Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 105

Tổng truy cập: 1370934

Có Linh Hồn Bất Tử Không?

Cập nhật : 07-11-2013
 
CÓ LINH HỒN BẤT TỬ KHÔNG? CÓ SỰ SỐNG ĐỜI SAU KHÔNG? 
Lc 20, 27 - 38

 

Cđ : “Người ta ở đời này mới cưới vợ lấy chồng, những ai đáng hưởng phúc đời sau, thì không cưới vợ, cũng không lấy chồng nữa” (Lc 20, 34-35)

 

Anh chị em thân mến,

 

Trong quyển truyện Ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine, có kể câu chuyện Thần chết và Lão tiều phu. Câu chuyện kể rằng: bác tiều phu, buổi chiều tối, trên đường đi đốn củi về, bác vừa đi vừa than van trách phận: tại sao cuộc đời quá vất vả, chẳng lấy ngày nào là sung sướng…Trong cơn bực tức bác rủa trời, rủa đất, bác còn van nài thần chết đến đem bác đi cho rãnh…Nhưng bất thần, thần chết hiện đến thật, tay cầm lưỡi hái sáng choang… gọi bác đi ngay… Bác tiều phu lúc này sực tỉnh cơn mê…sợ hải tột cùng, bác thay đổi thái độ lập tức. Thay vì cầu thần chết đem mình đi, bây giờ chính bác lại van nài thần chết cho bác được tiếp tục sống. Bác quì mọp dưới đất lạy thần chết, lạy như tế sao… Câu chuyện ngụ ý: sống trên đời này dù vất vả cở nào, ai cũng muốn và cũng ham sống….Bài Tin Mừng hôm nay, nhân vì phái Sađốc không tin có đời sau, không tin linh hồn bất tử, không tin cuộc sống đời sau….nên có cuộc tranh luận giữa họ và Chúa Giêsu. Xin mời chúng ta suy niệm.

 

a/. Phái Sađốc là nhóm tư tế cao cấp trong đạo Do Thái. Họ có quyền cả về sinh hoạt tôn giáo và chính trị Do Thái từ trước thời Đức Kitô. Họ chấp nhận Ngũ kinh, coi Môisen là tiên tri vĩ đại. Nhưng họ không tin linh hồn bất tử và không tin có sự sống lại. Chính vì những điều này mà họ kình địch với nhóm Pharisêu. Họ căng thẳng với quân Rôma nên dẫn đến Rôma phá hủy đền thờ Giêrusalem năm 70. Phái này vì không tin có sự sống lại, linh hồn bất tử, nên nhóm biệt phái kỳ thị họ. Còn các luật sĩ, ký lục: là nhóm thông thạo luật pháp Do Thái và thân thiết với Biệt Phái, nhóm này cũng chống lại phái sađốc.

 

Nhóm Sađốc bày ra câu chuyện trên để hỏi Chúa Giêsu, vừa để đả kích hai phái Pharisêu và kinh sư nữa. Câu chuyện họ bày ra để hỏi Chúa Giêsu thoạt nhìn thật có lý: bảy anh em trai, cùng cuới một cô gái, đều không con, và đều chết hết, vậy khi sống lại, ai là vợ của bảy người anh em này? Vậy mà khi nghe Chúa Giêsu trả, họ hoàn toàn thán phục Chúa…

 

b/. Trước những cái chết bất ngờ, nhất là của những người trẻ, làm sao người ta không băn khoăn tự hỏi: có sự sống đời sau không? Đời sống đó sẽ ra thế nào? Niềm tin của nhiều tôn giáo, ngay cả của những dân tộc thiểu số vẫn tin có cuộc sống của những người chết, do đó người ta đốt tiền giả, cúng tế, chia của cho người chết dù niềm tin đó không chắc chắn lắm. Hội Thánh Công Giáo tin có đời sau, có thưởng phạt, thiên đàng hỏa ngục và điều đó đã trở thành một điều buộc người Kitô hữu phải tin. Chính bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu xác định rõ Ngài là Đấng Cứu Thế, của kẻ sống cũng như kẻ chết. Giáo huấn của Chúa Giêsu về cuộc sống hiện tại hay mai sau rất rõ ràng:

 

- Cuộc sống trần gian mới có dựng vợ gả chồng, cuộc sống mai sau là vĩnh cửu, không còn chết nữa nên cũng không cần lấy vợ lấy chồng nữa. Lúc đó, họ sánh ngang với thiên thần, vì họ là con cái Thiên Chúa, và đây là những người được sống cuộc sống mới hoàn toàn biến đổi thiêng liêng, không thuộc trần gian bất hoại bất tử. Nếu chúng ta hiểu, không thuộc trần gian bất hoại bất tử nữa, thì cần gì phải có vợ có chồng?

 

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Tin vào Thiên Chúa tức là tin vào cuộc sống hạnh phúc muôn đời, vì thế nếu khi ta quá gắn chặt vào đời sống vật chất này, thì làm sao ta không thể đồng thời bước vào cuộc sống vĩnh cửu cùng Thiên Chúa.

 

Bao lâu nay ta có tin vào Thiên Chúa, vào sự sống mai sau không? Ta đã sống thế nào để thể hiện lòng tin đó?

 

HẠNH PHÚC ĐỜI SAU 
Lc 20, 27 - 38

 

Dường như hơn bao giờ hết, ngày nay con người sống trong phập phồng lo sợ. Lo sợ vì bao nhiêu tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày. Lo sợ vì sự an toàn thực phẩm và nổi lo sợ lớn nhất có lẽ là chết. Đang khi đó nổi khao khát lớn nhất của con người là được sống hạnh phúc. Hạnh phúc làm sao được khi phải sống trước bao nỗi lo sợ. Vậy con người có thể sống hạnh phúc không? Trước hết, với niềm tin Kitô giáo, chúng ta phải khẳng định hạnh phúc thật chỉ có được sau cuộc sống trần thế này. Nói vắn tắt là hạnh phúc đời sau.

 

Hôm nay, qua đoạn Tin mừng chúng ta thấy những người thuộc phái Sađốc đã đặt ra một tình huống để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ là những người không tin có sự sống đời sau. Họ đặt ra tình huống là có người phụ nữ phải lấy 7 người đàn ông làm chồng theo luật nối dõi của ông Môisen. Họ hỏi rằng sau khi sống lại người phụ nữ ấy sẽ là chồng của ai. Chúa Giêsu đã trả lời họ: “ Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại ” .

 

Như thế, Chúa Giêsu đã cho mọi người chúng ta biết một trong những điều cần phải tin là sự sống đời sau. Sự sống đời sau hoàn toàn khác với sự sống đời này. Đời này chúng ta sống chỉ là tạm bợ, chỉ là chuẩn bị cho đời sau vĩnh cửu. Đời sau mới thật sự là hạnh phúc.

 

Hạnh phúc thật là tình trạng con người được thông hiệp mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con người được sống trong tình yêu của Thiên Chúa là nguồn sống của mình. Thật ra, tình trạng ấy ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã ban cho con người rồi. Nhưng tiếc thay tổ tông loài người vì bất tuân nên đã đánh mất. Từ đó, con người phải chấp nhận trải qua một thời gian thử thách ở đời này.

 

Mặc dù, con người bất tuân nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc. Thiên Chúa luôn tìm mọi cách để giúp con người tìm lại hạnh phúc. Thiên Chúa đã ban chính Con Một mình xuống thế làm người để chuộc tội loài người. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chỉ cho con người biết cần phải làm gì và sống thế nào để đời sau được hạnh phúc.

 

Có tin vào sự sống đời sau thì những gì chúng ta cố gắng sống tốt ở đời này mới có ý nghĩa và có giá trị. Hãy vâng theo lời dạy của Chúa Giêsu và nhất là đi theo con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi để chuẩn bị cho cuộc sống đời sau. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con ” . Do đó, mỗi người chúng ta hãy góp phần của mình để ước nguyện của Chúa Giêsu trở thành sự thật sau khi trời đất này qua đi.

 

SỐNG LẠI LÀ SỐNG THẾ NÀO? 
Lc 20, 27 - 38

 

Gần hết năm Phụng vụ, Giáo Hội đề cập lại những vấn đề trọng đại hơn Chúa nhật này Giáo Hội nhắc lại giáo lý về mầu nhiệm xác con người sống lại và sự sống đời sau Chúa Nhật sau sẽ đề cập đến việc Chúa Ki-tô lại đến, tức là việc Người tái giáng để phán xét chung nhân loại. Như vậy đề tài chúng ta cần tìm hiểu hôm nay đã rõ ràng, đó là sự sống lại và sự sống đời sau.

 

Bài Tin Mừng thuật lại cuộc tranh luận của Chúa Giê-su và mấy người thuộc phái Sa-đu-xê-ô. Phái này chỉ nhận có Ngũ Kinh, tức là năm cuốn sách đầu của Cựu Ước, nên những gì không chép trong đó thì họ không tin. Họ không tin Thiên Chúa quan phòng, không tin có đời sau, không tin linh hồn bất tử. Họ cho rằng linh hồn chết luôn cùng với thân xác. Họ càng không tin có sự sống lại, vì linh hồn là điều kiện cho sự sống lại thì họ đã chối rồi. Cho nên họ dựa vào khoản luật về thừa kế trong sách Đệ Nhị Luật để chất vấn Chúa Giê-su về vấn đề sống lại.

 

Trước hết họ tóm tắt khoản luật: trong anh em một nhà, nếu người anh đã cưới vợ rồi chết đi mà chưa có con thì người em phải cưới lấy chị dâu để sinh con nối dòng cho anh mình. Có một người phụ nữ kia sống ở trần gian, khi còn sống đã lần lượt lấy hết bảy anh em làm chồng. Vậy thì khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai?

 

Chúa Giê-su trả lời: “ Khi sống lại, người ta không dựng vợ gả chồng nữa mà sẽ sống như các thiên thần trên trờ”i . Qua đó Chúa bảo cho mọi người biết một chân lý: chắc chắn kẻ chết sẽ sống lại, và đời sống mới ở Thiên đàng khác hẳn đời sống hiện tại nơi dương thế.

 

Tất cả những ai, dù là Công giáo hay không, nếu đã tin linh hồn bất tử thì đều tin có một kiếp sống khác. Tuy nhiên những người tin vào luân hồi thì cho rằng: sau khi chết linh hồn còn phải phiêu diêu nhiều kiếp nữa, trong cơ thể con người, súc vật hay cây cỏ. Nhưng tư tưởng luân hồi chỉ để an ủi tội lỗi, hy vọng làm lại cuộc đời ở kiếp khác chứ thực ra vô lý.

 

Bởi vì trước khi bước vào đường luân hồi, linh hồn ở đâu mà ra? Lại nữa, nếu chỉ có một số linh hồn nhất định, rồi khi chết, đám thì xuống hoả ngục, đám thì được đầu thai kiếp khác, đám thì được hoàn toàn giải thoát, “ tiêu diêu miện cực lạc cả rồi ” ; thì tại sao dân số hoàn cầu mỗi ngày lại gia tăng mau lẹ, thử hỏi những linh hồn mới này chưa có luân hồi lần nào thì bởi đâu mà ra?

 

Hơn nữa có ai biết kiếp trước mình làm gì không? Kiếp sống này là thưởng hay phạt sao không ai biết. Chúa và Thánh Kinh dạy rằng người ta chỉ có hai kiếp phải sống và được sống: một kiếp sống tạm bợ và một kiếp sống vĩnh cửu; một kiếp sống hiện tại và một kiếp sống tương lai; một kiếp sống hành hương và một kiếp sống nơi quê thật; một kiếp sống trần gian và một kiếp sống Thiên đàng hay hoả ngục. Có vậy thôi, từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, con người chỉ trải qua sự chết có một lần vì chỉ sống tạm ở trần gian có một lần. Vì vậy con người cũng sẽ chỉ có một linh hồn và một thể xác, chứ linh hồn không di chuyển từ thể xác này qua thể xác nọ.

 

Những người chấp nhận thuyết luân hồi đều không tin rằng thể xác con người sẽ sống lại, vì linh hồn đã nhập vào biết bao thể xác, nếu sống lại thì sẽ sống lại với thể xác nào?Trái lại, người Công giáo chúng ta chỉ tin có một thể xác và một linh hồn duy nhất, và ngày tận thế xác sẽ sống lại để cùng linh hồn hưởng hạnh phúc đời đời hay chịu trầm luân muôn kiếp. Do đó, sự sống, sự chết và sống lại đối với người Công giáo thật quan trọng. Bởi vì đối với chúng ta, được là được muôn đời, mà mất cũng là mất đến vô tận, còn theo thuyết luân hồi, lỡ sa đoạ ở kiếp này vẫn có cơ hội gỡ gạc ở kiếp khác nên chẳng thèm lo. Tuy nhiên là có kiếp khác ở trần gian để gỡ gạc hay không? Nếu không thì sao? Mà chắc chắn là không có rồi!

 

Vấn đề sống, chết và sống lại còn quan trọng hơn nũa khi biết rằng cuộc sống nơi trần gian là giá mua đời sống mai sau. Nói cách khác cuộc sống đời sau hạnh phúc hay bất hạnh là do kiếp này đạo đức hay tội lỗi. Muốn sống muôn đời thì phải làm những điều lành, còn muốn sa hoả ngục muôn đời thì cứ làm những điều ác, điều xấu. Dĩ nhiên Thiên Chúa sẽ giúp đỡ con người nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở con người tự do. Chúa không ép buộc ai vào Thiên Đàng hay xô đẩy ai xuống hoả ngục bao giờ.

 

Tóm lại, chắc chắn thân xác sẽ sống lại, đây là một chân lý chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “ Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại ” , nghĩa là tới ngày tận thế mọi người sẽ sống lại. Nhưng sống lại để sống như thiên thần hay quỷ dữ, sống hạnh phúc hay bất hạnh ngàn thu thì còn là chuyện khác. Bởi kẻ lành và kẻ dữ đều sống lại như nhau, nhưng chịu thưởng hay chịu phạt thì hoàn toàn khác biệt. Thiên Chúa sẽ căn cứ vào đời sống hiện nay của chúng ta đẻ thưởng phạt chúng ta, như Chúa quả quyết: “ Ai sống làm sao Ta sẽ trả cho như vậy ” . Đúng như một bài hát: “Thiên đàng hoả ngục hai quê, ai khôn thì về ai dại thì xa … .”. Chúng ta vào số những người khôn hay những người dại? Hoàn toàn do chúng ta định đoạt bằng đời sống hôm nay của chúng ta.

 
Nguồn : gxta

home Mục lục Lưu trữ