Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1374725

CHÚA SỐNG LẠI

Chúa sống lại.

Đối với con mắt trần gian của chúng ta thì chết thật là buồn thảm, thật là chán nản, vì chết là hết, chết thì không còn gì nữa trong trần gian này. Sự nghiệp của một người thường chấm dứt khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Giả như sự nghiệp của người ấy có vĩ đại, công trình của người ấy có lớn lao và quan trọng, thì may ra còn để lại ảnh hưởng nào đó cho những người kế tiếp. Nhưng khi chết như một tên trộm cướp, một tên đại gian ác, vỏn vẹn chỉ có dăm ba người thân thích dám có mặt lúc bị hành hình, thì thực không còn gì mà tin tưởng nữa. Đó là trường hợp của Chúa Giêsu. Thập giá đã kết liễu cuộc đời đầy hứa hẹn của Chúa, thập giá đã chôn vùi mọi hy vọng và tin tưởng trong lòng những người theo Chúa, mọi sự đã sụp đổ và tiêu tan hoàn toàn.

Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế. Nhưng thực sự chưa hẳn thế, biết đâu Chúa đã sống lại thật như Ngài đã nhiều lần tuyên bố trước đây? Nhất là sáng sớm hôm nay, ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi Chúa chết, mấy người phụ nữ đến viếng mộ Chúa, họ không thấy xác Chúa, và họ quả quyết Chúa đã hiện ra với họ. Đó là những điều đang làm cho các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Cụ thể là hai môn đệ mà bài Tin Mừng kể lại, hai ông không hiểu ra sao nữa, thôi đành tạm rời Giêrusalem về quê cũ, rồi sau sẽ hay, nhưng trên đường về làng Emmau, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông.

Nhưng hai ông chưa nhận ra đó là Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ tưởng là một người bộ hành nào đó tình cờ gặp trên đường, nên các ông mời ghé lại quán bên đường dùng cơm và tiếp tục câu chuyện. Vào quán, khi dùng bữa, Chúa Giêsu phải dùng đến những cử chỉ quen thuộc, cầm lấy bánh, nói lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Vừa nhận ra thì Chúa Giêsu “tàng hình” đã biến mất. Các ông vui mừng quá, quay trở lại Giêrusalem để báo cho các bạn khác biết: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi.

Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmau cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng đi theo Chúa Giêsu, cũng đã tin tưởng vào Ngài. Trong biết bao ngày tháng chúng ta đã nghe những lời Chúa giảng dạy, nhưng cũng như các môn đệ, nhiều khi chúng ta chán nản, vì điều chúng ta trông mong, điều chúng ta cầu xin, mặc dầu rất thiết thân, nhưng cầu mãi, trông hoài mà vẫn chưa được, có khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Chúa Giêsu mà chúng ta tin tưởng, xem ra không thắng nổi cuộc thử thách: chúng ta đau, chúng ta chán, chúng ta buồn, chúng ta khổ, đủ thứ cả, thế mà nghe giảng, cầu nguyện cũng không làm cho chúng ta hy vọng gì hơn, giống như hai môn đệ nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”, hai ông đợi đến ngày thứ ba thì đâm ra thất vọng. Cũng thế, chúng ta đợi, chúng ta chờ, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, ba năm mà vẫn không thấy gì, chúng ta đâm ra thất vọng, chán nản, phàn nàn, kêu trách Chúa, thậm chí có người còn ra điều kiện với Chúa hoặc bỏ Chúa.

Nhưng thế nào chăng nữa chúng ta cũng hãy bắt chước hai môn đệ này, hai ông đã thưa với Chúa: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi”. Dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng hãy xin Chúa: Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và gian khổ này. Xin Chúa ở lại với chúng con trong cái thế giới nhiều hận thù và ghen ghét, còn muốn đóng đinh Chúa nữa này. Xin Chúa lưu lại đây với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “hồi sinh” và “biết chết” như những kẻ thừa kế của nước trời.

Chúng ta cần phải biết nhạy cảm ngạc nhiên trước mỗi bất ngờ Chúa gửi đến, để trước hết chúng ta cất tiếng ngợi khen cảm tạ Chúa, cũng như khám phá được điều Chúa muốn và rồi đến lượt chúng ta cũng trở thành những bất ngờ cho anh em, trong mục đích hướng lòng họ về với Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta không bao giờ chán nản, thất vọng, buồn phiền, vì biết rằng Chúa luôn có những bất ngờ cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân từ thương yêu chúng ta vô cùng.

 

 


 

 

40. Chúa là nguồn an ủi

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận ra những u buồn, thất vọng và chán nản của hai môn đệ đi về làng Emaus. Chắc chắn các ông không bao giờ nghĩ mình phải rơi vào tình trạng như ngày hôm nay. Xét cho cùng, chúng ta cũng không thể trách hai môn đệ này được, vì thất vọng cũng là một tâm lý rất thường có ở con người. Khi mà ta hy vọng quá cao về một điều gì, mà điều đó không được thực hiện như lòng mong muốn thì ta lại càng thất vọng. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy họ đặt hy vọng rất nhiều vào Chúa Giêsu. Đối với họ, Ngài là một vị tiên tri có quyền lực trong lời nói và việc làm trước mặt Thiên Chúa và trước mặt toàn dân. Điều lớn nhất nơi họ là đợi đến thời cơ "chín mùi" sẽ được cùng Ngài đứng lên giải phóng Israel, cùng được chia sẻ phần vinh hoa với Người. Nhưng lại không được như họ suy nghĩ và ước mơ. Không những thế, mà Thầy Giêsu còn bị người ta hành hạ và kết án như một tên tử tội. Rồi đã ba ngày trôi qua đang thất vọng thì có những người phụ nữ lại báo tin "người ta đã lấy mất xác Thầy rồi". Còn các môn đệ cũng chỉ thấy mồ trống mà cũng không thấy Thầy đâu. Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng đã tiêu tan, họ phải lủi thủi về quê mà trong lòng tràn ngập bao nỗi u phiền và thất vọng.

Dù thế nào đi nữa, thì biến cố thương khó và tử nạn vẫn là mối bận tâm sâu đậm cho hai ông. Mặc dù hai ông thất vọng đến tột độ nhưng vẫn không thể nào không nghĩ tới, khi có cơ hội nhất là "dọc đường các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra" nhân cơ hội này Đức Giêsu đã tháp tùng đi với họ. Trong thời gian đi, tuy họ chưa nhận ra Chúa , nhưng Ngài hiểu tất cả, Ngài thấu suốt tâm can họ, biết họ suy nghĩ những gì và đang dự định làm gì. Có thể nói phương pháp sư phạm của Đức Giêsu rất tâm lý. Ngài chờ đợi con người bộc bạch hết những nỗi băn khoăn, lo âu, sau đó Ngài mới từng bước dẫn họ vào ánh sáng Phục Sinh.

Trước tiên Ngài lấy Kinh Thánh chứng minh, cho họ biết rằng họ không hiểu gì cả về Đấng Kitô. Ngài đã giải thích các biến cố chịu nạn cho họ hiểu. Và nhờ Kinh Thánh mà lòng họ đã được "bừng cháy lên". Nhưng những lời Đức Giêsu dẫn chứng vẫn không thể xoá đi được sự vô tri trong lòng họ, nhưng dù sao thì Lời Chúa cũng làm loé lên trong tâm hồn họ khiến họ nhận ra một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Buồn sầu tan biến, tâm hồn họ được tràn đầy niềm hy vọng nhưng mắt họ vẫn chưa mở ra để nhìn "thấy Chúa Phục Sinh" mặc dù lòng họ lúc đó "bừng cháy lên".

Cuối cùng Đức Giêsu phải đưa họ đến cử chỉ quen thuộc thân thương mà khi còn sống Ngài đã từng làm, đó là "cử chỉ bẻ bánh". Khi Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ, mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người'.

Tâm trạng thất vọng của hai môn đệ đi làng Emaus hôm nào cũng là tâm trạng của chúng ta; thường hay than trách phàn nàn về số phận mà Thiên Chúa đặt để cho ta, phàn nàn tại sao mình bất hạnh quá, sao mà cực khổ quá. Chúng ta cũng hay ganh tỵ, so sánh đưa đến chán nản thất vọng tại sao người khác không theo Chúa lại giàu sang sung sướng, trong khi tôi ăn ở đàng hoàng tử tế, giữ những điều Giáo Hội dạy, thì lại mất mát thua thiệt, Thiên Chúa đâu sao Ngài không ban thưởng cho tôi? Từ đó đâm ra chán chường quay đầu lại với "Giêrusalem", quay đầu với Giáo Hội và với Chúa. Tương tự như hai môn đệ làng Emaus, chúng ta chỉ có thể hết chán chường khi biết nhìn Thập Giá Đức Giêsu là nguồn cứu độ" không còn đi theo Chúa với tư tưởng thực dụng và lợi ích trần gian nữa. Hơn thế, phải biết chạy đến nguồn an ủi Lời Chúa vì "Lời chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 119,105), và cũng biết đón nhận Đức Giêsu Phục Sinh qua Bí Tích Thánh Thể, là dấu chỉ sự hiện diện của Người.

Lạy Chúa! Chúng con sẽ không còn ưu buồn, thất vọng, cũng không còn bơ vơ lạc lõng khi chúng con biết nhận ra Chúa qua những người anh em xung quanh. Nhất là cho chúng con biết tìm nguồn an ủi nơi Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Amen.

 

 


 

 

41. Sau mộng mơ đến than khóc.

Các bạn sẽ làm gì khi một ước mơ bị tan vỡ? Con đường Emmau đã được khai mở và các khách hành hương đến Đất Thánh ngày nay đều có thể bước đi trên cũng con đường mà hai môn đệ xưa kia đã từng sải bước trên đó như trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại. Hầu hết chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự chia sẻ kinh nghiệm sống của các môn đệ xưa kia. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sẵn sàng nói lên là chúng ta có được sự cảm nhận trong tinh thần và thể xác mà các môn đệ xưa đã có khi họ bước đi trên con đường với cõi lòng tan vỡ giấc mộng.

Họ là những người đã từng chia sẻ giấc mộng vinh quang với các người khác cho đến lúc này; họ đã ở với Chúa Giêsu và cảm nhận tâm hồn được ấm áp khi có Ngài hiện diện bên cạnh. Tai họ đã từng được nghe lời Ngài giảng dạy, và mắt họ đã từng mục kích những phép lạ Ngài làm. Họ đã từng tin rằng những lời tiên tri xưa nay đã sắp trở thành hiện thực. Tâm hồn họ đã cảm thấy được sự chiến thắng vinh quang khi cùng với Chúa Giêsu bước vào Thành Thánh trong ngày Lễ Lá; đó là lúc tâm hồn họ tràn ngập niềm hân hoan. Tôi thiết nghĩ rằng khi các môn đệ được nghe dân chúng ca khen Chúa Giêsu thì họ đã nghĩ rằng, "Chà chà, nếu Thầy hành động đúng đắn, đừng có đả động con tầu thì đây là lúc thành công vinh quang để giải phóng dân tộc". Tuy vậy dĩ nhiên Chúa Giêsu đã lay động con tầu và "thổi bay" nó đi mất theo như kiểu nói của đám thanh niên thời nay. Có câu nói: Tên những nhân vật quan trọng trong lịch sử xưa không làm "đắm tầu" có thể được in trên phía sau của con tem. Tôi không biết điều ấy đúng hay sai, nhưng tôi biết chắc một điều là Chúa Giêsu là một người làm rung động con tầu cách tuyệt hảo. Ngài vào Đền Thờ và lật đổ bàn ghế những kẻ đổi tiền. Ngài làm cho những người nắm giữ chính quyền và những vị tôn giáo Lập Pháp phải tức giận -- và như thế giấc mơ bắt đầu bị tan vỡ. Trước ngày thứ Sáu đến không những Ngài biết chắc Ngài phải chết, tuy vậy Ngài còn muốn cuộc tử nạn của Ngài thật đau đớn trong con đường Thánh giá, đến độ chịu lấy án của một kẻ tử tội ghê tởm nhất. Nỗi đau đớn ấy quá độ đến nỗi Ngài đã phải kêu lên lúc gần chết: "Lạy Chúa Tôi! Lạy Thiên Chúa của Tôi! Sao Ngài đã bỏ tôi?" Khi mọi sự đã chấm dứt thì các môn đệ rơi vào hố sâu thất vọng. Không còn câu nào trong Thánh Kinh có thể diễn tả nỗi chua cay, buồn chán hơn được nữa như câu mà người môn đệ đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: "Chúng tôi đã hy vọng Ngài là Đấng phải đến để giải phóng dân Israel!"

Sau giấc mơ đến than khóc. Chúng ta than khóc về những nỗi thất vọng, ngã thua, mặc cảm tội lỗi: "Chúng tôi hy vọng Ngài là Đấng giải thoát Israel"... "Chúng tôi hy vọng cuộc sống hôn nhân của chúng tôi sẽ mỹ mãn"... "Chúng tôi hy vọng là nó sẽ học xong"... "Chúng tôi hy vọng là kết quả của nội soi sẽ tốt"... vân vân và vân vân!!! Nhưng Các bạn sẽ làm gì khi các giấc mộng bị tan vỡ?

Thường thường chúng ta mang theo cái cảm tưởng như một chú bé được ông bố khuyến khích cậu đặt câu hỏi. Vào buổi đẹp trời nọ, hai bố con đang đi dạo với nhau thì cậu bé bất ngờ hỏi bố: "Ba à, ánh sáng đến từ đâu vậy ba?" Ông bố trả lời: "À, ba không biết. Ba cũng thường thắc mắc về vấn đề đó nữa". "Vậy rađa nó như thế nào hả ba?" "Ừ, ba cũng không biết nữa". Sau một hồi hỏi qua đáp lại, chú bé biết rằng ba nó cũng chẳng biết khoảng cách giữa trái đất và hỏa tinh cũng như chiều cao của Empire State Building là bao nhiêu, nên nó nói: "Con xin lỗi ba nhá. Con nghĩ là con không nên hỏi ba nhiều như vậy". Ông bố trả lời: "Ái dà, con có lỗi gì đâu; hơn nữa, nếu như con không hỏi thì làm sao con biết thêm các điều được". Nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta cũng đặt nhiều câu hỏi nhưng chẳng có câu trả lời, và nó làm cho chúng ta phải nhào lộn trong những cái thất vọng khó chịu, chán chường và mặc cảm; nhưng nó không dừng ở đó. Chúng ta có thể tụ họp như là những phần tử trong một cộng đoàn thờ phượng và xem mình như những môn đệ của Chúa Giêsu xưa trên con đường vỡ mộng. Chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa đã dự bị sẵn cho họ những kinh nghiệm hữu ích cho cuộc đời họ ngay trong những mộng vàng tan nát đó. Họ sẽ cảm nghiệm sự Phục Sinh! Họ sẽ tiến tới sự hiểu biết rõ ràng hơn Thiên Chúa là ai, cách thức Ngài hành động, và Ngài đã làm gì cho thế giới trong Đức Giêsu Kitô. Bấy giờ họ chưa sẵn sàng, nhưng Thiên Chúa yêu họ đến nỗi Ngài đã dùng chính nỗi thất vọng và đắng cay của họ để sửa soạn cho họ có thể lãnh nhận sự cảm nghiệm của niềm vui Phục Sinh.

Hai môn đệ trên đường Emmau chân bước mà hồn họ như lạc mất bởi sự chán chường và đau xót đến nỗi họ đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đến bên họ. Suốt đoạn đường dài bảy cây số, Chúa Giêsu cùng đàm luận thế mà họ cũng chẳng biết là Ngài, chỉ thấy là một người xa lạ. Nếu họ là những người như thế sao có thể sẵn sàng hy hiến mạng sống mình vì Tin Mừng Phúc Âm? Ở đây có một điểm rất hay trong câu truyện này, đó là hai môn đệ kia còn lại trong họ sự quan tâm đến người khác để có thể thi hành phong tục xưa của người Trung Đông là lịch sự mời mọc người xa lạ. Khi họ đã đến Emmau và sắp sửa quẹo vào con đường về nhà mình thì tự động nói với Người Khách lạ rằng: "Xin ông hãy ngụ lại nhà chúng tôi vì trời sắp tối rồi" (Lk 24:29). Ngay khi họ vừa mới làm cử chỉ tự nhiên, mỏng manh của sự lịch sự đó thì tình trạng được thay đổi. Họ đã nhận ra Chúa Giêsu tựa như ánh sáng tỏa sáng cho họ vậy. Sự Phục Sinh đã đến nhưng chỉ có ban cho họ khi họ biết mở rộng tấm lòng của họ ra đối với nhu cầu của người khác; và từ đó họ đã chỗi dậy và chạy. Câu chuyện thuật lại cho chúng ta biết rằng họ đã chạy đi suốt con đường trở lại Giêrusalem để loan báo cho các môn đệ khác. Nhưng họ vẫn không ngừng ở đó, như theo Thánh Luca người đã viết Phúc Âm này cùng với sách Tông Đồ Công Vụ, họ đã ra đi loan báo khắp vùng Địa Trung Hải, Đamascô, Antiôkia, Tiểu Á, Rôma và khắp nơi mà họ có thể để thi hành sứ vụ Chúa Kitô giao phó cho họ. Tuy vậy như đã nói trước các công việc đó, họ cần phải bị làm cho "trống rỗng" để ơn Chúa có thể vào trong tâm hồn họ.

 

 


 

 

42. Sao lại thất vọng?

Thánh Luca thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường đi về Emaus. Hai người lữ hành mang nặng tâm trạng chán chường thất vọng. Mọi chuyện bắt đầu từ biến cố Đức Giêsu Nazareth chịu án tử trên thập giá, rồi những lời đồn thổi xung quanh ngôi mộ trống của Ngài. Thất vọng và chán chường đã đưa hai ông đến chỗ hoài nghi: Có phải Thầy là Đức Kitô - Con Thiên Chúa không? Nếu thật thì tại sao Thầy lại chết treo trên thập giá cách ô trọc, nhục nhã như vậy? Chỉ trong đôi ba ngày ngắn ngủi, nhiều biến cố đã xảy ra vượt khỏi trí tưởng của hai ông: Thầy bị bắt, bị đánh đập dã man, bị đóng đinh, rồi xác biến mất... Các biến cố đã xảy ra nhanh quá, dồn dập và choáng ngợp quá, khiến các ông bị khủng hoảng nhiều về niềm tin và hy vọng.

Tâm trạng sầu não của hai môn đệ biểu lộ qua những lời trao đổi với "người khách đồng hành duy nhất": Bao năm vất vả theo Thầy, "nếm mật nằm gai" những mong ngày Thầy tái lập nước Israel, mình sẽ có một chỗ đứng trong xã hội: không là tể tướng thì chí ít cũng là quận công, tổng trấn... Nhưng giờ đây tất cả đã trở thành mây khói. Hai ông đâm ra hoang mang, hoảng sợ rồi vội vã ra khỏi thành, chạy trốn một sự thật quá phũ phàng.

Gặp người khách lạ, hai ông được dịp giãi bày nỗi lòng ngổn ngang của mình. Người khách lạ ân cần lắng nghe, đồng thời giải thích cho hai ông biết cái chết của Đức Giêsu không phải là sự nhục nhã nhưng là con đường để Ngài đi tới vinh quang. Người khách lạ ấy không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu, Ngài hiện diện giữa các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông. Chính buồn phiền chán nản đã che mờ đôi mắt và tâm hồn khiến họ không nhận ra được người đồng hành chính là Thầy chí thánh đã phục sinh.

Đời sống đạo của nhiều người trong chúng ta cũng như hai môn đệ nầy: chỉ gắn "mác" (mark) Kitô hữu để hưởng quyền lợi cá nhân hơn sống thật sự là một Kitô hữu. Nhiều người sốt sắng tham gia các sinh hoạt của họ đạo cốt chỉ để được tiếng tốt, hay để được hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi của họ đạo. Nhưng khi gặp chuyện trái ý cũng dễ dàng quay lưng lại với cộng đoàn họ đạo. Sống đạo như thế chưa thật sự vững vàng. Người Kitô hữu đích thực, dù gặp phiền muộn hay khổ nhục nào đi nữa, vẫn luôn có thể và phải tỏ ra an vui và tin tưởng.

Hai môn đệ trên đường Emaus là người gần gũi với Chúa Giêsu khi Ngài còn sống. Hai ông thuộc rành rẽ những điều Chúa Giêsu đã báo trước. Nhưng hiểu biết chưa hẳn đã tin. Mắt hai ông chỉ mở ra khi được dự lễ bẻ bánh với Chúa. Chúng ta cũng sẽ chỉ hiểu biết về Chúa chứ không nhận ra được sự hiện diện của Ngài, nếu ta chỉ tìm kiếm những điều hợp với ý mình chứ chưa thật sự sống cùng cộng đoàn Phụng vụ.

Chúng ta còn gặp nhiều phiền muộn, chán nản trong đời sống đức tin là vì chúng ta chưa thật sự sống với những thăng trầm của cộng đoàn họ đạo. Chỉ khi ta gắn bó cuộc đời mình với sức sống của họ đạo, của Giáo Hội; ta mới nhận được đức tin và niềm hy vọng vững vàng. Chính khi đó, gương mặt Đức Kitô Phục Sinh mới chiếu toả cho chính chúng ta và cho mọi người như đã chiếu toả trong nhà trọ làng Emaus.

 

 


 

home Mục lục Lưu trữ