Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1371349
CHO HỌ XEM TAY VÀ CẠNH SƯỜN
Cho họ xem tay và cạnh sườn
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Biến cố Đức Giêsu Phục Sinh quả là một biến cố vô cùng quan trọng, vì nhờ biến cố này các tông đồ, và qua các tông đồ đến các Kitô hữu, hiểu biết hơn về Đức Giêsu và về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã và đang làm những điều tuyệt vời qua Đức Giêsu Kitô.
I. Đức Giêsu cố chứng minh cho các tông đồ Ngài thực sự đang sống
Theo tin mừng Luca hôm nay, trong khi hai môn đệ trên đường Emmau trở về đang loan báo tin mừng Phục Sinh cho các tông đồ và các môn đệ khác, thì Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các ông. Họ rúng động và sợ hãi vì tưởng mình thấy ma. Đức Giêsu đã cố gắng trấn an và thuyết phục họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc.24, 39). Và không chỉ vậy, chính Đức Giêsu đã đưa tay chân cho các tông đồ kiểm chứng (Lc.24, 40).
Tuy vậy, dường như các tông đồ vẫn còn chưa tin, nên Đức Giêsu nói với các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc.24, 41-43). Người ta có cảm tưởng Đức Giêsu cũng vất vả thuyết phục và chứng minh cho các tông đồ rằng Ngài đã sống lại, Ngài hiện đang sống. Phục sinh là một biến cố rất đặc biệt, vượt dự đoán của con người. Các tông đồ cũng không phải là những người dễ tin. Tuy dù được báo trước ba lần Đức Giêsu sẽ chết và sẽ sống lại (Mc.8, 31; 9, 31; 10, 33-34), nhưng các tông đồ cũng chẳng dễ dàng chấp nhận việc Ngài sống lại (Mc.16, 9-13); và Đức Giêsu, tuy dù biết trước mình sẽ sống lại, cũng rúng động trước cái chết (Mc.14, 35-36).
Thân phận con người, lúc này biet, lúc khác phân vân nghi ngờ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự hủy để nhập thể làm người, nên Ngài chấp nhận thân phận con người cách hoàn toàn, nghĩa là, cũng bị cám dỗ, và ngay cả không biết, hoặc lúc này biết lúc khác phân vân nghi ngờ. Vì vậy, Đức Giêsu sống lại, là điều rất mới đối với các tông đồ và con người. Tuy nhiên, một khi được ơn trở thành chứng nhân phục sinh, các tông đồ luôn loan báo tin mừng đặc biệt này, và đã đem chính mạng sống làm chứng cho tin mừng các ngài rao giảng.
II. Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh
Trong cuộc tranh luận với những người Do Thái, Đức Giêsu nói: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi… Vì nếu các ông tin Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi” (Ga.5, 39.47). Kinh Thánh được một số người coi như lá thư Thiên Chúa viết cho tất cả mọi người qua trung gian dân tộc Do Thái. Đức Giêsu cũng có thể được coi là lá thư, là biểu hiện, biểu chứng, biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con người.
Đức Giêsu là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa cho con người. Qua Đức Giêsu, con người biết hơn về Thiên Chúa và cũng biết hơn về chính con người. Các tạo vật đều mặc khải Thiên Chúa ở một mức độ nào đó. Những nhân vật đáng kính trong lịch sử dân tộc Do Thái cũng như trong lịch sử những dân tộc khác, và nhất là trong những tôn giáo khác, cũng là chứng nhân của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó, nhưng Đức Giêsu là một con người đặc biệt, phản ánh Thiên Chúa và tình yêu cua Thiên Chúa một cách tuyệt vời, bởi vì Ngài là chính Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
Kinh Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa, nhưng cũng là tác phẩm của con người. Người ta có thể đọc Kinh Thánh đơn thuần như một tác phẩm thuần túy nhân loại, và người ta có thể hiểu được phần nào con người và xã hội thời đó. Hôm nay, theo tin mừng Luca, các tông đồ đã được Đức Giêsu mở trí để hiểu Kinh Thánh. Kinh Thánh không được viết để dạy chân lý khoa học, nhưng để giúp con người biết hơn về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với con người, giúp con người biết hơn về Đức Giêsu là tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa cho con người.
III. Thật sư biết Thiên Chúa hàm chứa tuân giữ lệnh truyền của Ngài
Niềm tin và cuộc sống phải đi liền với nhau. Niềm tin không chỉ là những điều một người chấp nhận và không liên hệ hay chi phối đời sống họ. Đức tin không có viec làm là đức tin chết (Gc.2, 17). “Nếu nói mình biết Thiên Chúa mà không giữ các lịnh truyền của Thiên Chúa, thì đó là kẻ nói dối” (1Ga.2, 4).
Biết Thiên Chúa, không phải là chấp nhận một số mệnh đề phát biểu về Thiên Chúa, nhưng còn bao hàm chính thái độ sống và cuộc sống của mỗi người. Cái “biết sống động” này được diễn tả qua đời sống cầu nguyện, qua việc chọn lựa trong đời sống thường ngày, qua cách cư xử với người khác… Tuy vậy trong thực tế, có nhiều người “tin” nhưng không “sống”, những người này họ chưa thực sự biết Thiên Chúa, cái biết của họ mới chỉ trên bình diện chấp nhận một điều là đúng. Những ai giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, là những người biết Thiên Chúa thực sự.
Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh đã chi phối trọn vẹn đời sống các tông đồ. Các ngài đã ra đi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh. Các ngài đã dám chết vì chính đạo. Niềm tin vào Đưc Giêsu Phục Sinh đã biến đổi đời bao con người, đã biến đổi đời các tông đồ, đã làm bao người “bỏ thế gian” để sống dành riêng cho Thiên Chúa. Các ngài là những người biết Thiên Chúa thật sự.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Theo bạn, khi Đức Giêsu cố gắng làm cho các tông đồ thấy Ngài đang sống thực sự bằng cách cho các tông đồ xem tay và cạnh sườn Người, hàm chứa điều gì?
2. Theo bạn, đức tin Kitô hữu hàm chứa gì? Tại sao lại gọi là ơn? Có gì quý hoặc được lợi gì khi tin Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể?
17. Suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh
Tin Mừng Lc 24:35-48: Việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh không đòi hỏi bất cứ một kỹ thuật cao siêu nào, mà việc đó nằm ngay chính nơi đời sống Kitô hữu, một con người cụ thể, trong môi trường sinh sống cụ thể.
Theo số liệu thống kê của Giáo Hội Công Giáo tính đến cuối năm 2012 số người Công giáo trên toàn thế giới là 1,228 tỷ, Người Công giáo chiếm khoảng 17,5% dân số thế giới, như vậy còn 82,5% chưa nhận biết Chúa Kitô, mặc dầu Giáo Hội đã nỗ lực chu tất sứ vụ loan truyền của mình. Tại sao? Có thể những người Kitô hữu chúng ta chưa loan truyền đúng vè Đức Kitô Phục sinh
Có nhiều người Kitô hữu hiểu rằng, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là một nhiệm vụ được thêm vào, vì thế có người thơ ơ với nhiệm vụ nầy, có người thì coi nhiệm vụ loan báo đơn giản như một việc chỉ đường, hoặc quá khích hơn, người ta coi Tin Mừng như một món hàng đắt giá, để rồi ra sưc quảng cáo với một mục đích là chiêu dụ tín đồ, có người còn giới thiệu Tin Mừng bằng những lời hứa hẹn về một phần thưởng, hay đưa lời ngăm đe bằng những hình phạt… Và vì thế nhiều người khi nghe đến Tin mừng vội vàng quay lưng.
Quả thật, việc loan báo Tin Mừng không là nhiệm vụ được thêm vào nhưng thuộc về bản chất của đời sống Kitô hữu, có nghĩa là, khi được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội, người tín hữu liền được dự phần vào sứ vụ mà Chúa Giêsu giao phó cho Giáo Hội mà không cần bất cứ một sự giao phó nào nữa. Vì thuộc bản chất nên mọi sinh hoạt đời sống của người Kitô hữu đều là lời loan báo Tin Mừng. Nhưng phải loan báo Tin Mừng Phục sinh như thế nào, để mang lại tính khả tín hầu người nghe có thể tin theo?
Tin Mừng Phục sinh đã tường thuật lời của Chúa Giêsu: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Việc loan báo Tin Mừng Phục sinh không là giới thiệu một Đức Kitô viễn vông, mơ hồ, mà ngày nay người ta gọi là “một con người ảo”, nhưng phải là một Đức Kitô phục sinh “có xương, có thịt”. Vâng, trong một thế giới mà sự phát triển khoa học kỹ thuật đang làm mưa làm gió, thì việc sống với thế giới ảo đang là một nhức nhối cho xã hội hôm nay. Có người đã chia sẻ: Tôi có một cô bạn. Cuộc sống trên Facebook của cô ấy cực kỳ hoàn hảo. Cô xinh đẹp, đi du lịch nhiều nơi. Cô share rất nhiều bài viết mang đậm hơi thở chính luận của các nhà báo nổi tiếng. Cô post lên Facebook hàng chục bài phát biểu của các chính trị gia, với caption đều bằng tiếng Anh. Hôm 2/9/2017 , cô được mời đến nhà chồng sắp cưới dùng cơm, nhân tiện bàn luôn chuyện cưới hỏi. Buổi gặp mặt rất được kỳ vọng ấy biến thành cơn ác mộng khi cô phát hiện ra bố mẹ chồng tương lai hóa ra đều là giảng viên của 2 trường đại học rất lớn. Họ trẻ trung, họ đều dùng Facebook và họ đều đọc tất cả những gì cô đưa lên Facebook. Trong lúc trà dư tửu hậu, họ nghĩ rằng cô quan tâm tới lũ lụt, tới nước mắm thạch tín, tới startup, tới những bài phát biểu truyền cảm hứng của ông tổng thống Hoa Kỳ và họ hào hứng kéo cô vào cuộc trao đổi. Nhưng cô không biết gì cả. Đúng nghĩa đen của từ "không biết gì". Cô chỉ share lên Facebook làm màu. Cô chưa từng nghe ông Tổng thống Hoa kỳ phát biểu. Buổi gặp gỡ ấy kết thúc bằng cái lắc đầu ngán ngẩm của bà mẹ người yêu và cô đủ thông minh để hiểu rằng, sẽ không có thêm buổi gặp gỡ nào nữa. Vâng, sống ảo biến cư dân của nó thành những xác chết biết đi, vô hồn. Vào nhà hàng gọi một món ăn và thay vì mời bố mẹ - những người đang ngồi ngay trước mặt – chúng ta phải chụp ảnh, post Facebook để "mời 500 anh em ăn cùng cho vui". Thật là nực cười.
Tin mừng Phục sinh cần được loan báo, nhưng sự loan báo không là những thông tin chỉ dẫn trên các phương tiện truyền thông, không dừng lại nơi việc cử hành các nghi thức hoành tráng, trái lại việc loan báo phải được cụ thể hoá qua chứng nhân hiện thực cụ thể. Vâng, Tin mừng Phục sinh không là những lời nói trống rỗng, nhưng phải được trình bày sống động nơi những con người có xương có thịt, qua hoàn cảnh sống “nơi những cha mẹ nuôi nấng con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất nụ cười của họ” nói như Đức Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exultate.
Vào ngày 23-3-2018 tại cửa tạp hoá Trebes một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp, một tay súng 25 tuổi người Hồi giáo Redouane Lakdim đã giết nhân viên một siêu thị, một dân thường đang mua đồ trong siêu thị và bắt giữ nhiều con tin. Sau khi nhiều con tin được giải cứu duy chỉ còn người phụ nữ bị tay súng giữ lại, và chính Trung tá Arnault Beltrame, một người công giáo, đã đề nghị đổi chỗ làm con tin thay cho người phụ nữ trên, cuối cùng viên sĩ quan đã bi tên khủng bố bắn trọng thương cuối cùng ông qua đời tại bệnh viện. Viên sĩ quan đã ngã xuống, và sự hy sinh của viên sĩ quan là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào sự Phục sinh của Đức Kitô. Không có lời loan báo hùng hồn nào về Tin Mừng Phục sinh cho bằng sự hy sinh của viên sĩ quan.
Quả thậy, Việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh không đòi hỏi bất cứ một kỹ thuật cao siêu nào, mà việc đó nằm ngay chính nơi đời sống Kitô hữu, một con người cụ thể, trong môi trường sinh sống cụ thể. Lời loan báo Tin Mừng không chỉ là lời thốt ra từ môi miệng, nhưng được bày tỏ cách trọn vẹn trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, để có thể nói được rằng, niềm hy vọng Phục sinh đã được minh chứng cách cụ thể qua đời sống của nguòi tín hữu. một đời sống được tôi luyện bằng những chiến đấu liên tục, cuộc chiến không chỉ đơn thuần chống lại “thế giới và não trạng thế gian" hay "chống lại các yếu đuối và xu hướng của con người chúng ta... Mà còn là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, hoàng tử của sự ác" (Đức Phanxicô). Chúng ta phải chiến đấu, để công việc loan báo Tin Mừng về sự sống không bao giờ bị dập tắt, trái lại nó được đâm rễ sâu vào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, một cuộc sống thấm đẫm tình yêu thương được đúc nén từ việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô, Đấng gần gũi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống nhân gian, với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói, và như thế người ta sẽ không còn cảm thấy xa lạ khi nghe về Tin Mừng, nhưng hơn hết người ta gặp gỡ được một Đức Giêsu thật gần gũi, thật dễ mến qua những con người cụ thể là chính chúng ta người Kitô hữu. Amen.
18. Sống chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh
Lễ Phục sinh đã qua hai tuần lễ, nhưng chúng ta vẫn còn tiếp tục suy gẫm về sự sống lại của Chúa Giêsu. Chúa nhật 3 Phục Sinh hôm nay, Giáo Hội tiếp tục trình bày cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu Kitô sống lại. Trong Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu lại hiện ra với các môn đệ, Người nói với họ: "Mọi điều viết về Ta trong luật Môisen, tiên tri và thánh vịnh phải được ứng nghiệm". Người còn nói tiếp: "Có lời chép rằng: Đức Kitô phải đau khổ và đến ngày thứ ba Người sống lại từ cõi chết". Đức Giêsu muốn các môn đệ tuyệt đối chắc chắn là ch1inh Người đã sống lại thật!
Ai trong chúng ta đã không ít một lần sợ ma. Vì thế, có thể nói: Sợ ma không phải là chuyện của trẻ con mà đôi khi ngay cả người lớn cũng sợ ma. Thậm chí ngay cả các Tông đồ ngày xưa cũng sợ ma. Đoạn Phúc âm vừa kể lại, ngay trong buổi tối Phục sinh đang lúc các tông đồ họp nhau trong nhà, các cửa đều đóng kín. Bất chợt Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa các ông. Các ông hoảng hốt, tưởng mình thấy ma. Vì các ông chưa tin Chúa đã sống lại. Các ông đã phản ứng như một đêm nào trước kia, đang ở trên thuyền gặp sóng gió ngược ngoài khơi, các ông thấy một bóng ma đi trên mặt nước. Các ông kêu lên "ma kìa", nhưng đã được trấn an ngay: "Thầy đây, đừng sợ!" (Mc,47-50). Vậy mà Chúa Giêsu Kitô, Đấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách này đến cách khác để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng, để giúp cho các ông tin Thầy mình đã sống lại đúng như lời Ngài loan báo. Hiện ra cho các tông đồ lần này, Chúa Giêsu Kitô mời họ nhìn xem và chạm đến tay chân Ngài, để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các Tông đồ nhìn thấy Chúa, và các ông tưởng là ma. Có thể chúng ta không thể không thắc mắc vì sao các Tông đồ là những người môn đệ rất thân cận với Chúa, được Chúa Giêsu yêu mến, từng sống ba năm với Chúa Giêsu và hằng ngày đã trò chuyện với Chúa... vậy mà khi thấy Ngài, các ông tưởng là ma. Đáng lẽ ra khi gặp Ngài, các ông phải nhận ra ngay là Thầy mình chứ! Bởi vì các ông đang sống trong tâm trạng thất vọng thật ê chề, thất vọng bởi vì các ông theo Chúa đã hơn ba năm rồi, mà đến nay vẫn còn hai bàn tay trắng, một chút danh dự cũng không có, một chút danh vọng cũng chẳng thấy ở đâu...và rõ ràng trong mấy ngày qua, họ đã tận mắt thấy Chúa bị bắt, rồi bị người ta giết. Thầy mình đã chết và đã được đem chôn rồi. Thế nên giờ đây họ khó mà tin được khi thấy ông Giêsu đó không có chết, mà ông ấy còn sống một cách thật khỏe mạnh nữa, và đang đứng trước mặt các ông đây. Có phải Thầy Giêsu đã sống lại thật? hay ông ấy là ma về nhát mình? Do đó, theo phản ứng tự nhiên, các ông phải buộc miệng kêu lên: Ma kìa! Thế nên, khi hiện ra cho các Tông đo, Chúa Giêsu bảo các ông hãy chạm vào thân xác mang thương tích của Ngài để biết rằng đây không phải ma hay hồn thiên hiện về, nhưng là thân xác bằng xương bằng thịt đã sống lại: "Ma làm gì có xương có thịt như anh em sờ thấy thầy đây?". Và để giúp các ông tin hoàn toàn và dứt khoát, Ngài còn ăn một miếng cá nướng trước mặt để các ông thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải hồn thiêng hiện về hay ma quỷ gì đâu! Có the nói, sự thật trước mắt đã xua tan hết mọi nghi ngờ. Rồi đây các tông đồ sẽ là những chứng nhân mắt thấy tai nghe. Các ông còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục Sinh cho những người không được chứng kiến, để mọi người tin rằng Chúa Kitô đã sống lại thật như Kinh Thánh đã báo trước.
Như vậy, Chúa Giêsu Phục sinh hiểu rõ tâm trạng của các Tông đồ, và Ngài đến để gặp gỡ các ông, an ủi các ông, và củng cố đức tin cho các ông nữa. Còn chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày, có khi nào chúng ta bị thử thách về đức tin, hoặc có khi nào chúng ta nghi ngờ về Chúa hay không? Có khi nào chúng ta phải tin một cách miễn cưỡng về những điều chúng ta chưa từng thấy, và rất khó tin như có thiên đàng, có hoả ngục, có đời sau, như có thưởng có phạt. Hay như có Chúa hiện diện trong nhà thờ, hay trong một tấm bánh trắng quá tầm thường quá nhỏ bé như vậy mà chúng ta phải tin là Mình Thánh Chúa? Có lẽ phải có thôi, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, nhiều khi chúng ta đã từng gặp những giai đoạn bảo táp của cuộc đời, khiến đức tin của chúng ta dường như bị khủng hoảng, đôi khi chúng ta cau nguyện tha thiết mà chẳng thấy Chúa nhậm lời, hoặc là khi chúng ta thấy bất mãn về một điều gì đó trong Giáo Hội, trong gia đình chúng ta? Và những bất mãn đó, những thử thách về đức tin đó nhiều khi nó lớn đến nỗi làm cho người đó phải bỏ đạo, phải chống đạo, chống Giáo Hội, phải xa Chúa và họ không còn tin Chúa nữa. Do đó, bài Phúc âm hôm nay giúp chúng ta thấy ý Chúa muốn nhắc nhở chúng ta. Nếu chúng ta muốn tìm lại được Chúa, nếu tôi muốn củng cố lại đức tin của mình, thì chúng ta cũng phải làm theo cách của các môn đệ Chúa Giêsu, đó là phải tìm Chúa trong Lời Chúa, phải siêng năng cùng cộng đoàn cử hành phụng vụ, các bí tích và nhất là Thánh Lễ. Thánh lễ hồi phục, củng cố và giúp chúng ta mạnh mẽ tin yêu Chúa Kitô phục sinh.
Chúa Phục Sinh đã đem lại cho các tông đồ niềm tin và niềm vui. Các ông đã bị lung lạc vì thấy Chúa Giêsu chết đau đớn nhục nhã trên thập giá, nay tìm được niềm tin vì thấy Ngài sống lại vinh quang. Các ông buồn sầu vì mất Thầy mình, nay được vui mừng vì gặp thầy trong thân xác Phục Sinh. Niềm tin và niềm vui đó từ nay không bao giờ mất được nữa, vì Chúa Giêsu sẽ không bao giờ rời bỏ các môn đệ, như Ngài đã hứa: "Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế". Cho dù sau khi lên trời, các môn đệ không còn thấy Ngài nữa, cho dù phải phân tán mỗi người một nga, cho dù gặp trăm ngàn khó khăn thử thách, các ông vẫn vững tin rằng Chúa Giêsu phục sinh luôn ở bên cạnh, và niềm xác tín ấy đã làm cho các tông đồ luôn được bình an và phấn khởi vui mừng. Phải, Chúa Kitô Phục Sinh không còn chết nữa. Ngài đang sống và hằng sống. Đối với Ngài, thời gian, không gian, không còn là cách trở. Nói khác đi cho dù chúng ta sống ở đây, trong lúc này thì Chúa Giêsu cũng ở gần chúng ta, hiện diện với chúng ta như là với các môn đệ ngày xưa, có khi gần gũi thân thiết hơn nữa. Ngài còn ở với chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế, để ban cho chúng ta Thánh Thần là chính sự sống của Ngài, nhờ đó chúng ta được làm con Chúa Cha, đe chúng ta được vững tin và an vui trong mọi hoàn cành của cuộc đời, đẻ với niềm tin và niềm vui đó, chúng ta trở thành những người chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.
Vì thế, mang thân phận là người Kitô hữu, chúng ta hãy sống đạo đích thực, hãy là người mang đầy niềm vui, niềm vui chân thật xuất phát từ tâm hồn đã được gặp Chúa Kitô Phục Sinh. Đức tin của chúng ta sẽ lớn lên và thắng vượt sợ hãi trước bóng tối cuộc đời, khi chúng ta xác tín vào sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong từng biến cố, từng thử thách, từng khổ đau, khi chúng ta hiểu được lời Ngài quả quyết "Chúng con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tin Chúa đã Phục Sinh, Ngài đang ở bên chúng con. Chúng con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết can đảm sống và làm chứng cho Chúa giữa lòng đời. Amen.
19. Lời mời gọi sám hối
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)
Phục sinh kêu gọi mọi người sám hối?
Cả ba Phúc âm nhất lãm đều đề cập tới lần Chúa hiện ra với nhóm mười một tông đồ. Về lần hiện ra quan trọng này, chi tiết bên ngoài của biến cố hình như không được các thánh sử quan tâm diễn tả cho lắm; chỉ có tường thuật của Lu-ca là đi vào một số chi tiết để chứng minh nhân vật hiện ra đích thực là Đức Giê-su mà các ông đã từng quen biết. Điều mà các tác giả quan tâm tới nhiều hơn là sứ điệp Chúa Phục Sinh muốn thông đạt cho cả nhóm. Chính Đấng Sống Lại đòi nhóm mười một và toàn thể những ai coi mình là môn đệ của Người phải trở thành ‘chứng nhân về những điều (sư điệp) này’. Không may ngày nay, người ta lại thích nói tới sự kiện phục sinh khải hoàn hơn là đề cập tới sứ điệp của nó, tới độ rất ít khi tín hữu được nhắc nhở hoặc quan tâm tìm hiểu sứ điệp phục sinh thực sự là gì!
Sứ điệp Phục Sinh gồm hai phần chính:
- ‘Kêu gọi sám hối để được ơn tha tội’
- ‘Nhân danh Người rao giảng (điều này) cho muôn dân’
Sám hối để được ơn tha tội: Mát-thêu và Mác-cô đã nói tới nội dung này khi đề cập tới lenh truyền: ‘làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28:19), hay lời giải thích: ‘ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ’ (Mc 16:16). Sứ điệp ‘hãy sám hối’ đã được Gio-an Tẩy Giả từng hô hao từ những ngày đầu, trước cà khi Đức Giê-su xuất hiện công khai, qua nghi thức dìm mình xuống giòng sông Gio-đan. Như vậy, sau ngày sống lại, khi Đức Giê-su Ki-tô long trọng công bố trở lại sứ điệp này thì chắc hẳn nó phai chứa đựng một điều gì hoàn toàn mới lạ và cấp bách. Để có thể hiểu được tầm quan trọng của sứ điệp mà Đức Giê-su đã dày công giảng giải cho các môn đệ hiểu, rằng đó chính là trọng tâm của các sách Ngôn Sứ và Thánh Vịnh… nói tóm lại, của toàn bộ Kinh Thánh, ta cần đi sâu vào nội dung của nó. Đương nhiên sám hối đây không thể được hiểu theo nghĩa ‘cải tà qui chính’ - thuần tính luân lý. Sau biến cố Phục sinh, sám hối càng lộ rõ sứ điệp Tin Mừng của một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa từ nhân và cứu độ, một khám phá và tín thác không ngừng vào Thiên Chúa đầy lòng xót thương “yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một…” Qua biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô Giê-su mà mười một tông đồ chắc hẳn đã chứng kiến, các ông phải được giải thích cho hiểu ý nghĩa và nội dung của nó. Quả vậy các ông phải tin và trở thành ‘chứng nhân về những điều này’! Phục sinh chính là để hiểu và nắm bắt sâu sắc sứ điệp đã được công bố ngay từ đầu “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nói cách khác, sứ điệp chính yếu và long trọng nhất của Tin Mừng Phục Sinh lại chính là hãy “Sám hối để đươc ơn tha tội”.
Rao giảng cho muôn dân: Bằng các kiểu nói khác nhau (Mát-thêu: ‘Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ; Mác-cô: ‘Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng; Lu-ca: ‘Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đều từ Giê-ru-sa-lem…’), các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm đều cho thấy phần hai của sứ điệp Phục Sinh là một ‘lệnh lên đường’. Phúc âm Gio-an còn nêu rõ sứ điệp này là chính yếu và quyết liệt hơn hết: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” Và để chu toàn ‘lệnh lên đường’, đồng thời để có thể ‘Sám hối và tin vào Tin Mừng’, Thánh Thần đã được trao ban cho các môn đệ; ‘Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”’ (Ga 20:22), hay ‘Nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống’ (Lc 24:49) theo cách nói của Lu-ca. Nếu Đấng sống lại không còn bị chi phối bởi không gian và thời gian, thì sứ điệp cứu rỗi của Chua Phục Sinh lại càng không thể bị giới hạn, không những bởi không gian và thời gian, mà còn bởi văn hóa, sắc tộc, truyền thống, thậm chí luân lý, cho dầu có ‘bán khai’ hay ‘man rợ’ tới mấy. Phục Sinh chính là tình yêu cưu độ của Thiên Chúa từ nhân được minh chứng là vô giới hạn, không gì ngăn cản nổi. Lệnh lên đường hay truyền giáo phải dựa trên nhận thức ơn cứu độ phổ quát và tình yêu xót thương của Thiên Chúa vượt xa sự hạn hẹp cua loài người.
Tôi không chỉ ‘mừng’ Chúa Phục Sinh, mà còn phải ‘sống’ Chúa Phục Sinh. Và sống Chúa Phục Sinh trước hết phải là lắng nghe và loan truyền cho mọi người sứ điệp Phục Sinh thật cấp bách của Đức Ki-tô khải hoàn.
Lạy Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh, xin dạy con biết tiếp nhận và sống sứ điệp phục sinh cách ý thức và mạnh mẽ. Trong tư cách là Ki-tô hữu hay linh mục, chính con phải là người đầu tiên sống ‘sám hối’ theo nội dung phục sinh, để có thể trở thành chứng nhân trung thực của sứ điệp cứu rỗi. Cũng xin cho con hiểu được tình yêu cứu độ của Chúa là không biên giới, để con hăng say lên đường gieo rắc tình yêu và lòng thương xót Chúa cho mọi dan nước. Amen.
20. Đời sống chứng nhân – Thiên Phúc
(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)
Albert Schweitzer là một cậu bé rất thông minh, lại say mê âm nhạc. Khi trưởng thành cậu chơi đàn Organ, và cuối cùng đã trở thành Tiến sĩ âm nhạc. Sau đó, Albert nghiên cứu các chủ đề về tôn giáo, và đã đậu Tiến Sĩ Triết Học. Ông làm Hiệu Trưởng trường Đại Học.
Như thể học chưa đủ, ông từ chức Hiệu trưởng để theo ngành y khoa, 7 năm sau, trở thành bác sĩ với bằng Tiến sĩ Y Khoa. Với 3 bằng cấp Tiến sĩ, Albert Schweitzer dễ dàng trở thành một người giàu có, và nổi tiếng.
Thế nhưng, tiến sĩ Albert Schweitzer lại cùng với người vợ bán tất cả gia tài, sang tận Châu Phi thiết lập một bệnh viện ở Lambarene. Ông cứu giúp hàng ngàn người phong cùi và những người mắc bệnh buồn ngủ.
Ông huấn luyện y tá và điều dưỡng để phụ giúp ông. Khi hết tiền mua thuốc, ông trở về Âu Châu, trình diễn âm nhạc trong thành phố lớn, lấy tiền vé vào cửa để trả tiền mua thuốc cho bệnh viện của ông ở Lambarene. Ông tin rằng những người nghèo ở Châu Phi đều là những thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1953.
Sau khi dâng hiến cả cuộc đời cho người Châu Phi nghèo khổ, nhà truyền giáo đã đi về nhà Cha năm 1965 lúc 90 tuổi.
***
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh kêu gọi các môn đệ hãy làm chứng nhân cho Người.
Chúng ta hãy là chứng nhân của sự sống mới. Thế giới ngày nay quay cuồng trong nỗi chết. Cái chết của chiến tranh, khủng bố khiến người ta chết không toàn thây. Cái chết của sida, ma tuý làm người ta chết không ra con người. Cái chết của phá thai, tự vẫn như cướp quyền Đấng Tạo Hóa. Người tín hữu Kitô phải làm chứng cho sự sống mới.
Sự sống của Đấng Phục sinh: Lôi cuốn, hấp dẫn gấp ngàn lần nỗi chết quay quắt điên loạn của con người. Sự sống của Đấng Phục sinh tràn đầy niềm hy vọng. Nếu Đức Kitô bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào chiến thắng của Người trên bạo lực, hận thù và nỗi chết.
Chúng ta hãy là chứng nhân của niềm vui. Nếu các môn đệ buồn phiền vì Thầy đã chịu khổ hình, thì các ông lại vui mừng biết bao khi nghe tin Thầy sống lại. Nếu các môn đệ lo âu vì sợ người ta đã giết Thầy sẽ bắt luôn cả trò, thì các ông lại trọn niềm hân hoan khi thấy Thầy sống lại ra khỏi mồ. Nếu chúng ta thực sự ra khỏi nỗi âu lo về mình, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui. Nếu chúng ta mang lại nụ cười cho những người bất hạnh, chúng ta đang công bố tin vui Phuc sinh.
Đức Hồng Y Danielou có nói: "Chúng ta hãy tự khai mở niềm hy vọng của người bất hạnh, cho dù điều đó đe dọa đến của cải chúng ta".
Cha Charles de Foucauld quả quyết: "Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lương thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động".
Trong nghi thức rửa tội của Giáo hội Ấn Độ, người chịu phép Rửa tội đặt tay lên đầu và nói: "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr. 9, 16).
Vậy lời rao giảng Tin mừng sinh động nhất, hữu hiệu nhất và cao đẹp nhất chính là một cuộc đời quên mình phục vụ như nhà truyền giáo Albert Shweitzer đã làm cho những người phong cùi Châu Phi.
***
Lạy Chúa,
Khi chúng con u sầu, xin đem đến một ai đó để chúng con an ủi. Khi gánh nặng đè bẹp, xin chất thêm cho chúng con gánh nặng của người khác nữa.
Khi chúng con cần sự âu yếm vỗ về, xin cho người khác kêu gọi chúng con đến để vỗ về âu yếm họ.
Xin dạy chúng con trở nên chứng nhân của một Thiên Chúa phục vụ và yêu thương. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam