Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1372422

CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI ÁC THẦN

CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI ÁC THẦN– Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 Tiên tri là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhắc nhở mọi người biết sống theo lề luật và thánh ý Thiên Chúa, hướng dẫn dân chúng sống giao ước với Thiên Chúa. Trong Cựu ước, đời sống của dân Chúa luôn có sự hướng dẫn của các tiên tri mà Thiên Chúa luôn ban cho họ. Môisen là vị lãnh đạo và cũng là vị tiên tri đã lãnh đạo dân do thái từ đất Ai cập để đi đến đất hứa. Ông vừa là nhà lập pháp và cũng là nhà hành pháp. Chế độ các tiên tri vẫn tồn tại vào thời quân chủ khi những người do thái đã có vua cai trị. Các tiên tri vẫn là những người đồng hành với dân chúng để nhắc nhở họ, và trong thời gian ưu phiền sầu khổ vì bị lưu đày, các tiên tri là những người an ủi họ và nhất là củng cố tinh thần cho họ, làm cho họ được vững vàng trong những gian truân thử thách và biết tin tưởng hướng về tương lai. Chính các tiên tri loan báo cho họ những lời hứa cứu độ và giải thoát . Vào thời Môisen, những người do thái vẫn ghi nhớ cách đặc biệt lời tiên báo của ông về một vị tiên tri mà Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy từ giữa dân để ở với dân Chúa và nói cho họ những lời và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vị tiên tri này cũng sẽ rất mạnh mẽ như Môisen trong lời nói và hành động.

Tin mừng theo Máccô thuật lại trong chương đầu một trình thuật cô đọng và ý nghĩa của hoạt động cứu độ của Đức Giêsu, vị tiên tri đầy quyền năng mà Môisen đã tiên báo. Chúa Giêsu khởi đầu rao giảng trong miền Capharnaum và theo thói quen những người do thái, người vào hội đường vào ngày thứ bảy là ngày hưu lễ và là ngày thánh hóa của họ. Trong hội đường có một người bị quỉ ô uế ám và nó la to lên: “Hỡi ông Giêsu Nazarét, phải chăng ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Trong thế giới cổ thời, người ta thường qui những bệnh tật cho quỉ thần. Ở đây, ma quỉ biết Đức Giêsu và kêu tên của người. Cũng trong thế giới cổ thời này, biết và kêu tên của ai cũng là có quyền năng trên người đó một cách nào đó. Ma quỉ kêu tên Chúa Giêsu, nhưng ngược lại nó cảm thấy không thể có quyền năng gì trên người cả, mà ngược lại nó còn cảm thấy rằng chính người đến để tiêu diệt nó, bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Quả đúng như vậy, Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa đầy quyền năng, người đến để kết thúc quyền lực của ác thần và ma quỉ trên con người. Vì thế, bằng một lời truyền khiến đầy uy quyền, người trục xuất ma quỉ ra khỏi người bệnh : “câm đi và ra khỏi người này”. Ở đây, theo cách thuật chuyện của thời xưa, việc xua đuổi ma quỉ ra khỏi một người được kể kèm theo những cảnh đáng sợ, “quỉ vật người đó và hét lên một tiếng lớn và thoát ra khỏi người đó”. Thật ra, điều chúng ta cần ghi nhận trong tường thuật của Tin mừng, đó là lời truyền khiến đầy uy quyền của Chúa Giêsu trên ác thần để xua trừ chúng ra khỏi con người. Người đã truyền khiến cho ma quỉ ra khỏi người bệnh một cách dứt khoát mạnh mẽ khiến cho dân chúng chứng kiến đều phải kinh ngạc và tự hỏi: “điều gì đây? một giáo huấn mới đầy uy quyền, người truyền khiến cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh người”.

Thực vậy, câu chuyện của bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta một trong những chạm trán đầu tiên của Đức Giêsu với ác thần ma quỉ, cuộc đối đầu giữa sự thánh thiện và sự dữ. Loại trừ ác thần và sự dữ là công việc cứu độ mà Đức Giêsu được sai đến thế gian để thực hiện, và người đã thực hiện điều này với uy quyền Thiên Chúa bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Sự thánh thiện thì thuộc về Thiên Chúa , ác thần ma quỉ là những gì chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu có uy quyền không đơn giản bởi vì người thuộc về Thiên Chúa, nhưng còn bởi vì người chính là Thiên Chúa, là nguồn gốc của mọi quyền bính, mọi chân lý và mọi sự thiện. Quyền bính của Chúa Giêsu tuôn trào từ chính bản tính Thiên Chúa của người, là nguồn gốc của mọi sự sống và sự thánh thiện.

Người tín hữu cũng phải đối diện với nhiều cuộc chiến giữa thiện và ác trong cuộc đời của mình. Khi chúng ta càng lúc càng lớn lên và già đi, những cuộc chiến này càng lúc càng trầm trọng hơn. Chúng ta phải đối diện với những chọn lựa giữa những ơn Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đời sống thánh thiện và sự dữ tội lỗi mà ác thần lôi kéo chúng ta phạm tội làm  mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác. Để chiến thắng những sức mạnh của sự dữ, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa,  phải là những người thánh thiện. Thực ra, người tín hữu vốn có uy quyền của chính Chúa Giêsu để tiêu diệt sự dữ trong lòng mình, bởi vì từ khi lãnh bí tích rửa tội, họ đã thuộc về Chúa và nhận lãnh những quyền bính của chính Chúa Giêsu, họ là những người thánh thiện của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban tặng cho người tín hữu đời sống thần linh thánh hóa họ, và cũng ban tặng cho họ quyền năng để chiến thắng ác thần sự dữ.

Một cách cụ thể, thánh Phaolô trong bức thư gửi giáo đoàn Corintô, nói đến điều kiện của những người tín hữu. Họ là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, tức là họ đã được thánh hóa và lãnh nhận đời sống thần linh và dĩ nhiên là họ cần tìm cách để khai triển hiệu quả đời sống thần linh này. Có hai bậc sống được đặt ra mà họ cần suy xét để chọn lựa. Những người nam và nữ lập gia đình và những người không lập gia đình. Những người nam nữ không lập gia đình sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về Chúa và quan tâm làm đẹp lòng Chúa, trái lại những người nam nữ lập gia đình sẽ bị chi phối nhiều hơn về việc đời, làm sao để làm vừa lòng vợ hay chồng, và vì thế tâm hồn của họ bị chia sẻ, họ không còn có đủ thời gian để phục vụ Chúa và sống mật thiết với Chúa. Cái nhìn của thánh Phaolô thì chân thành và giúp chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp của đời sống độc thân để dành nhiều thời gian tìm kiếm Thiên Chúa. Vào thời thánh nhân, trong Giáo hội chưa có những hình thức đời sống tu trì với những dòng tu như chúng ta ngày nay, thánh nhân chắc đã tiên cảm về lợi ích của đời sống này mà chúng ta sẽ thấy phát triển rất mạnh mẽ vào thế kỷ thứ IV trong Giáo hội với phong trào đan tu, nhiều người sẽ dấn thân vào đời sống đan tu với lý tưởng tìm kiếm Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa nhờ đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy ngắm Thánh Kinh.

Chúa Giêsu đã chứng tỏ người thực là uy quyền trong lời nói và việc làm và trong ý chí của người chống lại ma quỉ và ác thần. Những người trong hội đường đã rất ngạc nhiên về lời giảng dạy và uy quyền của người trên ma quỉ. Người tín hữu cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu khai triển đời sống thần linh đã lãnh nhận để chiến đấu chống lại ma quỉ và ác thần. Qua đời sống hằng ngày, người tín hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Giêsu nhiều hơn nữa bằng cách lắng nghe lời Chúa, bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh chu toàn công việc bổn phận cách trung tín và khiêm nhường. Người tín hữu luôn nhận thức là họ đã nhận đời sống thần linh và họ càng lúc càng phải làm cho đời sống thần linh này được lớn lên trong chính mình bằng những cố gắng để chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn rình rập họ, lôi kéo họ lạc xa khỏi đời sống thần linh, làm cho họ mất đi tương quan sự sống thần linh với Thiên Chúa.

 CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN-B

ĐỂ CHO LỜI CHÚA BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hôm ấy, Chúa Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngày sa-bát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Lúc ấy, trong hội đường có người bị ma quỷ ám. Thấy Chúa Giê-su, quỷ biết ngay Ngài là Con Thiên Chúa, nên la lên: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Bấy giờ Chúa Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

Lập tức Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người chứng kiến đều hết sức kinh ngạc trước quyền lực của Chúa Giê-su. Ngài không cần dùng roi vọt hay bạo lực để trục xuất ma quỷ. Ngài chỉ cần truyền một lời là quỷ phải xuất ra ngay.

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng

Khi tạo nên vũ trụ càn khôn từ hư vô, Kinh Thánh cho biết là Thiên Chúa không cần dùng đến những chất liệu có trước mà chỉ cần dùng Lời của Ngài để tạo dựng nên muôn vật muôn loài. Thiên Chúa phán hãy có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên bầu trời… thì chúng liền có như Lời Chúa phán. Thiên Chúa phán hãy có đất, có biển, có đủ mọi loài chim trời cá nước… thì mọi thứ hiện hữu như lệnh Chúa truyền.

Và khi xuống thế làm người ở cùng nhân loại, Chúa Giê-su cũng tỏ cho thấy Lời Ngài có sức mạnh vạn năng: Đứng trước bệnh nhân phong, Ngài phán: “Ta muốn, ngươi hãy trở nên sạch”, thì bệnh nhân mắc chứng bệnh phong hủi nan y liền được chữa lành. Đứng trước mồ La-da-rô đã chết bốn ngày rồi, Chúa truyền: “Hỡi La-da-rô hãy đứng dậy ra khỏi mồ” thì người chết đã bốn ngày rồi lồm cồm đứng lên bước ra khỏi mộ. Khi đang ở trên thuyền giữa biển khơi đang cơn bão tố dữ dội, Chúa Giê-su truyền cho sóng gió lặng yên và ngay tức khắc, biển trở nên phẳng lặng như tờ. Tóm lại, Lời Chúa có sức mạnh vạn năng, mọi vật mọi loài đều tuân theo Lời Chúa phán.

Lời Chúa bị vô hiệu hoá bởi sự ngoan cố của con người 

Vậy mà khi Chúa truyền cho loài người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” thì nhiều người vẫn im lìm bất động. Khi Chúa truyền “hãy tha thứ thì sẽ được thứ tha”, nhưng sự giận hờn ghen ghét vẫn chất chứa trong lòng người. Khi Chúa truyền hãy quan tâm phục vụ nhau như Ngài đã hiến thân mình phục vụ con người, thì nhiều người vẫn dửng dưng vô cảm với đồng loại…

Tại sao Lời Chúa chưa cảm hoá được lòng người?

Sở dĩ uy lực của Thiên Chúa và Lời quyền năng của Chúa khựng lại trước con người vì Chúa ban cho con người có tự do để tự định đoạt đời mình và Chúa tôn trọng tự do của họ đến cùng. Cho dù có người viết sách phỉ báng Chúa, Chúa cũng không bẻ bút của họ; cho dù có người dựng phim để lăng nhục Chúa, Chúa cũng không khoá tay họ. Thậm chí ngay cả khi con người dùng tự do của mình để đóng đinh Ngôi Hai Thiên Chúa vào thập giá thì Chúa vẫn tôn trọng tự do của họ đến cùng.

Vì thế, bao lâu con người chưa dùng tự do của mình để quay về với Chúa và để cho Lời Chúa uốn nắn đời mình, thì bấy lâu, Lời Chúa chưa cảm hoá được tâm hồn của họ.

Như mưa trời rơi xuống chan hoà trên mặt đất làm cho đất phì nhiêu, cho hạt nẩy mầm, cho hoa kết trái, cho lúa đơm bông… thì Lời Chúa tuôn xuống tâm hồn ta cũng sẽ làm cho đời ta sinh hoa kết quả như vậy. Tuy nhiên, nếu ta dùng tự do của mình, đóng kín tâm hồn lại như thùng đậy nắp thì Lời Chúa có rơi xuống như mưa cũng không sinh ích lợi gì!

Như ngọn hải đăng bừng sáng giữa đêm đen soi đường chỉ lối cho tàu thuyền về bến bình an, Lời Chúa cũng soi dọi cho bao người tìm về đường ngay nẻo chính, nhưng nếu người ta dùng tự do của mình, khép mắt không nhìn đến thì cũng bằng không.

Lạy Chúa Giê-su,

Ngay cả ma quỷ mà còn biết vâng lệnh Chúa truyền, đang khi chúng con là những người con yêu quý của Chúa, lại không thực hành Lời Chúa phán dạy thì thật là chuyện đau lòng.

Xin đừng để chúng con sử dụng tự do của mình để từ khước những Lời khôn ngoan của Chúa nhưng biết mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa và khắc sâu Lời Chúa vào trong tâm khảm mình.

Bấy giờ, Lời Chúa sẽ như mưa nguồn làm cho đời sống chúng con nên tươi tốt, như ánh hải đăng soi lối cho chúng con về bến hạnh phúc chan hòa.

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN- B

LỜI ĐẦY UY QUYỀN-  Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Cả hội đường đều ngạc nhiên về lời giảng và lời trừ quỷ của Đức Giêsu. Tại sao họ kinh ngạc? Họ kinh ngạc thấy Đức Giêsu là một thường dân, không có địa vị đạo đời, không phải tư tế, giáo trưởng, luật sĩ, biệt phái hay quan chức. Người chỉ là thứ dân, thợ mộc làm công, làm mướn, dám đứng lên đăng đàn thuyết pháp trước một cử tọa đông đủ các nhân vật quan trọng của một thành phố sầm uất phồn thịnh như Caphanaum.

Người ta càng kinh ngạc hơn nữa trước những lời đầy uy quyền. Lời Người thật khác xa lời của các luật sĩ, giáo trưởng, tuy họ rất thông thạo tập tục, luật lệ kinh điển tiền nhân và các tiên tri, nhưng họ chỉ biết giải thích tỉ mỉ, khô khan theo mạch chữ chết, một cách nhồi sọ máy móc vô hồn. Phần Đức Giêsu, Người dạy một đạo lý mới, đạo lý phát xuất từ tâm tư sống động, từ lòng xác tín mãnh liệt, từ chính cuộc sống sung mãn của con người, cuộc sống tôn giáo thâm sâu huyền diệu, cuộc sống linh thiêng hài hòa với kinh nghiệm sống đạo thực tế của chính bản thân. Người tô điểm lời đạo lý bởi trời bằng nhiều cảnh sắc thiên nhiên phong phú. Bất cứ ai lắng nghe học hỏi, đều nắm bắt ý nghĩa đích thực vừa ý mình. Lời đạo lý của Người chứa ẩn nhiều kho tàng quý giá, ai mộ mến tìm tòi, suy gẫm, chiêm niệm đều được sống sung mãn dồi dào.

Tuy nhiên, Người trình bày ý tứ rất đơn sơ trong sáng, hợp với mọi tâm trí người ta. Do đó, họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa đang bao trùm khắp muôn dân, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, thống trị hay nô lệ, Do thái hay Hy lạp. Tất cả đều là anh em, con một Cha chung trên trời. Lời Người đang đổ tràn vào lòng họ tình yêu vô biên trong một thế giới đầy chia rẽ, hận thù. Họ cảm động trước lòng nhân từ của Thiên Chúa bao dung, đầy lòng thương xót hết mọi tội nhân, như mục tử tốt lành đi tìm chiên lạc giữa sói rừng. Lời Người làm cho họ sống lại, thoát khỏi sự chết dưới ách tội lỗi và gông cùm quỷ dữ. Lời Người khiến quỷ dữ đang trói buộc, ám hại con người phải thét lên tuyệt vọng: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi”. Lời Người là lời cực thánh đầy sức mạnh thánh hóa khiến quỷ không chịu nổi sự thánh thiện của Người, nên chúng phải thốt ra, tuyên xưng cho mọi người biết: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Thánh Phaolô chỉ được đưa lên tầng trời thứ ba thôi, thế mà không thể tả được những sự lạ lùng ông thấy. Ông chỉ kêu lên: “Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm thấy bao giờ”. Người dưới đất kể chuyện trên trời còn lạ lùng như vậy. Huống chi lời người trên trời giảng những sự trên trời còn tuyệt diệu biết bao! Đến nỗi thánh Marcô chỉ có thể tả lại sự xúc động tột độ của thính giả bằng tiếng: thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên – Mọi người đều kinh ngạc.

Họ kinh ngạc, nhưng họ chưa nhận ra được tại sao lời Người đầy uy quyền, lời Người trừ khử quỷ dữ?

 Lời Người đầy uy quyền vì lời Người là lời của Thiên Chúa, chứ không phải của các kinh sư hay của vua chúa phàm trần. Lời Người cứu chữa kẻ bị quỷ ám, trừ khử quỷ dữ vì lời Người là lời Thiên Chúa. Đây thực sự là điều rất kinh ngạc: Thiên Chúa đã đến ở cùng loài người. Loài người không còn xa lạc Thiên Chúa nữa, không còn dưới ách tội lỗi, dưới ách sa tan. Loài người không còn chết nữa, loài người sẽ được sống vinh quang trong gia đình Thiên Chúa, nếu họ nhận biết và thực thi lời Người, sống hòa hợp và yêu mến Người.

Nếu chúng ta giống như người Do thái chỉ ngạc nhiên thấy vẻ uy quyền bề ngoài của Đức Giêsu như xem xiếc, xem kịch, thì thật vô ích và đáng thương.

Thực ra, bây giờ chúng ta không được trực tiếp mắt thấy, tai nghe những việc lạ lùng cụ thể của Đức Giêsu nên không còn ngạc nhiên như người Do thái xưa. Nhưng chúng ta hơn người Do thái, đã được phúc học hỏi biết Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng quyền năng thánh thiện vô cùng. Lời Người là lời hằng sống, lời cứu độ muôn dân. Chúng ta càng phải có trách nhiệm đón nhận lời Người để lời Người như nguồn mạch sự sống càng uống càng làm chúng ta mãn nguyện thỏa thuê. Lời Người như “hạt giống tốt gieo vào lòng chúng ta sinh hoa kết quả, hạt được một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi” (Mt. 13, 8). Sinh hoa kết quả cho mình và cho mọi người, như bài đọc một, đòi chúng ta phải thực hiện làm ngôn sứ loan truyền lời đầy uy quyền của Chúa cho mọi người được giáo lý mới, được Đấng Thánh của Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi vòng tội lỗi của quỷ dữ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vào hội đường giảng dạy, xin Chúa vào giảng dạy trong lòng con, cho con thấm nhuần giáo lý mới của Đấng Thánh. Chúa đã rảo khắp các làng mạc, thành phố (Mc. 1, 9 Lc. 4, 43), xin cho mọi Kitô hữu trở nên những ngôn sứ biết loan truyền lời Chúa cho muôn dân được thấy ánh huy hoàng rực rỡ soi sáng cho họ thoát khỏi cảnh đời lầm than của bóng tối tử thần. Allêluia.

home Mục lục Lưu trữ