Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 440
Tổng truy cập: 1372238
CHÚNG TÔI ĐÃ GẶP ĐẤNG MESSIA
CHÚNG TÔI ĐÃ GẶP ĐẤNG MESSIA- Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Châm ngôn Việt Nam có một câu danh tiếng: “Không thầy đố mày làm nên”. Không tử thì sắp thầy đứng liền sau Vua, “quân sư phụ”, theo bậc thang mà người học trò phải tôn kính khi học ở cửa Khổng sân Trình, để được thành nhân ở đời. Cha mẹ sinh con theo thể lý, nhưng chính thầy mới là người dạy dỗ và hướng dẫn đường đời làm cho người học trò tiến thân lần hồi trong xã hội. Ai trong chúng ta cũng cần nhờ đến thầy để được hướng dẫn nên người và bước vào đời, chen vai sát cánh với những người khác. Thầy chỉ dẫn cho chúng ta khi còn thơ dại để chúng ta có thể định hướng cuộc đời mình đúng và nhờ đó tiến triển trên con đường tri thiên mệnh của mình. Theo truyền thống do thái, người học trò sẽ đi theo thầy và ở với thầy để sớm học hành chữ nghĩa và không chỉ có thế, mà còn học cách sống và làm việc như thầy. Samuen là người học trò được mẹ gởi ở với thầy là Hêli trong đền thờ để được chuẩn bị phục vụ Thiên Chúa. Hằng ngày Samuen ngủ trong đền thờ, gần hòm bia. Ông nghe tiếng gọi mình nhưng không biết tiếng của ai và cứ tưởng là tiếng thầy gọi nên đến thưa với thầy cả Hêli: “thưa thầy gọi con”. Cả ba lần thầy cả Hêli đều nói với Samuen: “Ta đâu có gọi, con hãy về ngủ đi”. Đến lần thứ ba, thầy cả Hêli mới hiểu ra đó là tiếng Chúa nên đã dạy cho Samuen thưa lại: Khi con nghe tiếng gọi con thì hãy thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Sau đó tường thuật nói rằng Samuen càng lớn lên, Chúa ở cùng cậu và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.
Ngày nay, câu nói danh tiếng của Samuen thường được lặp lại trong những lần tuyên khấn của các nữ tu. Khi được xướng tên để tuyên khấn trước bề trên của mình trong Hội dòng, người nữ tu thường trả lời theo câu nói của Samuen. Được Thiên Chúa mời gọi và can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa là hành trình của mọi tín hữu. Người tín hữu sẽ không ngừng học hỏi để sống theo lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi vì chính Thiên Chúa sẽ biến đổi đường đời và hoàn tất đường đời của người tín hữu. Chính Samuen, trong bước đường đầu đời của mình, đã không tự sức để nhận ra được tiếng Chúa gọi, nên cứ phải chạy đến với thầy. Và thầy cả Hêli ban đầu cũng chưa hiểu rõ đây là tiếng Chúa gọi. Cho tới lần thứ ba, ông mới hiểu và dạy cho Samuen biết phải đáp lại như thế nào. Người học trò nhờ thầy hướng dẫn, thế nhưng điều quan trọng là theo lời hướng dẫn của thầy để đáp lại lời gọi của Thiên Chúa. Không phải thầy Hêli gọi học trò là Samuen, nhưng thầy Hêli chỉ cho Samuen biết đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Đấng kêu gọi và biến đổi cuộc đời của mỗi người. Từ lời đáp này, Samuen đã sống nghiêm chỉnh theo lời mời gọi của Chúa hằng ngày và ông đã đạt được những tiến triển vững vàng trên con đường tu luyện học tập trong nhà của thầy cả Hêli mà Chúa kêu gọi ông để sau này ông sẽ đóng vai trò quan trọng đối với lịch sử dân Chúa.
Câu chuyện của Tin mừng theo thánh Gioan cũng tường thuật lời hướng dẫn của thầy Gioan tẩy giả cho hai môn đệ của mình. Gioan đang đứng với hai môn đệ, và thấy Chúa Giêsu đang đi nên nói với hai môn đệ: “đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe lời thầy liền đi theo Chúa Giêsu. Vai trò của Gioan là chỉ cho các môn đệ biết Chúa Giêsu để các môn đệ theo người. Phần các môn đệ, các ông đã nghe lời thầy và mau mắn đi theo Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu mới là Đấng ngỏ lời và mời gọi hai môn đệ theo người : “các ngươi tìm gì?” Và các ông đã thưa người: “Rabbi, nghĩa là thưa thầy, thầy ở đâu?” Câu chuyện đối thoại thực là vắn tắt. Chúa Giêsu cũng chỉ hỏi đơn giản để biết các môn đệ chờ đợi gì nơi người. Các môn đệ cũng không nói họ chờ đợi gì, chỉ xin được nhận làm môn đệ của thầy và đến ở với thầy. Và Chúa Giêsu đã mời họ đến thăm nơi ở của người. Cuộc viếng thăm và ở lại của các môn đệ kéo dài tới giờ thứ mười, tức khoảng bốn giờ chiều. Cuộc thăm viếng đã rất tốt đẹp đến độ sau đó Anrê đi báo cho anh mình là Simon với lời giới thiệu rất nồng nhiệt: “chúng tôi đã gặp Đấng Messia”.
Gặp gỡ Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa, vị thầy đích thực là chủ đề của các bài đọc hôm nay. Chúng ta được mời gọi, theo lời giới thiệu và hướng dẫn của Gioan, người chứng nhân để gặp gỡ và khám phá Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa và cũng là vị thầy đích thực mời gọi mọi người phải theo để học hỏi. Theo truyền thống của Do thái giáo, người môn đệ sẽ theo thầy, cùng chia sẻ đời sống với thầy, học với thầy để càng ngày càng trở nên giống như thầy và làm được những việc như thầy làm. Lý tưởng của người môn đệ là ở với thầy để học với thầy và càng lúc càng trở nên giống như thầy. Các môn đệ phải tìm theo người thầy phù hợp với mình để sống gần gũi với thầy và học với thầy. Các môn đệ của Gioan đã không ở mãi với thầy của mình mà được giới thiệu để đến với một vị thầy chân thực phù hợp với họ là Đức Giêsu, bởi vì Gioan nhận thức đã đến lúc mình phải rút lui và giới thiệu các môn đệ theo Đức Giêsu, vị thầy chân thực và quyền năng, Đấng có thể biến đổi cuộc đời mỗi người và làm cho mỗi người được tham dự vào công trình cứu độ của người. Lời chào đầu tiên mà họ nói với Đức Giêsu là Rabbi, nghĩa là thưa thầy, thầy ở đâu. Chúa Giêsu đã mời hai môn đệ đến ở với mình ngày hôm đó. Làm môn đệ cũng có nghĩa là chia sẻ một đời sống chung với thầy “ở lại với thầy”, không chỉ là nhận một kiến thức, hiểu biết lý thuyết, mà còn chia sẻ chung một đời sống của thầy, nhìn thấy những công việc của thầy làm để rồi người môn đệ sẽ lần hồi học sống như thầy và cũng sẽ làm những việc thầy làm. Chúng ta cần nhận thấy điểm độc đáo trong tường thuật của lần gặp gỡ đầu tiên này giữa Chúa Giêsu với các môn đệ. Chúa Giêsu không nói với các ông về nước Chúa hay những dụ ngôn và giải thích các dụ ngôn mà chỉ đơn giản là mời các ông đến xem và ở lại với người. Các môn đệ sẽ học khám phá điều mà Gioan đã giới thiệu về Đức Giêsu: đây là Chiên Thiên Chúa. Để học biết điều này, các môn đệ cần phải ở với người và học hỏi lần hồi để có thể hiểu biết ý nghĩa bí ẩn của lời giới thiệu này. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nói lời giới thiệu của Anrê cho Simon anh mình. Buổi gặp gỡ này đã gieo vào lòng Anrê nhiều ấn tượng tốt đẹp nên ông đã nói với anh mình: “chúng tôi đã gặp thấy Đấng Messia, nghĩa là Kitô”. Và khi Simon đến gặp Đức Giêsu, người đã nói với ông: “anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”. Gặp gỡ Đức Giêsu sẽ được biến đổi và được mời gọi đảm nhận một công việc quan trọng theo dự định của Thiên Chúa. Chúa Giêsu có quyền năng biến đổi người môn đệ và người môn đệ sẽ đảm nhận một công việc quan trọng mà Chúa Giêsu sẽ trao, và công việc này sẽ làm người môn đệ cũng được tôn vinh như thầy Giêsu.
Có ai ngờ những con người bình thường như Samuen, vẫn được gọi là trẻ Samuen học ở nhà thầy Hêli, lại trở nên vị tiên tri Samuen đầy quyền lực, xức dầu phong vương cho hai vị vua đầu tiên của Do thái là Saolê và Đavít. Có ai ngờ những người đánh cá quê mùa như Phêrô, Anrê, Gioan và Giacobê lại là những tông đồ chinh phục cả thế giới. Chính bởi vì các ngài đã chọn theo thầy Giêsu, đã ở với người, đã lắng nghe Lời của người giảng dạy và đã học với người. Học với thầy Giêsu chắc chắn sẽ được biến đổi, được trở nên hiểu biết, và được đón nhận đầy quyền lực như thầy Giêsu để rồi có thể ra đi rao giảng nhân danh thầy cho mọi người. Mỗi ngày chúng ta vẫn được mời gọi đến ở với thầy Giêsu để được thụ huấn trong trường này, được chiêm ngắm thầy Giêsu, và lần hồi được biến đổi nhờ lời giảng dạy của thầy Giêsu. Người quả thực là Chiên Thiên Chúa, đấng sẽ hiến dâng cuộc đời của mình làm hy lễ cho mọi người, và cũng sẽ làm cho cuộc đời mỗi người chúng ta cũng được biến đổi trọn vẹn.
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- B
LẠY CHÚA, NÀY CON XIN ĐẾN– Lm. Emmanuel Huỳnh Thanh Tuấn
Mỗi người sống ở trên đời này đều có những ơn gọi riêng. Có người thì sống theo ơn gọi tu trì làm linh mục, tu sĩ. Có người thì sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình.Thế nhưng, dù sống theo ơn gọi nào đi chăng nữa, thì tất cả cũng đều phải cố gắng chu toàn tốt ơn gọi làm con cái của Thiên Chúa.
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II TN hôm nay, cả 3 bài đọc Lời Chúa đều hướng chúng ta đến một cái nhìn về ơn gọi.Tuy nhiên, ơn gọi mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta biết, đó là Ơn gọi để trở nên người môn đệ của Chúa Kitô. Hay nói một cách dễ hiểu hơn đó là ơn gọi đi tu làm linh mục, tu sĩ. Và khi đề cập đến ơn gọi này, chắc có lẽ, ai trong chúng ta cũng sẽ thắc mắc rằng : chuyện đó đâu có liên quan gì đến tôi đâu. Thắc mắc như vậy, là cũng đúng thôi. Bởi vì, hầu hết Quý ÔBACE đang ngồi ở đây, đều là những người sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình. Và thậm chí ngay cả các bạn thanh niên nam nữ đang ngồi đây, cũng chưa chắc gì có mấy ai chịu đi tu cả, nếu như không muốn nói là không có. Ngay cả các em thiếu nhi cũng vậy, có bạn nào muốn đi tu làm ông cha, bà phước không ? Cũng rất khó trả lời.
Chính vì vậy, khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, sở dĩ Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tính cách ơn gọi tu trì nhiều như vậy, là bởi vì Ngài muốn nhắm đến chuyện : phải làm thế nào để cho Tin Mừng ơn cứu độ của Thiên Chúa được loan đi một cách rộng khắp đến mọi nơi và mọi người. Và để có thể thực hiện được công việc này, thì chỉ có những người sống theo ơn gọi tu trì, mới có thể dấn thân một cách trọn vẹn và dứt khoát thôi.
Cho nên không lạ gì chúng ta thấy, khi khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chọn gọi các môn đệ, để các ông cộng tác với Ngài, mà cụ thể là 4 môn đệ đầu tiên, đó là Simon, Anrê, Giacôbê & Gioan. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là Chúa Giêsu muốn hạ thấp tích cách của ơn gọi hôn nhân gia đình. Không phải vậy. Nhưng trái lại, Ngài còn muốn khẳng định với chúng ta rằng : chính ơn gọi hôn nhân gia đình sẽ là nơi hình thành nên những ơn gọi tu trì, để phục vụ Chúa và phục vụ Giáo Hội. Bởi vì nhờ sự sinh thành và dưỡng dục con cái theo đường lối của Thiên Chúa, mà từ trong gia đình sẽ có những người con dấn thân theo ơn gọi tu trì. Cho nên, vai trò của ơn gọi hôn nhân gia đình có thể nói là vô cùng quan trọng. Bởi vì như Quý ÔBACE biết, để có được một người đi tu làm linh mục, hay làm một dì Phước, thì không phải ngẫu nhiên mà có ngay được, nhưng cần phải có sự động viên khích lệ của rất nhiều người, cách đặc biệt là những người trong gia đình, cụ thể hơn nữa là cha mẹ.
Cho nên có thể nói, vai trò của cha mẹ được xem như là trung gian trong việc trao truyền lời mời gọi của Chúa đến cho con cái của mình. Và khi nói đến vai trò làm trung gian trong việc trao truyền lời mời gọi của Chúa, thì chúng ta không thể không nhắc đến câu chuyện về cậu bé Samuel trong bài đọc I hôm nay. Sỡ dĩ, cậu bé nhận ra tiếng Chúa gọi mình, đó là do cậu bé đã được mẹ hứa dâng cho Chúa để lo công việc của Ngài, và rồi cũng chính người mẹ ấy đã xin cho Samuen được vào sống trong đền thờ Silô với thầy cả Hê-li, để cậu được hướng dẫn về đời sống đạo đức thiêng liêng. Chính vì vậy, mà ngay từ nhỏ Samuen đã được ấp ủ ý hướng phải dâng mình cho Chúa, để phục vụ Ngài.
Về điều này, cũng giúp chúng ta liên tưởng đến vai trò làm cha mẹ của chúng ta đối với con cái của mình. Nhiều khi chúng ta chưa ươm mầm đủ cho chúng về đời sống thánh thiện ngay từ nhỏ ; không nhắc nhở chúng đi tham dự thánh lễ và đi học giáo lý cho đầy đủ, cũng như không chịu cho chúng tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể trong giáo xứ, chẳng hạn như : giúp lễ và ca đoàn.
Phần lớn các linh mục, tu sĩ hiện nay, khi được hỏi rằng : Động lực nào đã thúc đẩy họ sống theo ơn gọi tu trì, thì hầu như tất cả đều trả lời rằng : đó là do ngay từ nhỏ, họ đã được cha mẹ đông viên khuyến khích tham gia vào các sinh hoạt của Giáo xứ, và được học tập trong một môi trường đạo đức thánh thiện của nhà thờ. Chính vì vậy có thể nói, vai trò của ơn gọi hôn nhân gia đình nói chung, và vai trò của cha mẹ nói riêng, là rất quan trọng trong việc hình thành nên đời sống ơn gọi tu trì của con cái mình.
Thứ đến, trong bài Tin Mừng hôm nay : sỡ dĩ chúng ta thấy 2 môn đệ Anrê và Gioan đi theo Chúa Giêsu, là bởi vì: 2 ông cũng đã được thầy của mình là Gioan Tẩy Giả giới thiệu cho biết về Chúa Giêsu : “Đây là Chiên Thiên Chúa.”. Và cũng chính nhờ lời giới thiệu ấy, mà Anrê và Gioan đã đến với Chúa Giêsu. Để rồi sau đó được Ngài mời gọi :“Hãy đến mà xem”. Với lời mời gọi này, không phải là Chúa Giêsu không biết và không mời gọi 2 ông trước, nhưng Ngài muốn dùng chính miệng của Gioan Tẩy Giả để làm trung gian cho lời mời gọi của Ngài. Và sau khi Anrê và Gioan đến với Chúa Giêsu, và được ở lại với Ngài, thì 2 ông đã nhận ra Ngài chính là Đấng Messia, để rồi sau đó, 2 ông cũng tiếp tục trở nên trung gian trao truyền lời mời gọi của Chúa cho mọi người. Một cách cụ thể cho điều này,
Tin Mừng trình bày rất rõ : Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Rồi sau đó, ông Anrê đi gặp em của mình là ông Simon và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu.
Qua đó, chúng ta có thể thấy, vai trò làm người trung gian, để trao truyền lời mời gọi của Chúa cho người khác, không chỉ hệ tại ở những người sống theo ơn gọi tu trì, mà còn là vai trò chung của mọi Kitô hữu, cách riêng là vai trò của những người sống theo ơn gọi hôn nhân gia đình, và của mỗi người chúng ta nữa.
Sỡ dĩ, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh nhiều đến tính cách ơn gọi của đời sống tu trì là bởi vì, Ngài luôn mong muốn mỗi người chúng ta dù sống trong ơn gọi nào đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy ý thức sứ mạng làm con cái Chúa, và sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta.
Tuy nhiên, để có thể thi hành tốt sứ mạng đó, thì đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải đến và ở lại với Chúa Giêsu, như Anrê và Gioan đã đến và ở lại với Ngài. Để rồi, cũng như Gioan, trong suốt cả cuộc đời, ông không thể nào quên được những kỷ niệm ngọt ngào đó.
Thì cũng vậy, nhờ được đến và ở lại với Chúa Giêsu, mà mỗi người chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tình yêu ngọt ngào của Ngài. Để rồi trong suốt cả cuộc đời, chúng ta cũng sẽ luôn mạnh dạn thốt lên lời thân thưa với Chúa : “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”. Amen.
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN-B
MẦU NHIỆM ƠN GỌI- Lm. GB. Trần Văn Hào SDB
Có một nhà du khảo nọ đi lạc vào giữa sa mạc mênh mông, chung quanh chỉ toàn cát nóng. Cơn khát dâng lên tột cùng khiến anh ta dần kiệt sức vì không có nước để uống. Cuối cùng, người đàn ông nọ vấp phải một cành cây khô và ngã sấp mặt xuống đất. Suy kiệt vì khát, anh ta nằm bất động trong chán nản tuyệt vọng và chờ chết. Bỗng nhiên, trong lúc tưởng như vô vọng hoàn tòan, người đàn ông nọ áp sát tai vào mặt đất và nghe được một thứ âm thanh nho nhỏ rất kỳ diệu từ xa vọng lại. Đó là tiếng róc rách của một dòng nước đang chảy. Trong tĩnh lặng, anh ta đã nghe được tiếng suối reo. Thu hết tàn lực cuối cùng, người đàn ông kia lần mò tìm đến dòng nước và đã được cứu sống một cách lạ lùng.
Cũng như nhà du khảo lạc bước giữa sa mạc khô cháy, hôm nay chúng ta cũng được mời gọi đi vào sa mạc của tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi. Trong tĩnh lặng giữa đêm khuya, Samuel đã nghe được tiếng Chúa ngỏ trao. Giữa buổi chiều thanh vắng bên bờ hồ Galilê, Anrê và Simon cũng nghe được tiếng Đức Giêsu gọi mời. Sống trong một thế giới ồn ào ngày hôm nay với biết bao bầm dập và cay đắng, chúng ta cũng cần biến tâm hồn mình thành một sa mạc vắng lặng hầu có thể nghe được tiếng Chúa nói và mau mắn trỗi dậy bước theo Ngài.
‘Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe’
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe lại trình thuật về ơn gọi của Samuel. Chúa gọi ông giữa đêm khuya thanh vắng, nhưng ông ngơ ngác chẳng hiểu gì. Lúc đó, Samuel chỉ là một cậu bé cỏn con, giúp việc cho thầy cả Eli trong đền thờ. Nhưng may mắn, theo lời chỉ dạy của vị tôn sư đáng kính, sau khi nghe tiếng Chúa gọi lần thứ tư, Samuel đã đáp lại : “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Đây là điệp khúc mà Giáo hội vẫn cất lên trong các giờ kinh phụng vụ. Lời đáp trả ấy cũng thường được các khấn sinh lập lại khi được xướng tên trước lúc tiến lên đọc lời tuyên khấn. Đáp trả lời gọi mời của Thiên Chúa là một hành vi đức tin, diễn bày tâm thức của một con người luôn biết đắm chìm trong Chúa và lắng nghe tiếng nói của Ngài. Chúa vẫn nói với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc sống đời thường, khi thành công cũng như khi thất bại, lúc hoan vui ngập tràn cũng như khi chìm ngập trong biết bao bầm bập và cay đắng. Để nghe được tiếng Chúa nói, chúng ta phải tập sống tĩnh lặng từ trong nội tâm, biết trút bỏ mọi lo toan, mọi bươn chải hay những chộn rộn của cuộc sống, cho dầu chúng ta vướng bận biết bao công việc đa đoan thường ngày. Chúng ta phải can đảm bịt tai lại trước những cuốn hút ầm ĩ của tiền bạc, của những toan tính ích kỷ, hay của những hận thù ghen ghét đang sục sôi nơi tâm hồn. Hình ảnh của cậu bé Samuel là hình mẫu để chúng ta học hỏi và bắt chước hầu có thể tiến sâu vào lộ trình ơn gọi và đến với Chúa.
Đến để gặp gỡ và ở lại với Chúa
Cũng vậy, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể lại câu chuyện Chúa gọi Simon và Anrê, hai môn đệ đầu tiên, bên bờ hồ Galilê. Hai ông chưa biết Đức Giêsu là ai. Song, khi được Gioan tiền hô giới thiệu, các ông đã đến, đã gặp được Chúa và lưu lại với Ngài. ‘Hãy đến và xem’ (Come and See). Đó là lời gọi mời của Chúa Giêsu. Các ông đã đến và đã tiếp cận với Đấng mà các các ông chưa hề biết trước. Có thể động cơ ban đầu nơi các ông chỉ là sự tò mò, nhưng hai ông đã chủ động, đã đích thân đến gặp Đấng mà Gioan tiền hô giới thiệu. Các ông đã ‘xem thấy’ Đức Giêsu, không phải chỉ là một sự trải nghiệm bằng thể lý với đôi mắt của thân xác, nhưng hai môn đệ đã xem thấy Đức Giêsu bằng con mắt đức tin, một trải nghiệm vượt xa những lý luận tự nhiên nơi đầu óc con người. Điều quan trọng nhất, là hai ông đã ở lại với Đức Giêsu và dần đi vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài. Đây là mô hình về mầu nhiệm ơn gọi cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay, qua sự gặp gỡ và trải nghiệm sâu xa mang chiều kích linh thánh.
Sống ơn gọi Kitô hữu
Trong Giáo hội có nhiều loại hình ơn gọi. Có người được Chúa mời gọi để trở nên linh mục. Có người theo đuổi cuộc sống thánh hiến tu sĩ. Nhưng đại đa số chúng ta sống ơn gọi giữa đời như những giáo dân bình thường. Tuy nhiên, tất cả các loại hình ơn gọi này đều có một mẫu số chung, là bước theo Chúa Giêsu để trở nên môn sinh của Ngài. Điều cốt lõi và quan trọng nhất để sống hoàn thiện ơn gọi, chính là việc chúng ta đến và ở lại với Chúa như hai tông đồ Simon và Anrê. Chỉ khi nào lưu ngụ trong Chúa, chúng ta mới có thể đi sâu vào thế giới của huyền nhiệm và dần dần khám phá ra chân trời vĩ đại, rộng mở từ nơi trái tim yêu thương của Ngài. Chúa Giêsu đã kêu gọi những người học trò đầu tiên và dần dần huấn luyện các ông trở nên những ngư phủ chuyên chài lưới người. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng lời mời gọi, ngỏ trao đến tất cả chúng ta ‘Hãy đến và xem’. Muốn đi đến, chúng ta phải mạnh dạn đứng lên và dấn bước, phải can đảm từ bỏ những gì chúng ta đang cố đeo bám, như tiền bạc hoặc những danh vọng trần thế. Muốn ‘xem’ để biết Đức Giêsu là ai, chúng ta phải mở to con mắt tâm hồn, phải trải lòng mình ra để Chúa Thánh Thần tác động. Những người Do Thái ngày xưa, đặc biệt các đầu mục và nhóm Pharisêu cũng ‘xem’ thấy rất nhiều điều lạ lùng Đức Giêsu đã làm, nhưng họ ‘xem’ mà không ‘thấy’, nhìn mà không hiểu, bởi vì cho dù con mắt thể xác của họ đã mở toang, nhưng con mắt tâm hồn nơi họ vẫn mãi bị bịt kín.
Một nữ tu đã gặp mẹ Thánh Têrêsa Calcutta và nói : “Thưa Mẹ, con cảm thấy như Chúa đang mời gọi con đi tu để dấn thân phục vụ các trẻ em bất hạnh tại các trại mồ côi hoặc tại các khu ổ chuột”. Mẹ Têrêsa liền trả lời: “Không phải thế, chúng ta chỉ có một ơn gọi duy nhất, là hãy đến với Chúa Giêsu và ở lại với Ngài. Cứ đến với Chúa, rồi Ngài sẽ dạy cho con biết con phải làm gì”.
Kết luận
Ngày 13/09/1978, trong một buổi nói chuyện với các đôi tân hôn, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã kể lại một giai thoại. Tại trường Đại học Sorbonne bên Pháp có một giáo sư khá nổi tiếng tên là Frederich. Ông có một người bạn rất thân thiết là linh mục Lacordaire. Một bữa kia, vị linh mục nói với người bạn của Ngài : “Này anh bạn, anh là một con người tuyệt vời. Anh có tâm hồn đạo đức lẫn trí thông minh sắc xảo. Nếu anh đi tu làm linh mục anh sẽ giúp ích cho Giáo hội rất nhiều”. Một thời gian sau, vị Linh mục nghe tin anh bạn của mình sắp sửa kết hôn. Ngài thất vọng và nói với anh ta : “Bạn điên hay sao mà đi lấy vợ. Tại sao anh lại tự nguyện đeo một cái gông vào cổ của chính mình”. Hai năm sau, Cha Lacordaire đến Rôma và vào triều yết Đức Thánh Cha Piô IX. Đức Thánh Cha thân mật tiếp kiến và nói đùa với Cha Lacordaire : “Cha dạy giáo lý có vẻ lạc giáo đấy. Giáo hội dạy rằng Chúa Giêsu đã thiết lập 7 Bí Tích, nhưng cha lại dạy rằng, Chúa Giêsu thiết lập chỉ có 6 Bí Tích cộng thêm một cái gông để đeo vào cổ.”
Đời sống hôn nhân gia đình cũng là một ơn gọi cao quý để giúp chúng ta nên thánh khi sống giữa đời. Để sống sung mãn ơn gọi này, chúng ta hãy bắt chước Samuel luôn biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, nhất là bắt chước hai môn đệ đầu tiên để đến với Chúa và lưu lại với Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam