Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 24

Tổng truy cập: 1373774

CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN

Cứ để cả hai mọc lên.

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”, Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công, bạo lực, khổ đau, chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt.Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: UNESCO, UNICEP, FAO, OLYMPIC, WORLD CUP là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?”.Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính. Kẻ ác thắng kẻ thiện, cũng thất vọng kêu trách: Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù: kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta. Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau: con rắn cám dỗ phỉnh gạt (St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3). Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta: nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế: Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người nhưng nó đã có trước đó.Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỷ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn: “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người,còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma: Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành.Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31;15,12).Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc,rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm ( Rm 7,19). Con người có tự do để chọn lựa cái đúng cái sai, chọn cái tốt cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt.Thiên Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

 

  1. Quyền năng Thiên Chúa

Ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Người mà làm nên mọi sự. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa cũng vậy, Người đã dùng quyền năng của mình mà làm cho muôn loài muôn vật được phát triển. Cho dù con người có nhìn nhận sự hiện diện cũng như quyền năng của Thiên Chúa hay không thì Thiên Chúa vẫn có đó và quyền năng của Người vẫn bao trùm trên mọi loài thụ tạo.

Trong bài Tin mừng chúng ta được mời gọi suy niệm hôm nay, Chúa Giêsu đã kể ba dụ ngôn để cho thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa trên mọi loài. Tuy nhiên, quyền năng Thiên Chúa là để thực thi tình yêu của Người trên muôn loài, để tha thứ và để mời gọi trở về chứ không phải là để đánh phạt hay tiêu diệt.

Trong ba dụ ngôn, chúng ta thấy nổi lên tư tưởng chủ đạo đó là: Quyền năng của Thiên Chúa tuy ẩn tàng khó thấy nhưng mạnh mẽ như hạt cải, như nắm men đã làm cho cả khối bột dậy men, đã sinh trưởng thành những cây cải thật to… nhưng quyền năng ấy lại được thể hiện trong thầm lặng trong đợi chờ như người chủ đợi chờ ngày thu hoạch, đợi chờ ngày có sự phân biệt rõ ràng giữa lúa và cỏ lùng để không làm hại lúa cũng như chờ cỏ lùng có thể biến đổi để trở thành lúa. Ông chủ ruộng vẫn biết nếu để cỏ lùng trong ruộng lúa của mình có thể nó làm hại cho lúa, làm cho lúa có thể khó phát triển. Ông biết rằng mình có đủ sức mạnh để làm cho ruộng lúa của ông sạch bon cỏ lùng nhưng vì lòng ưu ái ông dành cho lúa, lòng nhân từ ông dành cho cỏ lùng nên ông chờ cho đến cơ hội cuối cùng.

Thiên Chúa là chủ ruộng đầy lòng nhân từ, vẫn biết rằng mảnh đất ven đường, mảnh đất sỏi đá, mảnh đất gai góc không thể nào làm cho hạt giống phát triển nhưng chủ ruộng là Thiên Chúa vẫn gieo Lời của Người vào tâm hồn của tất cả mọi người, Người không chọn lựa cũng không kỳ thị một ai. Bài tin mừng hôm nay cũng thế, vẫn biết rằng cỏ lùng khó có thể biến đổi trở thành lúa thế mà chủ ruộng này vẫn kiên trì chờ đợi, cho cơ hội đến phút cuối cùng… Thiên Chúa cũng đối xử như thế đối với những người tội lỗi.

Nhìn vào lịch sử dân Israel chúng ta có thể dễ dàng thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ. Bốn chữ “Tội – Phạt – Hối – Cứu” vẫn luôn đồng hành với dân Israel. Thiên Chúa dùng quyền năng của Người để biểu lộ tình yêu, để thông chia tình yêu, nhưng khi dân từ chối tình yêu này thì họ đã đi vào con đường lầm lạc, họ tự nhận lấy án phạt do chính họ mang đến. Nhưng khi họ quay trở lại với Chúa thì Người vẫn không từ chối họ, cho họ được trở lại làm con cái Chúa. Quả là Thiên Chúa vẫn một lòng xót thương.

Suy niệm bài tin mừng hôm nay xin Chúa cho chúng con nhận biết được quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn ấp ủ chúng con, hướng dẫn và làm cho cuộc đời chúng con nên tươi sáng, xin Chúa cũng cho chúng con luôn biết quy hướng về Chúa để cái đổi đời sống và luôn chạy về trong vòng tay đầy tình thương của Chúa.

 

  1. Không muộn.

Mục sư Martin Luther King, người đấu tranh giành tự do cho nô lệ da đen tại Hoa Kỳ bằng phương pháp bất bạo động đã kể lại câu chuyện như sau:

Chúng tôi đã có dịp viếng thăm bang Kerela ở cực Nam Ấn Độ. Một buổi chiều cuối tuần, chúng tôi đến bãi biển Cap-Comorin, thường được gọi là “nơi tận cùng của thế giới”, vì đây là mũi đất cuối cùng của lục địa Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương.

Trước mắt chúng tôi là đại dương mênh mông, với các đợt sóng nhấp nhô. Nơi đây được gọi là điểm hẹn của ba biển cả: Ấn Độ Dương, biển Ả Rập và vịnh Bengal. Ngồi trên tảng đá nhô ra trên mặt nước, chúng tôi cảm thấy mình bị cuốn hút vào biển cả mênh mông. Trong khi các đợt sóng dồn dập vào mỏm đá, tạo nên một bản nhạc nhịp nhàng, thì về phía tây, chúng tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói đang dần dần đi vào biển cả. Khi mặt trời gần khuất, vợ tôi đánh động tôi và nói: “Xem kìa, Martin, thật là tuyệt vời, phải không?” Tôi đưa mắt nhìn chung quanh và kìa mặt trăng đang từ từ lên khỏi lòng biển trong khi mặt trời chậm chạp đi xuống biển sâu. Khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm mặt đất, nhưng từ phía đông, mặt trăng mọc lên, rực rỡ, chói sáng.

Khi ánh sáng mặt trời tắt dần và dìm chúng ta vào trong bóng tối dày đặc, có thể ví như thời điểm của cái ác và sự dữ lộng hành, biến chúng ta thành nạn nhân của thế lực đen tối. Nhưng hãy nhìn về phía đông, chúng ta sẽ thấy một ánh sáng rực rỡ huy hoàng ngay trong đêm tối. Và đêm đen lại sáng tỏ như ban ngày. Đó là lúc điều thiện và cái tốt đang vươn lên mạnh mẽ. Nếu đã có ánh sáng ban ngày hướng dẫn chúng ta lúc thuận buồm xuôi gió, thì cũng có ánh sáng ban đêm dẫn đưa chúng ta khi bão tố phong ba. Cả hai phải cùng tồn tại để đồng hành với chúng ta đến với nguồn sáng vĩnh cửu là Thiên Chúa.

Đức Giêsu, trong bài Tin mừng hôm nay đã khẳng định lập trường của Thiên Chúa qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt. Đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Kể từ khi nguyên tổ nuốt lấy trái cấm thì sự dữ và cái ác như con bạch tuộc vươn vòi đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó dai dẳng, ngoan cố, lì lợm, không dễ dàng buông tha nếu chúng ta không chống cự lại một cách mãnh liệt, dứt khoát. Chẳng thế mà Kinh thánh đã dùng biểu tượng con rắn để mô tả hành động xảo trá của sự dữ luôn gieo rắc bất hoà trong bản hoà tấu nhịp nhàng của đời sống con người.

Trong dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu khẳng định về sự xuất hiện của cỏ lùng là do kẻ thù đã gieo chúng vào ruộng lúa.

Cho dù kẻ thù đó là Satan hay bởi chính sự lạm dụng tự do của con người, thì cỏ lùng luôn mang đến tai hoạ và chết chóc.

Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian, nhưng mùa gặt đến, nó sẽ bị gom lại và đốt đi. Còn lúa tốt lại được cất vào kho lẫm.

Cho dù cứ để cỏ lùng và lúa tốt cùng lớn lên cho đến mùa gặt, nhưng không phải là để dung túng cho cái ác và để sự dữ lộng hành.

Thiên Chúa có chương trình hành động của Người: Trong hành trình của mỗi con người, vẫn có cỏ lùng mọc chung với lúa tốt, vẫn có cái ác sống chung với cái thiện, vẫn có bóng tối chen lẫn cùng ánh sáng. Đó là cuộc chiến đấu trường kỳ giữa sự lành và sự dữ. Trong lòng người tín hữu rễ cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen lẫn nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy khi viết: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi cứ làm”. Người tín hữu hay bị cám dỗ ở trong tình trạng chưa là tội nhân mà cũng chưa muốn tìm về thánh thiện.

Khi chiến đấu chống lại sự dữ, chúng ta không chiến đấu đơn độc, có Chúa cùng chiến đấu với chúng ta, như một người Cha đầy yêu thương. Nhưng người không can thiệp để tiêu diệt sự dữ một cách vũ bão, vì Người đã ban cho chúng ta sự tự do, và bởi chúng ta là những con người có trách nhiệm. Sự dữ nào cũng có phần cộng tác của con người, tội lỗi nào cũng mang dấu tay của những kẻ đồng loã. Evà đã chẳng phạm tội nếu bà đừng đưa tay ra hái trái cấm. Để cứu lấy con người luôn luôn sa ngã, Thiên Chúa đã phải nhẫn nại, chờ đợi sự hoán cải tuy rất chậm chạp của họ.

Thiên Chúa yêu thương con người, và không hề quên sót một ai, cho dù họ là những tội nhân:

Nếu Thiên Chúa tỏ ra chậm chạp trong việc chống lại tội lỗi, là để chúng ta có thời gian mà sám hối canh tân.

Nếu chúng ta yếu đuối lầm lỗi, thì Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để can đảm trỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Nếu phải bước đi trong bóng đêm tăm tối vì mất niềm hy vọng, thì Người sẽ là ánh sáng dẫn đường để chúng ta đến với niềm tin.

Thiên Chúa khinh ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân, vì Nười chờ đợi nơi họ lòng thống hối để được Người thứ tha. Thiên Chúa khoan dung, độ lượng không phải để dung túng cho các tội nhân, nhưng là để cho họ thời gian thức tỉnh mà quay trở về.

Chúa đã bao dung nhẫn nại với chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại thiếu nhân hậu khoan dung với kẻ tội lỗi? Chúa đã yêu thương chúng ta, lẽ nào chúng ta không dùng tình yêu của Người mà hoán cải anh em? Lòng tương xót Chúa muốn kéo chúng ta vào quê hương vĩnh cửu. Nhưng không phải là một cuộc hành trình đơn độc. Trái lại, phải là một ngày hội thắm đẫm tình yêu, đầy ắp tiếng cười.

 

  1. Sức mạnh ẩn tàng

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn nói về cây cỏ lùng trong cánh đồng lúa tại Việt Nam chúng ta. Hai mươi năm nay, ai là nông dân, và có làm lúa ngắn ngày, chắc hẳn sẽ biết cây cỏ lùn khá rõ. Trước năm 1975, nói tới cỏ lùng, người công giáo hầu như chỉ biết cỏ lùng qua bài dụ ngôn trong Phúc âm mà thôi. Thực tế, người ta không biết cây cỏ lùng ra sao cả. Như trên đã nói, chỉ sau năm 75, khi làm lúa ngắn ngày, người ta mới biết cỏ lùng là gì. Đặc điểm của cỏ lùng chính là vì nó rất giống cây lúa – chỉ khác là nó xanh đen, mướt hơn, và lá dài hơn. Chỉ khi cây lúa đã già, sắp trổ bông, người ta mới phân biệt được cỏ lùng và lúa. Chúng ta cũng không biết cây cỏ lùng trong ruộng lúa ở Việt Nam hôm nay, có phải là cây cỏ lùng thời Chúa Giêsu không? Dầu sao xem ra, cỏ lùng này cũng có những đặc điểm khá giống những gì Chúa Giêsu muốn nói. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của ông chủ…. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.

a/. Chúng ta thử nghe lại cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn cỏ lùng gieo trong ruộng: Chúa nói: hạt giống tốt là con cái Nước Trời – Người gieo giống chính là Con Người (Chúa Giêsu) – ruộng là thế gian – cỏ lùng là con cái ác thần – kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ – mùa gặt là ngày tận thế – thợ gặt là các thiên thần.

Chúa nói tiếp: Khi đến mùa gặt, sẽ không gặt lúa trước, nhưng ông chủ bảo thợ gặt lo nhổ cỏ lùng trước, rồi đốt đi. Hình ảnh Nước Trời ngày tận thế cũng vậy, Chúa sẽ sai thiên thần tập trung mọi kẻ xấu tống ra khỏi Nước Trời, cho họ vào lò lửa… còn kẻ lành sẽ được vinh quang trong Nước Trời…

b/. Có hai điều rút ra từ bài học Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:

Hình ảnh Nước Trời: được ví như hạt giống tốt được gieo trong ruộng là tâm hồn chúng ta. Hạt giống lúc đầu rất bé nhỏ âm thầm, như hình ảnh hạt cải, chỉ bé xíu thôi; nhưng hạt giống Nước Trời có sức mạnh vô biên, có thể sinh hoa kết quả…. Hình ảnh của một viên men, chỉ có 28grs, có thể làm cho một thúng bột độ 7 kg 500, đều dậy men… cũng chính là hình ảnh nói lên sức mạnh Nước Trời. Dỉ nhiên Nước Trời không phải là hạt giống, cũng không phải là viên men; đó chỉ là hình ảnh tượng trưng mà thôi…

Hình ảnh Nước Trời: ta thử nhìn vào lịch sử Kitô giáo, lúc đầu vào thời Giáo hội sơ khai, chỉ là một nhóm nhỏ gồm 12 tông đồ, một số môn đệ và ít người tin Chúa. Ngay thời đó, Giáo hội bị bắt bớ đủ điều. Rồi trải qua 20 thế kỷ, hầu như không lúc nào Giáo Hội không bị bắt bớ, có lúc hầu như người ta tưởng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vậy mà ngày nay trên thế giới, có lối 1 tỷ người Kitô hữu. Hầu như cứ 8 người thì có một người tin vào Thiên Chúa. Chúng ta không nói đến sức mạnh của tổ chức xã hội Kitô giáo, nhưng là nói đến sức mạnh của Hạt giống Lời Chúa, là ân sủng Chúa. Sức mạnh này có giá trị vô biên, mạnh hơn cả sự chết…

Chúa muốn con người cộng tác vào việc phát triển Hạt giống Nước Trời: Hạt giống Nước Trời tuy có sức mạnh vô biên, nhưng hạt giống đó phải được gieo trên đất tốt. Hạt giống được gieo trong bụi gai, bên vệ đường sẽ không sinh hoa kết trái được. Viên men muốn làm cho thúng bột dậy lên, phải được người đàn bà trộn trong bột. Hạt cải muốn thành cây, phải được con người gieo trồng cẩn thận, và phải được chăm sóc chu đáo….

Qua lịch sử của Hội thánh, các thánh hiển tu, cũng như các vị tử đạo, họ là những con người đã hết lòng vì Nước Trời. Chính vì thế, họ cộng tác hết sức chặt chẻ để mong cho Hạt giống Nước Trời lớn lên; họ luôn tỉnh thức cầu nguyện, lấy Lời Chúa và Thánh Thể làm sức sống. Họ cũng là nhân chứng của Tin mừng, luôn xây đắp yêu thương và tha thứ…

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Qua những điều suy niệm kể trên, ta thấy được sức mạnh vô biên của Hạt giống Lời Chúa, vậy ta có sẵn sàng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời bằng cách như Chúa mong muốn không?

 

  1. Sự nhẫn nại thật sự – Lm. Cantalamessa.

Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, người giảng Phủ Giáo Hoàng đã giải thích về dụ ngôn cỏ lùng và hột giống tốt.

* * *

Hột giống và cỏ lùng

Nước Trời có thể sánh với một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; nước Trời giống như một hột cải; nước trời giống như chất men. Ba câu đầu này của những dụ ngôn đủ cho chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang nói với chúng ta về một nước “Trời”, nhưng nước đó được tìm thấy “trên mặt đất.”

Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có một chỗ cho cỏ lùng và sự mọc lên, chỉ trên mặt đất mới có bột cần chất men. Trong nước cuối cùng, không có cái gì trong tất cả những thứ đó, nhưng duy nhất chỉ có Chúa, đấng sẽ là tất cả trong tất cả mọi người. Dụ ngôn hột cải biến thành một cây chỉ rõ sự lớn lên của nước Chúa trong lịch sử.

Dụ ngôn chất men cũng chỉ sự lớn lên của nước Chúa, nhưng không phải một sự lớn lên trong sự trải rộng cho bằng trong sự hùng mạnh; nó chỉ sức mạnh biến đổi Người có sức mạnh đó có thể đổi mới mọi sự. Hai dụ ngôn sau cùng này được các môn đệ hiểu dễ dàng. Nhưng dụ ngôn thứ nhất không được hiểu dễ dàng như thế đó là dụ ngôn cỏ lùng.

Sau khi bỏ những đám đông, và khi vào đến nhà, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự đó: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.. Chúa Giêsu đã giải nghĩa dụ ngôn. Người nói Người là kẻ gieo giống, hột giống tốt là con cái nước trời, những cỏ lùng là những con cái kẻ dữ, và đồng ruộng là thế gian và mùa gặt là ngày tận thế.

Đồng ruộng là thế gian. Trong thời cổ Kitô giáo, các người Donatists đã giải quyết vấn đề một cách đơn giản và nói rằng Giáo Hội là tất cả những kẻ lành, và thế gian thì đầy dẩy những con cái kẻ dữ, không có hy vọng gì được cứu độ. Nhưng tư tưởng của Thánh Augustinô trổi bật hơn, tư tưởng đó là tư tưởng về Giáo Hội phổ quát.

Chính Giáo Hội là một cánh đồng, trong đó những hột giống và những cỏ lùng, những kẻ tốt và những người xấu, đều mọc lên chung, là một nơi có chỗ để mọc, để được cải thiện và hơn hết để bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. “Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại” (Th.Augustine).

Bài đọc thứ nhất, trích từ Sách Khôn Ngoan, cũng nói về sự nhẫn nại của Chúa, với thánh thi ca ngợi sức mạnh của Chúa: “Nhưng dầu Chúa là chủ tể sức mạnh, Chúa xét xử nhân hậu, và Chúa cai trị chúng con với nhiều khoan dung,… Và Chúa đã dạy dân Chúa, bằng những việc làm này, là những kẻ công chính phải ở hiền lành, và Chúa ban cho con cái Chúa điều kiện tốt để hy vọng Chúa cho phép sám hối vì tôi lỗi của họ.”

Hơn nữa, sự nhẫn nại của Chúa, không phải là một sự nhẫn nại đơn giản, nghĩa là chờ tới Ngày Phán Xét và lúc đó phạt theo thoả thích. Đó là sự nhẫn nhục, lòng thương xót và ý muốn cứu vớt. Do đó, trong Nước Chúa, không có chỗ cho những tôi tớ không biết nhẫn nại, cho những người không làm gì hơn là kêu xin Chúa phạt và thỉnh thoảng chỉ cho Chúa con người Chúa phải đánh.

Một ngày kia Chúa Giêsu quở trách hai môn đệ của Người muốn lửa mưa từ trời xuống trên những kẻ đã không tiếp rước Người (Lc 9:55). Có lẽ cũng phải quở trách như vậy đến một số người quá sốt sắng đòi công lý, hình phạt và báo oán những kẻ giữ cỏ lùng của thế gian.

Sự nhẫn nại của ông chủ ruộng cũng được chỉ như một gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta phải chờ mùa gặt, nhưng không phải như những đầy tớ khó kiềm hảm, giữ chặt cái liềm, dường như nóng lòng thấy gương mặt của những kẻ dữ trong Ngày Phán xét. Ngược lại, chúng ta phải chờ như những người coi ý muốn của Chúa là của mình, là “tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý ” (1 Tim. 2:4).

Do đó, một lời kêu gọi sống khiêm tốn và nhân hậu, là điều được gặt hái từ dụ ngôn hột giống và cỏ lùng. Chỉ có một đồng ruộng đúng đắn và cần thiết để nhổ ngay cỏ lùng, đó là từ chính lòng của mình!

home Mục lục Lưu trữ