Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 29

Tổng truy cập: 1376032

CON YÊU DẤU CỦA TA

Con Yêu Dấu của Ta – Lm Augustine

Khởi sự Tin Mừng Mátthêu nhìn nhận Đức Giêsu là Con Vua Đavít (1,6-16). Tên của Người là Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu" (1,21) Nhưng người ta còn gọi Người là Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (1,23). Chính Người năng tự xưng là Con Người (11,19; 12,8-)

Mầu nhiệm Đức Kitô phải đánh động ta

Riêng các môn đệ khi được yêu cầu phát biểu ý kiến, đã tuyên xưng "Thầy là Đấng được Xức Dầu Tấn Phong, Con Thiên Chúa hằng sống" (16,16). Điều quan trọng là lời ông Phêrô mới tuyên xưng được chính Đức Giêsu xác nhận là do Thiên Chúa Cha mạc khải (16,17)

Tiếp theo liền sau đó, Đức Giêsu tiên báo về cuộc Thương Khó lần thứ nhất. Rồi Người nêu điều kiện cho những ai muốn bước theo Người, là họ phải từ bỏ chính mình, phải vác thập giá mình mà theo Người (16,24). Kế đến Đức Giêsu tiên báo "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người" (16,27). Chính Người liền sau đó, đã lên núi và biến đổi hình dạng như được kể trong bài Tin Mừng hôm nay (17,1-9)

Như vậy, điều được hàm ý là không ngôn ngữ loài người nào có thể nói cho ta biết Đức Giêsu là ai nếu không có sự can thiệp từ trời cao.

Với môn đệ Simon Phêrô, sự can thiệp của Thiên Chúa đã đến với ông qua lời giới thiệu của ông Gioan Tẩy Giả với hai môn đệ của ông này trong đó có người anh ruột của Simon Phêrô, là Anrê. Và ông Anrê này đến lượt đã giới thiệu cho em mình khi nói "Chúng tôi đã gặp Đấng được Xức Dầu Tấn Phong" (Ga 1,41). Tin Mừng Gioan còn cho biết chính việc Đức Giêsu biến nước lã thành rượu ngon tại Cana khiến các môn đệ tin vào Đức Giêsu (Ga 2,11)

Một cách nổi bật, quyền năng của Thiên Chúa còn đụng chạm tới ông Simon Phêrô cách riêng, khi Đức Giêsu chiếu cố đến nhà ông và đụng vào tay bà mẹ vợ của ông, để cho bà ta đang nằm liệt, được chỗi dậy khỏi cơn sốt (8,14)

Tin Mừng Mátthêu còn cho thấy quyền năng của Đức Giêsu không những cứu các môn đệ khỏi chết giữa biển động (8,25) mà còn đặc biệt cứu Phêrô khi ông bắt đầu chìm nên kêu xin Đức Giêsu cứu ông (14,30)

Nhưng tất cả những trường hợp nói trên cũng chỉ giúp Phêrô nhận ra sự bé nhỏ của mình trước mầu nhiệm vô song của Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu. Phêrô sẽ chẳng bao giờ thấu hiểu được mầu nhiệm đó, mà chỉ được ban cho ơn hiểu biết từng chút một về bản thân Đức Giêsu và về chương trình cứu độ Ngài đến để thực hiện. Do đó đă xảy ra tình trạng tiền hậu bất nhất nơi Phêrô. Ông được Thiên Chúa Cha mạc khải cho biết Đức Giêsu là ai; hơn nữa Đức Giêsu còn chúc phúc cho ông và gọi ông bằng danh xưng Phêrô do Ngài ban tặng, để ông trở nên Tảng Đá, trên đó Ngài sẽ xây Hội Thánh của Ngài (16,18). Thế mà khi Đức Giêsu tiết lộ chương trình Chúa Cha giao phó cho Ngài là lên Giêrusalem lãnh lấy nỗi chết, để rồi sẽ sống lại, thì Phêrô đã kháng cự lại chương trình đó và đã bị quở trách nặng lời (16,23)

Vấn đề không phải chỉ là Đức Giêsu thực hiện chương trình đó, mà cả Phêrô cũng phải đặt mình để Ngài lãnh đạo theo chương trình đó.

Thực ra, không riêng Phêrô, mà tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu đều không có con đường nào khác ngoài con đường vác thập giá mình mà theo Ngài (16,24). Bởi lẽ trò không trọng hơn Thầy, nếu "Đức Giêsu đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (x. 8,17), thì làm sao ta có quyền từ khước vác lấy cây thập giá Ngài dành cho ta để ta theo Ngài?

Nhưng đường thánh giá theo chân Đức Giêsu là đường đưa ta tới vinh quang vì "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm." (16,27)

Lời khẳng định tiếp theo của Đức Giêsu khi nói: "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người hiển trị" (16,28), lời khẳng định ấy cho thấy Nước Thiên Chúa không xa. Nước ấy gắn liền với bản thân Đức Giêsu, Đấng hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, nhưng đến ngày thứ ba sẽ sống lại.

Mầu nhiệm ấy phải lôi cuốn ta

Vậy biến cố Đức Giêsu biến đổi hình dạng (17,1-9) là để giúp các môn đệ thấy rõ hơn Ngài là ai theo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ta được đặt đối diện với vực thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu - mầu nhiệm ấy phải đánh động ta, lôi cuốn ta, khiến ta say mê! Nhưng chìa khoá để mở cho ta thấy mầu nhiệm lại do chính Đức Giêsu nắm giữ! Một câu chuyện nhỏ có thể giúp ta nhận ra vấn đề vừa nêu.

Tác giả cuốn "Bảy Thói Quen của Những Người Thành Đạt" (The Seven Habits of Highly Effective People. Fireside. New York 1989) là ông Trần Cao Vọng (Stephen R. Covey).

Sáng Chúa Nhật hôm ấy, ông Vọng bước vào toa xe điện ngầm ở Nữu Ước. Ông đặt mình vào bầu khí yên lặng, trong đó người thì đọc báo, người trầm ngâm suy nghĩ, người trầm ngâm suy nghĩ, người lim dim ngủ. Thật là một cảnh an bình.

Bỗng một người đàn ông và các con ông bước vào toa tầu. Bọn trẻ ồn ào, khó bảo, làm cho không khí trong toa tầu thay đổi hẳn.

Ông Vọng kể lại: "Người đàn ông ngồi xuống cạnh tôi, nhắm mắt, hình như không chú ý đến những gì đang xảy ra. Bọn trẻ la hét, ném đồ vật, vồ cả mấy tờ báo của người khác. Chúng quấy phá quá sức, nhưng người đàn ông ngồi cạnh tôi vẫn không làm gì.

Thật khó mà không nổi cáu. Tôi không thể tin rằng ông ta vô tâm đến thế, để cho bọn trẻ chạy loạn lên mà không làm gì cả, choi như không có trách nhiệm. Dễ nhìn thấy những người khác trong toa cũng đều nổi giận. Sau cùng, không thể chịu đựng được nữa, tôi quay sang ông ta và nói: "Thưa ông, bọn trẻ nhà ông quấy đảo quá, ông không bảo chúng được một câu hay sao?"

Người đàn ông ngước mắt như lần đầu tiên biết được tình hình này và nhẹ nhàng nói: "Vâng, thưa ông, ông nói phải. Tôi nghĩ rằng tôi phải làm một cái gì. Vâng, chúng tôi vừa ở bệnh viện ra, mẹ các cháu vừa mất cách đây khoảng một giờ. Tôi không biết nghĩ như thế nào. Tôi cho rằng chúng cũng không biết xử trí ra sao."

Ông Vọng nói tiếp: "Bỗng tôi nhìn sự vật một cách khác và bởi vì tôi nhìn khác nên tôi cũng nghĩ khác, cảm thấy khác, hành động khác. Cơn giận của tôi biến mất. Tôi không phải lo kiểm soát thái độ hay hành vi của tôi; con tim tôi tràn đầy nỗi đau của người đàn ông ấy. Một thiện cảm và lòng thương dâng lên trong tôi: "Vợ ông mới mất ư? Ồ, xin lỗi! Ông có thể cho tôi biết chuyện được không? Tôi giúp gì được ông đây?" Mọi cái đã thay đổi trong chốc lát." (ibd., trang 30-31)

Mầu nhiệm phải khiến ta say mê

Cuộc biến đổi hình dạng của Đức Giêsu là một thị kiến như chính Ngài cho biết (Mt 17,9). Thị kiến ấy mang lại một nhận thức hoàn toàn mới về nhân vật chính trong thị kiến là Đức Giêsu. Trước đó, Ngài chỉ là một người giữa muôn người, lại là người Nadarét nên dễ bị coi thường (x.Ga 1,46). Sau thị kiến, con người ấy còn gặp phải biết bao nỗi gian truân. Ngài bị phản bội, bị bắt, bị vu khống và cuối cùng bị giết chết trơ trụi trên thập giá. Cả sau khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết, không phải thế giới ùn ùn kéo đến để chấp nhận quyền lãnh đạo của Ngài. Nhưng điều quan trọng là từng người phải được hoán cải do nhận thức hoàn toàn mới về con người Giêsu làng Nadarét. Nhận thức ấy do ơn đức tin có thể được tóm tắt như sau:

+ Dung nhan chói lọi gợi ý cho thấy Đức Giêsu là Môsê mới đến để kiện toàn Lề Luật cho dân mới của Thiên Chúa (Mt 5,17).

+ Hai nhân vật Môsê và Êlia đàm đạo (Mt 17,3) về điều mà Luca gọi là "Cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem" (Lc 9, 31) vì chính Ngài cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21). Điều này phải làm cho người có nhận thức mới trào dâng một lòng thống hối và tri ân - Khác với ông Vọng chỉ tỏ thiện cảm và lòng thương mà thôi.

+ "Đây là Con yêu dấu của Ta - Hãy vâng nghe lời Người" (17,5). Tùy ở mức lắng nghe Thần Khí của Đức Giêsu nói, ta mới hiểu sâu hơn được về mầu nhiệm Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và mới được hoán cải để sống hợp với nhận thức mới.


 

35. Suy niệm của Giuse Nguyễn Viết Tâm.

BÀI PHÂN TÍCH (Mt 17, 1-9).

Bài Tin mừng hôm nay được cả 3 Thánh sử Nhất Lãm tường thuật:

+ Matthêu (Mt 17, 1-9)

+ Marcô (Mc 9, 2-8)

+ Luca (Lc 9, 28-36)

Riêng thánh sử Gioan, ông không có một dòng nào mô tả sự kiện này, trong khi chính ông là người đã chứng kiến tận mắt.

Nhưng cuốn Phúc âm của ông đã tỏ bày Thiên tính của Chúa Giêsu rồi. Ngay từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng, Gioan luôn nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến. Nhưng người Do Thái không tin và đã xảy ra vô số cuộc tranh luận về căn tính của Chúa Giêsu.

Như vậy, nhờ ba Thánh sử Nhất Lãm chúng ta mới được biết cuộc biến hình này.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao”.

Như vậy theo Matthêu Chúa Giêsu và cả nhóm 12 môn đệ đã lên núi. Nhưng Ngài tách riêng 3 ông ra. Đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Đây là bộ ba thân tín trong Nhóm Mười Hai. Cả ba người người này đã chứng kiến hầu hết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu. Hôm nay các ông sẽ chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là Chúa Giêsu biến hình.

Tại sao Chúa không cho cả 12 môn đệ chứng kiến mà chỉ dành diễm phúc đó cho 3 người này? Có 2 lý do:

+ Theo luật của Môsê, chứng của 2 người là chứng thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn dùng nhiều hơn con số 2, tức là 3. Ba người này sẽ là chứng nhân đích thực cho sự kiện hôm nay. Sau này các ông ông sẽ làm chứng cho 9 môn đệ còn lại, và cả 12 sẽ làm chứng cho mọi người. Như vậy việc cho cả 12 môn đệ chứng kiến không cần thiết vì sẽ làm loãng sự kiện hiển dung. Càng cô đọng càng tốt.

+ Ba môn đệ này sẽ là thành phần thủ lãnh trong nhóm tông đồ và đứng đầu trong Giáo hội sau này, nên họ cần được chứng kiến tận mắt.

Tại sao lại có sự kiện Hiển Dung này?

Thưa vì trước đó tại thành Xêdarê Philipphê, sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16), Chúa Giêsu đã tiên báo cuộc thương khó lần thứ I, Matthêu viết: “Thầy phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).

Các môn đệ hoang mang cực độ, tinh thần rã rời, chán nản. Chính Phêrô đã lên tiếng can gián Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Nhưng Chúa Giêsu vẫn cương quyết thực thi Thánh ý Chúa Cha đã định, Ngài quở trách Phêrô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 23).

Chúa Giêsu biết rõ, trong tình trạng hoang mang chán nản đó, nếu các môn đệ phải chứng kiến tận mắt cuộc Thương khó, thì niềm tin của các ông sẽ đổ sập, một sự thất bại toàn diện và không thể cứu vãn nổi.

Vì thế Chúa Giêsu cho các ông được chứng kiến cuộc biến hình này, để các ông được chiêm ngưỡng thiên tính của Ngài, để củng cố niềm tin cho các ông.

“Trên núi cao”.

Núi đó là núi nào, Matthêu không xác định.

Mặc dù ngọn núi được đề cập ở đây, chưa xác định là núi nào trong hai ngọn núi là Tha-bo và Héc-mon. Các nhà chú giải đều đồng ý: Đức Giêsu biến hình tại một núi cao ở phía bắc nước Do Thái: Đa số cho là núi Tabor gần thành Nazareth hay là núi Hermon phía cực Bắc, nơi biên giới nước Do Thái, nhưng thực ra Tabor chỉ là một ngọn đồi, chứ không phải là núi, có lẽ là Hermon thì đúng hơn, nhưng không hiểu sao các nhà chú giải thiên về núi Tabor.

“Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết”.

Đức Giêsu tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của phàm nhân, để mang một hình dạng khác của Con Thiên Chúa. Y phục rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh quang thiên giới. Trong đoạn này, Matthêu cho thấy: Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a đang ẩn mình, người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, giờ đây đã tỏ bày ra trước kỳ hạn về vinh quang phục sinh sau này.

Khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu mang thêm bản tính nhân loại, như vậy nơi Ngài có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa, ta gọi là Thần tính và Bản tính nhân loại, ta gọi là Nhân tính, hai bản tính đó kết hợp chặt chẽ nơi Ngài.

Thần Tính của Đức Giêsu luôn hiện diện, nhưng hàng ngày, Thần Tính đó được che phủ qua tấm màn Nhân tính, Thần tính không biểu lộ ra bên ngoài, nên người ta chỉ thấy Đức Giêsu như một phàm nhân, giống chúng ta. Khi Đức Giêsu biến hình, là lúc Thần tính của Ngài được tỏ lộ, không còn bị nhân tính che phủ. Và đây là lần đầu tiên, ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan chứng kiến tận mắt Thần tính của Đức Giêsu, cả ba người đều ngây ngất.

Nếu như trong phép lạ Fatima, mặt trời nhảy múa trên bầu trời và lao xuống trái đất, làm hàng vạn người chứng kiến phải hốt hoảng, lo sợ tận thế sắp xảy ra. Thì tại núi này, hôm nay một mặt trời thứ hai xuất hiện ngoài mặt trời đang có. Áo của Chúa Giêsu trắng như tuyết. Đó là lúc Thiên tính của Chúa Giêsu được tỏ lộ.

Ta không được chứng kiến tận mắt sự kiện hiển dung này. Nhưng sau này, khi chấm dứt cuộc sống trần gian, ta sẽ được chứng kiến Thiên tính của Chúa Giêsu như vậy, mà Phaolô nói: Ta thấy Ngài diện đối diện. Còn bây giờ ta chỉ thấy Chúa Giêsu cách lờ mờ qua con người bình thường đau khổ, đó là Người Tôi trung của Giavê.

“Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người”.

Tại sao lại có sự xuất hiện của Môsê và Êlia?

Chúa Giêsu từng ban giáo huấn của Ngài cho các môn đệ và luôn kèm theo một cụm từ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12). Có nghĩa những lời giáo huấn của Chúa Giêsu là bản đúc kết Luật Môsê và các lời tiên tri dạy.

Như vậy sự xuất hiện của Môsê và Êlia lúc này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

+ Môsê tượng trưng cho Lề Luật:

Đức Chúa ban Thập Giới (Mười Giới Răn) qua Môsê. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.

+ Êlia tượng trưng cho các Ngôn Sứ:

Tiên-tri Êlia được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ các Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên tri về Đấng Thiên Sai.

Cả 2 ông hiện diện khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, cũng hiện diện một cách rạng ngời, có nghĩa rằng: Tất cả Lề luật và lời các Ngôn Sứ tiên báo về Đấng Mesia phải được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng quy tụ tất cả mọi tâm hồn ở mọi nơi và mọi thời đại. Đức Giêsu là Tâm điểm, nơi hội ngộ của mọi tâm hồn được Cứu Độ.

Hai vị này đều leo núi để tiếp nhận mặc khải của Đức Chúa. Hai vị đều là nhân vật của thời Cánh chung. Cả hai đều bước vào thế giới bên kia cách bí nhiệm: Mô-sê thì bị chết ở miền đất Mô-áp trước khi dân vào chiếm Hứa Địa, nhưng không ai biết được mộ phần ông ở đâu (Đnl 34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe ngựa rực lửa bay về trời trong cơn gió lốc (2V 2,11).

Ở đoạn này, sự hiện diện của Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật, và của Ê-li-a tượng trưng cho các Ngôn sứ. Điều này chứng minh có sự liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước. Nó cho thấy thời kỳ Cánh Chung và Cứu Độ đã khởi đầu.

“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”

“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”

Vâng, với những ai đã được Chúa hiện diện trong đời mình, họ cũng vô cùng hạnh phúc, không còn gì đáng để họ bận tâm, theo đuổi. Mặc dù họ vẫn phải sống trong cuộc đời này, vẫn chu toàn bao trách nhiệm, nhưng khi có Chúa trong lòng, họ sẽ sống theo một cách khác, họ sẽ biết phân biệt cái gì là thực, cái gì là ảo; họ cũng phân biệt đâu là mục đích và đâu là phương tiện, không còn lẫn lộn được nữa.

Lạy Chúa! Xin cho con được bắt chước Thánh Phêrô để thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”, cho dù chúng con đang gặp bao bất hạnh, đang bị đàn áp dã man bởi cường quyền, đang gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo, đang nằm liệt một chỗ và không thể làm gì cho mình, đang bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, đơn độc trong một xã hội đầy xô bồ. Nhưng chúng con đã nhận ra bao hồng ân Chúa đã ban cho chúng con. Vâng như vậy là quá tốt cho chúng con rồi.

“Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.

Lúc đó đang trong thời gian dân Ít-ra-en mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày. Trong các ngày này, họ phải đến ở tạm trong các lều trại làm bằng cành cây, để ôn lại công ơn Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập và cha ông họ đã từng ở trong các lều trại nơi sa mạc (Lv 23,34.42-43). Ở đây, Phêrô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo dài cuộc thần hiện mà ông đang chứng kiến.

Ông Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống trong tuần “Lễ Lều” của người Do Thái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang của Người. Phêrô chỉ xin làm 3 cái lều, còn các ông ở đâu?

Thánh sử Marcô đã thêm vào một chi tiết hết sức thú vị. Marcô viết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9, 6)

“Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ”. Người ta gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác.

“Nếu Thầy ưng”.

Matthêu nhấn mạnh đến cụm từ này rất sâu sắc. Việc dựng 3 cái lều chỉ là ước muốn của ba môn đệ thôi. Phêrô muốn kéo dài giây phút này mãi mãi để tận hưởng. Chính từ “lều” đã nói lên ý muốn cắm dùi vĩnh viễn trên núi này.

Nhưng đó không phai là ý muốn của Chúa Giêsu, vì Ngài phải xuống khỏi núi này để lên một ngọn đồi khác, đó là Golgotha để tại đó Ngài chịu chết, đóng đinh vào thập giá.

Có lẽ Kitô hữu chúng ta cũng mang tâm trạng của Phêrô, ta cứ muốn ở mãi trên núi Tabor không chịu xuống. Nhưng ta phải bước theo Chúa để lên Golgotha của đời ta. Phải bước qua đau khổ mới đến vinh quang. Đừng chạy trốn đau khổ mà phải đối diện với nó để từ đó ta mới tìm được vinh quang.

“Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.

“Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Đám mây diễn tả sự hiện diện của Đức Chúa, giống như trong thời xuất hành của dân Do Thái xưa (Xh 40,34-38).

Lời Chúa Cha công nhận Đức Giêsu là “Con” (Tv 2,7), giống như khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođan (Mc 1,11). Đức Giêsu cũng được giới thiệu như một Ngôn Sứ mà mọi người phải nghe theo lời Người chỉ dạy.

Áng mây và tiếng nói cũng làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiển của Thiên Chúa, như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay.

“Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.

Matthêu đã mô tả lại trạng thái của các môn đệ khi nghe tiếng Chúa Cha phán, các ông đã phải ngã xuống vì sợ hãi. Tiếng Chúa Cha đầy uy lực, làm cho con người phải khiếp sợ.

Nhưng tiếng Chúa nói trong lòng ta thì không như thế, rất êm dịu, ngọt ngào, nhưng lại thôi thúc ta mạnh mẽ tiến bước lên phía trước thực thi ý Ngài muốn, chứ không phải ngã quỵ.

“Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”

Cuộc biến hình, hiển dung đã kết thúc, Môsê và Êlia cũng không còn nữa. Chúa Giêsu đã trở về với con người bình thường với bản tính nhân loại.

Nếu trong cuộc biến hình, Chúa Giêsu tách biệt với các môn đệ, làm các môn đệ không dám đến gần, thì khi trở về với cương vị người Thầy, Chúa Giêsu lại: “Đến gần, động đến các ông”. Một cú chạm rất bình thường của tình Thầy – trò. Câu nói đầu tiên, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Thầy đây mà, dù gì đi nữa, Ngài vẫn là Thầy của các ông, vậy có gì mà phải sợ.

Ba môn đệ đi từ tâm trạng này đến tâm trạng kia: từ hoảng sợ đến nỗi phải ngã xuống, nay lại được bình an và đứng vững.

“Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”

Đòi hỏi giữ kín “trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” được gọi là “Bí Mật Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giêsu không muốn cho người ta biết Người là Đấng Thiên Sai vì cần có thời gian để Người giảng dạy dân Do Thái hiểu đúng về sứ mệnh Thiên Sai theo Ý Thiên Chúa của Người. Nếu nói sớm sự thật này sẽ làm cho dân Do thái đang bị tinh thần ái quốc cực đoan tác động, đang mong đợi một Ông Vua Thiên Sai theo nghĩa trần tục, sẽ hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu và sẽ gây bạo loạn, gây cớ cho quân Rô-ma đem quân đến tiêu diệt dân Do Thái nhỏ bé, sẽ bất lợi cho sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu. Cuộc biến hình biểu lộ Thiên tính của Đức Giêsu sẽ được các môn đệ chính thức công bố sau biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, nghĩa là sau khi Người từ cõi chết sống lại.

“Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Các ông không hiểu hay không muốn hiểu. Có thể cả hai.

Cũng như Phêrô đã can trách Đức Giêsu đừng chấp nhận con đường cứu thế qua đau khổ thập giá theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ khác đều không hiểu hay không muốn hiểu về con đường “Từ trong cõi chết sống lại” hoặc “Qua đau khổ vào vinh quang” đã được Đức Giêsu công bố trước cuộc biến hình (Mc 8,31).

Lạy Chúa là đấng Cứu Độ của con! Con xin được như Phêrô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Người, không những chỉ trong ngày hôm nay mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen.

home Mục lục Lưu trữ