Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1371230

CHÚA GIÊSU MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Lành

(Suy niệm của Lm. Barnaba Lê An Phong, SDB)

 

Từ Phúc Âm của Thánh Gioan, chúng ta nghe lại lời của Chúa Giêsu về Mục Tử Nhân Lành trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó, đặc biệt là nhóm Pharisêu. Sau khi xác nhận những khác biệt cơ bản giữa các mục tử that và mục tử giả hiệu (Ga 10, 1-18), Chúa Giêsu đã tuyên bố những yếu tố quan trọng mối quan hệ giữa người tin vào Người và bản thân Người, giữa người chăn chiên tốt lành với đàn chiên của mình. Chúng ta suy niệm với nhau hai điểm sau đây.

Về người chăn chiên

– “Chiên của tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” Biết là động từ diễn đạt cho chúng ta hay về hoạt động của lý trí, của việc nắm bắt một thực tại. Mục Tử Nhân Lành biết đàn chiên của mình. Người không chỉ biết số lượng (100 con), biết tính toán (99 con tốt và 01 con lạc đàn). Ngài còn nhận biết chiên của mình, cả con tốt lành, ngoan hiền lẫn con làm loạn, hư đốn; biết những con đau yếu và cả những con mạnh khỏe.

Là một mục tử tốt lành, Chúa Giêsu còn biết nhiều hơn cùng với việc “lắng nghe” và “dõi theo” đàn chiên; nhưng việc nhận thức ấy không là “kiến thức thực tế” theo kiểu của một giám sát viên đang theo dõi một hoạt động xây dựng, của một công an đang theo người phạm luật giao thông, của một thẩm phán đang xét xử. Chúa Giêsu – Mục tử nhân lành biết đến chiên của mình như một người có sự dịu dàng của mot người mẹ khi bà dành cho cậu con trai nhỏ của mình sự nâng đỡ hướng dẫn, chăm sóc; và giống như của một người cha đã nhìn thấy trước và chuẩn bị tương lai cho những đứa con của mình, khi ông biết sức lực và tài năng, biet cả những cố gắng, những thành công và những thất bại của chúng… Đây là “kiến thức của cõi lòng” (sapientia cordis) của người chăn chiên tốt biết đàn chiên và từng con chiên của mình.

– “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, chúng sẽ không bị hư mất mãi mãi và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Mục tử nhân lành đã khẳng định một sự thật tuyệt đối: Người sẽ sử dụng tất cả sức mạnh của mình để giữ an toàn cho con chiên của mình.

Nhưng với sức mạnh nào mà Chúa Giêsu Mục tử nhân lành giữ lấy chiên của mình? Vị Mục tử Nhân lành yêu thương và đối xử tốt lành với từng con. Sợi dây làm hàng rào nơi ràn chiên và giữ chúng lại trong đàn là tình yêu thương và sự quan tâm, là việc hy sinh bản thân mình cho cuộc sống của đàn chiên bằng cách chết trên thập tự giá. Và đây chính là sức mạnh của Mục tử nhân lành, cũng là sức mạnh của Thiên Chúa Cha, bởi vì “Tôi và Chúa Cha là một”.Và Người làm điều hy sinh lớn lao đó không chỉ cho bản thân mình, nhưng làm như vậy vì Thiên Chúa, nhân danh Chúa Cha và với tất cả thẩm quyền của Chúa Cha.

– “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời và sẽ không bị hư mất mãi mãi”. Đây là công việc và tất cả kết quả trong tay của Mục tử nhân lành. Việc bảo vệ và hướng dẫn đàn chiên là hành động nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho đàn chiên. Đó là một cái gì đặc biệt, nhiều hơn, cao hơn, sâu hơn so với những gì thuộc thế giới này mà vị mục tử nhân lành muốn làm cho đàn chiên – sự sống đời đời. Đó phải đích đến cho một thế giới khác, là sự sống nơi Thiên Chúa và Vương quốc tình yêu của Ngài.

Về đàn chiên

– “Chiên của tôi nghe tiếng tôi”. Lời Chúa như muốn chúng ta tự vấn: Mỗi người Kitô hữu luôn luôn là người biết lắng nghe? Đâu là lời mà họ muốn nghe từ chủ chăn của mình?

Lắng nghe phải là một thái độ đón nhận vàchuyển hoá lời đó qua hành động. Đối với chúng ta, Chúa Chiên Lành được coi là Thầy dạy căn bản và đầu tiên. Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và Lời của Người đồng thời cũng là điều cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Trong Ngài, đàn chiên còn được nghe lời yêu thươngvà từ ái của một Thiên Chúa – Đấng giàu lòng xót thương.

– “Tôi biết chúng và chúng biết tôi”: Như đàn chiên thuộc về Đức Kitô, chúng ta biết gì về Mục tư của mình? Bước theo Mục Tử Nhân Lành, chúng ta phải đi theo một cuộc hành trình: Thông qua Bí tích rửa tội, mỗi con chiên có thể bước đi bằng đức tin của mình với Chúa Giêsu; nhưng đích đến của cuộc hành trình vẫn còn xa. Sống trong đàn chiên là Giáo Hội và từng bước, từng bước trong đời sống hằng ngày, người kitô hữu phải tiến về phía trước theo lời mời gọi của Mục tử -Đấng yêu thương họ: Đó là sống theo Tin mừng, tập luyện đời sống nhân đức và luôn bước đi trên con đường ngay chính, hướng về sự thiện hảo là chính Thiên Chúa, không tách mình ra khỏi đàn chiên, không rẽ ngang bước tắt trên đường đi vì những đam mê và tính toán và lợi ích của riêng mình…

Trong ngày lễ Chúa Chiên lành, chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử và cầu nguyện cho ơn gọi.

Những lời nói của Chúa Giêsu đã từng gây sốc cho người Pharisêu, bởi vì đôi tai và trái tim mục tử của họ đã khô cứng theo mô hình trong Cựu Ước. Khi mà vị trí của họ được coi là thầy dạy quan trọng và nắm trong tay quyền lực mạnh mẽ thì họ đã không muốn thay đổi, không muốn yêu thương, cũng như không muốn nhìn thấy sự hiện diện đầy yêu thương của vị Mục tử là chính Đấng Cứu thế. Lời cảnh cáo của Đức Giêsu Mục tử tiếp tục gây sốc cho nhiều mục tử của Giáo Hội ngày nay, trong công việc mà thường được gọi là “mục vụ”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho điều nay: Cầu cho các mục tử ai ai cũng biết sứ vụ quan trọng của mình, nhận biết đàn chiên và từng con chiên, biết sử dụng sức mạnh của tình yêu thương và sự hy sinh để canh giữ đàn chiên, và biết quan tâm hơn cho sự sống đời đời của đàn chiên.

 

 

 

 

 

37. Mục tử nhân lành.

 

Suy Niệm

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestine. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Đức Giêsu tự ví mình như người mục tử.

Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

Hội Thánh là đoàn chiên của Đức Giêsu Kitô.

Giữa Ngài và từng con chiên, có mối dây gắn bó. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Cha biết tôi và tôi biết Cha.

Đây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều.

Chiên không phải là một con vật ngờ nghệch, thụ động. Chiên là hình ảnh của một ngôi vị tự do.

Vị Mục Tử gọi tên từng con bằng giọng quen thuộc. Chiên nghe tiếng của Ngài và đi theo.

Như thế giữa Mục Tử và đoàn chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa, nhận ra nhau dễ dàng, và một sự trân trọng quý mến nhau đặc biệt.

Sau Phục Sinh, Đức Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt và chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Sứ mạng này bắt nguồn từ một tình yêu.

Yêu mến Ngài dẫn đến yêu mến đoàn chiên Ngài. Đức Giêsu là Mục Tử tối cao và gương mẫu.

Mọi mục tử khác chỉ là phụ tá giúp chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Mọi mục tử phải noi gương Ngài, dám chết để cho chiên được sống.

Hội Thánh dành Chúa Nhật hôm nay để cầu cho ơn thiên triệu.

Chúa Giêsu vẫn cần những người tiếp nối công việc của Ngài, để lo cho đoàn chiên trên thế giới.

Các bạn trẻ khi lớn lên thường lập gia đình. Điều đó thật là tốt đẹp.

Nhưng Chúa Giêsu vẫn muốn một số bạn trẻ ở bên Ngài cách đặc biệt để được Ngài sai đi.

Họ chấp nhận hy sinh quyền được lập một tổ ấm, để có thể yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn.

Tiếng gọi của Chúa vẫn vang lên ở ngay nơi lời nài xin của con người. Những người đói khát Lời Chúa, đói khát tình thương,

đói khát bánh ăn, đói khát ý nghĩa cuộc sống. Khước từ tiếng kêu của con người là khước từ tiếng Chúa.

Chúa Giêsu mời các bạn trẻ nhìn thấy đám đông bơ vơ. Những người bệnh hoạn tật nguyền, những trẻ em đường phố, những người lầm lỡ, tự đặt mình ở bên lề xã hội… Thấy họ bằng trái tim và để cho tim mình đáp trả.

Tạ ơn Chúa đã cho Hội Thánh 408.024 linh mục (Niên giám Toà Thánh năm 2007)

Nhưng đồng lúa chín vàng vẫn cần nhiều thợ gặt, tận tụy hơn, thanh khiết hơn, vô vị lợi hơn.

Có thể chính bạn được Chúa bất ngờ mời gọi để đứng trong đội ngũ những người phục vụ đó!

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn nghĩ gì về cuộc sống của các linh mục và tu sĩ ở vùng bạn sống? Các vị ấy đã làm gì và còn phải làm gì cho dân Chúa?

Theo ý bạn, cuộc sống thực dụng hôm nay có làm cho ít người muốn đi tu không? Đi tu có phải là làm một việc khác thường hay bất thường không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng, một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người, nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện, có tình bạn thân thiết với Chúa để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện, có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho, tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa, say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

 

 

 

 

 

38. Rao giảng Đức Giêsu đã phục sinh

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)

 

Các tông đồ là những người đã được thấy và đụng chạm vào Đức Giêsu Phục Sinh. Vì thế, sứ mạng của các tông đồ là làm chứng điều mắt các ngài đã thấy và tai các ngài đã nghe: Đức Giêsu đã phục sinh. Chỉ nhờ Đức Giêsu phục sinh mà tất cả con người đươc cứu độ.

1. Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết

Hôm nay, qua dịp chữa lành người tàn tật và rồi bị tra hỏi, Phêrô có dịp rao giảng tin mừng Đức Giêsu phục sinh trước mặt những người lãnh đạo dân Do Thái. Phêrô nói: “Xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nazaret, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4,10). Phêrô không chủ ý kết tội những người đóng đinh Đức Giêsu, nhưng ngài xác định rõ Đức Giêsu là Đấng chính các vị lãnh đạo dân đã đóng đinh Ngài.

Phêrô còn rao giảng: “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhờ danh đó mà tất cả chúng ta được cứu độ” (Cv 4,12). Theo lời rao giảng của Phêrô, Đức Giesu là người của Thiên Chúa; và Thiên Chúa đã dùng Ngài là phương tiện duy nhất cứu độ con người. Từ ngữ “phương tiện cứu độ duy nhất” ở đây có thể được hiểu theo nghĩa, nếu có một phương tiện cứu độ nào đó, thì vẫn nhơ và qua Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, phải chăng chỉ vì Thiên Chúa muốn vậy? Phải chăng Đức Giêsu cũng chỉ là một người như bao người khác, như bao trung gian khác, hay nơi Đức Giêsu còn có điều gì khac? Thiên Chúa muốn Đức Giêsu là trung gian cứu độ duy nhất, vì Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa.

2. Đức Giêsu là mục tử tốt lành

Đức Giêsu yêu thương con người. Ngài dung hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái để diễn tả tình yêu và sự quan tâm của Ngài đối với con người. Ngài như một mục tử chăn chiên, Ngài muốn con người sống an lành và triển nở, như một mục tử tốt lành bảo ve chiên khỏi nguy hiểm và chăn dắt để chiên được no đủ. Đức Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh và nhiều cách để diễn tả tình yêu của Ngài đối với con người. Hình ảnh cây nho cành nho cũng là một hình ảnh rất thân thương được dùng để diễn tả tương quan giữa Đức Giêsu và con người.

Người chăn chiên tốt, là người dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (Ga 10,11); Đức Giêsu là người đã hiến mạng sống vì bạn hữu (Ga 15,13). Bí tích Thánh Thể diễn tả cách thật đặc biệt tình yêu của Đức Giêsu đối với con người. Đức Giêsu yêu con người đến độ dám chết cho con người, dám hy sinh tất cả để con người được sống. Đức Giêsu là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa cho con ngươi.

Thiên Chúa yêu thương con người một cách đặc biệt qua Đức Giêsu. Ngày nay Thiên Chúa vẫn dùng nhiều người như dấu chỉ Ngài hiện diện và yêu thương con người hiện tại. Trong Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, Giáo Hội cho tín hưu nghe bài phúc âm về Chúa Chiên Lành; và Giáo Hội cầu nguyện đặc biệt cho ơn thiên triệu tu sĩ và linh mục. Xin Chúa tiếp tục khơi dậy và đánh động, để ngày nay có nhiều người quảng đại dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua việc phục vụ anh em mình.

3. Chúng ta là con Thiên Chúa

Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng và sinh ra qua cha mẹ mình. Một khi người cha người mẹ sinh ra con, cho dù người con đó chấp nhận hay phủ nhận, kính trọng hay khinh thường, thì cha mẹ người đó vẫn là cha mẹ người đó; vì thế, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, cho dù người đó có biết hay không, có chấp nhận hay không, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, của Kitô hữu và của cả những người đang theo bất kỳ một tôn giáo nào.

Nếu vậy, Đức Giêsu Phục Sinh thêm gì cho hiểu biết và tương quan giữa con người và Thiên Chúa? Một khi người ta nhận ra chân tướng của Đức Giêsu, người ta sẽ nhận ra tương quan rất đặc biệt của Thiên Chúa đối với con người. Nếu Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, hẳn Thiên Chúa phải yêu thương con người vô cùng nên Ngài mới cho Con Ngài nhập thể làm người. Con người không phải là tạo vật tầm thường, nhưng con người là một giá trị tuyệt vời đối với Thiên Chúa, chính vì thế Lời Thiên Chúa mới nhập thể làm người. Cái chết ô nhục của Đức Giêsu trên thập giá, làm người ta còn hiểu hơn tình yêu cua Thiên Chúa đối với con người. Con người là gì, mà Thiên Chúa đã cam chịu để con người hành hạ Con của Ngài như vậy!

Chính Đức Giêsu, theo tin mừng Yoan, cũng khẳng định Thiên Chúa yêu thương con người như yêu chính Ngài (Ga 17,23.20). Và chính Đức Giêsu cũng khẳng định Ngài yêu thương con người như Thiên Chúa yêu thương Ngài (Ga 15,9). Một người có thể là con nhưng không được yêu thương, chẳng hạn có những người cha người mẹ bỏ con mình. Qua và nhờ Đức Giêsu, con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Thiên Chúa yêu thương con người như yêu thương Đức Giêsu, Con Một Yêu Dấu của Ngài. Đức Giêsu là Đấng mặc khải Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao các tông đồ lại rao giảng Đức Giêsu đã phục sinh?

2. Đức Giêsu phục sinh, điều này có đủ để chứng minh Ngài là Thiên Chúa không? Tại sao?

3. Thiên Chúa tạo dựng con người, điều này đủ để chứng tỏ con người là con Thiên Chúa. Vậy Đức Giêsu mang gì thêm cho khẳng định “chúng ta là con Thiên Chúa”?

 

 

 

 

 

39. Những con đường hy vọng – Rolland Dionne.

 

Xưa kia, người ta đã cầu nguyện cho các ơn gọi, và lúc ấy môi trường Kitô thuận lợi cho các ơn gọi. Cha mẹ hãnh diện dâng con cái cho Chúa. Sự trung thành không bị nghi ngờ, người ta dễ dấn thân trọn đời. Không thiếu cách tuyên truyền để khơi dậy các ơn gọi. Ngày nay, người ta ít cầu cho ơn gọi hơn. Ơn gọi rất hiem hoi. Các gia đình có ít con cái hơn. Những năm về sau này, nhiều trường hợp bỏ đời tu đã gây nên nghi ngờ đối với khả năng có thể triển nở trong việc phục vụ Chúa. Có bao nhiêu lý do giải thích sự thiếu hăng hái trong việc chiêu sinh.

Đâu là điều gì chúng ta phải quan tâm suy nghĩ trong ngày Chúa nhật cầu cho ơn gọi này? Đâu là những đường hướng cho tương lai? Người ta còn tin vào ơn gọi nữa không?

Đón tiếp giới trẻ.

Chúng ta đều biết đen những vấn đề của các thế hệ. Ta biết tất cả những nỗi khó khăn mà giới trẻ gặp trong việc tìm chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, ta cũng biết rằng tương lai của Giáo Hội là giới trẻ. Đó là một giới trẻ còn có khả năng sống quảng đại và dấn thân, nhưng đòi hỏi ta phải tin tưởng nơi họ. Trong các chuyến viếng thăm của Ngài, Đức Giáo Hoàng đã cho chúng ta một gương mẫu về sự tin tưởng nơi giới trẻ. Người lắng nghe họ. Ngài nói với họ: “Các bạn là Giáo Hội… Các bạn có chỗ đứng của các bạn trong Giáo Hội… Đừng chờ người ta cho bạn chỗ đứng ấy. Hãy nắm lấy nó…” Không đón tiếp giới trẻ như thế, làm sao có ơn gọi được?

Chứng tá của những người lớn.

Tư vài năm nay, chứng tá đó mất đi giá trị bởi nhiều vụ cởi áo ra đi trong Giáo Hội của chúng ta. Giới trẻ đã trở thành người đa nghi. Ai lại liều mình dấn thân vào một cuộc sống không có hạnh phúc hoặc khó thể hiện chính mình.

Cách đây hai năm, một giám mục thành thật thú nhận với một vị khách rằng điều đã ảnh hưởng nhất đến các chủng sinh trẻ trong sự lựa chọn của họ, chính là niềm hạnh phúc giãi tỏa ra nơi cuộc sống của các linh mục cao niên. Một cuộc sống như thế vẫn là cách quảng cáo tốt nhất cho ơn gọi làm linh mục. Kẻ vui thích trong một bậc sống sẽ làm cho kẻ khác ưa thích bậc sống ấy.

Đồng hành với giới trẻ.

Ngày xưa người ta săn sóc giới trẻ như một cây non. Người ta chăm nom cho sự phát triển của họ. Người ta ân cần lo toan cho họ. Họ lớn lên về sức lực và vẻ đẹp. Ngày nay, có bao nhiêu người trẻ sống trong cô đơn và trong những gia đình thiếu vắng tình thương, họ gần như cây thiếu nước và không khí, họ èo uột. Việc đồng hành với giới trẻ trở nên cần thiết. Họ cần gặp Chúa nơi một người đồng hành.

Tin vào những tiếng gọi của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu tiếp tục gọi. Những lời mời gọi của Ngài cũng vẫn quyến rũ và đầy hứa hẹn cho tương lai. Chúng ta có quan tâm đủ để trình bày cho giới trẻ tương lai được chứa đựng trong những câu đáp đẹp đẽ của những kẻ Ngài đã gọi không? Câu đáp trả của Phêrô và Andrê em ông: “Và tức khắc, bỏ lưới, họ đi theo Ngài” (Mt 4,20). Câu đáp của Lêvi, người thu thuế: “Từ bỏ mọi sự, ông đứng dậy và theo Ngài” (Lc 5,28).

Chúng ta có trách nhiệm giới thiệu cho giới trẻ kinh nghiệm về Thiên Chúa. Lời mời gọi này đã thu hút bao nhiêu người nam, người nữ vẫn còn có thể lôi cuốn giới trẻ.

Tin tưởng vào việc cầu nguyện.

Việc cầu nguyện xem ra như là ít được thực hiện hơn xưa kia: “Hãy xin thì sẽ được”. Có lẽ tất cả những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đã trải qua và những nẻo đường mới mẻ mà người ta phải tìm kiếm đều làm cho chúng ta quên cầu nguyện cho ơn gọi. Chúa nhật cầu nguyện cho ơn gọi nhắc nhở chúng ta về công việc cấp bách này.

 

 

 

 

 

40. Mục tử đích thực

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

 

Có lẽ chúng ta quá quen với câu: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” [Tv 22 (23):1]. Câu này diễn tả sự an tâm thanh thản, thế nhưng chúng ta có thực sự thấy an tâm?

Dù chúng ta chỉ là những con chiên lạc, chiên ghẻ, chiên quậy phá, chiên bướng bỉnh,… (x. Lc 15:4-7), nhưng Thiên Chúa quá đỗi yêu thương chúng ta và muốn chúng ta đồng hưởng vĩnh phúc với Ngài: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Ngài sai Con Một đến thế gian không để luận phạt mà để giải thoát chúng ta: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3:17). Ngài “không lên án” cũng đủ hạnh phúc đối với chúng ta rồi, thế mà Ngài còn muốn chúng ta “được cứu độ”. Hạnh phúc của chúng ta được nhân đôi. Đó là điều tích cực nơi Thiên Chúa.

Sách Công vụ Tông đồ kể: Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: “Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị” (Cv 4:8-10). Các tông đồ đã nhân danh Đức Kitô chữa lành bệnh tật cho người khác, điển hình là một người tàn tật được chữa lành và đang đứng trước mặt mọi người

Thánh Phêrô nói thêm: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4:11; Tv 118:22). “Viên đá bị loại bỏ” lại hóa thành “viên đá nền tảng”, mà người loại bỏ viên đá đó là chính chúng ta. Thế mà Đức Kitô vẫn yêu thương và tìm kiếm chúng ta về hưởng hạnh phúc với Ngài. Thật quá kỳ diệu!

Đức Kitô là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Đấng-Gánh-Tội-Trần-Gian và là Đấng-Xóa-Tội-Trần-Gian. Thế nên, “ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).

Vì thế, chúng ta phải hết lòng “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1 & 29). Thật vậy, tác giả Thánh vịnh xác định:

Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời

Thì hơn tin cậy ở người trần gian

Cậy vào thần thế vua quan

Chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời

Con xin cảm tạ Ơn Ngài

Vì đã đáp lời và cứu độ con

(Tv 118:8-9.21)

Thiên Chúa đã chuyển bại thành thắng, biến yếu thành mạnh, làm đồ bỏ thành đồ quý. Với loài người thì đành “bó tay”, nhưng với Thiên Chúa lại hoàn toàn khả thi (x. Mt 19:26). Đó là công trình kỳ diệu của Ngài trước mắt loài người! Chúng ta có một Vị Chúa như vậy thì sao lại không hạnh phúc và hãnh diện chứ? Và chắc chắn đó là sự tôn thờ chính đáng của chúng ta, không hề mơ hồ hoặc uổng phí.

Thánh sử Gioan nhắc chúng ta: “Anh chị em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con của Thiên Chúa” (1 Ga 3:1a). Chúng ta là những tội nhân khốn nạn, đáng trừng phạt muôn kiếp vẫn chưa đủ, vậy mà Thiên Chúa bắt Con của Ngài chết thay chúng ta, và tiếp tục nhận những tử-tội-chúng-ta làm “thiên tử”, thực sự là con-của-Trời chứ đâu phải các vua chúa hay quan quyền mới được làm thiên tử. Hơn cả tuyệt vời, vượt mức kỳ diệu, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng nổi!

Thánh Gioan giải thích: “Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Ngài” (1 Ga 3:1b). Thế gian không nhận ra Chúa Giêsu là ai, không công nhận Ngài là Chúa, thế nên họ cũng không thể nhìn nhận chúng ta là con cái của Thiên Chúa, nói cho “oai” theo Hán-Việt là thiên tử. Thánh Gioan nói: “Hiện giờ chúng ta là con của Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng, khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2). Câu này là niềm hy vọng cho mỗi chúng ta. Là con của người cha thì “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh” và được ở trong nhà của người cha, là con của Thiên Chúa thì chắc chắn cũng được ở trong Nhà của Thiên Chúa – tức là Nước Trời, và cũng được giống Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:11). Đó là chân dung một vị mục tử đích thực. Ngài giải thích: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” (Ga 10:12a), do đó “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10:12b-13).

Vì thế, có lần Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh chị em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh chị em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7:15-16). Xem trái biết cây, đơn giản mà thâm thúy, như người Việt Nam cũng có ý tương tự: “Rau nào sâu nấy”.

Chúa Giêsu cũng đã xác định Ngài là “Cửa của chuồng chiên” (Ga 10:7 & 9). Và Ngài nói: “Ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Đồng thời Ngài cũng nhận định để “lưu ý” các ngôn-sứ-giả: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ” (Ga 10:10a), và nói về chính Ngài: “Phần Tôi, Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10b).

Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu 2 lần xác định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10:11 & 14a). Tại sao? Chúa Giêsu giải thích một đặc điểm khác của vị mục-tử-đích-thực: “Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi” (Ga 10:14b). Chủ chiên luôn biết rõ từng con chiên, người chăn chiên thuê thì chiên nào ra sao cũng mặc kệ! Ngài so sánh rất thực tế và dễ hiểu: “Như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:15). Thậm chí Ngài còn nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10:16).

Đọc từng câu và để ý từng chữ trong Phúc âm hôm nay, chúng ta như uống từng giọt-mật-ngọt-ngào, và rồi có thể vừa thú vị vừa thấm thía nhiều điều.

Chúa Giêsu quả quyết: “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10:18a). Tại sao? Ngài cho biết lý do: “Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha Tôi mà Tôi đã nhận được” (Ga 10:18b). Chúa của chúng ta như vậy nên hạnh phúc của chúng ta phải tính theo cấp số nhân!

Lạy Chúa, xin muôn vàn tạ ơn Ngài đã tha thứ và tái nhận chúng con làm con cái của Ngài, đồng thời là tiểu đệ và tiểu muội của Đại huynh Giêsu. Xin Chúa luôn ban cho Giáo hội có những tâm hồn quảng đại biết dấn thân trong chức linh mục, trở thành tu sĩ, trở thành những tông đồ đích thực tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, hôm nay và mãi đến tận thế. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ