Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1372410
CHÚA GIÊSU CÔNG KHAI RAO GIẢNG
Chúa Giêsu công khai rao giảng - JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Đức Giêsu đến để xây dựng Nước Thiên Chúa. Bạn quan niệm Nước Thiên Chúa là gì? ở ngay trần gian này hay ở đời sau? Bản chất của nó là gì?
2. Bản chất của Nước Thiên Chúa chính là Tình Thương. Trong đời sống Kitô hữu, việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích rất quan trọng, nhưng so với việc thực hiện tình yêu thương thì việc nào quan trọng hơn? Cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? Cần phải quan trọng hóa hay làm nổi bật cái nào?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu đến để xây dựng triều đại Thiên Chúa
Khi bắt đầu xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu tuyên bố với mọi người: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng». Ngài nói vậy nghĩa là gì? - «Thời kỳ đã mãn» nghĩa là đã hết một thời kỳ, và đã đến lúc bắt đầu một thời kỳ mới. Thời cũ là thời của Cựu Ước, với những tinh thần và luật lệ của Cựu Ước. Thời của Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời của Tân Ước. Và Đức Giêsu đến để khai mở thời kỳ Tân Ước, với những tinh thần và luật lệ mới của Tân Ước. Thời Tân Ước là thời xây dựng triều đại Thiên Chúa do Đức Giêsu chủ xướng và thiết lập. Ngài nói: «Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần». «Đã đến gần» có nghĩa là còn đang đến chứ chưa thành hiện thực. Triều đại ấy có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào Đức Giêsu và những người cộng tác với Ngài.
2. Triều đại Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa là gì?
Triều đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn thiết lập là một kỷ nguyên mới, trong đó nhân loại được sống trong an bình hạnh phúc, nhờ biết yêu thương nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau. Ngài đã đưa ra một «điều răn mới» cho kỷ nguyên mới này: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34; x. 15,12.17). Và yêu thương phải trở thành dấu hiệu đặc trưng của những ai theo Ngài, đặc trưng đến nỗi chỉ việc nhìn vào tình thương họ dành cho nhau, mà mọi người nhận ra họ là người theo Ngài: «Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,35). Ngài đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn đặc biệt của Ngài nhằm thực hiện Nước Thiên Chúa, trong đó, tình thương thống trị trong lòng mọi người, khiến mọi người trong cộng đoàn đó yêu thương và hy sinh cho nhau, coi nhau như anh chị em, nhờ đó họ luôn luôn đầy đủ và hạnh phúc. Và nhờ sự hấp dẫn luôn luôn có của tình thương, Giáo Hội ấy ngày càng mở rộng, và lan tràn khắp thế giới. Lúc ấy, thế giới sẽ trở thành Nước Thiên Chúa, ngay tại trần gian này. Ngài đã ban cho Giáo Hội những phương tiện rất hữu hiệu là các bí tích để thông ban sức mạnh thiêng liêng để con người thực hiện điều ấy.
3. Một lý do khiến Giáo Hội chưa thực hiện được Nước Thiên Chúa
Thế nhưng cho đến nay, nhìn vào Giáo Hội và thế giới, người ta không khỏi nghi ngờ: liệu việc xây dựng «Triều đại Thiên Chúa» hay «Nước Trời» của Đức Giêsu có thành tựu được không? Xem ra lý tưởng của Đức Giêsu vẫn còn xa vời lắm, mặc dù Giáo Hội đã nỗ lực thực hiện lý tưởng ấy suốt 2000 năm nay. Có thể một trong những lý do khiến chúng ta không thành công là chúng ta chưa quan tâm đủ đến sứ điệp trọng tâm của Đức Giêsu là tinh thần yêu thương, mà quá quan tâm đến những phương tiện - là việc cầu nguyện, các bí tích - để đạt được tinh thần ấy.
Quả thật, những phương tiện mà Đức Giêsu đặt ra rất cần thiết và hữu ích, nhưng dù thế nào chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những phương tiện. Biến những phương tiện ấy thành mục đích hay cứu cánh là vô hiệu hóa chúng, thậm chí làm chúng biến chất, làm chúng trở nên có hại thay vì có lợi. Nếu «đồng tiền là một đầy tớ rất tốt, nhưng lại là một ông chủ rất xấu», thì tương tự như vậy: các phương tiện Đức Giêsu lập ra như các bí tích, việc cầu nguyện, v.v... là những phương tiện rất tốt, nhưng lại là những mục đích rất xấu. Nghĩa là nếu chúng ta nhắm mục đích rõ ràng là sống yêu thương nhau, và quyết tâm thực hiện sự yêu thương ấy, thì việc cầu nguyện và các bí tích sẽ là những phương tiện hết sức hữu hiệu để đạt được mục đích ấy. Còn nếu chúng ta coi chúng là mục đích, thì chúng sẽ trở thành những yếu tố phá hoại sự yêu thương ấy, cũng là phá hoại tôn giáo.
Khốn thay rất nhiều Kitô hữu không hề ý thức sứ điệp căn bản của Đức Giêsu là tình yêu thương, nên không mấy quan tâm tới điều chính yếu ấy. Họ chỉ chủ yếu quan tâm tới việc thực hành những phương tiện mà Đức Giêsu lập ra để đạt mục đích ấy, và coi việc thực hành những phương tiện ấy chính là bản chất việc sống đạo Kitô giáo. Họ đã biến phương tiện thành mục đích, vì thế, những phương tiện ấy chẳng những chẳng đạt được mục đích mà Đức Giêsu muốn chúng đạt được, mà chúng lại trở thành một thế lực ngăn cản con người đạt đến mục đích ấy. Thật vậy, biết bao Kitô hữu cảm thấy mình đạo đức chỉ vì đã đi lễ hằng ngày, rất siêng năng lãnh nhận các bí tích, rất chuyên cần đọc kinh cầu nguyện... đang khi họ đối xử với tha nhân, thậm chí với cả những người trong gia đình mình, chẳng mấy tốt đẹp. Như thế họ đã quan niệm sai lầm về việc sống đạo, nhất là về bản chất của Kitô giáo. Điều này thiết tưởng những người có nhiệm vụ rao giảng, dạy dỗ trong Giáo Hội phải chịu trách nhiệm phần nào!
4. Để xây dựng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cần những người cộng tác
Ngay khi bắt đầu sứ mạng loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, việc đầu tiên Đức Giêsu phải làm là tìm những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Chắc hẳn những người được Ngài mời gọi theo Ngài làm tông đồ, Ngài đã nhận ra nhiệt huyết của họ trong những lần Ngài nói chuyện với dân chúng về Nước Trời trước đó. Vì thế, khi Ngài mời gọi họ, họ lập tức bỏ mọi sự để lên đường theo Ngài ngay. Và với 12 môn đệ - tức 12 người cộng tác đắc lực - được Ngài tuyển chọn, Ngài đã lập nên cả một Giáo Hội phát triển rộng lớn như ngày nay. Sau 20 thế kỷ khởi công xây dựng Nước Thiên Chúa, người theo Đức Giêsu hiện nay trên thế giới tuy rất đông nhưng dẫu sao vẫn còn rất ít ỏi so với số lượng đáng lẽ phải đạt được. Vì hiện nay số người Kitô hữu mới chỉ chiếm 1/3 dân số thế giới. Đó là nói về số lượng, còn chất lượng người Kitô hữu thì sao? Bao nhiêu phần trăm Kitô hữu thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu đúng như Ngài đã truyền: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34)? Đối với thế giới, Kitô giáo có phải là một biểu tượng hay gương mẫu của tình thương, của sự khoan dung, hay chỉ là biểu tượng của lễ nghi, của sự khắt khe, không khoan nhượng?
Thời nào Đức Giêsu cũng cần những người có tâm huyết cộng tác với Ngài. Và chắc chắn thời nào cũng không thiếu những con người nhiệt tình sẵn sàng hy sinh cho công cuộc của Ngài. Nhưng nhiệt huyết xuông, không đủ, chúng ta cần phải đi đúng đường lối của Ngài. Nếu không, nỗ lực của Giáo Hội chúng ta sẽ chỉ là những nỗ lực kiểu «dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Thiết tưởng chúng ta cần phải nắm vững cái nào là cái chính yếu, cái nào là cái phụ thuộc; cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện; cái nào là bản chất, cái nào là hiện tượng. Nhờ phân biệt rõ ràng như thế, chúng ta mới biết hy sinh cái phụ thuộc cho cái chính yếu, coi nhẹ phương tiện hơn mục đích, coi trọng bản chất hơn hiện tượng.
Cứ thử xét cách dùng danh từ của nhà đạo chúng ta thì biết chúng ta đã quan trọng hóa cái gì: cái chính yếu hay cái phụ thuộc? Chúng ta gọi những việc cầu nguyện hay bí tích là những «việc đạo đức». Điều đó khiến nhiều Kitô hữu lầm tưởng rằng cứ cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích cho nhiều là trở thành người đạo đức. Nhưng thật ra rất nhiều người làm được như vậy một cách rất gương mẫu, nhưng chẳng ai mến phục chỉ vì họ sống thiếu tình thương. Thực ra đạo đức được thể hiện trong chính cuộc sống thường ngày: trong cách cư xử, cách làm việc, cách nói năng… Một người có đạo đức khác với những người không đạo đức chủ yếu ở trong chính cách cư xử, làm việc, nói năng… chứ không phải trong việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Vì thế, thiết tưởng khi chúng ta làm những bổn phận hằng ngày như làm ăn buôn bán, quét nhà nấu ăn giặt giũ, tiếp xúc nói chuyện cư xử với mọi người...nếu chúng ta làm với tinh thần yêu thương vị tha, thì chính khi làm như vậy là ta thực hiện những việc đạo đức. Việc cầu nguyện và các bí tích giúp ta có ơn Chúa, có sức mạnh để làm những việc ấy với tinh thần yêu thương của Chúa, chứ chúng không thay thế tinh thần yêu thương ấy.
Cầu nguyện hay lãnh nhận các bí tích mà không thể hiện tình yêu thương trong cách cư xử, làm việc, ăn nói, suy nghĩ, thì giống như một người đi làm quần quật suốt ngày để có tiền, nhưng chẳng dùng số tiền ấy vào việc gì, cứ cất vào một chỗ để dành. Như thế tiền bạc ấy trở nên vô ích. Tiền bạc chỉ trở nên ích lợi và đem lại hạnh phúc khi được chi tiêu để thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của đời sống. Cũng vậy, cầu nguyện hay lãnh nhận bí tích chỉ có ích lợi và đem lại ơn cứu rỗi khi chúng nhắm thực hiện mục đích mà Chúa muốn là thể hiện tình yêu thương cách hữu hiệu.
Cầu nguyện
Lạy Cha, bản chất của Cha là Tình Yêu, và bản chất của Nước Trời do Đức Giêsu thiết lập cũng là Tình Yêu. Do đó, tình yêu chính là mục đích và bản chất của Kitô giáo. Việc cầu nguyện, các bí tích chính là những phương tiện hữu hiệu để thực hiện mục đích hay bản chất ấy. Xin Cha đừng để người Kitô hữu chúng con lầm lẫn mục đích với phương tiện, điều chính yếu với điều phụ thuộc. Có như vậy, Nước Trời mới thật sự hình thành tại trần gian này. Xin cho chính bản thân con ý thức điều đó.
47. Hãy tin vào Phúc Âm - Lm. Thu Băng, CRM
Lời Tin Mừng rao giảng cho anh chị em hôm nay là: Nước trời đã gần đến. Hãy ăn năn và tin vào Phúc Âm.
Trong thư của thánh Phaolô gửi dân thành Hebrew có lời: "Lời Chúa là lời hằng sống và linh nghiệm" (Heb. 4:12). Vậy lời Chúa có là lời hằng sống thực không? Sao đọc lên thấy khô khan, nhạt nhẽo thế? Thế nào mới là lời hằng sống?
Lời Chúa khó giải nghĩa, Khoa học ngày nay người ta sáng chế được cả hạt giống có đầy đủ các chất như hạt giống thật. Coi bằng mắt thường ta không thể phân định được hạt thật hay hạt giả. Để phân định thật giả, ta chỉ có cách gieo hạt xuống lòng đất. Hạt giả sẽ im lìm và hạt thật sẽ nẩy mầm, rồi mọc lên thành cây và có sức sống phát triển. Sức sống này không cát nghĩa được. Sức sống là do Chúa tạo nên, phát xuất từ Đấng hằng sống.
Cũng thế, nếu đem Thánh Kinh so với các sách kinh của các tôn giáo, ta không giãi nghĩa, không thể chứng minh được sách nào là sách hằng sống, nhưng kinh nghiệm sẽ giải nghĩa được.
Thánh Kinh phát xuất từ đâu? Thánh Kinh phát xuất từ miệng Thiên Chúa phán qua Moisen, qua các Tiên Tri, qua chính Chúa Kitô, qua các Thánh Ký. Các ngài viết lại qua bao thế kỷ trước.. Kinh Phật, Kinh Triết, Sách Kinh của các tôn giáo khác phát xuất từ con người, phản ảnh từ cuộc sống của các tổ tiên và thay đổi theo mỗi thời đại. Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa gieo vào trong lòng, phú vào lương tâm ngay thẳng. Lời hằng sống trở nên sống động nhờ công bố ra ngoài miệng.
Con người sống là sống cả về thân xác lẫn tinh thần. Xác sống bởi cơm bánh, hồn sống nhờ chân lý, nhờ lời thánh thiện, nhờ lời Chúa. Khi công bố: Hãy tin vào phúc âm. Tức là hãy tin và sống theo lời Chúa dạy chứ đừng tin vào lời người đời. Bởi đó khi đọc Phúc Âm:
- Linh Mục giang tay ra và công bố: Xin Chúa ở cùng anh chị em, giúp anh chị em lắng nghe lời Chúa.
- Mọi người đứng lên và thưa lại: Lạy Chúa Kitô, chúng con ngợi khen và tôn kính lời Chúa.
- Linh Mục làm dấu Thánh Giá trên chữ đầu tiên trong Sách Thánh chỉ mọi việc đều nhờ Chúa ơn cứu chuộc qua thánh giá.
- Làm dấu Thánh Giá thên trán:Linh Mục xin Chúa cho ngài hiểu được lời Chúa. Làm dấu Thánh Giá trên môi để ngài xứng đáng tuyên xưng lời của Chúa. Làm dấu Thánh Giá trên ngực để ngài được yêu thích, tuân giữ và ấp ủ lời Chúa trong lòng.
- Sau khi công bố lời Chúa, Linh Mục hôn Sách Thánh để nếm hưởng sự ngọt ngào thánh thiện của lời Chúa. Nghe xong lời Chúa:Mọi người ca ngợi lời Chúa qua Chúa Kitô.
- Giáo dân ngồi xuống nghe Linh Mục giải nghĩa một trong những khía cạnh của của lời Chúa để ý nghĩa lời Chúa được thấm nhập vào lòng, hiểu ý Chúa hơn.
- Lời Chúa dạy là lời chân thật, là lẽ phải phải theo. Hãy tôn trọng, kinh cẩn nghe lời Chúa, gìn giữ và thực hành lời Chúa trong cuộc sống. Để lời Chúa thấm nhập vào lòng, chúng ta cùng nhau lắng nghe lời Chúa qua bài hát:
Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con lúc lẻ loi ... (Nhạc và lời của Nguyễn Duy) (1-2003).
48. Bướng bỉnh và ngoan ngoãn - Trầm Thiên Thu
Bướng bỉnh và ngoan ngoãn (*) là hai động thái trái ngược nhau, nhưng lại có thể “liên quan” lẫn nhau – từ bướng bỉnh trở thành ngoan ngoãn hoặc ngược lại. Từ “ngưỡng” này qua “ngưỡng” khác phải có sự dứt khoát, phải mạnh mẽ để khả dĩ vượt qua chính mình. Cả người bướng và người ngoan đều cần động thái dứt khoát.
Dứt khoát là không còn đắn đo, cân nhắc hoặc lưỡng lự. Động thái này không dễ thể hiện, vì phải mau chóng phân biệt phải trái và quyết định ngay. Rất khó! Người làm được như vậy là người có tâm lý mạnh và thể hiện tính cương trực. Nói một là một, nói hai là hai: “Điều gì đã quyết là đã quyết” (nói theo kiểu Philatô).
Trong sự dứt khoát có thể có chút gì đó bị người ta cho là tính bướng bỉnh, ngang tàng hoặc “gàn bát sách”, nhưng đó là sự bướng bỉnh cần thiết. Con ngựa chứng là con ngựa giỏi, vì không điều khiển được nó nên người ta cho nó là “chứng” và ghét nó. Với con người cũng vậy!
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã đích thân sai ông Giôna đi lần thứ nhất: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1:1). Ông vội đứng dậy nhưng không đi theo lệnh mà lại trốn đi Tác-sít, tránh mặt Chúa. Ngang bướng thật đấy! Nhưng kể ra cũng “can đảm” vì dám cãi Thiên Lệnh. Khi đó, ông đã thể hiện tính dứt khoát. Tàu chạy, bỗng dưng sóng gió ầm ầm, người ta gieo quẻ xem rơi trúng ai thì đó là kẻ gây tai họa. Quẻ rơi trúng ông Giôna. Ông tá hỏa tam tinh, cảm thấy mình sai nên hối hận và bảo người ta ném ông xuống biển. Con cá lớn nuốt ông trong bụng ba ngày rồi nhả ông lên bờ.
Sau đó, Chúa lại sai ông Giôna đi lần thứ hai: “Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Lần này ông không dám bất tuân nên đứng dậy và đi Ni-ni-vê theo lệnh Đức Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Dân Ni-ni-vê thật là ngoan ngoãn, vừa biết bảo nhau vừa biết phục thiện, vậy là diễm phúc lắm!
Thật vậy, Thiên Chúa luôn giàu lòng thương xót, không muốn ai phải hư mất, luôn kiên nhẫn chờ đợi các tội nhân hoán cải, nên khi Ngài “thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Ngài hối tiếc về tai họa Ngài đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Ngài đã không giáng xuống nữa” (Gn 3:10). Đây là niềm hy vọng cho mỗi chúng ta, dẫu có tội lỗi tới mức nào thì cũng hãy cứ tin tưởng, đừng tuyệt vọng! Thiên Chúa chỉ cần chúng ta chân thành sám hối, rồi mọi thứ cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, Ngài sẽ thứ tha hết. Thật vậy ư? Thật vậy, chắc chắn như thế, vì chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và cả nhân loại” (Nhật Ký, số 1485). Biết như vậy không phải để ỷ lại, mà để cố gắng củng cố đức tin yếu mềm của chúng ta.
Nói tin thì dễ, nhưng rất khó để thể hiện và sống đức tin. Là phàm nhân thì ai cũng thế thôi, chẳng nói hay được. Tác giả Thánh Vịnh đã luôn phải cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5).
Thật vậy, khi còn trẻ, mấy ai không đã từng sa ngã, mấy ai không phải khốn đốn đôi lần, chính nhờ kinh nghiệm “xương máu” đó mà người ta mới nên khôn: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:6-7). Ngựa non háu đá, người trẻ háo thắng, đó là chuyện thường tình. Thiên Chúa không chấp chúng ta, nếu Ngài chấp tội thì chẳng ai được cứu rỗi (Tv 130:3), nhưng Ngài muốn chúng ta ăn năn thật lòng, vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót: “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:8-9).
Ăn năn sám hối luôn là việc cấp bách, hành động cần thiết hàng ngày, không chỉ cần thiết trong Mùa Vọng, Mùa Chay, dịp tĩnh tâm,... Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:29-31). Thời gian là của Chúa, dù trẻ hay già thì cũng chẳng ai biết cuộc đời mình còn bao lâu. Có người còn trẻ và đang khỏe mạnh bình thường, thế mà bất ngờ nghe tin người đó từ trần. Vui mà buồn, buồn mà vui. Làn ranh rất mong manh, khó phân định rạch ròi.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta sống mà đừng “chia trí” hoặc “nặng lòng” với những gì ở thế gian này. Sống như vậy không có nghĩa là hờ hững, vô tâm, vô cảm, bất cần đời hoặc “dở hơi”, mà là ngoan ngoãn vâng phục Thánh Ý Chúa. Đó là cách sống của người khôn ngoan: Khôn ngoan để không còn bướng bỉnh, khôn ngoan để tỉnh thức, tỉnh thức mà chờ đợi Chúa đến – chính xác nhất là lúc Ngài đến với cuộc đời riêng mình, lúc “tận thế” của cuộc đời mình, tức là lúc mình chết.
Trình thuật Mc 1:14-20 đề cập “ngày tận thế”, điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta ĐỪNG BƯỚNG BỈNH, mà HÃY NGOAN NGOÃN. Trình thuật này cũng cho thấy sự ngoan ngoãn của hai cặp môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu mời gọi đi theo Ngài.
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Ngài đã xác định: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chắc chắn thời đại chúng ta đang sống là “thời kỳ cuối cùng”, chẳng bao giờ có chuyện “đầu thai” kiếp khác. Chỉ có hai kiếp: Kiếp này và kiếp sau. Kiếp sau là vĩnh hằng, nhưng có hai dạng: Hạnh phúc đời đời hoặc khốn nạn đời đời. Tuyệt đối không có dạng “lửng lơ con cá vàng” đâu!
Khi Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, Ngài thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Ngài bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Thánh sử Mát-thêu nói rõ: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Hai anh em ngư dân này không hề lưỡng lự, không tính toán chi. Đi là đi ngay, dù đang phải lo kế sinh nhai. Động thái đó chứng tỏ họ ngoan ngoãn chứ không bướng bỉnh như ông Giôna xưa.
Một lúc sau, khi đi xa hơn một chút, Ngài thấy hai anh em khác: Giacôbê và Gioan, cả hai là con ông Dêbêđê. Hai anh em này cũng là dân chài lưới, lúc đó Chúa Giêsu thấy họ đang vá lưới ở trong thuyền. Ngài liền gọi họ. Và dù đang bận việc, họ bỏ cha mình ở lại trên thuyền với những người làm công, rồi đi theo Ngài. Hai anh em này cũng rất dứt khoát, sẵn sàng đi ngay.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết dứt khoát với mọi thứ, nhất là đối với tội lỗi, không nặng lòng với bất cứ thứ gì, nhờ đó mà chúng con mới khả dĩ ngoan ngoãn sống đúng theo Thánh Ý Ngài mọi nơi, mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
--------------------------------
(*) Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản tại Saigon, 1895-1896) chữ “ngoan” được sắp vào loại chữ Nho (để phân biệt với những từ thuộc loại chữ Nôm) và giải nghĩa là “cứng cỏi, ngu si, khôn khéo”. Chữ “ngoan” có nhiều nghĩa: Ngoan ma là chai sần (nói về da thịt); ngoan ngạnh là cứng cỏi, chống báng; ngoan dân là dân khó trị; ngoan nhiên là tự nhiên như một cái cây, một cục đá, không trau dồi; ngoan ngùy là khôn ngoan, nhơn lành; ngoan đạo là giữ đạo tốt, đạo đức.
Trong sách Giúp Đọc Nôm và Hán-Việt (NXB Đà Nẵng và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm, 2004), Lm Antôn Trần Văn Kiệm phân biệt hai hình thức và ý nghĩa của chữ “ngoan”, ghép thành bởi chữ “nguyên” (đầu tiên, ban đầu, nguồn gốc) và bộ “kiến” (thấy, cái nhìn, quan điểm, bản sắc). Trong chữ Nho, ngoan là ngu: Ngoan độn là không biết gì; ngoan thạnh là vô tri, vô giác; ngoan cố là khó bảo, cố giữ lập trường của mình dù biết là sai; ngoan địch là kẻ địch khó trị; ngoan bì hoặc ngoan đồng là hay phá nghịch. Trong chữ Nôm, ngoan chỉ có nghĩa là dễ bảo (ngoan đạo, ngoan ngoãn).
Trường hợp chữ ngoan trong hai nghĩa mâu thuẫn nhau: [1] Ngoan trong chữ Nho là bướng bỉnh, khó bảo, cứng đầu, ngu ngốc, tinh quái; [2] Ngoan trong chữ Nôm là thông minh, khôn ngoan, dễ dạy. Những từ ngữ kiêm dụng được cả hai nghĩa này là ngoan cố (khó bảo, cố chấp) và ngoan cường (mạnh mẽ tự vệ, đề kháng mọi sự chi phối, đàn áp). Trong cách nhìn của kẻ chinh phục, kẻ ngoan cố giữ bản tính, bản chất, bản sắc của mình là ngu ngốc, khó bảo, không vâng lời. Trong cái nhìn của kẻ tự vệ, không muốn bị đồng hoá, ngoan cường mới là khôn ngoan, có giá trị, phải phát huy để sống còn mà không bị tha hoá, biến chất.
49. Quyết định - Trầm Thiên Thu
Từ chuyện nhỏ tới chuyện to, hành động nào cũng cần có quyết định, điều càng quan trọng càng khó quyết định. Ai cũng có tự do để quyết định, khi không muốn quyết định mà vẫn phải làm, đó là lúc miễn cưỡng, và khi đã quyết định rồi thì phải chịu trách nhiệm. Tự do và trách nhiệm có hệ lụy với nhau, Thánh TS Tôma Aquinô (1225-1274, lễ ngày 28-1) xác định: “Tự do là khả năng chọn làm điều thiện với một trách nhiệm”.
Thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821, lễ ngày 1-4) có quyết định thật tuyệt vời: “Thứ nhất, tôi muốn công việc hàng ngày của tôi là làm theo Ý Chúa; thứ nhì, tôi làm điều đó theo cách Ngài muốn; thứ ba, tôi làm điều đó vì đó là Thánh Ý Chúa”.
Văn sĩ kiêm triết gia Elbert Green Hubbard (1856–1915, người Mỹ) nhận định: “It does not take much strength to do things, but it requires great strength to decide on what to do – Không cần nhiều sức mạnh để làm điều gì đó, nhưng cần nhiều sức mạnh để quyết định phải làm gì”. Đó là tính quyết đoán rất cần trong cuộc sống, và điều đó chứng tỏ bản lĩnh sống của một con người.
Trong cuộc sống đời thường, đến một thời điểm quan trọng nào đó, người ta thường nói: “Giờ đã điểm” – tức là “lúc phải hành động”. Và người ta gọi thời điểm đó là Giờ G. Có thể Giờ G mang nghĩa tốt hoặc xấu. Đó là lúc “chạy nước rút”, bởi vì nếu nước đến chân rồi mới nhảy thì không kịp nữa. Chúng ta cảm thấy “sốt ruột” khi nhìn chiếc đồng hồ cát chậm rãi chảy, và cứ nghĩ là còn lâu, nhưng rồi bất ngờ nó chảy hết cát. Bom nổ!
Thiên Chúa luôn công bằng, không hề thiên tư, quan phòng và tiền định mọi sự. Thật vậy, Ông Trời sinh ra ai thì đã có kế hoạch rạch ròi cho người đó. Một bậc kỳ tài được sinh ra là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, họ phải trải qua trăm cay ngàn đắng để tôi luyện tâm tính. Như người ta thường ví von: “Tài mệnh tương đố”, hoặc “Hồng nhan bạc phận”. Chắc hẳn đó là sự công bằng của Thiên Chúa. Khi được trao nhiệm vụ và nếu tự nguyện chấp nhận thì phải chu toàn: Thà hối hận về những điều mình đã làm còn hơn hối tiếc về những điều chưa làm.
Quy trình rõ ràng và hợp lý: Mời gọi, đi theo, rồi hành động. Đó là một chuỗi động từ gắn kết và có hệ lụy với nhau thành một Tam-Giác-Sống, trước khi Giờ G điểm.
Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa nói với tiên tri Giôna lần thứ hai: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Ông Giôna mau mắn đứng dậy và đi Ninivê. Kinh Thánh cho biết Ninivê là “một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường”. Ông vào thành và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Dân thành tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ – kể cả súc vật. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, thế là Ngài đã không giáng tai họa xuống trên họ nữa. Rõ ràng việc cầu nguyện và canh tân đời sống có thể thay đổi số phận của con người.
Đoạn Kinh Thánh ngắn gọn mà hàm súc, dễ đọc và dễ hình dung. Chính Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, Ngài “không đành bẻ gãy cây lau bị giập và chẳng nỡ tắt tim đèn leo lét” (x. Mt 12:20). Người nào càng tội lỗi thì Ngài càng thương, vì Ngài đến để “TÌM và CỨU những gì đã mất” (Lc 19:10). Đó là điều rất thật mà đôi khi chúng ta không dám tin, vì Ngài đại lượng ngoài sức tưởng tượng và vượt xa trí tuệ của phàm nhân. Suy nghĩ về chính cuộc đời mình thì chúng ta sẽ thấy rõ, không cần dẫn chứng đâu xa.
Thật vậy, lịch sử Giáo hội đã có nhiều chứng nhân về Lòng Chúa Thương Xót: Thánh vương Đa-vít, Thánh giáo hoàng Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Augustinô, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ tội lỗi,… Đặc biệt nhất là “thánh trộm” Dismas cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Tuy Chúa Giêsu có trí nhớ tốt nhưng lại mau quên, vì dù biết tay này là tên trộm cướp khét tiếng, thế nhưng nghe “hắn” năn nỉ mấy tiếng là Ngài đồng ý ngay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Sướng rơn! Không ai “đã” như “thánh trộm” này, bởi vì ông là người đầu tiên được nối gót Chúa Giêsu vào Thiên Đàng ngay đêm hôm đó.
Với tâm tình đó, Tv 25 sử dụng những lời thật tha thiết, từng câu như rót vào tâm trí: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con” (Tv 25:4). Xin như vậy thì sao Chúa lắc đầu được. Xin như vậy nghĩa là muốn thực hành theo Ý Chúa, mà Chúa rất thích người ta làm theo Ý Ngài. Đức Mẹ nhờ “xin vâng” mà được nên cao trọng, khiến mọi người mọi thời đều ca tụng Mẹ là “người diễm phúc” (Lc 1:48). Người có niềm tin yêu vẫn kiên trì tiếp tục năn nỉ: “Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25:5). Đó là một quyết định đúng đắn.
Thế nhưng vẫn chưa thỏa lòng, chúng ta lại kể “chuyện cổ tích” cho Chúa nghe: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:6-7). Tuổi trẻ luôn bồng bột và ngang ngược, càng có tuổi thì người ta càng “ngộ” ra và “khôn” ra. Chúa chỉ chờ chúng ta “nên người” như thế, vì “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:8-9).
Và rồi cũng đến lúc điểm Giờ G. Người ta cứ đồn thổi ngày nọ, tháng kia sẽ tận thế. Đã rất nhiều lần như vậy, người ta đã từng nhốn nháo lo sợ sốt vó, nhưng rồi không thấy “động tĩnh” gì, người ta lại “vô tư”, cứ “xả láng” như chưa hề có chuyện gì. Thật lạ, các “tiên tri giả” cứ thay phiên nhau xuất hiện. Thế nhưng họ chỉ là những “thầy bói mù đoán mò”, chỉ là những kẻ yếu bóng vía, dốt hay nói chữ, muốn “chơi nổi” để tự tôn, chứng tỏ chẳng biết gì về Kinh Thánh. Chúa Giêsu đã nói rạch ròi: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:36). Và rồi nay lại thấy có tà giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (*). Đúng là… “chuyện động trời” mà!
Còn nữa, cái gọi là “Sứ Điệp Từ Trời” cũng chỉ lấy danh nghĩa Sự Thật mà nói những lời châm chọc, khích bác, không hề yêu thương như Chúa dạy. Thật buồn khi thấy một số người vẫn tin vào loại “sứ điệp” như vậy (sic!). Người Pháp thật chí lý khi thẳng thắn nói: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Đức tin rất cần lý trí lành mạnh để không ảo tưởng hoặc cuồng tín. Cuồng tín là phi đức tin, và biến thành mê tín. Thánh TS Tôma Aquinô nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”.
Thật là quái gở! Làm không lo làm mà cứ lo… rình mò. Sống không lo sống tốt mà cứ tìm cách phá đám, thọc gậy bánh xe, rồi khoác lác đủ thứ. Tin không lo tin mà cứ dị đoan. Thánh Phaolô cũng đã từng cảm thấy ái ngại nên ân cần nhắn nhủ: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1 Cr 7:29), và giải thích tường tận: “Từ nay, những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:30-31). Thật như thế chứ còn thật như thế nào nữa? Nghe mà vừa thấy “lạ” vừa thấy… rờn rợn, nhưng đó lại là sự thật minh nhiên và tuyệt đối!
Có mà như không, không mà lại có. Đó là điều kỳ lạ, ngay trong đời thường chúng ta cũng khả dĩ cảm nhận được như vậy. Nhưng ai tự quyết định sống như vậy mới là “cao thủ”, bởi vì đó là cách buông bỏ rất cần trong đời sống Kitô hữu, cách sống mà Chúa Giêsu luôn khuyến khích: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26; x. Mc 8:34-37; Lc 9:23-25).
Một hôm, khi đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vừa xác định vừa cảnh báo: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy SÁM HỐI và TIN vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Ngài thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển, Ngài bảo: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1:17). Hai anh em lập tức bỏ chài lưới mà đi theo Ngài. Sau đó, Ngài thấy hai anh em Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đang vá lưới ở trong thuyền, Ngài cũng gọi cả hai, và họ cũng bỏ cha mình ở lại trên thuyền mà đi theo Ngài.
Cả hai cặp tông đồ đầu tiên này đều có điểm chung là mau mắn “đi theo” ngay sau khi “được mời gọi”, nghĩa là họ không hề đắn đo, lần lữa, mà quyết định ngay. Đó là động thái rất quan trọng trong cuộc sống – cả đời và đạo, bởi vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9). Nhận biết Ý Chúa là điều không dễ, nhưng khả dĩ vui vẻ chấp nhận và hoàn toàn “xin vâng” thì lại càng khó hơn nhiều. Con người rất yếu đuối, nếu không có Chúa thì chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15:5), nói theo ngôn từ ngày nay là “BoTay.com”. Đúng thế thật!
Lạy Thiên Chúa, xin cứ lấy hết tự do và trí nhớ của con, cả sự hiểu biết và ý muốn của con, bởi vì tất cả những gì con có và sở hữu đều do Ngài cho phép con quản lý. Ngài đã ban cho con thì Ngài có quyền lấy lại (x. G 1:21). Mọi sự đều là của Ngài, xin Ngài sử dụng theo Thánh Ý Ngài. Xin thương ban cho con tình yêu và ân sủng của Ngài, vì như thế là đủ cho con rồi.
Lạy Đấng là Chân Lý, nếu con có gì lệch lạc, xin Ngài dập tắt ngay từ khi manh nha, xin dạy con biết đường lối của Chúa, xin giúp con quyết định đúng theo Thánh Ý Ngài và giúp con tuân hành trong suốt cuộc đời con. Xin cho bất kỳ ai gặp con thì cũng đều gặp được Ngài, và con cũng thực sự nhận thấy Ngài nơi họ. Con cũng chỉ xin Ngài như bổn mạng của con là Thánh Tôma Aquinô: “Con chỉ muốn Chúa mà thôi”. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại. Amen.
------------------------
(*) World Mission Society Church of God được thành lập bởi Ahnsahnghong (1918-1985) vào năm 1964. Ahnsahnghong (1918-1985, sinh tại Nam Hàn trong một gia đình có truyền thống Phật giáo). Sau khi qua đời, Ahnsahnghongđể lại quyền lãnh đạo giáo hội cho Zahng Gil-Jah (người vợ tâm linh, gọi là “Mẹ Thiên Thượng”) và Kim Joo-Cheol (Mục sư Hội Trưởng).
Trụ sở chính được đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi. Zahng cũng là Chủ tịch của Quỹ phúc lợi Cuộc Sống Mới (New Life Welfare) và Tổ chức quốc tế Chúng Tôi Yêu Bạn (We Love You).
Tà giáo này tuyên bố đã thành lập hơn 400 nhà thờ tại Hàn Quốc và 2.200 nhà thờ tại 150 quốc gia với gần 2 triệu tín hữu (tính đến tháng 4-2012). Tà giáo này đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 21. Tại TPHCM, sự xuất hiện của tà giáo này được ghi nhận lần đầu tiên vào khoảng năm 2007, riêng tại Hà Nội có lẽ nó đã bắt đầu hoạt động từ vài năm trước đó.
50. Hãy đến theo Tôi – Lm. Mark Link
Chủ đề: "Chẳng những Chúa Giêsu tạo nguồn hứng khởi cho ta, mà Ngài còn làm hơn thế nữa. Ngài có thể ngự vào trong tâm hồn ta để giúp ta thực hiện tiềm năng sung mãn nhất của mình"
Tháng chín năm 1862 cuộc Nam Bắc phân tranh của Hoa Kỳ đã dứt khoát nghiêng thế thuận lợi về cho quân đội phương Nam. Tinh thần quân đội phương Bắc rơi vào mức thấp nhất của cuộc chiến. Một số rất lớn các toán quân liên bang rút lui về Virginia. Các nhà lãnh đạo địa phương bắt đau lo sợ điều tệ hại nhất sắp xảy ra. Họ không còn phương cách nào để đảo ngược tình thế và biến những toán quân bị đánh te tua, kiệt sức trở thành một đạo quân hữu dụng trở lại.
Chỉ có một vị tướng có thể làm nên được phép lạ này. Đó là tướng Mc.Clellan. Ông đã huấn luyện binh lính chiến đấu, họ yêu qúi và khâm phục ông. Thế nhưng bộ quốc phòng đã không thấy điều này; cả đến nội các chính phủ cũng chả nhận thấy ngoại trừ một mình Tổng Thống Lincoln. May mắn thay, Lincoln đã phớt lờ những lời phản đối của các cố vấn và đặt Mc.Clellan trở lại vị trí chỉ huy. Lincoln ra lệnh cho ông xuống Virginia để tặng cho các binh sĩ ấy điều mà không người nào khac trên mặt đất có thể trao cho họ, đó là: Nhiệt tình, sức mạnh và Hy vọng. Mc.Clellan chấp nhận nhiệm vụ chỉ huy. Ông leo lên con ô mã to lớn và phóng xuống những nẻo đường cát bụi ở vùng Virginia.
Quả là khó giải thích điều xảy ra tiếp sau đó. Các lãnh tụ phương Bắc chẳng thể giải thích được. Các binh lính phương Bắc cũng chẳng thể giải thích được. Ngay cả Mc.Clellan cũng chẳng thể giải thích được. Mc.Clellan gặp các lực lượng Liên Bang đang rút quân. Ông giơ nón lên cao vẫy chào và hô lên những khẩu hiệu cổ xuý lòng can đảm. Nhìn thấy chủ tướng quí yêu, đám lính mệt mỏi bắt đầu bình tâm lại: Họ bắt đầu cảm giác một cách kỳ lạ rằng kể từ bây giờ mọi sự sẽ đổi khác. Và giờ đây mọi sự đều có thể ổn định trở lại.
Bây giờ chúng ta hãy xem Bruce Catton một sử gia danh tiếng viết về cuộc nội chiến đã mô tả nỗi phấn khích ngày càng gia tăng khi có tin Mc.Clellan lại trở về vị trí chỉ huy như sau: “Từ dặm này đến dặm nọ suốt con đường vùng Virginia những toán quân đi đứng chuệnh choạng bắt đầu hồi sinh, họ ném mũ nón, túi vải lên không trung và hò hét cho đến khi khan cả cổ… bởi vì họ đa nhìn thấy vị anh hùng lanh lợi nhỏ con ấy đang cỡi ngựa xuất hiện dưới ánh sáng sao màu tím. Một cách nào đó, đây chính là bước ngoặt của cuộc chiến… không ai có thể cắt nghĩa được điều ấy cho đầy đủ… (Trích trong cuốn this Hallowed Ground: vùng đất Thánh này)
Nhưng dẫu sao, đó chính là điều mà Lincoln và phương Bắc đang cần và lịch sử đã mãi mãi thay đổi nhờ điều ấy.
***
Câu chuyện về tứơng Mc.Clellan cho thấy rõ rệt người lãnh đạo ảnh hưởng đến tinh thần người dưới quyền mãnh liệt như thế nào.
Trong một thiên khảo luận, Ralph Waldo Êmrson ghi lại hàng chữ đáng nhớ sau đây: “Điều cần thiết chính yếu trong cuộc sống chính là gặp được một ai đó có khả năng giúp ta làm những gì ta có thể làm”. Và ai làm được điều ấy sẽ là một lãnh tụ vĩ đại. Chúng ta không thể tự mình làm bừng dậy cái khả năng tiềm tàng vĩ đại ẩn dấu bên trong mọi người chúng ta.
Hầu hết mọi người chúng ta giống như cái chai Aladdin nhặt được trên bờ biển. Mỗi người chúng ta đều có vị thần vĩ đại đang cư ngụ trong mình. Nhưng ông ta không thể tự mình bước ra ngoài và chúng ta cũng chẳng thả ông ta ra được. Chúng ta cần một anh chàng Aladdin đi đến khui nắp chai và giải phóng vị thần khổng lồ ấy dùm chúng ta. Và đó cũng chính là những gì Emerson đã cưu mang trong tâm trí ông. Ngay sau khi nói câu; “Điều cần thiết chính yếu trong cuộc sống là gặp được một ai đó có khả năng giúp ta làm những gì ta có thể làm”. Ông liền thêm: “và đây chính là công việc của một người bạn”, còn tôi thì lại muốn thêm vào: “Đấy cũng là công việc của Đức Giêsu Kitô”
Không nơi nào trình bày cho chúng ta điều này rõ hơn trong Phúc Âm. Và cũng không câu chuyện Phúc Âm nào chỉ cho ta điều này rõ hơn bài đọc hôm nay. Nó giúp ta hiểu được điều Napoléon đã từng nói về năng lực của ông là có thể tạo ra một điều gì đó nơi tâm hồn các thuộc hạ của ông. Napoléon nói:
“Chỉ cần nhìn ánh sáng nơi mắt tôi, nghe âm giọng tôi và chỉ cần nghe một lời từ miệng tôi, thì lập tức ngọn lửa linh thiêng bừng cháy lên trong lòng họ thưc sự, tôi đã nắm được bí quyết của một năng lực ma thuật có thể lay chuyển tâm hồn kẻ khác”. Quả thế, Napoléon đã chiếm hữu được quyền năng ấy, và chính ông ta chú thích thêm trong cùng một đoạn văn trên như sau: “Đức Kitô cũng có được quyền năng này nhưng ở một cấp độ vô cùng to lớn hơn’.
Nơi Chúa Giêsu, có gì khiến Ngài khác biệt với những lãnh tụ khác vậy? câu trả lời thật đơn giản.
Tất cả lãnh tụ khác chỉ có thể ảnh hưởng trên ta, gây cho ta niềm phấn khích, tuy nhiên ảnh hưởng họ gây ra trên ta chỉ thuần về mặt tâm lý. Còn ảnh hưởng Đức Giêsu gây ra trên ta không chỉ mang tính cách tâm lý và còn gồm cả tính mầu nhiệm nữa. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là các lãnh tụ khác có thể hâm nóng nhiệt tình của chúng ta, có thể khích động chúng ta, có thể khơi dậy niềm xúc cảm của ta, kích thích trí tưởng tượng của ta nhưng họ không thể ban cho ta tinh thần của họ được; họ không thể chia sẻ cho chúng ta năng lực và sức mạnh riêng của họ được; nếu có sự thay đổi xảy ra nơi những người theo họ, thì chắc hẳn sự thay đổi đó là do nơi nguồn lực và sự gắng sức của đám người theo họ ấy.
Trong trừơng hợp Đức Giêsu, tất cả mọi điều này thực khác hẳn. Đức Giêsu có thể đặt tinh thần Ngài trong chúng ta. Ngài có thể chia sẻ quyền năng riêng của Ngài với chúng ta. Ngài có thể bước vào trong tâm trí ta để gíup ta làm được điều mà tự sức riêng ta không thể nào làm được một mình. Chỉ cần ta mở rộng lòng trí cho Ngài thì Đức Kitô sẽ bứơc vào trong cuộc đời của ta và Ngài sẽ làm tất cả những gì tiếp theo sau đó.
Như thế chúng ta bước sang điểm cuối cùng và cũng là điểm trọng yếu nhất đối với chúng ta.
Chỉ cần điều duy nhất mà Chúa Giêsu không thể làm được cho chúng ta đó là Ngài không thể cởi mở tâm hồn chúng ta ra nếu chúng ta không muốn. Ngài có thể làm tất cả mọi điều khác ngoại trừ điều này, bởi vì chúng ta nắm giữ chìa khoá cửa ngõ tâm hồn chúng ta trong cuộc sống mình. Và điều này dẫn chúng ta trở lại với bài Phúc Âm hôm nay.
Bài Phúc Âm hôm nay chỉ cho ta cách thức mở ngỏ lòng ra để Chúa Giêsu bước vào; đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá chúng ta phải trả nếu chúng ta muốn làm được điều này. Chúng ta phải thực hành những gì các tông đồ đã làm, chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận cái giá các ngài đã phải trả, chúng ta phải sẵn lòng thiêu huỷ mọi chiếc cầu phía sau chúng ta để bước theo Chúa Giêsu bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn đi.
Nếu chúng ta quyết định làm điều cac tông đồ đã làm, nếu chúng ta quyết định liều bỏ mọi sự vì Chúa Giêsu thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho các vị ấy. Ngài sẽ biến chúng ta nên những thành viên chia sẻ công việc của Ngài, và ban cho đời sống chúng ta một ý nghĩa mới vượt quá mọi niềm ước mơ vĩ đại nhất của chúng ta.
Để kết thúc, chúng ta hãy dùng bài suy niệm thú vị của Edward Farrell trong tập sách của ông nhan đề; “Kinh ngạc bởi Thánh Linh” (Surprised by Spirit).
“Người đang đi dọc bờ biển lung linh sáng, Người là ai? người là ai – trông sáng ngời kinh khiếp – đang nhìn chúng tôi bằng đôi mắt mòn mỏi, đôi mắt như tìm kiếm chính linh hồn chúng tôi?
“Người là ai mà thay được tư tưởng, đọc được tâm hồn sâu kín của chúng tôi bằng ánh mắt yêu thương, thông suốt, như muốn nói rằng: Ta chẳng muốn gì cả ngoài bản thân của bạn”
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam