Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1364784

CÓ TIỀN MUA TIÊN ĐƯỢC KHÔNG?

Có tiền mua tiên không được?

(Suy niệm của Lm. Fx. Nguyễn Hùng Oánh)

Theo Đệ Nhị Luật, trưởng nam là kẻ thừa kế gia tài cha mẹ, được nhận gấp đơi phần của cac em (Đnl 21,17).

Luật quy định rõ ràng như vậy, nhưng người ta vẫn vi phạm. Bài Tin Mừng (Lc 12, 13-21) kể truyện một người tới thưa với Chúa: “Thưa thầy, xin thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Có lẽ người anh đã chiếm giữ tất cả, người em chỉ còn nước đi kiện. Thông thường, người bị thiệt tới xin các thầy Pharisiêu, ký lục xét xử. Phán quyết của họ có giá trị trước cộng đoàn, bắt đôi bên nguyên / bị phải tuân theo.

Tới Chúa Kitô xin Ngài xét xử, người ta xem Chúa như một thầy ký lục hoặc Pharisiêu nghĩa là xem Chúa ở bậc “thầy dạy”. Chúa không phân xử chính ngay nội dung vụ người ta yêu cầu. Chúa nói: “Này anh, ai đặt tôi làm thẩm phán hay làm trọng tài giữa các anh”. Qua vụ kiện nầy Chúa vạch ra cho biết nguyên nhân sâu xa là lòng tham lam tiền bạc và mọi thứ tham lam khác. Chúa đả kích quan niệm xem tiền bạc là bảo đảm đời sống người ta.

Dụ ngôn Chúa đưa ra rất cụ thể: một phú hộ của cải nhiều, phát đạt quá, phải làm nhà kho lớn để tích trữ thóc lúa. Ông ta tự thỏa mãn, bảo với chính mình hãy hưởng giàu sang, phú quý cả đời chưa hết, tiền bạc bảo đảm ơng. Chúa bảo ông ta là hạng ngốc (Giêremia 17, 11) vì cái chết đến tiền bạc trở nn vơ ích với ơng.

Dụ ngôn trên cho ta biết hai điều: tiền tài giúp người ta sống, có thể sống lâu, nhưng không thể sống lâu theo ý muốn người ta. Cái chết đến bất thình lình, lúc người ta không muốn, khi người ta đang ham sống và tiền của tỏ ra bất lực trong vấn đề này. Thứ hai lo thu tích nhiều tiền của, khi chết, hai tay buông xuôi, mọi sự vất lại cả, không có gì mang theo.

Đúng là nhà phú hộ hạng ngốc. Thánh vịnh nói hạng ngốc sống không cần biết Chúa (Tv 13 (14), 1). Ông này chỉ biết đến tiền bạc và hưởng phú quý do tiền bạc đem lại. Cái chết đến, đống tiền của,hưởng vinh hoa phú quý trở nn vơ nghĩa với ơng. Trái lại, người làm giàu nơi Thiên Chúa sống theo ý Chúa, cái chết đến là lúc họ đạt tới đích của cuộc sống, tới cùng cực ý nghĩa đời sống trần gian, họ trở thành giàu có trong Thiên Chúa.

Nói như vây, không phải khinh chê tiền bạc. Tiền bạc, của cải vật chất tự nó có giá trị để phục vụ con người, để con người không bị lệ thuộc, sống đúng với nhân phẩm của mình. Tiền bạc thực sự không làm thêm tuổi đời, kéo dài đời người, nhưng giúp con người đạt tới tuổi thọ của mình. Thí dụ, vì nghèo khổ thiếu dinh dưỡng, người ta chỉ sống đến 30 tuổi, thay vì tuổi thọ 60, 90, 100. Tiền bạc sẽ giúp người ta cải thiện cuộc sống, tạo nên thuận tiện cho cuộc sống, đạt tới tuổi thọ 100. Rõ ràng tiền bạc, của cải không phải là đảm bảo tuyệt đối cho đời sống, nó chỉ là phương tiện “gia hạn” cho cuộc sống trần gian. Người phú hộ đã tưởng rằng tiền của nhiều bảo đảm đời sống ở mức tuyệt đối, cuộc sống viên mãn ở trần gian, mà không nghĩ cái chết đến chấm dứt tất cả.

Kẻ sáng suốt biết tính toán đúng, biết giá trị của tiền của, biết sử dụng nó để làm phong phú đời sống, làm giàu cho đời sống nơi Chúa, không thể dùng tiền bạc để mua Nước Trời. Có tiền mua tiên cũng được? Chắc chắn tiền bạc không thể mua Nước Trời, trái lại tiền của có lúc là thần Mammon đối nghịch với Thiên Chúa (Lc 16, 13). Phải biết sử dụng tiền của để sống theo Ý Chúa, làm giàu nơi Chúa bằng bác ái. Kẻ chỉ sống với tiền bạc, hưởng thụ mọi thứ không lành mạnh ở trần gian, cậy tiền của nhiều sống theo dục vọng, thỏa mãn lòng tham quyền chức làm thiệt hại bản thân, linh hồn và thể xác, họ đã dùng tiền của mua lấy án phạt đời đời.

 

53.An toàn vĩnh cửu - Lm. Trần Bình Trọng

Một trong những mối khát vọng lớn của loài người là ước muốn được an toàn. Những quảng cáo bảo hiểm, để dành tiền trong nhà băng đều đánh đúng vào cái bản năng muốn được an toàn và sinh tồn. Xét về đời sống vật chất, người ta đều sửa soạn dự liệu cho tương lai khi về hưu. Người ta mong có tiền an sinh xã hội khi về già. Người ta cũng sửa soạn cho tương lai của con cháu, cho những người tuỳ thuộc vào họ trong trường hợp họ chết sớm.

Mỗi người đều ý thức về cái thiếu thốn, cái bất toàn của mình, và người ta tìm đến người này vật nọ mà có thể cung cấp cái thiếu thốn của họ. Con người giống như là cái khoảng trống trong máy hút bụi, cần có người nọ vật kia để lấp đầy sự trống rỗng, và cô đơn của mình. Họ cần đến người nọ vật kia để cậy dựa, để cho họ cái bảo đảm, cái an toàn, cái ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Kết quả là nhiều người đi tìm sai chỗ. Do đó họ không tìm thấy cái mà họ muốn tìm. Có những người cậy dựa vào những sự vật trần thế mong manh, làm mất thế đứng của mình. Họ là những người xây nhà trên cát như Chúa ví. Điều đó giải thích cho nhiều vấn nạn của loài người. Mặc dầu với những bảo đảm về phương diện vật chất, với kỹ thuật và khoa học tiến triển, họ vẫn không có hạnh phúc. Cái bất an và lo lắng đã lên tới mức 1o ngại trong thời đại ta đang sống. Thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuôc trị chán đời đang tràn ngập thị trường và được tiêu thụ với số lượng đáng kể.

Như vậy thì ta phải giải quyết thế nào cho vấn đề thiếu hạnh phúc ở đời này? Có phải ta cần tìm đến khoa học, kỹ thuật, tìm đến y học, hay xì ke ma tuý, hay tìm đến cái gì khác? Bài trìch sách Giảng viên hôm nay nói về những người làm việc vì công việc, nghĩa là họ coi công việc làm là cùng đích của đời mình. Sách Giảng viên gọi những cố gắng của họ là hư không vì nó không dựa trên những sự vật vĩnh cửu, nó làm cho họ ăn không ngon, ngủ không yên. Vì thế mà Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Colossê căn dặn ta hãy tìm kiếm những sự trên trời và đừng quá lo bận tâm vào những sự vật trần thế. Bài Phúc âm hôm nay bàn đến một trường hợp cụ thể. Nhân vật trong dụ ngôn có được mùa gặt hái tốt đến nỗi anh ta không có đủ kho nẫm để chứa. Anh ta bèn xây nhà kho mới. Và rồi anh ta tự nhủ mình: Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư sài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã (Lc 12: 19).

Chúa Giêsu thấu hiểu cái ước muốn đưọc an toàn của loài người. Và trong Phúc âm Chúa muốn ta đặt cho đúng chỗ cái ước muốn đó. Chúa muốn ta đáp ứng cái bản năng muốn được an toàn về phưong diện vật chất. Ta biết tiền của là phương tiện cần thiết cho đời sống thể chất. Chính Chúa cũng đã đặt một tông đồ lo việc giữ tiền. Tuy nhiên ta sẽ phạm một điều sai lầm lớn, nếu ta nghĩ rằng tiền của có thể bảo đảm cho ta một đời sống an toàn. Và cái khát vọng cho đời sống an toàn vĩnh cửu không thể nào được thoả mãn với những sự vật có tính cách chóng qua.

Đọc tin mừng Phúc Âm hôm nay, ta không thấy có dấu hiệu gì ám chỉ người phú hộ kia đã làm giàu cách bất chính hay lường gạt ai. Cái điều sai lầm của người phú hộ là ông ta nghĩ mình nắm được vận mệnh trong tương lai. Ông ta cậy dựa vào chính mình để bảo đảm đời sống an toàn vật chất mà quên lãng an toàn vĩnh cửu. Ông ta chỉ tìm cái an toàn ở đời này mà không nhìn xa trông rộng đủ để tìm kiếm một thứ an toàn mà chí có Thiên Chúa mới có thể bảo đảm. Ông ta đã không nhìn ra ngoài chính bản thân cho tới lúc quá trễ.

 

54.Hãy sống như sẽ chết - Lm. Vũ Xuân Hạnh

Một học sinh miệt mài học tập, sau những năm dài chăm chỉ, hy vọng sẽ nắm trong tay mảnh bằng cấp, nhờ đó có thể vun đắp cho tương lai đời mình. Tương tự, người lao động muốn làm việc thành thạo, phải có một thời gian gắn bó với việc mình làm, biết đâu nhờ đó tương lai rạng sáng hơn... Như vậy, sau những năm dài học tập hay làm việc đều là một quá trình. Để làm thành quá trình, đòi phải có thời gian...

Cùng là một quá trình, đời người là sự góp nhặt thời gian. Để làm thành một cuộc đời, ai cũng phải một lần có mặt trong thời gian. Thời gian là cánh cửa mở rộng với cuộc đời của người này, nhưng cũng có thể khép chặt nơi cuộc đời của người khác. Vì có những cuộc đời dài đến trăm năm, nhưng không ít mảnh đời chỉ mới thành thai trong lòng dạ một ai đó đã vội tắt. Dẫu thời gian có một chiều dài hay chỉ là khoảng ngắn, đủ để ta gọi đó là cuộc đời. Cuộc đời là một quá trình dài ngắn khác nhau, cũng giống như học tập hay làm việc đòi cả một quá trình.

Giống nhau đến vậy. Nhưng lại không giống chút nào với quá trình học tập, làm việc của một học sinh hay một người lao động. Rất khác, khác xa, khác đến nỗi không thể so sánh! Sao giống rồi khác? Chẳng phải mâu thuẫn lắm sao?

Một quá trình học tập, làm việc của một người, đưa tới niềm hy vọng và tương lai sáng sủa phía trước. Nhưng cái đích cuối cùng mà mỗi cuộc đời phải chạm tới không bao giờ là tương lai sáng sủa, ngược lại, rất oan nghiệt, vì đó là cái chết. Chết là kết thúc của một hành trình sống. Chết là không bao giờ hiện diện nữa, là mất hút, là thối rữa, hoặc chỉ còn một chút tro tàng. Nói cho cùng: Nếu chỉ nhìn trên bình diện thể xác và vật chất, con người chẳng khác một con vật: sống để rồi chết; chết để rồi tàn phai.

Nói như thế, có thể bị coi là bi quan. Nhưng đó là sự thật. Vì chân lý cuối cùng trong cuộc đời mỗi người sẽ quy về một sự thật hiển nhiên Là: Có sống, sẽ có chết! Bạn và tôi đều đặn nhịp bước trong cuộc đời, vẫn cần những khoảnh khắc dừng chân nhìn thẳng vào sự thật bị coi là bi quan ấy để nhận ra mình, nhận ra lẽ sống mà mình đang chọn, cách sống mà mình đang thực hiện. Nếu cần, hiệu chỉnh cho phù hợp.

Thật ra, sống hay chết chẳng bi quan với hết mọi người. Chỉ những ai thiếu đức tin, không tin, nếu có lúc bất chợt suy tư, trước mặt họ đúng là đáng sợ, bi quan, là cả một bầu trời vô định và đen tối, một khoảng không vô tận không biết lấy gì lấp đầy.

Nhưng với người có đức tin, lẽ sống họ chọn sống là chính đức tin, sẽ cung cấp cho họ lối sống phù hợp với đức tin. Đức tin ấy nung đốt trong lòng họ niềm mến yêu con người, mến yêu cuộc đời. Chính vì lẽ sống đức tin, niềm mến yêu ấy, họ sống dị tha, khoang dung, biết khước từ sự sang trọng giả tạo, khước từ đam mê sở hữu, đam mê vật chất một cách tha hóa, biến chất đến độ mất lương tri, chẳng còn nhân phẩm...

Bởi đó, nếu thời gian là thước đo những tháng năm dài học tập, làm việc của người học trò hoặc của người lao động, thì thời gian cũng sẽ là cán cân đong đếm cuộc đời mỗi người. Chiếc cán cân ấy khắc ghi từng con số. Nếu bạn là người có đức tin, hãy sử dụng cuộc đời mình để khi thời gian càng dài, cán cân thời gian đo cuộc đời càng thêm những chỉ số của sự cộng tác với ơn Chúa, lòng đạo đức, sự thánh thiện, chứ không phải khắc thêm chỉ số của bần tiện, gian dối, giả trá, tội lỗi...

Nếu nói nghĩ về cuối hành trình của cuộc đời mỗi người để nhận ra cái chết đang chờ đón là bi quan, thì hôm nay, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi hãy nhìn thẳng vào nỗi bi quan ấy và suy nghĩ cách thấu đáo về lối sống và lẽ sống mà mình chọn sống. Đó là câu chuyện nhà phú hộ có dư thừa của cải kia, chỉ biết xây dựng cuộc sống của mình trên đống của cải ấy. Chính khi ngụp lặn trong đam mê vật chất, nhà phú hộ đã đánh đổi Thiên Chúa, thay vào đó là cái kho của cải to lớn mà ông còn đang dự định xây lại một cái kho khác còn to lớn hơn.

Nhưng khốn nạn cho ông! Chính khi nhà phú hộ khép kín đời mình trên đống của; khi còn đang ảo tưởng về sự tính toán khôn ngoan của mình; khi ông chất chứa, không chỉ trong kho, nhưng trong chính lòng ông mọi thứ tham vọng trần tục, kiêu ngạo và hưởng thụ, là chính lúc cái chết đang ập đến trên ông. Lời của Thiên Chúa qua môi miệng Chúa Giêsu còn đó, như một bản án khắc nghiệt dành cho những ai đam mê thế tục đến mức che mờ đức tin, nặng hơn: chối từ đức tin: “Nhưng Thiên Chúa bảo anh ta rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’”. Và Chúa kết luận, một lời kết luận cũng khắc ngiệt không kém: “Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

Hóa ra nghĩ về cuối hành trình của sự sống để chuẩn bị cho giờ chết chẳng phải bi quan, nhưng là thái độ lạc quan, rất lạc quan và khôn ngoan, rất khôn ngoan. Vì nếu ai biết sống như sẽ chết, nghĩa là chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của bản thân như đức tin dạy bảo, chắc chắn người đó thanh thản lắm, tâm hồn thơ thới bình an lắm. Những người như thế sẽ để lại trong lòng người ở lại nhiều niềm thương, nỗi nhớ vô cùng.

Ngược lại, kẻ chỉ biết xây dựng đời mình bằng cách loại trừ đức tin, bằng hưởng thụ, tham lam, đam mê xấu, tha hồ ngụp lặn trong tội lỗi, suốt đời là những bước đi vô định, để cuối cùng, đứng trước cái chết, rơi vào nỗi hoang mang, lo sợ, lương tâm dằn xé, đó mới chính là nỗi bi quan đến tột cùng, bi quan không gì bằng! Nỗi bi quan lớn như vậy là bởi sống không định hướng. Mà sống đã không định hướng, chết tất sẽ mịt mù, bi đát.

Bạn và tôi là người có đức tin, hãy nhớ điều này: Thật ra của cải không xấu. xây kho hay hưởng thụ vừa phải những gì Thiên Chúa ban cũng không xấu, “nhưng phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam” (Lc 12, 15). Đừng để nhà kho, két sắt, ví tiền thành mục đích. Vì người giàu đáng yêu trước mặt Chúa là người biết cho đi. Làm sao để cuối hành trình trần thế, đến trước tòa Chúa, chúng ta thấy kho của mình trống trơn, vì vừa mới cho đi tất cả.

 

55.Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Nghĩa

CÂU HỎI GỢI Ý:

1. Một số người chủ trương: “Có thực mới vực được đạo.” Điều này có mâu thuẫn với lời khuyên của Tin mừng: “Hãy tìm những gì thuộc thượng giới” không?

2. Đừng nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.

3. Một số phương thế giúp chúng ta luôn hướng thượng.

SUY TƯ GỢI Ý:

1. Xem ra có vẻ mâu thuẫn.

Nếu xét về mặt văn chương thì đoạn văn của Vua Co-he-lét, con Vua Đavit, đạt đểm rất thấp vì đã sử dụng đến 7 lần chữ PHÙ VÂN. Nhưng về nội dung, ông đã lột trần được một sự thực phủ phàng là “Tất cả chỉ là phù vân”. Phù là trôi nổi, huyền ảo. Vân là mây. Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, chóng qua, chóng tàn. Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người chúng ta đều là phù vân. Báo chí ngày 26-07-01 đưa tin về vụ hoả hoạn đã thiêu rụi 92 căn nhà tại chợ Năm Căn với biết bao tiếng rên xiết kêu la thảm khốc, có trường hợp muốn đi đến quyên sinh vì tiếc của. Ý thức được điều này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Rồi đến lượt Đức Giêsu khuyên chúng ta:” Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư gia, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12, 15). Câu nói của Chúa Giêsu rất đúng ngay cả nghĩa đen. Thật vậy, chính những người giàu có mới bị trộm cướp thanh toán, hãm hại, khi đi đường hoặc lúc canh khuya. Nhưng có người lại chủ trương “Có thực mới vực được đạo”. Nghĩa là trước tiên ta cần phải sống, rồi sau đó mới có khả năng làm gì thì làm. Ý tưởng này cũng đúng vì sống là nhu cầu căn bản của con người. Ai cũng ham sống, sống hạnh phúc và sống thọ. Điều kiện ắt có và đủ cho sự sống là tài sản. Vậy muốn sống phải ra sức làm ra tài sản. Như thế, xem ra có sự mâu thuẫn giữa Lời khuyên của Chúa Giêsu và cuộc sống thực tế cần vật chất của chúng ta?

2. Không lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện.

Suy nghĩ kỹ, ta không thấy có chút mâu thuẩn nào giữa thực tế cuộc sống của ta và lời khuyên của Chúa Giêsu. Ngài còn khuyên chúng ta hãy sống và sống dồi dào. Đức đương kim Giáo Hoàng Phaolô II, trong bài đáp từ với Tổng Thống Hoa kỳ G.W. Bush dịp hội kiến ngày 23-07-01 vừa qua, đã nói lên ưu tư của mình về sự chia sẻ của cải vật chất cho mọi người:”… trong đó, toàn dân chúng thế giới đóng góp cách tích cực cho nền thịnh vượng kinh tế chung và cũng phải được chia sẻ hậu quả của chúng …” Không lẽ Đức Giáo hoàng, khi cổ vũ cho việc phát triển kinh tế vật chất, là đi ngược lại với Tin Mừng? Thực ra, Diều Ngài phát biểu còn nói lên Tin Mừng là đàng khác:”…phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam…”(Lc 12, 15a). Tham lam là vơ vén tích lũy của cải về chỉ cho riêng mình, cho đất nuớc và dân tộc mình. Hãy tạo cho mọi người được quyền hưởng lợi từ quả đất là mái nhà chung. Như vậy, không có mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất của con người và lời chỉ dạy của Chúa Giêsu. Chỉ còn một điều là ta không nên lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện. Ai cũng ước ao cuộc sống mình trường tồn mãi mãi. Vậy cuộc sống viên mãn mai hậu là mục đích. Còn cuộc sống đời này, với nhu cầu tiền bạc tài sản của nó, phải được xem là phương tiện. Nếu chúng ta xem nó là mục đích thì tự ta, ta đã mâu thuẫn với chính ta, vì:” Trăm năm nào có gì đâu. Chẳng qua một đám cỏ khâu xanh rì. (Kiều).

3. Một số phương thế giúp chúng ta hướng thượng.

– Trước hết, chúng ta phải thấy rõ một sự thực là xã hội mà ta đang sống hết sức thực dụng. Thực dụng có nghĩa la ta chỉ nhắm ích lợi hoặc hiệu quả trước mắt,không cần suy nghĩ tới hệ quả lâu dài. Người ta có thể đổi lấy một chút hư ảo của làn khói bạch phiến để suốt đời vật vả vì nó. Người ta có thể biển thủ để có nhiều tiền cho những canh bạc thâu đêm suốt sáng mà bất chấp những ngày sau đó có thể vào tù ra khám hay thậm chí dựa cột như ông Phạm Huy Phước trước đây. Xa hơn nữa, “Con người” có thể đắm chìm theo những đam mê của cái “CON” (thú tính) mà không đếm xỉa gì đến hậu vận của kiếp “NGƯỜI” sau khi chết. Chúng ta cần phải lội ngược dòng trong sự lạc quan. Có những thân hình lúc la lúc lắc theo điệu nhạc cuồng nhiệt dưới ánh đền sân khấu thì cũng có những con người đang thầm lặng quì chầu trước Thánh Thể để múc nguồn sống vô tận.

– Kế đến, nếu chúng ta nghĩ rằng sự chết đến bất cứ lúc nào, có thể là trong phút giây sắp tới, ta sẽ bớt tham lam của cải vật chất hơn, bớt ham muốn giành dân lất đất hơn. Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi lần vào nhà thương ung bướu, tính tình chúng ta trầm lại, suy tư.

– Cuối cùng, ta nên chiêm niệm Chúa Giêsu trần trụi trên khổ giá. Ngài đã được nâng lên khỏi đất sau khi vứt bỏ tất cả những gì khong cần thiết. Ngài chỉ giữ lại một THÂN XÁC PHỤC SINH.

Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã hứa cùng con rằng, khi nào Chúa bị treo lên khỏi đất, Chúa sẽ kéo mọi sự lên cùng Chúa. Giờ đây xin Chúa thực hiện lời hứa ấy với con. Xin cho con luôn can đảm dành sự ưu tiên cho những gì thuộc thượng giới. Sự can đảm này chính là một bảo chứng cho con được vào cõi trường sinh. Amen.

 

56.Suy niệm của Lm Augustine

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Tin Mừng hôm nay nói về cuộc biến hình: Đó là một biến cố rất quan trọng để hiểu sứ mạng của Đức Giêsu cũng như để củng cố niềm tin của các tông đồ, tức là của Giáo Hội.

Thực tại tuyệt vời tàng ẩn

Trước hết nhờ cuộc biến hình, Đức Giêsu cho ta thấy thực tại tuyệt vời tàng ẩn phía sau dung mạo nhân loại của Người hàng ngày. Chính Người một hôm đã hỏi Nhóm Mười Hai: “Người ta nghĩ Thầy là ai?” “Riêng với anh em, thì Thầy là ai?” Câu hỏi đó còn đòi một cuộc dấn bước thêm nữa. Bởi lẽ đó là câu hỏi cơ bản Nhóm Mười Hai sẽ phải trả lời: Sứ mạng của Nhóm trong tương lai chính là để nói cho thế giới biết Đức Giêsu là ai. Ông Phêrô đã đại diện Nhóm để trả lời rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Qua cuộc biến hình, chính Thiên Chúa trả lời câu hỏi đó: Đó là lúc Đức Giêsu tỏ lộ thực tại sâu thẳm của Người và Chúa Cha xác nhận Người chính là Con mà Ngài yêu dấu. Điều đó cho thấy Đức Giêsu thuộc về gia đình nơi thế giới của Thiên Chúa: đó là Ba Ngôi.

Nhưng Đức Giêsu cũng thuộc về gia đình nơi thế giới loài người. Bởi lẽ trên núi Đức Giêsu được bao bọc bởi các vị tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Điều đó có ý cho thấy rằng toàn Giáo Hội trần thế có mặt trên núi. Nhưng Giáo Hội là gì? Chính Đức Giêsu cắt nghĩa vấn đề này trong Tin Mừng theo thánh Matthêu 18,20 khi Người nói tới một nhóm những con người nơi đó có Người hiện diện ở giữa.

Giữa Trời và Đất

Nhưng ở trên núi Đức Giêsu cũng hiện diện ở giữa một bên là các tông đồ, một bên là Chúa Cha, ông Môsê và ông Êlia, nghĩa là giữa trời và đất. Điều vừa nói cho thấy sứ mạng của Đức Giêsu: Đó là qui tụ Trời và Đất, mang nhân loại tội lỗi trở về lòng Chúa Cha, tập họp con cái Thiên Chúa bị tản mác do tội, trở về trong sự hiệp nhất của Chúa Cha. Chính nhờ vậy mà các tông đồ hiểu được căn tính của Đức Giêsu cũng như căn tính riêng của họ. Đức Giêsu là Người Con Chí Ái của Chúa Cha và chính các tông đồ được mời gọi tham dự vào tính cách làm con đó, tức là trở nên con cái của Thiên Chúa như sau này thánh Phaolô cắt nghĩa: “Anh em là … người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,18-19).

Như vậy cùng lúc Đức Giêsu là Người Con của Thiên Chúa Cha và là thủ lãnh của Nhân Loại Mới. Đức Giêsu không bao giờ là một cá vị lẻ loi. Người luôn chung sống, luôn kết hợp với Cha và với chúng ta. Người là Đấng kết hợp thế giới của Thiên Chúa với thế giới của loài người. Người là Đấng đưa ta vào nhà Cha “nơi ta được khỏe khoắn” (c.33). Người là Đấng mang lại cho ta Gia Đình đích thực: Đó là Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy là ta không còn cảm thấy mồ côi nữa. Cách nào đó từng bị mồ côi như bé Diễn. Diễn là một em Mỹ lai chừng 10 tuổi. Má em qua đời tại Việt Nam. Em bị bán cho một gia đình người Hoa và được đưa tới Hoa Kỳ.

Giấc mơ nơi máng cỏ

Đó là vào chiều lễ Sinh Nhật. Diễn chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy. Trong gia đình người Hoa, em không tìm được tình yêu vì bị hành hạ, bị coi là người tôi tớ hơn là một người con. Chiều lễ Sinh Nhật hôm đó, em chạy trốn vì quyết tâm đi tìm kiếm cha mình: em không thể sống một mình được do nhu cầu cần được âu yếm. Mẹ em đã trối lại cho em tên của bố em là Giuse Minh Lễ (Joe Miller) cùng với tấm ảnh của bố. Diễn bước đi trên vỉa hè của thành phố lấp lánh ánh sáng. Nó thấy các trẻ em ra vào các cửa tiệm cùng với gia đình thân yêu của mình. Nó nghĩ “Ôi những trẻ em ấy sung sướng biết bao vì có ba má bên cạnh”. Mỗi lần Diễn gặp một người đàn ông có dáng vẻ giống bố nó, nó liền hỏi xem người đó có phải là ông Giuse Minh Lễ chăng, nhưng xem ra chẳng có ai có tên đó cả. Cuối cùng giữa lúc đói và mệt mỏi, nó bước vào nhà thờ ngay trong thánh lễ nửa đêm. Diễn được thu hút do máng cỏ: Nó dán mắt nhìn trẻ Giêsu giữa hai bố mẹ Giuse và Maria và mấp máy đôi môi với lời van xin “Chúa thật sung sướng hơn con. Xin giúp con tìm ra người bố của con!” Thế rồi vì mệt lữ nó nằm trong một góc nhà thờ mà ngủ. Nó mơ giấc mơ của máng cỏ: Thánh Giuse người cha vuốt ve và cho nó rất nhiều quà… Khi nó thức dậy đã ban ngày thì thấy một người đàn ông nhìn nó với một nụ cười: đó chính là cha sở, người đã khám phá ra bé Diễn đang ngủ trong nhà thờ.

- Con làm gì ở đây?

Diễn dán mắt nhìn vị linh mục rồi thay vì trả lời, nó cho vị linh mục thấy bức ảnh của bố nó là Giuse Minh Lễ.

- Con nhặt tấm ảnh này ở đâu?

- Chính mẹ con khi chết đã cho con.

- Giuse Minh Lễ chính là cha đây.

Chấm dứt tình trạng mồ côi

Diễn liền nhảy chồm lên cổ vị linh mục, hôn lấy hôn để. Giuse Minh Lễ đã từng đi lính tại Việt Nam, nhưng khi về nước, ông đã thay đổi cuộc sống, đã vào học ở chủng viện và đã chịu chức linh mục. Bé Diễn mừng rỡ vì đã tìm thấy bố và đã chấm dứt tình trạng mồ côi cha.

Tái tạo hiệp nhất

“Hai vị … nói về cuộc xuất hành của Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem…” (c.31). Hai ông Môsê và Êlia nói về cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Lý do vì đó là phương tiện Thiên Chúa dùng để tái tạo sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và loài người: “Vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu” (Cv 4,12). Điều đó có nghĩa là con đường duy nhất để nhập gia đình của Thiên Chúa (tức là được cứu) đó là tình yêu tự hiến cho đến cùng: Tình yêu hoàn toàn biết cho đi tất cả đến mức chết vì những người mình yêu. Đó là tình yêu mà Đức Giêsu đã yêu ta, một tình yêu khiến Người chịu đánh đập, chịu đội mão gai, chịu đóng đinh và chết trên thập giá như một tội nhân.

Tất cả những điều đó quá đòi hỏi đối với đức tin yếu đuối của các tông đồ là những con người đã từng được nuôi dưỡng bằng ý nghĩ về một vị cứu tinh quyền năng và vinh hiển. Vì thế nên Đức Giêsu muốn cho họ thấy một chút về thực tại thần linh của Người cũng như về kế hoạch Người có về tình yêu: Người muốn soi sáng và củng cố đức tin của các ông bằng cách cho các ông thấy rằng đau khổ mà được chấp nhận vì tình yêu, sẽ mang lại vinh quang lớn lao hoàn toàn đáng ước ao.

Chính chúng ta cũng cần để cho đức tin của chúng ta được soi sáng và được củng cố. Bởi lẽ chúng ta không có những con đường khác đưa ta tới hạnh phúc và vinh quang thuộc gia đình Thiên Chúa, ngoài con đường tình yêu biết hy sinh tất cả, biết quên mình, biết quên cả đau khổ riêng bản thân để nâng đỡ những người khác đang chịu đau khổ. Cần hành xử như Đức Giêsu trên đường Can-vê, Người đã quên nỗi khổ đau và nhục nhã bản thân để an ủi những người phụ nữ đang than khóc (Lc 23,28tt).

Quên nỗi đắng cay riêng

Có lẽ gương của chị Lưu Bích (Chiara Lubich) là người sáng lập phong trào Tổ Ấm Fô-cô-la-rê, cũng giúp soi sáng vấn đề ta đang tìm hiểu: Đó là vào năm 1944, gia đình chị để tránh bom đạn, đã bỏ thành phố Trentô lên núi tỵ nạn.

Khi ấy chị Lưu Bích 24 tuổi, chị nghe thấy tiếng Chúa mời gọi chị lo cho công việc tông đồ của Người. Chị chỉ tháp tùng gia đình tới quả đồi gần thành phố, kế đó chị đã quay bước trở về. Chị đã phải khóc thương gia đình nhiều, nhưng vẫn hy sinh tách khỏi gia đình để thể hiện ý Chúa. Trên đường về, chị Lưu Bích gặp một phụ nữ đang kêu gào: “chúng đã giết chết 4 con tôi!” Quả thật các con của bà này đều đã bị giết dưới làn bom đạn.

Ta thấy chị Lưu Bích đã quên nỗi đắng cay riêng của mình để hoàn toàn lo an ủi người phụ nữ bất hạnh nói trên. Đó quả là một gương đáng kể về tình huynh đệ!

Một số câu hỏi gợi ý

1. Có khi nào bạn có kinh nghiệm về điều bé Diễn và biết bao trẻ mồ côi khác từng trải qua: như kinh nghiệm về lẻ loi, về thiếu tình thương và thiếu tình thân mật gia đình? Chẳng lẽ bạn không cảm thấy?

Vậy mỗi lần bạn đọc kinh Lạy Cha hoặc kinh Sáng Danh, bạn hãy tưởng tượng như chính bạn là bé Diễn vào lúc bé ấy tìm được người bố của mình và hãy cám ơn Chúa đã trao đứa con lại cho bố nó.

2. Bạn hãy thử lập lại kinh nghiệm của chị Lưu Bích: Mặc dầu chịu khổ, bạn vẫn quên nỗi khổ đó của bạn để nâng đỡ nỗi khổ của người khác. Đó sẽ là kinh nghiệm của niềm vui chư thánh nghiệm thấy ở trên trời.

 

57.Đi tìm sự sống đời đời – Lm. An Phong

Chúng ta hiện sống trong một thế giới khủng hoảng nặng nề về nhiều phương diện. Ta có thể nói được rằng: đứng trước một hoàn cảnh như vậy, nhiều khi con người không còn biết phương hướng nào mà sống nữa. Con người cảm thấy mình bị hụt hẫng, chao đảo, hoang mang, ray rứt, bất an...

Thậm chí nhiều kitô hữu như mất hẳn niềm tin, muốn buông thả và để mình rơi vào cám dỗ, cứ lao mình vào cuộc tìm kiếm cho được nhiều vàng bạc của cải và thỏa mãn những nhu cầu vật chất của con người... Đang khi đó người kitô hữu lại được Chúa mời gọi sống vươn lên trong chính nếp sống nhiễu nhương này...

Lời Chúa của Chủ Nhật 18 Thường Niên hôm nay muốn soi sáng cho chúng ta...

Trước tiên, căn cứ vào bài đọc Cựu ước và bài Phúc âm, ta thấy Chúa tha thiết nhắn nhủ ta rằng:

1. Cuộc sống con người tại thế chỉ là cuộc sống tạm bợ, mau qua mà thôi.

Đây là điều mà trong Thánh kinh, rải rác đó đây Lời Chúa đã nhắc nhở cho ta. Ta chỉ cần đọc lại một số bản văn tiêu biểu như: Tv 38; Tv 48; G 1,21, v.v. cũng đủ thấy rồi.

Cuộc sống con người chóng qua như hoa đồng cỏ nội: chỉ một cơn gió thoảng qua cũng đủ làm nó biến đi... Đây là nếp sống chóng qua như làn gió thoảng, như bóng câu lướt qua cửa sổ. Nhiều danh vọng và vật chất, người ta thấy mình có được bảo đảm hạnh phúc đâu.

Tóm lại: Trần trụi sinh ra từ lòng mẹ, con người sẽ trần trụi trở về lòng đất.

2. Nếu kiếp sống con người tại thế mong manh, phù du như vậy mà con người còn lo lắng, bồn chồn ngày đêm: ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong tích lũy được nhiều vàng bạc, của cải vật chất, thì thật là điên rồ biết chừng nào! Bởi vì vất vả, lo lắng ngày đêm như thế để rồi khi phải nhắm mắt lìa đời, thì vàng bạc, của cải vật chất có mang theo được? Danh vọng, giàu sang có bảo đảm được sự sống?

3. Vậy con người tại thế hãy làm giàu cho mình trước mặt Thiên Chúa bằng cách

- Hoặc là đem chia sẻ cho anh em đồng loại đói khát, nghèo nàn, cần sự giúp đỡ của ta.

- Hay là dùng của cải tích lũy được để đền bù gấp ba, gấp bốn cho kẻ ta làm thiệt hại, theo gương của ông Giakêu đã làm...

- Hoặc là cao thượng và quảng đại hơn thì ta hãy đem bán đi tất cả những gì ta có, để bố thí cho kẻ nghèo đói, rồi đến theo Chúa...

- Sau cùng, căn cứ vào đoạn Thánh thư gởi cho giáo hữu Côlôsê, ta thấy thánh Tông đồ ân cần nhủ bảo ta thế này: Vì được chỗi dậy với Chúa Kitô, ta hãy tìm kiếm những sự trên trời. nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đừng tìm kiếm những của cải vật chất ở đời này.

Tìm kiếm những sự thuộc thiên giới như thế có nghĩa là chấp nhận như Chúa Kitô, chết đi cho thành kiến, nết hư, cho mọi thứ tội lỗi của con người cũ và mặc lấy con người mới.

Sống được như thế, người kitô hữu sẽ có được một sức sống mới giấu kín với Đức Kitô trong Thiên Chúa, và sự sống mới này sẽ đem họ tới vinh quang toàn vẹn.

Lạy Chúa,

Chúa đã sinh chúng con vào trong cuộc đời mong manh,

đầy cạm bẫy nơi trần thế đây,

là để thử xem chúng con có thật tình tin vào tình thương

và quyền năng của Chúa hay không.

Xin Chúa luôn giúp chúng con

biết sử dụng của cải phù vân

để làm phương tiện đi về với Chúa,

mà vẫn một niềm kiên quyết

tín thác vào Chúa mà thôi. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ