Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1374645

CHÚA CHIÊN LÀNH

CHÚA CHIÊN LÀNH- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Phúc âm Gioan triển khai đề tài Mục Tử nhân lành trong bầu khí căng thẳng của cuộc tranh luận giữa đức Giêsu và những người lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, đặc biệt các người thuộc nhóm Pha-ri-sêu. Sau những khảng định về sự khác biệt căn bản giữa mục tử làm thuê và mục tử chân chính (Ga 10, 1-18), Đức Giêsu long trọng công bố các yếu tố chính yếu trong tương quan giữa Ngài với các kẻ tin vào Ngài, giữa vị Mục Tử tốt lành với các chiên được trao cho Ngài chăn dắt. Chúng ta cùng suy niệm từng điểm một.

Về người Mục Tử:

“Tôi biết chúng”. Rất ít ai đề cập sâu rộng tới cái ‘biết’ của Người Mục Tử nhân lành đối với chiên của mình. Ngài không chỉ biết số lượng (100 con), con ở lại dàn và con đi lạc (99 và 01 con). Ngài biết từng con chiên của Ngài, với những tốt xấu, những mạnh yếu, những thiện chí và ác ý, những nỗ lực và sa ngã… Ngài rành về chiên, có lẽ, còn hơn cả chính chiên biết về mình. Nhưng sự ‘biết’ này khác xa một giám thị soi mói, một cảnh sát rình rập, một quan tòa xét xử. Nó gần giống với với cái biết của một bà mẹ âu yếm đối với đứa con dại. Đó chính là cái ‘biết’ của một Mục Tử nhân lành chăm sóc và tự hiến cho từng con chiên của mình.

“Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi… Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Lời khảng định của Mục Tử thật tuyệt đối: Ngài sẽ dùng tất cả sức lực Ngài để giữ chiên lại với Ngài. Và không chỉ Ngài mà thôi, Ngài còn làm việc đó nhân danh Chúa Cha, với tất cả uy quyền của Cha. Ngài không dùng dây để cột chiên lại, không xây chuồng, gài then để canh phòng, không rào cao, dậu dày để ngăn chặn. Ngài dùng chính tình yêu thương tha thứ và nhân ái để bao bọc. Dây cột, rào dậu duy nhất của Ngài là hiến mình thập giá. Và đó cũng là uy quyền của Cha, vì “Tôi và Chúa Cha là một”.

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời… không bao giờ chúng phải diệt vong”. Công việc hoàn toàn nằm trong tay người Mục Tử. Ngài chủ động và quyết đoán tất cả. Ngài đảm bảo và tuyệt đối quyết tâm chu toàn như một ủy thác tối hậu từ Cha: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả…”

Về phía chiên:

Hình như không đòi một điều kiện tương xứng nào, ngoại trừ “ Chiên nghe tiếng… chiên theo tôi”.

Người ta vẫn thường giải thích, ‘nghe và theo’ chính là chấp nhận và thi hành những điều Chúa (và Hội Thánh) dạy bảo. Ta hình dung Mục Tử là một nhà thuyết giảng luân lý, đạo đức, đứng trên bục giảng…, và chiên là những tín hữu ngoan ngoãn cúi đầu lắng nghe.

Không, vị Mục tử nhân lành không coi dạy dỗ là chính. Ngài là (Ngôi) Lời trong bản thể của mình, trong đời sống và cái chết của Ngài. Chiên chỉ thật sự nghe tiếng Ngài khi chiêm ngắm thập giá và phục sinh. Lúc đó chiên nghe thấy Lời tình yêu nhân ái của một Thiên Chúa cứu độ giầu lòng xót thương. Qua việc lãnh nhận bí tích rửa tội, chiên quyết bước đi trong niềm tin vào Lời tình yêu giáng thế. Và cứ thế tiến bước theo Mục Tử nhân hậu và tự hiến suốt cả đời mình.

Chỉ cần có thế, và chiên được sống đời đời và không bao giờ phải diệt vong. Dầu tội lỗi và bất xứng, chiên tin nghe Lời nhân lành và quyết tâm bước theo Mục Tử tự hiến nhân hậu. Phải chăng Ki-tô hữu, trước nhất, phải là những chiên như thế?

Cách nói này của đức Giêsu quả đã gây sốc cho các Pha-ri-sêu, những đôi tai và con tim chỉ có biết mẫu mục tử như Mô-sê (rất chính trực và cao đẹp của Cựu ước, nhưng chưa phải là Ki-tô Giêsu). Xem ra, nó cũng đã từng gây sốc nhiều lần cho cả tôi và bạn nữa.

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử duy nhất nhân lành của tự hiến thập giá và phục sinh, xin cho con – Alter Christus của Chúa – được có một chút nét nhân lành và tự hiến quá độc đáo của Chúa. Xin cho con giảm bớt tính mô phạm trong đời mục vụ, và biết gia tăng nơi mình sự tự hiến và lòng thương xót, để các chiên nhận ra nơi con đôi chút hình bóng của Mục Tử Giêsu nhân lành. Amen.

——————————————————————–

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH- NĂM A

MỤC TỬ TỐT LÀNH-  Trích Logos A

Sau 16 ngày Giáo Hội “trống tòa”, ngày 18/4/2005, Hồng Y đoàn sẽ bắt đầu bầu cử tân giáo hoàng. Cuộc bầu cử này gọi là “mật nghị” : các Hồng Y sẽ ở trong một khu vực đóng kín, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho đến khi bầu được tân giáo hoàng.

Danh từ “mật nghị” tiếng La tinh là “conclave” nghĩa là “với chiếc chìa khóa” (cum – clave) xuất phát từ câu chuyện bầu giáo hoàng vào năm 1268 tại thành Viterbo, Rôma.

Cuộc bầu cử năm ấy kéo dài mấy tháng mà không có kết quả. Dân chúng sốt ruột dùng chìa khóa và khóa chặt phòng các Hồng Y họp. Nhưng cũng không có kết quả. Họ lại giảm phần ăn và chỉ cung cấp nước lã, bánh mì cho các ngài mà thôi. Cuối cùng, vào tháng 9 năm 1271 mới bầu được giáo hoàng. Đó là Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X. Như thế, phải mất 3 năm cuộc bầu cử mới thành công.

Từ đó trở đi, các cuộc bầu giáo hoàng được tổ chức tại một nơi đóng kín, nghiêm ngặt, không có nhiều tiện nghi để không kéo dài cuộc bầu cử lâu ngày và để tránh những ảnh hưởng tác động từ bên ngoài.

Trong những ngày sau đó, cánh cửa “mật viện” sẽ mở ra và vị tân giáo hoàng sẽ xuất hiện trước mọi người. Cánh cửa mở ra để khai mạc một triều đại giáo hoàng mới. Cánh cửa mở ra để vị chủ chăn bắt đầu sứ vụ mục tử của mình. Cánh cửa mở ra để vị giáo hoàng đi đến với mọi người và mọi người đến với ngài. Cánh cửa mở ra để nói lên rằng Giáo Hội luôn mở rộng để hòa nhập với thế giới và để mọi người đến với mình. Cánh cửa Giáo Hội là chính Đức Kitô.

Hôm nay, Chúa Giêsu nói “Ta là cửa chuồng chiên”. Cánh cửa dùng để qua lại, ra vào. Cánh cửa diễn tả sự đón tiếp          (1Cr 16, 19) hay khước từ (Mt 25, 10). Cánh cửa cũng dùng để ngăn cấm hay bảo vệ (Ga 20, 19). Cánh cửa cũng còn nói lên sự giam hãm hay giải thoát. Khi Chúa Giêsu tự nhận mình là “cửa chuồng chiên”, Ngài muốn trở thành cánh cửa không phải để đóng kín, nhưng để mở ra cho đàn chiên một khung trời đầy yêu thương và một nguồn sức sống dồi dào.

Đức Kitô, cánh cửa tình yêu.

Ở xứ Palestina, du mục là nghề phổ thông của nhiều gia đình. Người ta chăn chiên trên những cánh đồng cỏ hoặc trên những khe núi có suối mát. Ban đêm, người chăn chiên lùa đàn súc vật vào một cái chuồng chung ở giữa đồng cỏ và chia phiên nhau canh gác ngay cửa ra vào. Đến sáng, từng người chủ chiên đi qua cửa để vào chuồng và gọi chiên mình ra. Vì quen nghe tiếng chủ, chiên đi theo ra khỏi chuồng để được dẫn đến những cánh đồng cỏ. Chúng không nghe tiếng người lạ và không đi theo những người ấy. Những người lạ có thể là trộm cướp hay những người đồ tể.

Dựa vào thói quen đó, Chúa Giêsu đã nhận mình là “cửa chuồng chiên”, là cánh cửa mở ra một bầu trời đầy tình yêu thương.

Tình yêu được biểu lộ qua hình ảnh Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành. Người Mục Tử ấy gọi tên từng con chiên. Lời kêu gọi đó không phải là tiếng thét gào hay quát nạt, không phải là tiếng đe doạ hay nguyền rủa, nhưng là những lời dịu dàng êm ái xuất phát từ tấm lòng nhân hậu của Người Mục Tử.

Tình yêu ấy còn thể hiện qua hình ảnh Người Mục Tử đi trước và đàn chiên theo sau. Người Mục Tử dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Dưới sự dẫn dắt và che chở của Người Mục Tử, đàn chiên được sống yên lành.

Chúa Giêsu là cánh cửa tình yêu, ai qua cánh cửa ấy sẽ được sống trong yêu thương, được dìu dắt và đỡ nâng. Cánh cửa ấy luôn mở rộng để đưa ta vào một thế giới không hận thù, không oán ghét, nhưng tràn đầy bình an và tình yêu.

Đức Kitô, cánh cửa sự sống.

Ở đất nước Palestina, người ta nuôi chiên để lấy sữa, thịt, lông và da. Đó là những sản phẩm được cung cấp từ đàn chiên. Chiên là loài vật hiền lành, sống thành đàn trên các thảo nguyên và rất thích gần gũi với con người. Chúng hiền lành đến nỗi khi bị đem đi xén lông hay giết thịt, chúng cũng chẳng kêu la hay phản ứng lại. Vì thế, chúng rất dễ dàng trở thành mục tiêu của bọn trộm cướp hay con mồi cho thú dữ vào ban đêm. Do đó, người chăn chiên luôn phải nằm ngay cửa chuồng để canh chừng và bảo vệ đàn chiên.

Dựa vào đặc tính đó, Chúa Giêsu tự nhận Ngài là “cửa chuồng chiên” để so sánh mình với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó : họ không phải là những mục tử tốt lành, nhưng giống như trộm cướp hay thú dữ “leo rào” vào chuồng chiên. Họ không chăm sóc, dưỡng nuôi đàn chiên, nhưng chỉ muốn sát hại, xén lông và giết thịt.

Chúa Giêsu là Mục Tử Tốt Lành. Ngài chăm sóc, vỗ về yêu thương đàn chiên. Ngài đem đến cho đàn chiên sự sống dồi dào. Chúa Giêsu là “cửa chuồng chiên” để bảo vệ che chở đàn chiên. Ngài là cánh cửa mở ra nguồn sức sống mãnh liệt cho đàn chiên. Nhất là Ngài sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên. Ngài chết để đàn chiên được sống và sống dồi dào. Đặc biệt, Ngài đã hiến thân mình nơi bí tích Thánh Thể để nên lương thực nuôi dưỡng đàn chiên.

Hôm nay, cánh cửa ấy vẫn tiếp tục mở ra cho một nhân loại đang khao khát được sống và tồn tại. Đức Kitô mãi mãi là cánh cửa mở ra cho thế giới một “thảo nguyên” xanh tươi bao la bát ngát, tràn đầy sức sống thần linh.

Đức Kitô là cánh cửa của một Giáo Hội mở rộng đón nhận mọi người. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, thánh Phêrô cùng với các Tông Đồ mạnh mẽ rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh và kết quả là ngày hôm ấy có 3000 người gia nhập đạo (Bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ).

Đức Kitô còn là cánh cửa luôn mở ra để đón nhận những con chiên lạc quay trở về. Ngài là vị Mục Tử Nhân Lành, luôn nâng niu chăm sóc những tâm hồn lạc đường và đang hư mất (Bài đọc II, trích thư 1Pr). Hình ảnh đẹp nhất của Người Mục Tử Nhân Lành là hình ảnh Ngài vác con chiên trên vai đưa trở về đàn.

Hiện nay, nhiều người đang mong muốn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được phong thánh ngay. Họ trưng dẫn một số sự kiện được họ coi là “phép lạ” do Đức Giáo Hoàng thực hiện khi ngài còn sống.

Vào năm 1990, em bé 4 tuổi người Mễ Tây Cơ tên Jose Heron Badillo bị bệnh bạch hầu ở giai đoạn cuối và các bác sĩ dự đoán em chỉ còn sống vài tháng. Trong cuộc tông du Mễ Tây Cơ năm 1990, Đức Thánh Cha đã đến thăm quê hương của em (là Zacatecas). Vì lòng thương cảm em bé sắp chết, ban tổ chức cho em được đứng ngay khán đài, trong nhóm các em thả chim bồ câu. Đức Thánh Cha đã bồng em vào lòng và hôn lên trán em. Sau đó, em hoàn toàn khỏi bệnh và sống bình thường cho đến hôm nay. Hiện nay, Badillo 19 tuổi và rất khỏe mạnh. Người ta dự định sẽ trao hồ sơ sự kiện này cho Tòa Thánh khi hồ sơ phong thánh cho Đức Thánh Cha được mở ra (theo báo Corriere della Sera, nước Ý, số ra ngày 11/4/2005).

Việc phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn tuỳ thuộc thẩm quyền Giáo Hội, nhưng sự kiện đó cho thấy hình ảnh thật đẹp về ngài : người mục tử nhân lành ôm vào lòng những con chiên nhỏ bé, yếu đuối, bệnh hoạn và đau khổ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử tốt lành như thế.

home Mục lục Lưu trữ