Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1365489

CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI CÁM DỖ VỚI CHÚA GIÊSU

CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI CÁM DỖ VỚI CHÚA GIÊSU- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Có vô vàn cám dỗ hủy diệt cuộc đời

Con người dùng mồi bọc lưỡi câu để dụ cá và giật chúng lên khỏi nước để rồi kết liễu cuộc đời của chúng trên bàn ăn. Vô số cá tham mồi đã sa vào cám dỗ của con người và phải chết tức tưởi trước thời hạn.

Một số nhà nông hiện nay thường dùng những hóa chất có mùi hương đặc biệt có sức thu hút hàng ngàn con ruồi vàng đục trái và hủy diệt chúng ngay khi chúng vừa xáp tới hít phải mùi hương hấp dẫn nầy. Vô số ruồi đục trái phải chết tức thời cũng vì sa vào cám dỗ của người nông dân.

Những kẻ nghịch thù thường dùng gái đẹp và rượu ngon để làm mê muội lòng trí những ông vua đầy quyền lực hầu triệt hạ nhà vua và chấm dứt triều đại của ông. Thế là rất nhiều ông vua say đắm tửu sắc bị mắc vào cạm bẫy của kẻ thù và phải chết chìm trong vũng lầy êm ái.

Cám dỗ có thiên hình vạn trạng

Cám dỗ diễn ra dưới nhiều dạng thức như tiền tài, danh vọng, địa vị chức quyền, lạc thú…

Cám dỗ có thể từ bên ngoài thâm nhập vào con người qua cả ngũ quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.

Cám dỗ cũng còn ẩn sâu từ cõi lòng và thôi thúc từ bên trong, đó là tham lam, ham muốn, kiêu căng, giận hờn… xui khiến người ta chìm vào tội lỗi.

Thông thường hơn, có những cám dỗ rất gần gũi với đời sống hằng ngày, đang vây bọc chung quanh chúng ta và chi phối, chế ngự cuộc đời chúng ta.

Nhà thơ Tú Xương có nêu tên vài cám dỗ rất thường tình nhưng cũng là những cám dỗ bất tận trong kiếp người, như:

“Một trà, một rượu, một đàn bà,

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…”

Ca dao Việt Nam cũng nói đến sự cám dỗ của thuốc lá khiến nhiều người không kháng cự nổi:

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.”

Thế là con người phải luôn luôn đương đầu với vô vàn cám dỗ có nguy cơ hủy diệt nhân cách và phẩm chất của mình.

Cám dỗ không buông tha bất cứ ai

Cám dỗ không chừa bất cứ ai. Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị cám dỗ được làm lớn, (Mc 9,34) được ngồi bên tả bên hữu chiếc ngai vàng mà họ tưởng là Thầy Giêsu sẽ chiếm lấy.(Mc 10,37)

Ngay cả Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ trong cuộc đời. Mặc dầu Người thực sự là Thiên Chúa nhưng vì Người cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Do-thái 4,15).

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến không phải một mà là đến ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu.

Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực thần linh để biến đá thành cơm bánh (Lc 4,3).

Cám dỗ thứ hai là trở thành vua của thế giới, “toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này” (Lc 4, 5-7).  Cám dỗ nầy còn được lặp lại khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua. (Gioan 6,15).

Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, chẳng hạn như đứng trên “nóc Đền Thờ Giê-ru-sa-lem rồi gieo mình xuống” an toàn, khiến cho mọi người khâm phục và tin theo (Lc 4, 9-11).

Dù bị cám dỗ về mọi mặt y như chúng ta, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ thua trận. Người chiến thắng tất cả mọi thứ cám dỗ cách vẻ vang. Vũ khí Người sử dụng để chống lại các chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha, luôn vâng phục Chúa Cha và cố công làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng.

Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta kiên quyết chống lại mọi cơn cám dỗ trong cuộc đời

Thân phận con người như lau sậy yếu đuối, bị lắc lư nghiêng ngả giữa muôn luồng gió cuộc đời. Đời sống con người chơi vơi như cánh bèo trên mặt nước, dễ dàng bị trôi dạt bởi sóng nước vây phủ tư bề.

Vì cám dỗ có thể đến từ mọi phía nên chúng ta phải luôn tỉnh táo để không bị chúng bất thần xông tới hủy diệt chúng ta.

Vì cám dỗ có tính cách trường kỳ, chỉ chấm dứt khi con người tắt thở nên chúng ta phải thường xuyên rèn luyện để có thể bền gan chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Vì cám dỗ có thể hủy diệt những phẩm chất cao đẹp của con người và biến người ta thành nô lệ cho dục vọng đen tối, cho bản năng hư hèn, nên chúng ta không thể để cho mình thua trận.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy chọn làm theo ý Chúa hơn là theo ý mình, cố gắng làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự, gắn bó với Chúa Giêsu, cầu nguyện với Chúa Giêsu để xin Người giúp chúng ta chiến thắng.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- C

ĐỜI LÀ CUỘC CHIẾN KHÔNG NGỪNG- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Mùa chay khởi đầu với thứ tư lễ tro và kéo dài 40 ngày. Chúa Nhật thứ sáu mùa chay là Lễ Lá, khởi đầu tuần thánh tưởng niệm cuộc tử nạn phục sinh của Đức Giêsu. Mùa chay dọi lại cuộc hành trình của dân Chúa trong hoang địa 40 năm trước khi vào đất hứa, cũng như biến cố Đức Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 ngày trước khi khởi đầu sứ mạng rao giảng công khai, và cụ thể chuẩn bị tâm hồn tín hữu hôm nay chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Đức Giêsu tử nạn phục sinh.

Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Bài đọc thứ nhất cho thấy người Do Thái mỗi năm trình diện trước nhan Chúa với hương hoa mình thu lượm được, và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Đấng can thiệp vào lịch sử dân tộc: Cha tôi là người Aram đã sống ở Aicập, bị hà hiếp và chúng tôi đã kêu lên Thiên Chúa, và Ngài đã giải phóng chúng tôi khỏi ách nô lệ… Thiên Chúa đã kiến tạo và dìu dắt dân Do Thái qua Abraham, Isaac và Môsê…

Người Việt Nam cho mình là con rồng cháu tiên, con cháu Lạc Long Quân và Âu Cơ, con cháu vua Hùng với bốn ngàn năm văn hiến…! Đó là cách nói của người Việt Nam về chính mình, nhưng dù nói cách nào chăng nữa thì cuối cùng, người Việt Nam vẫn là con Thiên Chúa, vẫn được Thiên Chúa tạo dựng, và Ngài đã làm một số người Việt Nam trở nên những bậc anh hùng, dám hiến dâng mạng sống để làm chứng Thiên Chúa đang hiện diện và hướng dẫn dân tộc Việt Nam.

Những gì dân tộc Việt Nam đang là đang có, đều là ân điển Thiên Chúa ban. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử Thiên Chúa yêu thương tất cả loài người qua dân tộc Do Thái, cũng tương tự vậy lịch sử dân tộc Việt Nam là chuỗi những biến cố các anh hùng dân tộc đã thực hiện trong tình yêu của Chúa, qua các triều đại vua Hùng, qua bà Trưng bà Triệu, qua một ngàn năm sống dưới sự cai trị của người Tàu mà không bị đồng hóa hoặc tiêu diệt. Thiên Chúa hiện diện nơi lịch sử dân tộc Việt Nam với nét nhịn nhục, sự kiên cường và tính anh hùng bất khuất của người Việt Nam. Thiên Chúa yêu thương người Do Thái, và Ngài cũng yêu thương người Việt Nam không kém gì người Do Thái. Dân tộc Do Thái là mẫu, là hình ảnh, để giúp các dân tộc khác nhận ra tình yêu của Thiên Chúa nơi mỗi dân tộc.

Thiên Chúa yêu thương và gần gũi mọi người thuộc mọi dân tộc

Thiên Chúa nói với con người qua lương tâm của mỗi người, và Ngài đã nói với con người qua lịch sử dân Do Thái cũng như qua các ngôn sứ, và trong thời cuối cùng Ngài đã nói với con người qua chính Con Một của Ngài là Ngôi Lời nhập thể. “Lời rất gần ngươi, ngay nơi miệng và trong lòng ngươi”. Nếu ai muốn nghe tiếng Chúa, ắt có thể nghe được vì Thiên Chúa rất gần con người.

“Nếu ngoài miệng tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và trong lòng tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ cõi chết, thì được cứu”. Tin vào Đức Giêsu, thì được cứu, dù người đó là Do Thái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, vì “tất cả những ai kêu cầu danh Thiên Chúa đều được cứu”.

Xin cho mỗi người nhận ra Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với từng người, và với dân tộc mình trong dòng lịch sử.

Đời là cuộc chiến

Đức Giêsu cũng không được miễn trừ khỏi cuộc chiến. Đã là người, ai cũng phải chiến đấu. Cuộc chiến thể lý, không phải ai cũng phải đương đầu; nhưng cuộc chiến thiêng liêng hay nội tâm thì ai cũng phải trải qua. Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu trải qua cuộc chiến của Ngài:

– Ngài đói, và có cám dỗ muốn ăn, muốn có gì để ăn, muốn biến đá thành bánh để ăn. Tại sao không biến đá thành bánh để ăn, khi tất cả để phục vụ con người, đặc biệt khi mình đói? Cám dỗ trở nên cực kỳ mãnh liệt khi ý tưởng “nếu không được ăn bây giờ thì mình sẽ mất sức và như vậy không biết mình còn có thể sống được nữa không”!

– Con người nếu để tự do, không biết cái gì xảy ra. Tại sao không dùng quyền lực để thống trị con người? Tại sao không làm vua và cưỡng bức tất cả mọi người phải được rửa tội, như vậy danh Chúa có cả sáng và dễ dàng hơn không? Tại sao lại cho con người tự do? Tại sao không dùng quyền lực để bắt người ta làm điều tốt?

– Nếu tôi nổi tiếng và được người ta kính phục, thì khi tôi giảng về Thiên Chúa người ta sẽ nghe, và Chúa sẽ được vinh danh hơn. Làm sao để lấy được lòng tin và kính phục của con người? Tôi có thể nhảy từ đỉnh đền thờ xuống, và giảng cho người ta một bài về Thiên Chúa, và người ta sẽ nghe lời tôi giảng! Nhưng nhảy xuống thì tan xương nát thịt. Tại sao Thiên Chúa không can thiệp? Tại sao Thiên Chúa không sai thiên thần đến đỡ chân tôi?

Đức Giêsu đã phải chiến đấu với ma qủy, với chính khuynh chiều thân xác của con người. Và Ngài đã thắng, Ngài chấp nhận chương trình Thiên Chúa về con người, Ngài chấp nhận luật lệ tự nhiên Thiên Chúa đã xếp đặt, Ngài không biến đá thành bánh, Ngài tôn trọng tự do của con người, Ngài không thách thức Thiên Chúa và đòi Thiên Chúa làm theo ý riêng mình. Con người ngày nay cũng có những cám dỗ tương tự như Ngài ngày xưa, có lẽ là:

Tại sao tôi không được phá thai khi đó chỉ là một tế bào trong thân xác tôi? Tại sao tôi không được cloning (sinh vô tính) khi tôi không có con, khi tôi muốn có người nối giòng? Tại sao con người không được làm những thí nghiệm về con người (tái tạo con người khi cho phôi và tinh trùng gặp nhau, xem nó phát triển như thế nào, và v.v… rồi có thể hủy những “thai nhi” như vậy)?

Tại sao tôi không được thỏa mãn mình khi người khác đồng ý, khi tôi có tiền và người khác cần tiền, v.v…?

Tại sao tôi không được coi những giá trị “đa số người đời thừa nhận” làm giá trị của tôi, chẳng hạn tiền bạc, địa vị, danh vọng…

Mỗi người trong cuộc sống thường ngày, phải chiến đấu với ma qủy, với chính mình, với thế gian và những giá trị của nó. Xin Chúa giúp, để mỗi người chúng ta vượt qua chính mình, để chúng ta trở nên giống Đức Giêsu, nên thánh mỗi ngày trong từng hành vi quyết định của chúng ta.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1/.Theo bạn, con người hôm nay bị cám dỗ về điều gì nhất? Làm sao để vượt qua?

2/. Có gì lợi ngay ở đời này khi vượt qua chính mình, khi thắng được “cám dỗ”?

3/.Dân tộc Do Thái có chỗ đứng đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa. Theo bạn, dân tộc Việt Nam có chỗ “đặc biệt” trong chương trình của Thiên Chúa không? Xin mời bạn chia sẻ chỗ đứng đặc biệt của dân tộc Việt Nam trong chương trình của Thiên Chúa, nếu bạn “thấy”!

 CHÚA NHẬT I MÙA CHAY-C

NHỮNG CƠN CÁM DỖ- Trích Logos C

Nhà văn Pháp Honoré de Balzac, đã viết một cuốn tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng mang tựa đề Miếng Da Lừa. Cuốn tiểu thuyết này kể lại câu chuyện sau đây :

Có một chàng thanh niên qúi tộc tên Raphael vì ăn chơi trác táng nên đã Bị sạt nghiệp. Anh ta định tự tử thì gặp một lão già Bán đồ cổ cho anh ta miếng da lừa thần. Ai có miếng da lừa ấy trong tay thì ước gì được nấy. Nhưng mỗi lần dục vọng được thỏa mãn, miếng da co lại một ít và tuổi đời của người ấy cũng Bị rút ngắn lại.

Có tấm Bùa thiêng trong tay, chàng trai Raphael trở nên giàu có và lại tiếp tục lao vào con đường ăn chơi sa đọa. Quả nhiên, mỗi lần đam mê của Raphael được thỏa mãn, miếng da lừa co lại và sức khỏe của anh ta lại giảm sút đi. Anh ta lo lắng xa tránh mọi người mọi vật có thể gợi lên cho anh ta những ham muốn tai hại. Nhưng anh ta không sao ngăn được những ước muốn và miếng da lừa cứ tiếp tục co lại làm sức khỏe anh ta càng suy kiệt thêm. Anh ta nhờ các nhà Bác học tìm cách căng miếng da rộng thêm, nhưng cũng không được. Cuối cùng, anh ta đã chết trong cơn dục vọng điên loạn.

Hình ảnh tấm da lừa có tính cách hoang đường, nhưng đã được nhà văn Balzac xử dụng tài tình để diễn tả những dục vọng mãnh liệt nơi con người. Những dục vọng, đam mê hay ước muốn thấp hèn cũng chính là những cơn cám dỗ thường xuyên tấn công con người. Những cơn cám dỗ có mặt ở khắp nơi, vào mọi thời, cho mọi người không trừ ai.

Mở những trang đầu tiên của Sách Sáng Thế, chúng ta Bắt gặp cơn cám dỗ khởi đầu của con người. Cơn cám dỗ về lòng kiêu ngạo. Ađam và Eva vì muốn Bằng Thiên Chúa, đã nghe lời dụ dỗ của con rắn ăn trái cây Chúa cấm. Họ thua cuộc trước cơn cám dỗ và đánh mất hạnh phúc đời mình. Từ đó, trái táo luôn là Biểu tượng của tội lỗi và sự sa ngã của con người. Trái táo gợi lên hình ảnh trái tim đầy dục vọng của con người.

Hôm nay, phụng vụ lời Chúa mở ra những trang Sách Nhị Luật diễn tả lòng Biết ơn của dân Do Thái vì được Thiên Chúa giải thoát khỏi kiếp nô lệ ở Aicập và dẫn đưa vào Đất Hứa. Nhưng để vào được “xứ chảy sữa và mật” này, họ phải trải qua 40 năm đi trong hoang địa, gặp nhiều cơn cám dỗ : cám dỗ trở về Aicập để được ngồi Bên nồi thịt và ăn Bánh no nê, cám dỗ thờ Bò Vàng và thử thách tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã sa ngã trong tất cả cám dỗ ấy.

Những trang sách Tin Mừng Luca mở ra một hoang địa đầy thử thách, nơi đó Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày và chiến đấu với những cơn cám dỗ của ma quỉ.

Cơn cám dỗ thứ nhất về cơm Bánh. Chúa Bị cám dỗ dùng quyền phép Biến đá thành Bánh. Chúa dựa vào Kinh Thánh để chống lại: “Người ta không chỉ sống Bằng cơm Bánh nhưng còn Bằng Lời Chúa nữa”.

Cơn cám dỗ thứ hai về quyền lực. Nếu chịu khuất phục trước thế lực sự dữ, Chúa sẽ có tất cả vinh quang của thế gian. Chúa cũng dựa vào Kinh Thánh chống lại : “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi”.

Cơn cám dỗ thứ Ba về lòng kiêu ngạo. Chúa Bị cám dỗ nhảy xuống từ nóc Đền Thờ, được các Thiên Thần nâng đỡ an toàn. Chúa cũng dựa vào Kinh Thánh để chống lại : “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Chúa Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và đã chiến thắng nhờ cậy dựa vào Kinh Thánh và sức mạnh của Thiên Chúa.

Nhưng có điều đáng nói là Chúa Giêsu chiến thắng sự dữ nhưng lại “thua cuộc” trong tình yêu. Sự thua cuộc của Chúa chính là sự thắng cuộc cao cả nhất : chiến thắng với Tình Yêu Cứu Độ.

Chúa không Biến đá thành Bánh để ăn, nhưng lại hóa Bánh ra nhiều để nuôi dân và trở thành Tấm Bánh Bẻ ra cho nhân loại.

Chúa không cúi xuống để thờ lạy Satan, nhưng lại cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ.

Chúa không nhảy từ nóc Đền Thờ xuống, nhưng lại chịu treo lên thập giá một cách ô nhục.

Còn chúng ta thì sao ? Trong hoang địa cuộc đời với Biết Bao cạm Bẫy và thử thách, những cơn cám dỗ luôn ở Bên cạnh, và có khi ở ngay trong lòng chúng ta. Những cơn cám dỗ muôn thuở của con người về “cơm áo gạo tiền” ; về “vinh hoa phú quí” ; về “lòng kiêu căng tự phụ” đang xuất hiện với những khuôn mặt mới, rất hấp dẫn trong thời đại hôm nay.

Cơn cám dỗ của lòng ham mê tiền Bạc khiến chúng ta quên mất tiếng nói của lương tri, lao vào những việc làm ăn Bất chính. Cũng có khi vì quá mải mê lo kiếm miếng cơm manh áo mà chúng ta Bỏ Bê những Bổn phận của người tín hữu.

Cơn cám dỗ của lòng ham mê danh vọng đôi lúc làm cho chúng ta sẵn sàng chà đạp lên tha nhân, hoặc dùng mọi thủ đoạn để tiến lên.

Cơn cám dỗ của lòng tự cao tự đại làm chúng ta quên đi sự phó thác cậy trông vào Chúa mà chỉ cậy dựa vào sức mình. Đôi khi ngược lại, vì ươn lười, chúng ta Buông xuôi tất cả mà không gắng sức làm việc.

Nữ văn sĩ Pearl Buck đã viết một quyển sách mang tựa đề : “Quỷ Địa Ngục Không Bao Giờ Ngủ”. Trong đó Bà viết về những cơn cám dỗ của cuộc đời : tiền tài, sắc đẹp, vinh quang, khoái lạc và dục vọng. Bà diễn tả tên qủi dữ rất tinh khôn và ranh mãnh mang khuôn mặt của cô gái xinh đẹp. Và điều đặc Biệt là hắn ta không Bao giờ ngủ. Vì thế, hắn ta luôn thành công trong việc dụ dỗ con người.

Đây chính là lời cảnh Báo cho chúng ta. Cám dỗ ở chung quanh chúng ta, và ở ngay trong lòng chúng ta. Ma quỉ hiện diện ngay trong trái tim chúng ta và không Bao giờ ngủ. Chúng ta sẽ thua cuộc nếu ngủ mê và không nhận ra khuôn mặt của nó. Vậy, chúng ta hãy luôn trông cậy vào sức mạnh của Chúa, luôn tỉnh thức và cầu nguyện, luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa, luôn dựa vào Lời Chúa để chiến đấu và chiến thắng. Sự chiến đấu gian nan nhất là chiến đấu với chính Bản thân và sự chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng chính mình.

Trong một rạp xiếc có con voi thật to lớn Bị xích vào chiếc cọc gỗ nhỏ xíu. Sinh vật to lớn ấy có thể nâng hàng trăm ký chỉ Bằng chiếc vòi của mình, nhưng tại sao nó lại cam chịu Bị xích như thế ?

Người ta giải thích như sau : khi con voi đó còn nhỏ chưa có đủ sức mạnh, nó đã Bị xích vào chiếc cọc sắt Bằng một sợi dây xích thật to. Vì thế, dù có ra sức vùng vẫy thế nào, nó cũng không thể phá đứt dây xích mà thoát đi. Sau một thời gian dài, nó chấp nhận Bỏ cuộc. Và sau này, dù đã lớn mạnh, nó cũng không Bao giờ nghĩ đến việc phá xích thoát đi nữa. Nó đã quen hẳn với việc Bị xích vào chiếc cọc. (NEIL ESKELIN).

Dù chỉ là sợi dây xích thật nhỏ của đam mê và dục vọng cũng đủ xiềng xích chúng ta trong thân phận nô lệ cho sự dữ. Vì chúng ta không quen chiến đấu để chiến thắng và vượt lên trên Bản năng thấp hèn của chính mình. Chúng ta luôn luôn chấp nhận chịu thua cuộc.

Trong Mùa Chay này, Chúa Thánh Thần đang dẫn đưa chúng ta vào hoang địa của 40 ngày chay thánh. Ngài sẽ giúp chúng ta chiến đấu và vượt thắng những cám dỗ và sự sa ngã trên đường đời. Chúng ta hãy tin tưởng nắm lấy Bàn tay Ngài để Ngài dìu dắt chúng ta đi.

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY- C

MA QUỶ CÁM DỖ- Lm. Hồng Phúc

Bài Phúc Âm hôm nay đề cập đến cuộc tranh chấp giữa Chúa Giêsu và ma quỉ. Một cuộc tranh chấp sẽ còn kéo dài trong những ngày sắp tới và còn tiếp tục trong lịch sử Giáo hội cũng như trong cuộc sống mỗi người, cho đến ngày toàn thắng cuối cùng của Chúa.

Đã là một cuộc tranh chấp thì có hai đối thủ đương đầu: Chúa Giêsu và ma quỉ.

Người Công giáo chúng ta, ai cũng tin có ma quỉ, vì Thánh Kinh đã nói rõ ràng và trong đời sống, chúng ta nhận thấy hoạt động của nó. Tuy nhiên, ma quỉ – những thiên thần ngụy vốn rất khôn ngoan-, biết dấu đầu che đuôi, để làm cho một số người không tin rằng nó có. Cha Ravignan nói: “Cái khôn ngoan của ma quỉ ngày nay là làm cho người ta tin tưởng rằng nó không có, để dễ dàng hoạt động”.

Ma quỉ thuộc thế giới vô hình, chúng ta không nhìn thấy nhưng nhận thức sự hiện diện của nó qua các hoạt động. Ma quỉ thường hoạt động bằng 3 cách: ám ảnh, phá phách, và cám dỗ.

Trước hết, ma quỉ ám ảnh người ta, dùng nạn nhân như dụng cụ để nói năng hoạt động. Chúa Giêsu đã trừ quỉ nhiều lần (Mt 8, 16; Mc 1, 32; Lc 4, 41…). Chúa ban cho các tông đồ quyền năng ấy (Mt 10, 1 & Mc 3, 15). Giáo hội cũng thừa hưởng trong sứ vụ “trừ quỉ”.

Báo Express của Pháp ngày 22-4-1974, đăng tải một bài nói về những vị trừ quỉ, cho biết cả nước Pháp có 8 vị, những linh mục thánh thiện, khôn ngoan và can đảm được chỉ định để làm nghi thức trừ quỉ theo Phụng vụ khi cần đến. Một vị, Cha Henri Gesland, 66 tuổi, nói: “Tôi không cần xem phim Người trừ quỉ-Exorcist-đang làm xôn xao dư luận, vì sự thật mà tôi phải đương đầu còn hơn trong phim”.

Ma quỉ còn phá phách, nhất là những tâm hồn thánh thiện đạo đức. Thánh Gioan Vianney, Cha sở họ Ars, bị ma quỉ phá trong 35 năm và chỉ được buông tha một năm trước khi Ngài qua đời. Ở Việt Nam, câu chuyện chị Anna Diệu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa, nạn nhân của ma quỉ, được kiểm chứng và ghi trong cuốn “Le diable au Couvent” (Quỉ trong Tu viện) của Đức Cha De Cooman.

Nhất là ma quỉ hay cám dỗ chúng ta, xúi dục ta sa ngã phạm tội.

Bài Phúc Âm đề cập đến 3 đợt cám dỗ của ma quỉ. Chúa chấp nhận bị satan cám dỗ. Luca viết: “Thánh Thần đưa Ngài vào hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ”. Ma quỉ dùng ba tư tưởng để cám dỗ Chúa thì nó cũng dùng ba thứ mồi nhử để lôi kéo chúng ta, là tiền tài, danh vọng và sắc dục.

Cuộc đương đầu với ma quỉ còn kéo dài. Luca viết: “Ma quỉ rút lui để chờ dịp khác”, thì đối với chúng ta cũng vậy, một nhà tu đức viết: “Đó là cơm bữa hàng ngày”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cầu nguyện, ăn chay hãm mình, để bắt chước Chúa chống lại chước cám dỗ của tà thần.

“Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Kinh Lạy Cha).

home Mục lục Lưu trữ