Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 36
Tổng truy cập: 1375134
CẶP MẮT CỦA TRÁI TIM
Cặp mắt của trái tim
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm ngài gặp một người bạn, người này nói với thánh nhân rằng ông ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa được. Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què. Thánh nhân hỏi người hành khất:
- Nếu tôi chữa cho anh thấy và đi được thì anh có yêu mến tôi không?
Người hành khất trả lời:
- Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài mà tôi xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài.
Nghe câu trả lời của người hành khất xong, thánh nhân quay sang người bạn đang đứng bên ngài nói:
- Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được, thế mà còn hứa với tôi như thế, huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn. Ngài lại còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh. Vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?
Thưa anh chị em, yêu mến Chúa là bổn phận của mỗi người chúng ta. Nhưng thế nào là yêu mến Chúa? trong Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta câu hỏi này. Trước hết, yêu là thấy. Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”. Thực thì ngay trong cuộc sống của xã hội con người, chúng ta cũng có thể gặp những trường hợp một người đã ra đi một chuyến đi xa, nhưng những người còn ở lại vẫn cảm thấy người đó như đang hiện diện ở đâu đây, thật gần gũi, nơi từng sự vật, trong từng căn phòng, nơi mỗi lối đi. Chính tình yêu, sự quen thuộc, sự cảm thông đã tạo nên cái điều lạ lùng này. Giữa những người thân yêu, sự vắng mặt không tạo nên sự xa cách: “Xa mặt mà không cách lòng”. Vì vậy, Đức Giêsu đã nói: “Thế gian sẽ không thấy Thầy, còn anh em, anh em sẽ được thấy Thầy”. “Cái thấy” Chúa Giêsu muốn nói ở đây không còn là cái thấy ngang qua cặp mắt của thân xác; cái thấy ấy có những giới hạn nhất định, ở ngoài tầm nhìn thì không thấy được nữa. Còn “cái thấy” ở đây là cái thấy bằng con tim, bằng sự cảm nhận, bằng sự hoà nhập. Tình yêu làm cho người xa cách trở nên gần gũi. Vì yêu mến Thầy, các môn đệ vẫn cảm thấy Thầy hiện diện ở khắp nơi.
Nguyên trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ giữa môn đệ và Thầy, giữa môn đệ và Thiên Chúa Cha. Yêu mến đưa đến sự hoà nhập: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” và “Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy”.
Thì ra, trái tim cũng có “cặp mắt” của nó. Cặp mắt của trái tim thấy được những cái mà cặp mắt thể xác không thể thấy được. Chính cái thấy bằng cặp mắt của trái tim sẽ giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu với cuộc đời của một người Kitô hữu và của cộng đoàn. Có yêu mến Chúa, chúng ta mới thấy được sự hiện diện thân thiết của Chúa ở giữa chúng ta.
Yêu còn là tuân giữ: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy. Tình yêu sẽ dẫn tới hành động. Không có hành động, tình yêu chỉ là giả dối. Hành động mới là bằng chứng của tình yêu đích thực. Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Nói rằng: “Tôi yêu mến Chúa” thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nếu không tuân giữ các giới răn của Chúa thì những lời nói đó chỉ là những lời nói dối.
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm rằng: Khi yêu ai, chúng ta cảm thấy được những gì làm vui lòng người chúng ta yêu và không có gì cưỡng bức chúng ta tự nhiên làm tất cả để người yêu được vui, được hạnh phúc. Yêu mến Chúa cũng vậy. Yêu mến Chúa là sống theo ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý Chúa muốn, là giữ các giới răn của Chúa, là thực thi ý muốn của Chúa trên cuộc sống chúng ta và trên cuộc sống của xã hội loài người.
Nhưng các giới răn của Chúa là gì, thưa anh chị em?
Các giới răn của Chúa là chính Chúa Giêsu với các giáo huấn, với những chọn lựa của Ngài. Tất cả cuộc sống của Chúa Giêsu trở thành mẫu mực cho cuộc sống của người Kitô hữu. Giữ các giới răn ở đây là biến đổi chính con người của mình để có thể trung tín với Chúa trong cuộc sống. Như thế, giữ các giới răn là sống trong tình yêu của Chúa.
Chúa Giêsu đã xác định: “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy”. Giữ các giới răn là ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Kitô giáo là đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao. Vậy mà có nhiều người lại coi Kitô giáo như những giới răn cấm kỵ và trừng phạt, như những gông cùm tròng vào cổ hay những gánh nặng đèn lên vai. Vì vậy cuộc sống đạo của họ trở thành một bài toán khô khan và nghèo nạn, nhiều khi quá máy móc. Họ bóp méo đạo yêu thương thành đạo sợ hãi. Đạo sợ hãi làm người ta mất nhiệt tình và cởi mở, mất nét vui tươi trên khuôn mặt của những người con cái Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, người Kitô hữu đích thực phải sống đạo bằng con tim. Tình yêu làm cho cuộc sống đầy sức sáng tạo và năng động. Chính cuộc sống tích cực và đầy sức sáng tạo này mới thực sự là một bằng chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chết nhưng đã sống lại và đang tiếp tục hoạt động nơi những kẻ tin ở Ngài, và là bằng chứng của lòng tin nơi sự hiện diện sống động của Ngài. Chính đời sống yêu thương nhau chân thành, hy sinh phục vụ nhau theo mẫu mực của tình yêu Chúa yêu thương chúng ta sẽ biểu lộ cho mọi người nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa, Ngài đang sống và đang có mặt sống động trên trái đất chúng ta, như Ngài đã nói khi từ biệt các môn đệ: “Thầy không bỏ anh em cô độc. Thầy sẽ đến với anh em. Anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”.
22. Hãy vì Chúa mà yêu mến tha nhân – Lm. Trần Ngà.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Người mẹ đang thoi thóp nhìn năm đứa con khóc thút thít quanh giường, mắt bà nhoà lệ. Cha của chúng đã lìa thế từ lâu, để lại cho bà gánh nặng một mình tần tảo nuôi năm đứa con thơ. Giờ đây lại đến lượt bà nối gót chồng ra đi, vĩnh viễn xa lìa đàn con nheo nhóc. Bà không an tâm chút nào khi thấy lâu nay các con hay kình cãi, tranh chấp nhau từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ việc chia cá, chia cơm trong mỗi bữa ăn cho đến việc tranh nhau tấm áo manh quần. Đứa nào cũng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên tình anh em ruột thịt. Đứa nào cũng mong chiếm cho được phần hơn mà không màng gì đến quyền lợi các em. Mai đây bà ra đi, ai sẽ là nhịp cầu nối kết chúng lại với nhau trong tình huynh đệ? Ai sẽ là trọng tài phân xử những tranh chấp bất hoà thường xuyên nổ ra giữa chúng?
Tuy nhiên, điều an ủi lớn lao cho bà là mặc dù chúng không thương nhau, nhưng đứa nào cũng thương mẹ; tuy chúng không hề biết hy sinh cho nhau, nhưng nếu vì mẹ thì chúng sẵn sàng hy sinh và làm cho mẹ bất cứ chuyện gì.
Thế nên, cậy dựa vào tình thương chúng dành cho mình, bà lấy chút hơi tàn thều thào mấy lời trăn trối: “Các con yêu của mẹ, mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi thấy các con bất hoà bất thuận với nhau. Chốc lát nữa, mẹ sẽ vĩnh viễn xa lìa các con. Nếu mỗi người trong các con còn thương mẹ thì hãy vì mẹ mà thương yêu các anh em mình!”
Nói xong, bà ra hiệu cho từng đứa cúi xuống cho bà hôn lên trán rồi lịm vào giấc ngủ ngàn thu.
Chính Chúa Giêsu cũng có cùng tâm trạng đó. Ngài đến thế gian để nhen lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên. Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ. Nhưng ngọn lửa yêu thương Ngài đã nhọc công nhen lên lại hắt hiu như đèn trước gió, dễ dàng bị lòng tham lam ích kỷ hận thù dập tắt đi.
Thế nên, khi sắp lìa bỏ thế gian và các môn đệ là đoàn con thân tín để về cùng Chúa Cha, Ngài nhắn nhủ họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi.... Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13, 33-35)
Biết rằng xây dựng, vun đắp tình thương giữa người với người là điều rất khó; anh em ruột thịt trong nhà chưa dễ thương nhau, huống là yêu thương người ngoài hay thù địch. May ra vì lòng yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng, yêu thương và hiến mình chết thay cho họ, họ mới có thể đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng cách vâng lời Chúa và vì Chúa mà yêu mến tha nhân. Cần phải nại đến lòng yêu mến Thiên Chúa của con người để khuyến dụ con người vì Chúa mà yêu thương nhau.
Trong tâm tình đó, Ngài tiếp: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ điều răn Thầy truyền... là hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Kế đó, sợ các môn đệ chưa chú tâm đến những lời tâm huyết của mình, Chúa Giêsu lặp lại nội dung trên theo hình thức đảo ngữ: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.”
Qua những lời trên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa thì hãy giữ điều Chúa truyền dạy là yêu mến tha nhân; chỉ những ai giữ luật yêu thương tha nhân mới thực sự là kẻ yêu mến Ngài. Cho dù chúng ta không thể yêu mến người khác vì họ khó thương, thì chúng ta cũng hãy vì lòng yêu thương Chúa mà đón nhận tha nhân như lệnh Chúa truyền.
Đó cũng là tâm tình mà chúng ta thường bày tỏ với Thiên Chúa qua kinh kính mến, xin hãy cùng khấn nguyện với nhau:
“Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.
23. Thần Khí hướng dẫn – Lm. Jos. Quốc Phong
“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”
Tất cả mọi người chúng ta hẳn đã có kinh nghiệm ít nhiều về cuộc sống, và mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm và sự đau khổ và mất mát. Sự đau khổ có thể đến từ nhiều con đường khác nhau: có thể từ gia đình, trường học, sở làm việc, và có thể đến từ chính nội tâm chúng ta. Tất cả những sự đau khổ và cùng cực đó làm cho trái tim chúng ta đau đớn, làm cho cuộc sống chúng ta cảm thấy bất hạnh, làm cho tương lai của chúng ta mù mịt, khiến những bước đi trong hiện tại trở nên nặng nề, và đôi khi trái tim đau đến nghẹn thở… nó làm chúng ta cảm thấy sợ hãi và căng thẳng, lo lắng và bất an…
Có một anh chàng cử nhân nọ, sau khi tốt nghiệp và cầm trên tay một mảnh bằng ngon lành với một chút tự hào và hạnh phúc. Anh càng tự hào hơn khi anh nghĩ rằng mình từ bỏ danh vọng để dấn thân đi theo Chúa trên con đường thánh hiến. Cuộc sống ơn gọi của anh trong những năm đầu rất thuận lợi, tất cả dường như đi theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu do anh ta suy nghĩ và phác thảo, như thể sự vận hành của một cỗ máy cho ra sản phẩm đúng như bản vẽ. Nhưng một ngày nào đó, một số vấn đề đã xảy ra, những kế hoạch bị đảo lộn, và không còn vận hành theo ý của anh được nữa, thậm chí anh đã thất bại, và thất bại rất thảm hại. Và đã có lúc anh đã muốn bỏ cuộc vì không thể chấp nhận nổi chính mình. Tất cả các chương trình và kế hoạch của anh ta dường như tan tành theo mây khói, không có chi cứu nổi. Anh tự suy nghĩ phương pháp để sửa chữa thì nó càng sai lầm và bế tắc. Anh đã vô cùng đau khổ và khủng hoảng…
Sau đó anh cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều, ngày này sang ngày kia, tháng này qua tháng nọ, ròng rã trong suốt 2 năm trời … anh mới nhận ra được một chút ánh sáng. Một trong những sai lầm của anh là đã dựa vào mình quá nhiều, đã tin tưởng vào khả năng của mình, vào những kế hoạch do ý muốn của riêng mình. Đời sống cầu nguyện của anh đó là gần gũi với Chúa để xin Chúa chúc lành và giúp đỡ để kế hoạch của anh ta được toại nguyện, “kế hoạch nên thánh” của anh. Sau khi bị khủng hoảng, anh mới hiểu ra rằng, anh phải thay đổi lại cách thế suy nghĩ, và nhất là thay đổi lại tương quan với Thiên Chúa. Anh phải lắng nghe và nhận ra được kế hoạch mà Chúa muốn mời gọi anh, và việc anh phải làm là dấn thân vào kế hoạch của Ngài: “Xin cho Ý của Cha được nên trọn”. Sau khi đã chết đi cho chính mình, chết đi cho một tinh thần cũ, anh đã được phục sinh, bắt đầu lại một cuộc sống mới, một bước đường mới với một ánh sáng mới “xin cho Ý của Cha được thể hiện”.
Lương thực thật sự làm cho chúng ta sống và sống dồi dào, không phải là một đời sống vật chất sung túc, cũng không phải là một đầu óc thông minh sáng tạo có khả năng chế tạo hay phát minh ra những điều mới mẻ, cũng không phải là một sự tổ chức, quản lý chặt chẽ, …lương thực thật sự có khả năng làm cho chúng ta sống hạnh phúc, mang lại cho chúng ta một đại dương của sự bình an đó chính là được đụng chạm đến “Thiên Chúa”, được ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta.
Hôm nay Chúa Giêsu đã phán rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy. Và thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”. Điều kiện mà Chúa Gesu đã đưa ra là “hãy giữ giới răn của Thầy” thì Thầy sẽ ở người ấy, Thầy sẽ yêu người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Giới răn của Thầy chính là “các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Hãy sống yêu thương trong sự thật, sống trong Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta sẽ đụng chạm và ở lại trong tình thương của Ngài. Trích sách tông đồ công vụ, thánh Philipphê đầy tràn Thánh Thần đi xuống sứ Samaria để rao giảng Đức Kitô và làm nhiều phép lạ. Có Thần Khí ở cùng, thánh Phipipphê đã thực sự sống và sống sung mãn. Chính sức sống mãnh liệt đó làm cho ngài có khả năng lướt thắng hết mọi thách đố và khó khăn, để rao giảng một niềm vui to lớn đến nỗi không thể nào không loan truyền cho mọi người. Trong bài đọc hai, Đức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi của chúng ta, Ngài đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Thần Khí của Thiên Chúa là nguồn mạnh của sự sống, Đấng làm cho chúng ta sống và sống dồi dào.
Thiên Chúa chính là nguồn mạch của sự sống và sự sống đời đời. Chỉ có ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong chúng ta, thì chúng ta mới có được sự sống thật sự. Những gì thế gian chào mời chúng ta bằng những sự quảng cáo đủ màu sắc và nhiều lời hứa ngon ngọt, không có khả năng đem lại cho chúng ta một sự sống thật sự trong chân lý và trong an bình. Những gì của thế gian chỉ có thể đáp ứng để thỏa mãn những cơn đói bên ngoài. Hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự can đảm để chúng ta có đủ sức mạnh lột bỏ hết các tất cả các mặt nạ, các bức tường đã ngăn cản và che đi “khuôn mặt thật” của chúng ta, đó là khuôn mặt giống Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là Chân Lý Vĩnh Cửu mới có khả năng thỏa mãn cơn đói tinh thần, cơn đói linh hồn vĩnh cửu của chúng ta, vì Ngài chính là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn Mạch Bình An vĩnh cửu.
24. Lời dặn dò của Chúa
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn. Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng xa nhau vì công việc. Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nổ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ nghe con. Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…
Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa về cùng Chúa Cha, Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần. Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12); "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ (Ga 14, 15); "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (Ga 14, 21).
1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"
Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên họ không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, ta sống trong Ngài: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài " Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (Ga 4,20).
2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”
Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 12,35). Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.
Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.
Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói: "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".
Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Thánh nhân là người yêu mến Chúa thật và xứng đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời. Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy! Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. Chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống ở đời này.
Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.
25. Mồ côi
Mỗi khi đi tham dự đám tang của một người cha, hay của một người mẹ trẻ vừa mới nằm xưống, nhìn giải khăn xô buộc hờ hững trên mái đầu xanh, chúng ta cảm động như muốn khóc lên được. Đứa bé ngây thơ nhìn những nắm đất được ném xuống lòng huyệt lạnh. Nó chẳng hiểu gì cả. Nó đâu có biết rằng chết là ra đi vĩnh viễn, hai bờ bến ngàn trùng xa cách. Nó tưởng rằng ba nó hay mẹ nó đi thăm ông bà nội ngoại, mai mốt sẽ về và cho nó thật nhiều quà. Người khác nhìn vào sẽ cảm thấy chua xót và khóc thầm cho cuộc đời của nó. Ngày mai nó sẽ ra sao? Lớn lên, nó mới hiểu được rằng: mất cha, mất mẹ là một nỗi bất hạnh quá lớn không thể lalm cho vơi giảm, là một mất mát quá to không thể nào bù đắp.
Vì thế, người Âu châu có một ngày lễ rất đẹp vào Chúa nhật thứ hai trong tháng năm, đó là là ngày lễ của những người mẹ. Ngày lễ này được tổ chức để ghi nhớ công ơn mẹ hiền. Và những ai còn mẹ, khi đi ra ngoài đường sẽ được cài một bông hồng trên áo, để nói lên rằng người ấy thật hạnh phúc vì còn được sống bên người mẹ của mình.
Nếu có dịp ghé thăm một cô nhi viện, chúng ta sẽ thấy những em bé mồ côi quấn quít bên chúng ta, mong muốn được nói chuyện với chúng ta vì các em thiếu vắng một tình yêu thương chăm sóc.
Từ những kinh nghiệm cụ thể ấy, chúng ta dễ dàng hiểu được lời Chúa phán:
- Thầy không bỏ các con mồ côi.
Thực vậy. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các ông, đã căn dặn các ông những điều cuối cùng và nhất là đã trăn trối cho các ông bổn phận phải yêu thương nhau. Ngài đã phác họa cho các ông thấy cả một tương lai đen tối:
- Họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con.
Tuy nhiên, để các ông được yên tâm, không hoảng sợ, không thất vọng, Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông và nhất là đã hứa ở với các ông một cách mầu nhiệm:
- Thầy không bỏ các con mồ côi.
Bây giờ, chúng ta đi vào lãnh vực cá nhân của mỗi người. Thực vậy, đời sống giống như một mặt biển đầy bão táp. Vậy bão táp ấy là gì? Đó là những tội lỗi, những khuynh hướng xấu xa, những lo lắng về tiền bạc vật chất… Tất cả là như những con sóng mốn nhận chìm con người bé bỏng chúng ta. Thế nhưng, người Kitô hữu không hề hoảng sợ và thất vọng, bởi vì chúng ta không chiến đấu đơn độc một mình, nhưng chúng ta chiến đấu bên cạnh những người anh em khác và nhất là chúng ta chiến đấu cùng với Chúa Giêsu. Ngài luôn ở bên chúng ta. Có Ngài, chúng ta sẽ làm được tất cả. Có Ngài, chúng ta sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách. Có Ngài, chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang. Chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi, lạc lõng giữa chợ đời, nhưng chúng ta bước đi trong tình thương của Chúa, một người Cha nhân từ và giàu lòng xót thương.
Người ta kể lại rằng: Sau nghi lễ đăng quang, Đức Piô XI đã trở về phòng riêng, ngồi vào chiếc ghế vị tiền nhiệm là Đức Bênêdictô XV, tự nhiên một nỗi lo âu xâm chiếm. Ngài nhìn thấy con đường trước mặt thật tăm tối: Một Giáo hội bị tấn công về mọi mặt. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa chấm dứt, nhưng chiếc ngòi nổ vẫn còn âm ỉ. Trong lúc chán nản, ngài đã làm công việc duy nhất mà một người lo âu có thể làm, đó là quì xuống cầu nguyện. Trong khi cầu nguyện như thế, tay ngài đưa ra và chạm vào một bức ảnh còn lại trên bàn giấy của đức Bênêdictô. Ngài cầm bức ảnh ấy lên xem và bổng nỗi lo sợ tan dần. Tâm hồn ngài tràn ngập an bình. Đó là bức ảnh Chúa Giêsu đang truyền cho sóng gió yên lặng. Từ đó, ngài luôn để bức ảnh ấy trên bàn và mỗi khi lo âu chuyện gì, ngài liền nhìn vào và nhớ lại rằng: Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời là sóng yên biển lặng.
Chúa Giêsu ở trong chúng ta và Ngài đã mang lại sự bình an cho tâm hồn. Bởi đó, giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ, chạy đến với Ngài và nài xin: Lạy Chúa, xin cứu chúng con, kẻo chúng con chết mất. Chắc chắn Chúa sẽ không để chúng ta mồ côi, nhưng Ngài sẽ nâng đỡ để chúng ta vượt thắng được những gian nan thử thách và luôn trung thành phụng sự Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam