Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1375209

CHÚA TRONG ANH EM

Chúa trong anh em

 

 

 

“Sự gì ngươi làm cho kẻ bé mọn”

Văn hào hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres có nói: “Hỏa ngục là người khác!” Thật là câu nói quái gở, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần Phúc Âm.

Đối với chúng ta, người khác là ai? Ta hãy nghe Chúa Giêsu trả lời: Người khác, chính là Ta: “Sự gì ngươi làm cho một kẻ bé nhỏ nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Người khác đó ở đâu? Làm sao tìm ra họ? Họ ở một thế giới khác? Họ ở chân trời góc biển, ở tận Châu Phi, Á châu xa lắc?

Không! Như Lazarô, họ ở ngoài cửa chúng ta. Họ là những người hèn mọn không ai nghĩ tới, những kẻ lạc loài, không cửa không nhà. Họ ở ngay đường phố, cùng chung cư hàng xóm chúng ta. Cũng có thể họ là những người trong gia đình, nhưng ta đã cố tình quên họ trong cảnh sống cô đơn, góa bụa, già cả của họ. Họ là “hỏa ngục của ta”, vì họ làm rầy ta trong cảnh sống “Thiên đàng” mà ta cho là đã tạo dựng được.

Hôm nay, qua bài Phúc Âm, Chúa dạy: “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Chúa dạy chúng ta ân cần tiếp đón anh em, một vấn đề được Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến. Phúc Âm noái đến Chúa Kitô như một người khách mà người ta niềm nở đón tiếp hay là thờ ơ xua đuổi. Nên chú ý rằng Chúa Giêsu không bao giờ mời khách, nhưng Ngài luôn là khách được mời. Ngài đến cách riêng với người tội lỗi để có dịp gọi họ trở lại, như tại nhà Matthêô (Mt 9,10-18) và Giakêu (Lc 19,5-10). Ngài đến với gia đình quen thân của hai chị em Martha và Maria, cũng chỉ để nói lên một sự cần thiết nhất là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ngài đến như một người khách lạ đến khuấy động lòng người, đặt lại mọi vấn đề. Vì thế, Gioan nói: “Người đến trong nhà Người và các gia nhân Người không tiếp nhận” (Ga 1,11)

Vì thế, chúng ta phải ân cần tiếp đón anh em trong niềm tin, vì người hành khất đến gõ cửa, người lao động đến xin việc làm, “người khách ấy chính là Ngài”.

Ở xứ Palestine, vấn đề nước là vấn đề sinh tử. Davit trong cánh đồng khô cháy Rơphaim (2 Samuel 23,15) đã kêu lên: “Chớ gì tôi được uống nước ở Belem!” Giọt nước ấy, Chúa Giêsu đã đến xin cùng thiếu nữ Samaria bên bờ giếng, giữa một trưa hè. Phải chăng nhiều lần Ngài cũng bị từ chối, nên Ngài hứa phần thưởng cho những ai cho kẻ khác chỉ một bát nước lã. Và phải chăng cách đón tiếp anh em ân cần hơn cả, là tìm cách cho họ được biết và sống với Chúa là “suối hằng sống”. “Ai tin Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38).

Thánh Bác sĩ Giuseppe Mascatti lúc đậu bác sĩ lúc 22 tuổi. Cả cuộc đời chuyên lo cho người nghèo ở thành Naples. Bác sĩ luôn khuyên bảo các thanh thiếu niên mà ông gặp gỡ điều này: trước khi uống thuốc lo đi xưng tội rước lễ đã. Ngài được tôn phong Hiển Thánh vào Chúa nhật cuối tháng 10 năm 1987.

Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy Chúa trong người anh em.

Trở về Mục lục

 

16. Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng

(Suy niệm của Lm. Phêrô Trần Minh Đức)

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Lời của Đức Giêsu làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, nóng lạnh, nổi da gà! Phải chăng chúng ta không nên nghĩ đến chuyện cải thiện, duy trì và bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu có dụng ý gì khi nói với chúng ta những lời lẽ như trên?

Khi nói về cuộc sống, chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống bình nhật, một cuộc sống an lành, hạnh phúc dài lâu bên cạnh những người chúng ta thương mến. Đối với nhiều người thì thời gian khó khăn đen tối sau chiến tranh, sau những cơn bão lụt, hạn hán, là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều đáng ngạc nhiên là: tiềm lực nào đã giúp con người trở nên tháo vát, có đủ khả năng để bảo vệ và duy trì mạng sống của mình cũng như thân nhân của mình? Phải chăng là “cái khó bó cái khôn”?

Ở Tây Âu sau đệ nhị thế chiến con người đã ra công tái thiết, xậy dựng. Chính trong thời gian khó khăn này cũng làm nẩy sinh không biết bao nhiêu những bậc tài ba lỗi lạc trong mọi lãnh vực. Con người đổ dồn tất cả vốn liếng để đầu tư, để phát triển cũng như bảo đảm cuộc sống. Ai cũng ham sống sợ chết. Bởi vậy càng văn minh tiến bộ thì càng nảy sinh nhiều loại bảo hiểm: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm mạng sống, bảo hiểm tai nạn lưu thông, bảo hiểm hưu dưỡng, … Tất cả đã trở thành chuyện tất nhiên và đáng mừng. Nhưng chúng ta phải tiép tục suy tư về hai chữ „bảo hiểm“. Phải chăng tất cả giúp con người bảo đảm cuộc sống? Dĩ nhiên là không rồi! Dù là bảo hiểm nào đi nữa cũng không giúp chúng ta trốn tránh cái chết. Tất cả đều biết: một ngày nào đó mình sẽ lìa đời. Nhưng hầu hết chẳng ai muốn nghĩ đến chuyện đó. Họ cho rằng, tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian. Nhưng thần chết đôi lúc đến bất chợt. Đùng một cái con người phải đối diện với đống gạch vụn của những chương trình, kế hoạch cho cuộc sống của mình. Con người tự cảm thấy mình bất lực, không tài nào dựa vào khả năng mình để cứu vãn tình thế. Có lẽ chính tại đây họ phải tự hỏi: Đức Giêsu hiểu thế nào về cuộc sống?

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người như chúng ta. Lẽ dĩ nhiên Người cũng tha thiết muốn sống. Thực là kinh hãi khi Người phải chết trong lúc tuổi đời bước vào giai đoạn chín chắn, đầy hứa hẹn. Lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu xin cho mình tránh khỏi đau khổ và sư chết là một lời cầu xin chân thật tận đáy lòng. Nhưng Người sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha. Người sẵn sàng tự hiến. Người sẵn sàng chết để đánh đổi cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu. Người đành mất mạng sống để đạt được sự sống mới. Chính Người đã phục sinh, đã đi trước chúng ta tiến vào thiên đàng.

Con đường của Đức Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Đức Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người. Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.

home Mục lục Lưu trữ