Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1364376

CỨU RỖI

Cứu rỗi

Ngày nay, nhiều người bi quan khi nhìn vào những bản thống kê về tôn giáo, chẳng hạn số người đi tham dự thánh lễ quá ít, số ơn gọi linh mục tu sĩ giảm sút. Nhiều nơi nhà thờ, nhà dòng đã được hiến cho những tổ chức hoặc cho những tư nhân để sử dụng vào việc khác. Từ đó họ kết luận: Sẽ đến một lúc không còn đức tin trên cõi đời ô trọc này nữa.

Đừng quá bi quan như vậy, vì đó là việc của Chúa. Trái lại, hãy lo cho mình biết tin vào Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã nêu lên một thắc mắc: Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu rỗi? Chúa Giêsu không trả lời nhiều hay ít, nhưng Ngài chỉ nói: Hãy cố gắng mà vào qua khung cửa hẹp. Hãy lo cho đúng cái lo, chứ đừng lo ít lo nhiều chi cả. Hãy lo cho mình được cứu rỗi trước đi.

Về vấn đề này, chúng ta ghi nhận hai thái cực. Thái cực thứ nhất của những người bi quan. Họ thường trình bày một Thiên Chúa nghiêm khắc, hay rình rập để bắt lỗi, rồi tống tất cả xuống hoả ngục. Tôi còn nhớ có một vị giảng thuyết đã bảo muốn biết tỷ lệ những người được lên thiên đàng là bao nhiêu, thì cứ thọc một ngón tay vào hũ gạo, hốt lên được bao nhiêu hột thì đó là số người được lên thiên đàng. Nếu làm theo kiểu này thì có lẽ kết quả sẽ là 100% bị xuống hoả ngục. Có vị còn bảo từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ, ngoài Đức Mẹ, thì chỉ có một người chắc chắn được lên thiên đàng, đó là ông thánh trộm lành, vì chỉ mình ông mới được nghe Chúa phán: Hôm nay ngươi sẽ được ở nơi vinh hiển cùng Ta. Hơn thế nữa, các bức tranh giáo lý thường vẽ đường lên thiên đàng thì nhỏ hẹp, chông gai, ít người dám lai vãng, nên vắng vẻ buồn tênh. Trong khi đó đường xuống hoả ngục thì thênh thang vui sướng, bao nhiêu người chen lấn, vừa đi vừa ăn uống, cười nói, ca hát, hôn hít. Nếu bây giờ nhìn vào bức tranh đó, dám có bạn trẻ sẽ bảo: Tới đâu hay tới đó, cứ vui đi đã, rồi hạ hồi phân giải.

Thái cực thứ hai của những người lạc quan. Họ bảo Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót, chắc chắn Ngài sẽ không để cho bất kỳ một ai phải xuống hoả ngục, trái lại Ngài sẽ cứu chuộc tất cả. Là Đấng giàu tình thương, Ngài sẽ không để cho con cái Ngài phải hư mất. Là Đấng quyền năng, Ngài sẽ không để cho chương trình cứu độ của Ngài bị thất bại.

Thế nhưng cả hai lập trường thái quá trên đây đều sai, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nghĩa là có lý trí, có tự do, có tình yêu nên cũng có trách nhiệm về việc mình làm, chứ không phải như những hình nộm múa may quay cuồng theo sự giật dây được sắp đặt trước. Và khi con người vận dụng khả năng cộng tác vào ơn Chúa để thực hiện ơn cứu rỗi nơi mình, cũng chính là lúc con người sống theo lời chỉ dạy của Chúa, bước qua khung cửa hẹp để vào Nước Trời.

Trong chương trình cứu rỗi, Chúa để cho chúng ta được tự do. Khi chúng ta không chọn Chúa đó là lúc chúng ta tự kết án mình. Thiên đàng là đời sống trường cửu với Chúa, còn hoả ngục là đời sống mãi mãi xa lìa Chúa.

7. Vào khung cửa hẹp – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần. Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học. Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp. Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng. Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.

Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay. Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.

Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.

Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối”(Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ”(Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”(Mc 10,15).

Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”(Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”(Mt 5,3).

Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.

Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thày, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.

Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình”mà theo Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Cửa Nước Trời rất hẹp. Bạn có thấy mình còn cồng kềnh không?

2) Bạn thấy mình cần phải từ bỏ những gì để có thể gọn nhẹ tiến qua cửa hẹp?

3) Tuần này bạn sẽ phấn đấu làm gì để từ bỏ mình?

4) Chúa Giêsu đã làm thế nào để đi vào khung cửa hẹp?

8. Cửa nào Chúa đã đi qua – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một toà nhà đồ sộ, thì bà sung sướng nghĩ thầm: “Bác tài mà còn được ở một toà nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng lộng lẫy đến chừng nào”. Và bà ta xoa tay vui sướng.

Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói:

– Đó là nhà của bà.

Người nhà giàu hoảng hốt, choáng váng đầu óc:

– Nhà của tôi đó thật sao? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như thế được!

Thánh Phêrô vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt.

– Thưa bà, với vật liệu bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi

“Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”(Lc 13,30). Đó là bất ngờ đau đớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có, nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp”mà vào được Nước Trời.

“Những kẻ đứng đầu”có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp”mà vào được Nước Trời.

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”(Lc 13,24). Nếu Chúa đã bảo hãy “chiến đấu”tức là phải nỗ lực cố gắng thật nhiều, phải vất vả gian nan thật lâu, thì mới vượt qua được cửa “hẹp”. Nếu Chúa đã nhắc đến “cửa hẹp”thì phải hiểu là chỉ có những trẻ thơ mới được vào được dễ dàng. Chúa phán: “Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào”(Lc 18,17).

“Cửa hẹp dẫn đến sự sống”(Mt 7,14), “cửa hẹp”đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở. Sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại”(Lc 13,25) thì không cách gì, không lý lẽ chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng; những kẻ cậy dựa vào đạo giòng, vào các việc lành đã làm, vào tài đức đã đắc thủ mà quên đi Đấng mà họ phải kiếm tìm, để sống thân mật, để dâng hiến và để yêu mến Người với tất cả trái tim.

Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang; cửa tiền tài, sắc dục, hư danh; cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: “Ta không biết các anh từ đâu đến”(Lc 13,27).

Lạy Chúa, cửa hẹp thường rất khó vào, nên chẳng mấy người muốn bước qua; nhưng cửa hẹp lại là cửa Chúa đã đi qua, và chỉ qua đó chúng con mới tìm được Chúa.

Xin cho chúng con biết luôn cố gắng, quyết tâm bước vào cửa hẹp, cho dù phải rướm máu hy sinh, cho dù phải bỏ lại những gì mình ưa thích, vì chỉ có Thiên Chúa mới là phần thưởng và là niềm hạnh phúc của chúng con. Amen.

9. Chiến đấu để vào cửa hẹp Nước Trời – Dã Quỳ

Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mẹ Giáo Hội mở cho chúng ta những Cửa Thánh và  luôn nhắc nhớ chúng ta hãy đến, bước qua Cửa Thánh, hành hương trong lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về Cửa Hẹp. Vậy chúng ta cùng dừng lại để nghe Chúa dạy ta làm gì để có thể qua được Cửa Hẹp mà vào, và cánh cửa ấy như thế nào?

Cửa hẹp mà Chúa nói là Cửa vào trong Nước Thiên Chúa, là cửa của những người được cứu thoát từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Khung cửa ấy không để cho những ai cồng kềnh tham sân si vào. Cánh cửa ấy cũng không mở cho ai đó lo thỏa mãn dục vọng. Nhưng khung cửa hẹp chỉ dành cho những người biết chọn lựa cho mình một lối sống theo giới răn và tinh thần của Chúa Kitô. Và cánh cửa hẹp sẽ mở rộng cho người biết ép thân, hy sinh để sống công chính giữa cuộc đời đầy cạm bẫy, quyến rũ, mà không bị Chúa quở trách là “quân làm điều bất chính!” (Lc 13, 27)

“Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống.” (Mt 7,14). Thế nên, theo Chúa là chúng ta đi trên con đường dẫn đến hạnh phúc và sự sống. Dẫu rằng ta vẫn nghe Chúa nói “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”(Mc 8,34) Thập giá hằng ngày của cuộc sống, kẻ theo Chúa hay không theo Chúa đều phải vác. Nhưng những ai theo Chúa thì đón nhận thập giá mà vui và hạnh phúc vì có mục đích. Như người vận động viên, chịu khó, chịu đau khi tập luyện để mong đạt đến một phần thưởng, nên đau mà không khổ sở. Vậy ta vác thập giá theo Chúa thì nỗi đau ấy có một giá trị và sẽ giúp ta thoát cảnh khổ để được sống hạnh phúc, bình an và được hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.

Muốn vào được cửa hẹp, ta phải chiến đấu. Chấp nhận đau đớn để giành lấy sự sống vĩnh cửu. Chiến đấu để được vào cửa hẹp chứ không phải miễn cưỡng hay bị ép buộc. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” Chúa muốn chúng ta hành động với sự cố gắng hết sức để được cứu độ chứ không nửa vời. “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” chỉ vì cái cách họ tìm vẫn là lười biếng, thích an nhàn, thoải mái…! Người Kitô hữu sống cùng và sống giữa một xã hội đầy gian tham, bất công, phân rẽ, sa đọa và hư nát…diễn ra hằng ngày trong mọi hoàn cảnh của đời thường, thì cuộc chiến đấu càng gay go và ta càng phải mạnh mẽ hơn, phải dấn thân và hiến thân hơn theo tinh thần và phong cách của Chúa Kitô.

Chiến đấu để qua được cửa hẹp nhưng cửa lòng ta cần phải rộng mở để yêu thương, phục vụ, chia sẻ và như thế, ta mới có tấm vé để vào cửa hẹp. Chúa Giêsu đã đến trần gian và mở cho chúng ta cánh cửa hẹp Nước Trời. Thời gian Chúa ban cho ta nơi trần gian là thời gian ân phúc, thuận tiện để ta nỗ lực bước vào Cửa Nước Trời. Chúa mong ta sống đức yêu thương cụ thể trong đời thường với những người ghen ghét, vu oan, làm hại… ta. Sống yêu như thế chẳng dễ chút nào nếu ta không chiến đấu với cái tôi ích kỷ và tự mãn! Thực thi việc lành phúc đức, bố thí trong kín đáo và khiêm nhường trái ngược với bản tính khoe khoang, thích biểu diễn cho người đời thấy! Ăn chay, cầu nguyện cách kín đáo và âm thầm cũng không đơn giản so với thói thường của ta hay giả hình, tỏ lộ ra bên ngoài cho mọi người khen ngợi. Không xét đoán, chẳng trả thù nhưng khoan dung, nhân từ như Cha chúng ta. Chẳng gian tham, lường gạt trong buôn bán làm ăn nhưng ngay thật, công bằng. Sống được những  bài học mà Chúa Giêsu dạy, chắc chắn đòi chúng ta phải gồng mình chiến đấu với bản thân, với những cám dỗ. Phải cắt tỉa, kiêng kỵ, tập luyện như một tay đua để rồi ta sẽ giành được phần thưởng là sự sống đời đời.

Sẽ có một ngày thời hạn hết, cánh cửa đóng lại. Vậy ta cần phải quyết định nhanh chóng, không được chậm trễ. Ta hãy khôn ngoan để sống trọn vẹn ngày hôm nay như đó là ngày cuối cùng và cũng hãy chuẩn bị cho ngày hôm nay như là ngày ta đến trước Tòa Chúa. Vì khi hết kỳ hạn, đứng trước cửa, ta sẽ chẳng còn cơ hội, không làm gì cho bản thân được nữa. Chúng ta cũng đừng ỷ lại vào  danh xưng hay vị trí ta có. Dù ta là Kitô hữu, nhưng nếu ta không sống công chính thì ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực. Hay dẫu ta có sống trong cộng đoàn giáo xứ, tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ nhưng đời sống của ta chưa thực sự mến Chúa yêu người thì khi đến trước Chúa, ta sẽ bị xét xử về Tình Yêu. (x. Mt 25, 31-46) Thế nên, chúng ta cần thận trọng như lời thánh Phaolô nhắc: “Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.”(1Cr 10,12)

Ơn cứu độ là ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại. Qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã qui tụ muôn người thuộc mọi dân tộc để hưởng vinh quang với Chúa. Thế nhưng không phải tất cả mọi người muốn đều được cứu, mà chỉ những ai tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Chúa, chọn lựa đi trên con đường chật và cửa hẹp mới được cùng Người hưởng vinh quang. Chúa Giêsu đã chỉ cho ta phương cách và cũng là điều kiện để có thể vào Cửa Hẹp của Nước Trời là phải Chiến Đấu. Phải sống đạo chứ không chỉ giữ đạo. Yêu thương và Phục vụ là phẩm chất cần có của những ai đã hết mình chiến đấu trong chiến trường bản thân của chính mình và nơi chiến trận trần gian đầy cám dỗ hấp dẫn. Ước mong mỗi Kitô hữu chúng ta luôn biết bám chặt vào Chúa, cậy nhờ sức mạnh và ân sủng Chúa giúp, để có thể vững tâm chiến đấu, chiến thắng và nhẹ nhàng, khiêm nhu, thanh thoát bước vào dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ở cùng chúng con trong mọi trận chiến cuộc đời. Xin giúp sức để chúng con can trường đối diện với những thử thách và chiến đấu bước vào cửa hẹp mà Chúa đang mở chờ đón chúng con. Amen.

10. Hãy cố gắng qua cửa hẹp

(Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Chủ Ðề: Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người

“Hãy cố gắng qua cửa hẹp để vào Nước Trời”

(Lc 13, 24)

  1. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Dân Do Thái là dân riêng của Chúa. Còn chúng ta chỉ là dân ngoại. Vậy mà chúng ta đã được Chúa thương, cho chúng ta biết Ngài và quy tụ chúng ta lại trong Giáo Hội của Ngài.

Chúng ta hãy cám ơn tình thương của Chúa, và hãy cầu nguyện để ngày càng có thêm nhiều người được biết Chúa và đến với Ngài.

  1. Gợi ý sám hối

– Rất ít khi chúng ta biết cám ơn Chúa vì ơn được biết Ngài.

– Cũng rất ít khi chúng ta quan tâm làm cho nhiều người khác cũng được biết Chúa như chúng ta.

– Chúng ta ngại đi qua “cửa hẹp”, nghĩa là ngại khó khăn, ngại cố gắng.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Is 66, 18-21)

Đây là đoạn kết của sách Isaia, qua đó Thiên Chúa tỏ cho biết giai đoạn cuối của chương trình cứu độ của Ngài là tất cả mọi dân tộc (chứ không riêng gì dân do thái) sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài.

  1. Đáp ca (Tv 116)

Thánh vịnh này nhấn mạnh lại ý tưởng của bài đọc I: kêu mời mọi nước mọi dân hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa.

  1. Tin Mừng (Lc 13, 22-30)

Hai câu trong đoạn Tin Mừng này đáng chú ý nhất:

  1. 23: Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.

Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

  1. 24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.

– “Đi qua”: Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đổi cách sống) thì mới vào nhà được.

– “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim: xem Mt 19, 24, Mc 10, 25, Lc 18, 25).

Như thế, số lượng những kẻ vào Nước Trời (nhiều hay ít), và lý lịch của những người ấy (Do Thái hay dân ngoại) đều không quan trọng. Vấn đề quan trọng là phải cố gắng đi qua cửa hẹp mà vào.

  1. Bài đọc II (Dt 12, 5-7. 11-13) (Chủ đề phụ)

Đoạn thư Do Thái này bàn đến những gian truân khốn khó.

Như chúng ta đã biết, các kitô hữu gốc Do Thái phải chịu nhiều khốn khó từ phía đế quốc rôma lẫn phía Do thái giáo.

Tác giả cho họ biết rằng những gian nan khốn khó đó là những việc Chúa cho phép xảy ra để thử thách và sửa dạy họ. Mà Chúa thương ai thì mới thử thách và sửa dạy người ấy. Vì thế, họ đừng ngả lòng, trái lại hãy vui mừng vì biết mình được Chúa thương, và kiên trì chịu đựng.

  1. Gợi ý giảng

* 1. “Phải chăng số người được cứu thoát thì ít?”

Hôm đó có người hỏi Chúa Giêsu: “Phải chăng số người được cứu thoát thì ít?” Người hỏi câu này là một người Do Thái. Khi hỏi thế, người Do Thái này mong nhận được câu trả lời là “đúng thế”. Sở dĩ người này mong như vậy là vì dân Do Thái nghĩ rằng ơn cứu rỗi được dành riêng cho dân tộc họ mà thôi.

Một câu hỏi sai phát xuất từ một quan niệm sai. Cho nên Chúa Giêsu không trả lời. Những điều Ngài nói sau đó cho ta thấy Ngài muốn đặt lại câu hỏi cho đúng: “Ai sẽ được cứu rỗi?” và “Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì?”

“Ai sẽ được cứu rỗi?” Thưa: tất cả mọi người: “Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Vì thế, đừng ai nghĩ rằng bởi vì mình thuộc thành phần ưu tiên nên chắc chắn sẽ được cứu rỗi, bởi vì rất có thể khi đó họ phải ngỡ ngàng nghe Chúa nói “Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hãy cút đi cho khỏi mắt Ta”.

“Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì?” Thưa “hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mười vào”. “Qua cửa hẹp” nghĩa là phải sám hối, phải uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng, “ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày mà theo Ta”

* 2. Ai sẽ được cứu rỗi?

Thời Chúa Giêsu nhiều người Do Thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Vì thế khi họ hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi?” thì họ thầm mong Chúa Giêsu sẽ trả lời “Phải” để xác nhận quan điểm của họ.

Nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn xác nhận một quan điểm hẹp hòi như vậy, và Chúa Giêsu cũng không muốn trả lời thẳng câu hỏi của họ. Nếu Chúa đáp “Phải” chỉ có một ít người sẽ được cứu rỗi” thì sẽ sinh hậu quả là những người Do Thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm chắc phần rỗi: vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những người khác không phải là Do Thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ “Ơn cứu rỗi không thuộc về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích”. Ngược lại nếu Chúa Giêsu đáp “Ơn cứu rỗi được ban cho số đông” thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được rồi mà.

Chính vì những lý do nêu trên mà Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa nhắm đến phẩm chất: Ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của một dân tộc nào, của một phe nhóm nào cả, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa dạy. Vì thế mà sẽ có những cảnh trớ trêu:

– Những kẻ trước hết sẽ có thể nên sau hết; ngược lại những kẻ sau hết có thể thành trước hết. Dân tộc Do Thái dù được biết Chúa sớm hơn hết nhưng nếu không sống theo Lời Chúa thì có thể đi sau các dân khác tuy biết Chúa muộn hơn nhưng đã biết sống theo Lời Chúa.

– Chúa còn nói: “Nhiều người từ đông sang tây nam bắc sẽ được mời vào nước Chúa đang khi con cái trong nhà bị đuổi ra”, nghĩa là có thể các dân tộc khác sẽ vào chiếm chỗ dân Do Thái vì các dân tộc ấy đã biết sống theo Lời Chúa.

Trên đây là ý nghĩa trực tiếp của đoạn Tin mừng, áp dụng cho dân Do Thái và các dân khác thời Chúa Giêsu. Còn ý nghĩa hiện thực áp dụng cho thời đại chúng ta ngày nay là: không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh, nghe giảng, v.v. thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo Lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo Lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy.

Giáo thuyết này đưa đến 2 quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: (1) thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin mừng nên vẫn được cái là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm thứ hai là về những người “Kitô hữu ngoại đao”, nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu.

Nếu danh hiệu không làm nên thực chất của người Kitô hữu, thì là cái gì? Thưa là cuộc sống được thể hiện qua những phản ứng của mình trước mọi tình huống trong đời.

Một nữ tu già ngồi sau một chiếc xe đạp, rồi có một chiếc xe hơi trên đó có một số cán bộ chạy lướt qua. Chiếc he hơi lái hơi ẩu nên chạm chiếc xe đạp làm cho bà sơ già té ngửa xuống, dập đầu xuống đường. Những cán bộ trên xe hơi vội vả xuống đỡ bà dậy. Mặc dầu đau lắm nhưng bà cố gắng nói “Không sao đâu các con, xin Chúa chúc lành cho các con”. Câu nói đột ngột đó làm cho các ông cán bộ kia vừa tức cười vừa nghĩ ngợi: tức cười vì các ông ấy đâu có tin Chúa mà cần tới phúc lành của Chúa, nhưng các ông phải nghĩ ngợi vì phản ứng đầy bác ái và đầy đức tin của bà sơ: chỉ có kẻ nào quá quen với tha thứ và lúc nào cũng luôn nhớ tới Chúa mới có thể thốt ra một câu như vậy”. Và sau đó những ông cán bộ ấy hay tới lui chăm sóc và thăm viếng vị nữ tu ấy, lòng rất mến phục.

Đó là những phản ứng, phản ứng thì lẹ làng, bất ngờ nhưng rất trung thực. Trước một tình huống xảy ra, trong lòng mình thế nào thì mình sẽ phản ứng đúng như vậy. Người nào chỉ có đạo trên danh nghĩa nhưng không quen sống theo Lời Chúa thì không thể nào có được phản ứng mang tính chất Kitô giáo đích thực. Như thế, thước đo của lòng đạo chúng ta chính là những phản ứng của chúng ta.

Thí dụ như khi bị trộm mất đồ, không ít người có đạo đã đi coi thầy bói để đoán xem ai đã lấy đồ của mình. Đây rõ ràng là phản ứng của người không đạo.

Còn ông Gióp khi dồn dập nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc đã biết nói “Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa”. Ông còn khuyên người khác “Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa,. Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực.

Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải hể mang danh nghĩa là người Do thái ngày xưa, hay người Công giáo ngày nay là đương nhiên được ơn cứu rỗi; không phải hể có rửa tội, hễ có thường xuyên đọc kinh rước lễ là đương nhiên được ơn cứu rỗi. Nhưng ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin mừng trong mọi tình huống cuộc đời.

Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ là những người Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng thấm nhuần tinh thần Kitô hữu trong cả cuộc sống, trong mọi cách suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình.

* 3. Cửa nào Chúa đã đi qua?

Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một toà nhà đồ sộ, thì bà sung sướng nghĩ thầm: “Bác tài mà còn được ở một toà nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng lộng lẫy đến chừng nào!” Và bà ta xoa tay vui sướng.

Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói:

– Đó là nhà của bà.

Người nhà giàu hốt hoảng, choáng váng đầu óc:

– Nhà của tôi đó thật sao? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như thế được?

Thánh Phêrô vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt:

– Thưa bà, với vật liệu bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi!

*

“Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30). Đó là bất ngờ đau đớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.

“Những kẻ đứng đầu” có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.

“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc 13, 24). Nếu Chúa đã bảo hãy “chiến đấu” tức là phải nỗ lực cố gắng thật nhiều, phải vất vả gian nan thật lâu, thì mới vượt qua được “cửa hẹp”. Nếu Chúa đã nhắc đến “cửa hẹp” thì phải hiểu là chỉ có những người bé nhỏ mới lách qua được, chỉ có những trẻ thơ mới vào được dễ dàng. Chúa phán: “Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào” (Lc 18, 17).

“Cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7, 14), cửa hẹp đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở: Sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khoá cửa lại” (Lc 13, 25) thì không cách gì, không lý lẽ chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng; những kẻ cậy dựa vào đạo dòng, vào các việc lành đã làm, vào tài đức đã đắc thủ mà quên đi Đấng mà họ phải kiếm tìm, để sống thân mật, để dâng hiến và để yêu mến Người với tất cả trái tim.

Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang; cửa tiền tài, sắc dục, hư danh; cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: “Ta không biết các anh từ đâu đến” (Lc 13, 27) (Thiên Phúc)

* 4. Thử thách giúp nên người

Ở một số bộ lạc da đỏ, có tục lệ sau đây: khi một trẻ trai đến tuổi thành niên, người cha của nó sẽ dẫn nó vào rừng, giao cho nó một cây giáo, sau đó người cha rút lui để lại nó một mình trong rừng suốt đêm hôm ấy. Trong đêm đó, nó sẽ phải một mình ở trong rừng, đối diện với nhiều nỗi sợ hãi: sợ cô đơn, sợ bóng tối, sợ thú dữ… Nếu nó hèn nhát đòi theo cha về nhà thì nó vẫn bị coi là trẻ con. Nhưng nếu nó chịu đựng được tất cả và sáng hôm sau rời khỏi khu rừng trở về với gia đình thì nó được chính thức công nhận là người một trưởng thành.

Nếu nói theo bài Tin Mừng hôm nay thì cái đêm khó khăn trong rừng ấy là cái “cửa hẹp”; còn nếu nói theo bài đọc II thì đó là “thử thách”. Có qua thử thách hay cửa hẹp đó thì chàng thiếu niên mới trở thành người.

Tại sao gian nan cực khổ giúp ta nên người?

– Vì nó thanh luyện tâm hồn

– Vì nó rèn luyện đức tính

– Và vì nó sinh nhiều hoa trái tốt

Chẳng những giúp ra nên người, gian nan cực khổ còn giúp ta nên người kitô hữu tốt:

– Sở dĩ Chúa cho phép gian nan cực khổ xảy đến với ta là vì Chúa biết nó có thể làm ích cho chúng ta. Nói ngược lại, nếu nó chỉ có hại thì Chúa đã không cho nó xảy đến với ta.

– Nó khiến ta tìm đến Chúa

– Nó giúp ta cảm nghiệm được quyền phép Chúa

– Nó giúp ta cảm nhận được tình thương của Chúa

– Và nó khiến ta biết thương xót những người gặp hoàn cảnh gian nan cực khổ như ta.

  1. Chuyện minh họa

a/ Cửa hẹp

Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (… ) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài

b/ Tiếng Chúa

Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài hô lớn trong những cơn đau của chúng ta (C. S. Lewis).

c/ Vào thiên đàng

Một Rabbi Do Thái kia có đứa con theo Kitô giáo. Khi ông chết, Chúa Cha cho ông vào thiên đàng. Nhưng ông nói:

– Lạy Chúa, con chẳng đáng vào thiên đàng đâu, vì đứa con của con đã bỏ đạo Giavê để theo đạo Kitô.

– Có sao đâu! Đức Chúa Cha an ủi, Ta thông cảm, Ta thông cảm. Ngày xưa Con của Ta cũng thế!

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu rỗi hết thảy mọi người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin:

  1. Hội thánh luôn mời gọi con cái mình hiên ngang sống đức tin Chúa đã thương ban / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu / biết thể hiện niềm tin của mình qua những việc làm cụ thể trong đời sống thường ngày.
  2. Ở bất cứ thời đại nào cũng đều có người thành tâm thiện chí đi tìm kiếm Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ những ai đang trên con đường tìm gặp gỡ Người.
  3. Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu hiểu rằng / chỉ khi đi vào con đường hẹp của Tin mừng / con đường đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ / họ mới có thể đi tới sự sống đời đời.
  4. Chúa Giêsu nói: / Chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha / mới xứng đáng vào Nước Trời / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết hết lòng tuân giữ lề luật của Chúa, nhất là luật bác ái yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chỉ nguyên danh xưng Kitô hữu chưa đủ bảo đảm cho chúng con vào Nước Trời, vì chúng con còn phải sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận nữa. Vậy xin Chúa củng cố đức tin còn yếu kém của chúng con. Chúng con cầu xin

  1. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Chút nữa khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho “Nước Cha trị đến” để ngày càng có thêm nhiều người nhận biết Chúa và đến với Chúa.

VII. Giải tán

Chúng ta sắp trở lại với cuộc sống hằng ngày với biết bao cực nhọc và đau khổ. Nhưng Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta biết đó chính là những thử thách mà vì yêu thương chúng ta nên Chúa mới gởi đến cho chúng ta. Đó chính là cái cửa hẹp mà chúng ta cần phải qua đó mới vào được Nước Trời. Vậy chúng ta hãy vui lòng đón nhận tất cả những cực nhọc và đau khổ ấy với lòng yếu mến.

11. Con đường sự sống

Chắc không ít người ngỡ ngàng khi Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết là con đường dẫn tới sự sống đích thực và vĩnh cửu là con đường: “Vào qua cửa hẹp”. Và ai biết tìm kiếm và chiến đấu để vào qua cửa hẹp thì được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đó là điều Chúa Giêsu quả quyết cho tất cả chúng ta. Vấn đề không phải là có bao nhiêu người được cứu độ vì “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”; cũng không phải là chuyện ai được tiền định để hưởng sự sống đòi đời “Không phải gọi Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu”! Nhưng vấn đề là làm sao tìm thấy “con đường hẹp” và “vào qua cửa hẹp” cách anh hùng và trung tín.

Vấn đề đặt ra: “cửa hẹp là cửa nào?” Làm sao để có thể tiến bước trong con đường mà cửa hẹp dẫn đưa qua?

Khi nói “Hãy phấn đấu vào qua cửa hẹp”, chắc chắn Chúa Giêsu không nói đến vấn đề rộng hẹp theo nghĩa vật chất, nhưng mang nghĩa tinh thần và thiêng liêng. Nhìn vào chính cuộc sống và chọn lựa của Chúa Giêsu, ta có thể thấy được một vài đặc tính của con đường hẹp:

Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ: từ bỏ những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó có lợi lộc nhiều đến mấy đi nữa! Từ bỏ những quyến luyến hay việc tôn thờ lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục…

Con đường hẹp là con đường của hy sinh: sẵn sàng chịu mất giờ, mất công sức, mất tiền của vì hạnh phúc của anh chị em mình; vui lòng nhường nhịn với những tranh chấp nhỏ nhen vì muốn gây tinh thần hoà thuận với mọi người…

Con đường hẹp là con đường của yêu thương và tha thứ: Con đường của tình yêu và tha thứ là con đường đẹp nhất, nhưng cũng là con đường nhiều chông gai nhất. Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi là cúi mình xuống tận cùng để nâng người khác lên, là sẵn sàng nhận lãnh lấy những chỉ trích, những hiểu lầm của người khác. Cái chết nhục nhằn của Chúa Giêsu trên Thập giá đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta thường rất khác với ý ta muốn. Chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời ta cũng có nghĩa là chấp nhận bỏ mình, trở nên không không để Chúa tự do hành động trong đời ta và ta sẵn sàng bước theo Chúa trên những con đường mới lạ, gập ghềnh và chẳng mấy ai đi! Nhưng Chúa sẽ đưa ta vào con đường huyền nhiệm của yêu thương và sự sống.

Nói tóm, Con đường hẹp là con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã đi. Nhưng xem chừng, con đường hẹp như thế này không mấy hấp dẫn đối với nhiều người hôm nay, nhất là khi cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và giàu sang! Theo lẽ thường, ai cũng thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi. Đó là con đường tự do để hưởng thụ, tự do làm những gì mình thích bất chấp hậu quả.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh với mọi người rằng: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó.” (Mt 7,13). Chúa để cho chúng ta tự do để chọn lấy cho mình một con đường. Trước mắt chúng ta luôn có hai con đường mở ra: con đường hẹp với những hy sinh, chịu đựng, nhịn nhục nhau vì yêu và một con đường rộng thênh thang với đầy dẫy sự hưởng thụ và hấp lực trần gian.

Có một câu chuyện rất hay sau đây tôi xin được kể như một kết thúc: “Một thanh niên giàu có than phiền với bạn: “Người ta không thích tôi. Họ cho rằng tôi ích kỷ và keo kiệt. Nhưng tôi đã hứa là sau khi tôi qua đời, tôi tặng tất cả những gì tôi có cho một tổ chức từ thiện”.

Bạn anh nói: “Ồ, câu chuyện của bạn làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa Bò và Heo. Heo đến phàn nàn với bò: ‘Người ta luôn nói tốt về bạn. Vâng, điều đó là sự thật, vì bạn cho họ sữa. Nhưng họ nhận nơi tôi nhiều hơn: dăm bông, thịt muối, mỡ và có khi họ nấu cả chân tôi. Chẳng ai giống tôi. Nhưng đối với họ, tôi chỉ là một con lợn, một con lợn để làm thịt. Tại sao thế?’

Bò suy nghĩ một lát và nói: ‘Có lẽ điều đó đúng. Nhưng bạn chỉ cho thịt khi bạn chết rồi; còn tôi, tôi cho sữa ngay lúc tôi còn sống.”

12. Cửa Hẹp, Lối Đi Hẹp – An Phong

Tin Mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên C là những lời nhắn nhủ của Đức Giêsu: “Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào”. Như người chủ đóng cửa ngôi nhà lại, thì Đức Giêsu cũng sẽ “đóng” bữa tiệc cánh chung, ngăn không cho những người làm điều ác, những người không nhận biết Người đi vào tham dự. Bàn tiệc Nước Trời dành cho những ai thành tâm thiện ý, “mến Chúa và yêu người”.

“Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào”. Đó là lời nhắn nhủ của Đức Giêsu cho tất cả mọi người. Vào thời Đức Giêsu, những lời này là một thách đố đối với người Do Thái. Vì họ luôn tin rằng, họ sẽ có phần trong thời đại sắp đến, trong bàn tiệc Nước Trời, bởi vì họ là dân đặc tuyển, được ưu tiên. Đức Giêsu đã loại trừ quan niệm đặc tuyển này. Điều quan trọng là họ có thực hiện những lời Người dạy dỗ hay không.

Đời sống kitô hữu là một hành trình thiêng liêng đi qua cửa hẹp. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến nỗ lực, nhiều nỗ lực để có thể vượt qua cánh cửa hẹp. Để có được một đời sống hạnh phúc, một gia đình tốt đẹp… chúng ta cần đi qua “cửa hẹp”, cần nhiều nỗ lực, cần hy sinh, cần chiến đấu, “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Tôi”.

Nhưng cánh cửa hẹp này chỉ được mở từ bên trong, vào một lúc nào đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới quyết định mở và mở lúc nào, tức là Người quyết định tất cả. Thiên Chúa mở cánh cửa hẹp, bởi vì cánh cửa tâm hồn chúng ta còn hẹp. Để đi vào vương quốc Tình yêu, chúng ta cần loại bỏ sự hẹp hòi, kiêu ngạo, những gì chống đối lại tình yêu. Nói khác, cánh cửa tâm hồn chúng ta có rộng mở thì cánh cửa vương quốc Tình Yêu mới rộng mở. Đó là lý do tại sao lối vào vương quốc của Thiên Chúa đòi cố gắng và hy sinh.

“Người đứng chót sẽ lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Những người từ phương Đông, Tây, Nam, Bắc dường như là những người đứng chót, nhưng lại là người đầu đi vào Nước Thiên Chúa. Còn những người bị ở ngoài dường như là những người đã từng “ăn, uống” với chủ nhà, đã từng nghe những lời giảng, dạy… Nói chung, họ là những người ở gần chủ. Họ đồng bàn với chủ, nhưng lòng họ thì lại xa chủ. Thế nên ông chủ tuyên bố: tôi không biết các anh là người ở đâu cả.

Là người kitô hữu, chúng ta thuộc về Giáo hội qua bí tích Rửa tội, chúng ta “gần” Đức Kitô hơn những người chưa lãnh bí tích Rửa tội, nhưng có thể chỉ là “sự gần gũi bên ngoài”. Trong khi đó, những người không phải là kitô hữu, họ dường như “xa” Đức Kitô, nhưng họ lại rất gần Người qua việc đáp trả lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong lương tâm họ. Họ là những “kitô hữu vô danh”.

Nếu các người đĩ điếm và những người thu thuế đi vào Nước Thiên Chúa trước cả những người Pharisêu, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng có nhiều người không phải là kitô hữu cũng sẽ đi vào Nước Thiên Chúa trước nhiều người kitô hữu.

Phải chăng chúng ta là những kitô hữu “theo lý lịch?”

Phải chăng chúng ta “ở trong nhà” nhưng lại “không gần” Đức Giêsu?

Lạy Chúa,

xin dạy chúng con biết đi qua cánh cửa hẹp

để chúng con có thể bước vào vương quốc của Chúa,

vương quốc của Tình Yêu.

Chìa khóa mở cửa vương quốc này là các mối phúc thật.

Nhờ các mối phúc,

chúng con sẽ nhận ra

cái gì là chính yếu, quan trọng, trường cửu

cái gì là phụ tùy, phù phiếm, chóng qua.

Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi sự tự mãn,

là người kitô hữu, nhưng lại là “kitô hữu theo lý lịch”.

Xin giải thoát chúng con khỏi mọi sợ hãi,

sợ thiếu thốn, sợ hy sinh, phấn đấu.

Amen.

home Mục lục Lưu trữ