Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1374694
CON CHIÊN CỦA CHÚA
Con Chiên của Chúa
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian", ngài lặp lại lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn đệ: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng mà thầy vẫn nói với các con đó (x.Ga 1,29-34).
Tại sao gọi Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa"?
1. Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người
Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. "Aben làm nghề chăn chiên" (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, "Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng" lên Ngài (St 4,4).
Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x.Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.
Về sau, tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.
Các tiên tri trước Gioan đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên. Isaia mô tả: "Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết... Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta"(Is 53,7-8); "Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi"(Is 53,6-7.12).Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu: "Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi"(Gr 11,19).
2. Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" bị sát tế để cứu nhân loại
Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho mọi người: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian". Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh: "Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta"(1Cr 5,7). Sách Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ "Con Chiên" để chỉ về Đức Giêsu, thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
Thánh Phaolô viết: "Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy" (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: "Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ' (Dt 10,10), vì Ngài là "Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết" (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. "Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben" (Dt 12,24). "Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.
3. Đấng xóa tội trần gian.
Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.
Khi gọi Đức Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa", Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là "Đấng xóa tội trần gian", Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là "tôi tớ đau khổ của Giavê" như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa", Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.
Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.
Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
12. Đây Chiên Thiên Chúa
Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ già Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già như đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước.
Bốn năm trước đó, ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại. Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Đường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu: Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con".
Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc, ông đọc được câu Kinh Thánh như sau: "Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: "Đấng Cứu Thế". Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt trác để đời.
Anh chị em thân mến!
Người ta thường ví sự chào đời của một tác phẩm với sự cưu mang, cũng như một người mẹ mang nặng đẻ đau thì nhà nhạc sĩ cũng cưu mang ý tưởng để rồi với không biết bao nhiêu nhọc công và cố gắng, tác phẩm mới được chào đời. Hơn bất cứ ai trong trường hợp nào, tiếng khóc Đấng Cứu Thế đã được nhạc sĩ Hallmen cưu mang để rồi sinh ra với muôn nghìn đớn đau của ông. Hơn ai hết, chính khi cảm nghiệm được thế nào là sự bỏ rơi để có thể diễn tả được tâm tình ấy, đúng hơn ông đã để cho chính sự bỏ rơi của Chúa Giêsu được nhập thể trong tâm hồn ông, nên một với nỗi lòng của ông.
Tin Mừng hôm nay có lẽ cũng mời gọi chúng ta hãy cưu mang những tâm tình ấy. Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: "Chúa Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa". Chúa Giêsu, Người là Đấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Để cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta, có nghĩa là kết hiệp với Ngài qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Để cho Ngài sống trong chúng ta có nghĩa là trong từng tâm hồn, từ những suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn mặc lấy chính tâm tình của Ngài. Một cách cụ thể trong mỗi một phút giây, người tín hữu nên một với Đức Kitô đến độ luôn tự hỏi: Nếu Đức Kitô là tôi thì trong giây phút này đây Ngài sẽ làm gì, suy nghĩ gì và hành động như thế nào?
Nguyện cho Đấng đã sinh ra cách đây hơn 2.000 năm cũng sinh lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cùng được lớn lên với Ngài và đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Amen.
13. Đây Là Chiên Thiên Chúa – R. Veritas
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)
Chủ đề của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ II Mùa Thường Niên, có thể nói là: "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi thánh ý Cha". Đó là chủ đề về việc làm chứng cho Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia làm chứng cho Người Tôi Tớ Thiên Chúa là Chúa Kitô, Đấng sẽ đến sau đó khi tới thời gian đã định trong lịch sử cứu rỗi.
Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô đã giới thiệu mình như là người tông đồ của Chúa Kitô, người làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Một cách đặc biệt trong bài Phúc âm thánh Gioan (x. Ga 1,29-34), nhắc lại cho chúng ta lời chứng của Gioan Tiền Hô về Chúa Giêsu: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Thiết tưởng chúng ta nên dành một vài phút để suy niệm về dung mạo của người làm chứng cho Chúa Kitô phải như thế nào? Qua mẫu gương của thánh Gioan Tiền Hô, một mẫu gương đã được diễn tả một cách ngắn ngủi nhưng thật đầy đủ những yếu tố căn bản sau đây:
Trước hết, sở dĩ thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô là vì Ngài đã nhận được Lời chứng từ Thiên Chúa Cha: "Phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, và tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Người làm chứng là kẻ vâng lời và vâng theo ơn soi sáng của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa sai đi trước, không có Thiên Chúa chỉ dạy cho ta trước thì chúng ta không thể làm chứng cho Chúa Kitô. Làm chứng cho Chúa Kitô là một hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa Cha và đồng thời cũng là một bổn phận đáp lại lời chứng của Thiên Chúa Cha. Chúng ta có biết sống trong thái độ lắng nghe lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu Kitô hay không?
Từ đó sang điểm thứ hai, lời chứng của thánh Gioan: "Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa". Lời chứng này phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu trong biến cố phép rửa, trong biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa trước đó có tiếng từ trời phán: "Này là Con Ta yêu dấu", mà Chúa Nhật vừa qua khi cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã đọc lại đoạn Phúc Âm này.
Từ đó một kết luận cho chúng ta là, lời chứng của người làm chứng cho Chúa Kitô phải phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Kitô. Chỉ có một sự thật về Chúa, sự thật mà Thiên Chúa đã mạc khải, và người làm chứng cho Chúa Kitô nếu muốn thật sự lời chứng của mình có giá trị thì phải nói lên sự thật đó, không làm méo mó nó bằng những ý kiến riêng tư của mình. Chúng ta cần phải trình bày giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội căn cứ trên lời chứng của Thiên Chúa Cha, chứ không phải là giáo lý do sáng kiến riêng của chúng ta chế ra. Thánh Gioan vâng lời Thiên Chúa Cha và trung thành với lời chứng của Thiên Chúa Cha, dù phải chấp nhận hy sinh trở nên bé nhỏ đi để Chúa Kitô lớn lên trong tâm hồn kẻ khác.
Điểm thứ ba, thái độ của người làm chứng đối với Chúa Kitô: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng cứu rỗi thế gian, hãy theo Người, còn tôi, tôi không phải là Đấng phải đến". Người làm chứng không cho mình chiếm chỗ của Chúa Kitô, không che khuất Chúa Kitô, nhưng mà chỉ cho mọi người nhìn thấy Chúa Kitô: "Ngài đến sau tôi nhưng đã có trước tôi và cao trọng hơn tôi". Thánh Gioan nhìn nhận sự thấp hèn của mình trước Chúa Kitô và đó cũng là thái độ nêu gương cho những ai muốn làm chứng cho Chúa Kitô.
Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: "Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel". Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".
Gặp gỡ với Chúa Kitô luôn luôn mời gọi mọi người chúng ta làm chứng cho Ngài, và cuối cùng vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất người làm chứng với Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho người làm chứng được mỗi ngày một trở nên giống như Chúa Kitô hơn.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được lòng nhiệt tâm, sốt sắng trong dịp cử hành Thánh Lễ này và từ đây trong suốt cuộc sống của mình luôn luôn là người làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn để chúng ta trở nên xứng đáng là người làm chứng cho Chúa, người làm chứng biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa Cha, lắng nghe lời mạc khải của Thiên Chúa Cha và sống vâng phục ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, người làm chứng biết nhường chỗ cho Chúa Kitô trong tâm hồn anh chị em mình. Xin Chúa giúp chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.
14. Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân
(Trích trong ‘Tin Vui Xuân Lộc’)
Thưa quý OBACE
Trong lịch sử chúng ta thấy có những con người, sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cục diện thế giới, có người đưa thế giới đến sự thay đổi tích cực, nhưng cũng có những con người lại hoàn toàn gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhân loại. Ví dụ: Với sự xuất hiện của Napoleon hoặc Hitler đã đưa thế giới vào cảnh chiến tranh giết chóc tàn khốc, song cũng có những con người như Louis Pasteur và các nhà khoa học chân chính khác đã cứu nhân loại khỏi những căn bênh hiểm nghèo. Người ta cũng không thể phủ nhận được, với sự xuất hiện của những người như Bill Gate và Steve Jobs đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và phương thức cũng như công nghệ thông tin ngày nay; Đức giáo Hoàng Fancis vừa mới được báo time bình chọn là nhân vật của năm 2013, mặc dù ngài mới chỉ xuất hiện với thế giới trong cương vị Giáo hoàng được 10 tháng, song Ngài đã và đang có một ảnh hưởng lới trên thế giới về lối sống và luồng gió mới Ngài đang đem vào Giáo Hội.
Cũng vậy với sự xuất hiện công khai của Chúa Giêsu ở vùng Galilea- sông Jodan quả thật là một sự kiện hết sức quan trọng và gây sự chú ý cho nhiều người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay nhiều người vẫn chỉ nhìn Đức Giêsu như bao các ngôn sứ khác trong Cựu ước, mà không tin Ngài là Thiên Chúa.
Vì thế các tác giả tin Mừng đã muốn khẳng định cho chúng ta rằng Đức Giêsu Nazareth là chính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, Đấng đã đến từ nơi Thiên Chúa Cha, Ngài chính là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Biến cố xuất hiện công khai của Chúa Giêsu như mở đầu cho một thời đại mới và đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhân loại và cả thế giới này. Gioan Tẩy giả cho thấy, lúc đó mặc dù ông đang là tâm điểm thu hút nhiều người tuốn đến với ông, nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu xuất hiện, thì Gioan nhận ra rằng nhiệm vụ của ông đã vào hồi kết. Ông nhường bước và long trọng giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: Đây là chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Với lời giới thiệu này thì người Do Thái nào cũng nghĩ ngay đến hình ảnh ngày lễ xá tội hàng năm, vị Thượng tế phải đại diện cho dân chúng đặt tay trên đầu một con chiên trước đền thờ Chúa để xưng thú tất cả tội lỗi của dân, và con chiên ấy trở thành con chiên gánh tội cho dân.
Khác với các tiên tri khác là những người chỉ tiên báo về Đấng Cứu Thế, thì Gioan đã chỉ đích danh Đấng Cứu thế cho mọi người. Ông còn giải thích thêm: Chính Người là Đấng tôi đã nói đến: Người đến sau tôi nhưng trổi vượt hơn tôi và Ngài có trước tôi. Như thế có nghĩa là Gioan đã giới thiệu cho mọi người biết địa vị trổi vượt cua Đức Giêsu và thời đại của Đấng Mesia đã bắt đầu, thời đại của ánh sáng cứu độ đã đến. Gioan đã tuyên xưng niềm tin của mình khi tin nhận Ngài là Đấng có trước ông, là Đấng hiện hữu từ muôn đời, nay xuất hiện giữa loài người và mang lấy tất cả sự giới hạn của con người. Gioan đã nhớ lại mấy ngày trước đây Ngài đến xin ông làm phép rửa, và khi vừa ra khỏi nước thì trời mở ra và Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người. Gioan cũng cho biết chính Đấng sai ông làm phép rửa đã cho ông một dấu chỉ: Ngươi thấy Thần Khí ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Đức Giêsu chính là Đấng ấy và những ai tin và lãnh nhận phép rửa bởi Đức Giêsu cũng sẽ đón nhận được Thần Khí của Ngài.
Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa đã được sai sai đến trần gian với sứ vụ đem ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Lời của Isaia trong bài đọc một đã ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu, Ngài trở thành Đấng quy tụ muôn dân nên một, đem nhà Jacop trở về, chiếu tòa vinh quang Thiên Chúa cho mọi người mọi dân. Thiên Chúa còn nói với Người rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đên tận cùng trái đất.
Do bởi tội lỗi và sư bất tuân của Adam Eva đã làm cho bóng tối của sự chết bao trùm nhân loại, với sự bắt tay thỏa hiệp với Satan, tổ tông loài người đã đưa cả nhân loại rơi vào sư trói buộc của ma quỷ và dục vọng, thế giới và con người như chìm ngập trong tăm tối không còn biết đường đi. Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài là ánh sáng đã xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, Ngài đã chỉ cho nhân loại con đường ánh sáng và hy vọng con đường giải thoát.
Sứ mạng trở thành ánh sáng và đem ơn cứu độ đến cho muôn dân của Chúa Giêsu vẫn còn liên tục được thực hiện qua những con người mà Chúa đã tuyển chọn, trước hết đó là các tông đồ kế đến là mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô rất ý thức điều đó khi nói với cộng đoàn Corintô rằng: Tôi là Phaolô, bởi ý của Thiên Chúa đã được gọi là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô và ông Xôthênê là anh em của chúng tôi. Vì ý thúc mình là người được chọn để đem ánh sáng cứu độ đến với muôn dân, nên Phaolô và các tông đồ đã chấp nhận nên như ngọn đuốc đốt cháy cả cuộc đời mình để chiếu tỏa ánh sáng cho thế giới hôm nay. Từ những con người đầu tiên này, mà chúng ta hôm nay biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài.
Cũng thế, mỗi chúng ta trong ngày lãnh Bí tích rửa tội, qua cha mẹ đỡ đầu Giáo Hội đã trao cho ta ngọn nến sáng với lời căn dặn rằng: Các con hãy sống như con cái sự sáng và chiếu tỏa ánh sáng cho muôn người cho đến ngày được gia nhập đoàn rước nước trời. Như thế giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng, và chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Thưa quý OBACE lời Chúa hôm nay cũng đang nói với chúng ta: Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất. Trong năm Sống và Loan báo Tin Mừng này, trước hết để có thể trở thành ánh sáng muôn dân, thì mỗi người cần phải kiểm tra lại ngọn lửa đức tin của mình đang trong tình trạng nào? Nó còn cháy sáng bừng bừng hay đã bị tàn lụi và trở nên leo lét yếu ớt? Để cho ngọn lửa đức tin có thể cháy sáng, thì nó cần phải đốt bằng những thứ dầu nguyên chất đó là đời sống cầu nguyện, là việc lãnh nhận các bí tích thường xuyên, để nuôi dưỡng cho đức tin của mình. Kế đến ngọn đuốc này cần phải được che chắn bằng lời của Chúa qua việc đọc, lắng nghe và thực hành thì mới có thể chống chọi được với những cơn gió bão của các tư tưởng sai lạc, khuynh hướng, trào lưu chống phá đức tin ngày nay. Chúng ta không thể giữ riêng ánh sáng này cho mình mà phải soi chiếu cho anh em.
Để có thể chiếu tỏa ánh sánh cho mọi người, thì đòi chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh và hao mòn cuộc đời của mình. Các bậc làm cha mẹ hãy chiếu tỏa cho gia đình mình ánh sáng ấm áp của mùa xuân, xua tan đi những bóng tối của gian dối quanh co, đẩy lui những nỏng nảy giận hờn cãi vã; hãy đem về cho gia đình mình nhiều hơi ấm và ánh sáng của niềm vui thay cho sự lạnh lùng băng giá. Nhất là cha mẹ hãy đem ánh sáng của Chúa và Tin Mừng của Ngài vào gia đình mình, qua đời sống đạo đức qua các giờ kinh tối sớm, qua những phút cầu nguyện trước và sau bữa ăn mỗi ngày.
Các gia đình Công Giáo hãy trở nên ánh sáng cho các gia đình chung quanh bằng cuộc sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, sống với nhau thuận hòa, chân tình, yêu thương giúp đỡ, biết quan tâm đến nhau và làm những điều tốt đẹp cho nhau. Mỗi gia đình cùng sống và làm như thế, thì ánh sáng của Chúa sẽ chạm đến tâm hồn các anh chị em khác bên cạnh.
Trở nên ánh sáng cho muôn dân cũng là sứ mạng được trao cho các bạn trẻ. Cuộc sống xã hội ngày nay, trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình,… vẫn còn có quá nhiều mảng tối. Mỗi người trẻ sẽ phải là ngọn đuốc cho xã hội hôm nay. Hãy trở thành những con người ngay thẳng trong xã hội gian dối này, hãy có một trái tim nhân ái trong một xã hội bàng quan lạnh lùng, hãy đem ánh sáng và giới răn của Tin Mừng vào trong công ty xí nghiệp, trường học nơi chúng ta đang làm việc, học tập, hãy mang theo Đức Kitô vào trong mọi sinh hoạt, vui chơi, mọi lãnh vực, vào các cuộc tụ họp gặp gỡ. Khi mỗi người trẻ công giáo cùng thắp lên một ngọn lửa như thế, các bạn sẽ làm cho xã hội này bừng sáng Tin Mừng của Đức Kitô.
Cầu chúc cho mọi người luôn giữ cho ngọn lửa của Đức Kitô luôn cháy sáng trong cuộc đời của mình và trở nên ánh sáng giúp anh em mình khỏi vấp ngã. Amen.
15. Con Chiên của Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh)
Trong thường nhật cuộc sống có khi chúng ta nhìn mà không thấy, biết mà không hiểu. Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên nêu cho chúng ta chứng cứ nầy, đây là kinh nghiệm của ông Gioan Tẩy Giả khi nói về Đức Giêsu, là người họ hàng của ông. Chắc hẳn cả hai đã có thời kỳ niên thiếu bên nhau, biết nhau trong sinh hoạt, thế mà ông Gioan đã hai lần phát biểu trong bài Tin mừng, làm chúng ta sửng sốt: “Tôi đã không biết Người” (Bài Tin Mừng Ga 1, 29-34). Nhất thiết phải có biến cố nào đó khiến ông Gioan Tẩy Giả thay đổi cái nhìn và sự phỏng đoán của ông về đấng Mêsia. Lời khẳng định: “Tôi đã không biết Người” khác hẳn với nội dung trước đây ông nói về đấng Mêsia, như Người cầm nia để sàng trấu lép bỏ vào lửa, như rìu đã đặt ở gốc sẵn sàng đốn ngã cây không sinh trái … Ông loan báo Đấng Mêsia như một quan toà nghiêm khắc, không khoan nhượng, quét sạch sân lúa là dân tộc mình!
Một thời gian sau, ông Gioan tỏ ra cẩn trọng hơn, nhất là khi ông ở trong tù, ông nghe ngóng những lời đồn thổi về đấng Mêsia cư xử nhân từ mà ông đã mường tượng là nghiêm khắc từ ban đầu. Để cân bằng chênh lệch giữa quan niệm và thực tế về đấng Mêsia, ông đã sai môn đệ tới phỏng vấn Đức Giêsu: “Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác?” Đức Giêsu đã dùng lời sấm của tiên tri Isaia để trả lời cuộc phỏng vấn: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ điếc nghe được, người què đi được, bệnh nhân được chữa lành và người chết sống lại”. Những việc làm nầy chứng tỏ Người là đấng Mêsia phải đến, như Sách Thánh đã tiên báo, bởi vì việc làm định nghĩa con người.
Biến cố nơi sông Giođan, khi Đức Giêsu hoà mình vào dòng người sám hối xin chịu thanh tẩy, phản ứng của Gioan là nhận thấy mình bất xứng để ban phép rửa thống hối cho Đức Giêsu, ngay cả việc cởi quai dép cho Người, ông cũng không xứng đáng. Chính Đức Giêsu dấn tới, ông Gioan mới xối nước trên Người. Xảy ra khi Đức Giêsu lên khỏi nước, ông Gioan xác nhận: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’” (câu 32-33). Cách sống của Đức Giêsu và sự việc xảy ra ở Giođan làm cho Gioan thay đổi định nghĩa về đấng Mêsia.
Từ đó, ông Gioan đã thay đổi quan niệm về đấng Mêsia, ông thoáng thấy Đức Giêsu là con chiên bị đem đi giết, là Người Tôi Tớ của Giavê, là đấng Mêsia mang thân phận con Chiên của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian để xoá bỏ tội lỗi. Những cảm nhận nầy nhắc nhớ con chiên vượt qua bị sát tế trong đêm Xuất Ai cập, máu chiên đổ ra, ghi trên cửa nhà đã cứu người con đầu lòng của mỗi gia đình Do thái. Ông Gioan Tẩy Giả đã không biết đến Đấng Mêsia nhân từ đó! “Tôi đã không biết Người”. Ông nhầm lẫn về sứ mệnh của Đấng Mêsia, ông cứ tưởng sẽ có một đấng Mêsia đầy quyền lực, để trừng phạt theo kiểu quan tòa nghiêm khắc bất bao dung không biết khoan nhượng, luôn có bộ mặt hình sự cáo tội hơn là bào chữa cho bị can.
Cho đến ngày hôm nay, người ta cũng còn nhầm lẫn về Thiên Chúa, người ta muốn biến Thiên Chúa thành thế lực chính trị, kéo lôi Người về phe mình để trị tội kẻ khác. Thiên Chúa không liên minh quân sự với phe nhóm nào cả, Người liên đới với con người cần được cứu độ khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Thật ra trong cuộc sống, có lần Người đồng bàn với hạng tội lỗi cần được yêu thương và tha thứ, Người mang lấy tội lỗi nhân loại. Trong nhãn quan đó chúng ta hiểu được lời giới thiệu của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (câu 29).
Gương mặt hiền hậu và nhân từ nầy phản ánh phần nào trong các diễn văn, trong các bài huấn đức, trong cử chỉ cúi xuống ôm hôn người khuyết tật, những hành động đầy cảm thông và yêu thương của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đương nhiệm đối với người bất hạnh như muốn xóa đi một quan niệm Giáo Hội quyền bính, triều đại xa cách dân đen, như muốn xích lại gần với giới nghèo theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội từ ban đầu, như muốn mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu trong cách cứu thế.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân làm Con Chiên cứu chuộc trần gian. Nhờ đó chúng con đã được rửa sạch tội lỗi và được làm hoà với Thiên Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa và cố gắng bắt chước sống thân phận của Con Chiên Thiên Chúa biết cảm thông và liên đới với tha nhân. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam