Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1373254

Chúa Thay Đổi Lộ Trình Đời Ta

CHÚA THAY ĐỔI LỘ TRÌNH ĐỜI TA

Logos năm C

 

Gặp gỡ Đức KiTô biến đổi cuộc đời mình

Trong lịch sử đạo Kitô, câu truyện cuộc trở lại của thánh PhaoLô là câu truyện thú vị nhất. Ngày kia đang trên đường đi đến thành Đamas, nơi nghe nói có nhiều môn đệ của Đức KiTô đang ở đó, Saulô, một tay cầm gươm, một tay cầm lệnh của thượng tế, hăm hở đi bắt đạo. Việc không thành vì nửa đường Saulô  đã gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu phục sinh đã quật ngã Saulô, chặn chân Saulô không cho ông bước tới. Ngài đã làm mù mắt Saulô, làm mất hướng đi của ông. Saulô kiêu hãnh và tự tin ấy đã nhận ra được sai lầm của mình và thay đổi lộ trình đời mình: một Saulô bắt đạo được thay bằng một Phaolô truyền giáo; một kẻ thù của Đức Giêsu được thay bằng một tông đồ cho Đức Giêsu. Đúng là: “gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình”.

Biến đổi từ cõi chết sang cõi sống

Câu truyện Tin Mừng kể về đám tang con trai duy nhất của bà goá thành Naim. Lộ trình đưa đám là lộ trình đi từ cõi sống sang cõi chết: người ta khiêng quan tài từ nhà, nơi mình sống, đi đến nghĩa trang, nơi chôn kẻ chết. Tuyến đường đưa ma luôn đầy nước mắt. Đám ma nào mà chẳng tang thương. Tuy thế,  cảnh đám ma hôm đó tang thương nhất: Bà mẹ góa đi chôn con trai duy nhất của mình. Mẹ goá trông chờ tựa nương nơi người con trai duy nhất. Người con trai này là chiếc gậy tuổi già cho bà mẹ góa. Trên đời chẳng còn ai để bà trông cậy ngoài đứa con này. Nếu bà chết mà con bà sống thì xem ra dễ hiểu. Nhưng đây là cảnh ngược lại. Vừa tang thương lại vừa éo le! Những người hàng xóm, thân nhân đưa tiễn hôm đó ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của bà mẹ. Nhưng trước một nỗi đau đớn quá lớn, ngôn ngữ như thừa thãi: biết nói lời gì để có thể an ủi người mẹ đau khổ này được.

Hy hữu thay, lộ trình đám tang hôm đó lại may mắn cắt ngang lộ trình của Đức Giêsu. Đức Giêsu đang đi vào thành Naim thì gặp đoàn đưa linh cữu đang đi ra khỏi thành. Là người, ai cũng có một trái tim và không thể không mủi lòng trước cám cảnh này. Đức Giêsu cũng xúc động như bao người nhưng ngài không bó tay như mọi người. Ngài truyền lộ trình đưa ma dừng lại; Ngài đụng chạm đến quan tài bằng bàn tay yêu thương và đầy quyền năng của Con Thiên Chúa. Ngài chấm dứt lộ trình đi đến cõi chết để khởi động  lộ trình quay về cõi sống. Tiếng khóc được thay bằng tiếng cười; lời nói chia buồn được thay bằng lời chúc mừng. Riêng bà mẹ vẫn khóc nhưng không khóc vì buồn tủi nữa mà khóc vì không kìm hãm được niềm vui vô bờ đang dâng lên trong lòng!

Có thể đời ta chưa gặp Chúa.

Biến đởi cuộc đời là hiệu quả tất yếu khi người ta thực sự gặp được Chúa. Cuộc đời chúng ta chưa biến đổi có nghĩa là chúng ta chưa gặp Chúa thật sự dù bao lần tiếp cận với Chúa.

Chúng ta đi tham dự thánh lễ và đón nhận Mình Máu Thánh Chúa nhiều lần, những tưởng là gặp Chúa nhưng chưa chắc! Việc hiệp thông Thánh Thể chỉ thật sự hiệu quả khi chúng ta cảm nhận được là tôi sống trong Chúa và Chúa sống trong tôi như kinh nghiệm của thánh Phaolô; tim tôi phải hoà được nhịp tim nhân ái của Chúa; trí óc tôi phải quảng đại nghĩ tốt về anh em như Chúa đã nghĩ tốt về Matthêu, về Giakêu…; lòng tôi phải quảng đại tha thứ và biết nâng dậy những cảnh đời dập nát như Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho người phụ nữ ngoại tình và như đã nâng dậy người tử tội bên phải Chúa trên đồi Gôngôtha năm xưa…

Bao lần chúng ta nghe lời Chúa mà có nghe thật không? Nghe trong nhà thờ và quên ngay khi ra khỏi nhà thờ thì khác nào để hạt giống Lời Chúa rơi trên vệ đường, trên sỏi đá… (cf Lc 8, 11 – 13). Chúa đang chất vấn từng người chúng ta đó.

Có thể chúng ta tránh né Chúa.

Thiên Chúa hẹn gặp con ngươì qua Hội Thánh, nơi bí tích đặc biệt là bí tích hòa giải. Khi ta sa ngã là lúc ta cần đến với Chúa nhất như bệnh nhân cần đến ngay với bác sĩ vậy. Những lúc lòng ta gặp phiền muộn là lúc ta cần Chúa nâng đỡ ủi an hơn bao giờ hết. Những lúc ta chết về phần linh hồn là lúc ta cần bàn tay quyền năng của Chúa đụng chạm đến ta và gọi ta về cõi sống.

Nhưng theo kinh nghiệm những lúc ta cần Chúa nhất là lúc phiền muộn, sa ngã, chán nản, thất bại… lại là lúc ta ngại gặp Chúa. Bệnh nhân vẫn thường ngại đến nhà thương lúc đau ốm và thường chẳng thiết ăn uống. Tuy thế chính lúc đó là lúc cần bác sĩ, cần ăn uống hơn bao giờ hết.

Thử hỏi bạn: bạn có tin và dừng lại theo lệnh Chúa như những đô tuỳ xưa vâng lời Chúa không? Bạn có chấp nhận để Chúa đụng chạm đến cuộc đời bạn và biến đổi bạn không?

Hãy can đảm gặp gỡ Chúa Kitô để Chúa biến đổi cuộc đời bạn.

 
Nguồn : gxta 

home Mục lục Lưu trữ