Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1370639

CHÚA CHỌN NHÓM 12 VÀ SAI ĐI TỪNG 2 NGƯỜI MỘT

Chúa gọi Nhóm Mười Hai lại, và sai đi từng hai người một.

Một trong những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu, ngay từ bắt đầu cuộc sống công khai, là chọn những cộng tác viên (Mc 1,16). Sau khi đã dần dần bổ sung nhóm môn đệ (Mc 2,14), cuối cùng Đức Giêsu đã chọn 12 vị. Con số tượng trưng ám chỉ ý định của Người muốn thành lập một dân tộc Israel mới, dựa theo mười hai Tổ phụ hay mười hai Chi tộc. Trong phần đầu của Tin Mừng, chúng ta thấy các Tông đồ đi theo Đức Giêsu và ở “với Người” (Mc 3,14).

Hôm nay, có thể nói, Đức Giêsu sắp ẩn mình đi và trao phó sứ vụ của Người trong tay các tông đồ. Lần đầu tiên các ông đi rao giảng một mình, không có Đức Giêsu. Đó là thời kỳ Giáo Hội đang bắt đầu. Trước tiên, chúng ta có thể cầu nguyện dựa trên thái độ này của Người: Thiên Chúa của chúng ta, Người trao cho chúng ta những trách vụ quan trọng: Người không điều khiển chúng ta như những con rối. Tôi có những trách nhiệm nào? Lạy Chúa, Chúa chờ đợi gì nơi con?

Chúa sai hđi.

Trong năm chương đầu của trình thuật, Maccô đã nhấn mạnh cho chúng ta thấy “Đức Giêsu với các môn đệ”, tạo thành một nhóm duy nhất và hợp nhất đối lại với đám đông, với các đối thủ. Vào lúc “kêu gọi” các ông (Mc 3,13-14), Maccô ghi nhận, Đức Giêsu đã “thiết lập Nhóm Mười Hai” để ở với Người và để Người “sai họ đi”. Đó cũng chính là chuyển động của trái tim: Tâm trương… tâm thu... máu vào tim rồi chuyển đến các cơ quan. Hoạt động tông đồ thông thường cũng như thế: Sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô, mang Đức Kitô đến khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là hoạt động của đời sống Kitô hữu: Tập họp quanh Chúa vào mỗi Chúa nhật, tản mác trong cuộc sống hằng ngày để nên nhân chứng sống động của Chúa.

“Anh hãy đi! Anh em được sai đi” “Ite, Missa est” chữ Messe (Thánh Lễ) có nghĩa là “sự sai đi”. Chính Chúa đã thiết lập nhịp sống đó. Tôi có sống như thế không? Tôi có thường sống “với Chúa” trong suy niệm, trong nguyện cầu không? Tôi có ý thức mình được Chúa “sai đi” vào đời sống thướng nhật để làm một việc gì đó, có liên quan đến Chúa không?

Người sai đi từng hai người một.

Phải có hai người thì chứng tá mới có giá trị (Ds 17,6; 19,5). Dân gian đã khôn ngoan đặt ra nhiều câu ngạn ngữ để nói về điều này. “Hai người có giá trị hơn một, nếu họ ngã, người này đỡ người kia dậy, nhưng khốn cho kẻ đi một mình” (Gv 4,9).

Quy tắc đầu tiên của việc tông đồ là tạo thành nhóm. Nếp sống huynh đệ là một bài giảng về tình yêu, trước khi bàn tới. “Các bạn hãy nhìn xem họ thương nhau biết bao!”. Chứng tá Kitô hữu phải nhắm đến một hình thức cộng đoàn trong Giáo Hội. Đó là ý muốn rõ ràng của Đức Giêsu. Vậy tôi phải tự vấn về thái độ của tôi. Chủ nghĩa cá nhân có nhưng hình thức tinh vi và đáng sợ: Chúng ta không thích những người anh em khác kiểm tra thái độ sống của riêng mình. Tuy nhiên?

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, trừ cây gậy; không được mang lương thực, mang bao bị, mang tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Điều đáng lưu ý là chúng ta không thấy Đức Giêsu dặn dò các Tông đồ về nội dung giáo thuyết, “Sứ vụ” của các ông. Chúa không bảo các ông “phải giảng điều gì”. Người chỉ nhắc nhở các ông những chi tiết “phải sống”. Đối với Đức Giêsu, chứng tá bằng cuộc sống quan trọng hơn chứng tá bằng lời nói.

Thực tế lời khuyên duy nhất của Thầy liên quan đến đòi hỏi sống nghèo khó. Những người đại diện Chúa phải tỏ ra mình không cậy dựa vào sự giúp đỡ, vào uy tín nào của con người. Tất cả chỉ dựa vào niềm tin nơi Đấng đã sai họ. Thánh Phaolô sẽ khai triển đòi hỏi này khi khẳng định: “Vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời lên gương mặt Đức Kitô, nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong bình đất, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4,6-7). Thánh Phaolô cũng khoe về sự nghèo khó của mình: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu... nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy... có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (l Cr 2,1-5).

Vâng, điều Đức Giêsu muốn, đó là những đoàn ngũ phải nhẹ nhàng, không có những hành trang cồng kềnh, luôn sẵn sàng đi nơi khác. Lữ khách, phải là người sẵn sàng. Có lẽ, Giáo Hội không ngừng tự “làm nhẹ bớt” để sẵn sàng theo sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Còn tôi? Tôi sống thế nào trước đòi hỏi nghèo khó này? Đức Giêsu đã nói rõ với các bạn hữu của Người, chỉ mang theo những vật hết sức cần thiết. Chiến thắng sự cám dỗ của tiền bạc là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là bài giảng đầu tiên rất cần thiết cho một thế giới tham lam, là trận chiến hàng đầu (nơi chính bản thân mình trước hết) chống lại một kẻ thù lớn của nhân loại: Sự chiếm hữu của cải! Nguồn gốc của chia rẽ, tranh chấp và kiêu ngạo!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con đến gần lý tưởng từ bỏ mà Chúa mong muốn.

Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.

Chúng ta ngạc nhiên vi tầm quan trọng của thái độ khước từ “tiếp nhận” trong diễn từ của Đức Giêsu. Nhưng môn đệ của Người có thành công lắm không? Hình như không được khá lắm. Người ta dễ dàng đoán được những ý nghĩ: “Các ông muốn chúng tôi trở lại chăng? Nhưng hiện nay chúng tôi rất tốt! Chúng tôi là những người Do Thái tốt theo truyền thống. Tại sao phải thay đổi những thói quen của chúng tôi? Xin các ông hãy đi giảng đạo nơi khác” Những khó khăn của Kitô hữu khi trình bày đức tin không phải chỉ ngày nay mới có, Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Các con chớ có lo lắng. Đây là điều Thầy đã tiên liệu, Thầy đã báo trước cho các con”. “Chúng ta chớ nên ảo tưởng”.

Ngày nay cũng như thời Đức Giêsu sứ điệp đích thực của đức tin vẫn bị đa số khước từ, không đón nhận. Vì thế điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta là: Luôn đứng vững đừng ngã lòng: “Nếu người ta không tiếp nhận các con, các con hãy đi nơi khác”. Chịu đựng thái độ không tin, lãnh đạm, chối bỏ,... điều đó xem ra hết sức bình thường đối với Đức Giêsu. Sự thật là khó khăn. Đức Giêsu đã báo trước điều đó cho những người được sai đi rao giảng Tin Mừng.

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trđược nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Họ đã làm đúng những gì họ thấy Đức Giêsu làm khi họ “ở với Người”. Nội dung của nỗ lực “truyền giáo” gồm 3 giai đoạn:

1. Rao giảng lời Chúa, đòi hỏi một sự thay đổi đời sống, một cuộc hoán cải.

2. Chiến đấu chống sự dữ, xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người để giải thoát họ.

3. Hoạt động giúp người nghèo, cải thiện đời sống và chữa lành bệnh tật.

Hoán cải

Đó là nội dung thứ nhất của việc rao giảng: Hãy thay đổi cách sống. Hãy hoán cải. Chúng ta hiểu vì sao các Tông đồ được ít người nghe theo và bị từ chối. Thông thường, con người không thích “thay đổi” cách sống: Hãy để cho chúng tôi yên! Thế mà, Thiên Chúa lại hay gây phiền hà, Người yêu cầu chúng ta dấn thân vào một cuộc sống mới. Chữ Hy Lạp “mitanoa” dịch ra là “hoán cải”, có nghĩa là “đổi ngược tinh thần”. Vậy là phải đổi hướng: Chúng ta đã đi theo một hướng, bây giờ phải quyết tâm đổi ngược lại. Đây không phải là điều dễ. Tin Mừng luôn mang tính ác liệt. Chúng ta đã biến Tin Mừng trở nên loại gì? Một thứ học thuyết thiếu năng động? Một thứ thuốc ngủ? Một thứ nâng đỡ cho trật tự hiện hành? “Các Ngài đã kêu to” “ékèruxan” phải thay đổi cuộc sống “Metanoôsin”.

Trừ qu

Chắc hẳn Maccô đã dùng những cách mô tả theo tâm thức của những người đương thời, nhưng rõ ràng sứ vụ mang tính chất bi kịch. Đó là một cuộc chiến! Một cuộc chiến chống lại quyền lực của sự dữ trên thế giới. Những “nhà truyền giáo” những người được Chúa “sai đi” không quảng cáo cho một sản phẩm để bán chạy. Các Ngài đã lên đường để đương đầu với một đối thủ ghê gớm. Sự chống đối mà các Ngài gặp không chỉ đến từ những người khước từ vì không hiểu. Có một lực lượng đối kháng. Một sự chống lại Tin Mừng đến từ xa hơn: Đó là những điều chúng ta gọi là 'tội lỗi thế gian’. Ngày nay, chúng ta có thể diễn tả thế nào về những thế lực xấu xa mà chúng ta phải chống lại để xua đuổi chúng.

Chữa lành

Lôi kéo con người ra khỏi những thế lực xấu làm cho họ hư mất, đó cũng là giúp họ thăng hoa phẩm giá một cách tích cực, là chữa lành họ. Đây là một trong những đòi hỏi rõ ràng của Đức Giêsu. Mệnh lệnh vẫn có giá trị, mặc dù trong bối cảnh văn minh hiện nay, nó mang một hình thức cụ thể khác.

Rao giảng Tin Mừng.

Không phải chỉ là “giảng dạy” mà đặc biệt còn là “giải thoát”. Ngày nay rao giảng Tin Mừng phải có những hình thức tân tiến và thích ứng thế nào để phù hợp với thời đại của chúng ta? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự chữa lành nào?

Tin Mừng vẫn luôn mang tính thời sự, nhưng chính chúng ta không còn nghe được lời kêu gọi hoán cải của Tin Mừng nữa.

 

61. Chú giải của Fiches Dominicales.

CHÚA KÊU GỌI VÀ

SAI CÁC ÔNG ĐI TRUYỀN GIÁO

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Công việc truyền giáo của Nhóm Mười Hai.

Ngay từ những trang đầu Tin Mừng của mình, Maccô đã muốn kể lại việc Chúa kêu gọi Simon và anh của ông là Anrê, cùng với hai anh em Giacôbê và Gioan khi Người đang đi dọc theo Biển Hồ Galilê (1,16-20); Người nói với các ông ấy: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá!” Maccô cũng cho ta thấy khi tới Capharnaum vào một ngày Sabát, Đức Giêsu “cùng với các môn đệ đi vào thành” (1,21). Sau đó thánh sử còn cho ta thấy Đức Giêsu “Lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”(3,14-15). Con số Mười Hai ám chỉ mười hai chi tộc Israel là dấu chỉ Chúa muốn khai sinh một dân Thiên Chúa mới nơi bản thân các ông.

Giờ đây Maccô gợi nhớ lại buổi truyền giáo ban đầu của Nhóm Mười Hai mà Ngài lại đặt vào trong một nghịch cảnh là sau chuyến viếng thăm thất bại của Đức Giêsu khi trở về quê hương Nagiarét. Maccô viết: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi”. Hai động từ “Gọi, sai đi” diễn tả rõ rệt ơn gọi của các ông. Các ông sẽ là những “Tông đồ” của Đức Giêsu, nghĩa là những người được Chúa “sai đi”, như Tin Mừng thứ hai sẽ nói đến, khi các ông đi truyền giáo về (6,30).

Những lời tiếp theo là chỉ thị Đức Giêsu ban bố cho các tông đồ trước khi lên đường truyền giáo. M. Quesnel ví những lời đó như “một loại thủ bản, một cẩm nang cho một nhà truyền giáo hoàn hảo” (“Comment lire un évangile?”, Seuil, trang 103).

- Đức Giêsu sai các ông đi: “Từng hai người một”.

J. Potin giải thích: đó là tập tục các kinh sư. Vẫn thi hành đối với các môn sinh của họ. Hai người có chứng từ phù hợp nhau chứng tỏ rằng họ cùng được sai đi từ một người. Thực vậy, sứ điệp họ mang đi không phải là của riêng các ông, mà là của Đức Giêsu “ (Jésus, l'histoire vraie”, Centurion, trang 266-267). Nhóm Mười Hai không được “tính toán cho mình”. Sứ mệnh của các ông bắt nguồn từ Đức Giêsu; đây là công việc của nhóm, là hành đông mang tính cộng đoàn.

Và thực tế như vậy, trong Công vụ Tông đồ, chúng ta sẽ thấy các nhà truyền giáo ấy thường lên đường với nhau “từng hai người một”. Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); giuđa và Sila (Cv 15,22).

- Đức Giêsu ra chỉ thị cho các kẻ Người gọi và sai đi như vậy phải có tinh thần khó nghèo và từ bỏ:

+ Khó nghèo xét về hành trang đi đường: “Một cây gậy, một đôi dép” là những gì Người cho phép. Người cũng không đồng ý cho mang hai áo”. Những kẻ được Chúa sai đi sẽ là những con người thanh thoát, không cồng kềnh, mà rong ruổi như Người và luôn sẵn sàng lên đường đi loan báo Tin Mừng.

+ Khó nghèo xét về những phương tiên sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng”. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi tong tư thế tùy thuộc. Họ sẽ nhận lương thực và tiền túi từ tay những ai sẽ tiếp rước họ.

Đức Giêsu không giấu giếm họ: con đường truyền giáo là con đường gian khổ. Cũng như Người họ phải đón nhận rủi ro bị chối từ hay xua đuổi Các ông phải đi theo Người đến độ phải bị chống đối, phải hy sinh thân mình.

2. Một sứ mệnh nối tiếp sứ mệnh của Đức Giêsu.

Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai không phải là của riêng các ông, đó chính là sứ mệnh của Đức Giêsu nối tiếp nơi bản thân các ông: các ông rao giảng cùng một sứ điệp như Đức Giêsu là “Sám hối” (Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” Mc 1,14-15); các ông thực hiện cùng những dấu chỉ như Đức Giêsu là “trừ quỷ”và nếu Maccô ghi nhận rằng nhờ việc “xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” thì hẳn là để ám chỉ rằng các ông hành động nhờ quyền năng của một ai khác là Đức Giêsu vậy.

Là những người được kêu gọi và sai đi, Nhóm Mười Hai không được giới thiệu ở đây như là những chuyên viên có ít nhiều chuyên môn hay là những người chuyên trách rao giảng Tin Mừng. J. Delorme kết luận: “Maccô mang lại cho sứ mệnh của nhóm Mười Hai một chiều kích rộng lớn hơn cả không phủ nhận một sự thật là bất cứ tác vụ nào trong Hội Thánh đều có thể tìm thấy nền tảng nơi sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, trình thuật này của thánh Maccô có thể nhắc cho mọi tín hữu nhớ rằng họ thuộc một Hội Thánh được sai đến với mọi người và họ phải là nhân chứng của Đức Giêsu trước mặt người đời”.

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Sứ mệnh của Nhóm Mười Hai, một cột mốc quan trọng và mang nhiều ý nghĩa”

(J. Delorme, “Assemblées du Seigneur” số 46, trang 49).

Không những mang giá trị lịch sử, bài trình thuật về sử mệnh của Nhóm Mười Hai ở Galilê, trong Tin Mừng Maccô còn hoàn thành một chức năng cao hơn. Trình thuật ấy ghi một cột mốc quan trọng, có ý nghĩa, ở buổi ban đầu của Hội Thánh cũng như trong sự triển khai một công trình vẫn được theo đuổi trong Hội Thánh và thế giới. Khi đọc trình thuật này Hội Thánh được mời gọi nhận ra ơn gọi của mình. Ơn gọi này bao hàm một sứ mệnh không cho phép Hội Thánh được tự kết cấu thành xã hội khép kín đối với chính mình hoặc đối với bất kỳ mô hình văn hóa-xã hội nào. Trong trình thuật của Maccô, khi sai Nhóm Mười Hai ra đi, không kèm theo một xác định rõ ràng nào về địa điểm, nơi chốn phải tới để hạn định các ông (so sánh với Mt 10, 5-6 và Lc 9,6; 10,1). Mà theo sau đó là cả một bài tập nghề khó khăn đối với các môn đệ, khiến Đức Giêsu phải gia tăng các phép lạ và những lời cảnh giác rút vào ngay trong Do Thái giáo (7,8-13). Theo cái nhìn của Hội Thánh, Nhóm Mười Hai chính là những bảo chứng cho phần vụ mà Hội Thánh phải gánh vác là giới thiệu Tin Mừng cho tất cả mọi người.

2. “Được liên kết với sứ mệnh của Chúa”

“Đức Giêsu cho con người liên kết với công việc chính Người đang thực hiện. Người mở rộng công việc rao giảng, rời bỏ làng mạc cùng gia đình, đi đến các làng chung quanh mà giảng dạy. Người gọi Nhóm Mười Hai để ở bên Người rồi sai họ đi. Các ông sẽ phải lao vào cùng một cuộc chiến như Chúa, nên Người ban cho các ông “quyền trừ quỷ”. Thế là các ông ra đi từng hai người một, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỷ, chữa nhiều người đau ốm khỏi bệnh. Rồi đây cuộc đời của các Tông đồ sau khi Chúa sống lại và ban Thánh Thần, sẽ như thế nào, thì lúc này đã được khởi sự như một bước thí nghiệm vậy. Bởi đấy người môn đệ của Đức Giêsu chia sẻ sứ mệnh của Người. Người môn đệ ấy loan báo và truyền đạt ơn cứu độ, ơn chữa lành ơn giải thoát. Đức Giêsu làm cho người môn đệ ấy trở thành cộng tác viên của Người. Người môn đệ mang cùng một tâm tư, có chung cùng hoạt động và những bận tâm như Thầy mình. Từ nay, những “ưu tư “ của người môn đệ trở nên đơn giản vì “Người chỉ thi cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng. Đi theo Đức Giêsu, không phải là sống cách biệt với sứ mệnh. Nhưng là dấn thân đi đến gặp gỡ mọi người với tinh thần đơn sơ, từ bỏ và tự do, để loan báo tin vui và mang đến cho họ ơn cứu độ”.

3. “Từ di sản đến cử chđề nghị”

(“Thư gởi người Công giáo Pháp”, Cerf, trang 36-37).

Cái thời mà Hội Thánh thực Sự hoá thân với đại bộ phận xã hội, dầu gặp phải nhiều chống đối và thách đố, công việc truyền bá đức tin đều được tiến hành gần như tác động, nhờ vào những bộ phận chuyên lo việc truyền bá này còn có mặt ở cả những cơ quan điều hành thông thường của xã hội nửa. Do đó mà kiểm chứng được câu ngạn ngữ cho rằng người ta không sinh ra làm người tín hữu, nhưng cử thành người tín hữu (có đạo theo kiểu cha truyền con nối).

Dần dà với thời gian, chúng ta phải nhìn nhận rằng hoàn cảnh xa xưa này có những điều bất tiện, bởi lẽ khi việc loan báo đức tin ít nhiều bị thu gọn vào công việc thi hành những thủ tục gần như tự động để truyền đạt, người ta khó mà nhận thấy được những lệch lạc có thể xảy ra. Có những lệch lạc thực sự đã dẫn đến một thứ tục hóa đức tin chừng nào đạo Công giáo nhắm trở thành một phận vụ của xã hội và Hội Thánh thì được coi như một dịch vụ bình thường của xã hội.

Hoàn cảnh hiện nay lại có những khó khăn mới. Thực vậy, việc truyền bá đức tin ngày nay đang bị thỏa hiệp, hoặc rất khó thực hiện trong những khu vực rộng lớn của xã hội Pháp.

Điều có vẻ nghịch lý là hoàn cảnh này đòi buộc chúng ta phải đón nhận chiều kích mới mẻ của đức tin và kinh nghiệm sống đức tin ấy. Chúng ta không còn có thể chỉ hài lòng với một di sản đã thừa hưởng dù nó có phong phú đến đâu. Mà phải mở lòng đón nhận ân huệ Chúa ban trong những điều kiện mới mẻ và đồng thời tìm lại được cử chỉ ban đầu của việc phúc âm hóa đó là thái độ đề nghị đơn sơ mà cả quyết của Tin Mừng đức ki tô (Giáo Hội chỉ rao giảng Tin Mừng như một đề nghị để mỗi người tự ý quyết định lựa chọn).

 

62. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

SỨ MỆNH CỦA NHÓM MƯỜI HAI TẠI GALILÊ

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1) Không phải các sứ đồ tự chọn sứ mệnh cho mình. Như Amos, Phaolô (bài đọc 1 và 2), họ đã được chọn: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Vì họ rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của họ. Và sứ mệnh họ là Tin Mừng hóa thế gian, dù lúc thuận tiện hay bất thuận tiện, dù phải lưu đày hay phải chết.

2) Lệnh lên đường: không mang bánh, bao bị, tiền bạc, không mặc hai áo. Nghĩa là phải khẩn trương, vì thời gian cấp bách, phải nhẹ nhàng, vì phương tiện chính là phương tiện của Chúa. Bận bịu với của cải, lo cho đầy đủ phương tiện như ý mình thì khó mà cả bước lên đường truyền giáo! Có bao giờ ta cảm nghiệm được tính cách cấp bách này không? Để dứt khoát dấn thân, để khẩn trương hối cải, để chinh phục thế gian ngay trong thế hệ mình! “Hãy cắt đứt xích xiềng ràng buộc con, dù là xích vàng, để tiến tới. Cuối đường có Chúa đón chờ con” (ĐHV 179).

3) Chúa Giêsu sai đi từng hai người, là để trước hết họ cho một chứng tích sống động về điều họ rao giảng: cộng đoàn huynh đệ yêu thương. Người ta cứ dấu đó mà biết họ là môn đồ của Chúa. Sau là để nâng đỡ nhau. Người tông đồ nào không được nâng đỡ hay không tìm sự nâng đỡ, hiệp thông nơi các bạn đồng chí, thế nào cũng cằn cỗi trong công việc rồi xé lẻ tách rời.

4) Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Quỷ là tên chia rẽ, chia rẽ dưới mọi hình thức: chia rẽ trong chính con người, chia rẽ trong xã hội, chia rẽ giữa con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ, là thầy thuốc chữa lành, là Đấng tái tạo sự hiệp nhất trong con người, giữa con người, giữa con người với Thiên Chúa. Người tông đồ phải đặt lại vấn đề khi thấy công việc mình làm không đem lại sự hiệp nhất và bình an trong chính bản thân, trong môi trường hoạt động.

5) Có nhiều hình thức làm tông đồ trong xã hội hôm nay: Tông đồ bằng đau khổ: không rao giảng, không hoạt động, nhưng thinh lặng tế lễ cứu bao linh hồn. Như Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, Đức Mẹ hấp hối trong tâm hồn dưới chân thập giá. Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng: như hạt lúa chôn vùi, thối nát để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại. Tông đồ bằng chứng tích: tang vật đáng tin hơn. Tông đồ bằng tiếp xúc: “Tâm hồn chúng ta chẳng nóng lên khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” (Lc 24,32). Tông đồ bằng tư tưởng: nâng đỡ người bạn đang lung lạc, ủi an kẻ sầu buồn... Tông đồ bằng bữa ăn: ăn là chuyện thường tình. Nhưng Chúa Giêsu ăn ở nhà Mađalêna, ở nhà Simon, Giakêu khác xa chúng ta: “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến với nhà này” (Lc 19,9). Tông đồ bằng thư từ: Phaolô ngồi trong tù, không máy in, vẫn viết thư cho một giáo đoàn, giáo đoàn ấy chép lại rồi chuyển sang cho giáo đoàn khác. Cứ thế, Phaolô đã giữ vững và phát triển đức tin của Hội Thánh sơ khởi. Con hãy để tất cả lòng yêu thương con vào phong bì rồi dán lại, gởi đi.

 

63. Chú giải của William Barclay.

NHỮNG NGƯỜI TIỀN HÔ CHO NHÀ VUA (Mc 6,7-11)

Chúng ta sẽ hiểu rõ đoạn sách này hơn, nếu chúng ta có trong trí một hình ảnh về cách ăn mặc của người Do Thái tại Palestine vào thời của Chúa Giêsu. Có có năm trang phục.

1/ Phần áo lót mặc lên người trước nhất là cái chiton hay sindon, tức là áo trong. Áo này rất đơn giản, chỉ là một mẩu vải dài xếp đôi rồi may một bên. Nó khá dài đủ che phủ đến bàn chân. Hai góc ở phần trên được khoét để làm hai cánh tay ra. Loại áo này thường được bán mà chưa khoét cổ. Điều đó cho ta biết áo vẫn còn mới, để người mua tùy tiện khoét phần cổ sao cho vừa với khổ người của mình. Thí dụ như kiểu cổ áo của nam với nữ khác nhau. Cổ áo phụ nữ phải rộng để có thể cho con bú. Tóm lại chiếc áo trong chỉ khác hơn cái bao một chút có khoét hai lỗ ở hai góc phía trên. Trong hình thức phát triển hơn, nó có hai tay áo dài được khâu dính vào và đôi khi xẻ ở phía trước để tra nút và cài lại.

2/ Chiếc áo ngoài được gọi là himation. Ban ngày nó được dùng làm áo choàng và ban đêm làm mền. Nó gồm một tấm vải dài hơn 2 mét, khổ rộng khoảng 1,4 đến 1,5, rộng khoảng 0,4m mỗi bên được xếp và may lại, khoét lỗ ở phía trên để xỏ tay được. Vì thế nó gần như vuông vức. Thường thường nó là hai khúc vải, mỗi khúc dài hơn 2m, rộng khoảng 0,6-0,7m may dính vào nhau. Đường may nằm phía sau lưng. Nhưng chiếc áo ngoài đặc biệt có thể dệt cẩn thận nguyên tấm không có đường may như chiếc áo dài của Chúa Giêsu vậy (Ga 19,23). Đây là chiếc áo chính trong toàn bộ y phục.

3/ Có dây thắt lưng. Dây thắt lưng để buộc phía ngoài hai chiếc áo vừa kể trên. Khi cần làm việc hay chạy, người ta vén các vạt áo trong lên và giữ lại bằng giây thắt lưng. Có khi chiếc áo ngắn được vén lên ở phía trên dây thắt lưng, chỗ trống phía trước thắt lưng có thể đặt một bao hoặc một gói gì đó để mang đi. Dây thắt lưng thường được may hai lớp khoảng 4 tấc rưỡi từ mỗi đầu. Phần may hai lớp thường dùng làm túi đựng tiền.

4/ Có khăn vuông che đầu. Khăn vuông che đầu bằng vải, rộng khoảng 1m2, thường màu trắng, xanh hoặc đen. Thỉnh thoảng cũng có loại khăn bằng lụa màu, nó được xếp theo đường chéo góc, cột lên đầu để che gáy gò má và mắt cho khỏi sức nóng và tia nắng của mặt trời. Người ta cột nó vòng quanh đầu bằng một sợi dây da co giãn được sao cho dễ mở ra.

5/ Có đôi dép. Dép chỉ là những miếng da bằng phẳng có xoi lỗ, có khi bằng gỗ hoặc bện bằng rơm. Người ta xỏ dây và cột nó vào bàn chân để mang.

Túi tiền có thể là hai vật sau đây:

(a) Nó có thể là chiếc túi đi đường bình thường. Túi này được may bằng da dê con. Thường thì bộ da con vật được lột nguyên miếng nên vẫn giữ được hình dáng con vật, đủ cả chân, đuôi và đầu. Hai túi có dây để đeo trên vai. Trong đó người chăn chiên, khách hành hương, hoặc kẻ đi đường đựng bánh mì, nho, trái ôliu và bánh sữa đủ ăn một hai ngày.

(b) Có một điểm gợi ý rất thú vị ở đây. Từ Hy Lạp pera có nghĩa là chiếc bao quyên góp. Thường thường các thầy tư tế và người sùng đạo ra đi với chiếc bao này để góp nhặt các của đóng góp cho Đền Thờ. Họ được mô tả là “những tên trộm cướp ngoan đạo với các chiến lợi phẩm phình to thêm, từ làng này sang làng khác”. Có một tấm bia của một người tự xưng là nô lệ của nữ thần xứ Syri, cho biết mỗi chuyến đi như vậy, anh ta lại mang về cho nữ thần của mình 70 bao đầy.

Nếu chúng ta hiểu theo nghĩa thứ nhất thì Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài đừng mang theo thức ăn khi đi đường, nhưng phải tin cậy vào Thiên Chúa trong mọi sự. Còn theo nghĩa thứ hai, thì lời dạy ấy có nghĩa là họ không nên tham lam mà vơ vét như các thầy tư tế. Họ phải đi đây đi đó để cho đi chứ không phải để thâu gom của cải.

Ở đây còn thêm hai điều lý thú khác nữa:

1/ Theo luật của các Rabbi, thì khi vào đến các sân của Đền Thờ, người ta phải để lại đó chiếc gậy, đôi dép và túi bạc. Mọi vật tầm thường phải được xếp qua một bên khi vào nơi thánh. Có lẽ Chúa Giêsu đang nghĩ đến việc đó và Ngài ngụ ý dạy rằng các căn nhà khiêm tốn mà các môn đệ Ngài vào, đều là những nơi thánh thiêng như các sân trong Đền Thờ vậy.

2/ Bên phương Đông, việc ân cần tiếp đãi khách lạ được xem là một bổn phận thiêng liêng. Khi có người lạ vào làng, người ấy không cần đi tìm nơi trú ngụ vì chính làng ấy có nhiệm vụ tiếp đãi họ. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng nếu người ta từ chối không chịu tiếp đãi, đóng cửa, bịt tai lại, các ông cứ phủi bụi dính chân họ rồi đi nơi khác. Luật của các Rabbi dạy rằng bụi đất nơi dân ngoại vốn ô uế, nên khi một người từ xứ khác vào Palestine, phải phủi cho sạch không còn một hạt bụi ô uế nào. Chúa Giêsu muốn dạy nếu họ không chịu nghe các ngươi, việc duy nhất các ngươi có thể làm là đối xử với họ như cách người Do Thái khắt khe vẫn đối xử với nhà của người ngoại. Giữa họ và các ngươi chẳng còn có liên hệt gì với nhau nữa cả!.

Vậy chúng ta thấy dấu hiệu của một môn đệ Chúa là sống thật đơn giản, hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa và phải luôn luôn đem ơn phúc đến cho người khác chứ không phải mong thiên hạ làm phúc cho mình.

THÔNG ĐIỆP VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NHÀ VUA (Mc 6,12-13)

Nói vắn tắt, đây là bản phúc trình công tác mà các môn đệ đã trình lên Chúa Giêsu sau khi Ngài sai phái họ ra đi.

1/ Họ rao truyền sứ điệp của Chúa Giêsu cho quần chúng. Theo nghĩa đen, từ được dùng chính là từ dùng cho sự công bố của sứ giả tiền trạm. Khi các tông đồ đi ra rao giảng cho mọi người, các vị không hề tạo ra sứ điệp, các vị mang một sứ điệp. Họ không nói với mọi người điều họ tin hay thấy là đúng nhưng chỉ nói lại cho mọi người chân lý của Thiên Chúa. Sứ điệp của các ngôn sứ bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Đức Chúa phán vậy”. Người muốn mang một sứ điệp kiến hiệu và thành công đến cho kẻ khác, trước hết phải nhận từ nơi Chúa.

2/ Các vị mang theo sứ điệp của nhà vua đến cho mọi người và sứ điệp đó là “hãy hối cải”. Đây là một sứ điệp gây khó chịu cho mọi người. Hối cải có nghĩa là thay đối ý, sau đó hành động phù hợp với sự đối ý đó, có nghĩa là đổi ý và thay đổi luôn hành động nữa. Hối cải bao gồm sự thương tổn vì phải tự nhận con đường mình đang đi là sai lầm, đầy cay đắng. Hối cải bao gồm sự xáo trộn, vì nó có nghĩa là người ta phải hoàn toàn đảo ngược nếp sống.

Chính vì thế mà ít người chịu hối cải, vì hầu hết người ta không muốn bị quấy rầy. Trong một câu sống động, bà Asquith đề cập đến số người “lãng phí cho đến chết”. Nhiều người vẫn hành động như thế. Họ oán ghét mọi hành động gây căng thẳng, nỗ lực. Với họ, cuộc đời là “một vùng đất chỉ có buổi chiều”. Theo một vài phương diện, một tội nhân hung hăng, công khai xông vào mục tiêu tự chọn vẫn dễ cuốn hút hơn một người đi rông tiêu cực, ủ rũ trôi giạt cách nhu nhược và chẳng có một chút định hướng gì cho đời sống cả.

Trong tác phẩm Quo Vadis có một đoạn trong đó chàng thanh niên Roma Vinicius yêu một cô gái là Kitô hữu. Vì Vinicius không phải là Kitô hữu nên cô ta không muốn liên hệ với cậu. Cậu theo cô ấy đến những buổi họp thầm lén ban đêm của một số Kitô hữu, tại đó chẳng ai nhận ra cậu, và cậu lắng nghe Phêrô giảng dạy. Lúc đang nghe có một việc đã xảy đến cho cậu: “Vinicius cảm thấy rằng nếu muốn theo lời dạy ấy, cậu phải đặt trên đống lửa hừng tất cả mọi ý nghĩ, thói quen, tính tình, cả bản chất của mình cho đến khoảnh khắc nào đó và thiêu đốt tất cả ra tro, rồi tiếp nhận vào người sự sống khác hẳn, một linh hồn hoàn toàn mới mẻ”.

Đó là hối cải. Nhưng nếu một người không mong ước gì hơn là được để yên một mình thì sao? Sự thay đổi không nhất thiết chỉ từ chỗ trộm cắp, sát nhân, dâm loạn, cùng các tội tỏ tường khác. Sự thay đổi có thể xảy ra ngay trong một đời sống ích kỷ, tham lam, chẳng xem ai ra gì, thay đổi từ chỗ lấy cái tôi làm trung tâm, và mọi sự thay đổi như vậy ắt sẽ gây rất nhiều tổn thương. W. M. Macgregor có trích một câu nói của vị giám mục trong quyển “Những Kẻ Khốn Cùng” của Victor Hugo “Tôi luôn luôn gây rối cho một vài người trong đám họ, vì qua tôi, một luồng không khí từ bên ngoài đã thổi tới họ, sự có mặt của tôi giữa họ khiến họ cảm thấy như có một khung cửa được mở toang và họ ở trong vùng có gió lùa”. Hối cải không chỉ là hối tiếc về mặt tình cảm mà thôi, mà là làm cách mạng. Vì lý do ấy đã có rất ít người chịu hối cải.

3/ Các tông đồ đưa đến cho người ta ơn thương xót của nhà vua. Không phải họ chỉ đem đến cho người ta những đòi hỏi làm đảo lộn mà thôi, nhưng họ cũng cần mang đến sự trợ giúp và chữa bệnh nữa. Họ đem đến sự giải phóng cho những người bị quỷ ám cùng khổ. Ngay từ đầu Kitô giáo đã nhắm mục đích đem sức khỏe, sự lành mạnh cho cả xác lẫn hồn. Kitô giáo không chỉ nhằm cứu rỗi linh hồn mà thôi, nhưng là cứu rỗi con người toàn diện. Kitô giáo không chỉ đưa ra một tay kéo người ta lên khỏi chỗ suy đồi đạo đức, nhưng cũng đưa tay còn lại kéo người ta ra khỏi sự đau đớn, khổ sở của thân xác. Điều rất có ý nghĩa, là các môn đệ còn xức dầu cho mọi người nữa. Đời xưa, dầu được xem là thuốc trị bá chứng. Galen là y sĩ đại tài người Hy Lạp nói “Dầu là thuốc hay nhất để trị bệnh cho thân thể”. Khi đặt trong tay các tôi tớ của Chúa Cứu Thế, dầu được thêm một đặc tính mới. Điều lạ lùng là các môn đệ sử dụng những vật mà tri thức hạn chế của loài người thời bấy giờ vẫn biết rõ, nhưng Thần Khí Chúa đã ban cho họ một quyền phép mới và một đặc tính mới trong cách trị bệnh cổ truyền đó. Quyền năng của Chúa trở thành có giá trị trong mọi việc thông thường khi người ta có đức tin.

Vậy mười hai tông đồ đã đem đến cho nhân loại sứ điệp cứu rỗi, lòng thương xót của Nhà Vua, và cho đến ngày nay, đó vẫn là nhiệm vụ hằng ngày của Kitô hữu.

home Mục lục Lưu trữ