Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1375504

ĐẤNG PHẢI ĐẾN ĐÃ ĐẾN

ĐẤNG PHẢI ĐẾN ĐÃ ĐẾN-  PM. Cao Huy HOàng

Thánh Gioan Tiền Hô không thể không lên tiếng cảnh cáo cách sống vô luân của Hêrôđê Antipas, con của Hêrôđê chung sống với nàng Hêrôđiađê, là vợ của Philipphê, anh ông ta. Và kết quả là ông bị giam trong tù.

Rõ ràng là Thánh Gioan không chỉ kêu gọi mọi người hãy sám hối, hãy dọn đường cho Chúa đến, mà còn chỉ rõ ra việc cần làm ngay, cần khắc phục chấn chỉnh ngay, mà không hề ngán sợ vòng ngục tù lao lý.

Việc Thánh Gioan ở tù, không phải là thất bại của vị ngôn sứ, nhưng là việc phải đến cho người dọn đường cho Chân Lý của Thiên Chúa. Thiên Chúa tôi luyện niềm tin và hy vọng của ngôn sứ của Ngài trong ngục tù trần gian.

Ngục tù trần gian có thể làm cho lòng người ta hoang mang nao núng, nhưng Thánh Gioan đã tìm được phương thế vượt qua điều ấy bằng cách sai các môn đệ mình gặp trực tiếp Chúa Giêsu. “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? “Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11, 3-6)

Nghe thuật lại thế nầy, thì chắc chắn Thánh Gioan sẽ liên hệ ngay tới lời tiên báo của Tiên Tri Is 35,1-6a, 10, và như thế, niềm tin của Ông và các môn đệ được Thánh Kinh soi dẫn và củng cố: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 4-6)

Đấng Cứu Thế, “Đấng Phải Đến, Đã Đến” là ông Giêsu quá tầm thường như thế, là một con người thật, sống giữa con người và sẻ chia những nỗi bi thương nhất của con người. Ngài đã sẻ chia cách cụ thể là đến thăm dân người, và thi thố quyền năng và tình thương của Thiên Chúa qua các phép lạ. Ở nơi Ngài, chúng ta gặp được bình an, niềm vui, và hạnh phúc mà con người trần gian không ban tặng được. Đó phải là niềm tin của mỗi chúng ta trong những ngày Mừng Đón Chúa Giáng Sinh.

Bởi vậy, Chúa nhật 3 mùa vọng là Chúa Nhật Hồng, một màu hồng của niềm vui Giao Duyên Trời với Đất, niềm vui của Đôi Tân Hôn mà chàng rể là Chúa Giêsu Kitô và hiền thê của Ngài là Giáo Hội, là chúng ta, là mỗi người. Một màu hồng hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc là được sống với Chúa Giêsu “Đấng Phải Đến, Đã Đến”. Và cụ thể niềm hạnh phúc ấy, là được sống trong Giáo Hội của Ngài, nơi đây, không chỉ là dung mạo, là khuôn mặt là hình ảnh của Chúa Giêsu mà còn là chính Chúa Giêsu đang tác động trong và qua Giáo Hội.

Bạn và tôi đều có thể đã có hơn một lần cảm nghiệm tuyệt vời về nỗi mong đợi “Đấng Cứu Thế” đến trong Giáo Hội, nơi các Bí tích, và trong cuộc đời

-Hơn một lần bạn và tôi cùng với cả bà con trong Giáo Xứ ước mong và khẩn xin có một Linh Mục đến để dâng Thánh Lễ, và ban các bí tích. Nhất là ở các Giáo xứ vùng sâu, vùng xa thì nỗi khát mong càng mãnh liệt hơn. Một lần như thế, cho chúng ta mỗi cảm thông sâu sắc với những nơi, đến hôm nay, vẫn còn một Mùa Vọng dài đôi ba chục năm, năm bảy chục năm mà chưa thấy bóng dáng “Đấng phải đến, đã đến”.

Hơn một lần, cảm xúc sung sướng trào dâng khi được đón Linh Mục Quản xứ Tiên khởi như đón chính “Đấng phải đến, đã đến”. Có người mừng đến rơi lệ vì cảm nghiệm được ơn Chúa đã thương đáp lại nỗi khát mong của dân Ngài. Và từ cảm nghiệm ấy, chúng ta sống được niềm vui của bao nhiêu giáo xứ, bao nhiêu con người thỏa niềm khao khát

-Gần hơn, thường xuyên hơn, chúng ta đã hồi hộp đợi chờ gặp được Đấng Cứu Thế nơi tòa Giải tội, để xưng thú tội lỗi, để quyết tâm sám hối, để được thứ tha và nhất là để tình yêu nên trọn vẹn.

-Và gần hơn nữa, lòng chúng ta thấy đói, thấy khát của ăn của uống Thường Sinh là chính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể.

-Hình ảnh “Đấng Phải Đến, Đã Đến” còn là hình ảnh của những con người đang đứng ngay trước cửa nhà mình, ngay trong cuộc sống thường ngày, nơi những người ta gặp, và nhất là nơi những người nghe và thực hiện công việc của Đấng Cứu Thế là yêu thương nhân loại. Cho dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân và kể cả những người bần cùng tội lỗi bệnh tật yếu đuối nhất trong nhân loại, khi đã đến với mỗi chúng ta, thì thiết nghĩ việc tiếp đón của chúng ta cũng phải đàng hoàng như tiếp đón “Đấng phải đến, đã đến”.

Một người bạn làm gương cho tôi việc nầy, là anh ta chọn cho mình câu “Đấng phải đến, đã đến” làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Và điều đã xảy ra là anh ta luôn sẵn lòng lịch sự, yêu thương và sẻ chia với hết mọi người. Anh ta có một cuộc sống bình an, hạnh phúc, vì anh ta không những tiếp đón “đấng phải đến đã đến” mà còn sống tinh thần của Đấng Cứu Thế là đem lại niềm vui cho mọi người.

Gần đây, trong Giáo Hội và ngay tại Giáo Hội Việt nam, lại trổ ra những tâm thức nghi hoặc, hoang mang, bất ổn, vẫn đặt câu hỏi với Giáo Hội rằng “Ông có phải đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi đấng khác”. Xảy ra điều ấy, vì có tư tưởng nghi hoặc rằng người này, người kia, không phải “Đấng Nhân Danh Chúa Mà Đến”, nhưng lại là nhân danh mình hoặc nhân danh nhà nước thế gian mà đến.

Đáng tiếc thay, vì thiếu cảnh giác hoặc vì chủ quan, đã tạo cơ hội cho những sự hỗn độn của trần gian len lõi vào bên trong nội thất của Giáo Hội để làm mất đi sự bình an hiệp nhất và cả sự thánh thiện cần có. Vì thế, thay vì “Đấng phải đến đã đến” đem niềm vui, niềm hy vọng cho dân Chúa thì “người đã đến” đem lại cho dân Chúa bao nỗi sầu thương thất vọng, thay vì giải thoát dân Chúa khỏi những bức bách thì lại đặt vào cổ dân đen những ách nặng nề.

Trong giai đoạn hỗn độn do những kịch bản của ma quỷ, làm chúng ta bán tín bán nghi về sự chân chính của sứ vụ mỗi người, tạo nên những thất vọng và mất kiên nhẫn, Thánh Giacôbê đã kịp thời gửi thông điệp đến chúng ta. “Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa” (Jac 5, 9-10)

Lời Chúa chúa nhật thứ ba mùa vọng mang đến cho chúng ta niềm vui nhưng cũng nhắc nhở cho mỗi chúng ta phải trở thành một niềm vui cho người khác.

Niềm vui ấy là làm cho “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Và cụ thể hơn trong toàn cảnh Việt Nam, niềm vui ấy là làm cho người xa rời nhà thờ trở về với Hội Thánh Chúa, người nghèo khổ bất hạnh có được niềm an ủi, được thăm viếng; người bệnh tật được giúp đỡ, người bị áp bức được đồng thanh tiếp cứu, công lý, sự thật được tôn trọng và nhất là nhân phẩm con cái của Thiên Chúa được bảo vệ đúng mức, không thể để cho thế lực gian tà chà đạp.

Lạy Chúa, chúng con được vui mừng tiếp đón Đấng Cứu Thế. Xin cho cuộc sống chúng con mang lại niềm vui cho mọi người. Amen.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- NĂM A

NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC

Thưa anh chị em,

Chúa nhật III mùa vọng được gọi là Chúa nhật hồng. Đây là Chúa nhật của niềm vui vì giờ cứu độ đã gần kề. Giờ của hân hoan, của hy vọng vì đã tới ngày Thiên Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Khởi đầu lời nguyện nhập lễ, mẹ Giáo hội dẫn chúng ta vào chính niềm vui thánh thiện ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả, để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề.

Xưa kia, dân tộc Do thái sống trong cảnh lưu đầy cơ cực, đêm ngày họ khao khát mong chờ Đấng cứu Độ đến giải thoát, thì Thiên Chúa dùng miệng Tiên tri Isaia loan báo cho họ thấy, ngày Thiên Chúa đến, Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự khô cằn chết chóc, như hoang địa đón được mùa mưa, như cây cối mong chờ mùa xuân ấm áp, trổ sinh hoa lá mới và đem lại hương sắc và hồi sinh cho trái đất. Thì ngày Thiên Chúa đến, Ngài cũng sẽ biến những tâm hồn khô cằn thành mảnh đất màu mỡ, biến cuộc đời héo tàn trổ sinh hoa lá mới.

Vị Tiên tri còn cho thấy niềm vui sâu xa mà Thiên Chúa mang đến. Ngài đến không phải để kết án. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài là Thiên Chúa của yêu thương, khi Người đến, mắt người mù sẽ nhìn thấy, tai người điếc được nghe, người câm nói được và người què nhảy nhót như nai. Ngài là hoàng tử của bình an và hoan lạc. Ngài đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Ngài giúp con người khống chế những thói hư tật xấu để sống tràn đầy niềm vui và bình an.

Thánh Phaolô cũng ngõ lời với các tín hữu thời sơ khai: “Anh em hãy vui lên, hãy vui lên trong niềm vui ơn cứu độ, vì Chúa sắp đến rồi” (Pl 4,4).

Và đỉnh cao của niềm vui này, chính là trong đêm Chúa giáng sinh, đạo binh các thiên thần từ trời xuống hát mừng và loan tin vui cho các chú Mục đồng: “Đây ta báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân, đêm nay Đấng cứu độ đã giáng sinh cho chúng ta” (Lc 2, 10).

Như vậy, Đức Giêsu chính là niềm vui mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại. Niềm vui của một vị Thiên Chúa vì xót thương nhân loại, nên đã hạ cố xuống trong lòng nhân thế, tên Ngài là Emmanuel.

Trong niềm vui này, Mẹ Maria là người diễm phúc đón nhận đầu tiên, khi tổng sứ thần Gabriel loan báo trong buổi truyền tin: “Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Khi đón lấy niềm vui Giêsu trong lòng, Mẹ Maria liền cất lên lời ca tụng” Tâm hồn tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa là Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46).

Rồi ngay từ trong lòng thân mẫu, Gioan tẩy giả cũng vui mừng trước Đấng cứu độ. Ông vui vì được làm tiền hô cho Đấng Cứu thế. Ông vui được làm người đi trước dọn đường để Đức Giêsu mang ơn cứu độ đến.

Thế nhưng, niềm vui không được tròn đầy, chỉ vì dám nói thẳng nói thật vạch tội loạn luân của vua Hêrôđê, mà Gioan bị bắt giam trong ngục. Ngồi trong tù, nghe các môn đệ của mình đến thắc mắc về những việc lạ lùng Đức Giêsu đang thực hiện, thì Gioan đã cử hai người đến gặp Đức Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng Thiên Sai không?.

Các nhà chú giải Kinh thánh giải thích rằng: Gioan tẩy giả sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu là vì ngài muốn chứng minh cho các môn đệ của mình hiểu rõ hơn về sứ mạng của Đức Giêsu, để rồi họ dám tạm biệt Ông mà đi theo Đức Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Khi được cưu mang niềm vui Giêsu trong lòng, Mẹ Maria không giữ riêng cho mình, nhưng vội vả lên đường mang niềm vui đó đến chia sẻ cho người khác.

Gioan tẩy giả cảm nghiệm được niềm vui Giêsu, ông không giữ riêng cho mình, nhưng ra đi loan tin vui rao giảng sự sám hối, chuẩn bị cho dân chúng đón nhận niềm vui là chính Đức Giêsu.

Các Mục đồng khi đến máng cỏ Bêlem gặp thấy Hài Nhi Giêsu, họ trở về tung hô ca ngợi Chúa, về tất cả những gì họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Chúng ta cũng vậy, mỗi khi rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể trong lòng, noi gương Mẹ Maria; bắt chước Gioan Tẩy giả và các chú Mục đồng, là hãy mang niềm vui Giêsu, đi chia sẻ cho những người chúng ta gặp gỡ.

Tiếp tục sống tinh thần sám hối của Mùa Vọng, mỗi người chúng ta hãy dọn cho Chúa Hài đồng một máng cỏ tâm hồn, được đan kết bằng những cọng rơm của lòng sám hối cải thiện đời sống. Cùng đắp cho Chúa Hài Đồng tấm khăn được dệt bằng những việc làm  bác ái, hi sinh…

Chúng ta cầu nguyện cho nhau, xin Chúa ban cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui có Chúa ở cùng ở với chúng ta, để rồi chúng ta cũng biết chia sẻ niềm vui ấy cho những người khác ngay trong môi trường sống của mình. Amen.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- NĂM A

MỘT ĐẤNG CỨU THẾ HOÀN TOÀN KHÁC- Lm. Phêrô Lên Văn Chính

 Càng lúc Giáo hội càng tiến gần tới ngày lễ Giáng sinh, lời Chúa càng thôi thúc và vang lên những lời mời gọi vui mừng vì Chúa sắp đến để ban tặng cho con người vinh quang Thiên Chúa, sự hiện diện gần gủi của Thiên Chúa. Sứ điệp cứu độ đầy tràn vui mừng hân hoan vang lên thôi thúc nhắc nhớ lại những lời hứa năm xưa cho đoàn dân đang sợ hãi vì quân thù đe doạ, họ không phải sợ hãi gì bởi vì Thiên Chúa sẽ đến với họ để bảo vệ, gìn giữ họ, ngay cả bênh vực họ chống với quân thù : “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.”

          Tâm tình của Chúa nhật tuần này gợi lại tâm tình của thánh Gioan tẩy giả, người tiền hô nhiệt thành của Đấng cứu thế. Hơn ai hết, Gioan là người chờ đợi Đấng cứu thế mà ông đã mô tả đầy quyền năng và sẽ hành động mạnh mẽ quyết định.  Nhưng hiện nay, cung cách hành động của Đấng cứu thế làm ông kinh ngạc và hoang mang. Đấng cứu thế hiền lành làm bạn với những người tội lỗi, thăm viếng an ủi chữa lành những người bệnh tật. Từ trong tù, ông  sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn đợi Đấng nào khác?”. Chúa Giêsu đã trả lời cho các sứ giả của Gioan bằng cách nhắc lại lời tiên tri xưa: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại và Tin mừng được rao giảng cho người nghèo. Chúa Giêsu đã thực hiện một đường lối cứu thế mới mẻ và phù hợp với những lời loan báo của các tiên tri. Đấng cứu thế không đánh đuổi quân thù, không trừng phạt những người tội lỗi mà lại chữa lành những bệnh tật, thương tích của con người để làm cho họ được tự do và hạnh phúc thực sự, được cảm nếm ơn chữa lành, giải thoát và cứu độ của Thiên Chúa. Gioan không phải là người đặt kỳ vọng nơi những thành quả vang dội của Đấng cứu thế, nhưng ông cũng là một con người với tầm nhìn giới hạn đứng trước điều mới mẻ đầy tràn sức mạnh Thánh Thần của Đấng cứu thế, và ông đã ra đi như một con người đã làm chứng với cái chết trung tín của một con người mạnh mẽ và khiêm tốn cho Đấng cứu thế. Điều mới mẻ của Đấng cứu thế sẽ định hướng cho niềm vui và chờ đợi của chúng ta. Người không đến để hoàn toàn ủng hộ cho những dự định trần thế của chúng ta, nhưng người lại đến với những lời nói và những việc làm hoàn toàn mới mẻ bất ngờ để soi sáng cho con đường mà chúng ta đang đi, để định hướng cho những chọn lựa và thái độ sống của chúng ta. Cũng như Gioan tẩy giả, chúng ta được mời gọi tin tưởng, nhìn những gì người đã làm và lắng nghe những gì người dạy bảo. Đấng cứu thế hoàn toàn vượt quá những gì chúng ta có thể hình dung theo cái nhìn hạn hẹp của mình. Chúng ta chỉ có thể thực sự hiểu người với lòng tin tưởng tuyệt đối, dù cho cung cách hành động của người khác với cách hành động của chúng ta. Lời người rao giảng khác với những gì chúng ta chờ đợi, không đặt chúng ta trong vị trí của những người đang vui mừng vì thành công hay đang có sức mạnh chiến thắng, đang được hạnh phúc sung sướng vì có của cải vật chất đầy đủ nhưng lại thúc đẩy chúng ta biết sống khiêm nhường và phục vụ, biết hy sinh chính mạng sống của mình, biết tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù, dám chấp nhận mất mát ngay chính sự sống của mình.

Bi kịch của Gioan cũng chính là bi kịch của chúng ta ngày nay, của niềm hy vọng đặt vào Đấng cứu thế của chúng ta. Chúng ta chờ đợi một Đấng cứu thế làm phép lạ để chữa lành những bệnh tật, giải thoát chúng ta khỏi những đau khổ đang đè nặng đời sống vì nợ nần, mất mát của cải tài sản, vì bao nỗi buồn ám ảnh thân phận của mình vì bị phản bội trong tình yêu, để ban cho chúng ta mọi của cải giàu có hạnh phúc của một đời sống vật chất đầy đủ. Thế nhưng, mùa vọng với biết bao lời hứa vang dội tốt đẹp lại làm chúng ta chờ đợi mòn mõi hoang mang không nhìn thấy hòa bình hạnh phúc rõ rệt. Chúa Giêsu vẫn trả lời như đã trả lời cho Gioan tẩy giả đang ở trong tù, mời gọi ông nhìn vào những gì Người đang làm. Sức mạnh chữa lành và thay đổi thân phận con người của Đấng cứu thế vẫn đang thực hiện cách âm thầm nhưng mạnh mẽ trong thế giới. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan tẩy giả thúc đẩy chúng ta có một khám phá mới về Đấng cứu thế, người không đến để chúc lành cho những sáng kiến của chúng ta, người không nhất thiết đã nói thuận lợi cho những xác tín của chúng ta. Người đến với những lời rao giảng hoàn toàn mới mẻ để soi sáng cho hành trình mà chúng ta đang đi, để định hướng và ban tặng cách quyết định cho hành trình này đạt đến cùng đích của nó. Chúng ta được mời gọi cùng với Gioan tẩy giả có hiểu biết mới mẻ về Đấng cứu thế tràn đầy Thánh Thần và tràn đầy sức mạnh và khôn ngoan này của Thiên Chúa  mà chúng ta chỉ có thể hiểu biết dựa trên lòng tin vào Lời của người.

Mùa Vọng mời gọi chúng ta định hướng cuộc đời theo Đấng cứu thế dù khi cung cách hành động, lời người rao giảng khiến chúng ta phải ngạc nhiên ngỡ ngàng. Người không đến để mang lại cho chúng ta mọi điều mình ao ước hay chờ đợi nhưng người thực sự mang lại những điều lớn hơn cả những gì chúng ta đang chờ đợi. Niềm hy vọng và niềm vui của mùa Vọng là như thế, đây là sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa đang triển khai, vượt mọi tầm nhìn hay hiểu biết giới hạn của con người, xuyên qua con đường của sự khó nghèo, hiền lành, tha thứ, phục vụ và dám chấp nhận mọi mất mát đau khổ trong cuộc đời hiện tại. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn, không phải là để chúng ta biết được ngày hay giờ của Con người, giờ Chúa đến viếng thăm nhưng thúc đẩy chúng ta sống giây phút hiện tại với một trái tim khai mở cho điều mới mẻ của Thiên Chúa, cho sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa. Mùa Vọng làm cho chúng ta biết hy vọng và tin tưởng giữa bao nghịch cảnh và đau khổ. Hoa trái của lòng tin tưởng Mùa Vọng này vào Thiên Chúa là Đấng cao cả lớn lao hơn những dự tính nhân loại của chúng ta. Ngay cả đón nhận sự giáng sinh khó nghèo của hài nhi trong máng cỏ như là sức mạnh của Thiên Chúa, đón nhận sự thiếu thốn mọi phương tiện vật chất như là sự giàu có của Thiên Chúa, đón nhận sự bỏ rơi khinh bị của mọi người như là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đang đến, giải thoát con người khỏi mọi thái độ chiếm hữu của cải. Cuối câu trả lời của Chúa Giêsu có một câu nói đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng Gioan quả thực là một người tiền hô của Đấng cứu thế vì Gioan đã sống một đời sống khắc khổ xứng đáng, Gioan đã chu toàn sứ vụ của mình cách hoàn hảo. Nhưng Chúa Giêsu cũng nói thêm: “Trong con cái người nữ sinh ra, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả, nhưng người nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông”. Đây sẽ là một tiêu chuẩn đánh giá mới mẻ và đảo lộn khi Chúa Giêsu đưa ra một cái nhìn mới. Đối với cái nhìn thông thường, Gioan là người cao trọng bởi vì ông đã chu toàn trọng trách của người rao giảng sự sám hối để đón nhận Đấng cứu thế. Nhưng từ nay, với sự xuất hiện của Đấng cứu thế, sẽ xuất hiện thế hệ những con người mới cao trọng vượt mọi đánh giá của chúng ta. Đó là những con người mới mà đôi khi chúng ta coi thường nhưng lại được Chúa Giêsu yêu mến, đó là những người nghèo, những người hiền lành, những người đói khát, những người trong sạch, những người bị bắt bớ, họ quả thực là những người lớn lao trong nước Trời, bởi vì họ là những người đã đáp ứng những tiêu chuẩn mới mẻ của Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu tôn vinh.

home Mục lục Lưu trữ