Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1370297

Chúa Giêsu Là Đấng Mesia Chịu Khổ

Chúa Giêsu Là Đấng Mesia Chịu Khổ

* 1. Nét độc đáo của Chúa chúng ta

Tín đồ tôn giáo nào cũng hãnh diện và tôn sùng vị Thần của đạo mình, vì vị Thần ấy có uy quyền mạnh mẽ, có hào quang chói ngời, có địa vị chí tôn. Nói chung, đối với các vị Thần của các tôn giáo, thái độ của các tín đồ là "kính nhi viễn chi".

Nhưng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta thì đặc biệt hơn cả: Ngài cũng uy quyền, vinh quang và cao cả, nhưng Ngài còn mang vào Ngài thân phận hèn hạ của chúng ta, hơn nữa Ngài còn chịu đau khổ với chúng ta và vì chúng ta để cứu chúng ta.

* 2. "Người ta nghĩ tôi là ai?"

Câu hỏi trên đã ảnh hưởng rất mạnh trên cách sống của nhiều người. Họ cố gắng sống làm sao để được dư luận khen ngợi mình là người giỏi, người tốt.

Phần Chúa Giêsu, tuy Ngài cũng hỏi các môn đệ câu hỏi đó, nhưng không phải để biết dư luận rồi chìu theo dư luận. Cách chung dư luận nghĩ Ngài là một ngôn sứ. Phêrô thì nghĩ Ngài là Đấng Messia Con Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu thích dư luận đó thì Ngài sẽ tích cực thi thố quyền phép để dư luận càng ca tụng mình. Nhưng Ngài không chìu theo dư luận. Ngược lại Ngài muốn dư luận biết đúng về Ngài: Messia thật đấy nhưng là một Messia chịu đau khổ.

Phần chúng ta, chúng ta cũng nên tự hỏi "Người ta nghĩ tôi là ai?" Hỏi như thế để biết dư luận. Nhưng biết không phải để chìu theo mà biết để điều chỉnh cách sống của mình theo đúng lý tưởng của mình. Nếu dư luận chưa nhận ra tôi là môn đệ Đức Kitô thì quả là vì tôi đã không sống đúng lý tưởng của mình ("Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau"). Cho nên tôi phải thay đổi cách sống. Còn nếu dư luận đã nhận biết tôi là môn đệ Đức Kitô thì tôi vui mừng và tiếp tục cố gắng để ngày càng giống hình ảnh người môn đệ Đức Kitô hơn.

* 3. "Ai muốn theo Ta..."

Nếu câu hỏi của Chúa Giêsu chỉ có bao nhiêu chữ thế thôi, thì tất cả chúng ta, những người đã rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: "Con muốn... Con muốn theo Chúa".

Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo", thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời "Con muốn" sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhiều người gia nhập Kitô giáo để kiếm lợi, như để được ơn Chúa phù hộ cho sống bình an, để làm ăn phát đạt, hay để được Giáo Hội hỗ trợ nhiều mặt.

Nhiều người tưởng rằng mình "đi theo" Chúa, chứ thực ra là muốn Chúa "đi theo" mình và luôn ở bên cạnh để giúp đỡ mình.

Nhiều người tưởng đã đi theo Chúa nhưng không bao giờ "từ bỏ" chính mình, và rất sợ phải "vác thập giá mình hàng ngày mà theo"

* 4. Nghịch lý

Nghịch lý là điều thoạt xem có vẻ phi lý nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy rất hợp lý. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói về 2 nghịch lý:

a/ Nghịch lý giữa mất và được

Theo khuynh hướng tự nhiên thì ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng nghịch lý thay, nhiều khi vì "được" mà phải "mất": Thí dụ trong một vụ tranh cãi, bạn cố gắng dùng đủ mọi mưu mô để cãi cho bằng được, kết quả là bạn thắng một vụ cãi nhưng mất tình nghĩa bạn bè, anh em và có khi cả cha con; trái lại nhiều khi nhờ "mất" mà lại "được": Thí dụ thánh Anphongsô là một luật sư nổi tiếng. Một lần kia ngài nhận biện hộ cho một vụ kiện lớn, ngài bị thua. Thất bại ê chề hôm đó đã giúp ngài nhận thức rằng danh vọng thế gian chỉ là giả trá, ngài đi tìm một lẽ sống khác và đã trở thành một vị thánh.

b/ Nghịch lý giữa chết và sống

Chết và sống không hẳn là 2 điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau: sự chết nuôi sự sống và sự sống sống được là nhờ sự chết. Vài thí dụ:

  • Nơi thực vật: những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới thành chất bổ dưỡng cho cây.
  • Nơi sinh vật: các thức ăn phải "tiêu" mới "hóa" thành lương thực.
  • Ngọn nến: sáp nến phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên.

* 5. Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai?

Cô Ann Thomas kể lại câu chuyện sau đây: Hôm đó, cô và Betty ghé vào một sạp bán đồ cũ. Ann vừa lôi ra một khay đồ linh tinh, Betty bước tới hỏi:
- Có đồ gì đáng giá không?

Ann trả lời:
- Không, toàn là đồ năm vố thôi.

Đoạn cô bước sang bên cạnh nhường cho Betty vào xem. Betty chăm chú nhìn vào đống lặt vặt, nhặt lên một cây thập giá cũ han gỉ và nói:
- Thật khó mà tin được. Tôi đã tìm được đồ quí: cây thánh giá này làm bằng chất bạc xưa.

Cô bạn của Ann đem về nhà lau chùi và đánh bóng cây thập giá. Đây quả là một vật quí.

Về sau, đứa con trai bảy tuổi của Betty tên Bobby cầm cây thập giá lên ngắm nghía hồi lâu. Bỗng nhiên cậu bé oà lên khóc. Betty liền hỏi:
- Con sao vậy?

Bobby nói:
- Con không cầm lòng được khi thấy Chúa Giêsu bị treo trên thập giá.

Ba người nhìn vào cây thập giá, có ba thái độ khác nhau: một người dửng dưng cho là đồ ve chai, người khác thích thú vì khám phá ra vật quí, còn người khác nữa lại xúc động rơi lệ vì nhận ra Chúa Giêsu chịu đau đớn trên thập giá.

Tin Mừng hôm nay kể, Chúa Giêsu bất thần hỏi các môn đệ: "Đám đông nói Thầy là ai?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gian Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Nhưng Chúa lại muốn biết suy nghĩ của chính ho ï: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Và chỉ một mình Phêrô mau mắn, đầy xác tín thưa: "Thầy là đấng Kitô của Thiên Chúa" (TP)

6. Trở thành chính mình

Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ "Người ta nghĩ Thầy là ai", Ngài không hỏi thế vì Ngài bởi vì Ngài đã biết rõ Ngài là ai rồi. Ngài hỏi thế là vì các môn đệ, Ngài tạo dịp cho họ suy nghĩ chín chắn về bản thân Ngài.

Một số người thèm khát được người ta chấp nhận. Có lẽ vì trước đó họ thường bị người khác không để ý, không đánh giá cao hoặc chê bai nên họ đâm ra nghi ngờ chính bản thân mình và nay họ tìm kiếm sự nhìn nhận của người khác. Người nào càng thiếu tự tin và ít thành đạt thì người ấy càng cần xác định căn tính của mình trong một nhóm hoặc một tầng lớp xã hội đang thành đạt.

Chúng ta cần phải hiểu rõ sự thật mình là thế nào và chấp nhận sự thật ấy. Một khi đã hiểu mình và chấp nhận sự thật của mình rồi thì mình không cần tô vẽ về mình hay mua chuộc sự khen ngợi của người khác nữa. Dù người ta không hiểu, không khen ngợi, thậm chí chê bai phê phán, mình cũng luôn vững vàng. Bởi vì giá trị của mình không phải do lời khen chê của người khác, mà do chính sự thật của mình.

Tuy nhiên, đôi khi ta cũng phải tìm hiểu xem người khác nghĩ sao về mình, để nếu người ta nghĩ đúng thì ta có thể dựa vào đó mà sửa mình. Alfred Nobel là một kỹ nghệ gia giàu có và nổi tiếng. Chính ông là người đã chế tạo ra cốt mìn. Dù giàu có và nổi tiếng như thế nhưng đời ông không hạnh phúc, ông luôn nhìn đời một cách bi quan. Một ngày kia, do một sự hiểu lầm, người ta tưởng ông chết nên báo chí đã loan tin ấy và còn viết bài nhận định về sự nghiệp của ông. Sáng hôm đó Alfred Nobel vừa thức dậy đọc được bài báo ấy và giật mình. Điều làm ông giật mình nhất là người ta đã coi ông là "ông vua cốt mìn". Ông nghĩ: mình đã sống thế nào, đã làm gì khiến cho người ta chỉ nhớ về ông như là người chế tạo ra cái công cụ giết người khủng khiếp ấy. Thế là ông quyết định dùng tài sản kết sù của mình để xây dựng thế giới. Ông đặt ra giải thưởng mang tên Nobel, trao cho những ai có đóng góp nổi bật về các lãnh vực vật lý, hóa học, y khoa, văn chương và hòa bình. Alfred Nobel muốn lịch sử sẽ ghi nhớ ông như một người cổ vũ cho hòa bình thế giới chứ không phải là một "ông vua cốt mìn". (FM)

7. Chuyện minh họa

a/ Thế nào là anh hùng?

Cuốn phim The Superman (siêu nhân) rất nổi tiếng. Sau khi đóng thành công vai chính trong phim này, diễn viên điện ảnh Christopher Reeve đã được rất nhiều người phỏng vấn. Câu mà anh thường được hỏi nhất là "Theo anh nghĩ, thế nào là một vị anh hùng?" Anh đã trả lời rất nhanh: Anh hùng là người có sức mạnh, có mưu trí và có lòng can đảm. Nhờ những đức tính đó, người anh hùng luôn chiến thắng trong những cuộc đụng độ với các kẻ thù.

Thế rồi, một biến cố đặc biệt xảy đến với anh: tháng 5 năm 1995 anh bị té ngựa và từ đó về sau bị bại liệt từ cổ trở xuống. Từ đó trở đi, cuộc sống của anh rất khó khăn và khổ sở đến nỗi nhiều khi anh không muốn sống nữa. Tuy nhiên anh cũng cố gắng sống. Và anh đã có một suy nghĩ khác hẳn về người anh hùng: anh hùng là người luôn tìm được sức mạnh để vượt qua tất cả những khó khăn chướng ngại trong đời thường.

b/ Vác thập giá mình

Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng: "Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tùy thích. " Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vất cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được: cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng sù sì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá. . . Và rồi đêm nào cũng thế. . cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào! (Trích "Phúc")

home Mục lục Lưu trữ