Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 82
Tổng truy cập: 1366332
CON ĐƯỜNG NỘI TÂM
CON ĐƯỜNG NỘI TÂM– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó. Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái. Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam. Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái. Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người. Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm. Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm. Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa. Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:
Đường nội tâm đi trong cô tịch. Thật lạ lùng. Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita. Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu từ thủ đô đất nuớc nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi. Thực ra Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại. Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm. Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa. Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch. Sống ẩn thân nơi hoang địa. Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện. Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục. Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa. Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.
Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường. Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường. Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa. Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn. Tự mãn vì Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất. Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga. Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng. Tự mãn yến tiệc linh đình. Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa. Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ. Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân. Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.
Đường nội tâm đi trong chiến đấu. Không phải chiến đấu với người khác. Nhưng chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ. Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống. Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.
Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm. Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng. Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co. khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
- Đường nội tâm có những đặc điểm nào? Cô tịch, khiêm nhường và chiến đấu, đặc điểm nào cần thiết nhất cho đời sống bạn hiện nay?
- Thánh Gioan Tiền Hô có sống những lời Ngài rao giảng không?
- Con đường nội tâm của bạn còn phải sửa chữa ở những đoạn nào? Có dễ không? Tại sao?
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- C
MỌI NGƯỜI SẼ THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA- Lm. Micae Võ Thành Nhân
Chúa thương dân Do Thái là dân riêng của Chúa. Chúa thương thành Giêrusalem, nơi có Đền thánh của Chúa, nơi có dân Chúa cư ngụ thật đông đảo. Mặc dù dân Chúa đã phạm tội bất trung, bất tín và bị đi lưu đày nơi đất khách quê người, nơi tha phương cầu thực…, nhưng Chúa vẫn yêu thương và quy tụ họ về với thành thánh trong vinh dự. Họ thật vui mừng, hạnh phúc vì Chúa nhớ đến họ, đã cứu họ khỏi cảnh ô nhục của kiếp nô lệ, đọa đày: “ Khi Chúa dẫn tù nhân Xion về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng “. ( Tv 125, 1 – 2 ). Còn đối với Chúa, Chúa thấy dân Chúa nhờ Chúa đã cởi bỏ áo tang chế và sầu khổ, sống trong tự do vui sướng, và rồi Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Chúa dẫn dắt dân Chúa đến ánh vinh quang. Mặt khác, dân Chúa, họ đã nhận ra các ơn lành của Chúa, họ sẽ vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa cho mọi người. ( Bài đọc một sách tiên tri Barút )
Ngày hôm nay, Chúa vẫn dẫn dắt dân Chúa là tất cả chúng ta đây đang sống trong Hội Thánh của Chúa đến ánh vinh quang. Ánh vinh quang đó là nước thiên đàng sau này khi chúng ta kết thúc cuộc hành trình dương thế. Chúng ta đang chờ đợi Chúa đến dẫn chúng ta vào nước thiên đàng. Ngày giờ Chúa đến chúng ta không biết, cho nên chúng ta phải luôn sống trong tư thế cầu nguyện, tỉnh thức làm các công việc mà ngày xưa thánh sử Luca đã ghi chép lại lúc thánh Gioan Tẩy Giả, vị Tiền hô của Chúa xuất hiện công khai: “ Ngài đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như có lời chép trong sách Isaia rằng: Có tiếng kêu trong hoang địa, hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi, con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa “ ( Bài TM ).
Sửa lại đường cong queo, đường gồ ghề, lấp hố sâu, bạt núi đồi…là tội lỗi, là những tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, những thiếu sót trong bổn phận của chúng ta đối với Chúa và với anh chị em. Chúng ta cần phải sám hối, cầu xin Chúa tha thứ và chỉnh đốn lại cuộc sống cho phù hợp với thánh ý của Chúa.
Để sám hối, đổi mới cuộc sống chúng ta theo ý Chúa, chúng ta hãy cùng nhau sống tâm tình của thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi tín hữu Philípphê ( Bđ II ) là cầu nguyện luôn với Chúa, là hy sinh dấn thân góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng mà cụ thể là giúp đỡ nhau sám hối trở về với Chúa, sống bác ái yêu thương phục vụ, chia sẻ, cho đi, tha thứ, xa tránh các dịp tội, giữ linh hồn trong sạch và không làm điều gì đáng trách ( Như chè chén say sưa, trai gái, bài bạc, hút chích, trộm cắp, cho vay nặng lãi…) cho đến ngày Chúa đến viếng thăm dẫn chúng ta vào thiên đàng. Nhất là chúng ta hãy siêng năng làm việc thờ phượng, tôn vinh, ngợi khen chúc tụng Chúa.
Lạy Chúa, trước khi thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện công khai rao giảng sự thống hối, giúp dân Chúa dọn lòng đón chờ Chúa đến, ngài đã ở trong hoang địa một thời gian dài để sống với Chúa, và chuẩn bị cho sứ vụ cao cả này. Xin Chúa giúp chúng con biết noi gương ngài trong mùa vọng năm nay, chúng con hãy đi vào sa mạc của cõi lòng mình để chúng con hồi tâm nhìn lại quá khứ cuộc đời của chúng con, nhìn nhận ra biết bao nhiêu tội lỗi, tính hư tật xấu, thiếu sót, để rồi dưới ánh sáng của Lời Chúa soi chiếu, chúng con cần phải làm ngay:
+“ Lấp hố sâu “ là nhưng thiếu sót trong bổn phận làm người và làm con của Chúa, để rồi chúng con phải cố gắng chu toàn bổn phận Chúa trao, và thực hiện các nhân đức nhất là mến Chúa yêu người để lấp đầy những hố sâu đó.
+“ Bạt núi đồi, san phẳng đường gồ ghề “ là những tội nặng, tội nhẹ làm cả trở Chúa đến với chúng con, chúng con xin Chúa tha thứ và quyết tâm san phẳng bằng cách chừa cải.
+“ Dọn đường, sửa đường cong queo cho thẳng “ là những tư tưởng lệnh lạc, xấu xa, lương lẹo, sự giả hình…, xin Chúa uốn nắn lòng chúng con để chúng con nên giống Chúa, chỉ nghĩ về Chúa mà thôi.
Xin chúa ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con quyết thực hiện Lời Chúa dạy hôm nay để chúng con sẽ nhìn thấy được ơn cứu độ khi Chúa đến viếng thăm chúng con. Amen
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- C
DỌN ĐƯỜNG NỘI TÂM- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Thưa anh chị em,
Mỗi năm Mùa Vọng về, Giáo hội cho chúng ta nghe lại rất nhiều lời rao giảng của Gioan tẩy giả được trích bày trong các bài đọc thánh lễ Mùa Vọng, và có thể nói ông là mẫu gương sống Mùa Vọng tuyệt vời nhất.
Gioan sinh ra trong gia đình dòng tộc tư tế, và sự chào đời của ông cũng rất lạ thường, để rồi Chúa trao cho ông sứ mạng làm ngôn sứ cho Đấng cứu thế, đúng như lời thân phụ của ông đã nói:” Hài nhi hỡi, con sẽ là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước mở lối cho Người” (Lc 2,76).
Để thực hiện sứ mạng Chúa trao, ngay từ tuổi ấu thơ, Gioan sớm rời khỏi gia đình êm ấm đầy đủ tiện nghi vào ở trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện sống gắn bó với Chúa, để rồi khi đến thời đến buổi Chúa đã thúc đẩy ông ra khỏi hoang địa.
Thánh sử Luca ghi lại thời điểm Gioan đi đến ven sông Gio-đan rao giảng, trong bối cảnh lịch sử của dân Do thái đang bị đế quốc Rôma thống trị, lúc bấy giờ là năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Tibêriô và Philatô làm tổng trấn ở Giuđêa và những vị thượng tế như là Anna và Caipha lãnh đạo Do thái.
Gioan kêu gọi dân chúng lãnh nhận phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô, trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng hãy lấp cho đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ san cho bằng, chốn gồ ghề hãy làm cho phẳng phiu, để mọi người sẽ thấy ơn Cứu Độ” (Is 40,3-4).
Thông thường người ta mở đường nơi đông dân cư mới có người đi lại, còn đàng này giữa hoang địa vắng bóng người ở, vậy mà Gioan kêu gọi dân chúng mở một con đường cho thẳng. Hóa ra con đường ở đây không phải là con đường vật lý mà là con đường nội tâm. Như vậy, hoang địa ở đây chính là sa mạc của lòng người. Tình người trong những mối tương quan đã khô cạn. Giữa phố xá đông người, nhưng con người vẫn xa lạ lạnh lùng dửng dưng với nhau. Tại sao vậy?
Thưa, bởi vì tâm hồn con người có những hố sâu ích kỷ, chỉ lo vun đắp cho mình mà ít quan tâm đến người khác. Người ta sống trong những khu xóm nhà sát vách nhau, nhưng dường như nhà ai nấy ở, cửa ai nấy cài, chính vì thế họ không biết nhau, và như vậy con người sẽ rơi vào tình trạng sống cô đơn như giữa hoang địa.
Tâm hồn con người có những đỉnh đồi kiêu ngạo thích nâng mình lên, tự hào về khả năng của mình, luôn cho mình tài giỏi hơn người khác, không bao giờ chịu thua kém bất cứ ai. Xin hãy hạ mình xuống với lòng khiêm tốn như Gioan tẩy giả.
Để Chúa được vinh quang Gioan phải khiêm nhường. Để Chúa được nhận biết, Gioan phải quên mình. Để Chúa được nổi lên, Gioan phải chìm xuống. Gioan hiểu rõ điều đó, nên ông không ngừng hạ mình khiêm nhường trong lời nói cũng như trong hành động.
Khi uy tín của ông lan rộng, người ta tưởng là Đấng Cứu Thế, nhưng ông khiêm tốn nhìn nhận: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đấng đến sau tôi uy quyền hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Ngài. Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ bé đi”.
Tâm hồn chúng ta đôi khi có những khúc quanh co dối trá, trong lời ăn tiếng nói và việc làm, sống không thành thật với Chúa, không thành thật với nhau. Lời Chúa dạy “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là do lòng tà. Xin hãy uốn lại với lòng thành thật theo Tin mừng Chúa dạy.
Tâm hồn chúng ta có những lượn sóng gồ ghề, khó tính khó nết, khó sống với người khác, hay than thân trách phận, không bằng lòng với số phận của mình.
Gioan tẩy giả từ bỏ phố xá đông người, để vào nơi hoang địa thanh vắng tìm gặp Chúa. Ông đã khước từ những thức ăn cao lương mỹ vị, ông chỉ dùng những thức ăn đơn sơ đạm bạc của núi rừng. Ông từ bỏ quần áo lụa là, chỉ khoác trên mình tấm da thú che thân.
Noi gương ông, chúng ta cũng phải vui lòng chấp nhận mọi hoàn cảnh mà Chúa do an bài gởi đến, như bệnh tật, bị con cháu bỏ rơi, thiếu thốn cách này hay cách khác, để nên giống Chúa Giêsu Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Gioan tẩy giả chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ I, chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến lần thứ II. Làm tiền hô cho quê hương, trong môi trường mình đang sinh sống, đó là nhiệm vụ của mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu đã đến trần gian hơn hai ngàn năm rồi, nhưng mà ngày nay vẫn còn thiếu vắng những con đường phẳng phiu, ngay thẳng. Vậy để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, mỗi Kitô hữu trong tình liên đới với Giáo Hội hoàn vũ hướng đến thượng hội đồng Giám mục thế giới, với chủ đề: Hướng về một Giáo hội Hiệp Hành, với ba đặc tính: Hiệp thông- Tham gia và Sứ vụ.
Đó là lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô. Ngài mong ước một Giáo hội tất cả mọi người cùng đồng hành với nhau trên con đường mang tên Giêsu, là cùng nhau đến nhà thờ đọc kinh, dự lễ. Cùng nhau lên đường dấn thân phục vụ. Và nhất là cùng nhau dành thời giờ đi thăm hỏi những người đau yếu bệnh tật, đang thiếu vắng tình thương, đang rơi hoàn cảnh bế tắt trong bối cảnh cơn đại dịch chưa chấm dứt. Amen.
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG- C
THỜI GIAN HẠNH PHÚC VÌ ĐƯỢC ĐỔI MỚI- Lm. Phêrô Lê văn Chính
Bài Tin mừng Chúa nhật thứ hai mùa Vọng theo thánh Luca đã tường thuật việc việc rao giảng thống hối của Gioan Tẩy giả trong hoang địa. Gioan vốn được sinh ra trong một gia đình tư tế phục vụ đền thờ Giêrusalem, với cha là tư tế Zakaria và mẹ là Êlisabét cả hai đều vốn thuộc dòng dõi tư tế và là những người công chính, nhưng ông đã sớm khước từ địa vị dòng dõi tư tế của mình với những việc phục vụ nghi lễ ở đền thờ và những hiến lễ chiên bò để bắt đầu một đời sống mới theo ơn gọi Thiên Chúa dành cho ông. Ông sống khắc khổ ở hoang địa và bắt đầu xuất hiện ở bờ sông Giordan, rao giảng mời gọi mọi người thống hối vì Nước Thiên Chúa gần đến. Ông cũng đề nghị mọi người đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và lãnh nhận phép rửa. Thực hành này của Gioan đã được thánh sử Luca cẩn thận ghi lại với những mốc lịch sử của đế quốc Rôma hùng mạnh đang thống trị lúc bấy giờ là năm thứ mười lăm của triều đại hòang đế Tibêriô và Philatô làm tổng trấn ở Giuđêa và những vị thủ hiến do thái.
Nơi Gioan thực hành phép rửa là giao lộ quan trọng, các đoàn buôn bán thường qua lại trên đường này để tiến về miền bên kia sông Giordan. Chính ông là người có sáng kiến thực hành phép rửa, tức là việc tắm thanh tẩy, như là dấu chỉ việc dấn thân sám hối thay đổi đời sống. Nơi Gioan chọn để làm phép rửa có ý nghĩa vì xưa kia vùng này là nơi những người do thái, sau khi được giải thoát khỏi nô lệ Ai cập, họ vượt qua biển đỏ, và sau hành trình dài qua sa mạc, họ đã đến đây để chuẩn bị tiến vào đất hứa. Chính nhà lãnh đạo Môisen cũng đã qua đời ở đây và dân chúng đã cùng với nhà lãnh đạo mới của mình là Giosuê tiến qua sông Giorđan để vào đất hứa. Thế nên, với sự xuất hiện của Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa thống hối và việc nhắc lại lời kêu gọi của tiên tri Isaia sửa đường Chúa cho ngay thẳng, làm chúng ta hiểu được ý nghĩa của lời mời gọi của Gioan. Lần này lại một cuộc xuất hành mới và quyết định đối với lịch sử Israel. Theo lịch sử do thái, vào khoảng năm 587 trước công nguyên, thành Giêrusalem cùng với đền thờ đã bị xâm chiếm và tàn phá, vua và dân bị bắt đi lưu đày sang Babylon cho đến khoảng gần 50 năm sau là năm 538, một vị tiên tri xuất hiện và loan báo tin mừng ngày hồi hương gần kề, một cuộc xuất hành còn hùng vĩ và kỳ diệu hơn lần xuất hành đầu tiên ra khỏi xứ Ai cập, ông đã mời gọi mọi người sửa lại mọi con đường cho ngay thẳng để đón tiếp ơn cứu độ của Thiên Chúa : “Hãy dọn đường Chúa, hãy san bằng mọi con đường. Mọi thung lũng hãy lắp cho đầy, núi đồi hãy bạt xuống; đường quanh co hãy sửa cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5). Dầu vậy, lần hồi hương lần sau cuộc lưu đày, dù rất là kỳ diệu đối với những người do thái bị bắt, cũng chưa phải là lần vượt qua và trở về quyết định, nó vẫn chỉ là một lần can thiệp của Thiên Chúa để giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày xa quê hương để trở về đất hứa và xây dựng lại đền thờ.
Thế nhưng lần này, nơi biên thùy của đất nước, nơi mọi người có thể qui tụ về đây, vào một thời điểm chính xác trong lịch sử thế giới, Gioan đã đề nghị mọi người lãnh phép rửa thống hối vì nước Chúa đã gần đến, vì giờ phán xét của Thiên Chúa đã gần kề. Lần này không phải là để ra khỏi xứ Ai cập và vào đất hứa, cũng không phải là hồi hương, trở về từ thân phận nô lệ nhục nhã từ một đất nước xa lạ nhưng là một cuộc trở về với chính mình và với Thiên Chúa, để được đón tiếp Thiên Chúa viếng thăm thực sự. Đây là một biến cố quyết định dứt khoát. Gioan làm phép rửa thống hối và thôi thúc mọi người canh tân đời sống vì ngày phán xét của Thiên Chúa gần kề không thể trì hoãn. Biến cố lần này không chỉ liên hệ tới một dân tộc riêng biệt nào như xưa kia đã là biến cố của dân tộc do thái, nhưng có chiều kích phổ quát hơn. Giờ đây việc vượt qua chính là đón nhận dòng nước phép rửa để đón nhận ơn tha thứ tội lỗi và đi vào trong thế giới của Thiên Chúa, thế giới ân sủng của hồng ân cứu độ. Cuộc xuất hành mới không chỉ là chuyện diễn ra ở một nơi nào đó nhưng là thiêng liêng diễn ra trong nội tâm của mỗi người. Lần này, cũng những lời đó là những lời của tiên tri Isaia đệ nhị hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, nhưng con đường này không phải chỉ là con đường hồi hương sỏi đá nhưng chắc là dễ làm, nhưng là con đường của hành trình nội tâm khó khăn hơn gấp bội, đòi hỏi mỗi người sáng suốt và can đảm, nhìn sâu vào trong chính con người của mình để thấy những chỗ gồ ghề mà san cho bằng. Sự thống hối của mùa Vọng không chỉ là tang chế, mà là sự thống hối đầy tràn niềm vui, đầy tràn hy vọng vì trông cậy vào lời hứa đổi mới của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa thúc đẩy qua lời rao giảng của vị tiền hô là Gioan, hãy để cho ân sủng dư đầy của Thiên Chúa đổi mới chính mình. Những lời trong bài đọc thứ nhất của sách tiên tri Bakhúc tràn đầy những lời lẽ thôi thúc ân cần của Thiên Chúa ngỏ lời với mọi người. Thời gian mùa vọng tràn ngập những ân sủng cứu độ và đổi mới của Thiên Chúa. Mọi người đừng sợ hãi cũng đừng chần chừ vì họ được thực sự yêu thương và đổi mới. Thân phận của họ giờ đây được Thiên Chúa yêu thương, họ hãy cởi bỏ áo tang chế và họ sẽ được mặc áo vinh quang. Chính Thiên Chúa sẽ mặc cho họ áo công chính. Họ hãy lên nơi cao và nhìn sang khắp đông tây để thấy con trai và con gái của họ trở về với họ trong vui mừng với vinh dự như các hoàng tử. Lời của sách tiên tri Barúc đầy tràn những hình ảnh hạnh phúc tràn ngập: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa”.
Những gì Thiên Chúa làm cho con người vượt quá những hy vọng và chờ đợi của chúng ta. Đây không phải chỉ là những giấc mơ, mà là thực tại lớn hơn những cái nhìn hạn hẹp của con người. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người đến để mặc lấy thân phận con người và đổi mới chúng ta từ bên trong. Về phần con người, chúng ta cần can đảm để đổi mới, từ bỏ những yếu hèn đam mê tội lỗi của mình và để cho ân sủng của Thiên Chúa tác động và canh tân như lời thánh Phaolô nhắc nhở “anh em đã thông phần vào việc rao giảng Tin mừng từ ngày đầu cho tới nay, giờ đây tôi cầu nguyện cho anh em được gia tăng lòng bác ái trong sự hiểu biết và am hiểu để anh em xác định được những điều quan trọng hơn để anh em được trong sạch và không đáng trách cho tới ngày Chúa Giêsu Kitô”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam