Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 77

Tổng truy cập: 1367809

CHÚA GIÊSU VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG CỦA BIỆT PHÁI

CHÚA GIÊSU VÀ CÁC TRUYỀN THỐNG CỦA BIỆT PHÁI

 

Ở đây lại xẩy ra một cuộc khẩu chiến mới như vẫn từng xảy ra giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái nhiệt thành nhất thời đó tức nhóm biệt phái và luật sĩ (c.1). Họ bắt bẻ Chúa Giêsu về một điều xem ra nhỏ nhặt liên quan tới hạnh kiểm các môn đệ Ngài: đó là những môn đệ này dùng bữa với bàn tay “dơ bẩn”, tức là không rửa trước khi dùng bữa (c.2). vì các độc giả Rôma của ông không hiểu về tập tục Do Thái nên Maccô buộc lòng phải cắt nghĩa dài dòng tại sao sự việc ấy lại phát sinh ra vấn đề (c.3-4). Việc dân Do Thái giữ đủ thứ lề luật tỉ mỉ liên quan đến bữa ăn có nguồn gốc từ thời luật Môsê. Để giữ cho dân riêng Chúa được tinh tuyền về mặt xã hội và tôn giáo, luật Môsê cấm họ không được đụng chạm tới bất cứ người hay thực phẩm nào bị tuyên bố là “ô uế” (Lv 11,16). Trong đời sống thường nhật, mỗi khi từ nơi công cộng hoặc phố chợ trở về, dân Israel luôn tự cảm thấy mình “ô uế” xét về mặt nghi thức: bởi vì họ đã chẳng đi kề cạnh đám người tội lỗi và đám dân ngoại sao? (chẳng hạn lũ thương gia và những gã lính Rôma xâm lược). Từ đó phát sinh ra đủ thứ nghi thức tẩy rửa trước khi ăn, và câu hỏi họ đưa ra cật vấn Chúa Giêsu có liên quan đến việc các bạn hữu Ngài lơ là không tuân thủ các quy luật này (c.5).

Chẳng cần quanh co, lập tức Chúa Giêsu tuyên bố ngay thói giả dối của họ (c.6-7). Vì đang nói đám chuyên gia Kinh Thánh nên Chúa Giêsu liền nại đến Kinh Thánh (ở đây Ngài trích sách Isaia 29,13), vị tiên tri sống vào thế kỷ thứ VIII trước Chúa Kitô, Ôsê cũng đã từng kết tội đám đồng hương của ông về thứ thờ phụng mà “chẳng có hồn” này (Hs 5,21-25). Chúa Giêsu không ngần ngại lập lại lời phán xét gay gắt đó và Ngài kết luận: các ông lấy truyền thống hoàn toàn mang tính cách nhân loại để thay thế cho Lời Thiên Chúa! (c.8). Lời tố cáo quả rất nghiêm trọng, nặng nề. Biết rõ một số luật Môsê đang được các đạo sĩ Do Thái tranh luận, Chúa Giêsu liền trưng ra một ví dụ súc tích: ví dụ các lời khấn hứa (c. 10-13). Đây là một lãnh vực dễ bị nhiều lạm dụng. Dựa vào một thứ “chủ nghĩa vị luật” quen thuộc, đám biệt phái đã bẻ quẹo một điểm then chốt của Lời Chúa (sự giúp đỡ cha mẹ theo Thập giới (Xh 20,12) để đạt được những tặng phẩm dâng cúng cho đền thờ. Chắc chắn qua việc lèo lái tinh vi này, những kẻ nhiệt tình bênh vực truyền thống đã rơi vào tình trạng tiêu huỷ Lời Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã mở rộng cuộc tranh luận với đám cử toạ hạn hẹp này ra tới quảng đại quần chúng ngõ hầu có thể loan truyền sứ điệp của Ngài một cách kết quả hơn (c.14-15). Ngài đưa ra một dụ ngôn nhỏ mang dáng vẻ nhiệm mầu. Đám đông có thể hiểu nổi dụ ngôn này không? Như vẫn thường thấy nơi Phúc Âm Maccô (4,33-34), vị Tôn Sư thường cắt nghĩa “tiếng” cho các môn đệ Ngài về các dụ ngôn Ngài nêu ra (c.17. trước hết Ngài khiển trách họ không chịu động não cố hiểu được đôi điều về lời giảng của Ngài (c.18a). sau đó Ngài ban cho họ chìa khoá của vấn nạn (c.18b-19a). Làm dơ bẩn người ta không phải là những thức ăn họ ăn và bởi vì cuối cùng bộ tiêu hóa cũng sẽ thải ra ngoài hết. Không! Làm dơ bẩn người ta chính là những tư tưởng phát xuất từ trái tim họ. Chính từ trái tim mà mọi ý đồ nham hiểm xuất ra (c.20-23). Trong Kinh Thánh trái tim là chốn cư ngụ của tư tưởng cũng như của tình cảm. Từ đó phát sinh những hư hỏng về mặt luân lý. Bản liệt kê dài ở đây tương xứng với sổ kê đủ thứ tính hư tật xấu mà ta thường thấy nơi các nhà luân lý đương thời (x. Gl 5,19-21).

Giống như đám đông và sau đó là các môn đệ, chúng ta hẳn có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đã đi lệch ra khỏi điểm xung đột lúc ban đầu giữa Ngài và đám biệt phái. Không phải thế đâu. Một câu vắn gọn của Maccô nêu bật được trọn vẹn bài học chủ chốt trong các lời nói của Chúa Giêsu (c.19b). Trước hết, điểm khác biệt được lưu tâm là những quy tắc ăn uống thường được các người Do Thái nhiệt thành tuân giữ. Có cả hàng đống thức ăn bị coi là “ô uế” không được dùng (x.Lv 11,1-30). Ở đây, Chúa Giêsu trực tiếp công bố những quy luật ăn uống của truyền thống này là lỗi thời bởi vì chúng phân hoá xã hội thành hai nhóm đối kháng: kẻ tốt và kẻ xấu. Một bên là những kẻ “tinh tuyền”, tức đám biệt phái (có nghĩa là nhóm tách biệt) và người tội lỗi. Chúa Giêsu đến để thiết lập một xã hội hòa đồng. Đứng về phía Thiên Chúa, Ngài hiệp thông với tất cả những nạn nhân của sự kỳ thị xã hội và tôn giáo do bè cánh biệt phái, những người “tinh tuyền và cứng cỏi” gây ra. Ngài dùng bữa với những kẻ ô uế, “những kẻ bị khai trừ” (đám thu thuế, gái điếm, lính Rôma v.v…). Đây quả là sự đổi mới phá đổ những bức vách ngăn đáng trách của thời đại.

Maccô đã dùng nhiều lời để tường thuật sự phản kháng của Chúa Giêsu trước những công kích của đám biệt phái. Sở dĩ thế là vì Kitô giáo thời sơ khai phải va chạm mạnh với vấn đề tiếp đón dân ngoại trở lại đạo. Tập tục Do Thái trong việc ăn uống, những nghi thức thanh tẩy rườm rà đã ngăn cản “khách lạ” lui tới, mặc dù họ đã trở nên huynh đệ trong đức tin. Chúng ta đã chứng kiến rõ sự khó khăn của các tương giao giữa Kitô hữu gốc Do Thái và Kitô hữu gốc dân ngoại trong Công vụ sứ đồ (10,1-11.18). Ở đó người ta thấy ngay chính tông đồ trưởng Phêrô cũng còn bị nô lệ cho các “cấm kỵ” trong vấn đề ăn uống theo luật Do Thái khi ông gặp gỡ Cornêliô, một người ngoại đạo. Rõ ràng các Kitô hữu gốc Do Thái phải tốn khá nhiều tời gian mới giải thoát mình ra khỏi nhưng thành kiến chủng tộc và tôn giáo là những thứ ngăn cản không cho họ thoải mái khi đồng bàn với anh em gốc dân ngoại và điều này làm cho sứ vụ của Giáo Hội sơ khai bị bế tắc. Cộng đoàn Kitô giáo của Maccô chắc chắn phải đương đầu với những vấn đề tương tự và họ nhớ lại vấn đề Chúa Giêsu đặt ra cho các người biệt phái. Trình thuật này thiết lập cho họ sự thực hành về “bàn ăn mở rộng” rất thường bị chỉ trích. Và có mặt trong “Chương nói về bánh” này (6,30-8,21) cũng như sẽ không ngạc nhiên khi thấy xuất hiện vào lúc Chúa Giêsu sắp sửa hướng các môn đệ nhìn về sứ mệnh khẩn cấp là ra đi truyền giáo cho dân ngoại (xem trình thuật kế tiếp 7,24-30).

 

 

 

 

 

56. Chú giải của Noel Quesson.

 

Có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến

Đối với Maccô, nơi chốn luôn có một giá trị biểu tượng Giêrusalem là nơi chống đối Đức Giêsu. Qua mười một chương đầu của Tin Mừng trong suốt phần đầu của sứ vụ Đức Giêsu, mỗi lần kể tên thành phố này là nhắc đến sự chống đối: Chính từ Giêrusalem, Thủ đô chính trị và tôn giáo này, đã xuất phát mọi cuộc công kích đầy ác ý. Chính nơi đó, những nhà hữu trách của đất nước sau này sẽ kết án tử hình Chúa, và giao nộp Chúa cho dân ngoại.

Lạy Chúa, đây là mầu nhiệm việc loài Người ruồng bỏ Chúa. Và theo đó, Giêrusalem cũng tượng trưng cho toàn thế giới.

Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.

Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh, mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “nhơ”, được ghi thành luật của Môsê trong sách Lêvi (11), được thêm vào nhiều chi tiết và quy định qua truyền thống. Người Pharisêu đã thành lập một thứ đảng phái tôn giáo mà chúng ta có thể lầm lẫn nếu tự động xem họ như những người giả hình. Ngược lại, để trung thành với lề luật tổ tiên, họ tuân giữ kỹ lưỡng từng chi tiết truyền thống: Họ đã kê ra hơn 600 giới răn phải tuân giữ! Để tìm hiểu sự thánh thiện và thể hiện tình yêu tinh tế đối với Chúa, lúc nào trong ngày họ cũng nghĩ về Chúa, dù phải làm đủ thứ việc.

Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”.

Có nhiều cách giải thích cho thái độ này:

1) Môn đệ của Đức Giêsu và chính Đức Giêsu, là những người xứ Galilê, những người thuộc tỉnh lẻ, dù vẫn là những tín hữu sốt sắng, nhưng đã cho chen vào tục lệ chung một vài truyền thống địa phương bị những người “trong sạch” ở Giêrusalem coi như những thái độ buông thả. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu thường bênh vực những người bị đăt ra “ngoài lề”, những người bị khinh chê: Đó là loại người tội lỗi thu thuế, gái điếm. Đức Giêsu đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ về lòng xót thương và độ lượng với những kẻ hèn mọn, nghèo khổ… nghịch lại thái độ xét đoán khắt khe của Giêrusalem. Còn chúng ta thì sao?

2) Nhưng có một lý do khác, có lẽ quyết định hơn: Đó là Đức Giêsu có một đường hướng sâu sắc về “tính phổ quát”. Người huấn luyện dần dần các môn đệ để thành thừa sai trong những quốc gia có văn hóa khác với môi trường Do Thái cổ truyền: Những khuôn khổ chật hẹp và rất cá biệt của đạo Do Thái cần phải bung ra, để chỉ còn giữ những điều cốt yếu, nhằm cho người ngoại giáo có thiện chí, không có những tục lệ về ăn uống như người Do Thái, có thể đón nhận đức tin.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết phân biệt những gì là cốt yếu trong sứ điệp của Chúa với những gì là tục lệ cổ truyền của những thế kỷ trước, thường làm cho những người thuộc thời đại chúng con chán ngán một cách vô lý. Lạy Chúa, sống giữa thời đại biến đổi văn hóa này, xin cho chúng con nhận biết những gì là bất di bất dịch và những gì phải thay đổi, để cho hậu thế không bị nhũng lại trước đức tin, chỉ vì chúng con quá ràng buộc họ vào những “tập tục người xưa”.

3) Nhưng lát nữa, Đức Giêsu còn đưa ra một lý do thứ ba cho thái độ mới mà Người đề cao: Đó là những “tục lệ” không phải do Chúa, mà phát sinh từ con người của những thời trước. Vậy, những tập tục này cần phải tùy thuộc vào sự tiến hóa.

Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”

Câu trả lời của Chúa thật là mạnh mẽ. Người bắt đầu tấn công. Người dựa trên Kinh thánh để trả lời cho những kẻ tấn công môn đệ của Người (Is 29,13). Các ngôn sứ cũng thường lên án thứ tôn giáo duy hình thức đó. Đối với Thiên Chúa, không phải những cử chỉ bên ngoài là quan trọng, mà là “tấm lòng”. Thờ phượng chỉ để thờ phượng, thì không có giá trị. Việc phụng tự phải nói lên những xác tín sâu xa.

Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:

Đức Giêsu kêu gọi, cần phải hiểu biết và suy tư. Không cần phải lặp lại những cử chỉ hay tập tục, chỉ vì người ta đã làm như vậy từ lâu.

Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

Trong Do Thái giáo, luật về sự thanh sạch theo nghi thức có nhiều ảnh hưởng đối với chế độ ăn uống: Cấm ăn thịt một số động vật, chẳng hạn theo sách Lêvi 11. thì bất cứ thịt nào cũng là dơ bẩn, hay những con thú không bị cắt tiết (Lc 17,10-14). Những quy định này làm cho sự đồng bàn đồng tịch giữa người Do Thái và không phải Do Thái không thể nào thực hiện được, nếu không chấp nhận theo tục lệ người Do Thái. Đó là một thứ rào cản để bảo vệ Người Do Thái không được tiếp cận với thế giới ngoại đạo. Còn Đức Giêsu thì tuyên bố: “Tất cả các thức ăn đều thanh sạch” (Mc 7,19). Quan điểm này lúc bấy giờ có vẻ cực kỳ lạ lùng, táo bạo, và phóng khoáng. Như ngày nay chúng ta vẫn thường nói. Chúng ta biết rằng, trong Giáo Hội sơ khai, vấn đề này chưa được giải quyết (Cv 10,15).

Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu:

Yếu tố làm cho con người ra nhơ bẩn thực sự, không phải cái người ta ăn, mà là điều người ta nghĩ. Sự nhơ bẩn không nằm trong vật chất bên ngoài của một hành vi nào đó mà là trong lòng chúng ta? ở đây, Đức Giêsu đưa vào luân lý một nguyên tắc hết sức cốt yếu, nhưng không được tâm tri người thời nay áp dụng thực sự: Có những kiêng kỵ vẫn còn tồn tại, là rất trái ngược với Tin Mừng. Hai hướng tinh thần giáo phái “Cathare” vẫn tồn tại. Giáo phái này lên án thân xác và vật chất. Nhưng Kitô hữu đầu tiên hẳn là đã phải chiến đấu chống lại Ngộ đạo thuyết và thuyết “Ma-nét” là nhưng chủ thuyết khinh bỉ phái tính: “Tất cả những gì Chúa đã dựng nên đều là tốt và không có gì là độc hại nếu ta đón nhận những điều đó trong thái độ tạ ơn”.

Thánh Phaolô đã nói như vậy (1Tm 4,4). Chúng ta cần ghi nhận rằng, Đức Giêsu không vì thế mà cố biện minh cho chứ quan thuyết có lẽ sẽ làm mất bản chất tư tưởng của Chúa, nếu hiểu những lời này như là một sự biện minh cho chủ trương “tự do phong tục”: Nghĩa là mỗi người có quyền làm những gì theo tiếng nói con tim! Đức Giêsu không loại tự ý niệm về “điều xấu”. Người xác định vị trí điều xấu đó ngay bên trong con người, trong sự thiếu tình thương. Đó là nguyên tắc căn bản của mọi thứ đạo đức mọi nền luân lý không phải sơ đẳng: Chỉ cần làm một cử chỉ nào là tự động phạm một tội thì chưa đủ. Cái xấu không phải ở trong sự vật, nó ở bên trong chúng ta. Vâng, tâm hồn chúng ta là nguồn phát sinh ra thứ nước ô nhiễm do lòng ích kỷ hãy nước trong sạch do tình yêu của chúng ta. Do đó chúng ta không thể xét đoán Người anh em theo bề ngoài, vì chúng ta không thấy được tâm hồn người ấy, lương tâm người ấy.

Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.

Đây là danh mục duy nhất về tội lỗi mà Chúa Kitô đã cho chúng ta biết, ngang qua đời sống của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Tất cả những tội lỗi này liên quan đến tình yêu, đến tha nhân. Đức Giêsu kể ra 4 nhóm mỗi nhóm 3 tật xấu. Trong tiếng Hy Lạp 6 tật xấu đầu tiên được nói theo số nhiều và 6 tật xấu sau được nói theo số ít. Điều đó chỉ nhằm giúp dễ đọc để dễ thuộc lòng. Vậy thì có 12 tội: Con số của sự sung mãn. Tất cả đều ở đấy. Chúng ta phải thương yêu. Chúng ta sẽ bị xét đoán dựa theo tình yêu và tấm lòng của chúng ta (Mt 25).

Rất có thể con người ngày nay không thích kể ra những tật xấu. Thời đại của chúng ta đã đánh mất quá lớn ý thức về một điều cốt yếu trong mọi nền văn minh cổ đại: Đó là vẻ đẹp của đức tính và cái xấu của tội lỗi. Chúng ta cần lưu ý rằng, luân lý của Đức Giêsu là một thứ luân lý phổ quát biết bao! Đức Giêsu biết rõ lòng người. Đó là luân lý căn bản tự nhiên nhất mà Đức Giêsu đặt lại thành giá trị vượt lên trên những tập tục riêng của một nền văn minh. Không có một tục lệ quốc gia nào, một tập truyền tổ tiên nào có thể đi ngược lại những luật căn bản này mà mọi người đều phải công nhận trong thâm tâm của mình.

Hỡi người anh em, không nên lướt đọc quá nhanh danh mục trên, như nó không liên quan gì đến bạn. Bạn hãy tự hỏi sự tham lam, độc ác, xảo trá, ganh tị, kiêu ngạo, ngông cuồng đã mang một hình thức rõ rệt nào, hay đội lốt gì đối với bạn?

Lạy Chúa, xin hãy thanh tẩy chúng con và giúp chúng con được gần Chúa hơn.

 

 

 

 

 

57. Chú giải của Fiches Dominicales.

 

“GIỚI RĂN THIÊN CHÚA” VÀ “TRUYỀN THỐNG LOÀI NGƯỜI”

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Từ sạch sẽ của đôi bàn tay đến trong sạch của tâm hồn

Maccô có chủ tâm khi đặt đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay trong “phần nói về bánh”, giữa hai lần bánh hóa nhiều: lần thứ nhất tại vùng đất Do thái (6,35 và tiếp theo), và lần thứ hai tại vùng đất dân ngoại (8,1-9). Quả thật, đó là cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với những người biệt phái cùng ký lục về “sạch” và “ô uế”, sâu xa hơn, về thái độ kỳ thị của người Do thái đối với dân ngoại. Họ cho rằng dân ngoại thì “ô uế”, do đó không được đi lại với những người này.

– Tranh luận bắt đầu từ một phản ửng của biệt phái và ký lục từ Giêrusalem đến điều tra “xì căng đan” do các môn đệ Đức Giêsu gây ra: vài người trong các ông “dùng bữa (nghĩa đen: ăn bánh) với đôi bàn tay dơ, nghĩa là không rửa”.

Và Maccô kể cho những người dân ngoại đọc Tin Mừng của ông, một vài tập tục nhằm bảo vệ người Do thái khỏi bị lây nhiễm đúng tập tục ngoại lai và giữ cho dân Chúa được toàn vẹn về mặt xã hội cũng như tôn giáo. J. Potin viết: “Nhờ cả một mạng lưới những chịt những điều cấm bao trùm từng giây phút, từng tình huống trong đời sống hằng ngày mà dân Do thái vẫn giữ cẩn thận luật về trong sạch (pureté) mà một thành viên của dân Thiên Chúa phải có. Ví dụ, tư tế phải thanh tẩy hằng ngày trước khi bước qua tiền đường vào đền thờ. Những hy lễ đền tội dâng tiến trong các cuộc hành hương ở Giêrusalem, những lễ nghi rửa tay, sự chay tịnh, bố thí, những lời cầu nguyện đều nhằm tìm lại sự trong sạch (pureté). Đôi khi sự trong sạch này bị mất đi vì những “sinh hoạt” của cuộc sống hằng ngày như sinh đẻ, lỗi luật, tiếp xúc với xác chết hoặc với người ngoại, người cùi,… Theo cách nói của các Rabbi (thầy dạy), luôn có một bức tường vây kín toàn bộ đời sống của người Do thái để bảo vệ họ. (Xem “Đức Giêsu, lịch sử đích thực Centurion, 192-193). J. Potin viết tiếp, những tập tục này tất nhiên đòi phải có: “Lối sống định canh định cư rất khác biệt với hoàn cảnh sống rầy đây mai đó của Đức Giêsu và các môn đệ. Hơn nữa, một số môn đệ là người bình dân nên dĩ nhiên không được chuẩn bị sẵn sàng để tôn trọng những thói tục của dân thành thị. (sách đã dẫn, tr. 193-194).

– Sau khi trả lời những người biệt phái và ký lục, Đức Giêsu nói với đám đông rồi mới nói với các môn đệ.

+ Chẳng những không tìm cách xin lỗi cho các môn đệ, Đức Giêsu còn cự lại những người chống đối và đánh giá họ là “những kẻ giả hình”, khi dùng những lời tiên tri Isaia để nói về họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ phụng Ta thì cũng vô ích; vì giáo lý chúng dạy là những giới luật phàm nhân” (Is 7,6-7 và 29,13). Kế đó, để tiếp tục phản công, Ngài tố cáo những” truyền thống” do cha ông truyền lại (những “truyền thống” của loài người) thường cho phép thay đổi cả những giới răn của Thiên Chúa. Thậm chí Ngài đưa ra một ví dụ điển hình (sách bài đọc không nói đến) để lột mặt nạ tính giả dối của những kẻ hay soi mói: “Hãy thờ cha kính mẹ”, đó là giới luật tuyệt đối Thiên Chúa đã truyền cho dân Ngài qua miệng Môisen; tuy nhiên, người biệt phái đoan chắc rằng nếu ai hứa dâng cúng của cải mình cho Ngân khố đền thờ thì được miễn nuôi dưỡng cha mẹ già (Họ nói rằng cái gì đã hứa cho Thiên Chúa thì không thể cho người khác được nữa!) J. Potin giải thích: “Đó rõ ràng là cách thay thế giá trị nền tảng của Thiên Chúa bằng sự thánh hiến tiền bạc giả danh tôn giáo. Đây là một trường hợp quá đáng nên chính những Kitô Do thái cũng chống lại vì họ rất gắn bó với gia đình. Đức Giêsu làm mọi người cảm nhận rõ ràng do đâu những truyền thống phát xuất từ cơ chế tôn giáo có thể làm biến chất chính căn bản nhất của nó và thậm chí cả hướng đi trong sáng nhất của nó nữa”. (sách đã dẫn, tr.194)

+ Rồi Đức Giêsu quay sang nói với “đám đông”. Sau khi đã vượt lên trên sự đối nghịch sạch, ô uế theo nghi lễ, Ngài đi ngược lên tận nguồn gốc của sự ô uế luân lý, nơi xuất phát mọi kết định của con người: đó là “lòng” họ. Chỉ có một sự ô uế thật sự mà con người mắc phải khi tự do quyết định: “Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm con người ra ô uế”.

Quesnel khẳng định: “Chắc chắn đó là bài học chủ yếu của đoạn Tin Mừng này không có gì ở ngoài con người có thể làm họ trở nên dơ. Về điều này, Maccô là một nhà cách mạng đối với người Do thái thời ông; ông tỏ rõ rằng những người tin vào Đức Kitô và gia nhập Giáo hội không còn lệ thuộc vào sự tuân giữ những luật lệ của Israel về sạch, ô uế nữa: đụng một xác chết hay một người cùi ăn uống với người ngoại, uống máu những con vật, đối với người Do thái, tất cả những hành vi này gây ra sự ô uế về lễ nghi, nhưng đối với người tin vào Đức Kitô, thực sự chúng không còn chút khả năng nào để tách rời họ khỏi Thiên Chúa”. (Đọc Tin Mừng Thánh Máccô thế nào?, Seuil, p. 125)

+ Nhưng điều Đức Giêsu vừa nói với đám đông thì lập tức tiếp đó Ngài nói với các môn đệ “trong nhà”. Sau khi đã kể ra một loạt những thói xấu và tội lỗi, Ngài kết luận: “Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm con người ra ô uế”.

2. Từ phân biệt đến cởi mở và thông hiệp:

Chính Maccô giải thích: “Như vậy Đức Giêsu tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch”. Câu này (không có trong sách bài đọc) chắc chắn gây nên một cú sốc: “Ngay lập tức, Đức Giêsu tuyên bố những truyền thống nhằm chia xã hội thành hai khối: người tốt và kẻ xấu theo cách của đạo manichéisme (đạo thiện ác) là những truyền thống lạc hậu. Theo kiểu phân chia này, một bên là những người sạch, tức người biệt phái (nghĩa từ này là “những người được tách biệt ra”) và bên kia là những người ô uế, nên tránh, tức những người tội lỗi. Như vậy, Đức Giêsu vừa thiết lập một xã hội mới. Phần Thiên Chúa, người thông hiệp với tất cả những ai là nạn nhân của sự phân biệt xã hội và tôn giáo do chủ trương của phái ‘những người sạch và khắc nghiệt’ tức những người biệt phái. Ngài ăn uống với những kẻ ô uế, “những kẻ bị loại trừ” (người thu thuế, đĩ điếm, lính Rôma, v.v.) Chính điều mới mẻ này sẽ xô đổ những ngăn cách tai hại vào thời Đức Giêsu. (J. Hervieux, “Tin Mừng thánh Maccô”, Centurion, tr. 103)

– Một lời nói rõ ràng và có sức giải phóng dành cho những người đọc Tin Mừng Maccô ở một thời đại mà Giáo hội sơ khai đang trải qua những căng thẳng và xung đột giữa những Kitô hữu gốc Do thái và Dân ngoại. J. Potin nhận xét thêm: “Điều phê phán trên chứng tỏ rằng việc áp dụng giáo huấn này không dễ dàng, như sách Tông đồ Công vụ đã chứng minh: Phêrô đã phản đối: Trong đời tôi, không bao giờ tôi ăn những gì nhơ nhớp và ô uế, khi trong thấy một rổ những loài vật thiên thần mời ông ăn trong giấc mơ (10,14). Nhưng vì người Do thái và dân ngoại cùng hiện diện đồng bàn trong cộng đoàn Kitô hữu nên bắt buộc phải bãi bỏ những điều cấm về ẩm thực dành riêng cho người Do thái một khi chúng không có chiều kích luân lý”. (Sách đã dẫn, tr. 195–196) Qua việc công tố về sạch và ô uế, Đức Giêsu mở ra con đường của tự do Kitô giáo.

BÀI ĐỌC THÊM

1. Giới răn của Thiên Chúa và tập tục phàm nhân.

(Nocent, trong “Célébrer Jésus Christ” Editions Univer-sitaires, số 7, tr.20-22)

Một cộng đoàn Kitô trẻ trung gặp khó khăn trong đời sống trước những luật lệ phải bỏ và phải duy trì. Không phải chỉ thời Cựu ước và trong đạo Do thái người ta mới bị cám dỗ muốn ẩn trốn sau những tập tục và giới luật để được an tâm. Cũng không phải chỉ ở thời đại chúng ta Kitô giáo mới biết đến những cám dỗ như thế. Chính Giáo hội sơ khai cũng đã phải trải qua những cám dỗ này.

Thánh Phaolô chứng minh cho chúng ta thấy những luật lệ Do thái và sự trong sạch nệ luật gây ra những thái độ cần phải chỉnh đốn. Sách Tông đồ Công vụ, thư gởi tín hữu Galata, thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, thư gởi tín hữu Rôma đều lần lượt ám chỉ đến vấn đề này.

Thư gởi tín hữu Galata cho chúng ta thấy chính Phêrô cũng do dự trước tình hình nghiêm trọng do phản ứng mạnh của một số người. Ông dùng bữa chung với người ngoại giáo, nhưng khi một số người thân cận của Giacôbê từ Giêrusalem đến, ông lẩn tránh mà không dám tiếp xúc với người ngoại giáo nữa vì sợ những người đã cắt bì. Thấy vậy, một số người Do thái khác cũng bắt chước ông. Thánh Phaolô đã kịch liệt đả kích thái độ “ỡm ờ” này (Galata 2,11-14)

Chương 10 trong Tông đồ công vụ thuật lại: trong lúc Phêrô phải đương đầu với những khó khăn này thì một thị kiến đã dạy ông thái độ cần có và ông đã vào nhà viên bách quan dù theo luật như chính ông đã biết: người Do thái bị cấm vào nhà người ngoại giáo.

Một vấn đề khác, đó là việc cắt bì. Một số muốn dân ngoại khi trở lại phải chịu cắt bì (Ac 15). Chính Phêrô, thủ lãnh của Giáo hội, cũng cảm thấy khó mà quyết định về những vấn đề này; ông đã can đảm giải quyết nó nhưng không phải là không phân vân.

Thánh Phaolô cảm thấy cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng thứ yếu của những tập tục về thức ăn, nên ông viết: “Thức ăn dành cho bụng và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ hủy diệt cả cái này lẫn cái kia”. (1 Cor. 6,13) Trong thư gởi tín hữu Rôma, về vấn đề này, ông đưa ra một phán đoán rất quân bình: “Nước Thiên Chúa không phải chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”. (14,17)

Tuy nhiên, bằng cách khích lệ là cần phải làm đúng lúc vì “những người yếu đuối”, Phaolô nói tiếp: “Đừng vì một thức ăn mà phá hủy công trình của Thiên Chúa” (14,20) Tất nhiên mọi thức ăn đều sạch, nhưng chúng sẽ trở nên sự dữ đối với người ăn chúng mà gây gương mù. Những sự kiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của thánh Máccô dành cho các tín hữu của ông”

2. Truyền thống là gì?

(H. Vulliez, trong “Thiên Chúa rất gần. Năm B”, Desclée de Brouwer, tr.146).

“Những người biệt phái trách các môn đệ Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn”, nghĩa là không trung thành với truyền thống. Nhưng truyền thống là gì?

Trong đạo Do thái, luật bắt buộc các tư tế phải rửa tay trước khi cử hành phụng vụ (Xh 30,17-21). Các Rabbi biến luật này thành phức tạp hơn khi thêm vào đó những chi tiết và những giải thích cho rõ ràng hơn.

Đàng khác, họ áp đặt lễ nghi này cho mọi người Do thái trước khi họ dùng bữa, “lấy cớ là tất cả các bữa ăn đều làm một hành vi tôn giáo và toàn thể Dân Israel là dân tư tế”. Rồi, dựa vào một tiến trình mà ai cũng biết để biện minh cho những luật lệ này, họ nói rằng chúng có nguồn gốc từ thời ông Môisen, người đã giải phóng dân tộc. Nên đó là “Truyền thống”.

Nhằm phá vỡ tính máy móc của sự khép kín này, cũng như nhằm tháo bỏ nó khỏi chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa nệ truyền thống khởi đi từ sự đối lập giữa sạch và ô uế, cái bên trong và ăn ngoài, Đức Giêsu lập luận: “Không có gì từ bên ngoài trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; chúng chính cái từ con người xuất ra mới là cái làm con người ra ô uế”.

Khi bên ngoài lấn át bên trong, dáng vẻ bề ngoài lấn át con tim, lễ nghi lấn át ý nghĩa, trình diễn ngoạn mục lấn át nội tâm, tỉ lệ lấn át tinh thần; thì đó sẽ là điều đồi bại. Bản văn chính thức chúng ta đọc trong chúa nhật này đã bỏ đi một câu tố cáo sống sượng sự phản bội dưới vỏ bọc của một truyền thống sai lạc: “Bất cứ cái gì lừ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm con người ra ô uế được, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta rồi thải ra ngoài”.

Chỉ có một truyền thống đích thực, đó là dòng chảy từ con tim của Thiên Chúa đến con tim của con người. Nhưng để dòng chảy lưu thông thông suốt, đương nhiên cần có những ống dẫn. Những ống này càng mịn màng tinh tế càng ít cản trở dòng chảy”.

3. Đức Giêsu giải phóng chúng ta

(Mgr Daloz, trong “Vậy, Ngài là ai?”, Desclée de Brouwer, tr.43)

“Đức Giêsu là con người tự do. Ngài giải phóng. Ngài là người con say mê tìm vinh quang của Cha mình. Ngài bảo vệ các môn đệ chống lại các cuộc tấn công của những kẻ nệ luật; Ngài bảo vệ giới luật của Thiên Chúa không để chúng bị thay thế bởi những luật lệ loài người. Đức Giêsu mới gọi chúng ta đi đến tận “tâm điểm”, tức tận trung tâm của con người mà từ đó phát xuất ra những gì là sạch và ô uế. Ngài kêu mời chúng ta phải lãnh trách nhiệm của chính mình. Ngài cũng kêu gọi hãy có sự trong sạch của tâm hồn, chứ không phải của đôi bàn tay. Chính khi làm thế chúng ta ở trong chân lý, không giả hình, không biện minh vụn vặt cho những chọn lựa nhỏ nhặt của mình, không kết án nhân danh những luật lệ chính chúng ta nặn ra. Đức Giêsu bắt người ta vừa phải đối diện với chính mình, với cái “tâm” của mình, vừa phải đối diện với “giới luật của Thiên Chúa”. Đó chính là hai tiêu chuẩn để đo lường sự chính trực. Như vậy, Đức Giêsu đưa chúng ta trở về với điều cốt yếu nhất và giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của những điều vụn vặt, những hình thức bên ngoài…”

 

 

 

 

 

58. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt.

TRONG SẠCH VÀ DƠ BẨN

LUẬT LỆ CON NGƯỜI VÀ GIỚI RĂN THIÊN CHÚA

 

VẤN ĐỀ TRONG SẠCH VÀ DƠ BẨN.

Lời Chúa Giêsu.

Câu châm ngôn (maschal) về trong sạch của Chúa Giêsu (bây giờ được phát biểu dưới hình thức đối thoại) ở 7,15 chắc chắn thuộc về tình trạng cổ xưa nhất của truyền thống bản văn. Ngay cả những phê bình khắt khe nhất về truyền thống Nhất lãm cũng không phủ nhận việc gán cho Chúa Giêsu lời này. Nếu cất bớt đi khỏi câu văn một vài thêm thắt về sau, người ta sẽ được một châm ngôn dễ dàng dịch lại sang Aram ngữ và có nhiều đặc tính của văn chương Do thái cổ xưa, như đối ngẫu, vận ép với nhưng lối chơi chữ và một tiết điệu rõ rệt:

“Không gì ở ngoài con người có thể làm cho nó ra nhơ uế”. Nhưng chính cái xuất tự con người là cái làm cho uó ra nhơ uế.

a/ Các yếu tố.

Người ta có thể hiểu phần sau của châm ngôn, như Mc 7,19b đã mạnh dạn tả chân, là nói về phần dơ uế theo nghĩa của sách luật (x. Đnl 23,13-15); nhưng nửa phần đầu thì nói ngược lại sách Luật là sách vốn nhận có nhiều vật “nhơ bẩn” và vì vậy “gây dơ uế” (x. Lv 11-15). Hai mối tương quan khác nhau đó với sách Luật làm nổi bật hai nghĩa của châm ngôn và đó là một sự hàm hồ đánh động thính giả.

“Bên trong” và “bên ngoài” con người là những hạn từ không những liên hệ tới những đồ ăn đưa từ ngoài vào trong, mà còn nói lên hai lãnh vực khác nhau của con người: lĩnh vực ngoại biên và lãnh vực trung tâm, trung tâm của ngôi vị và “ngoại biên” của con người. Chính trung tâm ngôi vị, theo ngôn ngữ Kinh Thánh: cõi lòng, là cái mà câu châm ngôn nhắm tới, như lời giải thích nó (c.21) và văn mạch tổng quát (c 6) nhấn ngạnh. Ngay trong phần đầu của châm ngôn: “Không có gì ở ngoài người ta có thể làm cho người ta ra nhơ uế, đã nói đến lòng, nói đến trung tâm của con người cách mặc nhiên. Con người không thể bị bên ngoài, ví dụ như đồ ăn “dơ bẩn”, làm cho hoen ố được. Nhận xét đó của nữa đầu châm ngôn (maschal) đưa ra câu hỏi sẽ được phần sau giải đáp: nỗi đe dọa của sự dơ bẩn thật sự đè nặng trên con người chỗ nào?

b/ Tầm mức, ý nghĩa

Vấn đề “trong sạch” và “dơ bẩn”, một vấn đề đã từng đóng vai trò quan trọng trong các tương quan giữa người Do thái với nhau và trong việc họ tách biệt với “chư dân”, không thể tiên thiên gạt đi bằng lối phân biệt (thông thường đối với chúng ta) giữa phạm vi tế tự và phạm vi luân lý. Ý niệm dơ bẩn không chỉ xuất phát từ một phê phán nông cạn và từ một tiên triển của Luật sau này, nhưng còn diễn tả một kinh nghiệm hiện sinh về cái chết, truyền lại từ xưa và không ngang tái tục. Lãnh vực của “trong sạch” thiết yếu là lãnh vực của sự sống (phụng tự diễn tả điều này một cách rất đặc biệt), lãnh vực của “dơ bẩn” là lãnh vực của sự chết (được diễn tả qua phụng tự ngoài dân).

Những quy định về trong sạch của sách Tora, đặc biệt áp dụng cho các tư tế trong việc thi hành phận vụ, ngoài ra đã được hiểu một cách duy luật và được nới rộng thêm do lòng đạo đức của Biệt phái, nhưng ý niệm dơ bẩn tự nó không vì thế mà bị xem là phi lý trong Do thái giáo (như có lẽ đối với lương dân hy lạp). Thành ra lời của Chúa Giêsu, được truyền thống lưu giữ (c.15), không phải là một bác luận thuần lý hay duy lý chống lại ý niệm dơ bẩn như truyền thống cũng đã hiểu sớm. Sự thay đổi quan niệm mà Chúa Giêsu tìm cách gây nên nơi các thính giả nhờ câu châm ngôn của người có tính chất cách mạng hơn, vì nó nằm trên bình diện những ý tưởng thịnh hành lúc ấy. Chúa Giêsu không tuyên cáo, Người không theo phe ủng hộ cái bên trong chống lại cái bên ngoài (cõi lòng vẫn được coi như ổ của sự ác!) cũng chẳng có ý đương đầu với lề luật Giao ước cũ.

Qua câu nói uy nghi, Chúa Giêsu kêu mời con người thoát khỏi tình trạng xấu xa của mình để hối cải, chứ không phải để nỗ lực tri thức. Câu “khó hiểu” của Chúa Giêsu thật là dễ hiểu; nó không đòi hỏi nhiều kiến thức, nhưng đòi hỏi một sự hoán cải tận căn: “Công việc này không lớn lao, nhưng gây nhiều hậu kết. Chúa Giêsu cho rằng quyền lực chết chóc của sự dữ – “dơ bẩn” – đè nặng trên con người, và Người cho thấy sự đe dọa của nó phát xuất từ đâu. Nó không chạm tới con người từ bên ngoài do của ăn, nhưng tấn công bên trong con người, và chính từ đó nó tung ra các cuộc tấn công của nó. Lời Chúa Giêsu tập trung ảnh hưởng của sự dơ bẩn trên cái bên trong, trên cõi lòng, trung tâm của mọi quyết định: Như thế, một phần lớn, mà đã không bao giờ bị bỏ quên, của các quan niệm Cựu ước về dơ bẩn nhận được một giá trị tuyệt đối. Sự dơ bẩn đích thực, duy nhất là sự dơ bẩn mà con người mắc phải khi tự do chọn lựa sự ác” (W.Paschen, Rein und Unrein. Eine wortgeschichtlicho Untorsuchung der Vorstellungen im biblischon Hobraisch und ihres Fortlebons in Qumran und in der ro de Jesu, Wurzburg, 1969, tr.275t).

Qua lời nói uy nghi ấy, Chúa Giêsu cho con người một sự tự do lạ lùng; theo ý Chúa Giêsu, tự do đó phải ý thức về trách nhiệm mình trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người. Được khỏi mọi thiệt hại do những vật bên ngoài như miếng ăn v.v…, nó càng không có quyền phát xuất ra cái gây dơ bẩn, cái gây tại hại chết chóc cho mọi người; nếu làm như vậy chính nó sẽ bị “hóa ra dơ bẩn”, chỉ còn nước chết.

c/ Khung cảnh.

Khung cảnh mà c.14 và 16 tạo ra cho lời Chúa Giêsu tương ứng với hình thức tiên tri của châm ngôn. Hoàn cảnh lúc bấy giờ không phải là cuộc tranh luận thông thái, nhưng là một bài giảng đánh động của Chúa Giêsu: “Hết thảy hãy nghe Ta mà hiểu lấy!”. Chính đấy là cách Chúa Giêsu thường trình bày cho dân chúng các dụ ngôn của Người: “Hãy nghe đây!”.

Lời kêu gọi chú ý (c.16); “Nếu ai có tai để nghe thì hãy nghe” có lẽ là một thánh ngôn lấy từ Mc 4,23 và được thêm về sau vào đây, nó nhấn mạnh sự khẩn thiết của sứ điệp. (Cũng xin xem các câu kết của 7 bức thư gởi các Giáo Hội trong Kh 2-3).

Thái độ nghe và hiểu, theo Is 6,9 (Mc 4,12) vắng bóng nơi những kẻ cứng lòng vốn đi tìm nguồn gốc của “dơ bẩn” không đúng nơi và vì vậy không đáp ứng ý của Thiên Chúa (và chẳng dùng tự do riêng của họ) nhưng để lòng mình xa cách Ngài (Is 29,13; Mc 7,6).

Rõ ràng Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình trạng của những con người Người muốn tiếp xúc như thế; thánh sử còn củng cố cảm tưởng này khi gọi những người thân cận với Chúa Giêsu, tức các môn đồ, như những kẻ ngu độn không hiểu gì hết (Mc 7,18; x. 8,17tt). Tuy nhiên ta sẽ lầm lẫn nếu cho cách thức Chúa Giêsu nhìn xem con người như vậy là bi quan; đúng ra phải gọi là thực tế (tả thực); đó cũng là điều tác giả Tin Mừng thứ 4 đã ghi chú: “Người biết mọi cái có trong con người” (Ga 2,25).

Những lối giải thích thánh ngôn trong Giáo Hội sơ khai.

Vấn đề thanh sạch về thức ăn đã đóng một vai trò quan trọng trong Giáo Hội sơ khai (x. Gl 2,11-14; Cv 10 và 15) đối với việc cùng nhau dùng bữa và nhất là cùng nhau cử hành Tiệc thánh giữa Kitô hữu trở lại từ Do thái giáo và ngoại giáo. Nơi nào mà Kitô hữu gốc Do thái nhấn mạnh đến việc tuân giữ luật thanh sạch thức ăn, thì họ không thể không tìm cách loại ra khỏi bữa tiệc những kẻ “dơ bẩn”, những Kitô hữu gốc lương dân, là những người có thói quen dùng hết mọi của ăn, và họ bắt đầu phủ nhận việc những người đó hoàn toàn tham dự vào cộng đoàn. Sự dơ bẩn hiểu một cách vật chất đã là một nguyên nhân chia rẽ, và càng nguy hiểm hơn vì người ta đã khẳng định rằng nó bắt nguồn từ trong luật Cựu ước và có vai trò trong cộng đoàn Kitô hữu Do thái.

Lời Chúa Giêsu, một lần nữa, đã phải thị uy trong hoàn cảnh này, và đã được Giáo Hội sơ khai giải thích nhiều cách mà toàn bản văn cho ta hai ví dụ (cc. 18-20.21-23; x. 1Cr 6, 13: “Của ăn dành cho bụng và bụng dành cho của ăn, và đôi đàng. Thiên Chúa sẽ hủy ra không”; Rm 14,20: “Vì một thức ăn, ngươi đừng phá hủy công trình của Thiên Chúa. Mọi sự đều trong sạch, nhưng ăn mà gây dịp vấp phạm là sự chẳng lành”).

Giải thích đầu tiên về lời Chúa Giêsu (cc. 18-20).

Lời giải thích được đặt trong khung cảnh một giáo huấn riêng cho các môn đồ (x. Mc 4,10-12), một khung cảnh nói lên vấn đề đặc biệt của cộng đoàn Kitô hữu lời giải thích lấy lại thể đối ngẫu của châm ngôn (cc.18b-20) và giải thích nửa phần như cách sống sượng (c.19a): của ăn không vào trong thâm tâm, nhưng chỉ vào trong bụng, và từ đó xuất ra nơi nhà xí. Truyền thống Giáo Hội sơ khai đã hiểu đúng hậu quả hàm chứa trong châm ngôn Chúa Giêsu: “Như thế người tuyên bố mọi thức ăn đều sạch” (c.19b; x. Rm 14,20; Cv 10,15: “Những gì mà Thiên Chúa đã tẩy sạch thì ngươi đừng gọi là tục, là nhơ. Tuy nhiên, trọng tâm của lời Chúa Giêsu, tức sự đòi hỏi trong sạch tâm hồn, cùng lúc bị xoay hướng: lời giải thích chỉ đề cập đến sự dơ bẩn đồ ăn, và tuyên bố là trong sạch mọi của ăn mà không nói đến trung tâm thật sự nguy hiểm của sự dơ bẩn là tâm hồn. Vì thế cần một giải thích khác; lời giải thích này có thể đã bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu nhưng khoa phê bình Tin Mừng thường không thừa nhận.

Giải thích thứ hai (cc.21-23)

Theo trước tác mới của bài Tin Mừng Chúa nhật, thì lời giải thích thứ hai này đi liền sau châm ngôn của Chúa Giêsu. Nó muốn làm nổi bật trọng tâm của châm ngôn đó; nó chủ ý đề cập đến ‘lòng’ như là nơi con người bị đe dọa nhiễm sự nhơ bẩn sẽ mang lại cái chết và chia rẽ nhân loại với nhau. ‘Lòng’ của con người không trong sạch là sào huyệt của mọi tính xấu gây ra sự hư vong cho nó; lòng được trình bày như một kho dự trữ: “Người lành tự kho lành lòng mình mà đem ra sự lành và người ác tự tính ác mà đem ra sự ác: vì lòng chứa đầy những gì thì miệng nó nói ra” (Lc 6,45).

Theo chiều kích của chính câu nói Chúa Giêsu, lời giải thích chỉ kể ra những “kho tàng” của lòng xấu xa, tồi bại. Những tư tưởng xấu và hậu quả của chúng đều được trình bày dưới hình thức cổ truyền của một bảng liệt kê các thói xấu. Phân tách các nhãn hiệu “những suy tính xấu xa” (c.21a) và “những điều bậy bạ” (c.23), thấy có mười hai danh từ, sáu ở số nhiều và sáu ở số ít, chỉ cái thật sự gây nên dơ bẩn: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam và (mọi loại) độc ác; giảo quyệt, phóng đãng, phân bì, gièm pha, kiêu hãnh và (mọi thứ) vô lương tri. Hai loại, mỗi loại gồm ba cặp tính xấu, đều kết thúc bằng một “tính xấu” nói chung. Việc trích dẫn nhiều thói hư như vậy có mục đích cho thấy lòng người có khả năng đáng sợ đến thế nào” (R. Schnackenburg).

Sự “vô lương tri” đã được chủ tâm đặt cuối hai loại: nó là nguồn gốc của mọi sự ác, vì làm cho ta đánh giá lầm lẫn (ví dụ quá nhấn mạnh đến sự dơ bẩn bên ngoài) thực tại (xét như thực tại trước mặt Thiên Chúa). Con người vô lương tri, con người ngu độn, là kẻ “không biết Thiên Chúa”, quên Thiên Chúa và khinh bỉ Ngài (Tv 10,3t; 14,1), là con người mù quáng và chai đá. Điều đó soi sáng lần nữa lời Chúa Giêsu kêu gọi hãy nghe và hiểu (cc. 14.18).

So sánh bảng danh sách các thói xấu và khung cảnh của nó với Châm Ngôn 6, 16-l9 vốn có thể là khuôn mẫu, ta có lẽ được phép nghĩ rằng lời giải thích thứ hai này bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu. Tuy nhiên cho dù chính cộng đoàn đã chú giải lời Chúa Giêsu như vậy, thì cộng đoàn đã hiểu đúng chính cõi lòng tà mang lại giữa con người sự chia rẽ và cái chết chứ không phải tâm hồn đã hoán cải; của ăn không thể chia rẽ con người với Thiên Chúa và với nhau; các luật về thức ăn không thể trói buộc họ thực sự; cái chia rẽ con người chính là tâm hồn xấu; cái kết hợp họ lại chính là tâm hồn mới mẻ mà Thiên Chúa tạo nên trong họ hết thảy, trong họ là những kẻ tội lỗi, Do thái và lương dân (như Giáo Hội sơ khai và thánh sử hiểu).

TRUYỀN THỐNG TIỀN NHÂN VÀ GIỚI RĂN THIÊN CHÚA

1. Phụng tự và luân lý?

Nửa phần đầu của bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (cc 18) là dưới hình thức bởi chỉ là một đoạn trích từ bản văn Mc, đã liên kết một cách hữu lý vấn đề “trong sạch và dơ bẩn” với việc phụng tự Thiên Chúa (cc.6-7). Tư tưởng và hành động của con người, sự chia rẽ và quy tụ loài người không nằm trong một lãnh vực luân lý độc lập với việc phụng tự; nhưng bảng thứ hai của bộ luật Môisen, mà danh sách các thói xấu ám chỉ đến (cc.21-23), không được đặt ngay liền với bảng thứ nhất, mà câu trích dẫn ngôn sứ đã nhắc lại (cc.6b-7).

Khi việc phụng thờ Thiên Chúa trở nên một sinh hoạt độc lập thì con người trở nên những kẻ “giả hình” (c.6a), chỉ có “ngoại điện” và chỉ lo những cái “ngoại biên”; bấy giờ họ nhìn thấy mối nguy dơ bẩn không đúng chỗ của nó. Những con người ấy thường càng dễ để cho dơ bẩn phía không được bảo vệ. Hàng rào (bao quanh Lề Luật) mà các giáo sĩ gọi là “truyền thống tiền nhân” (xung quanh đó đã diễn ra một cuộc tranh luận trong Tin mừng) không thể là một sự bảo vệ hữu hiệu khi những cuộc tấn công chẳng từ “bên ngoài” mà đến. Đó là một khẳng định căn bản của bản văn mà, trong trước tác mới, đã được nổi bật một cách đặc biệt.

Sợi dây liên kết hai phần lẫn của bản văn không chỉ được bảo đảm bởi tiếng móc “dơ uế” nhưng còn bởi động từ “noi theo” (c.5). Đây là vấn đề noi theo giới răn Thiên Chúa. Theo ý kiến Chúa Giêsu, “truyền thống tiền nhân” không chỉ cho thấy con đường ngay thật, vì nó chẳng thấy đâu là những nguy hiểm thực sự đang đe dọa con người; Cái làm cho con người thấy được và dạy một cách sống đẹp lòng Thiên Chúa, đó là giới răn Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã bảo khi trích dẫn ngôn sứ Isaia. Giới răn Thiên Chúa có thể bị cải biến thành một nhân luật đè bẹp con người và tiêu diệt tự do của họ.

2. Tinh thần duy luật Biệt phái.

Theo bản văn Mc, Chúa Giêsu đặt đối lập giới răn Thiên Chúa với truyền thống con người (c.8) và minh họa sự xung khắc này bằng tập tục về “của cúng” (cc.9-13). Thế mà đối với Biệt phái, “truyền thống tiền nhân” có cùng giá trị như lề luật. Truyền thống tiền nhân, đó là các chỉ dẫn mà bao tiến sĩ luật đưa ra để giải thích và áp dụng luật. Biệt phái tưởng có thể dùng chúng để chặn đứng sự vi phạm luật cùng thánh hóa theo kiểu tư tế toàn quốc gia; ngoài ra họ cũng nỗ lực nhiều khi đòi buộc phải tuân giữ tỉ mỉ các quy khoản nhỏ nhặt nhất. Những người Do thái nào không tuân theo chúng thì bị xem như “lũ dân quèn không biết Lề luật” (Ga 7,49) và bị khinh bỉ như những người vi phạm chính Luật. Các “truyền thống tiền nhân”, mà các quy định về thanh sạch chỉ là một phần, có thể vì thế đã gây nên chia rẽ. Thế là lề luật của Thiên Chúa thì hướng tới sự công chính nghĩa là quy tụ toàn dân. Khi bỏ qua một bên những lời công kích tập tục của cúng, bài Tin Mừng hôm nay muốn đặt sự đối lập giữa quy tắc con người với Lề luật của Thiên Chúa trong tương quan trực tiếp với vấn đề “trong sạch và dơ bẩn”. Như vậy có lẽ nó thiết lập lại được hoàn cảnh tranh luận khởi nguyên (người ta khám phá ra hoàn cảnh này ở cc. 1-2.5 và có thể nó đã là cơ hội cho Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng). Các Biệt phái và ký lục của họ, những kẻ áp dụng các quy định của tư tế về trong sạch trong đời sống hàng ngày, đã quở trách môn đồ Chúa Giêsu là không theo “truyền thống tiền nhân” và đã ăn uống với bàn tay “dơ bẩn”. Chắc họ ngầm bảo là tay dơ bẩn sẽ làm dơ bẩn đồ ăn và đến lượt đồ ăn làm dơ bẩn cả con người.

Maccô nghĩ phải cho độc giả Kitô hữu gốc lương dân và thuộc môi trường Hy lạp của ông một giải thích về những tập tục (lạ lùng) đó: ông đặt giải thích này trong một ngoặc đơn (cc.3-4) giữa nhận xét của Biệt phái, ký lục và câu chất vấn của họ về vấn đề ấy. Ở đây thánh sử hơi phóng đại khi bảo “hết thảy người Do thái” đều giữ tập tục đặc biệt của Biệt phái và nói (một cách mỉa mai) đến nhiều tập tục cổ truyền khác như “rửa chén bát, bình ché và các đồ đồng” (c.4).

Có lẽ lời giải thích của ông cảm hứng từ một lời khác của Chúa Giêsu, mà Mt và Lc đã lưu giữ cho ta theo nguồn của các lời tuyên phán: “Khốn cho các ngươi ký lục và Biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch bề ngoài chén dĩa, mà bề trong thì đầy tham ô và vô độ. Hỡi Biệt phái mù quáng, hãy lo rửa sạch bên trong chén dĩa đi, ắt bên ngoài nó cũng được sạch” (Mt 23,25tt).

Maccô nói quá, nhưng nhờ vậy mà dược kết quả này là trường hợp riêng biệt vốn đã làm đầu mối cho cuộc tranh luận (ăn với bàn tay chưa rửa) nay mang một giá trị phổ cập và vấn đề mà Biệt phái và ký lục đưa ra đã được xét đến tận gốc. Thái độ đối với Lề luật, biểu lộ trong “truyền thống tiền nhân”, trong tinh thần duy luật tỉ mỉ, đã bị vạch trần như là giả hình, đạo đức ngụy tạo. Một truyền thống có tinh thần duy luật chỉ lưu tâm đến bên ngoài, đến ngoại diện, đến những biên giới, và rốt cục đến sự dơ bẩn thể chất; và ngay cả khi nó dùng lý trí giải quyết một cách khác vấn đề “trong sạch và dơ bẩn”, thì nó vẫn tiếp tục trong tình thần duy luật của nó, là đòi hỏi sự tuân giữ tỉ mỉ những quy khoản, và lẫn lộn quy tắc con người với lề luật Thiên Chúa.

Ta có một thí dụ khá nổi tiếng về vấn đề này trong lời của Rabbi Akiba: “Trong cuộc sống các anh, không phải xác chết gây ra dơ uế, cũng chẳng phải nước là tẩy được sạch, nhưng là luật của Vua các vua. Thiên Chúa đã phán; Ta đã thiết lập một quy tắc, Ta đã truyền ra một huấn lệnh; không ai được quyền vi phạm huấn lệnh Ta”.

Đối với Chúa Giêsu và (đối với Giáo Hội sơ khai) mọi tinh thần duy luật đều phải chịu lời kết án vị ngôn sứ tuyên ra, là sấm ngôn Thiên Chúa mà Isaia, kẻ lên án tế tự bên ngoài, đã truyền lại Tế tự bên ngoài có thể tạo nên tranh chấp giữa giới răn Thiên Chúa và ơn rỗi của con người, trong khi giới răn Thiên Chúa được ban là để cứu rỗi con người, như kẻ không để lòng xa cách Thiên Chúa thường hiểu. Sự cao vượt của Chúa Giêsu, như ta có thể gián tiếp khám phá ở đây, dựa trên việc người để tâm hồn Người gần kề Thiên Chúa.

Cộng đoàn Giáo Hội đã truyền lại nhiều bản văn như bản văn trên bởi lẽ chính cộng đoàn cũng luôn bị đe dọa sa vào một thứ đạo đức giả dối. Đối với thánh sử, sự quan trọng của truyền thống này đặc biệt nằm ở chỗ: việc gạt bỏ những hàng rào bất chính và việc tiếp nhận giới răn Thiên Chúa trong ý nghĩa nguyên thủy mới kết hợp, trong cộng đoàn, những người Do thái và hy lạp, và như thế mới giúp thờ phượng Thiên Chúa cách thật sự “trong thần khí và chân lý”, như thánh Gioan sẽ nói về sau (Ga 4,23). Các quy luật nhân loại vốn chia rẽ con người thì cũng chia rẽ họ với Thiên Chúa; còn giới răn của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tóm gọn và đơn giản hóa một cách diệu kỳ (Mc 12,28-33) thì kết hợp con người với nhau và như thế kết hợp họ với Thiên Chúa.

KẾT LUẬN

Phần đầu của bản văn Tin Mừng như thế được một tính cách thời sự đặc biệt; tính cách này thêm vào cho giá trị trường cửu của giáo thuyết và của những bài học nơi phần thứ hai. Giáo Hội mà có lẽ hôm nay hơn lúc nào hết, cũng thường bị cám dỗ từ bỏ giới răn Thiên Chúa để theo truyền thống con người, bị cám dỗ chỉ tôn thờ Thiên Chúa ngoài môi. Nhưng trong lòng thì xa cách Ngài vạn dặm. (Rudolf Pesch, Assemblées du Seigneur 53, tr.50-59).

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Thái độ của Biệt phái trong đoạn văn hôm nay chỉ là quy trách. Họ nhìn Chúa Giêsu và nhìn các thái độ Người muốn môn đồ theo với một thành kiến. Họ có những ý kiến của họ về tôn giáo, về lòng trung thành, về thói đạo đức. Đây là một não trạng đã được nắn đúc dần dần bởi nhiều thế hệ, được lưu truyền một cách tỉ mỉ bởi cả một truyền thống. Phải nhận rằng đây cũng là não trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, của môi trường những “người suy nghĩ đúng”. Các ý tưởng của chúng ta về tôn giáo, về đạo đức, về các thái độ phải có hay khung nên có đặc biệt nơi kẻ khác chẳng cứng nhắc, cố định mãi mãi đó sao? Chúng khiến ta thành những người chẳng có khả năng nhận ra các giá trị tôn giáo là luân lý không diễn tả trong những phạm trù riêng của ta. Xin đan cử một thí dụ: những phán đoán đầy quở trách và lên án của một vài Kitô hữu đối với các “thánh lễ giới trẻ”. Và ngược lại là phán đoán của nhiều ngươi trẻ về các buổi hội phụng vụ cổ truyền hơn mà họ cho là duy hình thức, có vẻ biệt phái. Và trong lãnh vực luân lý, có biết bao phê phán bất công về nhiều cách hành động mà đôi khi thực ra chỉ là những hình thái diễn tả của cùng một giá trị duy nhất. Điều đó không muốn nói là phải đi đến chỗ chấp nhận tất cả, coi mọi cái có giá trị như nhau. Nhưng chỉ có kẻ sống bởi Thánh Thần mới có thể nhận ra chân lý và sự sống trong những hình thái khác biệt nhất của chúng.

2. Con người lệ thuộc vào môi trường. Nhưng trong con người có một chỗ thiêng liêng, nơi đó một mình họ có quyền định đoạt sự lựa chọn của mình. Con người chịu trách nhiệm đến mức nào? Điều đó là một bí mật của Thiên Chúa. Đấng ngự trị các đền thờ đông kín nhất. Nhưng con người có phần trách nhiệm, phần trách nhiệm ngự tại cõi lòng” (theo ý nghĩa Kinh Thánh). Hình từ cõi lòng, con người xây dựng cuộc sống luân lý mình. Tâm hồn trong sạch hay không trong sạch không phải vì do những hoàn cảnh phụ thuộc bên ngoài, nhưng do những quyết định mà con người chọn hy một cách ý thức và tự do trong thâm tâm thành. Quan niệm Thánh Kinh về sự trong sạch hay không trong sạch căn cứ trên cách thức con người phải trình diện trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tin mừng dạy rằng con người được mời gọi để trở nên con cái Thiên Chúa nghĩa là trong con người đã có một sự hiện diện của Thiên Chúa chí thánh và nếu con người đã chịu phép Rửa tội thì lại có một sự hiện diện thần linh hóa của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đứng trước sự kiện này, trong sạch và không trong sạch là gì? người Kitô hữu biết ngay điều gì phù hợp hay không phù hợp với sư hiện diện ấy, cái gì trong sạch và không trong sạch. Điều đó xảy ra trong cõi lòng. Vì thế, Chúa Giêsu dạy rằng tư tưởng, ý muốn hành động là trong sáng hay vẩn dục, tốt hay xấu, đạo đức hay tội lỗi thì tùy theo nguồn của chúng tức là cõi lòng. Chính trong tâm hồn mà điều gì được phán quyết phù hợp hay không phù hợp với sự thánh thiện của Thiên Chúa.

3. Giả hình là khi ta tăng gia những lề luật phải giữ là giữ một cách hình thức để tự trấn an hoặc để cảm thấy mình tốt hơn những ai không giữ như vậy. Giả hình là khi ta chủ trương không cần lề luật, hình thức, để sống theo cảm hứng của lòng ham muốn, nhân danh tự do, viện cớ đạo tại tâm, đạo trong cõi lòng.

4. Bài Tin Mừng hôm nay đặt cho ta một câu hỏi cụ thể xác định: đâu là sự trong sạch cần thiết để đến với bí tích Mình Máu Chúa Giêsu? Thưa: sự trong sạch chính là có mặt tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón nhận ân huệ của Thiên Chúa. Trái lại, sự dơ bẩn bất xứng là có một tâm hồn đóng kín trong những thái độ luân lý và tôn giáo giả tạo.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ