Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1373306

Con Đường Thập Giá, Sống Đức Tin

Cập nhật : 14-03-2014
 

                                                                                      CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ 
Khởi sự Mùa Chay, chúng ta đã cùng Đức Giêsu tiến vào hoang địa, để nhận diện rõ bộ mặt của tên cám dỗ. Và cũng chính nơi hoang địa, chúng ta cũng đã chứng kiến cuộc chiến thắng vẻ vang của Đức Giêsu trước các mưu mô của ma quỷ. Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ bằng chính Lời của Thiên Chúa. Hay nói một cách khác, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ, bởi Ngài đã chọn Thánh Ý Chúa Cha làm cùng đích cuộc đời của mình.
Tiếp tục ý tưởng đó, Lời Chúa hôm nay cho thấy, con đường của Thiên Chúa là con đường của sự từ bỏ tận căn con người cũ của mình. Do đó, để đi trọn con đường này, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một đức tin thật mạnh mẽ, một đức tin dám đặt trọn cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, dám “đi mà không biết mình đi đâu” như tổ phụ Abraham.
1. THẬP GIÁ, CON ĐƯỜNG TỪ BỎ :
Đáp lại tiếng Chúa gọi, tổ phụ Abraham đã từ bỏ quê hương, họ hàng, nghĩa là từ bỏ đi những gì là quen thuộc, gần gũi, từ bỏ cả những sự nâng đỡ tự nhiên. Thậm chí, ông còn được kêu gọi từ bỏ cả nhà cửa để đi đến miền đất mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Đây quả là một sự từ bỏ thật quyết liệt, vì đụng chạm đến chính bản thân của mình. Nó đòi chúng ta ra khỏi “pháo đài” của chính mình, ra khỏi “tổ kén” yên ổn của mình, từ bỏ cách suy nghĩ, cách lý luận của mình, để bắt đầu một cuộc sống mới theo sự dẫn dắt của Lời Chúa. Người được Thiên Chúa gọi từ đây không còn sống theo ý mình, nhưng phải luôn luôn tìm và sống theo Thánh Ý của Thiên Chúa, cụ thể là sống theo giáo huấn của Đức Giêsu Kitô như chúng ta vừa nghe Chúa Cha phán dạy trong bài Tin mừng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. 
Từ đây, người môn đệ vẫn tiếp tục sống và hoạt động, nhưng không còn cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn cậy dựa vào ơn Chúa, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô trong bài đọc hai, chúng ta hoạt động “nhờ quyền lực của Thiên Chúa, Đấng đã giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người”. 
Để có thể đi đến miền đất mà Thiên Chúa đã hứa, vị tổ phụ của chúng ta đã “từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa”. Như thế, từ bỏ cái cũ, những cái tiêu cực, chính là bước khởi đầu, và là điều kiện tiên quyết để có thể đón nhận những cái mới. Tuy nhiên, sự từ bỏ này tự nó, không phải là điều dễ dàng, vì sẽ gây ra cho chúng ta biết bao sự mất mát và đau đớn. Do đó, để hoàn tất cuộc từ bỏ, lột xác này, mỗi người chúng ta còn cần có một đức tin thật vững mạnh.
2. CON ĐƯỜNG CỦA ĐỨC TIN :
Trở lại với trình thuật về ơn gọi của tổ phụ Abraham. Chúa đã gọi tổ phụ Abraham “từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa” để đi đến xứ mà Ngài sẽ chỉ cho. Nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, Abraham đã ra đi, cho dù không biết là mình sẽ đi đâu, tương lai của bản thân mình, gia đình mình sẽ như thế nào. Nhưng cho dù có xảy ra điều gì đi nữa, cho dù trước mắt tương lai có mịt mờ, thì Abraham vẫn “ra đi như lời Thiên Chúa phán dạy”. Tổ phụ Abraham đã ra đi không phải vì ông đã nắm chắc tương lai, nhưng ông đã bước đi trong niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Chính vì thế, ông đã được gọi là “Cha của những kẻ tin”. Và quả thật, vị tổ phụ của chúng ta đã không phải thất vọng khi đặt niềm tin của mình nơi Thiên Chúa. Sau này, dòng dõi của ông đã nên đông đúc, và Đấng Cứu Thế muôn dân hằng mong đợi cũng đã được sinh ra từ nơi dòng dõi của ông. Tổ phụ Abraham đã đi trọn hành trình đức tin của mình, cho dù đó là một hành trình vô định, đầy những bấp bênh, chính vì thế ông đã xứng đáng nhận được vinh dự là tổ phụ của Con Thiên Chúa nhập thể làm người. 
Việc ra đi trong bấp bênh, bước đi trong đêm tối của tổ phụ Abraham, chính là hình ảnh báo trước con đường thập giá mà Đức Giêsu sẽ đi. Hành trình thập giá cũng chính là một hành trình trong đức tin, bởi lẽ hành trình thập giá đòi những ai bước đi trên đó phải hy sinh, và đi trong đêm tối, ngược với những suy nghĩ tự nhiên của con người. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, thập giá vẫn luôn là một điều ô nhục, điên rồ, trước mắt mọi người (x. 1 Cr 1, 18. 23). 
Trong bài Tin mừng, thánh sử thuật lại việc biến hình của Đức Giêsu trên núi. Lúc đó, “mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết”, với việc biến hình này, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy trước vinh quang thật sự của Ngài. Một vinh quang vượt ngoài trí tưởng tượng của các ông. Một vinh quang rực rỡ mà chỉ cần nhìn thấy cũng đủ làm cho các ông choáng ngợp trong hạnh phúc, đến nỗi Phêrô đã phải kêu lên: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisen, và một cho Êlia”. Phêrô và các môn đệ muốn ở lại luôn trên núi để hưởng nguồn hạnh phúc mà các ông chưa từng được hưởng.
Thế nhưng, ngay lúc đó, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các ông: “Các con không đựơc nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Nghĩa là nếu các môn đệ muốn được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa, thì giờ đây, các ông phải “xuống núi”, nghĩa là các ông phải sẵn sàng theo chân Đức Giêsu để bước đi trong niềm tin cho tới tận đỉnh đồi Canvê, và “cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
Tóm lại, con đường thập giá không chỉ là con đường đức tin đi trong đêm tối, nhưng thập giá còn là con đường của sự từ bỏ, một sự từ bỏ trọn vẹn cho đến cùng con người cũ của mình, để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô.
3. CHÚNG TA HÔM NAY :
Tổ phụ Abaraham đã sẵn sàng từ bỏ tất cả, can đảm dấn bước trong niềm tin và đã trở nên mẫu gương cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, chỉ nguyên một việc nhìn ngắm mẫu gương của tổ phụ Abraham sẽ không đem lại lợi ích gì cho chúng ta, nếu chúng ta không dám sống như ngài.
Bước vào Mùa Chay năm nay, theo gương của tổ phụ Abraham, mỗi người chúng ta hãy cố gắng từ bỏ đi một thói hư, tật xấu nào đó: đó có thể là sự lười biếng, tính tự ái, thói quen nhậu nhẹt, bài bạc, chửi thề, nói hành, nói xấu, cố chấp, ương bướng… Việc từ bỏ này không phải là dễ dàng thực hiện, vì con người chúng ta rất yếu đuối, nhưng nếu chúng ta biết đặt trọn niềm tin, và hết lòng cậy dựa vào ơn Chúa, tôi tin chắc, tất cả chúng ta sẽ thực hiện được.
Cùng với việc từ bỏ là lên đường. Chớ gì trong Năm Thánh Thể này, mỗi người chúng ta cũng hãy có một quyết tâm tham dự Thánh lễ và hiệp lễ mỗi ngày, khi có thể. Và nhất là quyết tâm hiệp dâng Thánh Lễ ngày Chúa Nhật thật đầy đủ, trọn vẹn. Nhờ đó, vào ngày Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng ta trở lại, tất cả chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài muôn đời. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn


SỐNG ĐỨC TIN

(Mt 17, 1-9)
Trong khi dân chúng còn thắc mắc về Chúa Giêsu, mỗi người nghĩ về Ngài một cách, thì ông Phêrô đã thay mặt nhóm môn đệ thân tín của Chúa tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Lời tuyên xưng này là thành quả của giai đoạn huấn luyện của Chúa. Được theo sát bên Chúa, được chứng kiến mọi hoạt động của Chúa, lại được Chúa dạy dỗ riêng nhiều điều, các môn đệ được dẫn dắt từng bước để nhận ra Chúa Giêsu là ai. Nhưng cho đến lúc này các ông mới chỉ thấy quyền năng của Chúa, còn con đường Ngài phải đi thì các ông chưa biết, Chúa Giêsu muốn các ông phải chấp nhận toàn thể sứ mạng và thân phận của Ngài. Vì thế, khi ông Phêrô vừa tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô, Ngài liền nói đến việc Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị xỉ nhục và phải chết rồi sống lại. Sau đó Ngài rời miền Galilê tiến lên Giêrusalem. Nhưng trước khi đi lên Giêrusalem, Ngài còn cho các ông được thấy vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào chân dung thật của Ngài, mà chúng ta thường gọi là Chúa biến hình.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã đem theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Ta-bo, đang lúc cầu nguyện, Chúa biến hình : sắc diện Ngài biến đổi và có một dung mạo khác thường, nghĩa là Chúa tỏa lộ một ánh sáng đặc biệt cho các môn đệ thấy chính Ngài là ai, là “vinh quang của Thiên Chúa”, là “Chúa vinh quang”. Trước đây, các môn đệ sống bên Chúa, đã hiểu phần nào về con người của Chúa, nhưng hôm nay nơi núi biến hình, các ông mới đích thực cung chiêm uy linh vinh quang của Chúa. 
Trong lúc Chúa biến hình có hai người đàm đạo với Chúa, đó là ông Môsê và Elia. Đàm đạo về cuộc khổ nạn mà Chúa sắp trải qua ở Giêrusalem, còn ông Phêrô và các bạn thì ngây ngất trong ánh sáng siêu linh ấy, nhưng giữa lúc đó có một đám mây bay đến phủ rợp các ngài, rồi mất hút hai vị đại ngôn sứ, và mọi sự trở lại bình thường.
Quang cảnh trên cho chúng ta thấy có ánh sáng rồi có bóng mây. Đời là thế. Có vinh quang có đau khổ, có vinh có nhục, có buồn vui đắp đổi, có khóc có cười, có nước trời có trần gian, có vàng thau lẫn lộn…Vì thế, ngay trong vinh quang của Ta-bo, Chúa đã đàm đạo với các ngôn sứ về cuộc khổ nạn của Ngài để nhắc nhở và củng cố đức tin của thánh Phêrô và các tông đồ, để giúp họ đứng vững giữa những thử thách và trung thành với sứ mệnh nặng nề của ngày mai. Thánh Phêrô, trong một khoảnh khắc thời gian, được sống trong hai thế giới : trần gian và thiên đàng. Và khi được cung chiêm hạnh phúc nước trời, ngài đã sung sướng quá và thốt lên : “Lạy Thầy, được ở lại đây thì tốt quá”. Nhưng rồi bóng mây bao phủ trên họ, và họ phải xuống núi, trở về với nhiệm vụ của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng ghi nhớ, nhưng chúng ta đặc biệt ghi nhớ câu nói của thánh Phêrô trên đây và hình ảnh đám mây bao phủ trên các tông đồ lúc ấy làm bài học cho chúng ta. Chúng ta thấy đó, thánh Phêrô đã thốt lên như thế khi được thấy hạnh phúc nước trời ngay tại thế, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi rồi họ lại trở về với cuộc sống cam go và nhiệm vụ nặng nề của mình. Lời nói của thánh Phêrô được coi là niềm vui, đám mây tượng trưng cho nỗi buồn. 
Chúng ta cũng vậy, có lẽ trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được một số những an ủi, niềm vui, phước lộc. Nhưng chúng ta cần nhớ : bao lâu còn sống ở trần gian, niềm vui nào cũng mau qua, như người ta vẫn nói : Vui qua sầu tới. Cho nên, chúng ta cần phải có một thái độ đúng trước niềm vui, là đừng bao giờ chỉ biết có niềm vui của riêng mình, nhưng phải biết giới hạn và san sẻ niềm vui đó, và đừng bao giờ để cho niềm vui của mình trở nên đau khổ cho người khác, vì khi chúng ta vui thì còn nhiều người khác đang buồn. Cũng đừng bao giờ say sưa trong niềm vui mà quên bổn phận hay nhiệm vụ của mình. Lúc có niềm vui thì hãy nhớ tới lúc hết niềm vui. Nếu chúng ta có thái độ đúng đắn như thế, chúng ta sẽ không còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước thuận cảnh hay nghịch cảnh, trước niềm vui hay nỗi buồn. Ngược lại, khi chúng ta không có được niềm vui như người khác, thì chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng, chán nản, buông xuôi. 
Vì thế, chúng ta phải làm chủ được cuộc đời mình, là cuộc đời được đan dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta hãy sống với hoàn cảnh thực tại của mình, chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ hằng ngày của mình, chúng ta hãy lấy nhiệm vụ làm nguồn vui, chúng ta chỉ có quyền hưởng niềm vui khi đã làm xong nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào cũng là gánh nặng, nhưng gánh nặng được chúng ta hoàn thành lại trở nên niềm vui cho chúng ta. Đó là bài học Chúa dạy các tông đồ xưa kia và dạy chúng ta hôm nay : “Qua đau khổ sẽ tới vinh quang”, sau cơn mưa, trời lại sáng.
 
Nguồn : gxta

home Mục lục Lưu trữ