Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 33

Tổng truy cập: 1375162

CÙNG LOAN TIN MỪNG VÓI CHÚA GIÊSU

CÙNG LOAN TIN MỪNG VÓI CHÚA GIÊSU

 

 

 

 

 

 

 

Lm. Inhaxiô Trần Ngà 

Tin mừng hôm nay cho biết đang khi Chúa Giê-su từ biệt các môn đệ để lên trời thì Ngài lại hứa ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế. Làm sao vừa lên trời xa cách các môn đệ lại vừa ở lại mãi với các ông được?

Xin mượn một thí dụ để giải thích điều nầy: Nếu tôi chỉ có một quả cam và tôi muốn phát cho một ngàn người hiện diện trong nhà thờ nầy, mỗi người một quả, thì điều đó không thể thực hiện được.

Nhưng nếu tôi có một điều khôn ngoan, chẳng hạn điều tôi học được từ Chúa Giê-su: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn mình thì được ích gì!” rồi tôi đem “phân phát” điều khôn ngoan đó cho cả ngàn người ngồi nơi đây, thì mỗi người đều có thể nhận được nguyên vẹn một điều khôn ngoan y như nhau.

Thế đó, nếu chỉ có một đơn vị vật chất hữu hình (như một quả cam) thì ta không thể đem ban phát cho nhiều người, mỗi người một đơn vị được; nhưng trái lại, điều gì thiêng liêng không lệ thuộc vật chất thì ta có thể đem “phân phát” cho nhiều người và ai cũng được lãnh nhận trọn vẹn món quà đó như nhau.  

Tương tự như thế, khi Chúa Giê-su lên trời, chính là lúc Ngài chấm dứt sự hiện diện trong thân xác hữu hình để trở nên Đấng vô hình, thì Ngài không còn bị lệ thuộc vật chất, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên Ngài có thể hiện diện trong tâm hồn mọi tín hữu và mỗi người đều có Ngài hiện diện trọn vẹn trong bản thân mình.

Chúa Giê-su ở với chúng ta để làm gì? 

Là để đồng hành với chúng ta trên hành trình rao giảng Tin mừng như lời Ngài mời gọi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. (Mt 28, 19-20) Như thế, hôm nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sứ mạng cứu độ của Ngài qua chúng ta.

Nhưng có người tự nghĩ rằng: Bản thân tôi yếu kém mọi bề, làm sao tôi có thể tham gia vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su được? Xin hãy tin rằng điều này có thể được nếu chúng ta biết tựa nương vào Chúa.

Lúc mới lên năm, tôi được cắp sách đến trường để học những con chữ đầu tiên. Cô giáo đầu đời của tôi là một nữ tu. Vì tôi không thể tự mình viết được bất cứ chữ gì, nên Dì nắm lấy bàn tay nhỏ bé của tôi, để bàn tay bé xíu của tôi nằm gọn trong bàn tay của Dì và như thế, Dì kèm cho tôi viết nên những con chữ đầu đời.

Hôm nay Chúa Giê-su đang ở trong mỗi người chúng ta như lời Ngài phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Ngài tha thiết kêu mời chúng ta hợp tác với Ngài trong việc loan Tin mừng và cứu độ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những gì Thầy đã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20)

Còn rất nhiều người chưa nhận biết Tin mừng của Chúa Giê-su. Tâm hồn họ là những trang giấy trắng. Chúa Giê-su rất muốn nắm lấy bàn tay nhỏ bé yếu đuối của chúng ta để viết lên trong tâm hồn họ những trang Tin mừng về Thiên Chúa là Cha yêu thương, về mọi người là anh em một nhà, về tình huynh đệ không biên giới… Chúa Giê-su muốn sử dụng chúng ta như khí cụ hữu hiệu mang lại ơn cứu rỗi cho nhiều người. Điều quan trọng là chúng ta có bằng lòng để cho Ngài thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài qua chúng ta hay không.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa khao khát cho nhân loại được cứu độ và Tin mừng được thấm nhập vào tâm hồn mọi người, và Chúa muốn thực hiện khát vọng đó qua những người phàm yếu đuối như chúng con.

Xin giúp chúng con biết hiến dâng đời mình cho Chúa toàn quyền sử dụng, biết đặt bàn tay nhỏ bé của mình nằm gọn trong lòng bàn tay Chúa, để Chúa viết nên những trang Tin mừng trong tâm hồn nhân loại.

 

Trở về Mục lục

 

 

THIÊN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU

P. Trần Đình Phan Tiến

Khởi đi từ bài dọc I hôm nay ( Cv 1, 1- 11), chúng ta thấy Thiên Tính của Chúa Giêsu thật rõ ràng , minh bạch đến độ không ai có thể so sánh, biện minh, hay chối từ nữa. Một Thiên Tính duy nhất, người được rước lên trời trước mặt các tông đồ. Chúa Giêsu không bày tỏ Thiên Tính khi Người Phục Sinh, nhưng , Người bày tỏ Thiên Tính khi chịu phép Rửa tại Sông Giodan, Biến Hình trên Núi Tabor. Nhưng, Thăng Thiên là mầu nhiệm bày tỏ Thiên Tính rõ nhất, bởi vì, không một phàm nhân nào thể hiện được điều đó. Qua mầu nhiệm Thăng Thiên chúng ta tin vào mầu nhiệm Chúa Giêsu có hai bản tính, một là Nhân Tính, hai là Thiên Tính. Mầu nhiệm Giáng Sinh không ai nhìn thấy, ngoại trừ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Người, thánh Cả Giuse , Dưỡng Phụ của Người, thì không ai nhìn thấy. Mầu Nhiệm Phục Sinh mở ra , không ai nhìn thấy, vì , mầu nhiệm Phục Sinh chưa tiết lộ phần Thiên Tính của Chúa Giêsu, Con Chí của Thiên Chúa.

Theo đó, chúng ta thấy, Mầu nhiệm Phục Sinh là Người bày tỏ hoàn toàn phần hữu hình, Mầu nhiệm Phục Sinh còn liên quan hoàn toàn đến sự hữu hình của Người. Để minh chứng sự hiển nhiên phần Nhân Tính, tức sự hữu hình của Chúa Giêsu. Vì vậy mầu nhiệm Phục Sinh đi liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu, vì khi sống lại, Người biểu lộ trọn vẹn phần Nhân Tính của Người, dù giây phút Người Phục Sinh không thụ tạo nào được chứng kiến. Điều nầy nói lên , khi  Chúa Giêsu Người đã hoàn tất mầu nhiệm” Đau Khổ”, tức cái chết để cứu chuộc nhân loại, thì không còn thế lực nào làm chủ Người được nữa.

Từ giây phút Phục Sinh đến lúc trở về Trời, hôm nay, tức Mầu Nhiệm Thăng Thiên , Chúa Giêsu hoàn toàn làm “chủ” khi xuất hiện nơi nầy, nơi khác, không còn thế lực nào làm chủ Người được. Vì vậy, chúng ta thấy được phần Thiên Tính của Chúa Giêsu ngay khi Người từ cõi chết sống lại, yếu tố nầy thật quan trọng đem lại cho chúng ta một niềm kính tin sùng mộ, bởi vì không một thụ tạo nào làm được như vậy. Có thể nói sau khi Phục Sinh, Người bày tỏ Thiên Tính của Người bởi Thiên Chúa mà ra, nên chi sự xuất hiện của Người trong thời gian nầy là sự sự xuất hiện của một Ngôi Vị Thiên Chúa Nhập Thể làm Người để cứu chuộc loài người trọn vẹn cả Nhân Tính và Thiên Tính.

Tin Mừng (Mt 28 , 16 -20) hôm nay là Tin Mừng Lễ Thăng Thiêng, bậc lễ ngang bằng với Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, bởi vì là Lễ trọng, (Lễ Họ) Lễ cầu cho giáo dân, (chỉ khác là không có tuần bát nhật ). Thánh Matthuê không ghi lại chi tiết Thăng Thiêng của Chúa Giêsu, cũng như bốn thánh sử, không thánh sử nào ghi chi tiết mầu nhiệm Thăng Thiên. Thánh Marco ghi : “ Nói xong, Đức Giêsu được đưa lên Trời và ngự bên hữu Thiên Chúa “. ( Mc 16, 19). Còn thánh Luca ghi : “ Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên Trời.” ( Lc 24, 51).

Như vậy, Thăng Thiên là mầu nhiệm siêu nhiên thuộc về Thiên Tính của Đấng Cứu Thế làm Người Giêsu – Kitô, cũng như mầu nhiệm Phục Sinh thuộc về Thiên Tính hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Nhưng , khác với Phục Sinh, sau mầu nhiệm Thăng Thiêng Người không còn hiện diện hữu hình nơi trần thế. Tuy nhiên, Người vẫn hiện diện trong Thiên tính hoàn toàn với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. ( Mt 28, 20b). Có thể nói,  Thăng Thiên là mầu nhiệm Phục Sinh hoàn tất, Alleluja !

Như vậy, thư Epheso, thánh Phaolo cho chúng ta biết Đức Giêsu- Kitô được siêu tôn trên tất cả mọi quyền lực, chính là Thiên Tính nơi Người. (Ep, 1, 17 -23)

Theo đó, Thăng Thiên là một mầu nhiệm được các chứng nhân tiên khởi là các môn đệ của Chúa Giêsu. (Cv 1, 1- 11). Vâng, bốn con số một của sách Công Vụ Tông Đồ là đoạn Thánh Kinh ghi lại và làm chứng mầu nhiệm lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa của Ngôi Lời làm Người Giêsu- Kitô. Đồng thời minh chứng Thiên Tính nơi Người trong Nhân Tính của một Đấng Cứu Độ duy nhất./. Amen

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ hoàn hoàn uy quyền Thần Tính của Chúa cho chúng con trong mầu nhiệm Thăng Thiên, là Người biểu lộ sự uy quyền trong Thiên Chúa . Xin cho chúng con biết thần phục suy tôn Người trong mọi biến cố cuộc đời, trong mọi nghịch cảnh, vì Người hằng ở cùng chúng con cho đến tận thế. Amen.

home Mục lục Lưu trữ