Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 30
Tổng truy cập: 1374033
CHỌN THIÊN CHÚA HAY CHỌN TIỀN CỦA
Chọn Thiên Chúa hay tiền của
(Suy niệm của Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
A. DẪN NHẬP
Cuộc đời là một chuỗi những sự lựa chọn. Bất cứ ai đều phải có sự lựa chọn cho đời sống của mình về phương diện tinh thần cũng như vật chất. Trên bình diện tôn giáo, Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho chúng ta cách lựa chọn:”Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được”(Mt 4,24). Và Ngài đã đòi chúng ta một sự lựa chọn dứt khoát: một là Thiên Chúa, hai là Tiền của. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn và phải gánh chịu hậu quả về sự lựa chọn đó.
Chúng ta là những người khôn ngoan đã dứt khoát chọn lựa Thiên Chúa vì chúng ta là con của Ngài, đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Một khi đã chọn Thiên chúa, chúng ta phải tuyệt đối yêu mến và tin tưởng vào sự quan phòng của Ngài. Chúa khuyên chúng ta đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy nhìn xem chim trời, hoa cỏ đồng nội thì biết. Nhưng chúng ta phải lưu ý: Chúa khuyên chúng ta đừng “lo lắng” nhưng phải biêt “lo liệu”. Lo lắng là dấu chỉ chưa đủ tin tưởng vào Chúa, còn lo liệu là biết khôn ngoan sắp đặt mọi sự trong hiện tại cũng như trong tương lai trong sự yêu mến và tin tưởng phó thác cho Chúa.
Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng không có nghĩa là ỷ lại, để cho Chúa lo mọi sự, nhưng trái lại, phải có sự cộng tác của chúng ta. Đây là bằng chứng: ngày từ đầu Thiên Chúa đã trao trái đất cho con người coi sóc, Đức Giêsu đã làm nghề thợ mộc tại Nazareth và thánh Phaolô cũng chủ trương ai không làm việc thì không có quyền ăn. Vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cứ làm việc bình thường, đừng bồn chồn lo lắng. Hãy quên đi quá khứ, hăng say làm việc trong hiện tại và đặt tương lai vào trong bàn tay Chúa quan phòng.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 49,14-15
Dân Israel bị lưu đày bên Babylon, sống cơ cực dưới sự đè nén của ngoại bang, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Họ cho rằng Thiên Chúa đã quên họ. Họ đã bị bỏ rơi. Niềm tin bị giảm sút.
Nhưng tiên tri Isaia đã khẳng định với dân: Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên họ bởi vì họ là con của Ngài. Ông đưa ra một hình ảnh sống động và cụ thể: có người mẹ nào mà bỏ quên con mình? Cho dù người mẹ có bỏ quên con mình đi nữa thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ quên đâu.
+ Bài đọc 2: 1Cr 4,1-5
Tín hữu Corintô có nhiều tinh xấu như óc bè phải, tính kiêu căng, tự phụ. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở họ phải đề phòng một tính xấu khác, đó là xét đoán.
Thực ra, không ai biết được con tim khối óc của người khác, chỉ là phỏng đoán, duy một mình Thiên Chúa mới biết được chính xác. Vì thế, mọi người hãy dành quyến xét xử cho Thiên Chúa “Đấng thấu suốt lòng mọi người”.
+ Bài Tin mừng: Mt 6, 24-34
Hôm nay Đức Giêsu nói với cả người giầu lẫn người nghèo phải biết lựa chọn. Chỉ có hai con đường để lựa chọn, đó là phụng sự Thiên Chúa hay phụng sự Tiền của.
Phụng sự Thiên Chúa là sống theo Tin mừng, theo Hiến chương Nước Trời và tìm kiếm sự công chính của Thiên Chúa, nghĩa là tìm biết và thi hành thánh ý Ngài.
Nếu phụng sự Chúa thì phải tin vào Chúa quan phòng. Đành rằng chúng ta phải làm việc để giải quyết đời sống vật chất như cơm ăn áo mặc… nhưng chúng ta phải dành ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Bắt cá hai tay
Người Việt nam chúng ta thường dùng câu tục ngữ “Bắt cá hai tay” để chỉ những người tham lam, mưu cầu nhiều việc. Ta phải hiểu câu tục ngữ này như thế nào? Nhân dân ta hiểu câu tục ngữ này theo nghĩa đen là: mỗi tay bắt một con, và kết quả là tuột mất hết chẳng bắt được con cá nào. Chẳng thế mà ca dao Việt nam đã từng khuyên nhủ mọi người:
Thôi đừng bắt cá hai tay
Cá thì xuống bể, chim bay về ngàn.
Câu tục ngữ này có thể minh họa một phần nào lời Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay:”Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia; hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6,24).
I. PHẢI BIẾT CHỌN LỰA
1. Lựa chọn là điều cần thiết
Ngày nay người ta nói nhiều đến dấn thân. Dấn thân, nhập cuộc là thân phận của con người. Sống là dấn thân, mà dấn thân thì phải lựa chọn. Sống là một chuỗi những lựa chọn. Chính những lựa chọn này sẽ làm cho người ta thành công hay thất bại, trở thành người tốt hay người xấu, được hạnh phúc hay phải đau khổ. Đã chọn lựa điều này thì phải bỏ điều kia. Từ bỏ bao giờ cũng là một giằng co, nuối tiếc.
Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất. Hôm nay phải chọn lựa hoặc Thiên Chúa hoặc Tiền của.
2. Phải chọn lựa thế nào?
a) Thời xa xưa, trong thời vua Achab trị vì, dân Israel đã bỏ Chúa mà đi thờ dân ngoại Baal. Tiên tri Êlia đã hô hào dân chúng hảy trở về với Thiên Chúa, phải dứt khoát lựa chon:”Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó” (1V 18,21)
b) Thời nay, Đức Giêsu cũng cảnh báo cho những người tôn thờ tiền của như sau:”Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được” (Mt 6,24)
* Ý nghĩa chữ “Tiền của”
Tiền của ở đây được viết bằng chữ hoa, tiếng Aram là MAMMON, có nghĩa là Tiền của. Nếu tiền được thần hóa như thế, thì sức mạnh thống trị của nó không thể coi thường. Nếu tiền và Thiên Chúa đã được Đức Giêsu đưa lên bàn cân để người ta lựa chọn, thì quyền lực của nó phải là vô song.
* Ý nghĩa chữ “tôi” và “chủ”.
Đối với người xưa “không ai được làm tôi hai chủ” có ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Từ ngữ là “tôi” trong nguyên ngữ Hy lạp là “nô lệ”, làm nô lệ cho; còn từ “chủ” để chỉ quyền sở hữu tuyệt đối. Ý nghĩa câu này sẽ rõ hơn nếu chúng ta dịch: không ai có thể làm nô lệ cho hai ông chủ.
Để hiểu ý nghĩa, có hai điều chúng ta cần nhớ về người nô lệ thời xưa. Nô lệ, trong quan điểm luật pháp, không phải là một con người mà là một đồ vật. Nô lệ tuyệt đối không có gì cả, chủ có thể sử dụng nô lệ thế nào cũng được. Đối với luật pháp, nô lệ là một dụng cụ sống, ông chủ có thể bán, đánh đập, quăng ra ngoài hoặc giết đi, vì ông ta sở hữu người nô lệ y như sở hữu một đồ vật. Thứ đến, nô lệ thời xưa không có chút thời giờ nào là của riêng. Mỗi giây phút của đời sống nô lệ đều thuộc về chủ…
Đây chính là mối dây liên hệ của chúng ta đối với Thiên Chúa, ta không có quyền gì cả. Thiên Chúa là chủ tuyệt đối. Không bao giờ chúng ta được hỏi: tôi muốn làm gì? Nhưng luôn luôn hỏi: Chúa muốn tôi làm gì?
3. Nguy hại của thần Mammon.
Thần Mammon hay thần Tiền của có một sức mạnh vạn năng, nó giải quyết phần lớn các nhu cầu của con người, nên tiền của hấp dẫn lạ lùng. Người Vệt nam chúng ta có câu:
Có tiền mua tiên cũng được
Hoặc:
Mạnh về gạo, bạo về tiền
Lắm tiền, nhiều gạo là tiên trên đời.
Ngay cả việc đạo cũng phải có tiền mới xong:
Có thực mới vực được đạo.
Nguyên ngữ Mammon chỉ có nghĩa là của cải vật chất. Nguyên nghĩa của nó không phải là một chữ mang ý nghĩa xấu. Các rabbi Do thái vẫn dạy:”Hãy quí trọng mammon của người khác như của chính ngươi”, nghĩa là mọi người phải coi tài sản vật chất của người khác quí trọng như tài sản của mình.
Tiền của là như vậy, nhưng tại sao Đức Giêsu lại gay gắt với tiền của như thế? Thật ra, Ngài không lên án tiền của, Ngài chỉ cảnh báo những ai ham mê của cải mà thôi. Hay nói cách khác, Thánh Kinh đã nói:”Lòng ham tiền của là cội rễ mọi điều ác” (1Tim 6,10).
Và chúng ta phải công nhận rằng tiền của là phương tiện hữu hiệu Chúa ban, để bảo tồn sự sống đời này, và để mua Nước Thiên đàng đời sau. Tự bản chất của tiền là tốt, nó là hồng ân Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Tiền của chỉ trở nên xấu khi ta quá tôn thờ nó, như một ông chủ sai khiến hành hạ đời ta, thậm chí lấy luôn mạng sống ta.
Tiền của chỉ trở nên đáng ghét khi ta quá tham lam thu tích nó mà quên đi bổn phận chia sẻ với anh em, như người giầu có xử tệ với Lazarô nghèo khó.
Tiền của chỉ trở nên án phạt khi ta quá ham mê nó mà từ bỏ Thiên Chúa, như Giuđa bán Thầy vì mê 30 đồng bạc.
Tiền của chỉ trở nên cạm bẫy khi ta quá bám víu vào nó mà không còn tin cậy vào Thiên Chúa quan phòng, như người phú hộ ham hưởng khoái lạc không kịp ăn năn.
Vì thế, Đức Giêsu thật có lý khi cấm chúng ta không được làm tôi tiền của. Ngài cảnh báo như thể để mưu cầu hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
Truyện: Nô lệ hay tự do
Hôm ấy, trời vừa rạng đông, ông hoàng nói với tên đầy tớ:”Xem chừng anh mơ ước giầu có lắm. Vậy từ giờ này cho đến lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất cả nhữngg ruộng vườn, ao cá anh chạy vòng quanh được, ta cho anh hết”.
Anh vui sướng quá! Cha chết sống dậy cũng không bằng. Anh liền cắm đầu chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên con ngưa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng hồ qua, chàng làm chủ được mấy cánh đồng bao la bát ngát. Chàng vừa dừng chân, thì một hồ cá mênh mông với mặt nước trong ngần huyền ảo phán chiếu ánh mặt trời đã xế chiều. Chang lại chạy tiếp. Sau cùng, màn đêm buông rơi. Chàng hổn hển quay bước trở về, để làm bậc tỷ phú với “Ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ao hồ mặc sức cá đua”.
Nhưng vừa bước chân vào ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang săn sóc… Nhưng vô hiệu. Nhà tỷ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực quá mức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng đất, vừa dài, vừa rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
Đó là kết cục của một con người ham mê tiền của, để nó sai khiến như một tên nô lệ, phải vắt cạn kiệt sức lực cho tới chết, mà không được mảy may hưởng dùng.
Sự nô lệ cho tiền của là một bệnh “ung thư” thật sự của xã hội chúng ta. Nhắc lại như thế là việc tầm thường. Nền văn minh Tây phương đang tự phá hủy chính mình dưới nhịp độ dữ dội mà cuộc chạy đua đuổi theo cái “tiện nghi”, cái “xa hoa”, những đồ dùng lạ mắt bắt ép nền văn minh ấy. Chính con người trở thành nạn nhân của “đồ bỏ đi ấy của Satan” như cách gọi của tác giả người Ý, Papini.
II. TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG
1. “Đừng lo lắng về của ăn áo mặc”
Tiếp theo việc phải chọn lưa giữa Thiên Chúa và Tiền của, Đức Giêsu khuyên chúng ta đừng lo lắng về cơm ăn áo mặc, hãy xem chim trời và hoa đồng nội, chúng sống thế nào!
Chúng ta cần phân biệt giữa “lo lắng” và “lo liệu”. Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng chứ không phải đừng lo liệu. Lo lắng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi lo lắng đều liên hệ đến tương lai, mà tương lai là điều chưa có thật. Trái lại, lo liệu là vẫn lo làm việc hôm nay, tiên liệu cho ngày mai, nhưng luôn tin cậy phó thác cho Chúa.
Lo lắng chủ yếu là không tín thác vào Chúa. Sự không tín thác như thế có thể hiểu được nơi người ngoại giáo với tin tưởng vào một thần linh ganh tị, thất thường, không thể đoán trước được, nhưng không thể hiểu được nơi một người đã học gọi Thiên Chúa là Cha. Khi chúng ta đặt chính mình vào đôi tay của Thiên Chúa, chúng ta mở lòng mình để hưởng nhờ ơn Chúa bảo vệ chúng ta. Và chúng ta có thể sống đời sống của mình và cử hành giây phút hiện tại.
2. Hãy tin vào Chúa quan phòng
Quan phòng là hành động của Thiên Chúa hướng dẫn con người và thế giới cách nào đó mà ta không ngờ. Nó không phải là định mệnh, hay số mệnh như quan niệm bình dân. Bình dân hiểu: số mệnh, định mệnh là sự ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành hay bại giống như rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.
Quan phòng là việc của người Cha khôn ngoan sáng suốt, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con, nhưng cũng rất tôn trọng tự do sáng kiến của con, khi con hết lòng yêu mến, kính phục Cha, nó sẽ hết lòng vâng theo lời hay lẽ phải của Cha.
Phụng vụ Chúa nhật hôm nay nhắc nhở cho ta điều mà ta không bao giờ được quên là ta tùy thuộc vào Chúa từng hơi thở. Chúa là Chúa các tạo vật. Ngài nắm quyền ban sự sống và đem lại cái chết. Ngài cầm vận mạng mọi loài trong tay.
Trong bài đọc 1, tiên tri Isaia nhắc nhở cho dân chúng là ngay cả khi họ bị lưu đầy bên Babylon, Chúa vẫn nhớ họ và không bỏ rơi họ. Mặc dầu bị án phạt, Chúa vẫn nhớ họ và giải thoát họ khỏi nô lệ. Sứ điệp của tiên tri Isaia bảo ta là phải đặt tin tưởng phó thác vào Chúa, ngay cả trong những ngày đen tối, bởi vì Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người. Isaia còn đưa ra hình ảnh người mẹ với đứa con, không bao giờ người mẹ bỏ quên con, và giả như người mẹ có quên con đi chằng nữa thì Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ ta là con Ngài.
Tin mừng cũng nói lên một sứ điệp tương tự Lời Chúa vang dội bên tai ta như là lời an ủi vỗ về:”Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc… Cha trên trời biết rõ chúng con cần những sự đó” (Mt 6,31-32).
Truyện: Người mẹ không quên con
Một phụ nữ nghèo nàn ở trong một giáo xứ tại Dublin có một đứa con trai và đứa con này làm tan nát đời bà.
Anh ta không chịu làm việc mà dùng thời giờ để uống rượu và la cà với những kẻ phá rối. Anh lấy trộm hết những vật có giá trị của bà trong nhà. Bao nhiêu lần, bà đã cầu xin anh thay đổi đời sống, nhưng anh từ chối không làm. Anh làm cho trái tim mẹ anh tan nát và đời sống bà trở nên khốn khổ.
Có lúc anh ta phải vào tù. Hẳn là bà bỏ mặc anh ta? Không đời nào. Bà đến nhà tù thăm anh ta không bỏ tuần nào, mỗi lần đều mang theo thuốc lá và những đồ dùng khác cho anh ta trong một cái bao nhỏ. Một ngày nọ, một linh mục trong giáo xứ gặp bà lúc bà đang trên đường đến nhà tù.
“Đứa con trai này làm đời bà tan nát” vị linh mục nói. “Nó sẽ không bao giờ thay đổi. Tại sao bà không quên nó đi”?
“Làm sao tôi có thể quên nó được”? bà đáp lại. “Tôi không thích việc nó làm nhưng nó vẫn là con tôi”.
Bạn có thể nói rằng người mẹ ấy điên. Tuy nhiên bà chỉ làm điều mà bất cứ bà mẹ nào đúng nghĩa một bà mẹ không thể không làm, đó là yêu thương con của mình dù ở hoàn cảnh nào. Một bà mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Đối với hầu hết chúng ta, tình thương của bà mẹ là một tình yêu của con người đáng tin cậy nhất. Nên không lạ gì khi Kinh Thánh dùng tình yêu của bà mẹ như một hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa (McCarthy).
3. Quan phòng và hành động.
Tin vào Chúa quan phòng không phải là trao hết mọi việc vào tay Chúa rồi sống ỷ lại với tư tưởng:”Trời sinh voi, trời sinh cỏ” rồi “ngồi há miệng chờ sung rụng”. Tin Chúa quan phòng không được mang tính cách thụ động, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm, càng tin, càng phải đem hết sức mình cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Ngài dựng nên mọi sự tốt đẹp.
Nếu Đức Giêsu nói:”Các con không phải làm gì cả, cứ tin vào Chúa quan phòng” thì tại sao trong toàn bộ Thánh Kinh, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nói điều ngược lại? Chương đầu tiên của sách Sáng thế đã cho chúng ta lệnh truyền:”Hãy thống trị đất và bắt nó pục tùng”.
Thật ra, Đức Giêsu khẳng định:”Vì thợ đáng được nuôi ăn”(Mt 10,10). Điều này được hiểu ngầm rằng người nào không làm việc, người đó không có quyền ăn như thánh Phaolô kết luận (2Tx 3,10). Và cũng phải đọc lại lời lên án nghiêm khắc của người đã không làm sinh lợi nén bạc mà người đó đã lãnh nhận (Mt 25,14-30). “Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài”.
Vả lại, Ở Nazareth, Đức Giêsu đã có một nghề nghiệp: Ngài đã trải qua kinh nghiệm sống đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Và cũng như 20 gia đình tạo thành ngôi làng nhỏ miền quê ấy, Ngài cũng phải sở hữu ít đồng ruộng và một vài gia súc. Đức Giêsu hoàn toàn biết rằng tiền bạc có ích và cần thiết cho cuộc sống.
Nhà nho cũng hiểu điều đó khi nói:”Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”: trời hành động kiên cường thế nào thì quân tử cũng phải tự cường, hết sức làm như thế, không ngưng nghỉ. Quân tử là con trời, con vua, là hiền nhân, minh triết, phải biết tri thiên mệnh: biết ý trời, biết mệnh lệnh của trời để làm theo. Tin có thiên mệnh, tin cáo đạo Trời, chính là tin Thiên Chúa quan phòng sắp xếp mọi trật tự cho muôn loài trong trời đất.
Nhà nho chân chính Nguyễn công Trứ luôn luôn kiên cường hành đạo không mỏi mệt, không vụ danh lợi, dù làm tướng, làm quan hay làm lính “vẫn ra tay buồm lái với cuồng phong”. Nhờ thế, ông đã biến biển cả thành nương dâu, đồng ruộng Kim Sơn, Tiền Hải cho nhân dân ấm no. Nhất là ông đã biến những con người yếm thế thành những nam nhi anh hùng:”Chí những toan xẻ núi lấp sông”, biến những tâm hồn tham danh lợi thành trong sáng thanh tao:”Chẳng lợi danh gì lại hóa hay”. Một con người đầy chí khí không cầu thành công danh lợi, chỉ cầu thành nhân mưu ích cho đời:”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Đức Giêsu đâu có thành công lúc sinh thời, nhưng đã thành Đấng Cứu Độ của muôn dân.
III. TÌM CÁI ƯU TIÊN CHO CUỘC SỐNG
Trong tất cả các tạo tạo vật nơi vũ trụ và tất cả các sinh vật trên mặt đất, mối quan tâm trước tiên của Chúa là con người, vì con người là một tuyệt tác phẩm của Thiên Chúa. Nếu Chúa quan tâm đến chim trời, đến hoa đồng cỏ nội, thì Chúa còn quan tâm hơn gấp bội đến con người, được tạo dựng giống hình ảnh của Chúa.
Nhưng chúng ta phải đặt vấn đề và giải quyết: Tại sao với đủ mọi thứ bảo hiểm cho thân xác mà ta vẫn cảm thấy bồn chồn lo lắng, chưa có hạnh phúc? Thưa, vì ta thiếu bảo hiểm cho tâm hồn. Khi mà chủ thể, cùng đích và lẽ sống của ta không phải là Chúa nhưng là thứ gì khác, và khi thứ khác đó bị mất đi, ta sẽ ngã gục, vì không còn gì để bám víu. Chúa không muốn ta để cho những hoàn cảnh hay trạng huống của cuộc sống điều khiển và chi phối. Chúa muốn ta sống thế nào để có thể cảm nghiệm được tình yêu và quan phòng của Chúa từ lúc này qua lúc khác, từ ngày nọ qua ngày kia. Để được như vậy, ta cần chiêm niệm Lời Chúa:”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ ban cho”(Mt 6,33).
Truyện: Nguyên tắc sinh tồn
Một giáo sư thực vật học, tay cầm một hạt giống nhỏ mầu nâu và nói với cả lớp rằng:
- Tôi biết rõ hợp chất của hạt giống này. Nó gồm Hydro, carbon và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo ra một hạt giống khác trông y như hạt giống này.
Một học sinh đứng lên hỏi:
- Thưa thầy, nếu đem hạt giống thầy chế tạo đó mà gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không ạ?
Giáo sư trả lời:
- Với hạt giống của tôi, điều đó không thể được. Nhưng nếu tôi đem hạt giống mà Thiên Chúa đã làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc mầu nhiệm mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.
Hạt giống là một cái gì chứa đựng sự sống. Con người, có thể với sự tài giỏi của khoa học, tạo ra những hạt giống tương tự hoặc tạo ra những người máy robot, song không thể tạo ra được sự sống được. Quyến sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thiên Chúa thôi.
Nếu Chúa đã nói:”Các con đừng lo lắng về ngay mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”(Mt 6,34) thì chúng ta phải hiểu là: quá khứ đã qua đi rồi, hãy quên nó đi; hiện tại đang nằm trong tay, phải chu toàn nó; tương lai là của Chúa, hãy phó thác cho Ngài và sống trong an bình thư thái.
13. Suy niệm của Lm Ignatiô Hồ Thông
Chúa Nhật VIII Thường Niên này nói về ơn quan phòng của Thiên Chúa, gợi lên tấm lòng trìu mến yêu thương của Thiên Chúa.
Is 49,14-15
Qua vị ngôn sứ của Ngài, Thiên Chúa khẳng định cho dân Ngài rằng Ngài ân cần chăm sóc họ như tấm lòng của người mẹ đối với con thơ bé bỏng của bà.
Mt 6,24-34
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu miêu tả Thiên Chúa ân cần chăm sóc con người như một người cha hằng quan tâm đến những nhu cầu của con cái mình, và còn quan tâm đặc biệt hơn đối với những ai đặt quyền ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời và cho những đòi hỏi của sự thánh thiện như điều kiện của Nước Trời.
1Cr 4, 1-5
Bài đọc II không cho thấy những mối liên hệ với hai bài đọc kia: nó là đoạn trích sau cùng từ thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô như một lời kết luận. Thánh Phao-lô công bố rằng thánh nhân thực hiện sứ mạng của mình như một người quản lý trung thành của những mầu nhiệm Thiên Chúa. Các tín hữu Cô-rin-tô không có quyền tranh cãi về phẩm chất sứ điệp của thánh nhân. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền phán xét.
BÀI ĐỌC I (Is 49,14-15)
Tin Mừng Chúa Nhật này trình bày Thiên Chúa như một người cha, quan tâm đến những nhu cầu của con cái mình. Bản văn Cựu Ước trình bày cho chúng ta Thiên Chúa như một người mẹ, đầy trìu mến yêu thương đứa con thơ của mình.
Tác giả ca tụng tình mẫu tử của Thiên Chúa đối với dân Ngài là ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Ông thi hành sứ vụ của mình bên cạnh những kẻ lưu đày ở Ba-by-lon. Tác phẩm của ông xứng đáng với nhan đề “Sách An Ủi” (40-55): ông hứa với những người bất hạnh này cuộc giải phóng gần kề và cuộc hồi hương sắp đến rồi. Trong những chương cuối cùng, từ chương 48 đến chương 55, vị ngôn sứ nhấn mạnh những viễn cảnh về một Giê-ru-sa-lem được hồi sinh từ hoang tàn đổ nát, sẽ gặp lại cảnh huy hoàng thịnh vượng như xưa, vì Đức Chúa không quên Thành Thánh Xi-on, đại diện toàn thể đất nước.
1. Lời phàn nàn của Giê-ru-sa-lem:
“Xi-on từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa Thượng đã quên tôi rồi’”.
Lời phàn nàn của Giê-ru-sa-lem này mở ra phần thứ hai tác phẩm của vị ngôn sứ. Phần thứ nhất được thống trị bởi lời phàn nàn của những người lưu đày, họ nghĩ rằng Thiên Chúa không còn bận lòng đến số phận của họ: “Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo: ‘Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?’” (40: 27). Đức Chúa đã nhắc nhở cho họ rằng Ngài là Đấng sáng tạo toàn cõi đất và là Đấng làm chủ mọi biến cố: Ngài có thể lật đổ kẻ áp bức, cho sa mạc nở hoa, vân vân.
Thành Thánh hoang tàn đổ nát và thưa thớt dân cư: biểu thị dân Thiên Chúa bất hạnh, than thân trách phận như một người vợ bị Thiên Chúa dứt tình đoạn nghĩa (hình ảnh đến từ các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ Hô-sê). Thiên Chúa trả lời khi công bố rằng Ngài yêu thương dân Ngài bằng trọn cả một tấm lòng, một tình yêu sắc son, không tì vết, như người mẹ hiền tận tình yêu thương đứa con thơ bé bỏng của mình.
2. Tình mẫu tử của Thiên Chúa:
Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã thường diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài bằng động từ “thương” mà ngữ căn của nó có cùng một ngữ căn của từ “réhem” chỉ “dạ mẹ” (Isaiah 49:10,15; 55:7). Ngôn sứ I-sai-a đệ tam lấy lại động từ này từ thầy mình khi ông viết: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dẫu nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”. Chắc chắn đây là cách diễn tả tình yêu Thiên Chúa gây xúc động nhất mà chúng ta gặp thấy trong Kinh Thánh.
Thật ra, hai thế kỷ trước đó, trong vương quốc phương Bắc, ngôn sứ Hô-sê đã ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài, được sánh ví với tình yêu rất mực thủy chung của người chồng đối với vợ của mình hay của hôn phu đối với vị hôn thê của mình. Tuy nhiên, ông không phải là không biết những khía cạnh khác của tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài: “Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó….Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó…Ta xử với chúng như nguwofi nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hosea 11:1-4). Sau này, vài thập niên trước ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã đặt trên môi miệng Đức Chúa những lời đầy cảm xúc này: “Ép-ra-im có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó rất nhiều” (Gr 31: 20).
Chúng ta lưu ý rằng để diễn tả tấm lòng của Đức Giêsu, các thánh ký sẽ lấy lại cùng hình ảnh khi sử dụng một động từ Hy-lạp: “chạnh lòng thương” có cùng ngữ căn: “lòng dạ”, có nghĩa “mối cảm xúc dâng lên tận tâm can”. Đức Giêsu chạnh lòng thương trước nỗi đau của người đàn bà góa khóc thương đứa con trai một của mình, trước nỗi khốn khổ của đám đông dân chúng hay nỗi khốn cùng của những người bệnh hoạn tật nguyền.
Và nếu Đức Giêsu về phương diện thể lý mặc lấy nam tính, phải chăng Ngài đã không đảm nhận theo một cách nào đó nét đặc trưng của nữ tính khi sinh hạ một nhân loại mới trong đau đớn sao?: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16: 21).
BÀI ĐỌC II (1Cr 4, 1-5)
Với bản văn này, chúng ta hoàn tất phần thứ nhất thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô. Thánh nhân cố hàn gắn lại những bất đồng chia rẽ giữa những tín hữu Cô-rin-tô; thánh nhân lại càng nhiệt tâm hơn vì Giáo Đoàn này là công trình của ngài.
1. Người quản lý trung thành của các mầu nhiệm Thiên Chúa:
Vả lại, những chia rẽ này đụng chạm trực tiếp đến thánh nhân, bởi vì có “một phe nhóm thuộc về ông Phao-lô”. Tuy nhiên, thánh Phao-lô rất nhạy bén. Thánh nhân đã bị thương tổn, không ở nơi tình cảm riêng tư của ngài, nhưng ở nơi lý tưởng tông đồ của ngài. Cảm thấy mình bị bình phẩm hay bị nghi ngờ theo những tiêu chuẩn phàm nhân (có thể về thể chất của ngài, lập luận của ngài, ngôn từ của ngài, dáng điệu cử chỉ của ngài, vân vân), thế nên chỉ sứ điệp phải truyền đạt mới là điều quan trọng. Đây thật sự là một sự thử thách đối với vị sứ đồ hiến dâng bản thân mình cho sứ mạng của mình. Từ đó, thánh nhân thốt lên: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa”.
2. Phải trả lẽ với lương tâm của mình:
Thánh nhân không là một siêu sao, nhưng chỉ là người quản lý trung thành của các mầu nhiệm Thiên Chúa. Đó là tiêu chuẩn duy nhất theo đó vị sứ đồ chịu quyền xét xử.
Thánh nhân phải trả lẽ với ai? Không với những Ki-tô hữu Cô-rin-tô. Những người này không có thẩm quyền phán xét lòng trung thành của thánh nhân. Cũng không tòa đời (chắc chắn thánh nhân nghĩ đến việc ngài bị điệu ra trước quan tổng trấn Rô-ma là Gallion ở Cô-rin-tô).
Phải chăng thánh nhân phải trả lẽ cho lương tâm của mình? Vâng, tất nhiên. Thánh Phao-lô diễn đạt ngay liền một cách tinh tế: “tôi chẳng thấy lương tâm áy náy điều gì”. Người duy nhất có thẩm quyền xét xử thánh nhân là chính Thiên Chúa, chứ không một ai khác.
Chúng ta thấy thánh Phao-lô nâng cao dần dần cuộc tranh luận như thế nào. Thánh nhân đưa ra một định nghĩa rất đẹp về sứ vụ tông đồ và dẫn đưa lập luận của mình cho đến khi gợi lên cuộc phán xét chung cuộc, ở đó những ý định ẩn kín trong thâm tâm con người được phơi bày ra và ở đó những khen thưởng xứng về những công việc của mình.
TIN MỪNG (Mt 6,24-34)
Bản văn này còn thuộc “Bài Giảng Trên Núi”, ở đó thánh Mát-thêu đã quy tụ những lời dạy khác nhau của Chúa Ki-tô. Cung giọng của đoạn văn này gần với văn chương minh triết của Cựu Ước ở đó những châm ngôn, thành ngữ, dụ ngôn quen thuộc, hình ảnh thi vị, được tô điểm với những lời khuyên xử thế thực tiển. Nhưng bên kia sự giống nhau này xuất hiện một ghi nhận mới, cao vời: bài diễn từ mặc khải về Chúa Cha và sự ân cần chăm lo không ngừng của Ngài. Đức Giêsu vừa mới dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha; Ngài vừa mới đòi hỏi các ông phải có đức ái không giới hạn theo hình ảnh đức ái của Cha trên trời. Bây giờ Ngài tiếp tục khi gợi lên đại gia đình tình yêu: tình phụ tử của Đấng đã sáng tạo hoa đồng cỏ nội, chim trời và con người. Đây là một trong những trang Tin Mừng rất đẹp về tấm lòng nhân ái của Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa và tiền của:
Trước tiên Chúa Giêsu nhắc lại sự đòi hỏi mà Ngài đã phát biểu từ mối phúc đầu tiên: tinh thần siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Ngài dựa trên câu châm ngôn thịnh hành: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” mà Ngài áp dụng đặc biệt bằng cách đối lập Thiên Chúa với tiền của. Bản văn Hy-lạp đã gìn giữ từ A-ram “mammon”, nguyên nghĩa là của cải vật chất hay tài sản. Chắc chắn Chúa Giêsu đã muốn nhân cách hóa của cải vật chất để chỉ nó như một ông chủ.
Việc tôn thờ tiền của không xứng hợp với sự phụng sự Thiên Chúa. Những người quá lo lắng trích trử của cải tiền của tức tự mình làm nô lệ cho của cải và do đó không thể được tự do để thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn một tình yêu trọn vẹn, không phân chia đối với Ngài. Việc từ chối của cải là điều kiện tiên quyết cho trọn một đời dâng hiến mà Ngài đòi hỏi.
2. Đừng lo lắng thái quá:
Chúa Giêsu không đòi hỏi phải từ bỏ những của cải thiết yếu, nhưng đừng quá cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn (6: 25-30), cho thân thể: lấy gì mà mặc (6: 31-33) và về ngày mai (6: 34). Những môn đệ Ngài sẽ có kinh nghiệm về lời khuyên này. Ở Tiệc Ly, Chúa Giêsu sẽ nhắc lại cho họ điều đó: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?”. Các ông đáp: “Thưa không” (Lc 22: 35).
Cũng như cô Mác-ta tất bật lo toan nhiều việc để đón tiếp Ngài cho thật chu đáo trong khi cô em Ma-ri-a ngồi dưới chân Chúa lắng nghe Lời Ngài. Chúa Giêsu đánh giá rằng cô Ma-ri-a chọn phần tốt nhất. Chúa Giêsu thiết lập thứ bậc về hai cách thế bận lòng. Vào thời thiên sai, nỗi bận lòng ưu tiên phải là của cải tinh thần.
3. Tin tưởng vào Chúa quan phòng:
Việc Đấng Tạo Hóa ân cần chăm lo cho các loài thọ tạo của mình là một chủ đề Kinh Thánh, được khẳng định trong nhiều bản văn. Các Thánh Vịnh ca ngợi: “Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa ăn” (Tv 104, 27, 145, 15; 136, 25; 147, 9).
Giữa những thọ tạo khiêm hạ nhất, Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ: chim trời và hoa đồng cỏ nội để mời gọi con người phải sống trong sự tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Người. Người đã ban cho chim trời có thức ăn hằng ngày, mặc dù chúng không nhọc công gieo vãi, không gặt hái và không trích trử lúa thóc vào kho lẫm. Người cũng sẵn sàng trang điểm hoa đồng cỏ nội nay còn mai mất một tấm áo sắc màu tuyệt vời hơn cả một cẩm bào của vua Sa-lô-mon.
“Hoa huệ”, từ ngữ chỉ không chỉ hoa huệ nhưng nhiều loại hoa đồng cỏ nội. Vào mùa xuân, miền Ga-li-lê nở rộ những hoa đồng cỏ nội này. “Nay còn, mai đã quăng vào lò”. Chúa Giêsu biết điểm xuyết những dụ ngôn của Ngài bằng chi tiết cụ thể: hoa đồng cỏ nội, bị héo khô, được các nông dân Ga-li-lê thu lượm lại, không chỉ dùng làm cỏ khô để nuôi gia súc, nhưng còn làm chất đốt để nướng bánh.
Từ những tạo vật hèn mọn như chim trời hay hoa đồng cỏ nội, Chúa Giêsu đề cập đến phẩm chất cao cả của con người. Con người là một tạo vật cao vời khôn sánh đối với chim trời hay hoa đồng cỏ nội. Ý thức về sự cao cả của mình phải cho giúp người Ki-tô hữu có một thái độ hoàn toàn khác với thái độ lương dân. Người môn đệ của Chúa Ki-tô phải tín thác trọn vẹn vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, Cha chúng ta ở trên trời.
4. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
“Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”. Từ “công chính” phải được hiểu theo nghĩa kinh thánh: “sự thánh thiện”. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
“Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những điều Ngài vừa mới đề cập đến: thức ăn, áo mặc, đây là những căn nguyên lo lắng đối với dân ngoại, nhưng không đối với con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu không hứa với “những người công chính” là sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày, như trong lời kinh mà Ngài vừa mới dạy: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. “Anh em đừng lo lắng về ngày mai”. Đừng bận lòng này mai là một thái độ tin tưởng và một sự biểu lộ tinh thần nghèo khó: “Chúa là hạnh phúc và tình yêu đời con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy tình yêu và hạnh phúc đời đời”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam