Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1371313

CHỨNG TỪ PHỤC SINH

Chứng từ phục sinh

(Suy niệm của Lm Phêrô Hồng Phúc)

Trong suốt những lần hiện ra cùng các tông đồ, luôn luôn, những lời chào chúc đầu tiên của Chúa Giêsu là: "Bình an cho các con". Đây là những gì mà khi trao sứ vụ cho các tông đồ, Chúa Giêsu đã từng dạy các ông: "Đừng mang bao bị, tiền túi dọc đường nhưng vào làng nào, thành nào, các con hãy chúc bình an cho người ta".

Dường như, Chúa muốn dạy cho các tông đồ rằng: "Kho tàng của các con duy nhất là sự bình an, trao ban cho những nơi các con đến" và mùa Phục Sinh này, chúng ta được chứng kiến Chúa Giêsu đã trao ban kho tàng ấy cho các ông: "Bình an cho các con". Bình an vượt trên những sợ hãi, đóng kín cửa trong nhà; bình an để các ông có thể yên tâm ra khơi, cho dẫu cả đêm không bắt được con cá nào; rồi bình an của Chúa đến, sự hiện diện của Chúa sẽ làm cho các ông được đầy thuyền cá lớn. Hơn nữa, sự bình an của Chúa hôm nay còn trao ban cho các ông một sứ mệnh rất lớn lao: "Các con sẽ là chứng nhân những sự kiện đó". Từ đây, bài học không còn là lý thuyết nhưng là chứng từ của cuộc sống về Chúa Kitô Phục Sinh. Với chứng từ này, các tông đồ tiếp tục trao ban bình an cho thế giới. Sự bình an vượt trên mọi sợ hãi, âu lo, trao ban niềm hy vọng và kiến tạo hạnh phúc cho thế giới. Chứng từ về Chúa Kitô Phục sinh là một chứng từ mạnh mẽ nhất về sự chiến thắng thế gian, chiến thắng tử thần. Chứng từ Phục Sinh mở ra cho chúng ta viễn ảnh về sự sống đời đời mà chúng ta được mời gọi sống trong sự sống ấy. Hay nói một cách cụ thể hơn là sống trong sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi: Yêu thương, hiệp nhất và vĩnh cửu.

Các tông đồ là những người còn phân vân không phải nghi ngờ Chúa, nhưng nghi ngờ về giác quan của mình, về mắt mình có thể nhìn sai, về trí tưởng tưởng của mình có thể vẽ ra những gì là "tự kỷ ám thị". Chúa Giêsu đã ăn trước mặt các ông để làm chứng cho các ông rằng: "ma đâu có xương thịt như các con thấy thầy có đây". Chúa Giêsu ăn trước mặt các ông không phải vì nhu cầu đói, không phải vì nhu cầu phải ăn mới sống nhưng ăn để làm chứng sự hiện hữu của Chúa trong con người của Giêsu đã từng bị đóng đinh, đã từng bị giết chết.

Chúa Giêsu cũng dạy cho các tông đồ rằng: Chúng ta ăn để sống và sống để làm chứng nhân Phục sinh của Chúa Kitô. Đừng coi ăn là mục đích để rồi chỉ sống mà ăn. Chúa Giêsu đã cho các ông thấy một nhãn giới cao hơn trong mục đích của đời sống con người. Như vậy, các ông đã hiểu ra rằng: Cuộc sống ở đời nay là phương tiện để đưa các ông đến với Thầy và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh, là làm chứng về một cuộc sống đời đời và trao ban bình an cho thế giới. Đó là sứ mệnh của các ông.

Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng hieu ra rằng: tất cả mọi sinh hoạt, tất cả cuộc sống trần thế, chúng ta đang có đây là những phương tiện giúp chúng ta đến với một niềm hy vọng. Niềm hy vọng để biến chúng ta thành chứng nhân của Tin Mừng và chứng nhân ay được Giáo hội nhắc lại trên môi miệng mỗi người chúng ta trong thánh lễ mỗi ngày: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xứng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến". Xin giúp chúng con ý thức sứ mệnh này để đến lượt chúng con lại tiếp tục ra đi làm chứng nhân Tin Mừng cho Chúa trong thời đại chúng con đang sống. Amen.

 

27. Đau khổ.

Đang khi các tông đồ nghe hai môn đệ từ Emmaus trở về, say sưa kể lại sụ kiện gặp gỡ Đức Kitô phục sinh, thì Ngài bỗng hiện ra và ở giữa họ. Chắc hẳn lúc bấy giờ các ông đã vô cùng sững sờ và ngạc nhiên đến nỗi tưởng như mình đã gặp phải một hồn ma nào đó. Khi ấy Chúa Giêsu mới ân cần làm cho họ nhan biết mình. Ngài nói chuyện với họ, khuyến khích họ sờ vào tay chân Ngài để họ không còn nghi ngờ chi nữa.

Dù vậy các ông vẫn còn e dè sợ sệt. Chúa Giêsu lại phải đưa thêm một bằng chứng khác nữa, đó là Ngài cùng an uống với họ. Hồn ma chỉ có thể tạo ra những ảo giác chứ không thể ăn uống như người thật. Các tông đồ đến lúc đó mới hết ngờ vực. Vả lại nhìn chung quanh các ông thấy ai cũng tin như thế, các ông mới yên lòng, vì nếu ảo tưởng thì chỉ có nơi một vài người lẻ tẻ, chứ không thể nào tất cả bằng ấy người lại cùng có một ảo tưởng.

Họ nhận ra Ngài như Ngài đã nói: Chính Thầy đây. Và họ tin chắc đó là Chúa Giêsu, người mà họ đã bươc theo suốt ba năm dài, đã trở nên tông đồ, đã sống thân mật và gần gũi với Ngài. Ngài đã chịu nạn chịu chết và bây giờ đã sống lại.

Giờ đây, Chúa Giêsu cũng làm lại điều Ngài đã làm cho hai môn đệ tại Emmaus, đó là mở trí cho họ hiểu Kinh thánh. Bấy lâu nay Ngài đã nhiều lần và bằng nhiều cách dạy cho họ hiểu những lời tiên tri, thánh vịnh. Cố ý cho họ biết Ngài là Đấng Messia, sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết. Nhưng nào họ co chịu hiểu cho đâu, lại còn bực bội tức tối về điều đó nữa.

Chúng ta cũng thế. Biết bao nhiêu lần chúng ta vẫn quan niệm Giáo Hội như là một cơ chế quyền lực do Chúa thiết lập. Giáo Hội phải thành công rực rỡ trong mọi lãnh vực. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã đòi hỏi cuộc sống thiêng liêng và những hoạt động tông đồ của mình phải gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chúng ta không thể nào chấp nhận được chương trình và cách thức hành động của Thiên Chúa.

Giờ đây Chúa Giêsu mở lòng trí các tông đồ khiến họ phải hiểu qua con đường nào mới tiến đến được vinh quang Nước Trời. Thực tế, con đường của Chúa không đi đôi với vẻ hào nhoáng của những thành công sáng chói ở đời, nhưng đó là con đường nghịch lý mà Chúa Giêsu đã dạy trong tám mối phúc thật. Có thể thỉnh thoảng Chúa cũng ban cho chúng ta một vài thành quả nào đó, tuy nhiên những thành quả ấy phải được sư dụng để làm vinh danh Chúa và mưu cầu lợi ích cho anh em, chứ không phải là để kiếm chác những lợi lộc tư riêng theo kiểu vinh thân phì gia.

Cái định luật bất di bất dịch mà những người tin Chúa phải tuân theo, đó là hãy chấp nhận gian khổ, hãy vác lấy thập giá trên vai nếu như chúng ta muốn trở thành môn đệ Chúa, nếu như chúng ta muốn được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

 

28. Chứng nhân cho Đức Kitô

1. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể lại việc Đức Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ, chúng ta dễ nhận ra hai phần: Phần thứ nhất, Đức Kitô dùng những lời nói và những hành động cụ thể để chứng minh Ngài đã thực sự phục sinh; phần thứ hai, Ngài trao cho các ông sứ mệnh mới, đó là hãy rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và làm chứng việc Ngài đã phục sinh cho mọi người: "Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy" (Lc 24,48). Không riêng một ai, mà Chua mời gọi mọi Kitô hữu qua mọi thời hãy làm chứng nhân cho Chúa, chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi ấy?

2. Làm chứng là đứng ra xác nhận những gì mình đã chứng kiến, thí dụ làm chứng về một tai nạn giao thông...Người đứng ra làm chứng được gọi là chứng nhân. Chính vì để rao truyền Tin Mừng cho toàn thế giới mà Đức Kitô đã chọn các tông đồ và các môn đệ. Các ngài sẽ chứng thực trước mặt mọi người về những sự kiện đã xảy ra nơi Đức Giêsu, từ phép rửa thánh Gioan đến lúc Đức Giêsu về trời. Đặc biệt về sự phục sinh của Đức Giêsu, biến cố này chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa (Cv 1,22; 2,32).

Trong bài đọc I(Cv 3,11-26), Phêrô thay mặt cho các tông đồ lớn tiếng làm chứng cho dân chúng tại Giêrusalem về việc Đức Giêsu đã chịu đóng đinh, chịu chết và nhất là việc Chúa sống lại.

Không những bằng lời rao giảng lúc thuận tiện, mà chính Phêrô cũng như các tông đồ và nhiều môn đệ khác còn làm chứng cho Đức Kitô bằng chính đời sống của mình dù phải vất vả rao giảng, dù phải đòn vọt, tù ngục và ngay cả hy sinh mạng sống, các ông chấp nhận tất cả để làm chứng cho Đức Kitô.

3. "Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy", lời mời gọi làm chứng cho Đức Kitô vang dội nơi mỗi người chúng ta. Đức GH Phaolô VI đã nói: "Mỗi người giáo dân, trong bản chất, là một chứng nhân". Sách Giáo Lý Hoi Thánh Công Giáo cũng chỉ rõ: qua bí tích Thêm Sức, nhờ ơn Chúa Thánh Thần người Kitô hữu được tháp nhập thâm sâu vào Chúa Kitô, liên kết chặt chẽ với Hội Thánh và

được mời gọi làm chứng đức tin Kitô giáo bằng cả cuộc sống (x.GLGHCG số 1316). Vậy mọi Kitô hữu được mời gọi làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ qua đời sống tốt đẹp của mình mọi nơi mọi lúc. Làm chứng cho tình yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa qua đơi sống yêu thương tha thứ của mình. Làm chứng cho Đức Kitô phục sinh bằng cách hoán cải, canh tân đời sống như lời Chúa dạy trong đoạn Tin Mừng này, để rồi mai sau được hy vọng cùng phục sinh với Ngài.

Trong bài đọc II, thanh Gioan chỉ rõ cho chúng ta phương cách làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Kitô bằng những việc làm cụ thể: đừng phạm tội, hãy giữ các giới răn của Thiên Chúa, qua đó thể hiện lòng yêu mến Chúa.

4. Mang thân phận con người, nhất là trong thời đại này, người Kitô hữu cũng rất dễbị cám dỗ, ngụp lặn trong những giá trị vật chất như tiền bạc, danh vọng, quyền lực, lạc thú... Có thể không mất hẳn niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng lắm khi mang danh Kitô hữu mà lại sống rất xa, rất khác biệt giới răn Thiên Chúa, lời Chúa dạy.

Nhưng đáng mừng thay, bên cạnh đó, qua mọi thời, mọi nơi không thiếu những Kitô hữu sống không hổ thẹn với các bậc tông đồ, họ đã trung thành làm chứng cho Chúa. Đó là những cá nhân, những gia đình, đoàn thể cố gắng sống xứng danh là người Công Giáo, cố gắng góp phần xây dựng Họ Đạo, xây dựng Hội Thánh. Họ thấy được giá trị của Tin Mừng, cho nên đa kiên vững trong thử thách cho dù phải thiệt thòi về quyền lợi, về vật chất... hay hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô.

5. Tại sao hai môn đệ trên đường Emmau này có được sức mạnh để quay ngay lại Giêrusalem, để làm chứng về sự gặp gỡ của họ với Đức Kitô phục sinh cho các tông đồ? Thưa đó là nhờ được Chúa giải nghĩa Kinh Thánh, nhờ nhận ra Ngài qua nghi thức bẻ bánh. Đức Kitô tiếp tục nâng đỡ đời chứng nhân của các tông đồ, các môn đệ khi họ chuyên cần cầu nguyện, tham dự nghi thức bẻ bánh (Cv 1,14; Cv 2,42). Giờ đây, Ngài vẫn nâng đỡ đời chứng nhân của mọi người chúng ta qua việc cầu nguyện, lãnh các bí tích... nhất là việc tham dự thanh lễ và hiệp lễ.

6. Đức Kitô đã hứa nếu ta làm chứng cho Ngài trước mặt người đời, chính Ngài sẽ làm chứng cho ta trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, ước mong rằng mỗi người chúng ta luôn cố gắng bằng mọi phương cách trong đơi sống của mình để đáp lại lời mời gọi vừa thân tình vừa là lệnh truyền của Chúa là đem Tin Mừng đến cho muôn dân "Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy (cho Thầy)".

 

29. Niềm tin vào sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin Mừng Lc 24:35-48: Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy các môn đệ khó chấp nhận việc Chúa sống lại, cũng như trước đây khi nói về việc lên Giêrusalem, các môn đệ cũng khó chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhớ rõ lắm khi Chúa Giêsu nói Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô đã phản ứng quyết liệt: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Chúa muốn Phêrô hãy trở lại vị trí của mình là môn đệ của Chúa. Là môn đệ thì phải theo sau sư phụ. Sư phụ đi trước, đệ tử theo sau. Nhưng ở đây Phêrô lại cả gan dẫn dắt Chúa, chứ không để Chúa dẫn dắt mình, nên Chúa đã phải nói: "Phêrô hãy lui về đàng sau Ta...

Phản ứng quyết liệt của Phêrô cho chúng ta thấy Phêrô không muốn chấp nhận cái chết của Chúa. Rồi chúng ta còn thấy gì nữa nơi hai môn đệ trên đường Emmau. Hai ông buồn lắm, bởi vì ba năm theo Chúa, bây giờ công toi. Chán nản thất vọng, trở về quê nhà. Tất cả đều muốn nói với chúng ta là các môn đệ không muốn chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu, một cái chết thê thảm, một cái chết ô nhục. Một cái cái chết làm tiêu tán tất cả mọi hy vọng trong ba năm theo Chúa.

Rồi trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy gì?

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa hiện ra lần thứ ba với các Tông đồ tại nhà Tiệc ly. Với một cái nhìn chung, người ta nhận ra nơi Luca việc tường thuật các lần Chúa sống lại hiện ra được kể với ba hạng người:

Trước tiên với các phụ nữ (Lc 24,1-12), rồi cho các môn đệ (Lc 24,13-25), và cuối cùng cho các Tông Đồ, tức nhóm Mười Hai (Lc 24, 35-48). Đó là ba nhóm người mà khi Chúa đi rao giảng, đã liên kết với Chúa một cách chặt chẽ, tuy nhiên với những mức độ khác nhau.

Qua các lần hiện ra, Đức Giêsu làm chứng rằng Chúa đã sống lại bằng một phép lạ chưa từng có trên đời này. Để các Tông Đồ tin, Ngài đã làm hết mọi cách từ tâm lý đến thể lý, từ lịch sử đến việc chứng minh được thực hiện đúng lời đã hứa.

Bởi vậy, khi Luca kể lại việc Chúa xuất hiện cho mười một Tông Đồ lúc đêm xuống, thì ông nhấn mạnh việc Chúa xuất hiện bằng thể xác của Ngài. Khi các môn đệ thấy Ngài thì họ tưởng mình thấy ma, hoặc là hồn ma hiện về. Đánh tan cảm tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu đã vận dụng mọi giác quan để chứng tỏ Ngài có một thân thể không phải phi vật chất, nhưng là một thân thể có xương có thịt, mà hôm thứ sáu đã bị đóng đinh vào thập giá và được táng trong mồ. Chính là thân thể vật chất ấy với những dấu đinh, với cạnh nương long mà các ông trông thấy và có thể sờ mó được. Để chứng minh tính chất vật chất của thân thể mình, Ngài cầm lấy miếng cá nướng và ăn trước mặt các ông và đưa cho các ông cùng ăn.

Rồi chúng ta còn thấy gì nữa? Tôma nhất định không tin việc Chúa sống lại và Tôma nói rằng "nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi chẳng có tin. (Ga 20,25)

Tất cả những điều trên muốn nói với chúng ta rằng: thật khó mà chấp nhận sự kiện Chúa Giesu sống lại. Nhưng cuối cùng, các tông đồ đã chấp nhận cái chết và Phục Sinh của Chúa.

Nhìn lại đức tin của các tông đồ và đức tin của chúng ta có một sự khác biệt rất lớn.

Có thể nói chúng ta dễ chấp nhận cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng cái mà chúng ta gọi là đức tin đó chẳng ăn nhằm gì tới cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đã nghe, đã đọc rất nhiều lần về cái chết và phục sinh của Chúa, nhưng chúng ta cũng chỉ đọc như đọc một tiểu sử danh nhân nào đó. Chúng ta chỉ có một chút thán phục và sau đó chẳng còn một chút nào dính dáng đến cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta tin, nhưng chúng ta không cảm nhận thấy một cái gì liên hệ đến chúng ta. Ở đây chúng ta thấy rất rõ, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc sống của các ngài, nên không dễ gì cácngài chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu. Nếu đã không chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu thì làm sao tin được sự sống lại của Chúa.

Ấy thế mà cuối cùng các tông đồ đã chấp nhận cái chết của Chúa Giêsu, chính vì vậy các tông đồ đã được đi vào vinh quang phục sinh của Ngài.

Còn chúng ta như thế nào?

Nhà thần học Paul Tillich nói: "sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh". Còn Thomas Merton bảo: "người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin đích thực".

Ở đây, có thể nói chúng ta chẳng nghi ngờ gì cả. Chính ở điểm này làm chúng ta phải suy nghĩ: một đức tin quá dễ dàng cũng đồng nhĩa với một đức tin hời hợt, một đức tin hời hợt chắc chắn sẽ chẳng có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta và như vậy chẳng bao giờ chúng ta được chung hưởng vinh quang phục sinh với Chúa Giêsu. Một cảnh báo vô cùng quan trọng cho mỗi người chúng ta để nhìn lại đức tin của chúng ta.

 

30. Chứng nhân hiện đại – AM. Trần Bình An

Linh mục Gioan Lee Tae-seok sinh năm 1962, là con thứ 9 trong 10 người con. Cha mẹ ngài là người Công giáo khiêm nhường, sống ở TP Busan, Nam Hàn. Gioan mồ côi cha lúc 9 tuổi, mẹ ngài phải nuôi cả gia đình bằng nghề thơ may. Gioan học rất giỏi, rất ấn tượng với tiểu sử của Albert Schweitzer và ước muốn làm bác sĩ.

Nhưng khi ngài thấy người anh đi tu dòng Phanxicô, ngài cảm thấy có ơn thiên triệu. Tuy nhiên, mẹ ngài muốn ngài học nghề thuốc trước. Một phần vâng lời mẹ, ngài đã làm bác sĩ. Ngài là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Hàn quốc. Nhưng ngài vẫn cảm thấy ơn gọi làm linh mục. Thấy con trai muốn vậy, người mẹ chiều theo ý con. Ngài tu Dòng Salêdieng, sang Sudan phục vụ.

Tại Tonj, ngài xây dựng một bệnh viện điều dưỡng. Mỗi ngày ngài điều trị khoảng 300 bệnh nhân. Ngài có chiếc xe Jeep để có thể tự lái đi đến các bệnh nhân chưa bao giờ đến gặp ngài. Ngài đích thân tìm kiếm các bệnh nhân. LM Gioan lớn lên trong cảnh nghèo khổ và không bao giờ xa cách người nghèo ở Tonj.

ĐGM Choi Duk-ki quyết định đến Tonj để tận mắt chứng kiến LM Gioan bằng xương bằng thịt. Thấy tỏ tường, ĐGM nói LM Gioan “như một vị thánh”. ĐGM nói rằng kinh nghiệm giống như “đồng hành với LM Damian ở Molokai, đồng hành với Chúa Giêsu”. LM Gioan làm cho tình yêu Chúa Kitô là ánh sáng dẫn đường trong mọi nỗ lực của ngài dành cho người phong cùi và cho thấy rõ ràng là “chúng ta phải đối xử với nhau như Chúa Giêsu”.

Tính cách và nụ cười của ngài đã thu hút giới trẻ. Giáo dân đến xưng tội thường gọi ngài bằng biệt danh “Cha Jolly” (Cha Vui vẻ). Ngài xây trường học với sự trợ giúp của các học sinh mà ngài dạy toán và nhạc. Ngài còn lập ban kèn đồng Don Bosco và thấy giới trẻ phấn khởi vì họ sống trong cảnh khốc liệt.

Nhưng có lần ngài đi nghỉ ở Seoul. Ngài có thói quen kiểm tra sức khỏe tổng quát, ngài được chẩn đoán bị ung thư đại tràng và ung thư gan. Đầu tiên ngài được hóa trị, nhưng trong vài tháng cuối đời, bệnh ngài sa sút mau chóng và qua đời ngày 14/1/2010, khi mới 47 tuổi.

Tài liệu của đài truyền hình Hàn quốc về cuộc đời LM Gioan ở Tonj đã được chuyển thành phim “Đừng Thương Tiếc Ngài Sudan” (Don’t Cry For Me Sudan). Chỉ xem phim 10 phút là ai cũng sụt sùi cảm động. (Theo Trầm Thiên Thu, Thánh Nhân của Thế kỷ 21, Catholic Herald.co.uk)

Trong Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ, các Kitô hữu trở nên chứng nhân của Người. LM Gioan Lee Tae-seok đã thực sự vâng theo, trở nên nhân chứng hiện đại va đích thực, đem tình yêu đến sưởi ấm những thân phận đau khổ bất hạnh. Làm chứng là đứng ra chứng thực, xác nhận, việc đã xảy ra theo sự thấy biết. (Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Việt Nam Tự Điển)

Thấy biết có thể không thấy trực tiếp qua ngũ quan, nhưng có thể gián tiếp qua tâm hồn bén nhạy, qua con tim tràn đầy tình yêu. Thánh Gioan Tông Đồ nhận biết Chúa Giêsu sống lại qua tình yêu Chúa nồng nàn, khi chỉ nhìn thấy các băng vải cuộn lai và khăn che đầu không để lẫn, mà xếp riêng ra. Ông đã thấy và đã tin.

Chứng nhân tình yêu

Mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm tình yêu vĩ đại, vô song mà Đức Chúa Giêsu, Ngôi Hai Nhập Thể, dành cho nhân loại. Vì quá yêu thương loài người, Thiên Chúa Cha đã hiến tế Con Một, chịu tội thay cho mọi người, để được cứu khỏi cái chết muôn đời.

Cũng vì yêu thương, Đức Giêsu đã tình nguyện hy sinh Máu và Thịt trở nên Thánh Thể, Lương Thực hằng ngày, dưỡng nuôi con người trường sinh. Hai môn đệ trên đường Emmau đã nhận ra Chúa Giêsu, khi Ngài bẻ bánh, đều là những chứng nhân tình yêu cho các môn đệ khác, cũng như cho toàn thể Kitô hữu. “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc trụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra người, nhưng Người lại biến mất.” (Lc 24, 30-31)

Tình yêu Thiên Chúa không chỉ nhắm vào số đông, không chỉ dành cho 99 con chiên ngoan, mà còn dành ưu ái đặc biệt cho một con đi hoang, ngộ nạn, lạc bầy. “Tìm được rồi, ngưới ấy mừng rỡ vác lên vai...Vậy tôi cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối, ăn năn.” (Lc 15, 4-7)

Cũng như Người luôn quan tâm, thương xót đến những thân phận khó khăn, đơn côi, bệnh hoạn, bị xã hội gạt ra bên lề, như người phung, người quỷ ám,.. Chứng nhân tình yêu là sống đức bác ái, là thực hành đức Mến thật sự trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh và mọi lúc.

Chứng nhân phục vụ

Hơn nữa, chính Đức Giêsu còn hóa thân, mặc lấy những thân phận bần hàn. Nên phục vụ những kẻ hẩm hiu, xấu số chính là tận tụy phục vụ Chúa qua tha nhân, vì Người công khai xác nhận: “xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” (Mt 25, 35-36)

Trong bữa Tiệc Ly, bất ngờ Đức Giêsu đã đứng dậy, rời bàn ăn, cới áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, một hành động khiêm nhường, hầu hạ của kẻ tôi tớ phục vụ, như Người đã phán: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người." (Mc 10, 45) Người còn khẳng định: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22, 27)

Muốn thật sự phục vụ tha nhân thì tiên quyết bỏ mình, thoát khỏi cái tôi hẹp hòi, vị kỷ, mới có thể khiêm tốn, hạ mình, hoàn toàn xả kỷ, vị tha, nhìn đến người khác với những nhu cầu cấp bách, khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật, cô đơn, thấp cổ bé họng. Phục vụ tha nhân vì tin chắc chắn rằng, họ chính là Đức Kitô đã bị bỏ rơi trong vườn Giêtsimani đêm khuya và trên núi Canve chiều hoang. Đức tin biến thành hành động cụ thể và hữu hiệu, đức tin mới khỏi xơ cứng chết đi, như Thánh Giacôbê Tông Đồ khuyên bảo.

Chứng nhân hy vọng

Lời nói gần cuối ở Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu căn dặn: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu goi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24, 46-48)

Người mong muốn các Tông Đồ trở nên chứng nhân hy vọng. Đồng cảm, Thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica thư thứ nhất giải thích khá cặn kẽ: “Chúng ta thuộc về ban ngày (sự sáng), nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.”

Hy vọng là hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Phó thác tất cả niềm vui lẫn nỗi khổ đau cho Chúa, để được chia sẻ và an ủi, thêm nghị lực đi về Nước Chúa. Đức Cậy không thế thiếu với bất cứ ai nhận mình là Kitô hữu.

“Con hãy làm cho người Công giáo tin tưởng ở ơn thiên triệu Kitô hữu, ơn thiên triệu gia đình, ơn thiên triệu vợ chồng, ơn thiên triệu nghề nghiệp. Họ sẽ hết chán nản, họ sẽ tràn đầy hy vọng, vì họ ý thức rằng, Đấng đã gọi sẽ đưa họ đi đến cùng đích.” (Đường Hy Vọng, số 969)

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, kính xin phục hồi ba nhân đức Tin, Cậy, Mến trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn biết sám hối, ăn năn trở về, luôn canh tân đổi mới, yệu thương, phục vụ và hy vọng, để thực sự trở nên chứng nhân hiện đại.

Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ đồng hành với chúng con trên con đường chứng nhân, như xưa Mẹ đã luôn đồng hành cùng Con Mẹ suốt ba năm rao giảng, tới tận chân thập giá trên đồi Canve. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con luôn trung thành sứ vụ chứng nhân của Con Mẹ đến suốt đời. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ