Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 68

Tổng truy cập: 1366111

CÔNG CHÍNH

CÔNG CHÍNH- Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa ban cho loài người được hình thành qua rất nhiều thời kỳ. Thiên Chúa đã mặc khải ý định qua từng biến cố vui buồn của một dân tộc. Người đi vào thời gian để thực hiện ý định của Người. Đọc lịch sử dân Do-thái, chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Người qua từng giai đọan. Thiên Chúa không rút bớt thời gian và không dùng sự lạ để đạt tới mục đích ngay, nhưng chờ đợi chuẩn bị của từng thế hệ con người. Mỗi thế hệ, Chúa lại chọn gọi một số những ngôn sứ và chứng nhân. Người mong muốn cải đổi từng tâm hồn để đón chờ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa sai các tiên tri để loan báo tin vui ngày xum họp trở về. Mỗi biến cố xảy đến cho dân là một dấu chỉ lòng thương xót. Tiên tri Sophonia đã cất tiếng: Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi(Soph 3, 14).

Dân Chúa đã trải qua nhiều gian nan thử thách. Chúa ban cho Dân thật nhiều hồng phúc, nhưng họ cũng phải đối diện với nhiều thách đố thường ngày. Chúa để mắt đoái nhìn và dẫn dắt Dân trong nẻo chính đường ngay, nhưng rất nhiều lần họ đã đi lạc xa và rời bỏ Chúa. Chúa phạt họ lưu đầy, nhưng rồi Chúa lại qui tụ họ về. Tiên tri Sophonia diễn tả: Như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản lạc được hồi hương Ta đã cất khỏi ngươi tai hoạ khiến ngươi không còn phải ô nhục nữa (Soph 3, 18).Ơn cứu độ được cưu mang qua nhiều dòng dõi nối tiếp sứ mệnh chuẩn bị. Chúng ta không thể tách rời các biến cố nhỏ to trong chương trình cứu độ. Thời gian là trường huấn luyện và là thuốc chữa lành tâm linh. Biết bao nhiêu kinh nghiệm xương máu để gìn giữ kho tàng châu báu niềm tin của cha ông. Đó là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.

Bài phúc âm của Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng, Gioan Tẩy Giả xuất hiện giữa đám đông mở đường hoán cải. Gioan bắt đầu sứ mệnh rao giảng sám hối ngay giữa nơi quần chúng. Mọi cấp bậc và mọi giới đã chạy đến ngài và xin ý kiến làm sao có thể đổi đời. Cả các binh lính cũng đến hỏi:“Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.” (Lc 3, 14).Lời kêu gọi của ông Gioan vẫn vang vọng qua mọi thời. Hôm nay đây mỗi người chúng ta cũng hỏi: Tôi phải làm gì để nên trọn lành? Cũng chính những việc cần thi hành mà Gioan đã nói về lòng bác ái, sự công bằng, sống ngay chính và thái độ chấp nhận. Niềm vui trong tâm hồn sẽ dâng trào khi sự ích kỷ, gian tham và kiêu căng bị xóa nhòa.

Cuộc sống xã hội tạo nên hình dạng nếp sống con người. Người ta nói gần mực thì đen, gần đền thì rạng. Cách sống và suy tư hành xử của chúng ta cũng bị ảnh hưởng khi sống trong xã hội một xô bồ, gian dối và lừa đảo. Những sai lạc và lầm lỗi nho nhỏ trở thành thói quen hằng ngày, chúng ta không còn nhận diện sự chính thật. Thánh Gioan Tẩy Giả đã khơi dậy và nhắc nhở mọi người sống tinh thần mới lấy đức ái làm cột trụ dẫn đường. Việc làm cấp bách là hãy chia sẻ áo quần, cơm bánh cho những người nghèo khó đói ăn, thiếu mặc. Niềm an vui của ơn cứu độ không cao siêu xa vời, nhưng hòa nhập ngay trong cuộc sống đời thường. Chúng ta sẽ nhận được niềm vui hoan lạc khi biết chia sẻ, cho đi và hiến thân.

Mùa Vọng mang ý nghĩa gì cho mỗi người chúng ta trong giai đoạn này. Chúng ta có thực sự cảm nhận được niềm vui trào dâng khi đón nhận lời mời gọi của thánh Gioan không? Chúng ta có thật sự muốn canh tân đời sống và dọn đường đón nhận Chúa vào tâm hồn không? Chúng ta cần tu thân, phải tích đức và đổi mới cách suy tư sống đạo. Biết bao nhiêu cơ hội đã đi qua trong cuộc đời bị bỏ lỡ. Những ràng buộc của bản ngã và của tham sân si cuốn quyện trong cách sống. Chúng ta khó vượt ra khỏi vòng bao quanh ứng xử thường tình của người đời. Đôi khi chúng ta cũng đua đòi và hãnh diện về những thói hư tật xấu của mình. Nghĩ rằng mình hiểu đời, điệu đời, chịu chơi và thích ứng được với những đua chen xã hội. Chúng ta cảm thấy thỏa mãn cuộc sống và dần rời xa những ràng buộc luân lý đạo đức.

Không phải ngày một, ngày hai là chúng ta thoát được khỏi vòng cuốn hút đam mê cuộc đời. Người ta thường nói rằng con người thì chứng nào tật ấy. Đúng thật, một tật xấu đã nhiễm, không dễ gì thay đổi. Việc xấu đã thành thói, khó bề sửa chữa. Có người khoe rằng tính tôi là vậy đó. Ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Đây chỉ là cách cãi chầy và nói cối. Cần khiêm hạ trong ý thức với cả ý chí quyết tâm để có thể tránh xa và loại trừ những thói xấu. Thuốc nhẫn nhục chữa bệnh tham sân si. Ai cũng cần phải tu thân và tu tâm để nên người hoàn thiện. Nếu chúng ta tu được trong nghịch cảnh mới gọi là chân tu. Khi gặp những sự trái tai, gai mắt và thị phi, mà chúng ta cầm lòng được mới gọi là tu. Nếu không đối diện với nghịch cảnh thì khó biết sức tu của mình. Khi đụng truyện, chúng ta mới biết kẻ dữ, người hiền. Nếu chúng ta không tu tập sửa đổi thì ngày qua tháng lại, tuổi đời chồng chất và tóc bạc răng long, các thói hư tật xấu vẫn còn đó.

Hãy vui lên vì ơn cứu độ đã gần kề. Hãy vui với những giây phút hiện tại, chúng ta không phải đợi đến ngày mai. Chúng ta hãy bắt đầu ngay ngày hôm nay những gì có thể làm. Chân thành nhận diện những gốc rễ của sự sai xót, yếu đuối và lầm lạc để hồi đầu. Chúng ta chấp nhận sự thật về mình và đứng trên đôi chân của mình. Bỏ đi được một thói hư hay một tật xấu là chúng ta đã bước lên một nấc thang của sự hoàn thiện. Như ông Gioan, tuy dù mọi người kính phục Gioan, nhưng không màng dư luận thị phi. Ông trả lời thẳng thắn: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3, 16).Gioan khiêm hạ trong lòng để chu toàn sứ vụ được trao. Nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa để dọn đường cho Chúa. Là những thừa tác viên của lời Chúa, chúng ta hoàn tất mọi công việc như người đầy tớ phục vụ.

Niềm vui của ngày trở về quê hương xứ sở là biến cố hân hoan. Thánh Phaolô viết thơ cho tín hữu thành Philipphê cũng loan báo tin vui: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!(Phil 4, 7).Phaolô đã đón nhận niềm vui ngập tràn bởi chính nguồn ơn cứu độ là Chúa Kitô phục sinh. Ngài không quản ngại gian khó trên bước đường truyền giáo. Phaolô đã chịu trăm ngàn đắng cay để làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Ngài khuyên lơn các tín hữu khởi đầu là hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa: Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện (Phil 4, 7).Tin vui cần được loan truyền. Phaolô đã lãnh nhận nhưng không, nên ngài cũng đem tin mừng biếu không bằng mọi giá.

Lạy Chúa, nếu không có ơn Chúa, chúng con chẳng làm được gì. Hãy luôn gắn bó với Chúa Giêsu là nguồn cội để lãnh nhận sự sống. Chúa phán: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Ga 15, 5). Xin cho chúng con biết tận dụng mọi thời gian để tu tâm và luyện tính để nên hoàn thiện hơn. Không tu luyện, kiềm chế và tiết độ thì không thể thay đổi tính tình. Cuối cuộc đời nhìn lại đời mình, có khác gì như con dã tràng xe cát biển đông.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- C

CHÚA NHẬT HỒNG GIỮA MÙA TÍM- Lm. GB. Trần Văn Hào SDB

Trong Hiến chế Gaudium et Spes, công đồng Vaticanô 2 đã mở đầu với đường hướng mục vụ như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Những môn đệ của Chúa Giêsu phải sao chép lại cuộc sống của Thầy mình. Ngài đã đến trần gian chung hòa kiếp sống đi sâu vào phận người, vui với người vui, khóc với người khóc và tiến nhận cái chết trên Thập giá để khai mở cho nhân loại chân trời ơn cứu độ. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu chính là căn nguyên của niềm vui, biến ưu sầu thành hoan lạc, biến khổ đau thành hạnh phúc cho con người chúng ta.

Nói tóm lại, đạo Công giáo không phải là một tôn giáo nhuốm vẻ bi thương và sầu khổ, cho dù khi nhìn lên Thánh giá, chúng ta dễ rơi vào tình cảm đạo đức mang dáng dấp khổ đau. Đạo hay con đường mà Chúa Giêsu mở toang ra cho chúng ta chính là con đường của niềm vui và hy vọng.

Đây cũng chính là chủ đề của phụng vụ Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật Gaudete. Các bài đọc đều vang vọng lời hiệu triệu: “ Hãy vui lên vì Chúa đã gần đến, Đấng thánh Israel đang ở giữa ngươi”. Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là ‘Chúa Nhật hồng giữa mùa tím’ với tâm tình hoan vui này.

Vui mừng và hy vọng

Các bài đọc Lời Chúa Giáo hội đọc lên trong phụng vụ hôm nay đều mang âm hưởng của một niềm vui sâu xa. Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Sôphônia nhắc đi nhắc lại: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Sion, con cái Israel hãy nức lòng phấn khởi” (Sop 3, 14). Có một nét đặc thù nơi sứ điệp của Sophonia khi ông mời gọi nhà Israel cũng như thiếu nữ Sion hãy reo vui, vì Thiên Chúa sẽ thực hiện ơn cứu độ, đồng thời chính Ngài cũng sẽ vui mừng khi ở giữa dân và thể hiện lòng thương xót cho dân. “Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ.” (Sop 3, 17). Đức Chúa là căn nguyên của niềm vui và Ngài cũng  cảm nhận niềm vui  thực sự nơi chính Ngài.

Cùng với lời hiệu triệu hãy vui lên, vị tiên tri còn nhắn nhủ dân chúng “ Hỡi Sion đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”(c 38).

Trong Tin mừng, Đức Giêsu cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại khẩu lệnh đó, mời gọi các học trò tiến sâu vào quỹ đạo tình yêu nơi Ngài để có được bình an và thoát vượt mọi sợ hãi.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 cũng đã khởi đầu triều đại Giáo hoàng của mình với thông điệp ‘Đừng sợ’. Đây không phải là lời trấn an mang tính tâm lý nhưng là lời mời gọi chúng ta hãy đi sâu vào cảm thức đức tin để luôn bám chặt vào Thiên Chúa, Đấng mang lại niềm vui và sự an bình. Vì thế bắt đầu mùa vọng để khai mở năm thánh 2000, Ngài đã gửi đi bức thông điệp để nhắn nhủ mọi người, đặc biệt các bạn trẻ: “ Đừng sợ, hãy mở cửa đón Đức Kitô” (Don’t be afraid, open the door to Christ).

Kinh thánh Cựu ước kể lại câu chuyện về bà Sara vợ ông Abraham. Bà Sara đã già nua, đến tuổi gần đất xa trời, nhưng Đức Chúa lại nói cho bà biết bà sẽ sinh con trai. Có lẽ bà nghĩ Thiên Chúa cũng có đầu óc khôi hài, nên bà đã phì cười. Thần sứ hỏi tại sao bà cười, hay bà nghi ngờ và không tin lời Chúa nói. Bà chối phắt vì sợ (St 18, 16). Sự sợ hãi đã làm lịm tắt nụ cười trên đôi môi của bà. Nhưng khi bà sinh con, niềm vui đã trở lại, vì bà đã hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa. Abraham được mệnh danh là cha của những kẻ tin. Còn bà Sara, (theo nguyên ngữ tiếng Aram, có nghĩa là ‘người đàn bà cười’), đã tìm lại niềm vui và thoát khỏi sợ hãi, vì cuối cùng bà cũng tin vào lời của Đức Chúa.

Vì vậy, để có được niềm vui, chúng ta phải quy hướng trọn vẹn về Chúa. Niềm vui và sự bình an chân thật không đến từ những ồn ào náo nhiệt bên ngoài của ngày lễ Giáng sinh, nhưng niềm vui phát xuất từ sâu tận bên trong tâm hồn. Chúng ta nhìn vào mẫu gương Mẹ Maria. Sau khi thưa lời xin vâng và đón nhận Đức Giêsu đến ẩn cư trong cung lòng mình, Mẹ liền vội vã lên đường với niềm vui tròn đầy. Vừa đến nhà bà chị họ Isave, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi” (Lc 1, 39). Đó là niềm vui sâu xa trong tâm hồn của những ai luôn sống kết hợp với Chúa là Chúa của niềm vui.

Thưa ông chúng tôi phải làm gì?

Để có được niềm vui thực sự, chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi giống dân Do thái ngày xưa khi nghe Gioan rao giảng: “ Thưa ông, chúng tôi phải làm gì?”. Câu trả lời của Gioan trong Tin mừng hôm nay cũng là sứ điệp Giáo hội muốn nhắn gửi đến chúng ta :“ Ai có hai áo hãy chia cho người không có…. Đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định … Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người khác, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 10-14). Điều mà Thánh Gioan tiền hô khuyên nhủ dân chúng là hãy thành tâm chỉnh sửa lối sống, thực thi công bằng và sống bác ái đối với nhau. Con đường đến với Chúa và con đường đến với tha nhân cũng chỉ là một, bởi vì tha nhân chính là bí tích hiển thị dung mạo của Đức Kitô, như Ngài đã nói: “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta trần trụi các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu hay ở tù các ngươi đã thăm nom” (Mt 25, 40).

Triết gia Nietzche đã có lần tuyên bố: “ Tha nhân là hỏa ngục”. Ông là một người vô thần, không tin Thiên Chúa nên không thể nào khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những con người mà ông gặp gỡ hằng ngày. Ngược lại như Thánh Giacôbê đã viết: “ Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà giận ghét anh em, đó là kẻ nói dối”. Thánh Gioan tiền hô là người dọn đường để chúng ta đến  với Chúa, và con đường để đến được với Chúa phải đi ngang qua tha nhân.

Trước lễ Giáng sinh, chúng ta vẫn thường gửi những cánh thiệp để chúc nhau một lễ Noel vui tươi và an bình. Niềm vui và sự bình an đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta biết giao hòa thực sự với Chúa và với nhau, gạt bỏ hết những thù hận và chia cách.

Có một vị linh mục đã có sáng kiến trang trí cho ngày lễ Giáng sinh bằng cách dựng một máng cỏ với cây Thánh giá bên cạnh thay cho cây Noel. Sáng kiến này khá độc đáo, bởi vì theo Ngài, Chúa Giêsu đến trần gian để bắt đầu cuộc hành trình yêu thương nơi chuồng bò Belem và kết thúc cuộc hành trình ấy nơi đỉnh cao Calvê. Máng cỏ Belem và Thập giá núi Sọ là hai thông số của một thực tại duy nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa dành trao cho con người. Vì thế muốn hưởng nhận niềm vui Giáng sinh cách thật sự, chúng ta cũng phải cảm thấu và hiển thị tình yêu một cách rõ nét, không phải chỉ qua những buổi tham dự phụng vụ để đến với Chúa, mà còn trong trọn cuộc sống để đến với nhau, nhất là phải cải thiện mối tương quan với mọi người như lời nhắn nhủ của thánh Gioan tiền hô ngày hôm nay.

Kết luận

Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật Gaudete, Chúa Nhật của niềm vui và cũng là Chúa Nhật hồng giữa mùa tím. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui, đạo của mầu hồng tươi sáng. Chúa đến trần gian không phải để thiết lập một tôn giáo như người ta vẫn hay nghĩ tưởng. Hai ngàn năm trước, Ngài đi sâu vào phận người để công bố cho chúng ta một tin vui, đó là tin Thiên Chúa yêu thương con người. Tin vui hay Tin mừng này khởi đầu từ máng cỏ Belem và đạt đến đỉnh điểm khi Ngài bị treo thân trên Thập giá. Chúa Giêsu đến trần gian và mời gọi chúng ta nên thánh, nhưng như DonBosco đã nói cho các học sinh: “Bí quyết nên thánh là luôn sống vui tươi và chu toàn bổn phận của mình”. Cũng tương tự, Thánh Phanxicô Salê cũng dí dỏm nói rằng:  “Một vị thánh buồn là một vị thánh thật đáng buồn”. Chớ gì chúng ta cảm nhận được niềm vui thánh thiện trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới cũng như trong suốt cả ‘mùa vọng lớn’ là chính cuộc lữ hành đức tin chúng ta ngày hôm nay.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG-C

VUI LÊN ANH EM- Lm Fx. Lê văn Nhạc

Gần đến lễ Giáng Sinh, người ta thấy hình ảnh Ông già Noel đủ cỡ xuất hiện khắp nơi. Các em thắc mắc không biết Ông già Noel là ai? Và có thật không?

Tháng 9 năm 1987, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho một tờ báo công giáo Hoa Kỳ để hỏi về Ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già Noel có thật không?

Vài ngày sau, trên mục quan điểm của tờ báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau: “Virginia yêu dấu của bác. Điều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu đã bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.

Virginia ạ! Ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu và lòng quảng đại, nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có Ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào?…”

Được biết Ông già Noel là một nhân vật lịch sử có thật. Người Pháp gọi là Cha Noel (Le père Noel). Người Anh gọi trực tiếp là Thánh Nicola (Santa Claus). Thánh Giám mục Nicola nầy được mừng lễ ngày 6/12 mỗi năm, trước lễ Giáng Sinh gần 20 ngày. Người Pháp thân mật gọi Ngài là Cha Noel, vì Ngài liên hệ nhiều với lễ Noel, nhất là với trẻ em. Các em mộ mến Ngài như một Ông già Noel. Các em được kể rằng nếu chúng ngoan, Ông già Noel sẽ chui vào lò sưởi, vào phòng của chúng, bỏ bánh kẹo vào những chiếc giày các em để ở bên lò sưởi hay bỏ vào những chiếc vớ các em treo ở chân giường…

Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc. Lời Chúa của Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay cũng mời gọi chúng ta hãy vui lên. Không phải vui vì có Ông già Noel, vì quà tặng, vì những thiệp chúc mừng, vì đèn sao, máng cỏ v.v…Đó là niềm vui hời hợt ở bên ngoài sẽ qua mau. Niềm vui đích thực sẽ còn mãi, cả trong lúc lo âu, thất bại. Niềm vui đó bén rễ sâu trong lời cầu nguyện và đó là dấu chỉ của người kitô hữu.

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa!”

Qua bài đọc thứ nhất, Tiên tri Sôphônia cất lên những tiếng kêu đầy lạc quan: “Hỡi Israel, hãy hân hoan. Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nhảy mừng. Chúa đã rút lại lời kết án. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi sẽ không còn sợ tai họa nữa”. Thưa anh chị em, lời đó có an ủi được chúng ta không, khi mỗi ngày tai chúng ta nghe rang rảng từ trong đài phát thanh những tin tức bi đát của một thế giới đang còn nhiều điểm nóng chiến tranh, còn những cuộc tranh chấp vì bất công, vì đói khổ; khi mắt chúng ta còn thấy nhan nhãn những chiếc khăn sô chít trên đầu, những đàn con mất cha mất mẹ; còn thấy bao nhiêu bệnh nhân trong các bệnh viện rên la đau đớn…

Khi nghe, khi nhìn các điều đó, có phải chúng ta là người ngoài cuộc không? Chúng ta thấy hòa bình và hạnh phúc trộn lẫn những mối nguy đang đe dọa chúng ta. Trong thực tế, chúng ta vẫn lo lắng và đau khổ. Và chẳng những tai ương khốn khó bên ngoài làm chúng ta đau khổ, mà chính những cơn bảo táp trong lòng, những cái mâu thuẫn giữa con tim, giữa lý trí, làm chúng ta xao xuyến băn khoăn. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều đó trong bản thân Ngài và đã thốt ra những lời chân thành của một con người chân đạp đất: “Sự lành tôi muốn thì tôi không làm; còn sự dữ không muốn thì tôi lại làm”.

Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể mĩm cười trong đau khổ và vui tươi trong thử thách, khi chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đau khổ của chúng ta. Niềm xác tín này làm nảy sinh và gia tăng niềm hy vọng hân hoan. Nhưng làm sao để nhận thấy “Đấng đang đến” gần? Làm thế nào để nhận ra “Đấng đang ở giữa ngươi”? Gioan Tẩy Giả đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho những người hỏi ông: “Chúng ta phải làm gì?” – “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có cái ăn thì cũng làm như vậy” – “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định” – “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta. Hãy an phận với số lương của mình”. Nói chung, Gioan đã đưa ra những hướng đi cụ thể: bác ái, chia sẻ, chấp nhận thực tại, sống hiền hòa, công bình, chính trực trong các mối tương quan xã hội. Sống như vậy là chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là đặt mình vào trong hàng ngũ những kẻ bé mọn của Thiên Chúa. Chính những người bé mọn này mới cảm thấy vui mừng và hy vọng, vì nhận ra Chúa sắp đến, đang đến… Ngài sẽ thay đổi tất cả, đổi mới toàn thế giới và xã hội.

Chính vì thế mà trong Mùa Vọng, Chúa Nhật III bao giờ cũng nổi bật nét hân hoan: “Anh em hãy vui lên!” Hãy hoan hỉ vui mừng vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang qui tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời. Không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ nhỏ nhen, bất chính. Bằng cách sống chia cơm sẻ áo, liên đới yêu thương; bằng cách sống công bình, chính trực và an hòa với mọi người.

Anh chị em thân mến,

Có phải là điều viễn vong không, khi chúng ta nhắc lại lời mời gọi của Phụng vụ: “Anh em hãy vui lên!” Vui làm sao được khi đông đảo dân chúng đang nghèo đói, đau khổ? Phải chăng là để nhạo cười những người này mà Giáo Hội cứ lập lại những lời cũ rích, không gắn liền với cuộc sống thực tế lúc này? Bởi vì, hơn bao giờ hết, vấn đề cơm áo, phát triển, quyền con người đang là những vấn đề nóng bỏng trên hành tinh này cũng như trong xã hội hiện tại của chúng ta.

Lời Chúa trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước đều cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng của những kẻ tin, đâu là lý do hân hoan của những người bé nhỏ của Thiên Chúa: Thiên Chúa Cứu Độ, đó là tất cả động lực của cuộc sống và cuộc đấu tranh của người tin theo Chúa Kitô. Thiên Chúa nhập thể và cứu độ là căn bản để giải quyết mọi vấn đề: Thiên Chúa nhập thể để chúng ta được sống như con cái, nghĩa là, như những con người tự do và trách nhiệm, những con người tự nguyện cống hiến cho anh em, cho xã hội. Vì vậy, trong bất cứ một hoàn cảnh bế tắc khó khăn nào, người có lòng tin vào Thiên Chúa vẫn không thất vọng, chán nản, vì họ biết rằng mọi phấn đấu của mình và của loài người đều mang một ý nghĩa cứu độ: ý nghĩa dọn đường cho Nước Trời, cho Đức Giêsu của Thiên Chúa ngự đến.

Muốn hòa mình vào niềm vui của Phụng vụ, người kitô hữu và Giáo Hội không thể không liên đới với những người đang khao khát đổi mới, đang khát vọng phẩm giá con người. Hơn thế nữa, Giáo Hội Chúa Kitô không thể đứng ngoài những cuộc đấu tranh cho hòa bình, bình đẳng, tôn trọng con người, phát triển xã hội mà loài người đang theo đuổi. Sống Mùa Vọng là sống liên đới với người nghèo, là sống công bình với tha nhân, là sống hòa giải với hết mọi người, là sống yêu thương, an bình trong mọi hoàn cảnh, là đấu tranh cho tình huynh đệ và khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội và cả nơi Thiên Chúa nữa.

Vui lên anh em! Hãy vui lên trong niềm vui của Chúa!

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- C

TÔI PHẢI LÀM GÌ?- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Trước những biến cố quan trọng, trước những nguy khốn cấp bách, người ta thốt lên: Tôi phải làm gì? Gioan tiền hô xuất hiện, kêu gọi mọi người dọn đường đón Đấng Cứu thế. Dân Do thái hàng ngàn năm đã được nghe về Đấng Cứu thế. Bao nhiêu thế hệ đã khao khát mong chờ Đấng Cứu thế.

*I/ Dân chúng mong đợi Đấng Cứu thế vì nhiều lý do:

1/. Kẻ buồn vì đất nước bị gót giày ngoại bang chà đạp, mất tự do tín ngưỡng, mất tự do nhân phẩm, khổ vì bị bóc lột, đau vì bị áp bức. Người có chức quyền địa vị chỉ lo vơ vét ăn chơi tửu sắc, còn dân chúng sống chết mặc bay.

2/. Kẻ học biết Kinh thánh và nhữnh kinh sĩ chỉ lo nghiền ngẫm những lời tiên tri loan báo: Đấng Cứu thế sắp đến là “Vua được xức dầu, Ngài đến trong dòng dõi Giuda, Ngài chiến thắng quân thù, giết những vua quan ngoại bang… Đấng xức dầu sẽ tụ họp dân Ngài trong đường công chính, cai trị các quốc gia, loại trừ mọi bất công và gian ác. Phúc cho ai được sống trong thời đại ấy”. Họ nghiền ngẫm những lời ấy và suy đoán sắp đến ngày Đấng Cứu thế xuất hiện và ai ai cũng đều cầu xin Ngài đến. Giờ đây họ được nghe loan báo Ngài đang đến. Thế là như cá gặp nước, như người chết đuối vớ được phao cứu, dân chúng đổ xô đến hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì để đón rước Đấng Cứu thế?”. Gioan không bắt họ phải bỏ nghề nghiệp, địa vị, việc làm, không bắt họ lên rừng ẩn tu khắc khổ, cũng không phải ăn chay, khóc lóc, mặc áo nhặm, rắc tro lên đầu như tiên tri Giona đã bảo dân Ninivê. Gioan chỉ kêu gọi họ phải hối cải, phải kiểm tra lối sống của mình, từ bỏ bất chính, cải thiện đời sống, quyết tâm thực thi công bằng, bác ái trong chính nhiệm vụ, nghề nghiệp, chức năng riêng của mình.

II/ Vậy công bằng, bác ái là gì?

1/. Công bằng là gì? Qua hai lời chỉ dẫn của Gioan cho hai hạng người lính và thu thuế.

Đối với lính thì Ngài khuyên: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Lính tiêu biểu cho hạng người có sức mạnh, có quyền lực vũ khí trong tay, muốn hoành hành thế nào tùy thích, dễ ỷ mạnh hiếp yếu, đe dọa, áp bức bóc lột bất công, khó có thể sống ngay chính, vì thế Thánh Gioan đã khuyên họ: Hãy bằng lòng với số lương của mình hay số tiền do công lao chính đáng của mình làm ra, chứ đừng bóc lột, vơ vét, trộm cắp của người khác, sống công bằng như thế họ sẽ xứng đáng đón rước Đấng Cứu thế.

Lỗi đức công bằng này thì dễ biết vì nó trực tiếp làm hại người ta. Nhưng công bằng trong nhiệm vụ thì khó biết.

Công bằng trong nhiệm vụ được thực hiện trong việc thâu thuế, nên đối với người thâu thuế Gioan khuyên: “Đừng đòi gì quá mức ấn định”

Thứ nhất, mức ấn định là mức do luật pháp đã ban hành cách hợp lý, thuế quá mức là bất công.

Thứ hai, dân có mức nào thì xác định mức đó, không vì lập công mà khai thêm đánh quá.

Thứ ba, đồ tốt xấu thế nào, đánh giá đúng như thế, đừng gian dối tráo trở, tăng giảm sai sự thật là bất công.

Thứ bốn, giữ nhiệm vụ nào phải lo chu toàn nhiệm vụ ấy, lười biếng bê trễ, phung phí là bất công; làm Linh mục bê trễ là bất công; làm cha mẹ, thầy cô không lo dạy dỗ con trẻ là bất công; làm cán bộ, công chức không lo giúp đỡ dân là bất công; con cái không giúp đỡ, nghe lời cha mẹ, thầy cô là bất công. Sống công bằng thôi chưa đủ vì chỉ là mức đạo đức tối thiểu theo luật: “mắt đền mắt, răng đền răng, ác giả ác báo”. Nếu cứ ăn miếng trả miếng như thế, thì đời sống sẽ chất đầy hận thù. Sống bác ái mới đạt giá trị đạo đức đích thực. Để đáng được vui luôn trong niềm vui đón mừng Đấng Cứu thế đến, Gioan khuyên mọi người phải thực thi bác ái: “Ai có hai áo thì chia cho người không áo, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. Thánh Luca đã diễn tả đúng đời sống bác ái của cộng đoàn tín hữu thời các tông đồ.

2/. Bác ái là gì? Theo Thánh Phaolô: “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ, anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành” (Rm. 12, 9). Gớm ghét điều dữ là cố gắng thanh tẩy những tâm tình bất chính, hung dữ, độc ác. Đó là vấn đề tu thân. Tha thiết với điều lành là thực hiện những điều thiện hảo, chân chính, tốt lành ơn ích cho người. Đó là vấn đề dấn thân, có tu thân mới dấn thân được, đây là hai chặng đường trên cùng một đường đức ái.

Tu thân: Đức ái đòi buộc phải tu sửa, thanh tẩy mình khỏi mắc vào thói ghen tuông, tự đắc, khoe khoang, làm điều bất chính, bất nhân, nóng giận hận thù, tư lợi, không mừng khi thấy sự ác. Đức ái cũng đòi buộc phải tu luyện, học tập những đức tính nhẫn nhục, khiêm tốn, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, vui khi thấy điều chân thật (1Cp. 13, 4-7). Đạo Nho cũng chủ trương muốn thực hiện đức nhân thì tiên vàn phải tu thân. Thân gồm tâm, ý, trí nên tu thân là chính tâm, thánh ý, trí tri. Rồi mới có thể thực hiện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo Phật cũng chủ trương muốn có tâm từ ái, từ bi, hỉ xả, cứu độ chúng sinh, tiên vàn phải diệt tham, sân, si, rồi tu tập bát chánh đạo.

Dấn thân: Sau khi đã tu thân luyên tập tâm trí nên trong sạch thì mới thấy được mặt Thiên Chúa, mới dấn thân, xả thân, hiến thân phụng sự Người. Mặt Thiên Chúa đây là tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa, những người Thiên Chúa yêu thương chúc phúc. Lúc đó ta mới có thể chia áo cho người không áo, sẻ cơm cho người đói ăn… và còn sẵn sàng hiến mạng sống cho người Chúa thương. Chỉ khi đó ta mới vui với người vui, khóc với người khóc,và mùa vọng mới là mùa reo vui, mới vui luôn trong niềm vui của Chúa, vì chính Chúa đang ngự giữa ta và bình an của Thiên Chúa mới giữ lòng trí ta được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Amen (Bài I, II).

home Mục lục Lưu trữ