Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1375149

CÂU TRẢ LỜI CHO NIỀM HY VỌNG

Suy Niệm:

Theo lời Ðức Giêsu, ai yêu mến Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài, thì được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Ðấng phù trợ, an ủi. Người sẽ ở trong người ấy và dẫn đưa về cùng Chúa Cha và Chúa Giêsu.

Yêu mến là thực thi lệnh truyền của Chúa. Ðức Giêsu đã nhắc đến mệnh lệnh này nhiều lần... Người muốn dạy chúng ta: lòng tin và yêu mến không chỉ là lý thuyết, là tư tưởng suông nhưng phải được thực hành, đó mới là bằng chứng cụ thể. Vì đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17), và đức ái không có việc làm là đức ái vô ích, trống rỗng ngoài môi miệng (Mc 7,6).

CÂU TRẢ LỜI CHO NIỀM HY VỌNG
(Chúa Nhật VI PS A) Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Thánh Phêrô nhắn nhủ tín hữu ở các xứ: Pontô, Galat, Capadokia, Axia và Bithynia và với chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn là: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1P 3,15). Có thể nói động thái hy vọng là khao khát, là mong chờ điều tốt đẹp nào đó với niềm tin rằng sẽ đạt được. Niềm hy vọng của Kitô hữu chúng ta mà thánh Tông Đồ Cả nói ở đây chính là được hưởng phúc lành vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa ban. Và để đạt phúc lành này thì ngài khuyên bảo phải hiệp nhất nên một với nhau, biết cảm thông, yêu thương nhau như anh chị em, đừng lấy ác báo ác nhưng ăn ở nhân hậu (x.1P 3,8-9). Để thực hiện điều này thánh nhân nhấn mạnh: “hãy tôn Đức Kitô, là Đấng Thánh, làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta”.

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14,15). Điều răn mà Chúa Kitô truyền dạy đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Mẹ Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh Việt Nam căn cứ vào cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế đã cụ thể hóa giới luật tình yêu qua kinh “Mười bốn mối thương người” mà Kitô hữu chúng ta dường như thuộc nằm lòng, nhờ thường đọc trong các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ trọng.

Một sự thật mà chúng ta cần chân nhận, đó là không ít người con cái Chúa vô tình hay vì lý do nào đó mà lãng quên lời căn dặn, đúng hơn là lời khẳng định của Chúa Kitô: “phải làm điều này mà không được bỏ điều kia” (x.Lc 11,42); đừng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23,23-24), khi họ chỉ thực hiện một vài mối thương người mà thôi hoặc né tránh không thực thi một vài mối thương người này kia.

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng từ tín hữu giáo dân đến hàng mục tử một cách nào đó xem ra đã thực thi những nghĩa cử như “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt, chôn xác kẻ chết và có thể thêm việc “cho khách đỗ nhà”. Tuy nhiên việc thăm viếng “kẻ tù rạc” và “chuộc kẻ làm tôi” thì hình như đang bị thiếu sót cách này cách khác. Phải chăng nếu không phải là người thân thích thì chúng ta vốn ngại dây dưa với những người đang trong vòng lao lý, cả những người thực sự có tội và cả những người bị kết án cách oan sai, bất công? Ngày nay không còn chế độ nô lệ như ngày xưa, nhưng tình trạng bị ràng buộc, bị kìm giữ cách bất công vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta. Trên thế giới và ngay trên đất nước chúng ta vẫn còn đó tình trạng rất nhiều người không được sử dụng các quyền căn bản của họ xét như là con người (nhân quyền). Đây cũng là một hình thức nô lệ không hơn không kém.

Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng Kitô hữu chúng ta xem ra ít tắc trách trong việc “lấy lời lành mà khuyên người, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ làm mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Thế nhưng việc “mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội” thì dường như còn bị hạn chế về cả đối tượng lẫn phạm vi cần điều chỉnh hay sửa sai. Chúng ta, nhất là những vị mục tử vẫn chu toàn việc răn bảo kẻ có tội và mở dạy kẻ mê muội, nhưng thường là mở dạy hay răn bảo những người đồng đạo, những người dưới quyền và cũng thường trong những lãnh vực đạo đức mang luân lý cá nhân hay trong việc tuân giữ các luật buộc như “giữ Lễ Ngày Chúa Nhật, lãnh nhận các bí tích, kiêng việc xác, ăn chay…”. Cần thú nhận rằng những lỗi lầm mang tính công bằng xã hội hoặc những lệch lạc, sai lầm mang tính hệ thống, nhất là khi người lỗi phạm đang nắm quyền cao, vị lớn trong xã hội và cả trong giáo hội thì chúng ta có vẻ như đang xao lãng bổn phận “mở dạy và răn bảo”.

“Phải làm điều này mà không được bỏ qua điều kia”. Xin lặp lại lời của Chúa Kitô để cùng thức tỉnh nhau ra khỏi tình trạng “gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà”. Yêu thương cách có chọn lọc, cách có tính toán thì không thực sự là yêu thương, và chắc chắn không “như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta”. Yêu thương một cách có tính toán và chọn lọc như thế thì rất có thể có được sự bình an do thế gian ban tặng và dĩ nhiên cần khẳng định rằng đó không phải là sự bình an mà Chúa Kitô trao ban (x.Ga 15,27).

Xin Thần Khí sự thật đổ đầy tâm hồn Kitô hữu chúng ta để chúng ta biết thế nào là yêu mến Chúa Kitô, thế nào là tôn Đức Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta, thế nào là làm chứng về niềm hy vọng của chúng ta. Có thể không trọn vẹn và chắc chắn không thể đủ đầy, tuy nhiên điều chúng ta phải cần làm cho xứng với danh môn đệ Chúa Kitô, đó là kiên trì nhẫn nại trong hiền hòa và bao dung thực thi cả “Mười bốn mối thương người”, không xao lãng hay loại bỏ bất cứ mối thương người nào. Đây là câu trả lời có tính thuyết phục nhất cho niềm hy vọng của chúng ta trước bà con lương dân và anh chị em khác đạo và trước cả những người tự nhận là vô thần.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tình yêu và Thánh Thần
(Suy niệm của Daniel J. Harrington – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14,15).

Lưu giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu thật sống động và tiếp nối những công việc Ngài đã khởi sự, là hai công việc chủ yếu đối với mọi Kitô hữu. Các bài đọc Lời Chúa của phụng vụ hôm nay, Chủ nhật 6 Phục sinh, mô tả cách thế giúp chúng ta, cá nhân cũng như cả Hội Thánh, thực hiện những bổn phận quan hệ và cao quý này. Bài diễn từ biệt ly của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi lại (Ga,14) mà chúng ta nghe trong phụng vụ, đề cập đến cả 2 công việc đó. Việc thứ nhất liên quan đến tình yêu, và việc thứ hai đề cập đến Thánh Thần, đồng thời cũng liên đới với tình yêu. Cả hai phạm trù này gắn kết chặt chẽ với nhau và không thể tách rời nhau.

Những ai yêu mến Đức Giêsu sẽ tuân giữ giới răn Ngài. Các giới răn của Đức Giêsu dường như không phải là 613 điều luật của cựu ước được tóm kết trong thập giới. Nhưng những giới lệnh Đức Giêsu đã ban bố thì giản đơn hơn, đồng thời mang tính thách đố cao hơn. Tất cả mọi điều răn Ngài gửi trao cho các môn đệ, xoay quanh việc tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giêsu, đấng khải thị về Chúa Cha, đồng thời cũng nói về việc yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Đức Giêsu và yêu thương nhau. Nếu chúng ta tin và yêu mến, chúng ta sẽ đắc thủ được các nhân đức khác, và các việc lành thánh sẽ nảy sinh. Vì vậy, chúng ta phải đặt mình vào trong chuỗi dây tình yêu liên hoàn, trải rộng từ Chúa Cha đến Chúa Con và đến những kẻ tin. Cũng tương tự, những ai biết yêu thương nhau, họ cũng sẽ yêu mến Chúa Cha và Chúa Con.

Cộng đoàn đức tin do Chúa Giêsu hình thành đã xác tín rằng sức mạnh của tình yêu sẽ luôn trổi vượt và phá đổ sức mạnh của hận thù. Họ hiến thân cho lý tưởng của tình yêu, như một năng động lực vĩ đại, vươn tới cả những kẻ thù của mình. Họ phục vụ cho lý tưởng tự hiến, yêu thương, với một trái tim vị tha, bởi lẽ đây chính là mô thức căn bản của tình yêu mà Đức Giêsu đã vạch dẫn, mời gọi thực hiện. Trong thơ thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (1 Cor 13), Thánh Phaolô đã mô tả tình yêu đó như sau: “Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Những lý tưởng cao cả này vượt xa khả năng giới hạn nơi con người mỏng dòn chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu trước lúc ra đi, đã hứa gửi ban sự trợ giúp linh thánh cho các học trò mình qua dạng thức “một Đấng Bào Chữa” khác. Đó chính là Thánh Thần. Hạn từ Hy Lạp Parakletos (Đấng Bào Chữa) hàm ngậm ý nghĩa về một người nào đó sẽ nâng đỡ và ủi an những ai cần trợ giúp. Từ ngữ này cũng ám chỉ về một vị luật sư nơi tòa án, sẽ đứng ra bảo vệ thân chủ và đấu tranh cho quyền lợi của họ, là chính chúng ta. Khi nói Chúa Thánh Thần là Đấng Bào Chữa, Đức Giêsu muốn minh định rằng Thánh Thần sẽ thực hiện phần vụ của Ngài giống như Đức Giêsu đã thi hành khi Người còn tại thế.

Tình yêu và hoạt động của Thánh Thần là hai phương cách giúp cho những kỷ niệm về Đức Giêsu được lưu giữ cách sống động, và để những hoạt động mà Người đã khởi sự được tiếp nối. Chúng ta cần phải luôn gợi nhớ rằng Thiên Chúa là đấng khởi xướng, Thiên Chúa là đấng đã tuôn đổ tình yêu của Ngài xuống trên chúng ta qua Đức Giêsu, và qua những giáo huấn cũng như gương mẫu của Người, chúng ta sẽ học được cách yêu thương lẫn nhau. Thánh Thần của Thiên Chúa được trao ban cho ta qua phép rửa, chúng ta cần phải cộng tác với Ngài, mở lòng cho những sức mạnh thần thiêng đang tác động trong chúng ta và giữa chúng ta.

Sách Công Vụ Tông Đồ đã mô tả sức mạnh Thần khí được tỏ hiện thế nào qua việc trải rộng đức tin Kitô giáo xuyên suốt thế giới địa trung hải thời cổ đại. Những vị tông đồ kiệt xuất như Phêrô và Phaolô và những vị khác, chẳng hạn Philiphê, cũng góp phần lớn lao trong sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh đến với muôn dân. Bài đọc trong sách Công vụ chương 8 hôm nay cho thấy, sứ điệp Tin Mừng đã được truyền tải, khởi đầu từ Giêsusalem, đến Juđêa và đến cả địa hạt Samaria. Ở đó Philip đã làm những công việc mà Đức Giêsu khi còn tại thế đã làm. Vị tông đồ cũng đã dạy dỗ dân chúng, cũng thực hiện những phép lạ để chữa lành. Sự thành công đó được tiếp nối với những tông đồ ở Giêsusalem, tức Phêrô và Gioan. Hai ông đã đến vùng Samaria, cử hành phép rửa ban Thần khí cho dân chúng vùng này.

Trong khi hai vị tông đồ lớn đã đảm nhận vai trò quan trọng trong việc lưu giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu được sống động và trải rộng những công việc đi khắp nơi, thì những tín hữu khác, những con người rất bình thường, mà ngày nay chúng ta gọi là những tín hữu buổi sơ khai, cũng có nhiều đóng góp đáng kể. Thơ thứ nhất của Thánh Phêrô nói về họ. Họ là những Kitô hữu gốc dân ngoại, có lẽ là những lao động di dân, và có thể là những khách lạ hay người ngoại quốc trong bối cảnh văn hóa xã hội bấy giờ. Họ tìm đường đến với Giáo hội qua gương sáng của các anh em Kitô hữu khác. Bài đọc hôm nay, trong 1P 3, Thánh Phêrô khuyên mời họ hãy chia sẻ những công việc tốt lành và hãy có một nhãn quan thần học dựa trên khuôn mẫu của Đức Giêsu. Ngài khởi xướng cho họ một kế hoạch truyền giáo, quảng diễn đức tin bằng việc sẵn sàng chia sẻ, bằng thái độ ân cần và kính phục đối với nhau, tôn trọng lẫn nhau, can đảm chấp nhận những chống đối, ngay cả có thể bị hành quyết, tất cả để theo gương Đức Giêsu. Phương sách truyền giáo như thế, luôn luôn là cách thế hữu hiệu nhất để lưu giữ những kỷ niệm về Đức Giêsu được sống động, và để những công việc Đức Giêsu đã khởi sự được tiếp nối thực hiện.

home Mục lục Lưu trữ