Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1367469

CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP

CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP-  Lm. Micae Võ Thành Nhân

Đây là lần thứ hai Chúa cho các tông đồ biết về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa: “ Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại “.

Các tông đồ không hiểu lời đó vì các ngài đang tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nước của Chúa. Các ngài tranh luận với những lý lẽ của riêng mình để tìm ra ai là người được diễm phúc này. Có lẽ người nào cũng ham muốn được làm lớn, ham muốn được ngồi bên hữu, bên tả Chúa, cho nên chẳng nhường nhịn nhau.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều lúc chúng ta cũng giống các tông đồ năm xưa, vì chén cơm manh áo, vì chiếc ghế quyền lực, vì một vài tấc đất, vì một vài đồng tiền, vì một chút sản nghiệp thừa kế …., mà chúng ta tranh giành nhau, làm mất hết tình nghĩa để rồi coi nhau như kẻ thù, đôi khi còn chém giết nhau gây ra án mạng, người thì thiệt mạng, người thì tật nguyền suốt đời, người thì bị vướng vào vòng lao lý tù đày.

Thánh Giacôbê tông đồ trong bài đọc hai hôm nay, ngài cho chúng ta thấy nguyên nhân và hậu quả của những việc tranh chấp hơn thua là do những đam mê đang giao chiến trong chi thể chúng ta. Một cách cụ thể:

-Ham muốn mà không được hưởng nên giết nhau.

-Ganh tỵ mà không được mãn nguyện nên cạnh tranh và cãi cọ.

Hậu quả của nó là hỗn độn và đủ mọi thứ tệ đoan.

Vì ai cùng muốn làm lớn, cho nên các tông đồ không đồng cảm, sẻ chia khi Chúa nói về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Dường như các ngài thấy rõ các ngài “ Đồng sàng dị mộng “ với Chúa, cho nên các ngài sợ Chúa không dám hỏi Chúa về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, và còn làm thinh không dám trả lời khi Chúa hỏi: “ Dọc đường các con tranh luận gì thế “.

Chúa dạy các ngài: “ Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “. Chúa đưa một em bé lại để làm gương cho bài học này, đó là hãy hạ mình xuống, sống khiêm nhường, phục vụ, tiếp đón người anh chị em của mình vì danh Chúa, mà tiếp đón anh chị em mình là tiếp đón chính Chúa, và tiếp đón Chúa là tiếp đón Đấng đã sai Chúa.

Qua đó, Chúa cũng dạy chúng ta giống như các ngài và Chúa còn dạy thêm chúng ta một điều nữa là để tránh ganh tỵ hơn thua nhau, chúng ta phải sống khiêm nhường, đơn sơ, trong trắng, ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ, không xét đoán thiên vị, không giả dối, luôn hân hoan phục vụ và lo xây dựng cuộc sống cho mình và mọi người trong bình an và thắm được tình yêu của Chúa ( Bđ II ).

Lạy Chúa, Chúa chịu chết vì chúng con mà chúng con lại sống quá nhỏ nhen, ích kỷ với nhau. Chúng con chỉ muốn hơn người khác chứ chẳng muốn người khác hơn mình. Xin Chúa cho chúng con biết sống khiêm nhường, yêu thương, phục vụ, biết dùng đôi chân của chúng con để đến với tha nhân và dùng đôi tay để giúp đỡ mọi người. Làm như vậy là chúng con nơi gương Chúa, vì như Chúa đã nói: “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người “ ( Mt 20, 28 ). Amen.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- B

CON ĐƯỜNG ĐƯA TỚI VINH QUANG- Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Muốn tỏ ra mình là người có giá trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng định mình là một nhu cầu hết sức quan trọng của con người và nhu cầu này được biểu hiện bằng nhiều hình thức trong cuộc sống.

Thời Chúa Giê-su, các vị kinh sư và các người biệt phái tự khẳng định mình bằng cách “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mt 23, 5-7).

Ngay cả các môn đệ Chúa Giê-su cũng hay tranh luận với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất. Điều nầy đã được ghi lại nhiều lần trong Tin Mừng (Mc 9, 33-34; Lc 9, 46; Mt 18,1; Lc 22, 24).

Có lần, hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giê-su cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh. Bấy giờ, mười môn đệ kia tỏ ra bất bình với Gioan và Giacôbê vì anh em nhà nầy muốn giành trước hai chiếc ghế mà họ đang mơ ước (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).

Khát vọng của con người là thế đó. Ai cũng muốn nổi bật, ai cũng muốn vươn cao; không ai muốn bị lu mờ. Nói chung, ai cũng muốn làm gia tăng giá trị của mình.

Đây là một khao khát rất tự nhiên. Chính Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người khát vọng đó để thúc đẩy họ vươn lên thành những người cao cả. Chúa Giê-su cũng kêu gọi các môn đệ vươn tới đỉnh trọn lành: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5, 48)

Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự?

Có người cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm thân xác. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì “tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.”

Có người tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng của cải vàng bạc, nhưng thực ra, “giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu.”

Có người trau dồi và phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên. 

Còn Chúa Giê-su, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho họ một cách để trở thành cao cả thực sự. Đó là “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Lời dạy của Chúa Giê-su xem ra trái nghịch với suy nghĩ của người đời. Thông thường, muốn làm lớn thì phải tôn mình lên để thống trị người khác; đằng nầy Chúa Giê-su dạy phải hạ mình xuống làm tôi tớ hầu hạ mọi người. Thật thế ư?

Ngày 5 tháng 9 năm 1997, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa khi hay tin Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu già nua, thấp bé, nghèo nàn, không chút nhan sắc… qua đời tại Calcutta, Ấn-độ ở tuổi 87. Nhà Nước Ấn-độ, một quốc gia phần đông theo Ấn-độ-giáo, đã long trọng tổ chức quốc táng cho Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu công giáo khiêm tốn bình dị, người gốc An-ba-ni! Hơn triệu người dân Ấn-độ tuôn ra đường để tiễn đưa Mẹ Tê-rê-xa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là điều không tưởng tượng nổi.

Tại sao Mẹ Tê-rê-xa lại được vinh dự lớn lao như thế?

Vì Mẹ đã thực hành đến mức hoàn hảo điều mà Chúa Giê-su truyền dạy cho các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay. Đó là hạ mình làm tôi tớ hầu hạ phục dịch những con người khốn khổ nhất thế gian với lòng yêu thương vô hạn.

Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng giáo huấn của Chúa Giê-su là xác đáng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).

Như thế, phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ chính là con đường đưa tới vinh quang.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con tỉnh táo nhận ra rằng giá trị con người không tuỳ thuộc vào những thứ “phụ tùng” mà người ta khoác vào thân như các loại y phục hợp thời trang hay các đồ trang sức xa hoa, đắt giá; giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào của cải, bạc vàng châu báu hay địa vị công danh… nhưng cốt yếu là tuỳ vào đức hạnh, vào phẩm chất cao đẹp của mỗi người.

Xin dạy chúng con biết làm gia tăng giá trị bản thân bằng cách hiến thân hy sinh phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- B

HÌNH THÀNH CHÍNH MÌNH QUA CHỌN LỰA- Lm. Giuse Phạm Thanh liêm SJ

Kẻ ác người lành, khác nhau một trời một vực, nhưng lành dữ là do quyết định chọn lựa của mỗi người. Chọn Thiên Chúa là chọn tha nhân và chính mình; chỉ chọn mình là hủy hoại tất cả.

I/.Người công chính bị kẻ dữ ám hại

Sách Khôn Ngoan cho biết những người không tôn thờ Thiên Chúa tìm mưu bày kế hãm hại người công chính, vì người công chính chống lại cách sống của họ, khiển trách họ vi phạm lề luật, tố cáo họ gian dối kiếm lời. Cách sống của người không tôn thờ Thiên Chúa, đã không đặt Chân Thiện Mỹ làm tiêu chuẩn sống. Tiêu chuẩn sống của người không tôn thờ Thiên Chúa là lợi ích cho chính họ; họ không tôn trọng người khác và quyền lợi của những người này, thậm chí cả của những người thân. Những người không sống theo Chân Thiện Mỹ là những người ích kỷ: chỉ nghĩ đến họ, đến quyền lợi của họ.

Tiên tri Yêrêmia là người đã bị những người không thật sự tôn thờ Thiên Chúa thời đó hãm hại, vì tiên tri nói những gì Thiên Chúa đã truyền cho ông nói. Và vì nói những gì không hợp với ý muốn của những người lãnh đạo thời đó, nên tiên tri đã bị người ta ghét và muốn loại trừ ngài khỏi đất của kẻ sống. Tiên tri đã run sợ, và đã bỏ cuộc; nhưng Thiên Chúa đã giúp tiên tri trở lại với Ngài, và Thiên Chúa lại dùng tiên tri để nói cho dân ý định của Thiên Chúa.

Trong lịch sử nhân loại, bao nhiêu người lành bị kẻ dữ ghen ghét và hãm hại. Điều này đã xảy ra và sẽ còn xảy ra. Khi người ta sống theo đường ngay nẻo chính, khi người ta tôn trọng sự thật, tôn thờ Chân Thiện Mỹ, thì người ta tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng tha nhân và quyền lợi của họ; lúc đó, con người được bình an sâu thẩm trong tâm hồn, thế giới sống trong hòa bình, người người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương trợ; con người sống hạnh phúc. Nhược bằng nếu con người đặt mình và quyền lợi của mình trên tất cả, nếu người ta không sống theo Chân Thiện Mỹ, không tôn trọng người khác và quyền lợi của tha nhân, thì thế giới sẽ sống trong hỗn loạn; chiến tranh sẽ nổ ra để người ta giành giựt quyền lợi; chết chóc sẽ lan tràn; con người không bình an và hạnh phúc.

II/.Đức Yêsu loan báo ba lần Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết

Đức Yêsu đã dạy con người những điều tốt lành, đã làm nhiều phép lạ để chữa bao người đau ốm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ghét Ngài, đặc biệt là những người có chức có quyền, bởi vì Ngài không đồng ý với suy nghĩ, cách sống, và cách hành xử của họ. Đức Yêsu mới chỉ đi rao giảng được ba năm, nhưng người ta đã ghét Ngài đến độ muốn loại Ngài khỏi đất kẻ sống.

Đức Yêsu báo cho các tông đồ biết Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại.Chính cách sống, cách hành xử, lời nói của Ngài đã làm một số người quyền thế ghét Ngài và muốn giết Ngài. Đức Yêsu biết điều này; Ngài biết Ngài khó có thể tránh cái chết vì những người ghen ghét muốn giết Ngài. Tuy nhiên Ngài tin rằng Thiên Chúa sẽ phục sinh Ngài, vì Thiên Chúa là Đấng Công Bình. Đức Yêsu tin điều đó là sự thật, nên Ngài đã báo cho các tông đồ biết điều này.

Đức Yêsu đã sống thân phận con người cho đến cùng. Ngài phải chết như bao con người. Là người, nghĩa là có thể bị những bất công, những sự dữ mà người khác gây ra cho mình. Đức Yêsu đã chấp nhận tất cả những cách đối xử bất công của con người thời đó đối với Ngài. Những gì con người gặp trong cuộc sống, chính Đức Yêsu cũng đã gặp. Cách hành xử khi gặp sự dữ của Đức Yêsu, trở thành mẫu mực hành xử cho tất cả mọi người.

III/.Sự dữ từ lòng con người

Tại sao người ta muốn tru diệt người khác? Vì người đó làm nguy hại đến họ hay người khác, nhất là vi phạm đến quyền lợi của họ, đến tính “nhất” của họ. Ai cũng muốn mình là nhất, là người trổi trang và có quyền hành; nếu người khác có ảnh hưởng và người ta thấy uy quyền của họ bị đe dọa, thì người ta có khuynh hướng hủy diệt đối thủ cạnh tranh của mình. Đức Yêsu đã giảng dạy như một người có uy quyền; Ngài không phục tùng uy quyền của họ; Ngài phê bình cách sống quá nệ vào hình thức của họ; Ngài muốn dân chúng đến với Thiên Chúa bằng tất cả con người, chứ không chỉ là giữ một vài hình thức. Chính vì vậy những người có quyền đương thời đã quyết định giết Đức Yêsu.

Các tông đồ cũng là những người muốn có địa vị và quyền thống trị trên người khác. Các ngài khi được Thầy báo tin sẽ bị bắt bị giết, thì các ngài đã vội tranh cãi xem ai sẽ là người lớn nhất giữa họ. Đáng lẽ khi được báo tin thầy sẽ gặp cảnh tang thương như vậy, thì các ông phải buồn sầu, và phải quan tâm đến số phận của thầy; đằng này các ông lại tranh nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Yêsu đã phải dạy các tông đồ bằng việc đặt một em bé ở giữa các ông, cho các ông biết ai đón tiếp một em bé là đón tiếp Ngài, ai muốn là đầu thì phải là người chót hết, là người phục vụ người khác. Và khi các ông vẫn chưa hiểu bài học Đức Yêsu dạy, thì Đức Yêsu đã phải rửa chân cho các ông để dạy các ông bài học phục vụ và khiêm tốn.

Từ các tông đồ đến các vị lãnh đạo dân Do Thái, tất cả đều có khuynh hướng muốn trổi trang, muốn có quyền hành; tuy nhiên mỗi người ra sao, thành người như thế nào là tùy chọn lựa của mỗi người. Khuynh hướng, như những cám dỗ, không là yếu tố quyết định hình thành nên con người; chính những chọn lựa mới làm nên chân tính của mỗi người. Nếu tôi luôn tôn thờ Thiên Chúa, nếu tôi luôn sống theo đường ngay lẽ phải, nếu tôi luôn theo những gì là chân thiện mỹ, nếu tôi luôn vâng phục lương tâm làm lành lánh dữ, thì tôi sẽ tôn trọng tha nhân và quyền lợi của họ, thì tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, quan tâm đến nỗi khổ của họ, thông cảm với những lo toan của họ, thì tôi sẽ là người tuyệt vời. Chính hành vi chọn lựa của tôi, làm tôi là người như thế nào.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1/.Theo kinh nghiệm, hành vi nào hủy hoại nhân cách của bạn nhất? Xin giải thích.

2/.Theo kinh nghiệm, hành vi làm tăng giá trị của bạn nhất? Xin chia sẻ.

3/.Lý tưởng của bạn là gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào?

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- B

CUỘC KHỔ NẠN VÀ TINH THẦN PHỤC VỤ- Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

Ơn cứu độ là ân huệ cao quý nhất mà Thiên Chúa ưu ái tặng ban cho nhân loại. Ngài tặng ban bằng chính sự hạ mình yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu, Con Một Ngài. Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay mời gọi Kitô hữu cũng sống đời sống phục vụ, là cách thức thông phần vào cuộc Thương khó tử nạn của Chúa Giêsu.

KHÁM PHÁ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG: Mc 9,30-37.

Bản văn Tin mừng Chúa nhật hôm nay bao gồm lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn và phần đầu của một diễn từ kéo dài cho đến Mc 9,50, thâu tập các lời dạy của Chúa Giêsu về nhiều vấn đề từ tinh thần phục vụ, việc đón tiếp, sự hiệp nhất giữa những người cùng tin vào Chúa cho đến đời sống bác ái và làm gương sáng.

1/.Lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn: Lời loan báo này có điểm đặc biệt khác với lời loan báo đầu ở câu “bị nộp vào tay người ta”. Thành ngữ “bị nộp” không xa lạ gì với Kinh thánh. Chúng ta bắt gặp từ ngữ này trong Thánh vịnh nói về nỗi khổ đau của người công chính kêu cầu được giải thoát khỏi tay kẻ bạo tàn (Tv 71,4 ; 140,5) ; trong Đaniel 7,25, nơi các Đấng Thánh của Chúa bị nộp vào tay vị Vua bách hại Antiôkô Êpiphan. Do đó, câu này mạc khải khía cạnh quan trọng của cuộc Thương khó và Tử nạn của Chúa Giêsu: Người thâu tóm và hoàn tất trọn vẹn mọi nỗi khổ đau của người công chính, sự bách hại các Tiên tri phải chịu và cái chết của các vị Tử đạo cùng với mọi nỗi khổ khác của đời người. Khi loan báo về cuộc khổ nạn như thế, Chúa Giêsu cho thấy cuộc khổ nạn của Người là biến cố trung tâm, đỉnh cao của công trình cứu độ.

2/.Tinh thần phục vụ: Máccô trình bày khá độc đáo cuộc tranh luận của các môn đệ xem ai là người lớn nhất trong số họ. Cuộc tranh luận này có lẽ là dư âm của nhiều vấn đề trong cộng đoàn sơ khai về chức tước, địa vị của các Tông đồ (1Cr 1-4 ; Cv: Những đoạn về Phêrô và Gioan). Để giải quyết cuộc tranh luận này Chúa Giêsu không đề cập trực tiếp ai là người lớn nhất, nhưng Người khẳng định một chân lý, một nguyên tắc: “Ai muốn làm người lớn nhất thì tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Với Chúa Giêsu, sự lớn lao đích thực hê tại việc trở nên người tôi tớ phục vụ người khác. Mọi quyền bính đều nhắm mục đích phục vụ, nói cách khác, quyền bính chỉ có thể đến, danh vọng chỉ có thể có khi người ta biết tự hạ mình phục vụ anh chị em mình. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện trọn hảo điều này và Người cũng đã khẳng định: Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ.

3/.Thái độ đón tiếp: Sự kiện Chúa Giêsu bồng một em bé đặt giữa các môn đệ và kêu gọi sự đón tiếp có lẽ không liền lạc với văn mạnh cũng như bối cảnh của đoạn trước. Dầu không liên lạc gì với phần trước nhưng cũng có giá trị mạc khải lớn lao. Sự lưu tâm của Chúa Giêsu đối với trẻ em là một nét đặc biệt nơi Người. Với xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, trẻ em không được coi trọng, chúng không đáng kể, không đáng được lưu tâm trước mắt người lớn. Nói chung trẻ em cũng như những người thu thuế, gái điếm… là đại diện của tầng lớp bị bỏ rơi, bị chà đạp, bị khinh miệt. Do đó, việc Chúa Giêsu tiếp nhận trẻ em và mời gọi các môn đệ cũng tiếp đón chúng, và xa hơn nữa Người khẳng định ai đón tiếp chúng là đón tiếp Người, đón tiếp chính Đấng đã sai Người là Chúa Cha, đó là một mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu không thiên tư, thiên vị, một tình yêu nhưng không dành cho tất cả mọi người.

II/.CHIÊM NGẮM CHÚA GIÊSU:

Tin mừng hôm nay tiếp tục phác họa chân dung Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Người cứu độ nhân loại bằng cuộc Thương khó, Tử nạn là trung tâm, là đỉnh cao công trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngay chính trong hành trình tiến tới cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu qua lời giảng dạy, qua tình yêu dành cho trẻ em, cho những người bị bỏ rơi và cho những người tội lỗi còn cho thấy: Người đến là để phục vụ nhân loại này. Phục vụ bằng tất cả tình yêu dâng hiến của mình. Theo Người cũng đòi hỏi phải mang lấy tinh thần khiêm nhu phục vụ. Vác thập giá mình theo Người được cụ thể hóa bằng đời sống hy sinh phục vụ anh chị em.

III/. GỢI Ý BÀI GIẢNG:

1/.Khổ nạn và phục vụ:

Tin mừng hôm nay cho thấy có sự liên kết chặt chẽ giữa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và lời mời gọi trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Chúa Giêsu đã sống trọn hảo tinh thần tự hạ phục vụ này. Người là Chúa nhưng đã hạ mình làm người để chia sẻ mọi nỗi khốn cùng của kiếp người, đồng cam cộng khổ với mọi người qua hành trình rao giảng Tin mừng, yêu thương chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ… Tất cả đều nhằm lợi ích cho tha nhân, phục vụ sự sống của mọi người. Đỉnh cao của tinh thần phục vụ nơi Người đó là sẵn sàng hiến thân chết để cho nhân loại được sống và sống dồi dào. Kitô hữu, môn đệ của Người cũng được mời gọi phải mang lấy tinh thần phục vụ của Người. Phải tự trở nên người đầy tớ phục vụ anh chị em mình. Đây chính là một nghịch lý cho đời Kitô hữu. Chấp nhận sống nghịch lý ấy đó chính là thái độ chấp nhận vác thập giá theo Thầy Chí Thánh của mình.

2/.Quyền bính đến từ sự phục vụ:

Điều làm nên sự vĩ đại, tạo nên uy tín cho Giáo hội và cho mỗi Kitô hữu chính là đời sống phục vụ. Mọi quyền bính trong Giáo hội được trao ban chính là nhắm mục đích phục vụ, chứ không phải để thống trị. Lời Chúa Giêsu dạy: “Ai muốn làm người lớn nhất thì tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” đã minh nhiên khẳng định phục vụ chính là con đường đưa tới danh vọng, uy quyền thực sự. Kitô hữu không đi tìm danh vọng, quyền chức trần thế, nhưng đi tìm con người và môi trường để phục vụ. Yêu thương, hy sinh, chia sẻ, bác ái, khoan dung, tha thứ… luôn là những việc phải làm của các Kitô hữu, những đầy tớ của anh chị em mình. q

IV/.LỜI CẦU CHUNG:

Mở đầu: Anh chị em thân mến. Chúa Giêsu được sai đến trần gian để phục vụ sự sống nhân loại chúng ta bằng con đường Thương khó, Tử nạn. Người đã dâng hiến chính mình để phục vụ chúng ta. Trong tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

1/.Giáo hội được mời gọi hãy trở nên rốt hết và làm đầy tớ mọi người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Giáo hội, đặc biệt các bậc chủ chăn luôn hết mình yêu thương hy sinh phục vụ dân Chúa và lợi ích của cộng đồng nhân loại.

2/.“Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” câu hỏi của Chúa dành cho các môn đệ ngày xưa cũng đang là câu hỏi cho con người và thế giới hôm nay. Ngày nay biết bao quốc gia, thế lực, con người đang muốn củng cố danh vị và quyền lực của mình bằng bạo lực chiến tranh, bằng sức mạnh đồng tiền và nhiều cách bất chính khác. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, những công bộc, đầy tớ của nhân dân biết quên mình phục vụ đời sống tự do, công bình và tình thương của dân nước.

3/.“Ai đón tiếp một trong những trẻ nhỏ này là đón tiếp chính Thầy”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết sống tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu bằng lòng bao dung, yêu thương đón nhận giúp đỡ những anh chị em nghèo khổ, bất hạnh chung quanh.

*Lời kếtLạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để hy sinh phục vụ đến độ chấp nhận chết cho chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con, những môn đệ của Chúa cũng được như Chúa sống đời sống yêu thương phục vụ tha nhân, để xây dựng xã hội chúng con ngày càng có hòa bình, tự do và công lý. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

 CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- B

LÀM TÔI TỚ- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Trong phim truyện Tây Du Ký, vai trò nổi bật nhất là Ngộ Không. Ngộ Không bá chủ loài khỉ, chưa đủ, anh học 78 phép biến hóa, rồi đi thống trị các lân bang. Vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh: Tề Thiên là bằng Trời, Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết Ngộ ngạo mạn quá trớn phong cho Ngộ làm mã quan, Ngộ hý hửng tưởng bở, nhưng khi bị sai đi chăn ngựa, Ngộ mới hiểu mã quan là quan coi ngựa, Ngộ bực tức vì ngu mà mắc bẫy. Ngộ giận dữ phá phách, bị đại tướng nhà trời đánh đuổi rơi xuống đất bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm để thấy mình bất lực mà ăn năn cải thiện. Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn đi tìm chân lý. Khi Ngộ bất mãn, bất phục lệnh, Ngộ lại bị cái vòng kim cô xiết vào đầu làm Ngộ Không nhức óc kêu la thảm thiết. Khi biết tuân lệnh quay về đường phục vụ, thì Ngộ được lành mạnh, tài giỏi. Nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã tìm được chân lý và hạnh phúc, và giúp cho cả đoàn tới được chân lý. Phim truyện có hai màn đối nghịch nhau:

Màn đầu: diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không.

Màn sau: diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không.

Lời Chúa hôm nay cũng diễn tả một vở kịch có hai cảnh mâu thuẫn nhau: một cảnh phục vụ, một cảnh tranh chấp.

Sau lời tuyên bố khai mạc của Đức Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau Người sẽ sống lại”. Các môn đệ không hiểu lời tuyên bố đó, cũng chẳng hỏi xem Thầy muốn nói gì. Các ông cứ diễn đại cái màn kịch theo sở thích của mình. Ông nào cũng say sưa nhiệt liệt tranh giành cho mình được địa vị cao, lớn nhất, danh vọng nhất, vĩ đại nhất. Có lúc các ông cãi nhau to tiếng đến độ gây cấn mà cứ tưởng Thầy lủi thủi đi ở xa không biết. Khi vào tới nhà, ngồi bình tĩnh đàng hoàng, Thầy mới gọi các ông lại hỏi: Dọc đường các con tranh luận gì thế. Các ông cúi đầu làm thinh không dám trả lời, vì các ông đã tranh nhau quá lố về địa vị cá nhân, mong được chức quyền danh vọng vinh hoa, phú quý trong nước Thầy sắp thành lập.

Các màn kịch tranh giành quyền bính này đã diễn ra xưa hơn trái đất. Lúc mới dựng nên loài thiên thần, Luxiphe đã tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng tống Luxiphe xuống làm bá chủ hỏa ngục. Ađam Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ khỏi vườn địa đàng, đến làm vua trái đất khô cằn cực khổ và chết chóc.

Đến đời con cháu vẫn ngoan cố diễn lại màn kịch bi thảm, chém giết lẫn nhau để tranh bá đồ vương. Cả đến anh đánh dậm kéo tép như Mặc đăng Dung, khi có cơ hội, cũng dám giết vua Chiêu Tôn để chiếm ngôi vua, đến khi quân Minh bên Tầu kéo sang đánh, Đăng Dung khiếp sợ, tự trói mình ra hàng nhục nhã (năm 1537).

Chúa Giêsu phải chạy trốn cái cảnh làm vua tranh giành danh lợi nhơ bẩn của loài người, nhưng Người không chạy trốn sự hy sinh phục vụ con người như một tôi tớ đắc lực.

Người là Thiên Chúa cao cả, nhưng lại trở nên tôi tớ mọi người. Người đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa, nhận lấy thân phận tôi đòi (Phil. 2, 1). Làm tôi đòi với người thợ mộc làm thuê làm mướn. Khi rao giảng Tin mừng, Người hầu hạ chữa lành các bệnh nhân què, câm, điếc, mù, hủi, liệt, chết, Người không tự cao tự đại như một thầy dạy, hay một bác sĩ, mà chỉ khiêm tốn, hiền lành, âm thầm phục vụ như một tôi tớ bưng nước rửa chân cho môn đệ và mọi người. Chẳng những như tôi tớ mà còn như một nô lệ giơ mặt cho kẻ khạc nhổ, vả mắng, giật râu, phơi lưng cho kẻ đánh đòn, cúi mình xuống, vác thập giá, giang tay chân cho kẻ đóng đinh. Không một tôi tớ, không một nô lệ nào chịu cực khổ, cực hình như vậy, chỉ có Đức Giêsu, làm lớn nhất, đã trở nên bét nhất, như Người đã nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”. Kế đó, Người dắt một em nhỏ đặt giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này, vì danh Thầy, là tiếp đón Thầy … Tiếp đón một em nhỏ là tiếp đón kẻ hèn mọn, yếu đuối, vô danh, không có một chút quyền lực, không có một tấc đất nào. Mà ta lại làm tôi tớ phục vụ kẻ bé nhỏ đó, thì mới thật là môn đệ, là người tin theo Chúa, mới thực là người tôi tớ trung tín và khôn ngoan của Thầy và của Cha Thầy. Tôi tớ trung tín và khôn ngoan cần có tinh thần sau đây:

Một là không tranh giành địa vị, lợi lộc: Đức Giêsu đã đuổi satan đem bả vinh hoa của cải, địa vị cả thiên hạ đến cám dỗ Người. Người còn dạy: được lời lãi cả thế gian, mà mất mạng sống mình thì có ích gì? Người đã ngăn chận tức khắc thói ham danh lợi của môn đệ. Người đã dạy phải rửa chân cho nhau. Giuđa vì ham lợi mà mất mạng sống. Vì thế, tuy Phêrô đứng đầu Hội thánh, ông đã xin mọi người cầu nguyện để bầu một tông đồ thế cho Giuđa, các ông bầu chứ không tranh cử, cũng không dám tự ý đề cử hay ứng cử. Truyền thống này đã là kiểu mẫu bầu Giáo Hoàng, Giám mục cũng như Linh mục và giáo dân, loại bỏ mọi thói tranh giành địa vị lợi lộc.

Hai là hoàn toàn vâng lời: Không được tranh giành nhưng cũng không được từ chối, đó là tư cách của đầy tớ, khác với thế gian: có lợi thì tranh đấu cho được, có hại thì bỏ không dám hy sinh.

Đức Cha Lê hữu Từ đã kể lại trong Tuần giảng Tĩnh tâm cho Tiểu chủng viện Trung Linh, Bùi Chu năm 1952. Khi được sắc phong Giám mục, ngài run sợ, từ dòng Châu Sơn Thanh Hóa, đạp xe đạp cũ kỹ xuyên qua rừng núi hơn 400 km vào Huế, xin Đức Khâm sứ Tòa thánh ban cho được từ chức. Hầu hết các Đức Giáo hoàng và Giám mục đều muốn xin từ chức như vậy. Nhưng vẫn phải vâng theo ý Chúa như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong giờ hấp hối: “Lạy Cha, xin cất chén đắng này đi, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha”.

Ba là hoàn toàn trung tín với nhiệm vụ được trao phó. Từ Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục cũng như giáo dân đều phải lo chu toàn trách nhiệm: có trách nhiệm chung với mọi người, như phải sống công bình bác ái, tuân giữ giới răn Chúa, truyền giáo, rao giảng Tin mừng. Có trách nhiệm riêng theo chức phận mình, như nhiệm vụ Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ, quý Chức, cha mẹ, con cái, thầy dạy, học trò, công dân, tín hữu, làm vợ, làm chồng.

Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Giáo hội để tiếp tục công cuộc của Chúa phục vụ cứu độ con người, xin cho chúng con, dù ở địa vị nào, đều nhiệt tâm theo gương Chúa, trở thành những đầy tớ trung tín và khôn ngoan phục vụ mọi người.

Xin Chúa cải thiện các nhà cầm quyền trở nên chính quyền, biết chăm lo xây dựng xã hội tốt đẹp chứ không phải hạng tà quyền xảo quyệt, giành giựt danh lợi, vinh thân phì gia để khi chết, cho dòi bọ rúc rỉa thây ma.

home Mục lục Lưu trữ