họ còn mang nặng thành kiến, vì do lối sống của họ đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa, nên họ tìm cách chống đối, phủ nhận và không muốn nghe Lời Chúa. Chẳng ai xa lạ, họ là những người đồng hương của Chúa Giê-su. Họ nói rằng: “Người này không phải là con ông bác thợ mộc sao?”. Hóa ra bụt nhà không thiêng là vậy. Cho dù, Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật cho nhiều người để cho họ nhận ra ơn cứu độ và quyền năng của Thiên Chúa. Thế nhưng, họ đã từ chối đón nhận ơn thánh, mà đáng lẽ họ được ân hưởng.

Chúa Giê-su đã thấu hiểu cõi lòng của họ, Ngài nói tiếp: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”. Thật là đau lòng. Chúa Giê-su yêu quê hương da diết, muốn trở về để chia sẻ và ban ân phúc cho những người đồng hương và cho mảnh đất quê hương, mà Ngài gắn bó như ruột thịt máu mủ. Ấy thế mà họ đã phủ nhận và không đón tiếp với những gì Chúa Giê-su giảng dạy và làm cho họ. Vì lòng ganh tỵ, ích kỷ và thành kiến, họ không còn nghĩ đến những gì Ngài đã làm cho họ. Họ cắt đứt mối dây liên kết tình đồng hương, và cũng không chấp nhận sự thật hay biến cố đã xẩy ra tại quê hương mình. Họ nói: Người ấy không phải là con bác thợ mộc sao? Hoàn cảnh của ông ta có gì hơn người khác đâu! Một gia đình nghèo nàn, đơn sơ trong cái làng này.

Hơn nữa, điều làm cho chúng ta đáng suy nghĩ trong đoạn cuối của bài Tin mừng hôm nay, khi Chúa Giê-su chỉ cho họ biết lý do tại sao các phép lạ chỉ xẩy ra cho các người dân ngoại Ca-phác-na-um trong thời các tiên tri, mà không thực hiện cho những người Itrael. Lời nói này đã đụng chạm đến lòng tự ái dân tộc, vì họ luôn tự cho mình là một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ tự cho mình đạo đức thánh thiện hơn người nên họ đã phẫn nộ, trục xuất Chúa Giê-su ra khỏi thành. Họ dẫn Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực thẳm cho chết. Nhưng Ngài rẽ qua giữa họ mà đi. Thật là phủ phàng.

Cuộc trở về quê hương của Chúa Giê-su đã thất bại. Ngài đã bị người đồng hương xua đuổi, coi thường, khinh dễ. Điều Chúa Giê-su muốn nói với đám đông không phải là coi thường họ, hay bình phẩm về lối sống đạo hình thức giả tạo bên ngoài của họ, nhưng Ngài muốn chỉ cho họ thấy rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Itrael mà còn cho những người dân ngoại nữa. Sự cứu rỗi không tùy thuộc vào công việc họ đã làm, mà chính là ân sủng và nhờ lòng tin mà họ được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là ân huệ lớn lao của Thiên Chúa ban cho. Ơn cứu độ được mở ra cho tất cả mọi người và ơn thánh đó cần được ứng ngiệm trong cuộc sống mỗi người chúng ta hôm nay.

Mỗi ngày là một cuộc trở về. Trở về với gia đình. Trở về với chính mình. Trở về với căn tính của mình. Trở về với Thiên Chúa của mình. Trở về để biết mình đang đi về đâu. Mỗi người chúng ta có thể đi nhiều nơi, nhưng quê hương mỗi người chỉ một. Đó là quê hương trên trời, mà mỗi người chúng ta mong đợi khi kết thúc hành trình trên trần gian này. Thế gian là quán trọ dừng chân, để cho ta bước về quê hương vĩnh cửu. Chỉ có quê hương của Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta mới là quê hương thật. Nếu chúng ta không nhớ thì không thể lớn thành người con dân của nước Thiên Chúa.

Ước gì, Lời Chúa hôm nay được ứng nghiệm trong mỗi người chúng con. Amen.

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN-C

CẦN CÁI NHÌN MỚI ĐỂ ĐÓN NHẬN SỰ THẬT- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Đức Giêsu trở về Nadarét, nơi Ngài được nuôi dưỡng và trưởng thành, để rao giảng.

Cái nhìn cũ không thể nhận ra và đón nhận Đức Giêsu

“Hôm nay đoạn sách thánh các người vừa nghe được ứng nghiệm.” Dân làng Nadarét hỏi nhau: “đây không phải là con ông Giuse sao?” Nếu người này là con ông thợ Giuse, thì có gì lạ? Liệu ông ta có thể là người đặc biệt sao, vì từ trước đến nay ông ta quá bình thường? Dân làng Nadarét không thể tin được, một người bình thường trong làng ai cũng biết, lại có thể là một người đặc biệt, Đấng Kinh Thánh đề cập tới.

Cái nhìn của người làng Nadarét cũng rất phổ thông đối với con người thời đại này. Phán đoán đánh giá con người qua dáng vẻ bên ngoài, qua qúa khứ. Nếu không dựa vào qúa khứ của một người mà xét đoán, thì dựa vào đâu? Nhưng khi làm như vậy, là đã có thành kiến về người đó. Trong một làng quê, người ta biết nhau từ nhỏ, biết cả tông ti họ hàng, nếu ai phạm một lầm lỗi nghiêm trọng, người đó và họ hàng rất khó sống tại địa phương đó. Chỉ còn cách bỏ làng mà đi. Trong một xã hội thời xưa, không dễ gì bỏ làng đi được, những người đó khổ như thế nào.

“Đừng kết án để khỏi bị kết án”. Hơn nữa, cần có cái nhìn rộng mở với mọi người, để có thể đón nhận những gì Thiên Chúa đang làm qua một người. Một người qúa khứ tội lỗi, bây giờ Thiên Chúa có thể biến đổi họ, có thể họ không như trước, có thể hiện tại họ là những người tuyệt vời. Theo kinh nghiệm sống, điều này rất khó xảy ra, nhưng khó không có nghĩa là không có. Đối với Thiên Chúa, tất cả đều có thể. Chị Maria Magdala là một điển hình.

Năm mới, xin cho chúng ta có cái nhìn “mới” về con người, đặc biệt những người vẫn sống với chúng ta, để chúng ta lạc quan và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.

Khiêm tốn để đón nhận và cho đi

Sự đối kháng không chỉ ở mức độ không thích, không muốn nghe, nhưng đã đến độ người làng Nadarét muốn giết Đức Giêsu. Họ dẫn Đức Giêsu tới sườn đồi, và muốn xô Đức Giêsu xuống vực, nhưng Ngài đã băng qua giữa họ mà đi. Được sống với Đức Giêsu, được là người đồng hương (cùng làng) với Đức Giêsu, đáng lẽ là một ơn phúc, nhưng bây giờ lại là mối họa, là điều ngăn cản nhận biết Đức Giêsu. Tại sao vậy?

Tiên tri không được đón nhận tại quê hương mình. Vì người ta cho rằng họ đã biết rõ về con người đó. Và như vậy, con người đó đâu có gì để mình học, đâu có gì đặc sắc để mình phải lắng lòng. Không cần gì thêm, là một thái độ tự mãn, không thể đón nhận gì khác được, ngay cả Thiên Chúa. Người ta thường ví người tự mãn như một ly đầy nên không thể nhận gì hơn. Nếu không nhận, đâu có gì để cho. Một đại dương hay một dòng sông, luôn sẵn sàng đón nhận khe suối hay những giọt nước dù rất nhỏ, nên có thể cho mãi mãi mà không bao giờ cạn.

Một người tự mãn tự kiêu thường lấy mình làm tiêu chuẩn, và không mở lòng ra đón nhận sự thật. Vì coi mình vượt trên người khác, nên khi thấy người khác “có vẻ” coi thường mình, thì họ sẵn sàng hạ bệ hoặc tiêu diệt người khác. Đó là lý do tại sao người làng Nadarét muốn xô Đức Giêsu xuống vực.

Xin cho con có tâm hồn khiêm tốn, để con có thể đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ trong đời sống từng ngày của con.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Hiện tại không ai trong chúng ta thấy Thiên Chúa bằng mắt trần, nhưng bạn có tin rằng Thiên Chúa đến với bạn mỗi ngày không? Xin bạn cho vài thí dụ.
  2. Có khi nào bạn “thấy” Thiên Chúa đến với một người bạn quen qua biến cố nào đó, nhưng người đó không nhận ra? Tại sao vậy, và làm sao để có thể nhận ra Thiên Chúa đến với mình?
  3. Tết này dịp bạn về quê, đâu là dự định của bạn? Điều bạn dự tính có ích lợi gì cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người thân, người yêu không?
  4. Năm mới, nếu cho bạn một điều ước, bạn sẽ ước điều gì?

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- C

THÂN PHẬN NGÔN SỨ- Lm. Giuse Vũ Khắc NGhiêm

Một tân Linh mục tự nhiên bộc lộ tâm sự: Bao nhiêu năm làm thầy ở Giáo xứ, người ta coi thường mình quá! Thế mà chỉ sau một giờ thụ phong Linh Mục, ai ai cũng kính trọng cúi chào và chúc mừng nồng nhiệt.

Một cảm giác thật kỳ diệu!

Nếu Đức Giêsu cũng được tấn phong theo nghi lễ bên ngoài cho người ta trông thấy, chắc chắn sẽ được dân làng Nazareth kính trọng biết bao. Đằng này Đức Giêsu chỉ nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh quý vị vừa nghe”. Lời Kinh thánh đó đã được đọc Chúa nhật trước là: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi…”. Họ không thấy Thánh thần xức dầu tấn phong người làm Ngôn sứ như Êlia xức dầu tấn phong Êlisê (1V. 19,16), làm Linh mục như Môise xức dầu tấn phong cho Aharon (Lv. 8,13), làm vua như Samuel xức dầu tấn phong cho David (1S. 16,13). Dầu mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp Người đã nói. Họ không tin lời Tiên tri Isaia đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu vì hai lý do:

1) Thứ nhất: “gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Họ nói: “Ông này không phải là con Ông Giuse đó sao?” cảm tưởng thán phục về Đức Giêsu thoát chốc biến mất khi họ nhận ra Người là con ông Giuse, con bác thợ mộc vẫn lang thang làm mướn cho hết nhà này cho đến nhà kia. Gần suốt ba mươi năm, Người sống với họ trong một miền quê nghèo nàn nhỏ bé, làm sao có thể bỗng chốc trở thành Ngôn sứ, trở thành vĩ nhân được. Họ đã biết rất rõ nguồn gốc Người thuộc dòng dõi những kẻ tầm thường từ Giuse đến Eli con ông Mátthát, tới ông cụ ông kỵ là dòng dõi Lêvi như thánh Luca đã kể đoạn gia phả (Lc. 3, 23. 24). Và họ đã vấp phạm vì họ quá bám vào thành kiến loài người: “Con Vua thì lại làm Vua. Con bác Sãi Chùa thì quét lá đa”.

Làm sao loài người thoát khỏi những thành kiến nô lệ đó. Họ phải biết rằng: Xưa kia đã có những kẻ mục đồng tầm thường như Saulê, như David đã được tấn phong làm Vua, những bác nông phu đi cầy, đang hái nho như Êlisê, Amos cũng được sai làm Ngôn sứ. Ở Việt Nam cũng có người dân áo vải đã trở nên những vị Vua anh hùng như Lê Lợi, Quang Trung. Nhiều con nhà nghèo cũng được bầu làm Giáo Hoàng như Piô 10, Gioan 23.

Đức Giêsu chẳng những là người dân lao động mà còn có nguồn gốc dòng dõi siêu phàm. Hôm nay Người tỏ ra cho họ biết Người đã thực hiện sứ mệnh siêu phàm đó là cho người nghèo được nghe Tin Mừng, những tâm hồn tan nát được băng bó, người mù được sáng…

Họ cũng đã nghe thấy Người làm ở Caphanaum “cho người què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại” (Mt. 11, 5).

2) Thứ hai, từ coi thường đến thách thức và phẫn nộ:

“Ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương Ông xem nào!”. Đây là một thách thức ghê gớm để thử Người như Satan đã thử Người từ trên nóc đền thờ lao mình xuống đất, như những kẻ đòi Người làm một dấu tạ từ trời (Lc. 11, 16). Họ cũng hy vọng như những kẻ lười biếng, ỷ lại ích kỷ muốn: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Họ muốn Đức Giêsu phải làm cho họ hơn những người khác vì họ đồng hương với Người. Đó là óc gia đình trị, bè đảng trị. Chúng ta cũng giống như những người làng Nazaneth muốn Thiên Chúa giải quyết cho chúng ta mọi vấn đề. Nhưng Thiên Chúa không thiên vị ai. Chỉ những ai thành tâm mến Ngài, trông cậy phó thác và thực thi Thánh ý Ngài, sống theo đường Thánh giá của Đức Giêsu, lúc đó Ngài mới ra tay cứu thoát.

Thấy họ ngạo mạn, ích kỷ vụ lợi như thế, Đức Giêsu đã nói thật về họ. Họ giống như tổ tiên họ thời các tiên tri Êlia và Êlisê.

Trong thời Êlia, nạn đói do hạn hán hoành hành trong ba năm sáu tháng, Thiên Chúa sai Êlia đến cứu giúp bà goá lương dân thành Sarépta, còn bao nhiêu bà nghèo đói khác trong dân Israel lại không được cứu giúp. Tại sao thế? Thưa vì bà góa dân ngoại này đã có lòng thương người biết chia cơm, sẻ nước cho người khách lạ là Êlia, còn các bà dân Israel theo nhà Vua A-kháp và Hoàng Hậu Iza-bel đi cầu khẩn tà thần Ba-al (1V. 16, 30-17,15)

Trong thời Êlisê, bao nhiêu người phong cùi trong dân Israel không đến xin Êlisê, tiên tri của Thiên Chúa cứu chữa, mà chỉ có đại tướng Naaman, người dân ngoại nước Syri, cùng đoàn tùy tùng đông đảo đến nài xin Êlisê cứu và đã nghe lời tiên tri dậy bảo xuống sông Gióc-đan thanh tẩy và đã được khỏi (2V. 5,1-15). Những lời nói thật đó lại làm họ phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, kéo lên đỉnh đồi, để xô Người xuống vực thẳm. Đáng lý ra, nghe những lời giảng dậy cao siêu lạ lùng đó, họ phải thán phục, kính trọng lãnh nhận để suy niệm. Đáng lý ra, biết Người làm nhiều phép lạ ở Caphanaum, họ phải tin quyền phép Thiên Chúa nơi Người và khiêm tốn cầu xin cứu chữa. Đáng lý ra, khi Người vạch ra cho họ thấy rõ sự thật, họ phải đau đớn ăn năn sám hối, cải thiện để được ơn tha thứ. Nhưng họ lại khinh bỉ, tự ái kiêu căng lao đầu theo dục vọng phẫn nộ điên cuồng của tội ác giết người.

       Ngày nay, Đức Giêsu cũng đang nói với chúng ta những sự thật đó: Những sự thật phũ phàng đang xẩy ra, những nạn kỳ thị khủng khiếp đe dọa tiêu diệt lẫn nhau giữa các nước, các chủng tộc, tôn giáo, giai cấp, trong xóm làng và trong gia đình. Có những người công chính dám nói lên những sự thật đó, đều bị thảm sát như Grandhi ngày 14/01/1948, Luther King ngày 04/04/1968, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị sát hại hai lần ngày 13/05/1981 tại Roma và 05/05/1982 tại Tây Ban Nha.

Lời Chúa hôm nay cho thấy: người ta cũng muốn sát hại Đức Giêsu và tiên tri Giêrêmia. Để mỗi người chúng ta, trong gia đình, trong giáo xứ tránh khỏi nạn kỳ thị lẫn nhau, thánh Phaolô trong bài đọc II kêu gọi chúng ta phải sống bác ái theo gương Đức Giêsu: Đem Tin Mừng đến cho nhau, chứ đừng đem sầu khổ; băng bó những tâm hồn tan nát, chứ đừng đâm bị thóc, chọc bị gạo; giải thoát cho kẻ bị áp bức, đem ánh sáng Đức Kitô cho kẻ ngồi trong bóng tối tội lỗi; ban bố hồng ân của Chúa, chứ đừng gieo tai bay vạ gió.

Lạy Chúa, Chúa đã thương chọn mỗi người chúng con làm ngôn sứ của Chúa ngay khi chúng con chịu phép Rửa tội: “Thánh Thần Chúa đã xức dầu chúng con để nhập đoàn dân Người, chúng con mãi mãi làm chi thể của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống đời đời”. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi sứ mệnh cao cả đó, dù có bị phẫn nộ, xô đẩy xuống hố sâu, thì Chúa cũng cho chúng con “băng qua giữa họ mà đi”.

home Mục lục Lưu trữ