Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 74

Tổng truy cập: 1366062

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?

Chúng tôi phải làm gì? – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Chia sẻ khác với bố thí thế nào? Thánh Gioan Tẩy Giả đòi ta chia sẽ hay bố thí?
  2. Bạn có ước mong thế giới đổi mới nên tốt hơn không? Muốn thế bạn phải làm gì?
  3. Bạn có mong ước Chúa đến với mọi người không? Muốn thế bạn phải dọn đường cho Chúa như thế nào? [Mục Lục]

17. Hãy canh tân cuộc sống của mình.

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

HÃY CANH TÂN CUỘC SỐNG CỦA MÌNH ĐỂ ĐƯỢC NIỀM VUI VÀ VUI THẬT.

Linh mục Antony de Mello Dòng Tên đã kể lại câu chuyện sau đây về một nhà tu Ấn Độ nổi tiếng. Vị tu sĩ đáng kính này đã nhận định về cuộc đời của mình như sau: “Khi còn trẻ, tôi là một con người hăng say cách mạng và lời cầu nguyện của tôi lúc đó dâng lên Thiên Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để thay đổi trọn cả thế giới này”. Nhưng rồi khi tôi sống đến nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa thay đổi được ai cả, tôi ít tự phụ hơn và cầu nguyện cùng Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con một ơn này mà thôi, là có thể thay đổi được những ai mà con gặp hằng ngày, những người thân trong gia đình, những bạn bè. Chỉ được như thế thôi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi”. Nhưng giờ đây đến lúc già, tháng ngày đời tôi sắp tàn, tôi ý thức mình đã tự phụ và điên rồ, tôi chỉ còn cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con”. Nếu tôi đã sống và cầu nguyện như thế ngay từ đầu cuộc đời của tôi, thì tôi đã không uổng phí cuộc sống của mình”.

Lời tự thú trên đây của nhà tu hành người Ấn Độ nhắc chúng ta một điều căn bản là, hãy thay đổi chính bản thân của mình trước để có thể giúp anh chị em mình, xã hội mình thay đổi sau đó. Truyền thống đạo đức từ ngàn xưa còn nhắc mỗi người chúng ta hãy “tu thân, tề gia” rồi mới mong “trị quốc, bình thiên hạ”. Tất cả đều bắt đầu với cuộc nhỏ. Đó là tu thân, là thay đổi chính cuộc sống của mình theo tinh thần Tin Mừng của Chúa. Đây là một điều rất khó.

Các bài đọc hôm nay dường như muốn nhắc chúng ta điều này. Bài Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại lời mời gọi ăn năn hối cải mà Gioan Tẩy Giả công bố cho tất cả mọi người. Nhưng trước khi công bố lời mời gọi ăn năn hối cải đó, Gioan đã sống thật trong cuộc đời của mình, điều mà ngài truyền dạy cho kẻ khác, đến xin ngài hướng dẫn: “Thưa Ngài chúng tôi phải làm gì?” Gioan đã lên tiếng kêu gọi: thực thi tình liên đới bác ái, thực thi công bằng, từ bỏ bạo lực, sống tôn trọng trật tự, sống hòa bình. Chỉ khi nào con ngươì và nhất là đồ đệ của Chúa Kitô thực hiện thật sự một cuộc trở lại của chính con người của mình, thì lúc đó, con người mới hưởng được niềm vui của Chúa, mới có thể sống an vui theo như lời mời gọi của tiên tri Sôphônia mà chúng ta đọc qua trong bài đọc thứ nhất của thánh lễ hôm nay, và lời mời gọi của thánh Phaolô tông đồ nơi bài đọc thứ hai: “Anh em thân mến! Hãy vui luôn trong Chúa”. Làm sao chúng ta có thể sống an vui được khi tâm hồn chúng ta chưa thật lòng trở lại cùng Chúa, chưa dứt khoát chừa được những tội lỗi, chưa bỏ đi được những tâm tình tiêu cực, ghen tương, hận thù đố với anh em xung quanh.

Trong tập sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có những suy tư sau đây về niềm vui của đức tin Kitô. Chúng ta có thể chia sẻ lại những suy tư của Đức Thánh Cha như sau: “Tin Mừng có nghĩa là tin mang đến niềm vui mừng và Tin Mừng luôn là một lời mời gọi con người sống vui tươi. Tin Mừng là một lời xác nhận cao cả cho giá trị của thế giới và giá trị của con người. Bởi vì Tin Mừng là chính sự mạc khải sự thật về Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch nguyên thủy của niềm vui và hy vọng cho con người. Tin Mừng trước hết là niềm vui của công cuộc sáng tạo. Thiên Chúa khi tạo dựng đã nhìn thấy tạo vật Ngài đều tốt đẹp. Ngài là nguồn mạch của niềm vui cho mọi tạo vật và trước hết cho toàn thể nhân loại. Ngài nói với mọi tạo vật như sau: Sự hiện hữu của con là điều tốt đẹp. Và niềm vui của Thiên Chúa được phổ biến ra nhất là qua Tin Mừng. Theo đó, điều tốt lành luôn luôn cao cả hơn mọi điều xấu trong thế giới này. Thật vậy, sự xấu không phải là điều căn bản và không có tính cách quyết định vĩnh viễn. Đây là điểm phân biệt rõ ràng đạo Kitô ra khỏi mọi hình thức của thuyết bi quan hiện sinh, ra khỏi mọi hình thức nhận định bi quan về cuộc sống con người. Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm vui và hy vọng cho con người”.

Chúng ta hãy đến với Thiên Chúa, hãy đến gần Thiên Chúa hơn, hãy canh tân cuộc sống của mình để được niềm vui và vui thật.

Lạy Chúa, nếu chúng con không đủ can đảm để đến với Chúa, thì xin Chúa thương hãy đến với chúng con. Hãy đến chứng tỏ tình yêu thương của Chúa và tha thứ mọi tội lỗi chúng con đã phạm. Xin hãy tẩy sách tâm hồn chúng con khỏi những tâm tình oán hờn, ghen tương, hận thù, để chúng con thật sự sống trong ân sủng của Chúa, thật sự sống trong niềm vui và hưởng được niềm vui vì được Chúa thương ngự đến[Mục Lục]

18. Thay đổi trong vui mừng

Theo cái nhìn bình thường khi có được niềm vui và phấn khởi trong lòng người ta dễ thay đổi. Phần nhiều người ta thay đổi từ những điều xấu sang những điều tốt hơn. Có khi người ta thay đổi hoàn toàn.

Chúng ta nhớ trường hợp ông Dakêu đã thay đổi như thế nào. Từ một con người keo kiệt chỉ biết thu gom cho chính mình ông đã thay đổi trở thành một con người quảng đại biết mở ra cho hết mọi người: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19, 8b). Sở dĩ ông thay đổi như thế vì ông đã được một niềm vui hết sức to lớn. Ông chỉ dám trông mong được thấy mặt Chúa Giêsu nhưng Người đã ban cho ông quá niềm mong ước. Người đã đến cư ngụ và dùng bữa nơi căn nhà của ông.

Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta bước vào Chúa nhật thứ ba Mùa vọng. Ðây là ngày Chúa nhật của sự vui mừng. Vui mừng vì Ðấng Cứu Thế Giêsu đã đến và đang ngự giữa chúng ta.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy một số người Do thái chỉ vì Ðấng Cứu Thế sắp đến theo lời rao giảng Thánh Gioan Tẩy Giả thôi mà họ đã hồ hởi xin được thay đổi: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3, 10). Ông đã chỉ cho họ cách thay đổi rất cụ thể tùy theo từng hạng người và tùy theo từng nghề nghiệp. Chắc chắn họ sẽ làm theo sự chỉ dẫn của Thánh Gioan để đón nhận Ðấng Cứu Thế đến với mình.

Liên tiếp hai Chúa nhật vừa qua Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh thức và dọn đường để đón Chúa đến. Hôm nay, Lời Chúa một lần nữa tiếp tục mời gọi chúng ta đón Chúa cách khẩn thiết hơn.

Thật ra Ðấng Cứu Thế Giêsu đã đến rồi. Hơn nữa, trong từng giây phút Chúa Giêsu đang đến với từng người và từng gia đình chúng ta. Không lẽ bấy nhiêu không đủ để chúng ta vui mừng sao. Nếu thật sự vui mừng chúng ta hãy nhanh chóng đừng chậm mà thay đổi tùy theo hoàn cảnh sống của mình cho thật tốt hơn. [Mục Lục]

19. Phần thưởng

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Vua Aman coi tướng Naaman, tổng tư lệnh quân đội, của ông là một nhân tài tuyệt luân. Đánh đâu thắng đó. Dư tài điều binh, khiển tướng có đến ngàn, vạn quân sĩ nhưng ông thất bại trong việc kiểm soát chính con người mình, nhất là chứng bệnh cùi. Ông nghe đồn tiên tri Elisha bên Samaria chữa được bệnh cùi. Naaman và đoàn tuỳ tùng kéo đến xin ra mắt nhà tiên tri. Elisha đã không tiếp chỉ nhắn bảo đến sông Giođan tắm bảy lần sẽ khỏi. Nghe tới đó Naaman nổi giận như sóng cồn. Tự ái bị tổn thương. Tiên tri có thá gì, sao coi thường tể tướng quá thế. Quốc thể ta bị nhục mạ quá lắm. Không lẽ nước sông xứ Israel tốt hơn nước sông xứ chúng ta sao. Đoàn tuỳ tùng tức tối trên đường về. Rất có thể ông tâu vua cho quân dậy cho một bài học. Thiên Chúa không mở mắt ông bằng các nhà luật sĩ nhưng bằng đứa đầy tớ gái. Nó nói với ông. Ngài hẳn vui mừng nếu tiên trì bắt Ngài vượt rừng sâu, trèo núi cao, lặn đáy biển để lành bệnh. Thưa không, tiên tri mong ngài làm điều bình thường, điều nhỏ để hái kết quả vĩ đại, mong Ngài đừng từ chối. Lời con bé khiến ông tướng suy nghĩ. Ông đến tắm nơi tiên tri chỉ bảo. Lần tắm thứ bảy vừa xong, ra khỏi nước da ông mịn màng, mặt ông tươi sáng, miệng ông cười rộ, lòng ông thanh thản, chân ông nhảy, tay ông múa, cổ ngẩng cao ca tụng Thiên Chúa. Đoàn tuỳ tùng trở lại xin lỗi nhà tiên tri và trao quà đáp lễ. Elisha không nhận quà nhưng vui vì tể tướng vui mừng ca tụngThiên Chúa. 2Vua 5,11tt.

Chúng ta cũng muốn làm việc vĩ đại để chúc tụng Thiên Chúa. Đây là lối suy nghĩ của vị tể tướng muốn làm việc lớn, trọng đại hơn là làm những việc bé nhỏ tầm thường hàng ngày. Lối suy nghĩ đó không phải là lề lối của Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta trung thành trong công việc nhỏ, việc bình thường. Qua Ngài việc nhỏ đó mang lại thành quả trọng đại. Việc trọng đại là việc của Chúa, không phải của ta. Những ai mong muốn, ước ao làm việc trọng đại thường gây tai hoạ cho mình và cho người khác. Chính những công việc nhỏ mọn có sức mạnh làm thanh thản tâm hồn, làm vơi đi gánh nặng cuộc đời. Những câu đáp ca trong thánh vịnh hôm nay và tiên tri Zapharia đều kêu gọi con gái Sion và con cái thành Jerusalem thực hiện những việc đơn sơ, bé mọn.

Mừng vui lên, hãy nhảy mừng ca tụng, tán dương….. hãy ca múa trong niềm hân hoan như ngày hội. Thánh vịnh kêu gọi ca tụng Thiên Chúa và dâng lời ca ngợi. Hãy hát lên bài ca ngợi khen, hãy reo vui.

Thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu thành Philipi 4,4tt nói rõ hơn khi ngài viết

Tôi kêu gọi anh em hãy vui lên, hãy vui lên trong Chúa.

Vui lên trong Chúa, không phải vui vì niềm vui khác nhưng niềm vui đến từ Chúa. Muốn có niềm vui trong Chúa cần cầu nguyện. Cầu và tạ ơn cho niềm vui được trọn vẹn. Khi làm điều đó tâm hồn thanh thản, tâm trí an bình. Làm sao lời cầu có sức mạnh ban bình an cho tâm hồn? Thánh Phaolô cho biết việc này cao sâu ngoài trí tưởng của loài người.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng kêu gọi con người sống đời đơn sơ, chân thành khi họ đến hỏi ngài họ cần làm gì để có bình an tâm hồn. Thánh nhân bảo đừng lạm quyền, sống ngay thẳng và bằng lòng, vui với những gì đang có. Thánh nhân cho biết không thể tìm thấy Tin Mừng trong một tâm hồn buồn đau, thảm sầu. Tin Mừng nếu không đem lại niềm vui thì sao gọi là tin vui, Tin Mừng.

Cầu nguyện trở thành gánh nặng, chán nản khi giờ cầu thiếu sức mạnh của niềm vui. Niềm vui biến mất khi tâm hồn mất đơn sơ, khi tâm hồn đi tìm lí luận giải thích thoả đáng mầu nhiệm trong đạo. Thánh Phaolô cho biết mầu nhiệm trong đạo vượt quá trí hiểu loài người. Hãy cẩn thận, một tâm hồn tìm lí luận giải thích mầu nhiệm sẽ rơi vào trường hợp hoặc là chấp nhận giới hạn của con người để tin vào Thiên Chúa hai là chối bỏ một thực thể rõ ràng là sự thật về đức tin. Thiên Chúa chúng ta tin thờ là một Thiên Chúa huyền bí, mầu nhiệm cao cả, vượt quá trí hiểu. Tình yêu Ngài dành cho nhân loại cũng cao siêu mầu nhiệm. Niềm tin mà không có mầu nhiệm kèm theo thì niềm tin đó quá đơn giản, không đáng tin. Tể tướng Naaman từ bỏ tính kiêu căng để chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa. Nhờ khiêm nhường ông tìm gặp Thiên Chúa nhiệm mầu và ông vui mừng dâng lời ca tụng. [Mục Lục]

20. Bông lúa cờ

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Nhà nông chuyên nghiệp liếc qua biết ngay là bông lúa cờ, không ích lợi gì cho mùa gặt. Gọi là bông lúa cờ vì là bông lúa cao hơn những bông khác và phất phới trước gió khi có làn gió nhẹ phớt qua. Câu văn trên có nhiều chữ bông nói lên cái ruột nhẹ, trống lép của hạt lúa.

Khi còn là bụi lúa non cây nó cao lớn hơn những bụi lúa khác, mạnh khoẻ, xanh tươi khác thường. Chủ lúa ít kinh nghiệm vui mừng hy vọng nó cho những bông lúa vàng trĩu hạt. Đến mùa gặt niềm hy vọng tan biến vì bông lúa to lớn khác thường, là bông lúa cờ, phất phới trước gió, sau lớp vỏ kia trống rỗng, không ruột, toàn trấu tốt cho phân gio. Đời nó sẽ là

Thóc mẩy thu vào kho lẫm, thóc lép bỏ vào lửa đốt đi (Lc 3,17).

BÔNG LÚA NGẨNG ĐẦU

Bông lúa cờ trọn đời may mắn, hạt rơi vào vùng đất tốt, nhiều nước lắm phân nên đời nó dư ăn, thừa uống trở thành bụi lúa lốp. Hạt lúa to, ruột trống rỗng, không hạt gạo bên trong. Ngoài lớp vỏ trấu chỉ có lớp màng mỏng che cái hạt gạo xẹp lép vừa đủ để thải ra ngoài thành đồ bỏ. Ruột rỗng nên nhẹ nhàng, ngẩng đầu bay trong gió.

BÔNG LÚC GỤC ĐẦU

Những bông lúa mẩy nặng hạt nên đầu bông lúa cúi gục xuống nằm sáp rạp lấy nhau tạo nên tấm thảm lúa vàng ươm, niềm vui của nhà nông, thành quả của lao tác, hoa trái màu mỡ của đất trời nuôi sống con người.

Bông lúa gục đầu vì các hạt lúa mẩy căng tròn, hạt gạo bên trong trắng mượt và chất cám thơm ngạt ngào. Khi nấu chín cho thơm mùi cơm mới.

SỐNG THỜI ANH CHỊ

Bông lúa cờ cho hạt lép vì dành hết chất bổ nuôi lá óng ả, mượt dài, thiếu dinh dưỡng nuôi hạt. Người chú trọng vẻ đẹp bên ngoài sẽ bê bối bên trong- chè chén cho ngon, diện cho đẹp, bất kể cách kiếm tiền. Tiền chém giết dính máu, tiền gian lận, tiền lời bán xìke- Người trang điểm bằng tiền định giá trị người khác trên căn bản hối xuất đồng tiền. Tiền khơi dậy đam mê trụy lạc.

Muốn ăn ngon bắt người nhịn đói. Muốn mặc đẹp ép người khoác giẻ rách. Sao giật của người khoác cho mình, giành của người nuôi thân mình. Nói xấu người nói tốt cho mình. Tật xấu làm chủ con người, mùa thu hoạch sẽ gặt bông lúa cờ.

Bông lúa cờ lép vì nó cao hơn các lúa bạn, phấn hoa bay không tới. Sống trên cao ngó xuống, hưởng trăng thanh, gió mát, mưa sa. Sống đè đầu cỡi cổ kẻ khác, thích đời sống trăng hoa cuối đời kết quả xẹp lép, bông trái phúc đức bên trong không nhân, nhân lép bao bọc bởi lớp vỏ cám. Đời không nhân đức là đời bất hạnh vì nhân đức làm nên con người thiện tâm. Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Không nhân đức sống bất an.

Bông lúa cờ lép vì đời nó đưa đẩy theo cánh gió. Lép nên đứng thẳng đầu. Sống đón gió ăn tàn là sống không lí tưởng, không chủ đích rõ ràng. Gió chiều nào ngả chiều đó. Đức tin lay theo chiều gió là đức tin non dại, thiếu trưởng thành, không rễ sâu nên dễ bị chao đảo theo xu thế xã hội. Ngả theo xu hướng nghe bùi tan, ngon ngọt, nịnh hót là chết êm dịu.

SÁM HỐI

Điều Gioan đòi hỏi rất thực tiễn, nếu quyết tâm sẽ thực hiện được. Đòi hỏi hợp khả năng, trong quyền hạn mỗi hối nhân. Không cần thay đổi thế giới. Hãy sống như đang sống, làm việc như đang làm chỉ cần làm với lòng mến. Gioan không kêu gọi đổi núi, dời non, hoán chuyển vũ trụ. Gioan mời gọi nhìn vào hiện tại. Đừng nhìn lại quá khứ để hối tiếc; tránh nhìn vào tương lai để lo sợ; hãy nhìn vào hiện tại, công việc đang làm. Đừng nhìn thiên hạ để mơ màng, hãy nhìn vào thực tế đời mình. Với thợ thuyền gioan khuyên: chia cơm ăn, áo mặc cho người không có.

Nhóm cầm bút, sổ sách tránh lạm dụng quyền hành trong tay.

Nhóm cầm gươm giáo chớ hà hiếp, chiếm đoạt của người và bằng lòng với đồng lương.

Theo Gioan sám hối bắt đầu bằng chính mình trong khả năng, quyền hạn. Đừng bắt ai thay đổi nhưng thay đổi chình mình. Đừng sống mơ màng chức tước đám đông gán cho. Nhìn vào chính mình để biết khả năng, chức vụ và giới hạn của mình. Đừng sống điều anh em ban tặng nhưng sống chân thật với chính mình, đó là con đường hoàn thiện và là đường chân lí. Nếu không thành thật với chính mình thì không thể thành thật với người. [Mục Lục]

home Mục lục Lưu trữ