Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 50
Tổng truy cập: 1371737
CỘNG TÁC VỚI CHÚA
Cộng tac với Chúa
Bảy trăm năm về trước, tiên tri Isaia đã mô tả về đấng cứu thế, không phải với những đường nét của một vị đế vương hùng mạnh, nhưng với đường nét của một người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê.
Và ngày hôm nay, những đường nét ấy bắt đầu được thực hiện nơi Đức Kitô. Ngài là một bậc thầy dịu hiền, kiên nhẫn và khoan dung, cố gắng làm cho muôn dân nước nhận biết khuôn mặt và giới luật của Thiên Chúa. Nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ nhận thấy đúng như tiên tri Isaia đã loan báo:
- Này là tôi tớ mà Ta đã lựa chọn. Ngài sẽ không bẻ gãy cây sậy đã bị dập nát, không thổi tắt tim đèn còn leo loét…
Ngài không đến để đè bẹp muôn dân, nhưng đến để thiết lập công bình và rao giảng chân lý. Ngài sẽ mở mắt cho người mù, dẫn khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa khỏi ngục những người còn ngồi trong tăm tối.
Đúng thế, nhân loại như một kẻ bị đui mù bởi những đam mê dục vọng bất chính, thì ngày hôm nay Ngài đến để đem lại ánh sáng. Ngài không phải chỉ chữa lành những tật bệnh phần xác, mà còn thực sự giải phóng tâm hồn chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi bằng tình thương và ơn tha thứ.
Và cũng ngày hôm nay, nơi dòng nước sông Giocđan, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và từ trời có tiếng phán:
- Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Từ lời xác quyết của trời cao, chúng ta nhận biết Đức Kitô chính là người đầy tớ, người con yêu dấu của Thiên Chúa, đem lại cho tất cả chúng ta lời giao ước và ánh sáng, chân lý và tự do. Hay nói một cách khác, Ngài đến để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên, Ngài muốn chúng ta, những người Kitô hữu trên khắp cùng bờ cõi trái đất, cộng tác với Ngài để cùng làm việc cho nước Ngài được trị đến.
Jacques Loew, trước kia là một người vô thần, sau đó đã quay về với Chúa và trở nên một linh mục thuộc dòng Đa minh. Ngài có một đam mê về Đức Kitô, ngài sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để đem Tin Mừng đến cho những anh em nghèo túng và bất hạnh. Ngày kia, ngài đi dạo tại thành phố Marseille, vừa đi vừa suy nghĩ, phải làm thế nào để thực hiện cái ước vọng tông đồ của mình?
Như được Chúa soi sáng và kêu mời, ngài bỗng dưng đi tới quyết định: Để chống lại sự đau khổ và nghèo túng, thì chỉ có một phương thế, đó là hãy sống đau khổ và nghèo túng.
Đây không còn là những giây phút để ngồi nghiên cứu sách vở, thế là đi xuống chợ ngài mua một cái mũ và một bộ quần áo lao động như mọi người, rồi sau đó đi làm việc cực nhọc và sống với những người nghèo túng.
Và cứ thế tiếp diễn hơn 20 năm cuộc đời của ngài, để rồi cuối cùng ngài đã tìm thấy ngôn ngữ và phương cách truyền bá Tin Mừng cho người nghèo, để họ cũng nhận ra rằng: Nước Thiên Chúa đã trị đến.
Nỗi đam mê của các vị tông đồ nhiệt thành là như thế. Còn chúng ta thì thế nào? Chẳng lẽ chúng ta đành bó tay hay sao?
60. Khúc dạo đầu
Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây: Cả cộng đoàn đều thắc mắc khi thấy vị kinh sư của mình tuần nào cũng biến đâu mất vào hôm trước ngày Sabat. Họ nghĩ rằng ông bí mật đi gặp Đấng Tối Cao. Vì thế, họ cử một người theo dõi ông.
Và đây là điều người ấy chứng kiến. Vị kinh sư hóa trang bằng cách ăn mặc như một dân quê, đến phục vụ một bà già thuộc dân ngoại trong căn lều tồi tàn của bà. Ông quét dọn và nấu ăn cho bà trong ngày Sabat.
Khi thám tử trở về, cộng đoàn hỏi:
- Kinh sư đi đâu? Ngài lên trời phải không?
Người kia đáp:
- Không, ngài còn lên cao hơn cả trời nữa.
Có ai ngờ vị kinh sư lại âm thầm đến với người đàn bà ngoại đạo, nghèo nàn để chăm sóc bà trong ngày Sabat? Có ai tin được Đức Giêsu, Đấng thánh thiện cao cả, lại xin Gioan làm phép rửa cho?
Khi chiêm ngắm Đức Giêsu xếp hàng chung với tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu.
Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giorđan.
Chỉ có tình yêu mới làm cho Con Thiên Chúa tự che khuất sự cao sang thánh thiện, để dìm mình trong phép rửa “thống hối”.
Chỉ có tình yêu mới làm cho Đấng Cứu Độ sống như người cần được cứu độ.
Phép rửa hôm nay chỉ là khúc dạo đầu của bản trường ca tình yêu. Để rồi vì yêu thương, từ đây Con Thiên Chúa sẽ bị người đời liệt vào: “Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Bị người nhà coi là “kẻ mất trí”. Bị xua đuổi ra khỏi thành. Bị lên án như một tội nhân. Và bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta”.
Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một “phép rửa”. Người trầm mình trong đau khổ để mang lại ơn cứu độ cho mọi người: “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”.
Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở nên các Kitô hữu, “con cái yêu dấu” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi đi loan báo tin vui cứu độ, rằng Thiên Chúa yêu thương con người. Chúng ta được mời gọi đặc biệt để mang tình yêu Chúa đến cho những người cùng khổ, những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã trong tội. Martin Luther King có nói: “Hãy yêu thương mọi người đừng vì thiện cảm; cũng không vì cách sống của họ dễ mến, dễ thương. Nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong họ”. Nếu chúng ta chờ cho họ trở nên đáng yêu rồi mới yêu họ, chúng ta sẽ phải chờ suốt đời. Chính khi được yêu mà họ sẽ trở nên đáng yêu.
Trong biển đời mênh mông này, mỗi người đều không ngừng thay đổi cả hướng tốt lẫn hướng xấu, chúng ta chớ cho rằng mình đã hiểu tới chân tơ kẽ tóc một ai đó. Cứ nghe theo trái tim mách bảo mà quảng đại trao ban.
Zundel viết: “Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn, rằng họ chẳng gặp được lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi chúng ta”.
61. Dòng sông sám hối
Có vị sư nọ gặp ở giữa đường một viên ngọc quí. Vì nghĩ rằng mình là người tu hành không cần chi thứ đó, nên ông đem giấu viên ngọc này ở một gốc cây.
Ngày nọ có người hành khất đến ăn xin. Ông không có gì cho anh. Bỗng nhớ lại viên ngọc, nhà sư chỉ cho anh chỗ giấu. Người ăn xin đến gốc cây và tìm thấy viên ngọc. Cầm ngọc quí trong tay, người ăn xin rất đỗi vui mừng, nhưng anh ta suy nghĩ: Tại sao vị sư lại chấp nhận sống nghèo khó trong khi có một viên ngọc quí giá thế này? Sau một thời gian suy nghĩ, anh cầm ngọc quí trả lại cho nhà sư và nói:
“Bạch thày, con thấy trong lòng thày có một sự giàu có to lớn, đến nỗi thày không thiết đến viên ngọc này. Vậy con chỉ xin thày cho con sự giàu có trong lòng thày mà thôi”.
Câu chuyện tới đây là kết thúc, nên chúng ta không biết nhà sư có chỉ cho người ăn xin “sự giàu có bên trong” của ông không, nhưng Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy.
Giữa dòng người chen lấn nhau xuống sông Giorđan để xin Gioan làm phép rửa cho, tại sao chẳng một ai nhận ra Đức Giêsu, duy chỉ mình Gioan nói: “Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Phải chăng Gioan đã nhận ra “sự giàu có bên trong” của một con người rất đỗi bình thường ấy? Và chúng ta đã không phải đợi chờ lâu. Khi Gioan từ chối làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Giữ trọn đức công chính cũng có nghĩa là chu toàn thánh ý Chúa. Chính vì thế, khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa, Chúa Cha đã tuyên phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
Như vậy, sự giàu có đích thực không phải là thu tích cho nhiều của cải châu báu, mà là luôn giữ trọn đức công chính, là tuân hành thánh ý Chúa, là trở nên con yêu dấu của Cha.
Chính để sống đẹp lòng cha, mà người Con đã từ trời xuống thế, mặc kiếp phàm nhân để cứu độ muôn người. Hôm nay, Người kết thúc giai đoạn ẩn dật ở Nagiarét, để khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng. Người đi xuống Giorđan, để dìm mình trong dòng sông sám hối. Tiếng Giorđan trong ngôn ngữ Do thái có nghĩa là “người đi xuống”. Vì sông Giorđan quá thấp, thấp hơn mặt biển gần 400 mét. “người đi xuống” ấy không phải ai khác, chính là Con Chúa, Đức Giêsu Kitô. Người không chỉ xếp hàng chung với tội nhân, mà còn đồng hóa mình với tội nhân, để chết thay cho tội nhân. Chính nơi bờ sông, người ta mới có được sự yên tĩnh nghỉ ngơi, xa phố thị ồn ào. Nhìn dòng sông lững lờ trôi, lắng nghe dòng sông nhiều điều mách bảo.
Nếu Con Thiên Chúa đã chấp nhận hòa mình trong dòng người tội lỗi, có lẽ nào chúng ta lại dám nghĩ mình nhân đức thánh thiện hơn anh em.
Nếu Đấng Thánh vô cùng đã tự nguyện dìm mình xuống dòng sông sám hối, có lẽ nào chúng ta lại ngần ngại cúi mình lãnh nhận ơn tha thứ.
Lớp da cũ sau một lần tắm gội đã biến thành bùn đất. Con người cũ sau một lần đổi mới đã trở nên con người mới. Hãy ngẩng cao đầu đi giữa nhân sinh.
62. Người con Chúa
Chúa nhật cuối cùng của Mùa Giáng sinh thường được dành để kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của thánh Gioan Tiền hô tại sông Giorđan. Đây cũng là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nói chung và của Chúa Giêsu nói riêng, vì trong biến cố này Thiên Chúa muốn loan báo và mạc khải cho mọi người biết về Thiên Chúa và một số chân lý khác.
Trước hết, mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là một lần mạc khải công khai có cả Ba Ngôi cùng hiện diện: Ngôi Cha chỉ xuất hiện qua tiếng nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Ngôi Con là Chúa Giêsu, Đấng nhận phép rửa, đang hiện diện cụ thể ở sông Giorđan. Ngôi Ba Thánh Thần, xuất hiện qua hình ảnh chim bồ câu.
Thứ hai, mạc khải Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận và giới thiệu điều này và kêu gọi mọi người hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, hãy đến với Ngài để đón nhận nguồn hồng phúc vô biên của Thiên Chúa.
Thứ ba, mạc khải ý nghĩa và giá trị phép rửa của Chúa Giêsu. Chính thánh Gioan đã khẳng định điều này: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.
Xin chia sẻ một điều về ý nghĩa và giá trị cao quí của Bí tích Rửa tội. Chúng ta biết phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh. Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như thánh Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lụy nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nước trời.
Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được sinh lại làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội coi bí tích tửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.
Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội. Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu. Hai năm sau, cụ hấp hối. Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi. Cụ dõng dạc trả lời: “Tôi mới có hai tuổi. Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết. Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu phép rửa tội”. Thật là chí lý.
Bí tích Rửa tội quí trọng vô cùng, là cửa đưa chúng ta vào đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội, vào hàng ngũ con cái Chúa, đồng thời từ đây chúng ta được gọi là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Chúa Kitô. Mỗi Kitô hữu là một Đức Kitô thứ hai. Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao quí của chúng ta. Tước hiệu ấy không mua bằng tiền bạc. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè, mà phải luôn chiếu tỏa trong từng giây phút của cuộc sống.
Nhưng phải chăng nhiều người trong chúng ta đã là Kitô hữu một cách miễn cưỡng? Đức tin chưa phải là niềm vui sống mà chỉ là một mớ những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy nặng nề, khó khăn? Ngoài những ràng buộc của luân lý Kitô giáo và gánh nặng của những sinh hoạt đạo giáo, biết đâu nhãn hiệu Kitô hữu lại không là đầu mối của biết bao kỳ thị, thiệt thòi trong cuộc sống của chúng ta? Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta cuộc sống mới của những người con Thiên Chúa, cho dầu cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, có thể đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu, có thể gây nên những phiền toái, thua thiệt… nhưng đó là giá để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.
Đàng khác, chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đã sống ơn cao quí này như thế nào? Cha trên trời có hài lòng về chúng ta không? Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con”. Còn chúng ta thì sao? Nếu như bây giờ, nhận định về chúng ta, Chúa Cha sẽ nói thế nào? Chúa hài lòng hay Chúa phải buồn rầu, đau lòng và than phiền?
Chúng ta hãy nhớ: ơn cao trọng và cao quí nhất khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là ơn được làm con Chúa. Vậy chúng ta phải luôn cố gắng sống xứng đáng là những người con mà Chúa hài lòng về chúng ta.
63. Công khai thi hành thánh ý Cha
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hằng năm đánh dấu một giai đoạn mới của năm Phụng vụ. Giai đoạn 1 của mùa Thường niên được bắt đầu với lễ này. Quan trọng hơn là với lễ này chúng ta được nhắc nhớ lại biến cố có một không hai trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để cùng chịu phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả như bao nhiêu người khác. Biến cố này đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời của Người.
Sau ba mươi năm sống ẩn dật, hôm nay Chúa Giêsu chính thức công khai thi hành thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha là Người đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Vì vâng nghe theo thánh ý đó nên Chúa Giêsu đã được Chúa Cha long trọng tuyên bố: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1, 11)
Trọn cả cuộc đời của Chúa Giêsu, Người luôn xem thánh ý Chúa Cha là ưu tiên một. Cho nên, Người luôn vâng theo tất cả những gì Chúa Cha muốn. Thực sự thánh ý Chúa Cha chỉ vì yêu thương con người đang sống trong lầm than khốn khổ vì tội lỗi và sự chết.
Có thể chúng ta sẽ cho rằng Chúa Cha sao độc ác với Chúa Cha Con Một của mình quá. Trong bài đọc 1 chúng ta sẽ thấy Chúa Cha qua tiên tri Isaia cho biết: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Do đó, theo cách hiểu của hạn hẹp của con người, chúng ta chỉ hiểu được tất cả chỉ vì yêu thương con người nên Chúa Cha mới đành lòng như thế.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê đã ca tụng Chúa Giêsu: “Ðức Giê-su Ki -tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ”( Pl 2, 6 - 8)
Một trong những ơn của Bí tích Rửa tội là chúng ta được làm con Chúa Cha. Như thế, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha nói con là con yêu dấu của Cha nếu chúng ta biết sống như Chúa Giêsu đã sống. Thánh ý Chúa Cha năm nay đang được thể hiện qua thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục. Ðó là những những bậc làm cha mẹ hãy cố gắng củng cố gia đình của mình bằng đời sống đức tin gương mẫu.
64. Con đường của Đức Giêsu - Lm Nguyễn Hữu Thy
Cách đây đã khá lâu, xuất hiện ở Pháp một cuốn sách: «Các thánh đi xuống hỏa ngục». Cuốn sách diễn tả các hoạt động của những Linh Mục thợ thuyền đã rời bỏ Giáo Hội để sống liên đới hoàn toàn với giới thợ thuyền, nghĩa là họ đã đi con đường mà Giáo Hội công khai phê bình và phủ nhận.
Con đường của những vị Linh Mục thợ thuyền này đi sâu vào tất cả các lãnh vực của cuộc sống con người, những kẻ được ghi dấu bởi sự đói nghèo, bởi sự khốn cùng và cả những đen tối khác.
Kinh nghiệm sống của những Linh Mục thợ thuyền cuối cùng đã bị Giáo quyền Pháp phủ nhận. Chắc chắn là đã có nhiều vị trong số các Linh Mục thợ thuyền đó đã lệch lạc trên con đường đi tới với người nghèo, nhưng đàng khác, người ta cũng phải công nhận là cộng đồng thợ thuyền người Pháp luôn biết ơn ghi nhớ con đường dẫn vào «hỏa ngục» của đời họ mà các Linh Mục thợ thuyền đã đi. Chính tôi đã hơn một lần nghe người ta phàn nàn: «Trước kia Giáo Hội đã đến với chúng tôi. Ngày nay chúng tôi đã bị xa tránh!»
Và trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta đã nghe Ðức Giêsu đã đi trên con đường nào! Người đã không hề xa tránh những người nghèo khổ và những người tội lỗi.
Phép Rửa của Ðức Giêsu ở sông Gio-đan đã cho chúng ta thấy rằng Con Thiên Chúa cao cả đã hoàn toàn dấn thân sống hòa mình và chìm đắm mình vào kiếp sống gian khổ hèn yếu của phàm nhân. Vâng, qua cuộc sống cụ thể của Người với từng lớp người thấp kém và hèn hạ nhất trong xã hội, Ðức Giêsu đã hiện thực đúng nghĩa của chữ «chìm đắm.» Nhưng khi chúng ta nghe nói đến chữ «chìm đắm», tự nhiên chúng ta sẽ có ngay một cảm giác tiêu cực nào đó. Vì ai để mình «chìm đắm», thì phải hiểu là người đó đã nhập bọn với những người chẳng những là thiếu đứng đắn, mà nhiều khi còn là những kẻ tội phạm, những kẻ tội lỗi và rồi cùng họ làm những điều phạm pháp.
Phúc Âm đã tường thuật là Ðức Giêsu đã vào nhà của những kẻ tội lỗi và cùng đồng bàn với họ (x. Lc 19,7). Thực vậy, Ðức Giêsu đã không ngại ngùng đi vào tận đáy tất cả những chiều sâu của cuộc sống con người. Người đã đi xa đến nỗi Người đã không còn phân biệt mình với những kẻ tội lỗi nữa. Quả thực Ðức Giêsu đã nhập bọn với những kẻ tội lỗi, với những tội phạm và với những kẻ bị khinh bỉ, nhưng không phải để cùng họ làm điều xằng bậy phạm pháp, nhưng để yêu thương, che chở và cứu vớt họ Và cái chết của Người trên thập giá như một tên tội phạm là điểm chấm tận của con đường Người đã đi đó!
Tuy nhiên, trên con đường của Người trong một thế giới vô đạo và bất luân, Ðức Giêsu đã không hề lẻ loi một mình. Từ khởi đầu, Ðức Chúa Cha luôn ở bên Người và đã cho Người hay là Người đang bước đi trên chính lộ, trên con đường tương ứng với thánh ý Thiên Chúa, mặc dù nhiều người khác lại phê bình, chỉ trích và kết án. «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con». Nói cách khác: Cha rất hài lòng, là Con đã chọn đi con đường hoàn toàn liên đới với những kẻ đã hư mất, với những người đau khổ và bị coi khinh. Con hãy cứ tiếp tục bước đi trên con đường đó, cả khi nó sẽ bị chấm tận trong một thảm họa chóng qua. Con đừng sợ: Cha luôn ở bên Con với tất cả tình yêu thương của Cha!
Cả những lời Ðức Giêsu thốt lên trong khi hấp hối trên thánh giá: «Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con?», cũng không thể làm cho chúng ta hiểu sai về Cha trên Trời. Những lời đó là câu mở đầu của Thánh Vịnh Ai Ca (Tv 22), mà một trong những câu cuối Thánh Vịnh đã ca ngợi lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với những người công chính biết kính sợ Người: «Bởi vì Thiên Chúa chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu» (Tv 22,25). Người ta có thể quả quyết được rằng Ðức Giêsu cũng đã nói lên cho mình những lời đó khi người còn thoi thóp trên Thánh giá.
Hình ảnh con chim câu đậu xuống trên Người sau khi chịu phép rửa cũng đã chứng minh rằng con đường Ðức Giêsu chọn đi về phía những người tội lỗi đã không hề bị Thần Khí bỏ rơi. Trái lại, Chúa Thánh Thần đã cho Người sức mạnh để có thể chữa lành tất cả những kẻ đang «bị giam cầm trong quyền lực của ma quỉ» (Cv 10,38).
Nếu Phép Rửa của Chúa là tượng trưng cho sự dấn thân của Người vào cuộc sống nhân loại chúng ta và ám chỉ đến cái chết và sự sống lại của Người, thì chúng ta cần phải xét lại con đường sống của chúng ta: Chúng ta đang đi trên con đường nào? Chúng ta có can đảm đi tới những người sống ngoài lề xã hội? Chúng ta cư xử thế nào với những người đã không thành công trong cuộc sống, với những kẻ phạm pháp tù đày, với những người nghiện ngập tứ độ tường, với những người lang thang đầu đường xó chợ? Chúng ta đối xử thế nào với những người ngã sa và sống trong vòng tội lỗi?
Vâng, chúng ta là những người đã được rửa tội nhân danh Thiên Chúa. Liệu chúng ta có thể sống hòa mình, sống chìm đắm theo kiểu cách của Ðức Giêsu không? Liệu chúng ta có can đảm tiếp cận với xã hội xấu để có thể mang lại cho nó một bộ mặt mới mẻ không? «Các thánh đi xuống hỏa ngục» muốn ám chỉ các Linh Mục thợ thuyền ở Pháp, những người muốn bắt chước Ðức Giêsu dấn thân sống cho những kẻ bị thua thiệt mất mát trong cuộc sống. Có phải chúng ta muốn có được Thiên đàng trên trái đất, còn thế gian chúng ta lại giao mặc cho ma quỉ?
Ước gì Thánh Lễ hôm nay có thể dẫn đưa chúng ta vào con đường của Ðức Giêsu, tức con đường dẫn tới mọi anh em đồng loại của chúng ta, cách riêng những người nghèo đói, những người đau khổ và những người bị khinh khi miệt thị.
Ðức Giêsu, Người Anh Cả của chúng ta, đã dấn thân trọn vẹn cho loài người tội lỗi đến nỗi phải hy sinh mạng sống mình. Tình yêu của Người thật quá bao la! Nhưng Người đã phục sinh để sống trong một cuộc sống đầy sung mãn.
Con đường Ðức Giêsu đi thật khó khăn, nhưng cuối đường là sự sống thật, là hạnh phúc viên mãn! Chúng ta cũng sẽ đi theo con đường đó?
65. Quyết định
Nhiều người trải qua những giây phút mang tính cách quyết định trong cuộc đời. Họ tiến gần đến những ngã tư đường, mà tại đó, họ đối diện với những chọn lựa khác nhau về cơ bản, mà sau đó, cuộc đời họ sẽ không bao giờ trở lại giống như trước nữa.
Có thể có lúc tâm trí con người được soi sáng. Nếu con người biết đáp ứng lại ân sủng đó, thì họ được cất nhắc lên khỏi chính mình, và bắt đầu đi trên một con đường mới. Nếu không biết đáp ứng lại ân sủng đó, thì cơ hội đó có thể mất đi mãi mãi. Shakespeare nói một câu tương tự như sau:
“Trong những vấn đề của con người, có một ngọn sóng xuất phát từ triều cường, đưa đến vận may; do bị bỏ qua, nên tất cả hành trình của cuộc đời họ đều bị ràng buộc vào những chỗ nông cạn và đau khổ”.
Giây phút quyết định này có thể xô đẩy trên con người, tựa như một tiếng sét bất ngờ. Điều này xảy đến cho một người dân ở Dublin, tên là Matt Talbot. Anh rất đam mê uống rượu. Ngày kia, anh đang đứng bên ngoài quán rượu, van xin những người mà anh cho là bạn bè của anh, để được uống rượu. Nhưng họ bỏ đi. Đột nhiên, anh sáng mắt ra. Anh nhận thấy rằng anh đã tự hủy hoại cuộc đời mình, và anh quyết định bỏ uống rượu, và nhờ ơn Chúa giúp, anh còn nỗ lực nên thánh nữa.
Hoặc giây phút quyết định này có thể đến với con người một cách từ từ, như đã xẩy ra với mẹ Têrêsa. Mẹ đã từng làm việc từ thiện trong một trường dòng ở Calcutta. Nhưng trong thời gian đó, càng ngày mẹ càng cảm thấy áy náy trước sự kiện những người nghèo khổ không được ai quan tâm chăm sóc, nằm lăn lóc trên vệ đường ngay bên ngoài bức tường nhà dòng. Một ngày kia, mẹ rời khỏi nhà dòng, và đến làm việc giữa những người nghèo khổ. Tên của mẹ đã trở thành một tấm gương điển hình về lòng tận tụy đối với những người bị bỏ rơi.
Đức Giêsu cũng biết đến những giây phút đó trong cuộc đời của Người. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta một trong những giây phút quyết định đó – sự kiện Người được thánh Gioan tẩy giả làm phép rửa trên sông Giorđan. Đây là một điểm xoay chuyển trong cuộc đời của Người.
Trước khi diễn ra sự kiện này, Người đã sống một cuộc sống rất âm thầm và an toàn trong một ngôi làng thợ mộc ở Nagiarét. Nhưng trong suốt thời gian đó, Người đã được nghe thấy một tiếng gọi đến với một công việc nào đó quan trọng hơn. Thế rồi một người anh em họ của Đức Giêsu là Gioan bắt đầu công cuộc rao giảng và làm phép rửa cho mọi người. Đột nhiên, Đức Giêsu từ bỏ lối sống cũ của Người, và chọn lựa một lối sống mới – lối sống của một thày giảng dạy về mặt thiêng liêng, và chữa lành bệnh cho các anh chị em của Người.
Kể từ giây phút đó, cuộc đời của Người sẽ không bao giờ như trước nữa. Người đã tự phát hiện ra chính bản thân và ơn gọi thực sự của Người. Tất cả những phẩm chất còn ẩn giấu của Người về sự quan tâm chăm sóc và đầy yêu thương, được phát triển âm thầm tựa như hạt lúa mì trong một cánh đồng, thì nay đã tự tỏ hiện ra, và diễn tả đầy đủ.
Hầu hết chúng ta đều đã từng biết đến những giây phút chứng thực cho những thời điểm mang tính cách quyết định trong cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, có thể chiều hướng của cuộc đời chúng ta không phải là kết quả của một số quyết định, nhưng là của hàng loạt những quyết định nhỏ bé. Thỉnh thoảng, chúng ta cần phải nhìn vào chiều hướng cuộc sống của mình. Nếu không hài lòng với các sự việc đang diễn tiến, thì chúng ta nên thử thay đổi. Có lẽ chúng ta đang đi vào lối sống xáo mòn. Trong trường hợp đó, chúng ta nên cố gắng thoát ra khỏi lối sống đó.
Trong lúc lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta chỉ ra một hướng sống đặc biệt. Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, và sống dồi dào (Bài đọc 1). Nơi phép rửa tội, chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, chúng ta trở thành những môn đệ của Đức Giêsu. Chúng ta được kêu gọi chiến đấu chống lại sự dữ, và sống yêu thương nhau (Bài đọc 2).
Vấn đề cuối cùng đối với người Kitô hữu là: Liệu tôi có thực sự sống theo phương hướng mà tôi đã được chỉ cho thấy, trong ngày lãnh nhận phép rửa tội không?
66. Trưởng thành
Hầu như những bông hoa ở dãy núi Alpes luôn bừng nở ngay khi đụng chạm vào tia nắng mùa xuân. Chúng có khả năng đáp ứng rất nhanh chóng, bởi vì chúng vẫn đang âm thầm phát triển dưới lớp vỏ đầy tuyết của trái đất, và đang chờ đợi được mở cánh cửa để bung ra. Chúng chín mùi đối với tiếng gọi của mùa xuân, chín mùi để phát triển và bừng nở.
Đức Giêsu đã sống 30 năm tại Nagiarét. Tại sao Người chờ đợi quá lâu như vậy? Phải chăng Người chỉ lãng phí cuộc đời của mình một cách vô ích? Không gì có thể vượt qua sự thật được. Ơn gọi đòi hỏi một thời kỳ huấn luyện và đào tạo. Những sự việc sâu xa đã trải qua hình thành nên nhân cách của một người, đó là những sự kiện tạo nên tính cách của người đó. Con người phải sẵn sàng trải qua một thời gian học hỏi.
Trước hết, Đức Giêsu đã sống một cuộc sống thật sự và đích thực. Người bắt đầu bằng cách làm, trước khi Người khởi sự đi rao giảng cho người khác. Người phải đảm bảo sao cho khu vườn của riêng mình bừng nở, trước khi chỉ cho người khác cách thức chăm sóc khu vườn của họ.
Trong suốt 30 năm sống tại Nagiarét, Đức Giêsu đã âm thầm phát triển trong sự khôn ngoan và ân sủng. Người ta đã hình dung về Đức Giêsu như một người con trai tử tế, mang một nét gì đó khác biệt, và ngoài ra nơi Người, có một vẻ thường xuyên chăm chú. 30 năm là một thời gian dài. Tuy nhiên, nên có một thời gian chuẩn bị tương đối dài, thì tốt hơn là bắt đầu trước khi sẵn sàng. Trong suốt những năm tháng âm thầm đó, Đức Giêsu đã phát triển đến mức độ chín mùi.
Khi cuối cùng tiếng gọi đến, không có gì xa lạ đối với Người nữa. Tiếng gọi này luôn luôn ở trong Người, nhưng Người không thể vội vàng được. Người không thể thực hiện theo tiếng gọi đó sớm hơn. Tương lai phải đi vào trong con người chúng ta, trước khi điều đó xảy ra. “Khi vận mệnh đến với một người từ bên trong, từ nơi sâu thẳm nhất trong nội tâm người đó, thì vận mệnh này làm cho họ trở nên mạnh mẻ, biến họ thành thượng đế” (Hermann Hesse).
Đó là tiếng gọi phục vụ những anh chị em của Người. Đức Giêsu đã chín mùi đối với tiếng gọi này. Và thời điểm cũng chín mùi. Khi thánh Gioan bắt đầu một phong trào hoán cải, trở về với Thiên Chúa, thì một ngọn sóng đang tuôn trào.
Chúng ta cũng cần được làm cho chín mùi. Khi không chín mùi, thì người ta không có khả năng đáp ứng một cách đúng đắn được. Khi đưa đến cho ai điều gì, trước khi người đó được chuẩn bị để đón nhận điều này, thì chỉ là sự lãng phí. Chúng ta phải chờ đợi yếu tố tự nhiên.
Chúng ta học hỏi được sự kiên nhẫn từ nơi thiên nhiên. Thiên nhiên có thời điểm của nó. Chúng ta nhận thấy sự đâm chồi ở các loại củ diễn ra từ từ. Quả nào thiếu mất một giai đoạn trong quá trình phát triển của nó, thì không bao giờ đạt được sự phát triển.
Chúng ta cũng được mời gọi phát triển trong sự khôn ngoan và ân sủng. Đức Giêsu phải mất 30 năm mới tiến đến sự trưởng thành và đạt được sự khôn ngoan. Chúng ta sẽ mất suốt cả cuộc đời để phát triển, trưởng thành, và chín mùi trong tư cách là những con cái của Thiên Chúa.
Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự kiên nhẫn và sức mạnh, để nuôi dưỡng những hạt mầm mà Người đã gieo nơi chúng ta trong ngày sinh nhật thiêng liêng của chúng ta – ngày lãnh nhận phép rửa tội – cho đến khi chín mùi.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH (10/05/2025) .: TẬN HIẾN CHO ĐÀN CHIÊN (10/05/2025) .: CON CHIÊN CỦA CHÚA GIÊSU (10/05/2025) .: NGƯỜI MỤC TỬ (10/05/2025) .: NGƯỜI CHẾT VÌ YÊU (10/05/2025) .: VỊ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH (10/05/2025) .: A LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH (10/05/2025) .: AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (10/05/2025) .: TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI VÀ CHIÊN TÔI BIẾT TÔI (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH - MÙA XUÂN HỘI THÁNH (10/05/2025) .: TÔI CÓ THUỘC ĐOÀN CHIÊN CHÚA KHÔNG? (10/05/2025) .: CHÚA CHIÊN LÀNH NHẬN BIẾT CHIÊN CỦA NGƯỜI (10/05/2025) .: KITÔ HỮU THAM DỰ SỨ VỤ MỤC TỬ CỦA CHÚA GIÊSU NHỜ CHỨC NĂNG VƯƠNG GIẢ (10/05/2025) .: KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI (10/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam