Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 127
Tổng truy cập: 1371895
CHÚA GIÊSU NGƯỜI CÔNG GIÁO ĐẦU TIÊN
Chúa Giêsu, người Công Giáo đầu tiên.
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest.)
Thánh sử Marcô trình bày cùng chúng ta Chúa Giêsu đang thi hành chức vụ như: loan báo Nước Trời, chữa kẻ bệnh tật, trừ ma quỷ, cầu nguyện. Cảnh tượng được mô tả hôm nay nhấn mạnh cho ta thấy Chúa Giêsu lo lắng dấn thân vào cuộc đời bình thường của con người đến thế nào. Người mới giảng dạy ở Nhà Hội là nơi thường để hội họp xong Người lại mau mắn theo Phêrô và Anrê về nhà họ. Phêrô biết có chuyện không hay trong nhà mình, song điều đó cũng không ngăn cản Chúa cứ đến.Chúa chữa lành cho nhạc mẫu Phêrô. Chúa dùng bữa mà chính tay bà đã dọn. Vào buổi chiều, hẳn là vào lúc mà ngày Sa-ba chấm dứt, Người chữa lành cho nhiều bệnh nhân được mang tới. Người biểu dương quyền năng Người trên sự dữ bằng cách đẩy lui bệnh tật và xua đuổi tà thần. Người lưu lại nhà Phêrô và Anrê để qua đêm, nhưng sau khi đã chia sẻ những thực tế tầm thường ấy của đời sống nhân loại, Chúa đã thức dậy trước bình minh để hoàn toàn chìm đắm vào sự thân mật của Chúa Cha. Người trở về nguồn. Người không giây phút nào mất liên lạc với Cha Người. Người trở lại cùng với loài người, với những tư tưởng và ý muốn của Chúa Cha. Người không để bị lôi cuốn đến chỗ sa lầy, vào những kêu gọi tức thời và ích kỷ của những người ở Caphanaum. Người không hề rời khỏi tầm mắt những kích thước của sứ mạng mình. Ngoài Caphanaum, Người rảo qua khắp hết miền Galilê, trong lúc đợi chờ sai môn đệ đi khắp cùng thế giới. Chúng ta hãy lưu tâm đến hai câu nhỏ, song gợi ý trong bài này.
1) Tiến lại gần, Người cầm lấy tay bà. Thánh sử Marcô ghi rõ chi tiết này, khi nói đến việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của Phêrô. Qua cung cách xử sự ấy của Chúa Giêsu, người ta có thể nhận ra nỗi quan tâm của Chúa, muốn gần gũi với con người. Tự biết mình là Con Thiên Chúa, Người rất có thể, tự đàng xa, chữa mọi bệnh tật, tiêu diệt tội lỗi, thanh tẩy con người sạch mọi sự dữ. Vậy mà, Chúa đã làm gì? Chúa cầm lấy tay loài người. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, không chỉ để cho các nguyên nhân siêu việt thi hành vai trò mà Người đã trang bị từ đầu. Cư xử với con người, con người trong nhân cách riêng và như phần tử của cộng đoàn nhân loại rộng lớn, Thiên Chúa đã nắm lấy tay con người; Chúa Giêsu là Con Người tuyệt hảo, là Con Người của Thiên Chúa Con nhập thể, đã đến để cứu chữa nhân loại bằng cách “cầm lấy tay” từng người, bất luận họ ở trình độ lương tâm và kiến thức nào. Không một con người nào, dầu là sơ khai đến mấy, mà không được chính Đức Kitô chú ý riêng. Con Thiên Chúa tự mặc lấy nhân tính để chiếm đoạt được nhân loại, Người tự cho mình đôi tay để cầm lấy từng người. Trong giây phút chúng ta đang lâm cơn bị cám dỗ, phạm tội, buồn phiền, thất vọng, chúng ta có nghĩ tới bàn tay nào đó, đang giơ ra để nâng đỡ không?
2) Chúng ta hãy đi đến khắp mọi nơi để Ta cũng rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì mục đích đó mà Ta được sinh ra. Chúa Giêsu, từ Thiên Chúa mà ra, không để cho mình bị giam hãm trong thực thể này hay thực thể nọ. Chức vụ Người thi hành tại Caphanaum đã đem đến cho Người nhiều cảm tình nồng nhiệt. Người ta bao vây Người, người ta muốn chiếm đoạt Người. Nhưng Chúa Giêsu đã tự tháo gỡ. Tại sao vậy? Tại vì con người của Chúa bị hai chiều kích vô biên lôi cuốn. Trước hết là kích thước vô biên của Chúa Cha, sau là chiều kích vô biên sâu thẳm của nhân loại. Người kitô hữu đừng quá sở noi gương ấy của Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Chính đó là nguồn gốc tinh thần công giáo. Chúng ta là công giáo trong tư tưởng của mình, khi mà chúng ta từ chối không để cho trí óc của mình bị giam hãm trong một hệ thống tư tưởng nào, dầu cho đó là một nền thần học thật hấp dẫn. Vì trí óc con người thật hữu hạn, nó bị bó buộc suy tư trong lòng một hệ thống này hay hệ thống nọ, nhưng tinh thần công giáo ngăn cản nó khỏi bị giam cầm trong đó. Người ta được phổ quát trong hành động, khi nào người ta lo giữ mình luôn được tự do, nghĩa là luôn luôn sẵn sàng cho Thiên Chúa, ngay cả bên trong những cam kết của mình. Chúng ta là công giáo trong việc tông đồ này hay việc tông đồ nọ, khi người ta biết lo liên kết nó với “nơi khác”, tức là đời sống của toàn Giáo Hội. Nguồn gốc tinh thần công giáo là sự hướng lòng mình, vừa lên với Thiên Chúa vô tận lại vừa về với nhân loại vô biên, chính là đức ái thần linh vậy.
57. Đau khổ
Cho đến ngày hôm nay, đau khổ vẫn mãi mãi là một vấn đề nan giải trong số kiếp của con người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại đau khổ? Phải chăng đau khổ là một hình phạt do tội lỗi của chúng ta… Nếu vậy thì tại sao những người công chính cũng gặp phải nhiều khổ đau? Hay là Thiên Chúa đã bất công khi cư xử với chúng ta?
Từ câu chuyện của ông Gióp, chúng ta rút ra được một bài học đức tin, đó là trong những giờ phút khổ đau, chúng ta đừng vội kêu trách Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguồn sự sống, không bao giờ muốn cho con người phải khổ, phải đau. Rất nhiều khi khổ đau là do con người gây ra cho nhau, vì thiếu yêu thương, thiếu cảm thông, thiếu giúp đỡ.
Cùng với ông Gióp, là người tín hữu, chúng ta phải có thái độ đúng đắn đối với Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối, cũng như phải sống Tin Mừng thế nào trong mối liên hệ với những người đau khổ.
Đau khổ là một cái gì gắn liền với thân phận con người, nhưng đồng thời lại là cơ hội để con người đến với nhau một cách đặc biệt hơn, bằng sự cảm thông, an ủi và giúp đỡ, bởi vì chúng ta tin rằng Chúa yêu thương mọi người, cho nên không thể nghĩ rằng đau khổ và bệnh tật là hình phạt của tội lỗi.
Một quan niệm sai lạc và méo mó về Chúa sẽ dẫn chúng ta tới một lối sống đạo đức một cách thụ động, bởi vì Chúa để cho những khổ đau xảy ra, cho nên chúng ta hãy kiên nhẫn đón nhận để đền tội và lập công. Cách thức suy nghĩ như thế sẽ khiến chúng ta coi nhẹ mối quan tâm cứu chữa những kẻ bất hạnh. Mọi thái độ cam chịu ở đời này để được Chúa thưởng ở đời sau.
Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến cho nhân loại bằng một thái độ tôn giáo hoàn toàn trái ngược lại với sự cam phận. Thực vậy, thấy bà mẹ vợ của Phêrô lên cơn sốt, Ngài liền giúp cho bà được khỏi bệnh. Và dân chúng đưa những kẻ đau yếu đến với Ngài và Ngài đã chữa lành cho họ. Thái độ của Ngài thật là cụ thể, rõ ràng và đó là thái độ tôn giáo.
Vì tin vào Chúa của tình thương mà phải ra tay cứu chữa những kẻ đau yếu tật nguyền, cho họ được khỏe mạnh, hầu làm chứng một cách đáng tin rằng quả thật Chúa yêu thương con người và Ngài đã dùng con người để cứu chữa con người. Bởi vì khi con người được yêu thương và giúp đỡ, thì dù có bệnh tật và khổ đau, thì vẫn có thể cảm thấy được hạnh phúc.
Trước những khổ đau bất hạnh của người khác, chúng ta đã có thái độ như thế nào? Cảm thông và giúp đỡ hay đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại.
58. Cách đáp ứng
Vấn nạn về nỗi đau khổ của nhân loại, đặc biệt là nỗi đau khổ của người công chính, là một vấn nạn lớn trong Kinh Thánh qua các thời kỳ. Đây là một vấn nạn mà Gióp đã bị day dứt. Gióp là một người tốt, tuy nhiên, ông vẫn phải chịu đựng những thảm cảnh khủng khiếp. Hậu quả là ông có một cái nhìn ảm đạm về cuộc sống.
Nỗi đau khổ vẫn còn là một vấn nạn lớn. Ngày nay rất nhiều người có thể có cùng một quan điểm với Gióp. Bạn hãy nghĩ đến tất cả những người đau khổ vì cảnh nghèo nàn, đói khát, đau yếu, bất công, áp bức, thảm cảnh… Trong thời Cựu Ước, đau khổ bị coi như là một sự trừng phạt đến từ Thiên Chúa, vì tội lỗi của con người.
Câu trả lời của Đức Giêsu đối với vấn nạn về nỗi đau khổ là gì? Người không chấp nhận quan điểm rằng đau khổ là một sự trừng phạt đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm điều ác. Thiên Chúa luôn muốn sự tốt lành. Trong Tin Mừng, chúng ta nhận thấy khi Đức Giêsu phản ứng trước nỗi đau khổ thực sự, điều đó chẳng khác gì một câu trả lời đối với câu hỏi “tại sao có đau khổ?”.
Phản ứng đó rất thực tiễn – như chúng ta nhận thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Ở đây, chúng ta nhận thấy đám đông những người bị đau yếu về thể xác hoặc tâm trí đến vây quanh Đức Giêsu. Và Đức Giêsu đã tự hiến thân mình cho mỗi người, chữa lành cho từng người một. Người không tự cô lập khỏi đau khổ của nhân loại. Người đã tự mình trở nên hoàn toàn nhạy cảm, trước những người bị thương tích và đau yếu.
Nỗi đau khổ là một tình trạng cô độc. Đức Giêsu đã không ủy mị trước nỗi đau khổ. Người cũng không giảng dạy sự cam chịu như chúng ta thường làm. Người không thích nhìn thấy con người đau khổ. Đau khổ là một trong những sự dữ mà Người đến để kháng cự lại. Người có lòng thương xót đối với những kẻ đau khổ, và mang lại điều tốt lành cho họ. Người xua đuổi những sự dữ do tội lỗi, sợ hãi, xấu hổ, thất vọng… đã ràng buộc con người.
Vấn nạn đau khổ đã trở nên một cơ hội cho Đức Giêsu – một cơ hội để chứng tỏ về Thiên Chúa. Bằng cách tự hiến thân cho kẻ bị đau yếu, Người mặc khải cho chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, trước nỗi đau khổ của nhân loại.
Nỗi đau khổ của những người khác cũng là một cơ hội cho chúng ta nữa. Chúng ta không có khả năng chữa lành, nhưng chúng ta luôn có khả năng chăm sóc người khác. Và chăm sóc chính là một công việc có tác dụng chữa lành. Chỉ cần hiện diện bên cạnh người đau khổ, tự thân điều đó rất có giá trị rồi. Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng, bởi vì điều đó có nghĩa thay vì giải tỏa được nỗi đau đớn của người đó, chúng ta phải chuẩn bị chia sẻ nỗi đau đó.
Chúng ta đến với những người đau khổ với đôi bàn tay trống rỗng. Chúng ta có thể làm được gì cho họ? Chúng ta có thể sử dụng đôi bàn tay trống rỗng đó, để an ủi họ. Những người đau khổ mong mỏi rằng chúng ta không bỏ rơi họ, rằng chúng ta giữ vững lập trường đứng dưới chân thánh giá, giống như Đức Maria đã làm tại Canvê. Đơn giản chỉ cần có mặt ở đó mà thôi – mà trong một số chừng mực nào đó, đã là gay go lắm rồi. Điều duy nhất mà người đau khổ khát khao, chính là thông truyền cho họ sức mạnh của sự ấm áp tình người. Một người vẫn có thể được lành mạnh, mặc dù không hề được chữa lành.
Còn đối với nỗi đau khổ của riêng chúng ta thì sao? Đau khổ là một yếu tố không tránh khỏi của tình trạng nhân loại, mặc dù con đường đau khổ là một con đường chật hẹp và tối tăm. Thật ra một niềm an ủi lớn lao cho chúng ta, khi biết rằng chính Đức Giêsu cũng đã đi trên con đường này, và Người đã đi cho đến tận cùng. Từ khi Đức Giêsu đi qua con đường đau khổ, thì nó không còn giống như trước nữa. Một ánh sáng rạng rỡ đã chiếu tỏa trên đó. Người chứng tỏ cho chúng ta rằng mặc dù con đường này dẫn tới đồi Canvê, nhưng nó không kết thúc ở đó, mà kết thúc ở sự Phục sinh. Do đó, đối với người Kitô hữu, nỗi đau khổ trở thành một cơ hội để chia sẻ cuộc thương khó của Đức Kitô, trong niềm hy vọng được chia sẻ trong vinh quang Phục sinh của Người.
59. Dành thì giờ
Lần kia, có một người đàn ông đang cưỡi một con ngựa. Khi con ngựa và người cưỡi ngựa ầm ầm phóng qua, một người nông dân già đang đứng ở cổng cất tiếng hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?”
Người đàn ông la lớn trong khi phóng vụt qua “Đừng hỏi tôi, hãy hỏi con ngựa ấy”.
Người đàn ông cưỡi ngựa tiêu biểu cho người có cuộc sống với cách sinh hoạt hối hả không ngừng. Người đó không hề có tự do; anh bị nô lệ cho công việc của mình. Nhưng vấn đề của anh ta còn sâu xa hơn. Anh ta không kiểm soát được cuộc sống của mình. Dường như có một sức mạnh nào đó đã nhập vào anh ta, đang dẫn dắt anh đi. Đây không phải là một lối sống hay ho gì.
Người ta có thể quá muộn để bắt kịp công việc, đến nỗi họ không dành ra được lấy một phút nào cho bản thân mình. Hoạt động có thể trở thành một thứ bệnh tật. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Có thể người ta phải chịu đựng sự hủy hoại và suy sụp. So với những kẻ ích kỷ, thì những người quảng đại dễ gặp rủi ro này hơn. Chúng ta phải biết chăm sóc bản thân mình. Đây không thể là cung cấp, và cũng không phải là thu nạp vào tất cả. Chỉ bằng cách chú tâm cẩn thận đến những nhu cầu thể lý, tình cảm, tâm trí, và tinh thần của bản thân, thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục luôn là những người vui vẻ cống hiến.
Như chúng ta nhận thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngay cả Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình. Những kẻ đau yếu về thể xác và tâm trí luôn vây quanh Người. Tất cả mọi người đều đang kêu la với Đức Giêsu. Người đang có nguy cơ bị hao mòn. Tuy nhiên, giữa bối cảnh cuồng nhiệt đó, chúng ta vẫn đọc được rằng “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng, và cầu nguyện ở đó”. Đức Giêsu cầu nguyện không chỉ vì bổn phận, mà còn vì nhu cầu nữa.
Nơi hoang vắng làm được gì cho Người? Nơi đó tạo cho Người khả năng để phục hồi năng lực đã bị mất đi, giúp cho Người tiếp tục tập trung. Nhưng nhất là trong suốt những giây phút cô tịch này, Người duy trì và củng cố được một điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Người – mối tương quan với Chúa Cha. Đây là bí quyết cho sự thành công trong sứ vụ của Người.
Lời cầu nguyện hữu ích nhất, chính là có được sự hiện diện của Thiên Chúa mà không cần phải nói hoặc làm bất cứ việc gì. Chỉ khi được ngồi với sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ta có thể được ngồi bên cạnh lò lửa nồng ấm. Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trong thực hành, quả thật rất khó khăn. Bởi vì ngay khi dừng chân lại, thì chúng ta liền cảm thấy trống rỗng, thậm chí có lẽ còn cho rằng đó là giây phút vô dụng nữa. Hầu hết người ta đều cho rằng bản thân mình có giá trị qua công việc. Họ cho rằng giá trị của con người tùy thuộc vào ích lợi của người đó. Họ không biết cách đương đầu với sự nhàn rỗi và tĩnh mịch. hậu quả là cuộc sống của họ có thể bị nông cạn và hời hợt. Mặt khác, khi nhận chìm mình vào sự thinh lặng và tĩnh mịch với sự hiện diện của Thiên Chúa, thì những kế hoạch của chúng ta mất đi sức mạnh nơi bản thân mình, và chúng ta cảm nhận được giá trị đích thực của mình, không hệ tại ở sự làm việc, mà ở sự hiện diện.
Cách thế quan trọng nhất để yêu mến Thiên Chúa, chỉ đơn giản là sống với sự hiện diện của Người, để chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà thôi. Rất nhiều người có khuynh hướng cho là lòng yêu mến Thiên Chúa ngang hàng với công tác xã hội. Tất nhiên, lời cầu nguyện có thể trở thành một điều ích kỷ, tránh né và trốn tránh. Nhưng lời cầu nguyện cũng có thể có tác dụng. Công việc có thể là một cách tránh né khỏi phải cầu nguyện, khỏi phải tìm kiếm Thiên Chúa. Và nếu không có lời cầu nguyện, thì người ta có thể dễ dàng trở thành người hoàn toàn qui hướng về bản thân mình, tự mình hành động, hơn là trông cậy vào Thiên Chúa.
Chúng ta có thể đánh mất chính mình trong khi làm việc. Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công việc. Đây là lý do tại sao trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi yên tĩnh. Chúng ta cần phải học hỏi từ gương mẫu của Đức Giêsu, về cách kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Ra đi cầu nguyện không phải là cách thế trốn thoát, nhưng điều này đưa đến sự tái cam kết. Cần có thời gian để cống hiến, và cần có thời gian để tiếp nhận. Để có được một cuộc sống lành mạnh, chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai lối sống trên.
60. Chúa Nhật 5 Thường Niên
Anh chị em thân mến.
Nhìn những công nhân trong ngành xây dựng: họ chịu khó, cực nhọc, đổ rất nhiều công sức vào các công trình. Họ làm nên những ngôi nhà thật đẹp. Họ dùng hết khả năng mình có để tạo nên những nét thẩm mỹ cho đời. Khi kết thúc một công trình, họ không ở lại đó để nhận những lời khen thưởng, họ cũng không lưu luyến nơi mình làm việc mà không thể rời xa được. Cũng không có người nào đòi ở lại hay muốn làm chủ công trình mà mình đã khó nhọc làm nên. Nhưng mọi người đều vui vẻ ra đi khi kết thúc công việc, để đi đến nơi khác và tiếp tục công việc của mình và cũng kết thúc rồi lại ra đi, tìm công việc mới. Đó là nghề của họ, công việc họ phải làm như thế. Họ không bao giờ đòi làm chủ công trình mà họ làm nên, vì họ biết mình chỉ là người thợ, công việc của họ chỉ là công việc của người thợ, họ chỉ có trách nhiệm là hoàn thành công việc của mình thật tốt.
Chúa Giêsu là một người thợ, không chỉ để xây dựng những ngôi nhà bình thường, nhưng để xây dựng những ngôi nhà tâm hồn cho Thiên Chúa. Ngài làm việc cả ngày lẫn đêm, Ngài đem niềm vui, đem sức mạnh đến cho nhiều người. Những ngôi nhà tâm hồn đã bị hư hoại, Ngài đến làm cho nó tốt hơn. Những ngôi nhà không đứng vững được, Ngài nâng đở dậy và làm cho nó hoạt động. Những ngôi nhà tưởng chừng như bỏ đi, có bàn tay của Ngài, nó trở nên hữu dụng. Những ngôi nhà mọi người đều muốn tránh xa vì sợ nguy hiểm, nhưng bàn tay của Ngài chạm tới, nó trở nên mỹ miều và đạt được mức độ nghệ thuật cần thiết. Khi mọi người tìm đến để ca tụng, yêu cầu Ngài ở lại thì Ngài lại ra đi. Ra đi để tiếp tục xây dựng, để làm đẹp cho đời. Ngài không chiếm hữu cũng không đòi hỏi một sự đáp trả nào. Ngài ra đi để tiếp tục công việc mình phải làm. "Ta phải ra đi và đến nơi khác để rao giảng, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó".
Một công việc hết sức bình thường của một người thợ, không có gì khác thường, công việc mà biết bao người của mọi thời đại đều làm như thế. Nhưng công việc bình thường như thế lại có những người không làm như thế. Chúng ta những người được mời gọi theo chân Chúa Giêsu, được mời gọi để làm người thợ như Ngài.
Những người thợ của thời đại mới có khi không rành nghề cho bằng thợ của ngày xưa, nhưng lại đòi hỏi yêu sách nhiều hơn: nào là phải có điều kiện thuận tiện, phải được phục vụ chu đáo theo ý riêng, phải được đáp ứng những nhu cầu cần thiết và phải làm sao cho mọi người biết đến nữa chứ. Nếu cứ âm thầm lặng lẻ mà làm việc thì những người thợ của ngày hôm nay không thể chấp nhận được.
Nhu cầu được đáp ứng, nhưng người thợ không thể hoàn thành được công việc của mình, mà làm cho mọi người phải thất vọng vì tay nghề quá kém mà lại thiếu chữ tín.
May thay cũng còn có những người thợ hoàn thành tốt công việc của mình. Nhưng khi mọi người vui mừng tán thưởng, vây quanh chúc tụng, thế là anh ta chiếm ngay công trình mà mình vừa hoàn thành làm của riêng, không muốn rời xa nó. Càng không muốn ra đi để tiếp tục công việc mà nghề nghiệp đòi buộc. Người thợ đã bỏ nghề nghiệp của mình, giờ đây anh chỉ còn biết sống trong mơ, xa rời thực tế, một ngày nào đó anh phải trả giá cho giấc mơ của mình.
Cũng có được những người thợ của Chúa Kitô trong thời đại mới nầy. Họ noi gương Ngài thật chính đáng, nhìn thấy công việc mình phải làm, chu toàn thật tốt, đem niềm vui cho người và cho đời. Nhưng điều quan trọng là họ biết ra đi, biết tiếp tục công việc cần thiết mà nhiều người đang chờ đợi họ.
Chúng ta là những người thợ của ngày hôm nay, hiện tại chúng ta đang làm việc như thế nào? Là những người khó khăn hay thắc mắc không chấp nhận được hoàn cảnh hiện tại, hay chúng ta đang sống trong giấc mơ của những thành công và không muốn từ bỏ những gì mình đang có. Nếu như thế chúng ta không phải là người thợ chân chính.
Nếu trong đời sống hằng ngày mà biết chu toàn trách nhiệm, chấp nhận hoàn cảnh sống, biết tìm mọi cách để đem niềm vui cho đời và cho người với tất cả những gì có thể làm được. Đó là chúng ta đang bước chân theo Chúa Giêsu, biết ra đi rao giảng Tin Mừng.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn can đảm, để mỗi người nhìn thấy được những việc cần phải làm và thi hành trọn vẹn.
61. Nơi hoang vắng
Một người đàn ông kia có thói quen tự mình ra đi, vào một khu rừng hẻo lánh. Ngày kia, vì tò mò muốn biết anh ta đi đâu, nên có người bạn đã đi theo anh vào rừng. Khi đuổi kịp anh ta, người bạn đó thấy anh đang ngồi yên lặng trên một khúc gỗ.
Người bạn đó hỏi: “Anh đang làm gì thế?”
Anh trả lời “Tôi đang cầu nguyện”.
“Nhưng tại sao anh phải đi đến nơi xa xôi này để cầu nguyện?”
“Bởi vì tôi cảm thấy là Thiên Chúa hiện diện ở đây”.
“Nhưng phải chăng chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở tất cả mọi nơi, và phải chăng ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ có một Thiên Chúa đó sao?”.
“Thiên Chúa vẫn thế, nhưng tôi thì không”.
Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa, và cầu nguyện với Người ở bất cứ nơi nào và tất cả mọi nơi – trong nhà bếp, ngoài đường phố, trên xe hơi, tại nông trại, ở nơi làm việc – tuy nhiên, thật là một ý tưởng hay, khi có một nơi đặc biệt – bờ biển công viên, núi non, nhà thờ, hoặc ở bất cứ nơi đâu – mà tại đó, đôi khi chúng ta có thể rút lui khỏi những bận rộn của cuộc sống. Tại những nơi này, chúng ta cảm thấy rằng dường như Thiên Chúa gần gũi hơn và thân thiện hơn. Toàn thể bầu khí ở đó dường như tràn ngập sự hiện diện thần thánh của Người. Thiên Chúa nói với chúng ta qua làn gió thổi, qua âm thanh của giòng suối, qua tiếng chim hót, nơi nét đẹp của một bông hoa dại, trong chính sự thinh lặng.
Tại những nơi này, chúng ta cũng trở nên khác hẳn. Chúng ta trở nên trầm tĩnh hơn, yên lặng hơn, và do đó, chúng ta cởi mở hơn với những gì mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, trong tất cả mọi lúc và tất cả mọi nơi.
Quả thật là rất tốt, nếu chúng ta có được một nơi đặc biệt, một nhà nguyện nhỏ bé, một không gian của riêng mình, tách biệt khỏi tất cả mọi chuyện khác. Một nơi như vậy đặc biệt hữu ích trong việc yên lặng suy niệm, và nói chuyện với Thiên Chúa từ tận thẳm sâu tâm hồn mình, trong một tương quan giữa cá nhân với cá nhân. Ngay cả khi chỉ được ngồi trong một căn phòng đặc biệt cũng là một điều tốt đẹp. Tại nơi thần thánh này, bạn không chỉ tìm thấy Thiên Chúa, mà còn tìm thấy chính mình nữa. Khi quá bận rộn, quan hệ của chúng ta với bản thân mình trở nên lỏng lẻo. Người ta không thể nhìn thấy khuôn mặt của mình, khi soi mình xuống những giòng nước bị khuấy động.
Mặc dù người ta có nhận ra điều đó hay không, thì tất cả mọi người vẫn đều cần đến một không gian như vậy. Nếu muốn có một cuộc sống nội tâm, chúng ta tuyệt đối cần đến khoảng không gian đó. Khi càng đi vào nơi cô tịch, chúng ta càng được bình an, dù với bất cứ điều gì xảy ra. Điều tốt nhất chính là nơi đó giúp cho chúng ta tìm thấy, hoặc tạo ra được một không gian thánh thiêng, ngay bên trong con người của mình. Ngay cả trong khi duy trì tương quan với thế giới bên ngoài, thì chúng ta vẫn có thể sống từ trung tâm đó.
Để được thư giãn, chúng ta cần có một không gian – một không gian của riêng mình, một nơi cô tịch mà tại đó, chúng ta có thể thực sự có quan hệ với con người sâu xa nhất của mình. Nếu chúng ta không có được điều đó, nếu không gian của chúng ta bị tước đoạt hoặc xâm phạm, nếu chúng ta chịu sức ép, hoặc có quá nhiều việc phải làm, thì chúng ta có nguy cơ bị rơi vào sự hỗn loạn. Đây là điều mà Đức Giêsu đang làm, khi Người thức dậy sớm, và đi đến một nơi hoang vắng để cầu nguyện.
62. Thăm viếng
Kinh nghiệm của những lần đi thăm viếng bệnh nhân tại nhà thương hồi còn ở Đàlạt cho tôi thấy: Nhiều lúc, mình chỉ cần ngồi thinh lặng, lắng nghe họ kể những tâm sự buồn, từ chuyện gia đình đến chuyện con cái, từ chuyện buôn bán đến chuyện đau ốm. Giải tỏa được những tâm sự buồn ấy, họ cảm thấy nhẹ nhõm và tìm lại được niềm vui sống. Thì ra điều họ cần thiết đó là sự chia sẻ và cảm thông.
Từ kinh nghiệm kể trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân, với những chứng bệnh khác nhau. Sở dĩ Ngài làm được điều ấy vì Ngài chính là Thiên Chúa quyền năng. Còn với chúng ta thì sao?
Dĩ nhiên chúng ta không thể làm phép lạ, không thể cứu chữa họ. Tuy nhiên chúng ta có thể dự phần vào việc chữa lành của Chúa Giêsu, cũng như vào việc xoa dịu phần nào nỗi đớn đau của họ, bằng cách thăm viếng an ủi họ. Đây cũng là điều Chúa Giêsu hằng mong mỏi chúng ta thực hiện. Và nếu chúng ta thực hiện được, hẳn Ngài sẽ chúc phúc cho chúng ta.
Chúng ta còn nhớ, trong hoạt cảnh về ngày phán xét, Ngài phán với những người bên hữu:
- Hãy vào lãnh nhận phần thưởng đã được sắm sẵn cho các ngươi từ thuở đời đời, vì khi Ta đói các ngươi đã cho ăn, khi Ta khát các ngươi đã cho uống, khi Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, khi ta đau yếu và bị cầm tù các ngươi đã viếng thăm. Vì khi các ngươi làm những việc ấy cho một trong những kẻ hèn mọn nhất, thì đó là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.
Trong Cựu Ước chúng ta cũng thấy như thế:
- Đừng chậm trễ trong việc thăm viếng người bệnh, vì nhờ đó mà con được quý mến.
Tại gia đình hay tại bệnh viện, chúng ta đều có thể xoa dịu những đớn đau tinh thần, cũng như thể xác của họ. Vậy thì chúng ta làm phải những gì cho các bệnh nhân? Tôi xin thưa:
- Hãy lắng nghe họ tỏ lộ tâm sự với một thái độ chia sẻ và thông cảm.
Đây quả là một nghệ thuật, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và chịu đựng, nhất là trước những câu chuyện chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Ngoài ra, chúng ta còn có thể đem đến cho họ một tin vui, một câu chuyện lượm lặt, một nụ cười cảm thông, một thái độ ân cần và chăm sóc.
Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị trước để biết mình sẽ nói những gì và sẽ nói như thế nào? Ngoài ra chúng ta còn có thể mang theo những quà tặng như trái cây và các loại đồ ăn cũng giúp bệnh nhân phần nào trong việc bình phục. Tuy nhiên khi chọn quà tặng, chúng ta cũng cần phải tế nhị, chọn quà tặng nào phù hợp với sở thích hay nhu cầu của bệnh nhân. Những món quà đơn giản, không xa xỉ lại thường là những món quà quý giá. Ngoài ra, một cú điện thoại, một bức thư thăm hỏi cũng sẽ giúp cho bệnh nhân rất nhiều.
Trong phạm vi và khả năng của mình, hãy quan tâm giúp đỡ những người đau yếu như ngày xưa Chúa Giêsu đã làm.
63. Đau khổ
Sơ Maureen Cahill dòng Thánh Mân Côi, làm việc truyền giáo trong một bệnh viện ở phía bắc Transvaal, Nam Phi gửi cho tác giả cuốn “Story Power”, linh mục James A. Feehan một dụ ngôn Sơ đặt tên là “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.
Thực sự chúng ta không biết được ai là người đã làm nên cây bút chì. Nhưng sau khi phát minh ra cây viết chì rồi, người chủ đã ngỏ lời với sản phẩm của mình như sau: Tôi muốn các bạn nhớ đến bốn điểm:
1. Sự tốt lành hay phẩm giá đích thật nằm ở bên trong con người của bạn.
2. Bạn sẽ cần phải được vót cho nhọn, gọt dũa đi khi bạn sống trong cuộc đời.
3. Bạn sẽ được sử dụng trong tay một người nào đó, nếu không tự bạn, bạn sẽ chẳng làm nên cái tích sự gì cả!
4. Người ta sẽ yêu cầu bạn phải để lại ít nhất là một dấu vết gì đó.
Đời sống con người giống như cây viết chì. Mẹ Têrêsa Calcutta đã áp dụng trường hợp thứ ba cho Mẹ khi Mẹ nói: “Tôi là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa”. Còn tác giả cuốn sách “Story Power”, cha Feehan áp dụng dụ ngôn này trong thánh lễ trên đài phát thanh cho những người ốm đau. Cha đã áp dụng sự đau khổ của con người vào trường hợp thứ hai của cây viết chì, là phải được thanh tẩy, chuốt nhọn bởi những khổ đau trong cuộc sống. Cây viết chì mà không bị vót, chuốt, gọt, dũa thì không thể nào sinh lợi cho người khác được. Ngạn ngữ Pháp có lời khuyên như sau:
Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau.
Không ai hiểu nổi mình đâu,
Nếu chưa từng bước nhịp sầu mênh mông.
Trong các bài đọc hôm nay có đau đớn và cũng có chữa lành. Có hai người chịu đau khổ vì ốm đau bệnh tật và cũng có hai người được chữa lành. Cả hai đều giống nhau. Một người là ông Gióp và người kia là bà nhạc mẫu của Phêrô. Cả hai đều gửi cho chúng ta một cái sứ điệp giống như sứ điệp trong dụ ngôn của cây viết chì. Nói về đau khổ và phục vụ. Họ tỏ cho chúng ta thấy rằng qua đau khổ họ thông cảm và hiểu biết tha nhân, rồi dẫn tới yêu thương và phục vụ tha nhân.
Bài đọc thứ nhất đưa ta vào những đau khổ của ông Gióp phải chịu đến độ hầu như tuyệt vọng: “Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”. Ông tuyệt vọng lắm rồi! Ông mất tất cả mọi sự. Tài sản, của cải, gia đình, uy tín và sức khoẻ. Bạn bè nói rằng ông bị thử thách vì ông đã phạm tội. Vợ ông xúi ông nguyền rủa Thiên Chúa mà chết cho rồi! Nhưng ông Gióp lại là một ứng viên tuyệt vời trong tuyệt vọng. Ông nhấn mạnh rằng ông đã không hề phạm tội, không hề xúc phạm tới Thiên Chúa. Nhưng ông không biết tại sao ông phải đau khổ. Đau khổ là một mầu nhiệm đối với ông. Ông trở thành con người của hy vọng. Ông vẫn tin tưởng nơi Thiên Chúa mặc dù đời ông có quá nhiều đau khổ: “Thiên Chúa ban cho, Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Ngài”. Ông không hiểu, nhưng vẫn tin tưởng, và sau cùng ông đã nhận ra tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa.
Một mẩu chuyện xứ Phi Châu kể lại rằng một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát ở sa mạc. Một người bạn hỏi anh ta: “Bạn làm gì đó?” Anh trả lời: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được là một khu vườn”.
Không ai thích đau khổ, ngay cả sa mạc cũng mong muốn thoát khỏi khổ đau. Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến cuốn “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Ngài viết cuốn sách nổi tiếng này vào năm 1975, ngay sau khi bị quản thúc, bắt đầu cho 13 năm tù, trong đó 9 năm bị biệt giam. Sau này ngài viết thêm “Đường Hy Vọng dưới Anh Sáng của Lời Chúa và Công Đồng Vatican II” (1979), “Những Người Lữ Hành trên đường Hy Vọng” (1980), cuốn “Chứng Từ Hy Vọng” đã được nhà xuất bản Pauline Books & Media ở Hoa Kỳ xuất bản. Ngài được thế giới biết đến như một “Chứng nhân Tình Yêu và Hy Vọng”. Trong dịp Đại hội Đệ Tam Thiên Niên Kỷ 2000, ngài kể lại với các linh mục, tu sĩ và giáo dân về những năm tù đày của ngài:
“Trong những năm khốn đốn bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên, tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu, cô đơn trên thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia, họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.
Tôi không được phép dâng thánh lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại khi Ngài cô đơn trên thánh giá, trong sự bất lực hoàn toàn.
Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây thánh giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn dây điện để làm dây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kềm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa. Chiếc thánh giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc thánh giá này luôn luôn nhắc nhở: Hãy yêu thương mãi! Hãy tha thứ mãi! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa”.
Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, một nhân chứng của tình yêu và hy vọng trong đau khổ chính là hình ảnh của “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.
Bài Phúc âm đưa ta vào hoàn cảnh của gia đình Phêrô – một gia đình đang có việc lo buồn. Maccô cho ta biết, “Lúc ấy bà nhạc mẫu của Simon cảm sốt nằm trên giường”. Theo William Barclay, đối với người Do Thái thời đó, bệnh là do ma quỷ, và họ gọi bệnh cảm sốt này là “talmud”. Để chữa bệnh này, họ dùng một con dao bằng sắt, cột một nắm tóc vào con dao, rồi đưa vào bụi gai, đang khi đọc một câu bùa chú. Cách chữa này mang một ý nghĩa khác hơn là nhiệt độ của cơ thể nóng lên vì bệnh. Nó có nghĩa như trừ quỷ trừ ma. Do đó, bà nhạc mẫu của Simon bị bệnh, đồng nghĩa với sự hiện diện của sự dữ trong gia đình – sự hiện diện của ma quỷ nơi người đàn bà. Trong hoàn cảnh bi đát này, Chúa Giêsu ra tay cứu chữa: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.
Từ ngữ của đoạn Phúc âm này, đã được Máccô chọn lựa rất cẩn thận. Từ “egeiro” có nghĩa là “nâng lên” diễn tả việc Chúa Giêsu nâng bà lên giống như sự sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, được nâng lên đưa về trời. Sau khi được nâng lên rồi, bà bắt đầu phục vụ các ngài. Từ “diekonei” có nghĩa là “phục vụ”, nguồn gốc của chức phó tế “diaconatus”, mà Tân ước dùng để diễn tả chức vụ phó tế.
Bà đã được Chúa Giêsu gọi cũng như Ngài đã gọi Phêrô, Anrê, Gioan... và các môn đệ khác. Chỉ trong một giây phút được chữa lành, bà đã tin tưởng và nhận biết Chúa, rồi bà bắt đầu làm việc phục vụ người khác ngay. Người bệnh được chữa lành, và được gọi trở nên thừa tác viên đi thoa dịu, an ủi khổ đau, cực nhọc của người khác. William Barclay đã trích dẫn một câu châm ngôn trong những gia đình người Scottish như sau: “Được cứu để phục vụ”. Chúa Giêsu đã cứu chữa chúng ta. Vậy chúng ta phải đi giúp đỡ người khác.
Chuyện cổ Trung Hoa kể câu chuyện về một người đàn bà có người con trai duy nhất đã chết. Trong đau thương buồn khổ, bà đến năn nỉ vị thánh hiền: “Xin ngài hãy dạy cho con biết những lời cầu khấn, hay những câu thần chú nào làm cho con trai của con được sống lại?” Thay vì lý luận dài dòng với bà, vị thánh hiền trả lời: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt rau cải từ một gia đình chưa từng bao giờ biết buồn khổ là gì. Tôi sẽ dùng nó làm thuốc chữa cho con bà sống lại”.
Người đàn bà bắt đầu đi lang thang khắp nơi tìm kiếm hạt cải kỳ diệu đó. Trước hết, bà đến gõ cửa một lâu đài vô cùng sang trọng: “Tôi đang đi tìm kiếm một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải nhà này không ạ? Chủ nhà trả lời: “Thưa bà chắc chắn là bà đã đi lộn nhà rồi! Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giường bệnh. Con trai tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sợ rằng tôi sẽ sống trong cô đơn góa bụa!”
Nghe xong bà nói: “Ai là người may mắn hơn tôi để có thể giúp đỡ cho những người bất hạnh đáng thương này, cho dù tôi cũng có những rủi ro của riêng mình?” Sau đó, bà ở lại để an ủi chủ nhà trước khi lên đường đi tìm cho ra một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, cho dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có đến đâu, bà cũng đều nghe kể về những chuyện buồn bã và bất hạnh. Cuối cùng, đi tới đâu bà cũng đều khuyên răn, an ủi và khích lệ người khác cho tới nỗi chính bà đã trở nên một thừa tác viên phục vụ cho những người buồn phiền đau khổ. Trong công tác mục vụ này bà đã quên việc đi tìm hạt cải kỳ diệu làm thuốc cứu chữa con bà. Bà quên đi nỗi buồn của chính bà.
Khi nào bạn đau khổ, chán nản, tuyệt vọng... hãy nhớ rằng Chúa Giêsu cùng hiện diện với bạn cũng như Thiên Chúa ở bên cạnh ông Gióp. Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang được yêu thương. Hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng, yêu thương và phục vụ.
Khi nào bạn đau ốm về thể xác, tinh thần hay tình cảm, hãy cởi mở tâm hồn ra đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ chữa lành bạn, nắm chặt lấy tay bạn và giúp bạn đứng dậy. Ngài sẽ chữa lành bạn như Ngài đã chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô. Hãy lắng nghe tiếng Ngài mời gọi, bước theo Ngài và phục vụ tha nhân, vì ơn sủng của Ngài sẽ ban xuống đầy đủ cho bạn.
64. Chúa Giêsu, niềm hy vọng của loài người.
Ở một phòng thí nghiệm, người ta thử 10 con chuột cho lội trong hồ kiếng không chỗ bám. Lúc đầu cho năm con vào, khoảng 8 giờ sau thì chúng chìm. Họ cho một đợt 5 con kế tiếp vào, khoảng 7 giờ thì vớt ra cho nghỉ. Sau đó lại cho vào hồ tiếp. Ngạc nhiên thay, chúng lội suốt 20 giờ mới bắt đầu chìm. Lý do nào mà chúng có sức lội hơn gấp đôi đồng bạn? Các nhà khoa học nghiệm ra rằng: sở dĩ chúng lội được như vậy là vì chúng có niềm hy vọng nhờ vào kinh nghiệm được cứu thoát lần trước. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Sở dĩ chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống là nhờ biết hy vọng. Ai không có hy vọng thì sẽ bị đau khổ và thử thách của cuộc sống nhấn chìm.
Người kitô hữu của chúng ta có niềm hy vọng rất lớn lao: niềm hy vọng này không phải hảo huyền, tạm bợ, không phải hy vọng nơi vật chất mau qua chóng tàn nhưng là hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng rất yêu thương chúng ta và đã hy sinh mạng sống vì chúng ta. Cuộc sống trần thế này luôn có những khó nhọc, cam go theo từng giai đoạn, theo từng hoàn cảnh của con người. Chẳng hạn: trẻ phải tập đi vất vả, phải đến trường, lo học hành, lớn phải lao động cực khổ để có miếng cơm manh áo để lo cho gia đình và xã hội. Đó là chưa nói đến những khó khăn đột xuất khác.
Trong bài đọc I, chính thánh Gióp cũng phải chịu nhiều đau khổ, cuộc sống con người cũng chẳng phải là là thời khổ dịch sao, số phận ê chề, ngày đời thấm thoát như thoi đưa, cuộc đời con người chỉ là hơi thở chẳng thấy hạnh phúc. Niềm hạnh phúc thánh Gióp trông chờ chỉ có được nơi Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đem lại niềm hy vọng cho dân Israel. Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Chúa hứa ban để cứu nhân loại. Cụ thể trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đi đến đâu là đem tin mừng và cứu chữa tới đó. Vừa mới giảng dạy và trừ quỷ ở hội đường Caphanaum, Chúa Giêsu đến nhà Phêrô để chữa cho bà mẹ vợ của ông đang lên cơn sốt. Ngày hôm đó, vì là ngày Sabat nên ngườI Do thái nghỉ ngơi theo luật định. Nhưng khi vừa hết ngày Sabat ngườI ta lạI tuôn đến với chúa giêsu, đem theo mọi kẻ ốm đau bệnh tật và những kẻ bị quỷ ám để Chúa Giêsu chữa lành và giải thoát họ.
Sáng sớm hôm sau, khi Đức Giêsu còn đang cầu nguyện thì người ta đã kéo đến tìm, nhưng Chúa Giêsu biết nhiệm vụ của mình là đem Tin mừng, đem niềm hy vọng, niềm hạnh phúc đến cho mọi người nên Ngài không ở lại một chỗ đó mà tiếp tục đi đến những hội đường khác ở những miền khác nữa.
Trong bài đọc II thánh Phaolô rao giảng Tin mừng, đem niềm hy vọng và sự sống cho thế giới. Niềm hy vọng và sự sống đó phát xuất từ Đức Kitô. Ngài không chỉ đem hạnh phúc cho con người ở đời này mà còn cho cả đời sau nữa. Vì Tin mừng đó mà thánh Phaolô sẵn sàng hy sinh tất cả để ngườI ngườI được hạnh phúc.
Chúng ta là người kitô hữu, chúng ta có đặt hết niềm hy vọng đời mình vào Chúa Giêsu hay chưa, hay chúng ta đặt hy vọng nơi của cải, danh vọng địa vị. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Chúa rồi, chúng ta hãy tiến thêm bước nữa là hàng ngày xét mình xem chúng ta đã sống với niềm hy vọng đó như thế nào, có sống vì Chúa Giêsu như thánh Phaolô chưa, có luôn nhớ tới Chúa, sống cho Chúa và nói về Chúa cho những người mình gặp gỡ hay chỉ giữ luật cho khỏi bị phạt thôi! Mỗi người chúng ta hãy quyết tâm đi lễ thường xuyên và đối xử tốt với những người xung quanh để họ nhận ra niềm hy vọng và hạnh phúc thật mà người kitô hữu đang theo đuổi để họ cũng được niềm hy vọng ấy và cùng chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu là hy vọng của đời con, là niềm trông cậy, là nguồn hạnh phúc cuộc đời con. Xin Chúa ban ơn giúp con sống niềm hy vọng thật trọn hảo để mai sau được về cùng Chúa hưởng phước Thiên đàng. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam